Hôm nay,  

Chính Sách Tận Diệt Người Hmong Của Cộng Sản Lào

04/07/200300:00:00(Xem: 5907)
Trong những ngày qua, tin tức thế giới loan tải nhiều về những cuộc chạm súng hay phá hoại xẩy ra trên đất Lào. Những vụ này được biết là do du kích người Hmong thực hiện, những lực lượng đã từng được cơ quan tình báo CIA tuyển mộ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam để chiến đấu chống lại cộng sản. Bây giờ họ lại phải chiến đấu để sinh tồn. Câu chuyện sau đây do báo Time Asia vừa đăng tải, tường thuật về những người du kích Hmong đang cầm súng chiến đấu do các nhà báo Tây phương can đảm đột nhập vào vùng chiến địa để thực hiện. Cũng trong nỗ lực này mà một nhà báo Bỉ, một nhà báo Pháp và một thông dịch viên người Mỹ đã bị bắt và bị kết án nặng nề. Xin mời qúy độc giả đọc sau đây.
Có hàng trăm người, có lẽ vào khoảng cả một ngàn. Họ khóc than và quỳ trên mặt đất trước mặt tôi, kêu thét: "Làm ơn giúp chúng tôi, cộng sản đang tới." Tôi đã cuốc bộ bốn ngày trời để đến được nơi này, bị bỏ hoang nằm sâu trong những khu rừng nhiệt đới của Xaysomboune, ở Bắc Lào. Những quân du kích người Hmong phủ phục trước mặt tôi đã tin rằng họ sẽ sắp phải chết hết cả. Họ biết họ là một bộ tộc bị quên lãng, bị tiêu diệt bởi một chiến dịch quân sự mà các nhà lãnh đạo cộng sản của đất nước nhỏ bé nơi họ nương náu phủ nhận.
Trong tất cả những năm làm báo, tôi chưa từng bao giờ trông thấy bất cứ cảnh tượng nào như vậy: một quân đội những người nghèo khổ với những gia đình đang than khóc đi theo, cầu xin tôi loan tin về cảnh ngộ tuyệt vọng của họ với thế giới bên ngoài. Tôi đi giữa những đứa trẻ đang đói rét, những thân mình bé xíu của chúng mang đầy vết sẹo do mảnh đạn súng cối. Những người đàn ông trẻ mang súng trường và đeo trên lưng những đứa nhỏ mắt lờ đờ xé áo cho tôi xem những vết thương trên thân mình họ. Một ông già túm lấy tay tôi đưa lần theo những đường ngoằn nghèo của mảnh đạn chôn sâu trong ruột ông. Một cô gái nhỏ, không lớn hơn 15 tuổi, thút thít dưới chân tôi, bấu hai bàn chân tôi và la khóc: "Họ đã giết chồng tôi. Họ đã giết mẹ tôi, cha tôi, anh tôi". Nhưng trước khi cô có thể nói xong câu chuyện thương tâm của cô, những người khác đã xô cô sang một bên để nức nở những lời cầu than mất mát của họ. Trong nơi tận cùng đen tối này, không có ai là người duy nhất đau khổ.
Giờ đây, lần đầu tiên trong gần 3 thập niên, nhóm người ngày càng bị thu nhỏ và bị xã hội ruồng bỏ này đã hoàn toàn bị bao vây bởi quân lính của chính phủ Lào săn lùng họ. Họ mắc kẹt trong một con đường nằm sâu trong rừng rậm, các con đường tẩu thoát đã bị khóa chặt bởi lính của chính phủ hoặc mìn bẫy giết người. Moua Toua Ther, 46 tuổi, người lãnh đạo chỉ còn một cánh tay của cái trại này cũng là người chỉ huy của lực lượng chiến đấu được trang bị ít ỏi của nó nói: "Lần này, chúng tôi sẽ không thể chạy hay ẩn trốn. Khi trực thăng đến, chúng tôi sẽ bị tàn sát như những con thú hoang."
