Hôm nay,  

Những Chiến Sĩ Dân Chủ Thời Đại – Phần Ii Đối Phó Với Công An Internet

28/02/200600:00:00(Xem: 5929)
- LTS. Bài viết sau đây nêu ra một số kỹ thuật kiểm soát Internet do công an áp dụng ở VN. Bài nhan đề “Những Chiến Sĩ Dân Chủ Thời Đại – Phần II” được tòa soạn VB đặt thêm tựa cho cụ thể hơn.

*

Để trở thành những chiến sĩ dân chủ thời đại, gánh vác trên vai những trọng trách của đất nước, của dân tộc Việt Nam, đầy gian lao, nguy hiểm và vinh dự. Những chiến sĩ dân chủ sẽ phải thuộc nằm lòng những nguyên tắc an toàn cơ bản để tự bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức và bảo vệ phong trào dân chủ Việt Nam.

Khi đã tạm yên tâm với phương tiện Computer của mình, đảm bảo an toàn cho việc soạn thảo ra những tin tức, tài liệu, điện thư đấu tranh đòi nhân quyền và dân chủ. Để gửi được những điện thư đó đi khắp nơi trên Thế giới, những chiến sĩ dân chủ lại phải làm một công việc tiếp theo, đó là sử dụng phương tiện Internet để chuyển vận những tài liệu đó.

Cần nhắc lại, ngày 21 tháng 2 năm 2002, vào lúc 9h50’ sáng, anh Lê Chí Quang đến điểm dịch vụ Internet tại số 464 phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội để đọc và gửi điện thư. Quang đã cẩn thận không dùng e-mail của các mạng do nhà nước Việt Nam quản lí. Anh dùng một hộp thư điện tử của mạng Yahoo. Tuy nhiên do đã bị theo dõi chặt chẽ từ trước, vì điểm dịch vụ này luôn luôn có công an mật phục, vì địa chỉ thư điện tử của Quang đã bị lộ ..., nên khi anh vừa vào mạng (login) thì nickname đã hiện ra ngay tại bộ phận nghiệp vụ theo dõi của Bộ công an. Lê Chí Quang đã đến điểm dịch vụ Internet này nhiều lần, kể từ năm 2001. Chính tại đây Quang đã đăng kí các hộp thư của Yahoo để sử dụng. Quang biết mình bị theo dõi và biết là có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì những bài viết của mình. Tuy nhiên, Quang không ngờ là các máy tính tại điểm dịch vụ 464 Nguyễn Chí Thanh đã bị cơ quan công an cài đặt các thiết bị và phần mềm theo dõi. Quang cũng không biết là cơ quan quản lí mạng Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ - FPT (Financing and Promoting Technology Corporation) đã báo cáo lên cơ quan An ninh về các hoạt động của Quang trên mạng Internet và luôn theo dõi chặt chẽ mọi địa chỉ thư điện tử của Quang.

Vì vậy, mỗi khi Quang sử dụng Internet đều bị cơ quan công an ngăn chặn và kiểm soát (Cũng cần phải thông báo đến tất cả các chiến sĩ dân chủ được biết, công ty FPT là đơn vị được chỉ định cung cấp các trang thiết bị, phần cứng và phần mềm, đào tạo, hợp tác và hỗ trợ nghiệp vụ cho toàn bộ mạng lưới an ninh công an và quốc phòng để xây dựng nên các hệ thống kiểm soát, theo dõi, giăng bắt các nguồn thông tin, cá nhân và tổ chức có các trao đổi, phản đối và đấu tranh nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam). Chắc chắn là hộp thư điện tử của Quang và hộp thư điện tử của những người ở nước ngoài có liên lạc với Quang đã bị lộ từ trước, nên khi trao đổi đều bị lộ các hành tích. Đơn giản hơn là cơ quan an ninh nghiệp vụ chỉ cần biết Quang thường đến địa điểm dịch vụ Internet nào để gửi tin, họ sẽ giăng ở cổng kết nối đó một số những cái bẫy (trap), cài sẵn một số phần mềm theo dõi và ghi lại các nội dung đã sử dụng. Như vậy, ngay khi Quang thực hiện các công việc của mình thì họ cũng ghi nhận được đầy đủ các thông tin, biết được địa chỉ thư điện tử, tìm ra các mối liên hệ ...

Những điện thư của Lê Chí Quang nếu ở những đất nước có tự do, dân chủ thì đó chỉ là những chuyện riêng tư, chẳng có gì là bí mật, nguy hiểm. Nhưng trong xã hội cộng sản độc tài thì từ tin “đồng chí tổng bí thư bị ốm” cũng coi là bí mật quốc phòng. Và vì vậy, chính quyền cộng sản Việt Nam luôn vu khống tội danh “gián điệp”, và tội danh “tuyên truyền chống phá nước CHXHCN Việt Nam” như máy chém thời thực dân, lúc nào cũng treo lơ lửng chờ ngày chém xuống đầu những chiến sĩ dân chủ Việt Nam.

