Hôm nay,  

Xuân Quảng Đà Về Lại Nam Cali

26/03/200600:00:00(Xem: 5823)
- Tôi lắng tai nghe giọng ca Kim Anh vang lên bài "Về Đây Nghe Anh" như gọi mời các đồng hương Quảng Đà cùng rất nhiều thân hữu của Quảng Đà hãy trở về quê hương trong tâm tưởng tại nhà hàng Seafood Kingdom trong vùng Anaheim. Một tập thể bảy trăm người hay 70 bàn là một con số khách khá lớn cho bất cứ nhà hàng á đông nào tại Mỹ. Anh Mạc Phương Đình chờ ba anh em chúng tôi Việt Hải, Dương Viết Điền và Hùynh Đình từ San Fernando dến tham dự buổi hội ngộ vào mùa Xuân này, được tổ chức tại thành phố Anaheim, ngày Chủ nhật 19-3-2006.

Anh Nguyễn Văn Mỹ và Nguyễn Thanh Huy trong ban tổ chức đón chúng tôi bên trong và hướng dẫn anh em chúng tôi vào chổ ngồi ngay bàn số 1 khá gần sân khấu có lẽ vì nhà thơ Mạc Phương Đình của Quảng Nam trong ánh mắt lão niên nên cần ngồi gần sân khấu cho rõ tầm nhìn. Trong cái tình bạn văn thơ chính Mạc Phương Đình mang tôi đến với tập thể anh chị em Quảng Đà. Với tôi, mỗi vùng của đất nước Việt Nam đều có những cái hay và cái đẹp của quê hương Việt Nam. Hôm nay trong buổi hội ngộ này chương trình được chia làm hai phần là:

1/ Lễ Húy Nhật Cụ Phan Chu Trinh, kỷ niệm 80 năm từ khi cụ ra đi.

2/ Tân Xuân Hội Ngộ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Lễ dâng hương lên bàn thờ cụ Phan Tây Hồ được long trọng cử hành. Trong phần một có các diễn giả nhắc lại công lao đấu tranh trong mục tiêu giành độc lập cho Việt Nam trong thời gian nước nhà bị thực dân Pháp áp đặt chính sách hà khắc lên người dân Việt, và nhiều sinh họat văn nghệ do các cựu anh chị em trường trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng đảm trách. Tôi ghi chép bài nói chuyện của sử gia Trần Gia Phụng, cựu giáo sư sử học của trường Phan Chu Trinh, ông bay từ Canada sang đây. Bài diễn thuyết mang tựa đề là "Phan Châu Trinh, Nhà Tiên Tri Của Thời Đại", Phan Châu Trinh là nhà tiên tri của thời đại, ông đã thấy trước hướng đi dân chủ của thế giới và của Việt Nam. Chủ trương của ông chẳng những thích hợp với thời đại của ông, mà còn thích hợp với thời đại hôm nay và sẽ thích hợp với mọi thời đại trong tương lai của đất nước Việt Nam nữa. tác giả bàn luận về những chủ điểm trong bài là: Các đặc điểm của chủ trương tranh đấu của chí sĩ Phan Chu Trinh (PCT), ví dụ như:

Điểm thứ nhất, Phan Châu Trinh là người đề xướng Phong Trào Duy Tân và là người Việt Nam đầu tiên đề xướng thuyết nhân quyền và dân quyền tại nước ta vào đầu thế kỷ 20. Điểm hai là người Pháp thấy rõ sự hiểm nguy của cụ PCT và PTDT, do đó Pháp liền chận đứng bằng hai cách: Thứ nhất Pháp bắt giam Phan Châu Trinh và những nhà lãnh đạo PTDT trên toàn quốc sau vụ xin xâu chống thuế năm 1908. Thứ hai, sau đó không lâu, Pháp mở hai phong trào văn hóa khác là phong trào luyện tập và thi tài thể dục thể thao của Ducouroix để thanh niên giải trí, và phong trào văn chương lãng mạn, thay thế đề tài thơ ca yêu nước của PTDT bằng đề tài tình cảm uỷ mị. Điểm ba, PTDT có khác với Phong Trào Đông Du (PTĐD) của cụ Phan Bội Châu ở hai điều căn bản là: Thứ nhất, PTDT chủ trương bất bạo động, trong khi PTĐD chủ trương bạo động chống Pháp.

