Hôm nay,  

Bút Ký: Con Đường Bè Bạn...

02/12/200100:00:00(Xem: 5646)
Trong hai số báo trước, Sàigòn Times đã giới thiệu cùng qúy độc giả hai bài ký của nhà văn Phan Lạc Phúc trích trong tác phẩm "Bè bạn gần xa". Do có sự thỏa thuận với Việt Báo bên Mỹ, hầu hết những bài vở đăng trên báo Sàigòn Times, đều được phổ biến trên website của Việt Báo (vietbao.com), nên trong thời gian hơn tuần trở lại đây, Sàigòn Times đã nhận được một số đóng góp của độc giả Âu, Mỹ, và đặc biệt, đã có một độc giả ở Đức gửi email hỏi cách thức đặt mua tác phẩm. Ngoài ra, qua thư, Sàigòn Times cũng đã nhận được những đóng góp của một số độc giả, về tác phẩm cũng như tác giả. Đó là những sự khích lệ lớn lao cho nhà văn Phan Lạc Phúc, cho ban tổ chức cũng như báo Sàigòn Times. Trong số những đóng góp của độc giả gần xa, có một vị ở Mỹ, tên dannguyenỴ (Nguyễn Đản") đã nhận xét: "Đọc BBGX, tôi thấy thấm thía tình bạn ở ba dạng là tình bạn lính, tình bạn tù và tình bạn tri kỷ. Bạn lính, trải qua sinh tử, trở nên thiêng liêng; Bạn tù, trải qua khổ đau, đói khát, trở nên keo sơn, gắn bó; Bạn tri kỷ, trải qua những đồng cảm về tâm hồn, tình bằng hữu trở thành bất tử." Do nhận xét trên của vị độc giả ở Mỹ, nên tuần này, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu bài ký "Con đường bè bạn...", trích trong tác phẩm "Bè bạn gần xa", để qua đó, qúy độc giả có dịp thấy được, sự đồng cảm về những giá trị tinh thần, luôn luôn là sợi dây thiêng liêng ràng buộc giữa con người với con người, bất chấp mọi thách đố về thời gian, không gian, hoàn cảnh, thậm chí cả lẽ sinh tử.

Đọc bài ký "Con đường bè bạn", qúy độc giả sẽ thấy được những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ tên tuổi của một thuở vàng son chữ nghĩa tại Miền Nam, như Tô Thùy Yên, như Hà Thượng Nhân, như Thanh Tâm Tuyền... cùng xuất hiện, tạo nên những đường nét đậm nhạt trong bối cảnh nghiêng ngửa, đầy bi kịch của Miền Nam sau 1975. Nhưng dù đậm hay nhạt, mỗi nhà văn, mỗi nhà thơ, mỗi nghệ sĩ xuất hiện trong bài ký, đều để lại cho người đọc những rung động sâu xa, những xúc cảm tuyệt vời. Thì ra qua bài ký, người đọc bỗng nhiên nhận ra, chính trong môi trường đau khổ, đói khát, tận cùng của sự cô đơn, tài năng của người nghệ sĩ lại được nảy nở, phát triển. Thì ra, chính những lúc cô đơn đói khổ, là lúc hình ảnh những người thân thương hiện về, những ân hận, lầm lỡ được đào xới, ý chí được hun đúc, tài năng được thêu dệt...

Nhưng giá trị của bài ký không phải chỉ ở những ghi nhận về sự phát hiện tài năng, tâm hồn, lòng xúc cảm của người nghệ sĩ trải qua muôn phần cơ cực của nỗi bể dâu, mà còn cho thấy, từ trong những cơ cực khổ đau đầy mất mát và hận thù, những nhà thơ, nhà văn, những người nghệ sĩ Việt Nam bỗng thức ngộ lẽ tử sinh, lòng tha thứ, một cách thâm thúy, êm ả, không ồn ào, không ầm ĩ, không tuyên xưng, không nhân danh... Cái thức ngộ của người nghệ sĩ trong bài ký của nhà văn Phan Lạc Phục là cái thức ngộ lẽ biến thiên của ông lão mù lòa "nghe" mưa nhưng "ngước mắt nhìn"; là cái thức ngộ của nhà thơ Tô Thùy Yên, sau 10 năm cải tạo trong ngục tù của cộng sản, khi trở lại mái nhà xưa, "cúi mái đầu sương điểm" vẫn không một chút hận thù mà chỉ "nghe nặng từ tâm lượng đất trời"... Phải chăng, cái thức ngộ từ trong sâu thẳm của đói khát và hận thù của Tô Thùy Yên cũng là cái thức ngộ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi ông tin tưởng viết: "Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào"...

