Hôm nay,  

Ăn Tết Quê Nhà

08/02/200000:00:00(Xem: 5127)
Tôi được hạnh phúc chào đời tại làng Dục Đức, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo Phận Phát Diệm, miền Bắc Nước Việt Nam thân yêu chúng ta.
Năm 1954, tôi theo bà nội di cư vào miền Nam. Tôi không nhớ một hình ảnh đậm nét nào về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, vì lúc ra đi tôi chỉ là một chú bé 4, 5 tuổi dại khờ.
Lớn lên tại miền đất tự do, tôi đã chia sẻ thân phận “hẩm hiu” của cả dân tộc mình, qua những vận nghiệp nổi trôi, thăng trầm. Sau 4 năm “âm u” sống dưới chế độ mới của XHCN, tháng Năm, 1979, tôi rời đất Mẹ trên một con tầu vượt biên, nhổ neo tại một bờ sông ở Mỹ Tho. Ra đi như thế này là tự chọn chín phần chết và một phần sống. Và tôi đã được Thượng Đế dủ thương cứu thoát, trong bão tố sóng dồn trên biển cả mênh mông hãi hùng.
Tôi an vui trải qua 20 tháng trên mảnh đất tạm dung của quốc gia láng giềng Indonesia, từ đảo hoang Pasirmerah tới Galang — Cửa Ngõ Hòa Bình, rồi được phái đoàn Mỹ gọi đi định cư tại San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng, California.

Tháng Chạp năm 1996, tôi về thăm Quê Hương lần đầu tiên. Chuyến trở về mái nhà xưa kéo dài gần 2 tháng đã gây rất nhiều bồi hồi, xúc động trong trái tim tôi, sau 17 năm “ngàn trùng xa cách” các thân nhân, bạn hữu, và đồng bào.
Rồi mảnh đất linh thiêng của Mẹ Việt Nam đã lạ lùng thu hút tôi trở về lần thứ hai, chỉ một năm sau.
Cuộc hành hương này đã đưa tôi viếng thăm Huế “đẹp và thơ”, vào chiều thứ Năm, 22 tháng Giêng, 1998. Đất thần kinh đang nhộn nhịp đón mừng Xuân Mậu Dần, trong khung cảnh nghèo nàn của người dân, và khí hậu se se lạnh dưới trời mưa nhẹ hạt rơi trên những chiếc nón lá “bài thơ” mà trước đây tôi đã đọc trong sách báo, văn chương.

Ba ngày ngắn ngủi lặng lẽ trôi qua...
Sáng sớm Chúa nhật ngày 25 tháng Giêng, cảm động từ giã Cố đô, và các bạn thân, tôi đáp máy bay Hàng Không Việt Nam để ra Bắc, nơi gia đình tôi trong số gần một triệu người khác, đã, từ 44 năm trước, rời bỏ “thiên đường của Bác”, gồng gánh vào Nam, hầu tìm một cuộc sống mới, êm ấm, tự do.
Từ phi trường Phú Bài, chim sắt Việt Nam tha thướt bay lượn hơn một giờ, nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.
Thế là tôi khởi sự chuyến hành hương miền Bắc bằng chặng dừng chân đầu tiên đầy hứng thú, phấn khởi, tại thủ đô “Hà Nội 36 Phố Phường”. Hà Nội “trong trái tim tôi”, nói cách khác, Hà Nội được mọi người mến yêu.
Chiếc xe ô-tô thuê bao cũ kỹ đưa tôi về thẳng Dòng Chúa Cứu Thế ở Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, thoải mái qua 30 cây số đường lộ vừa được xây dựng khá tân kỳ.
Ôi, cả một biển người ở ngoài đường trong ngày kề cận Tết Con Cọp. Mọi người đều vội vã, vất vả, nhất là những kẻ buôn gánh bán bưng.
Dùng cơm tối với chư huynh đệ trong Tu Viện xong, tôi được một sinh viên Học Viện DCCT Sàigòn, gốc ở Bắc, đèo honda dạo phố đêm Hà Thành. Bác tài rành tay lái lượn một vòng lả lướt qua Hồ Gươm (hay Hồ Hoàn Kiếm), Quảng trường Ba Đình nơi có Lăng HCM, Văn Miếu Quốc Tử Giám...
Nhưng, chuyến “Hanoi by night” lịch sử bắt buộc phải chấm dứt sớm, vì trời giá lạnh, buốt nhức, thấu đến tận xương tủy. Chạy vội về nhà, tôi “chui” vào mùng ngay, đắp hai chiếc mền, rồi nhắm mắt. Trong suốt đêm thứ nhất này, tôi được thưởng thức cái lạnh ẩm thấp, căm căm, ghê hồn của miền Bắc. Bị cái lạnh quật ngã, tôi phải nằm “bẹp” trọn ngày hôm sau. Đến chiều, trời ấm, tôi bình phục…

