Hôm nay,  

Đọc Sách Nguyễn Lý-tưởng: ‘thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu’

31/08/200100:00:00(Xem: 6898)
Lịch sử dân tộc được quan niệm như là một giòng nước chuyển đi liên tục, không có khoảng cách, không có sự gián đoạn và biến cố lịch sử là những sự kiện vượt lên, nổi bật rõ ràng và chiếm hữu những đường nét đặc biệt trên diễn trình hình thành của một dân tộc. Biến cố đó giống như những cây đa to lớn, cành lá sum suê, vượt lên trên khỏi cây cối bụi bờ chung quanh, tạo bóng mát và niềm vui cho khách dừng chân trên dặm đường thiên lý. Cho nên việc làm của người đời sau hay sứ mệnh của các nhà chép sử là phải tìm cách làm thế nào để tạo lại những chặng đường lịch sử đặc biệt và có ảnh hưởng lớn lao đó.

Tác phẩm lịch sử thường mang tính hàn lâm và một công trình nghiên cứu sử học thường có tính cách biên khảo, khô khan và kén chọn độc giả. Bộ "Sử Ký" của Tư Mã Thiên, "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Ngô Sĩ Liên, "Việt Sử Tiêu Án" của Ngô Thời Sĩ, bộ "Đại Nam Thực Lục", "Đại Nam Liệt Truyện" và "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đâu phải là dễ đọc đối với đại chúng. Thậm chí sau này như "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim hay "Việt Sử Tân Biên" của Phạm Văn Sơn, độc giả cũng không có nhiều, đa phần là các nhà nghiên cứu hay các sinh viên sử dụng để tham khảo hay bổ sung vào các giảng khóa đại học...Vậy làm cách nào đây để những bài học lịch sử được đại chúng dễ dàng đón nhận trong khi các tác phẩm biên khảo sử học thì lại quá chuyên môn, thậm chí khô khan và dễ chán đối với trình độ thông thường của đại chúng độc giả.

Sử học có mục đích un đúc tinh thần tự hào về nguồn cội, củng cố tình yêu quê hương đất tổ, tác động mãnh liệt lên niềm hãnh diện nòi giống và là chiếc cầu bắc qua các thế hệ tiếp nối trong diễn trình hình thành và bành trướng của một dân tộc...Đưa Sử học hay đúng hơn đưa những bài học lịch sử vào sâu trong quảng đại quần chúng ấy là hướng đầu tư cần thiết nhất và có hiệu quả nhất trong sự nghiệp giáo dục lòng ái quốc cho thế hệ ngày mai.

Nghĩ suy theo cách này nên khi chúng tôi còn là sinh viên ngành Sử học cách đây 40 năm, chúng tôi đã cố gắng tìm tòi và thử nghiệm một lối viết sử mới không quá khô khan mà dễ đi vào lòng người (đã có đồng môn chúng tôi gọi đó là "cách đem tâm tình viết lịch sử"). Anh Nguyễn Lý-Tưởng, người bạn đồng ngành Sử học với tôi hồi ở Đại Học Văn Khoa Huế, là một trong những người đi tiên phong đó. Tiếc là mộng ước "sáng tạo ra một lối viết sử mới" có từ tuổi sinh viên đó đã đành dang dở khi chúng tôi phải chôn chặt tuổi thanh xuân đẹp nhất và đầy sức sống nhất (có người mất hơn cả mười năm) trong các trại tù Cộng Sản.

Mừng thay khi ra khỏi trại tù, rồi ra hải ngoại, anh Nguyễn Lý-Tưởng lại tiếp tục thử nghiệm lối viết sử mà chúng tôi ấp ủ ngày xưa. "ĐÀN BƯỚM LẠ TRONG VƯỜN" (1998), "THU CÒN VƯƠNG NẮNG" (2000) với nhiều chủ đề liên quan đến lịch sử bên cạnh những hồi ức về tình yêu, về tuổi học trò hay kỷ niệm của đời sinh viên...Sự thành công khi lồng các biến cố lịch sử vào trong các chuyện kể tâm tình qua hai tác phẩm vừa nói, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Lý-Tưởng quả thực đã gây được những đáp ứng tích cực từ phía độc giả đủ mọi thành phần. Sự thành công đó, tôi đã có đề cập đến qua bài nhận định của tôi về hai tác phẩm vừa nói của Giáo sư Nguyễn Lý-Tưởng trong buổi lễ ra mắt sách tại San Jose ngày 28-10-2000 và được đăng lại trên các báo Chính Luận, Mẹ Việt Nam, Thế Giới Mới, Bút Việt, Việt Báo, Đất Đứng...vào thời gian đó.