*

Con đường bè bạn của tôi bắt đầu từ Hóc Môn. Khi tôi được tha về đầu năm 1985, nhà cửa ở Sài Gòn được nhà nước quản lý, vợ con tôi phải đi kinh tế mới. Sống không nổi nên vợ con tôi dạt về ở nhờ ông bà ngoại ở khu vườn nhỏ Hóc Môn. Tôi về cũng xin tạm trú ở đấy luôn... Ngày Chủ Nhật cuối tuần hoặc một ngày thuận tiện, sau khi xin phép "tạm vắng" nơi Công An phường, khóm, tôi và đứa con gái út, hai bố con lên chiếc xe PC lạch xạch đi thăm bè bạn. Từ đây tôi theo đường tỉnh lộ qua Quang Trung, lên Hạnh Thông Tây tới Gò Vấp thăm bạn Tô Thùy Yên. Từ Gò Vấp lại sang Gia Định (Bình Hòa) thăm Thanh Tâm Tuyền. Trong khi chúng tôi rủ rỉ chuyện trò thì con tôi MT và Tr.T con gái út Thanh Tâm Tuyền làm cơm dưới bếp. Ăn trưa xong ở nhà bạn... bố con tôi lại vòng sang khu Lăng Cha Cả thăm bác Ninh (Hà Thượng Nhân) hay ngược lên chút nữa tới cổng xe lửa Trương Minh Giảng (cũ) thăm bạn tù già Thượng Tọa Thích Thanh Long trụ trì ở chùa Giác Ngạn. Thỉnh thoảng bạn bè chán cảnh ồn ào bụi bặm thành phố thì lại lên Hóc Môn, tới thăm khu vườn nhỏ của tôi có cây dừa, cây cau, cây chôm chôm, cây mít. Tôi có căng một tấm bạt dưới tàng cây chôm chôm làm thành một cái lều nhỏ trong vườn. Bạn bè lên đó nằm dài mà trò chuyện, hút thuốc lào (để nhớ những ngày cải tạo) mà không làm phiền ai hết.

Đó là cái vòng luẩn quẩn bạn bè trong những năm "nín thở qua sông" ở SàiGòn. Bạn bè tôi đều là thi sĩ cho nên trong những năm mới về ai cũng bận rộn một công việc: nhớ lại những bài thơ đã làm trong nhà tù và đôi khi sáng tác những bài thơ mới. Tôi nhận ra một điều là khi đi cải tạo, sống một kiếp lưu đầy bên bờ vực tử sinh thì người ta lại làm thơ nhiều nhất. Thơ là tiếng nói oan khiên hay thơ là lời cầu nguyện. Thơ là một niềm an ủi hay thơ là kinh cứu rỗi. Không biết nữa, nhưng ai đi tù cải tạo về cũng có một số bài thơ giấu ở trong đầu. Thơ của mình hay thơ của bạn mình. Đi tù là mất tất cả: Tiền tài, sự nghiệp, công danh, tự do, tương lai, quá khứ... ngay cả thân mình cũng không phải là của mình nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là những bài thơ kia, những tư tưởng kia thì thật là của riêng, không ai có thể lấy đi, cướp đi của mình cho được. Thơ đối với người tù trở thành một cái gì sâu kín nhất, linh thiêng nhất.

Thanh Tâm Tuyền đã nói đúng. Ở trong một không gian sinh hoạt nửa mét bề rộng, 2 mét bề dài ăn ngủ ở đó chưa kể chăn màn, quần áo, sách vở, thuốc men, chổi cùn, rế rách... đi làm bở hơi tai suốt ngày, ăn qua quýt vài lưng sắn khô hay khoai hà, ngô hẩm... rồi buổi tối còn bày đặt bút giấy "làm thơ" thì thật là một điều xa xỉ.