Sáng thứ Ba, 27 tháng Giêng, ngày cuối năm Âm lịch, tôi vinh dự được xe riêng Tòa Giám Mục Phát Diệm đến Nhà Dòng đón về quê cha đất tổ “ăn” Tết.
Con đường dài khoảng 130 cây số đưa tôi về nơi “cất tiếng khóc oe-oe” nhỏ hẹp, ổ gà, lồi lõm, ngoằn ngoèo, bụi bặm. Hai bên lộ hiện ra cảnh trí người và vật, quá đỗi nghèo nàn, rách nát, thảm thương, mà trong hơn 4 giờ ngồi trên xe tôi đã chứng kiến tận mắt mình.
Tới Tòa Giám Mục tọa lạc ở phía sau Nhà Thờ Cổ Phát Diệm do Cha Sáu Lục xây dựng đã từ một thế kỷ, tôi được Đức Cha Phó Nguyễn Văn Yến và LM Quản Lý nồng nhiệt đón tiếp người con trở về từ đất khách quê người. Rồi tôi lên thăm Đức Cha Chính Bùi Chu Tạo tại phòng riêng của ngài trên lầu Nhà Chung. Đức Cha thọ 90 tuổi hạc, gầy còm, yếu mệt, sau những năm “gặt lúa” gian khổ trong lòng Chủ Nghĩa Cộng Sản vô thần! Đang nằm nghỉ trên giường gỗ, trải chiếu cói, giăng mùng rất đơn sơ nghèo khó, Đức Cha đã thức dậy, ra bàn ngồi, vui vẻ hỏi chuyện tôi về đời sống của tín hữu CGVN ở hải ngoại. Ngài hạnh phúc vô vàn khi biết tôi là người con của Phát Diệm “tự vệ”, kiên cường, hào hùng...


Buổi chiều, tôi được các em họ đưa về thăm làng mình. Tất cả sự nghèo nàn đã hiện ra trước mắt tôi. Dân quê “cầy sau cuốc bẫm” sống nhờ vào mấy sào ruộng và sông lạch do Cụ Nguyễn Công Trứ thực hiện. Mọi người biết ơn Cụ về công trình dẫn thủy nhập điền này.
Chiều nay là cuối năm, nhưng tôi không thấy bóng dáng “nàng Xuân”.
Ở tại Tòa Giám Mục, tôi đã đón đêm Giao Thừa đến trong buồn thảm. Chuông các nhà thờ chính, các họ lẻ đổ hồi thay cho tiếng pháo nổ truyền thống, để tống cựu nghinh tân, tiễn biệt con trâu và chào mừợng con cọp. Trong thanh vắng của đêm thiêng liêng, uy linh, tôi tâm thành cầu nguyện cho Quê Hương Đất Nước bước vào Năm Mới hạnh phúc, an bình.