Nay lại thêm một ngạc nhiên thích thú nữa khi tôi nhận được tác phẩm "THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU" của GS Nguyễn Lý-Tưởng vừa xuất bản vào tháng 8/2001 tại Westminster (California).

Khác với hai tác phẩm trước (chỉ một số bài liên quan đến lịch sử được viết theo dạng gần như bút ký lịch sử), tác phẩm này gồm 560 trang bao gồm 25 đề tài hoàn toàn về lịch sử. Trong đó
* gồm ba bài viết (số 2,3,15) liên quan đến công việc kháng Pháp dưới triều Nguyễn
* gồm tám bài viết (số 4,5,9,10,12,17,18,19) liên quan đến lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam
* gồm bốn bài viết (số 6,7,11,13) liên quan đến lịch sử đạo Phật
* gồm 10 bài viết (8,9,11,20,21,22,23,24,25) liên quan đến lịch sử dân tộc từ thời chúa Nguyễn Hoàng cho đến Bảo Đại và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, riêng bài số 26 thì lại đề cập đến lịch sử Việt Nam từ thời khai sinh cho đến thế kỷ thứ 10.

Tôi xin có ý kiến riêng về sự sắp xếp thứ tự nội dung cuốn sách, về phần trích dẫn, phần sách tham khảo ở đoạn sau.

Như trong bài viết "35 NĂM SAU CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM: NHÌN LẠI LỊCH SỬ" (TADBVL, sđd, tr.425), GS Tưởng có nhắc lại nguyên tắc chép sử của sử gia Pháp Gustave de Coulanges "Je n'impose rien, je ne propose rien, j'expose" (Tôi không áp đặt, tôi không chủ trương, tôi chỉ trình bày sự việc) mà tất cả sinh viên ngành Sử học ngay từ năm đầu đã thuộc nằm lòng.

Lịch sử tự nó là sự thật khách quan. Khen chê là ý kiến chủ quan của người viết và của độc giả. Vai trò của nhà nghiên cứu lịch sử là phải tìm đến sự thật càng nhiều càng tốt qua những sử liệu đã được sàng lọc, đánh giá kỹ càng sau khi đã tiến hành qua hai giai đoạn cẩn án nội và cẩn án ngoại. Việc chép sử đòi hỏi cả một quá trình đào tạo lâu dài, chính quy tại các trường đại học chứ không phải là một việc làm mang tính tài tử, tự học như một số người đã nghĩ. Đem bài học lịch sử vào sâu trong quảng đại quần chúng, nhất là trong giới trẻ đòi hỏi nhà sử học nhiều công sức, tâm huyết và khả năng truyền đạt cũng như là văn vậy.

Tác phẩm "THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU" của GS Nguyễn Lý-Tưởng đã vượt qua được thử nghiệm để đi vào lòng độc giả đại chúng. Đây là một tác phẩm sử, chuyển tải nhiều biến cố trọng đại đã xảy ra trên dọc dài diễn trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Nó được hình thành từ sự đúc kết tài liệu qua phương pháp sử học, nhưng thay vì xuất hiện dưới dạng thức một cuốn sách biên khảo sử học thuần túy, khô khan và đầy tính hàn lâm thì "THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU" đã mang hơi thở của một dạng thức "tiểu thuyết lịch sử" để dễ đi vào tâm tư người đọc và dễ được đại chúng đón nhận hơn. Tuy nhiên "THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU" không phải là tiểu thuyết lịch sử vì sự kiện, biến cố, nhân vật được trình bày là hoàn toàn có thật dựa trên những tài liệu thành văn, và dựa trên lời thuật của các nhân chứng đáng tin cậy, có đối chiếu, có sàng lọc theo quy nạp pháp và diễn dịch pháp của ngành Sử học.