Tôi chỉ có vài tờ giấy xấu
Ngọn bút chì rướm máu đau thương...
(Hà Thượng Nhân)

Nhưng khi ra Bắc, theo quy định của trại, cán bộ kiểm soát luôn cả bút, giấy, thư từ thì người tù chỉ còn có cách làm thơ lầm thầm trong miệng rồi ghi vào ký ức. Theo luật bù trừ cố hữu, khi người ta mất tất cả bên ngoài thì người ta cố làm cho đầy cái bên trong. Người tù bình thường, không làm thơ văn bao giờ mà đi tù bỗng nhiên ra thơ. Ông bạn tù già của tôi Thượng Tọa Thích Thanh Long, cả đời không thấy ông giảng kinh giảng đạo hay là ngâm ngợi thơ ca bao giờ mà trước buổi chia tay đổi đi trại khác, ông lại cầm tay tôi mà dặn:

Nhớ nhau xin nhớ tình dân tộc
Lẳng lặng mà xem đá nở hoa.

Người tù thi sĩ còn làm thơ nhiều hơn nữa. Như một sự thôi thúc không chống cưỡng nổi, như một sự không nói ra thì không chịu được. Hà Thượng Nhân một buổi nói rằng "Làm thơ nhiều lúc như lên đồng ông ạ - Không biết tại sao mà mình lại viết ra, nói ra như thế". "Con đồng khi "thăng" "là quên hết. Người thi sĩ làm thơ xong nhiều khi không nhớ nổi thơ mình. Hơn nữa ký ức của người tù lưu niên, đói khát thường xuyên thì cái độ tin cậy của nó cũng thật là xộc xệch, giống như một cái máy romeo cũ, mực chỗ đậm chỗ nhạt, chữ lúc có lúc không. Cho nên Tô Thùy Yên năm 1995 khi xuất bản tập thơ đầu tiên (và cũng có thể là duy nhất) "Thơ Tuyển" "nhà thơ đã ghi trên đầu sách "... chân thành cảm tạ các bạn hữu xa gần đã sưu tầm, lưu giữ và gửi cho tác phẩm thất lạc lâu ngày của tác giả..."

*

Cuối năm 1982, trại tù Thanh Phong ở chốn rừng sâu, giáp giới Hạ Lào, giải thể. Số lớn anh em trở về Nam. Số còn lại trong đó có tôi chuyển sang trại Tân Kỳ (Hà Tĩnh). Các trại khác cũng như vậy - tù còn lại chuyển về Tân Kỳ ở miền Trung và Hà Nam Ninh ở miền Bắc. Ở trại trung chuyển này tôi được gặp một số anh em từ trại Thanh Chương (Nghệ An) chuyển về. Trại Tân Kỳ trước đây thật lớn, nhưng tù chuyển đi gần hết nên bây giờ khá rộng - nhất là khu Tây mà chúng tôi gọi là khu "Tây Đức". Khu bên kia "Đông Đức", tù đông, lẫn lộn hình sự nên đời sống hỗn tạp hơn, "chế độ" khắc nghiệt hơn. Ở "Tây Đức" toàn anh em ta (tù chính trị) nên dù sao cũng có phần dễ thở. Ngày Chủ Nhật... sau khi đặt đường dây canh gác và ám hiệu thông tin... anh em "chơi" văn nghệ bỏ túi. Hát tù ca (những bản nhạc anh em sáng tác), ngâm thơ, đọc thơ, và kể chuyện "thời sự". Đây là dịp các bạn tù gặp nhau, trao đổi "văn hóa" và chuyền cho nhau chút "ánh sáng cuối đường hầm" (ánh sáng thật và ánh sáng không thật) khơi một chút hy vọng nhỏ nhoi mà sống. Anh em Thanh Chương kể rằng ở bên đó Tô Thùy Yên - Hà Thượng Nhân là "đầu trò" trong những cuộc hội họp bỏ túi này. Trại nào cũng có "ăng ten dài - ăng ten ngắn" nên 2 anh "đầu trò" tránh sao khỏi kiên giam. Hà Thượng Nhân kể lại rằng: "Đi tù thì đói thường xuyên. Kiên giam lại càng đói hơn, khổ hơn, khẩu phần bớt, nước uống bớt lại còn cùm chân nữa. Nhưng ở một khía cạnh khác, kiên giam lại khuyến khích mình làm thơ. Ở trong xà lim, đối diện với bóng tối và im lặng như thế không làm thơ thì làm gì bây giờ - 26 bài tâm sự với Bạch Cư Dị là tôi làm trong kiên giam đấy".