Những người này thuộc về sắc tộc Hmong, là con, cháu, hay là chắt của những chiến sĩ đã chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ trong những năm 60 để chống lại cộng sản ở Lào trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều du kích quân Hmong này thuộc về lực lượng đặc biệt Mỹ đội mũ bê-rê đen, đã giúp giải cứu những phi công Hoa Kỳ bị bắn rớt trong những phi vụ thả quân và đồ tiếp liệu ra miền Bắc Việt Nam hay dọc theo con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh. Chính quyền cộng sản Pathet Lào và cộng sản Hà Nội không bao giờ quên việc người Hmong đã cộng tác với người Mỹ. Một thời gian ngắn sau khi Pathet Lào nắm quyền ở Lào vào năm 1975, 2 năm sau khi người Mỹ rút khỏi quốc gia bé nhỏ này và để mặc cho người Hmong đối phó với số phận của họ, một tờ báo của nhà nước cộng sản Lào tuyên bố rằng họ sẽ tận diệt "những tên phản bội" này và gia đình của họ cho đến tận gốc rễ. Nhưng cho đến khi một phóng viên của báo Time ở Hoa Kỳ tiếp xúc được với một trong những người Hmong cuối cùng, thì không ai ngờ rằng cho đến 28 năm sau, chính quyền cộng sản Lào vẫn còn tiếp tục theo đuổi chính sách dã man này.
Người Hmong di cư sang Lào từ tây nam Trung Quốc vào thế kỷ 19, và đã luôn luôn là một dân tộc kiêu hãnh và hiếu chiến. Vào những năm 1920 một cuộc nổi loạn của người Hmong đã nổ ra chống lại những người Pháp thống trị họ ở hầu hết nước Lào và phía bắc Việt Nam, cuối cùng thất bại nhưng đã để lại hậu quả là hàng ngàn người chết. Khi người Pháp rút khỏi Lào năm 1953, người Hmong lại chiến đấu, lần này chống lại nguy cơ của chủ nghĩa cộng sản. Trong số những người chống đối có một tướng trẻ Hmong tên là Vàng Pao, người đã được CIA trang bị vào năm 1961 để xây dựng một quân đội bí mật nhằm ngăn chặn sự tiến quân của cộng sản. Trong suốt 10 năm sau đó người ta cho rằng đã có gần một nửa trong số 40.000 quân Hmong trong quân đội của Vàng Pao đã bỏ mạng trong cuộc chiến. Sự hy sinh của họ đã được phần thưởng gì" Hiệp định Paris năm 1973 về việc ngừng bắn cũng đánh dấu sự kết thúc viện trợ của Hoa Kỳ. Vàng Pao đã tiếp tục chiến đấu hai năm nữa, nhưng khi sự việc trở nên rõ ràng là lực lượng Pathet Lao sẽ chiến thắng, ông ta đã đào thoát sang Thái Lan và sau đó sang Hoa Kỳ. Hiện nay ngoài ông ta, có khoảng 200.000 người Hmong sống trong các cộng đồng lưu vong ở Hoa Kỳ. Nhưng không phải tất cả người Hmong đã trốn sang Mỹ: 15.000 đồng bào đồng chí của Vàng Pao đã bị cắt đứt đường thoát thân và buộc phải tan rã trong các rừng rậm đầy núi non của Lào.
Ngay cả ở California, nơi Vàng Pao lãnh đạo Mặt trận Thống nhất Giải phóng Lào (ULLF), Vàng Pao nay đã 74 tuổi nhưng vẫn có một ảnh hưởng lớn lên người dân của ông ta. Moua nói, ông báo cáo trực tiếp lên Vàng Pao, điều mà California vẫn phản đối, mặc dù Vàng Pao thật sự chấp nhận những trợ giúp không thường xuyên từ đây. Từ ngôi nhà ở vùng ngoại ô tại Mỹ, viên tướng lưu vong yêu cầu đòi dân chủ và phục hồi chế độ quân chủ ở Lào. Moua và các dân quân của mình nằm trong số các tàn quân của các nhóm du kích Hmong chiến đấu cho giấc mơ đã tan biến đó.
Moua gia nhập quân đội của Vàng Pao vào năm 15 tuổi. Tay trái của ông ta đã bị cụt còn một mẩu bàn tay của ông đã bị cắt bỏ trong một cuộc giải phẫu trong rừng vào năm 1974. Là một trong số chỉ bốn người trong làng biết viết đôi chút, ông là một người giữ gìn kỹ lưỡng những thông tin thống kê của làng. Có 56 trẻ mồ côi, 40 người goá chồng và 11 người góa vợ. Theo con số của Moua, 30% dân làng có vết thương do mảnh đạn gây ra. Năm 1975, khi Vàng Pao trốn khỏi Lào, Moua ghi lại là nhóm của ông có 7.000 người. Nay chỉ còn khoảng 800 người.