Và thứ hai, PTDT chủ trương không cầu viện nước ngoài, trong khi PTĐD chủ trương cầu viện Nhật Bản, để chống Pháp. Mỗi phía có chủ trương riêng đều phục vụ cho quyền lợi tối thượng cho Việt Nam. Điểm bốn khá quan trọng là Chủ trương của PCT và PTDT hoàn toàn đối nghi.ch với Hồ Chí Minh (HCM) và Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Có sáu điều đối nghịch căn bản là:

- Điều thứ nhất: Phan Châu Trinh và PTDT kết hợp chủ trương “dân vi quý” của Mạnh Tử với tư tưởng dân chủ Tây phương của Voltaire, Montesquieu, Rousseau... trong khi Hồ Chí Minh và CSVN chủ trương độc tài theo chủ nghĩa Mác xít duy vật.

- Điều thứ hai, PTDT là phong trào văn hóa bất bạo động trên nền tảng văn hóa dân tộc. Chủ nghĩa CS là chủ nghĩa dựa trên bạo động, tranh đấu giai cấp, theo chủ thuyết ngoại lai.

- Điều thứ ba, Phan Châu Trinh chủ trương tự lập, chống lại việc cầu viện ngoại bang. Hồ Chí Minh và đảng CSVN chẳng những cầu viện và còn tình nguyện thừa hành mệnh lệnh của ngoại bang, làm tay sai cho ngoại bang. Mục đích bạo động và cầu viện nước ngoài của HCM và CSVN cũng khác với mục đích bạo động và cầu viện nước ngoài của cụ Phan Bội Châu.

- Điều thứ tư, Phan Châu Trinh và PTDT chủ trương nâng cao dân trí, đề cao dân quyền và nhân quyền. Ngược lại, Hồ Chí Minh và CSVN thiết lập một chế độ độc tài toàn trị mà một học giả Pháp, ông Jean Lacouture, đã đặt tên là “autocolonisation”, tức là một chế độ thực dân do người trong nước tự lập, có thể dịch là “thực dân nội địa”. Thực dân nội địa cũng giống thực dân Pháp, thi hành chính sách ngu dân, vì dân càng ngu, càng dễ khống chế, càng dễ độc tài, càng dễ bóc lột.

- Điều thứ năm, Phan Châu Trinh chủ trương xã hội pháp trị, tức tổ chức xã hội trên căn bản pháp luật công bình. Mọi thành phần xã hội, từ người đứng đầu quốc gia đến người cùng đinh đều phải chịu sự chế tài của luật pháp, đều được xét xử như nhau trước pháp luật.

Hồ Chí Minh và CSVN chủ trương độc tài đảng trị, hết sức dị ứng với chủ trương pháp trị do Phan Châu Trinh đề xướng. Đảng CSVN chẳng những chống đối chủ trương pháp trị của PTDT, mà quyết tâm tiêu diệt tất cả những ai nói đến pháp trị. Và cuối cùng là,

- Điều thứ sáu, Phan Châu Trinh chủ trương tự do chính trị, tự do bầu cử và tam quyền phân lập theo quan niệm của Montesquieu (Pháp), tức tổ chức chính quyền theo mẫu mực tây phương hiện nay. Hành pháp, lập pháp, tư pháp hoàn toàn độc lập với nhau.

Chế độ CSVN ngày nay không chấp nhận tự do chính trị. Việc bầu cử theo khẩu hiệu đảng cử dân bầu, và đặc biệt CSVN cũng có hình thức tam quyền, nhưng không phân lập, mà là “tam quyền đồng quy”, nghĩa là hành pháp lập pháp và tư pháp đồng quy về một mối, do đảng CSVN cầm đầu.