Ông Hà Thượng Nhân nằm kiên giam mà tưởng rằng mình đang trở về quê nhà sau 30 năm xa cách gặp cô em nhỏ "yếm lụa phong phanh", tóc "thoảng bay hương bồ kết".

"Đầu hè yếm lụa phong phanh
Ô hương bồ kết hiền lành thoảng bay
Em cô gái của ngày trẻ dại
Ba mươi năm trở lại quê nhà...
Ngang trời đàn quạ bay qua
Thoắt thôi chăn chiếu chan hòa trăng non
Em hơi thở thơm ngon mùi nếp
Mỏng như tơ khói bếp Hàn Giang
Lá ngô chưa rụng giếng vàng
Heo may thoắt đã mang mang thổi về...

Tô Thùy Yên 7 tháng liền trong kiên giam tâm sự với đàn muỗi râm ran, con thằn lằn uể oải, lũ gián hôi tanh, con nhện vô tư và bức tường câm nín:

Ta khắc khoải chờ nghe
Những tiếng động của người
Tiếng động nào bất kể
Đột phá những trùng vây điếc đặc muỗi râm ran...
Ta nhìn theo
Mấy con thằn lằn uể oải
Lũ gián lào xào
Con nhện bỏ trống lưới giăng...
Ta nhìn lên những dòng chữ trên tường
Viết bằng gạch, bằng than
và hình như bằng cả máu...

Các bạn tù Thanh Chương đọc thơ Tô Thùy Yên, Hà Thượng Nhân vanh vách. Như vậy là 7, 8 năm nay tôi chưa gặp lại các bạn mà chỉ gặp "tiếng nói" của các bạn. Tôi không có duyên gặp bạn trong tù. Có lúc năm 1979, 1980 ở trại Tân Lập (Vĩnh Phú) tôi ở K1, Thanh Tâm Tuyền ở K2, không gian chỉ cách nhau vài cây số mà không gặp được bao giờ. Có lúc bà cụ thân sinh TTT từ trong Nam lặn lội ra thăm - bạn còn nhờ người đem sang cho tôi ít thuốc lào và một bài thơ tặng PLP. Nhà thơ Tự Do chủ lực của Sáng Tạo, lại làm chuyện lạ cho tôi một bài thất ngôn, bát cú. Tôi giữ bài thơ này như một kỷ niệm riêng. Bạn tôi lúc đó làm ở đội chăn nuôi, hằng ngày phải lên đồi gánh lá sắn về băm ra nuôi chắm. Đi làm qua khu ao cá xa xa, tôi có lúc nhớ bạn quá đã hú lên một tiếng để xem may ra có tiếng trả lời - Nhưng tiếng hú của tôi tan vào thinh không; cán bộ quản giáo nhìn tôi trừng mắt... Bạn tôi lúc đó chắc đang bận "bầm nát ân tình đều nhịp dao" "(thơ Thanh Tâm Tuyền).

Nghe thơ các bạn tôi vừa buồn vừa vui. Buồn là không có bạn tâm tình ở bên. Vui là chưa gặp, nhưng thơ như thế chắc các bạn tôi còn khỏe ít ra về mặt tinh thần. Vui hơn nữa là nghiệp làm thơ của các bạn ở trong tình trạng "luyện ngục" như vậy mà thơ vẫn được tôn vinh. Thơ làm ra là để đọc, để cảm thông, để chuyển tải... Thơ không ai đọc, không ai nghe, không ai hiểu... thì chẳng bao lâu nó sẽ "chết trong lòng mộ tối". Cho đến lúc ấy (1983) theo tôi 2 bạn Tô Thùy Yên và Thượng Nhân làm thơ bao nhiêu năm nay, thơ bao nhiêu người thuộc... mà các bạn chưa từng xuất bản một tập thơ nào. Như vậy là các bạn không in thơ lên giấy trắng, mực đen mà in vào tâm hồn mọi người. Không phải người làm thơ nào cũng được "tuyên dương" như thế.