Mặc dù người Hmong đã trốn chạy cộng sản từ gần ba thập niên nay, Moua và những người khác trong làng của ông coi năm vừa qua là tồi tệ nhất. Họ nói trong tháng 10, khoảng 500 lính bộ binh đã tấn công họ từ bốn hướng ở Xaysomboune trong khi một trực thăng chiến đấu oanh tạc họ từ phía trên. Tổng cộng có 216 người Hmong đã bị giết. Các cuộc tấn công như vậy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Tháng 8 năm ngoái, một quả đạn súng cối bay vòng rồi rơi xuống cách bàn ăn của gia đình cậu bé chín tuổi Yeng Houa không đầy 1 mét, giết chết cả cha và mẹ em. Yeng sống sót nhưng có thể đếm được đến 18 vết sẹo do mảnh đạn gây ra trên đôi chân của em, hàm của em bị bể và có một vết thương do nhiễm trùng bên trong đùi em. Kể từ sau vụ tấn công đó em không hề nói.
Người Hmong nói họ được trang bị ít ỏi đến mức không thể phản công lại. Hầu hết các chiến sĩ của họ được trang bị bằng các khẩu M-16 và AK-47 cổ lỗ, và vũ khí hạng nặng nhất mà họ có là 2 súng phóng lựu đạn M-79 cũ kĩ. Đạn dược được đào lên từ các căn cứ không quân của Hoa Kỳ trước kia. Theo Moua, chỉ một phần ba những viên đạn này là có thể còn nổ, làm mất đi các cơ hội cho người Hmong tiến hành một cuộc tấn công thật sự. Về phần chính phủ Lào, họ từ chối nói chuyện với báo chí, và họ cũng không nhận những lời cáo buộc rằng họ đang tàn sát các quân Hmong và buộc tội những người này chịu trách nhiệm cho phần lớn tình trạng bất ổn trên đất nước. Chính phủ Lào quả quyết là người Hmong đang tăng lên gấp đôi những hành động phá hoại như những kẻ cướp. Trong tháng 2, một cuộc phục kích vào một chiếc xe buýt đi trên xa lộ 13 đông đúc ở phía bắc đã làm chết 12 người, trong đó có 2 người đi xe đạp là du khách Thụy Sĩ. Một tấm thẻ đính lên một trong các xác chết cho biết những cái chết này là tác phẩm của quân Hmong. Và vào ngày 20 tháng 4, những tay súng đã nhả đạn vào một xe buýt chở hành khách, giết chết ít nhất 13 người. Những người chứng kiến vụ thảm sát này nói rằng các tay súng đã nói với nhau bằng tiếng Hmong. Vàng Pao giận dữ bác bỏ những luận điệu nói rằng người của ông ta chịu trách nhiệm cho những vụ tấn công vào thường dân. Ông nói: "Trong quá khứ đã có một vài sự kiện như thế này xảy ra và đã bị đổ cho ULLF. Nhưng không phải là chúng tôi. Chúng tôi tin là chính phủ cộng sản Lào đã dàn dựng chuyện này bằng cách sử dụng những người Hmong phục vụ trong quân đội Lào." Về phần mình, Moua mô tả người Hmong như những người vô tội không được giúp đỡ. Ông nói: "Chúng tôi chỉ tự vệ và chạy trốn. Nếu các quân lính Lào tấn công, đạn của chúng tôi thậm chí sẽ không cầm cự được tới một giờ."

Trở lại vùng núi non của Xaysomboune, Moua và các đồng đội của mình ngủ không thoải mái trên những tấm đệm bằng lá trong những túp lều lợp bằng lá chuối. Hầu hết bọn họ không thể nhớ đã phải dựng lại làng bao nhiêu lần, nhưng họ nhớ đến những người đã mất. Bhun Si, 42 tuổi, nói vợ và hai con của ông đã bị tước mất khỏi ông vào tháng 10 năm ngoái. Bạn ông, Soum Sai đã thấy tất cả: ông nói quân lính chính phủ bước vào và bắn phụ nữ và trẻ em từ khoảng cách chỉ 5 mét. Nay chính Bhun trông cũng sống dở chết dở. Tay trái của ông chỉ còn 2 ngón, ông đã mất các ngón kia trong một cuộc tấn công bằng hoả tiễn đã giết chết sáu người bạn Hmong của ông. Một chân của ông vẫn chảy máu từ một vết thương nhiễm trùng do mảnh đạn mà ông đã bị cách đây 13 năm. Một bên mặt ông trông như cái mặt nạ do thịt bị chảy ra, với hai hốc đen nơi trước kia là tai và mắt. Ông nói: "Tất cả mọi người đều chết. 16 người trong gia đình tôi đã chết, tất cả bị giết bởi cộng sản." Ông ta thêm vào một điệp khúc đau lòng mà tôi đã nghe đi nghe lại trong suốt thời gian tôi ở lại trại này: "Nước Mỹ phải cứu chúng tôi."