Đưa ra sáu điều so sánh trên đây để thấy rõ chủ trương của Phan Châu Trinh và PTDT hoàn toàn khác biệt với đường lối của Hồ Chí Minh và đảng CSVN. Vì vậy Tố Hữu đã mỉa mai Phan Châu Trinh như sau:

“Muôn dặm đường xa, biết đến đâu"

Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu...”

(“Theo chân Bác”, viết năm 1970.)

Năm 1975, sau khi chiếm Đà Nẵng, CSVN đã thăm dò dẹp bỏ bức tượng Phan Châu Trinh trước trường Phan Châu Trinh, nhưng gặp dư luận bất lợi, nên đã bỏ qua việc nầy. CSVN rất sợ truyền bá chủ trương dân chủ pháp trị của Phan Châu Trinh.

Diễn giả nói tiếp ngày nay CSVN cũng là một chế độ thực dân. Chế độ thực dân nội địa CSVN xem ra còn hiểm độc hơn chế độ thực dân Pháp. Về văn hóa, giống như chế độ thực dân Pháp, CSVN chủ trương ngu dân để dễ bề thống trị. Đảng CSVN kiểm soát hoàn toàn nền giáo dục, sách vở, báo chí trong nước. Bằng nhiều cách khác nhau, CSVN làm cho dân Việt trở nên đui mù câm điếc, và hoàn toàn bị cộng sản chi phối, ám ảnh. Chính bệnh “cộng ám” là chất độc màu da cam làm tê liệt não bộ dân Việt trong hơn nửa thế kỷ qua.

Về chính trị, hiện nay, người dân trong nước dưới 30 tuổi ở miền Nam và dưới 50 tuổi ở miền Bắc, chưa được đọc bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền hoàn toàn không biết gì về những nguyên tắc dân chủ, dân quyền, nên chỉ biết sống theo bổn phận và nghĩa vụ công dân do CS quy định. Do vậy thì căn bản của vấn đề là phải có dân trí mới có thể phát huy dân chủ. Trước tình hình hiện nay ở trong nước, để chủ trương Nâng Cao Dân Trí, để từ đó ta Vận Động Dân Quyền, do Phan Châu Trinh và PTDT đề xướng cách đây đúng một thế kỷ, rất cần được phát động trở lại. Sau hết GS Phụng kết luận là Phan Châu Trinh là nhà tiên tri của thời đại, thấy trước hướng đi dân chủ của thế giới và của Việt Nam. Chủ trương của ông chẳng những thích hợp với thời đại của ông, mà còn thích hợp với thời đại hôm nay và sẽ thích hợp với mọi thời đại trong tương lai. Tự Do, Dân Chủ, Dân Quyền, Nhân Quyền là Giấc Mơ Vàng Muôn Thuở của loài người, chứ không phải riêng của dân tộc Việt Nam. Xin Thành Kính Biết Ơn Chí Sĩ Phan Châu Trinh.

Với nhận định của người viết bài này sau khi nghe bài thuyết trình thì cụ Phan Chu Trinh quả thật đã đưa Việt Nam vào những học thuyết nhân quyền cần thiết cho nước nhà gần cả thế kỷ nay. Và sự nhận định cá nhân là những người Cộng Sản Việt Nam nguyên thủy là những u mê kẻ sớm đầu tối đánh và họ thật sự khôn nhà dại chợ khi đàn áp nhân dân chính mình, nhưng lại khúm núm nhắm mắt ôm chân nước láng giềng phương bắc. Nhục nhã và đáng đau buồn thay.