Hôm ấy có bài "Mùa hạn" "của Tô Thùy Yên làm rung động toàn thể anh em. Bài thơ như một bản "đại cáo" của lưu đày tù tội. Mùa hạn không riêng cho nông dân - mà mùa hạn của kiếp người. Nơi đây khô hạn thực phẩm, khô hạn tình thương. "Lịch sử lên cơn dữ lạ thường" "khiến cho "máu bung từ mỗi lỗ chân lông, cái chết tru rân giờ nguyệt tận". "Thiên nhiên cũng úa vàng khắc khổ - cây đa già râu tóc, trụi lá trơ cành cây cỏ lụi tàn, bậc hiền nhân quyên sinh ngoài động đá. Ngày tận thế đã điểm rồi chăng" Nhưng không - theo cái lẽ biến dịch thông thường - hay là theo cái vòng chu chuyển "nước đi ra biển lại mưa về nguồn" "nên một ngày kia có cơn mưa tái tạo. Mưa rơi như một sự hồi sinh, mưa gột rửa đau thương, mưa làm mọc lên những nhành non lá mới, mưa là nguồn suối yêu thương chảy từ đầu non tới biển:

Mưa ôm choàng đất khóc thương mong
Mưa báo tin vui chạy khắp đồng
Mưa đuổi bắt gào reo hớn hở
Mưa mừng trẩy hội nước trăm sông...
Ông lão mù lòa ra trước hiên
Nghe mưa cũng ngước mắt nhìn lên
Má nhăn bỗng sáng hai hàng lệ
Ông hiểu ra rồi lẽ biến thiên

Người làm thơ lưu đầy được lịch sử tha, một sớm trở về, một sớm trở về quê cũ. Đây là giấc mơ của người tù biệt xứ hay là câu chuyện sẽ phải xảy ra. Chưa biết được nhưng ít khi đọc xong một bài thơ mà tâm hồn con người được an ủi vỗ về như thế, nhuần thấm một sự yêu thương đậm đà như thế:

Nhóm lên bếp lửa đêm trừ tịch
Hát với nhau vài điệu hát vui
Nâng chén uống mừng ta sống sót
Chợt nghe nồng lệ tự đâu rơi
Lòng ta nay vẫn lòng ta trước
Vẫn chảy về con nước thuở nào
Sợi tóc mai kia dù có rụng
Ba sinh còn để nhớ cho nhau
Đất trời không có chi còn mất
Ta bước ra thân đón tuổi già
Trước mắt ta còn trăm thứ việc
Sửa nhà, chăm sóc lại vườn hoa
Những ai hôm trước từng gây tội
Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình
Tự tại, thời gian chôn chính nó
Đời lên lại mãi tựa bình minh
Sẽ lo chẳng những cho người sống
Lo cả cho người khuất mặt kia
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ
Chung lời thương tiếc khóc trên bia...

Người tù trở về, sau khi đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn bạo của con người, đã nhận ra rằng, dòng chảy chính của cuộc đời, sự cứu rỗi của con người chính là sự yêu thương, không phải là sự thù hận - Bình minh của cuộc sống là ở đó. Tìm ra được điều này, không phải chỉ nhờ vào tài năng của Tô Thùy Yên mà chính nhờ vào tâm hồn lớn lao (grandeur d'âme) của tác giả. Đây là bản hùng văn của một cuộc đổi đời.

Nhưng trong cuộc đọc thơ hôm ấy, nhiều người trong đó có tôi, không được hoàn toàn thỏa mãn. Bài thơ quá dài, quá hay mà anh em Thanh Chương không ai thuộc được hết. Người nhớ đoạn này, người nhớ đoạn kia. Bài thơ đó đi theo tôi hoài như một tấu khúc còn dang dở (Symphonie inachevée).

Dạo đầu năm 85 được về, trên con đường bè bạn, tôi có lúc đã định rẽ vô thăm nhà bạn Tô Thùy Yên. Từ Hóc Môn lên, qua chợ Gò Vấp tới một cái cầu có ống dẫn nước lớn đen to nằm dài trên đó giống như một con rồng đất rồi tới một ngã ba có những viên sỏi đỏ sậm của đá ong khô, đó là lối vào nhà Tô Thùy Yên. Từ thập niên 60 tôi đã nhiều lần đến đây bù khú với bạn. Nhưng bây giờ về, đến thăm cảnh cũ người xưa, thấy lạ. Những bụi cúc tần xanh tốt óng, vương vất bên trên... không còn nữa. Nhà cũ của Tô Thùy Yên có cây vú sữa lớn. Khu gia viên nằm trong vùng cây lá thâm u... bây giờ không thấy cây vú sữa đâu. Bất giác tôi nhớ Nguyễn Gia Thiều "Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này". "Tôi ngần ngại trước sự đổi thay nên đã tới nhà mà không vào. Tôi biết bạn tôi chưa được về. Mình vô nhà hỏi thăm, có khi lại làm cho gia đình bạn thêm nghĩ ngợi lo lắng cho người vắng mặt.