Tướng Moua cũng tự hỏi các đồng minh Mỹ xưa kia của ông ta đã đi đâu. Ông nói: "Chúng tôi đã tắm máu cùng nước Mỹ. Họ nên nhớ điều đó. Họ nên tìm cho chúng tôi một mảnh đất nơi chúng tôi được an toàn để sống và có thực phẩm để ăn." Nhưng khi thế giới đã chứng kiến với nỗi khiếp sợ sức mạnh của cỗ máy chiến tranh của Mỹ ở Iraq, những cảnh tượng cuối cùng của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở Đông Dương mà Mỹ muốn quên đi đã được dự tính cho trôi vào quên lãng.
Được Quyền Giết Người!
Chúng tôi hầu như đã trở về nhà và được thở không khí tự do khi trận đọ súng bắt đầu. Sau 9 ngày đi bộ vất vả qua rừng rậm dày đặc ở vùng rừng núi bắc Lào, chúng tôi cuối cùng đã đến con sông cần phải vượt qua để tới nơi an toàn. Lúc đó một tiếng súng phá tan không gian yên tĩnh. Tiếng súng thứ hai và thứ ba nổ gần tới nỗi buộc chúng tôi phải ngừng lại trên con đường mòn. Quân lính của chính phủ đã phát giác ra chúng tôi bởi con đường xuyên qua các tán lá do người dẫn đường phát quang. Người dẫn đường cho chúng tôi, một viên tướng người Hmong và là địch thủ của chính phủ cộng sản Lào, Moua Toua Ther, bảo chúng tôi nên ngồi yên hơn là chạy trốn. Ông biết tàn lá dày có thể bảo vệ chúng tôi phần nào. Hàng giờ đồng hồ trôi qua. Mỗi tiếng sột soạt ở những bụi cây thấp đều khiến chúng tôi nín thở vì lo lắng. Mãi tới 4 giờ chiều chúng tôi mới dám tiếp tục di chuyển. Chúng tôi băng qua con sông nước lạnh cắt da chỉ trong bộ đồ lót, những túi đồ vác trên vai và quần áo quàng quanh cổ. Sau đó chúng tôi đã đi bộ suốt 12 giờ để tới một con đường mòn, chúng tôi có thể thở phào nhẹ nhõm tới tận đáy lòng vì có một chiếc xe đợi chúng tôi ở tại đây.
Chúng tôi đã thật là may mắn. Người chụp ảnh Philip Blenkinsop và tôi đã thoát khỏi rừng rậm vào đầu năm nay, xây sát và run rẩy, nhưng chúng tôi đã mang theo mình một câu chuyện độc nhất vô nhị về một dân tộc ít được biết đến là người Hmong, liều lĩnh chiến đấu để tồn tại, và chúng tôi đã phơi bày chính sách hủy diệt của các nhà lãnh đạo cộng sản Lào nhằm tiêu diệt người Hmong. Tội ác không thể tha thứ của bộ tộc này ư" Đó là vì họ đã đứng về phía Hoa Kỳ trong thập niên 1960 trong chiến tranh Việt Nam.
Thierry Falise người Bỉ, 46 tuổi, và Vincent Reynaud người Pháp, 38 tuổi, đã không may mắn như chúng tôi. Hai nhà báo đóng tại Bangkok này cùng với người thông ngôn của họ, Naw Karl Mua, 44 tuổi, một mục sư người Mỹ gốc Hmong đến từ St. Paul, Minnesota, đã đi theo bước chân của chúng tôi, mong đưa tin về câu chuyện này cho tờ báo của chính họ trước khi ngày tàn của người Hmong đến. Vào ngày 4 tháng 6, ba người ngoại quốc này đang đi ra khỏi khu rừng gần tỉnh Xieng Khouang ở đông bắc Lào khi đoàn của họ trong đó có những phiến quân người Hmong được vũ trang đầy đủ có vai trò hộ tống rơi vào hỏa lực của quân chính phủ. Trong trận đọ súng, một người đã bị giết, không rõ là ai hay ở bên nào, và không lâu sau đó hai nhà báo này và người thông ngôn của họ đã bị bắt cùng với ba người Hmong.