- Đi vào nội dung tác phẩm "THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU" có nhiều điều rất mới khiến độc giả thích thú và khiến các nhà nghiên cứu có thể đào sâu hơn để tìm hiểu rõ về chính sách cấm đạo khắc nghiệt dưới thời nhà Nguyễn, chẳng hạn "CUỘC THẢM SÁT TẠI DƯƠNG LỘC NGÀY 8.9.1885" (TAĐBVL, sđd, tr.101). Dương Lộc là trung tâm của Công Giáo vùng Quảng Trị, nơi xảy ra cuộc tàn sát tập thể 2500 giáo dân vào gần cuối thế kỷ 19, là quê hương mà chính tác giả đã sinh ra và lớn lên. Giáo sư Tưởng một phần căn cứ vào các sử liệu, phần khác căn cứ vào gia phả và lời kể của các con cháu nạn nhân của biến cố, đã dựng lại bức tranh về cuộc thảm sát với nhiều tình tiết sống động qua những lý chứng thuyết phục và đáng tin cậy rất cao. Sự kiện này làm nổi bật một góc cạnh bi thảm mà những người Công Giáo phải chịu đựng để bảo vệ đức tin của chính mình.

- Trong tiểu mục "THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU" (để rồi trở thành đề sách cho tác phẩm dày 560 trang này), tác giả đã sử dụng lối văn của hồi ký để chuyển tải biến cố lịch sử xảy ra vào đêm 3 rạng ngày 4.5.1916 (Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân). Ngoài những tình tiết sống động của biến cố được GS Tưởng mô tả lại rất đầy đủ căn cứ trên nguồn tài liệu rất dồi dào, GS Tưởng đã lồng vào câu chuyện kể liên quan đến người cha thân yêu cũng đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa ấy khi ông còn là một cậu thanh niên mới lớn. Nhiều người đều nghĩ rằng cái "tôi" là đáng ghét nói theo lối nghĩ của Pascal (le moi est haisable), nhưng trong trường hợp này, câu chuyện riêng tư trong gia đình của tác giả lại làm nổi bật lên được cái nhịp thở của lớp thanh niên thời đại trong giai đoạn quốc gia suy vong. Câu hò Huế được tác giả nhắc lại:

"Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm "
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông "
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non".

để mở đầu cho việc kể về hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân rước vua Duy Tân ra khỏi hoàng thành, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Và nhân đó, với khả năng uyên thâm về Hán học, tác gải đã hiệu đính lại cách gọi mà nhiều người đã nhầm lẫn khi nói là PHÚ VÂN LÂU thay vì PHU VĂN LÂU mới đúng (PHU hay PHÔ có nghĩa là phô bày; VĂN: văn hóa; LÂU: lầu. Vậy PHU VĂN LÂU: lầu để phô bày văn hóa, chứ PHÚ VÂN LÂU thì chẳng có nghĩa gì cả).

- Riêng bài "MỘT VÀI GÓP Ý VỚI TRIỆU VÂN..."theo tôi là bài viết rất hay trong cuốn sách này và nó thể hiện rõ nét chân thật, sự khoan dung, lòng cầu tiến và thái độ ôn hòa của nhà nghiên cứu Nguyễn Lý-Tưởng. Tôi có đọc bài viết của ông Nguyễn An Cư và của ông Triệu Vân liên quan đến quan Phụ Chính Nguyễn Văn Tường trên báo chí cách đây đã lâu nhằm lên tiếng về bài viết của GS Nguyễn Lý-Tưởng.

Trước hết về bút hiệu An Cư và Triệu Vân cho tôi cái cảm tưởng, cũng như bút hiệu Triệu Dương của Nguyễn Lý-Tưởng, rằng họ có cùng quê quán Triệu Phong với chúng tôi. Đi vào nội dung, có một số điểm hai vị đặt ra có lý, nhưng nhìn chung toàn bài viết thì lại nặng về tính cách chỉ trích cá nhân, xuất phát từ những xúc động tình cảm gia đình nên tính khách quan của một cuộc bút chiến đã mất đi nhiều. Tôi nghĩ sau những đột biến tình cảm buổi đầu, hy vọng qua bài lên tiếng này của GS Nguyễn Lý-Tưởng, với sự trần tình chân thực của tác giả:"Chúng ta nhìn họ là "người của quốc gia", là người của quần chúng, là nhân vật lịch sử...khi đề cập đến họ, nhà nghiên cứu lịch sử không hề nghĩ đến con cháu, dòng họ của người đó. Những điều khen chê không nhắm vào gia đình, quê hương hay họ tộc mà chỉ đề cập đến một giai đoạn lịch sử, một câu chuyện xảy ra trong quá khứ với những con người đã đóng vai trò quan trọng trong các biến cố lịch sử đó". (TAĐBVL, sđd, tr.301) thì chắc hai vị đồng hương An Cư và Triệu Vân cũng rộng lòng thông cảm.

Lê Đình Cai, Ph.D (Giáo sư SCUPS & NUA và Berlitz Int'L Language Center)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.