Nhưng đến hồi cuối năm 85, người làm thơ biệt xứ Tô Thùy Yên được về - Lúc ấy trời đã sang thu thì phải. Bố con tôi đã phải mặc áo ấm trên con đường tỉnh lộ xào xạc heo may. Khi tôi đi cải tạo con gái út tôi mới có 5 tuổi. Khi tôi về nó đã 15 tuổi, bắt đầu thiếu nữ. Các anh chị nó "vượt biên" hết cả chỉ còn nó ở lại với "mẹ cháu" đợi tôi. Khi tôi về, nó theo tôi đi chơi tha thẩn. Ở Hóc Môn nó không có bao nhiêu bạn. Nó theo tôi lên Sài Gòn chơi với Tr.T con gái Thanh Tâm Tuyền, hay "đi chợ" với chị Ch. con gái bác Hà Thượng Nhân. Thôi thì bố chơi với bố, con chơi với con cũng là phải đạo. Chưa được gặp nhưng con tôi nó muốn gần chị G. con gái đầu của Tô Thùy Yên, học thật giỏi. Trong một xã hội Xã hội Chủ nghĩa (không có giai cấp) nhưng khi thi vào đại học có 15 thứ hạng. Ưu tiên hạng 1, 2, 3 thuộc gia đình cách mạng hay "chính sách" thì thi 3 bài từ 7 điểm trở lên đã được "chiếu cố" vô Đại Học rồi. Con cái "ngụy quân" như con chúng tôi đứng hạng thứ 14 áp chót (hạng chót là gia đình phản động, phản cách mạng). Khi bố đi tù cải tạo về rồi thì lại lên được một hạng, hạng 13. Con gái ngụy quân muốn vô Đại Học phải đạt 21 điểm, gấp 3 số điểm gia đình chính sách thì mới vô Đại Học được. G. con gái đầu ông bà Tô Thùy Yên thừa điểm vào Y Khoa. MT con tôi, Tr. T con Thanh Tâm Tuyền và H. con Tô Thùy Yên chúng nó cùng học lớp 10. Mấy đứa nhỏ chắc đều suy nghĩ: ở đây nếu muốn sống cho ra sống thì chỉ còn có cách làm như chị G.

Hơn 10 năm gặp lại bạn... thấy bạn già đi (tất nhiên rồi) mà chắc bạn thấy tôi cũng vậy. Hình như bạn có khuyết một vài cái răng thì phải, cái cười hơi trống vắng. Nhưng khóe mắt vẫn còn nồng ấm và bắt tay thật chặt.Tôi nói "đây là khách cũ... đến xem bạn làm được bao nhiêu việc rồi"" (Trước mắt ta còn trăm thứ việc, sửa nhà chăm sóc lại vườn hoa). Tô Thùy Yên cười cười mà nói "Hãy cứ từ từ nhưng bây giờ thì phải làm ngay việc này". Anh chỉ tay vào một cuốn sách dày trước mặt. Tưởng bạn dịch sách (nhớ ngày xưa bạn có dịch thật kỹ cuốn "Phận người" "(La condition humaine" của André Malraux) nhưng khi tôi cầm sách lên xem thì đó lại là một cuốn sách Y khoa bằng tiếng Pháp. Anh nói "mình về vừa đúng lúc. Phải giúp con nhỏ G... cho nó kịp học hỏi và nghiên cứu".

Tôi có nói với bạn về bài thơ "Mùa hạn" "mà tôi không có đủ. Nhưng anh nói rằng bản thân anh cũng không nhớ hết. Con đồng đã thăng rồi đâu còn nhớ những gì mình đã nói ra. Nhưng bữa ấy Tô Thùy Yên đưa tôi đọc bài "Ta về" "bài thơ vừa mới làm xong khi thi sĩ lưu đày vừa trở về nguyên quán:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này...