Nếu đây là Nam Dương hay thậm chí là Miến Điện, hai quốc gia không có vẻ gì là sẽ đoạt được các giải thưởng về nhân quyền hay tự do báo chí vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai gần, thì các nhà báo này có vẻ sẽ cũng chỉ bị tra hỏi, và sau khi có áp lực từ các đại sứ quán nước ngoài và các nhóm nhân quyền, họ sẽ được phóng thích, mặc dù sẽ bị tước các cuốn sổ ghi chép và phim ảnh. Tuy nhiên, đây là Lào, một nước có vẻ bề ngoài là điềm tĩnh và hoà bình, trên tuyến du lịch nổi tiếng giữa Vientiane và Luang Prabang, các nhà khách đẹp đẽ phục vụ bánh mì baguettes mới ra lò và cà phê miễn phí và cung cấp việc truy cập Internet không giới hạn. Một số nhà báo và nhà ngoại giao trong quá khứ đã phong tặng cho nước này là "những nhà Marxist vui vẻ." Nhưng trong thực tế, Lào có một lịch sử lâu dài đàn áp nhân quyền và các giai cấp, và nằm trong số các quốc gia hà khắc nhất Châu Á.
Ở Miến Điện, việc bà Aung San Suu Kyi bị giam giữ và là nạn nhân của sự trừng trị thẳng tay gần đây nhất của chính quyền quân phiệt đối với phong trào dân chủ của bà làm các nhà quan sát nước ngoài phẫn nộ. Nhưng bà và đảng của mình chỉ bị đe dọa chứ không bị tiêu diệt. Ở Lào không cho phép bất kỳ đối lập chính trị hay quyền hội họp nào trong 28 năm qua. Rất nhiều tù nhân chính trị và thanh niên đã bị cầm tù hàng nhiều năm trời trong ngục tối không xét xử; nhiều người đã bị tra tấn. Những người theo đạo Thiên chúa giáo bị khủng bố, bị đe dọa bỏ tù nếu không lăng mạ đức tin của mình. Và không có gì vui vẻ đối với hàng đống phụ nữ và trẻ em Hmong bị kẹt trong vùng núi, chết đói, bị lùng bắn và đang hấp hối. Phần lớn sự đối xử tàn bạo này đã diễn ra mà không có một chính quyền Tây phương nào lưu ý hay bình luận, vì nước Lào không hiện diện trên ra đa của những nước này. Nước này không có tầm quan trọng về kinh tế và không có nhân vật đối lập nào có sức thuyết phục, kiểu như bà Suu Kyi, để khích động sự giận dữ từ bên ngoài. Viện trợ nước ngoài được thường xuyên cung cấp nhỏ giọt cho Vientiane mà không có các ràng buộc kèm theo. Trong bất kỳ sự kiện nào, Lào đều có vẻ được miễn áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là nhờ các quan chức nước này duy trì một sự tồn tại khép kín. Một nhà ngoại giao cao cấp Tây phương ở Vientiane nói: "Các nhà lãnh đạo hiếm khi du hành và không có vẻ hiểu tầm quan trọng của ý kiến của thế giới".
Cách thức mà nhà cầm quyền Lào đang đối xử trong trường hợp của các nhà báo và các đồng hành người Hmong của họ đang bị giam giữ cho thấy sự khắc nghiệt của đường lối cứng rắn của chính quyền này, những người theo chủ nghĩa tự cô lập. Các quan chức ở Lào nói Falise và Reynaud có thể bị cáo buộc về tội sát nhân, và có thể chịu một bản án cao nhất là tử hình và thấp nhất là 10 năm tù giam. Người ta không biết liệu công dân Mỹ Naw Karl Mua sẽ phải chịu lời buộc tội tương tự như thế hay không. Cho tới lúc này, phản ứng từ các quốc gia của những người ngoại quốc đang bị giam giữ này vẫn là giữ im lặng. Họ có thể đang thực hiện những nỗ lực vận động ngoại giao thầm lặng để giải thoát cho ba người này. Nhưng về lâu dài, trừ khi cộng đồng quốc tế sẵn lòng lên tiếng phản đối và có hành động đối với các việc làm tàn bạo của chính quyền Vientiane, nếu không thì những tên Marxist vui vẻ này sẽ tiếp tục thoát khỏi sự trừng phạt về tội sát nhân.
* Theo tin giờ chót cho biết, trong phiên toà ngày 30-6, 3 nhân vật ngoại quốc được đề cập trong bài viết nói trên đã bị kết án nặng nề. Ký giả Pháp Vincent Reynaud, thông tín viên độc lập người Bĩ Thierry Falise, và thông dịch viên người Mỹ Naw Karl Mua đã bị kết án mỗi người 15 năm tù giam. Hai du kích quân người Hmong cùng bị bắt cũng bị kết án 15 năm tù, người thứ 6 hiện đang đào thoát bị xử khiếm diện với bản án cũng 15 năm tù. Chích sách diệt chủng của chính quyền cộng sản Lào vẫn còn tiếp diễn. (VNN)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.