oOo

Sang phần hai của chương trình được sự hợp tác của các đồng hương Quảng Đà và Hội Liên Trường Quảng Đà góp vui. Tôi nhận xét hai MC rất lanh lẹ là Nguyễn Văn Mỹ và Kim Yến điều khiển chương trình, có nhạc của nhạc sĩ Nhật Ngân, một hội viên Quảng Đà, có những giọng ca của đất Quảng Đà giúp vui, Kim Yến và Văn Mỹ nhắc lại những danh nhân xứ Quảng như từ cụ Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Thọai Ngọc Hầu, Trần Quý Cáp, Hùynh Thúc Kháng, Trần Cao Vân... đến Phan Khôi, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Bùi Giáng,... Hai MC còn đi qua địa lý của đất nhà Quảng Nam là tỉnh Quảng Nam phía Bắc giáp Thừa Thiên, phía Đông giáp biển Đông Hải, phía Nam giáp tỉnh Quảng Tín, phía Tây giáp nước Lào. Diện tích khoảng 6.456 cây số vuông. Tỉnh lỵ là Hội An, cách thành phố Sài Gòn 970 cây số về hướng Bắc. Đất Quảng Nam chia làm ba phần rõ rệt, gồm núi non, đồng bằng và vùng duyên hải. Đất vùng núi màu đỏ chứa phún sa thạch, vùng đồng bằng là đất phù sa lẫn đất sét và vùng duyên hải với những bãi cát. MC Văn Mỹ nói tiếp, từ hướng Bắc, có dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển tạo thành biên giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, đó là vùng núi Hải Vân gồm những đỉnh Mang Cao (1.700 thước), Bạch Mã (1.444 thước) và Bà Ná (1.500 thước). Đèo Hải Vân cao 496 thước, ăn thông qua hai tỉnh. Phía Đông-Bắc là vũng Đà Nẵng, có bán đảo Sơn Trà, ngọn núi cùng tên cao 693 thước. Ngoài khơi là hòn Sơn Trà che kín gió. Chính vì thế cửa biển Đà Nẵng rất tiện lợi cho tàu bè ra vào và trở thành một hải cảng quan trọng. Xa hơn nữa là quần đảo Cù Lao Chàm. Về phía Tây tỉnh là dãy Trường Sơn hùng vĩ hiểm trở, chạy theo hướng Bắc-Nam là biên giới của nước ta và Lào, cao độ từ 1.000 thước đến 2.000 thước. Về phía Nam của tỉnh có núi Mai Rang cao 952 thước và núi Chòm cao 845 thước, là biên giới của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Ngoài khơi là quần đào Cù Lao Chàm có các hòn La, hòn Giai, hòn Tai... MC Kim Yến lại trình bày về khía cạnh văn hóa và danh lam thắng cảnh là khi nói đến xứ Quảng không thể không nói đến hai trung tâm văn hóa Đà Nẵng và Hội An, mang nét văn hóa độc đáo chung quanh vùng đất Quảng Nam. Với hai triệu dân sống trên diện tích 12.000 cây số vuông, đây là một trong những tỉnh lớn của miền Trung, với những dòng sông lớn: Sông Hàn, Thu Bồn, Tam Kỳ, núi rừng chiếm hơn 60% đất đai và cung cấp nhiều loại gỗ quí, nhiều đặc sản: quế Trà Mi, hồ tiêu Tiên Phước, hoa trái Đại Bường, đồ thủ công mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn... xứ Quảng giáp biển. Biển Quảng Nam cung cấp nước mắm Nam Ô, yến sào Cù Lao Chàm, nhiều bãi tắm đẹp: Non Nước, Mỹ Khê, Sơn Trà... Đất Quảng còn có một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhờ khí hậu ôn đới: Bà Nà. Núi Bà Nà (huyện Hòa Vang) cách Đà Nẵng 35 km và cao 1.470 m, trên đỉnh núi địa hình bằng phẳng như một vùng cao nguyên nhỏ, với nhiệt độ chỉ xê dịch từ 17 đến 20°C và thời tiết bốn mùa trong một ngày: sáng xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông, giữa rừng cây xanh um, đồi thông bát ngát. Cũng như Hải Vân cách đó không xa, Bà Nà có một đặc điểm mà hiếm vùng nghỉ mát nào có được: mây trời chỉ bay lượn ở lưng chừng núi, còn vùng bằng phẳng trên đỉnh luôn quang đảng nhờ đó mà du khách được đắm mình trong một toàn cảnh núi-sông-trời-biển mà như đang bồng bềnh bay giữa trăm gió