* * *

Thật ra tôi đọc thơ Tô Thùy Yên đã lâu. Giữa thập niên 50 khi Sáng Tạo bộ cũ ra đời với những bài Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tàu "hay Thân Phận Thi sĩ. "Lúc ấy ảnh hưởng của văn học Pháp đối với miền Nam còn nồng đậm. Đây là thời buổi của "Buồn nôn" "(La nausée - J.P.Sarte) của "Kẻ lạ" "(l'Etranger - A.Camus) hay "Phận người" "(La condition humaine - André Malraux). Sự hiểu biết của tôi về văn học Pháp rất là hạn chế nhưng tôi có cảm tưởng rằng thời kỳ thập niên 50, 60 là thời kỳ xâm lăng của triết học vào văn học. Những đặc trưng thường thấy của thơ, của tiểu thuyết, của truyện ngắn đã bị xóa nhòa đi. Thay vào đó là những vấn nạn triết học hay những thắc mắc siêu hình. Để làm gì" Đi đến đâu" Tự do hay không tự do - phi lý hay hữu lý" Sống và nghĩ thế nào cho phải" Người ta không đi tìm những nguyên nhân gần gũi mà đi tìm những căn do đầu tiên và cuối cùng của sự vật. Tô Thùy Yên là một người đọc sách chuyên cần. Cái ý thức trong sáng (esprit cartésien) của phương pháp luận nhị nguyên đã phóng ra những cái nhìn chinh phục. Con ngựa (trong Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tàu) phải chăng là một cố gắng nhằm đo đạc ngoại giới"

Có đọc được thánh thư
Linh hồn tôi vẫn vậy
Tôi vẫn không thể lạy
Dù đứng trước hư vô
Đầu tôi cứng và trơn
Thượng Đế làm sao ngự
Tôi đành trốn chủ nợ
Định mệnh đòi linh hồn
Thượng Đế điềm nhiên lạ
Tôi đánh liều cười khan.

(Thân phận thi sĩ - Tô Thùy Yên)

Bài thơ mang giọng thách thức của Nietzhe - đăng quang cho một cái ta kiêu hãnh. Đây là thời kỳ Tô Thùy Yên muốn trở nên một thứ "Vương tôn miền trí tuệ". "Tôi đã cảm phục, đôi khi sợ hãi những bài thơ ấy - nhưng thành thật mà nói tôi không yêu chúng. Sự cảm nghiệm một bài thơ, theo tôi, nó tùy thuộc vào tâm cảnh của từng người. Tôi là một anh học trò nhà quê ra tỉnh, tâm hồn còn vương vấn với lũy tre xanh, đình chùa, miếu mạo, căn nhà tổ, họ hàng làng nước, bờ mương, ao cá... Dù đã cố gắng lắm tôi vẫn không làm sao hiểu được "Tha nhân là hỏa ngục" "của J.P.Sartre. Tôi rất sợ mình là "Khách lạ" - "và điều tôi ao ước là được đến gần, được làm thân, chia sẻ với mọi người.

Cái "Hội u minh" " thời ấy là một phong trào. Hoàng tử bi thương hay nhà thơ bị trù ếm (poète maudit) Đinh Hùng muốn đi khỏi cuộc đời này về miền nguyên thủy: "Thèm ăn một chút hương man dại - và ngủ như loài muông thú kia". "Vũ Hoàng Chương, bậc thi bá của làng thơ tiền chiến cũng bỏ thơ Say, thơ Mây, nêu lên một băn khoăn triết học:

Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về...

Tô Thùy Yên ngay từ thuở ban đầu đã nghiêng về những điều thầm lặng lớn, mưu đồ đo đạc cả vô biên "ta về tắm lại giòng sông cũ, truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên - "Tô Thùy Yên đã rất già khi còn trẻ. Già ở đây là già về tư tưởng, nên trong thơ của anh người ta thấy thiếu vắng sự lãng mạn, không có những nỉ con kể lể về một cuộc tình. Không có Kim Trọng, Thúy Kiều, cũng không có Paul và Virginie.

Vào khoảng giữa thập niên 60 có một việc, nhỏ thôi nhưng đã làm thay đổi Tô Thùy Yên. Anh bắt đầu đọc Đường thi. Yên là một người ưa thích sự toàn hảo (gout du parfait). Anh không bằng lòng với những bản dịch. Yên muốn đọc thơ Đường bằng nguyên tác và Tô Thùy Yên học chữ Nho. "Học cho vui, chơi chơi vậy mà". Xuống Gò Vấp, thấy Tô Thùy Yên viết chữ Nho rất đẹp. Và đột nhiên tôi được đọc một số bài thơ mang phong cách nhất nguyên của Đông phương. Đọc thơ trước đây của Yên, người ta thấy phảng phất St J.Perse - hoặc Valéry - bây giờ thấy Tô Thùy Yên "Quy khứ lai từ" như Đào Tiềm quay về nơi bản trạch. Bài thơ không còn vẻ kiêu hãnh của một ý thức chinh phục mà mang vẻ ngậm ngùi chấp nhận:

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui
Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn
Càng nhẹ tênh hênh cõi ngậm ngùi

Tại sao lại có con còng ở đây" Con còng làm liên tưởng đến con dã tràng ngoài bờ biển. "Dã tràng xe cát biển Đông - nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì"" "Phải chăng đã có những miền "bất khả tri" mà trí lực con người chưa với tới được. Về nơi bản trạch đối với Tô Thùy Yên có nhiều ý nghĩa. Cái nhà của Yên ở Gò Vấp là nhà từ đường bao nhiêu đời ở đấy" Cái nhà không đơn thuần là một "dụng cụ" để ở, mà nó là một phần đời ta, là chính ta. "Cái nhà là nhà của ta - ông cố ông sơ làm ra" "nên cái nhà cũng như cái vườn, cái ngõ đều là sự tích yêu thương, là những liên hệ máu thịt mà ta không làm sao dứt bỏ được. Về nơi bản trạch về nơi quê nhà (phải chăng le Royaume trong "L'Exil et le Royaume" mà Camus mơ tưởng cũng nằm trong nghĩa đó) đã dạy ta một điều: Cái mà ta tưởng nó là cái không ta (le non moi) lại chính là ta. "Mình với ta tuy hai mà một - Ta với mình tuy một mà hai". "Cái nhìn nhất nguyên nơi Tô Thùy Yên đã làm cho thơ anh từ đó về sau yêu thương hơn, thấm đượm hơn nhiều.

Nhưng có lẽ những năm tù cải tạo giúp chúng ta nhìn rõ cuộc đời hơn. "Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả" chúng ta chưa chắc nhận ra chuyện ấy. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng có giá trị rất cao. Không đi tù, không thường xuyên đói khát, chúng ta làm sao biết được hạt cơm nó quý như thế - không xa vắng cửa nhà 10 năm biệt xứ, chúng ta làm sao hiểu được cái thắm thiết trong vòng tay vợ, cái âu yếm trong cái hôn con. Người tù lưu đày, ngày trở về cảm ơn trời đất, cảm ơn vợ con, cảm ơn hoa, cảm ơn lá cỏ.

Ta nhìn lá cỏ lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân...

Tôi đi về nhà có mang theo "Ta về". Tôi đọc thơ bạn cho nhà tôi nghe:

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp nào xưa tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm

Đọc đến đoạn này, nhìn lên thấy nhà tôi đã nhạt nhòa nước mắt.

*

Cuối năm 1990, ngày thứ sáu 13 tháng 10. Ngày xấu "đi chơi cũng thiệt lọ là đi buôn". "Tôi quanh quẩn ở trong nhà. Chợt có tiếng Honda thắng xiết trước chiếc cầu nhỏ, bắc qua con lạch vào căn nhà Hóc Môn của tôi. Nhìn ra thấy H. con trai Tô Thùy Yên đang hấp tấp dắt xe vào. Tôi chạy ra, thấy vẻ hốt hoảng của H. nên vội hỏi "Có chuyện gì vậy cháu"" - "Bố cháu vừa bị bắt rồi", H. thảng thốt nói tiếp: "Trước khi lên xe Công An, bố cháu nói nhỏ: đi báo các bác, nên cháu vội chạy lên đây". Nhà tôi bảo H. ở lại ăn cơm cái đã nhưng H. nhất định ra về "Để cháu phải đi ngay cho kịp vài nơi nữa..."

Như vậy là "Mùa hạn", "Ta về" "thơ Tô Thù Yên - "Tâm sự với Bạch Cư Dị" "thơ Thanh Tâm Tuyền, một bài từ của bạn già người viết sử Lam Giang cùng với một số bài viết của tôi đã được "phần thư" ngay chiều hôm đó. Lúc này Thanh Tâm Tuyền cũng như là Hà Thượng Nhân đã HO đi Mỹ. Bạn bè thân thiết gần đây chỉ còn Tô Thùy Yên. Bây giờ bạn ta bị bắt rồi. Bao giờ bao giờ gặp bạn ta trở lại"

Phan Lạc Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.