MỒNG MỘT TẾT: Sau Thánh Lễ Minh Niên do Đức Cha Phó chủ sự tại Nhà Thờ Lớn, đông đảo giáo hữu, người đi bộ, kẻ đạp xe, trong bộ áo quần đen, nâu, khó nghèo, đơn giản, đã kéo nhau vào chật sân Nhà Chung để chúc tết Đức Cha Chính (đón Xuân trên giường bệnh), Đức Cha Phó, và các Cha trong Tòa Giám Mục, dưới làn mưa phùn và khí hậu lạnh. Tôi xúc động khi chứng kiến tấm lòng hiếu thảo rất đỗi lớn lao của đoàn chiên miền Bắc đối với các Vị Chủ Chăn của mình.
Sau tiệc sáng tân xuân tại Tòa Giám Mục, tôi lên đường đi “xông nhà” gia đình người thím (chú ruột tôi đã tạ thế năm trước). Chung phận nghèo với dân làng, thím và hai người con trú mưa che nắng dưới mái nhà tranh vách đất nhỏ hẹp. Nuôi được một cặp ngan là gia tài đáng kể của gia đình, hôm nay, thím tôi đã cắt tiết một con để làm tiệc Tết khoản đãi cháu mình lần đầu tiên gặp mặt. Thật rung động biết bao trong tâm hồn tôi!
Tuy là ngày Xuân, các trẻ em không có áo mới, không giầy mới. Tiền lì xì các em nhận được chỉ là mấy trăm đồng bạc nhàu nát, dơ bẩn, vừa đủ mua được một cục kẹo, hay một cái bong bóng nhỏ bằng ngón tay út để thổi bằng hơi sức “đói ăn” của mình.

MỒNG HAI TẾT: Không có gì đặc sắc ở quê nghèo. Các cửa hàng và các quán ăn (đặc biệt có quán ghi vỏn vẹn một chữ khá lớn: “CHÓ!” mà ai cũng hiểu) đã mở cửa bán buôn.
Chiều nay xứ Khiết Kỷ — nơi tôi đã được rửa tội lúc còn nhỏ bé như “con chuột” ở trong tay mẹ — được phép công an khu vực long trọng đón rước “Cha Quê Hương” về dâng lễ Tết. Tôi cảm động khó tả khi được các anh chị em cùng sinh ra từ mảnh đất Dục Đức, Kim Sơn khó nghèo này, yêu thương cách hết sức đặc biệt bằng một ban kèn đồng, chiêng trống, hòa nhạc chào mừng lúc tôi tới sân Nhà Thờ. Thánh nhạc còn được trổi vang nhiều lần trong lúc lễ Misa được cử hành.
Nhà Thờ Khiết Kỷ nhỏ hẹp, không đủ chỗ đứng, ngồi, cho bà con tín hữu; các trẻ em phải ngồi dưới chiếu, sát bàn thờ. Mọi người tham dự đều sốt sắng khác thường, và họ lắng nghe “Cha Quê Hương” chia sẻ Phúc Âm. Tôi dùng ngôn ngữ đơn sơ, mộc mạc nhất để đem tín thư của Chúa cho bà con “chân lấm tay bùn”, đa số không được học hành. Kết thúc Thánh Lễ, để ghi nhớ ngày hồng ân, tôi “lì xì” cho khoảng 200 em bé. Mỗi em hoan hỉ nhận 5000 đồng của “Bác”.

MỒNG BA TẾT: Sau Thánh Lễ cầu nguyện cho các Tiên Nhân, tôi tạm biệt Đức Cha Phó, các Cha, các Thầy Giảng, các Dì Phước, và bà con trong Nhà Chung.
Tôi vào phòng Đức Cha Chính để kính chào ngài. Từ giường bệnh, Đức Cha cố gắng đứng dậy cách yếu ớt để ôm hôn tôi, trong tiếng thì thào: “Năm sau cha về thăm Phát Diệm, chắc cha không còn gặp tôi nữa!” Đức Cha trìu mến tiễn tôi ra tới hành lang.
Xe hơi Tòa Giám Mục đang chờ sẵn tôi ở sân Nhà Chung. Xe lăn bánh, tôi rời Phát Diệm thân yêu, trong ánh mắt lưu luyến trông theo, cánh tay ân tình vẫy chào của các bạn, cùng mấy người em và cháu tôi.

Tôi trở về lại Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, và “thưởng thức” chiều Mồng Ba Tết rất ảm đạm của tình cảnh Quê Hương chúng ta thật sự chưa có Mùa Xuân.

* LM. JOSEPH NGUYỄN THANH SƠN, DCCT

(Lược trích tác phẩm “HÀNH HƯƠNG QUÊ MẸ VIỆT NAM”, do nxb Thánh Linh, P.O. Box 8394, Fountain Valley, CA 92728, ấn hành lần thứ ba, tháng Tư, 1999)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.