ngàn mây... Bờ biển Sơn Trà dài 50 km, với nhiều bãi tắm hoang sơ, nước xanh màu ngọc bích. Sau khi bơi lặn, du khách có thể ra khơi theo dõi dân chài đánh cá, câu mực, săn tôm hùm hay leo núi quan sát những con chim, con khỉ quí hiếm. Từ bán đảo Sơn Trà có thể đi thăm làng cổ Phong Nam của huyện Hòa Vang, nơi còn giữ được nhiều đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ tổ, nhà cổ, giếng cổ mang nét đặc trưng của một làng quê miền Trung với tuổi đời bảy thế kỷ. MC Văn Mỹ thay phiên trình bày là xứ Quảng là quê hương của nhiều lễ hội dân gian nổi tiếng như lễ hội Bà Thu Bồn (12 tháng 2 âm lịch): bà vốn là một nữ thần Chăm mà người Việt vẫn thờ cúng và kính cẩn gọi là Bồ Bồ phu nhân ; lễ tế cá Ông tại những làng có đền, miếu thờ "Ông" : người Chăm và người Việt ở miền Trung từ lâu đã xem "Ông" (cá voi) là ân nhân của dân chài và những tàu thuyền gặp nạn trên biển, sau phần tế lễ luôn luôn có hát bả trạo, hát bội, hát hò khoan... MC Kim Yến tiếp lời khi nói về thức ăn của xứ Quảng là trong kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam, xứ Quảng đã có những đóng góp tốt đẹp và độc đáo: mì Quảng, cao lầu Hội An, bò tái Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, giò ốc, ốc vú nàng, bánh vạc, bánh bao, bánh tổ, và chắc chắn không thể bỏ quên món Mì Quảng vang danh khắp nơi, không còn giới hạn trong xứ Quảng nữa. Bây giờ đã là món ngon thân quen của người Việt ở nhiều nơi, không thua gì phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho,... nhưng thưởng thức được một tô mì Quảng tuyệt ngon thì phải là loại mì chế biến từ bột bánh làm bằng gạo Phú Chiêm, với tôm cua Cửa Đại và rau thơm Trà Quế. Tương tự trong sự công phu biến chế như món cao lầu Hội An, phải chọn cho được một trong hai thứ gạo thơm thuần chủng địa phương để chế biến sợi cao lầu vừa mềm vừa dai. Chọn thịt heo nạc làm xá xíu rồi bánh tráng nướng, loại bánh tráng dày, rắc thật nhiều hạt mè trắng và nước cốt dừa ngậy béo, cộng thêm rau đắng, rau thơm, rau cải non Trà Quế, thêm một chút nước mắm Nam Ô. Đó là tô cao lầu phố Hội lý tưởng mà đã một thời vang bóng... Hai anh chị Kim Yến và Văn Mỹ đem đến cho cử tọa nhiều tinh túy văn hóa của Hội An, Đà Nẵng và rộng nghĩa hơn còn là nếp dân sinh của Quảng Nam với bao món ăn độc đáo khi tôi nhìn lên bàn tiệc của nhà hàng Seafood Kingdom ê hề thức ăn, và văng vẳng tiếng hát của Kim Anh mời tất cả hãy cùng trở về quê xưa, có Quảng Nam - Đà Nẵng qua bài ca của nhạc sĩ Trần Quang Lộc:

"Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Để đời đời làm giọt sương mai

Để chào đời bằng lòng mới lớn

Để hận thù người người lắng xuống

Và tìm nhau như tìm xót xa

Trong lúc lệ đã đầy vơi

Này người ơi vươn cao vươn cao

Đem ánh sáng hân hoan trên trời

Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương

Nụ cười tươi trên môi em thơ

Là tiếng hát hân hoan cho đời

Và về đây cho nhau nụ cười tương lai

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây đứng hát trên sông nước này

Chở lòng người trở về quê hương

Chở hồn người vào dòng suối mát

Chở thật thà vào lòng dối trá

Và nhạc hoa xin tạ chút ơn

Hạnh phúc khi đã gặp nhau..."

Việt Hải Los Angeles

(Xin tặng những ai đã từng lưu luyến với Quảng Đà)

* VH xin cám ơn GS Trần Gia Phụng, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà văn Dương Viết Điền và website Xứ Quảng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.