Trước ngày gửi Bản điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đến Quốc hội Hoa Kì, anh Nguyễn Vũ Bình đã bị công an canh chừng cẩn mật. Vì địa chỉ hộp thư điện tử của anh đã bị lộ, nên các trao đổi của anh liên hệ về bản điều trần bị công an tìm cách ngăn chặn. Việc Nguyễn Vũ Bình bị lộ không chỉ giới hạn ở các điện thư, mà ngay cả các nội dung trao đổi qua điện thoại, nhắn tin qua máy di động cũng đã bị theo dõi từ lâu. Tóm lại, các phương tiện thông tin liên lạc đại chúng như điện thoại, Fax, e-mail và cả thư tín, ấn phẩm đều nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của cơ quan an ninh, cho nên mật vụ hoàn toàn có thể đọc các nội dung điện thư, điện thoại, nhắn tin một cách dễ dàng. Trong quá trình theo dõi Nguyễn Vũ Bình, cơ quan an ninh đã chỉ đạo một bộ phận chuyên trách giám sát, không để Bản điều trần về nhân quyền lọt ra nước ngoài. Dù bị ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ, Nguyễn Vũ Bình vẫn mưu trí qua mặt cơ quan an ninh để kịp thời gửi bản điều trần trước ngày 23/7/2002. Sau đó, anh đã bị đặt trong vòng kiểm soát 24/24h, hàng ngày phải đến trình diện với công an. Để canh chừng cẩn mật, không lúc nào trước cửa nhà Nguyễn Vũ Bình không có vài nhân viên mật vụ, họ không cho Nguyễn Vũ Bình tự do đi lại. Cuối cùng, để chắc ăn, Hà Nội quyết định bắt anh.

Tóm lại, cơ quan mật vụ sẽ không biết ông Nguyễn Văn A, bà Trần Thị B nào đó đang trao đổi gì trên mạng Internet. Tuy nhiên, nếu họ biết đích xác bạn, người đang nằm trong diện nghi vấn, theo dõi của họ thì họ sẽ tìm hiểu xem bạn đang sử dụng máy tính ở đâu, lúc nào và để làm gì. Đó là bước đầu tiên, sau khi có được tin tức chính yếu rồi thì các chuyện khác chỉ là phần phụ. Cũng như bạn đã bị lộ diện, cơ quan mật vụ chỉ cần thời gian để theo dõi biết bạn đang làm nhiệm vụ cụ thể gì, mục đích ra sao, liên lạc với những ai, đối tượng nào ở trong và ngoài nước ..., từ đó họ lại lần tìm ra các manh mối khác.

Trước kia, khi bạn bỏ mật thư tại các hộp thư chết, điều đầu tiên là bạn phải đi lại hai ba vòng, quan sát hiện trường có gì khác lạ" Coi thử hộp thư có bị làm dấu nguy hiểm" Có người nào lảng vảng quanh đó không" Nếu có bất thường thì bạn bỏ đi luôn, coi như mình tình cờ đi qua. Ngày nay, khi sử dụng máy tính ở các điểm dịch vụ để đọc và chuyển tin cũng vậy. Dù bạn không làm như trước nhưng thủ tục và kĩ thuật cũng có phần giống nhau.

Nếu bạn đang trên đường đến địa điểm dịch vụ Internet thì bạn phải để ý coi có ai đang theo mình không" Nếu có thì phải tìm cách “cắt đuôi”, phải bảo đảm địa điểm bạn đến không bị ai theo dõi. Bạn cũng tránh thường xuyên đến một địa điểm dịch vụ Internet. Không được cho điểm dịch vụ Internet biết bạn là ai. Không nên sử dụng máy tính tại các nơi như khách sạn, sân bay, bưu điện, hoặc những nơi cộng cộng phải khai báo lai lịch để đọc và chuyển tin. Nên chịu khó thay đổi địa điểm để phòng ngừa bất trắc. Nếu đấy là chỗ quen biết, thì địa điểm này chỉ để làm chuyện vô thưởng vô phạt, không phải là nơi để bạn đọc và chuyển tin liên hệ đến tình hình đấu tranh dân chủ. Tại các thành phố lớn, đa số các điểm Dịch vụ Internet đều bị đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan an ninh. Nếu họ biết bạn là ai, bạn đang sử dụng máy tính ở địa điểm nào thì họ sẽ biết ngay ID (cũng coi như nickname) bạn đang sử dụng trên mạng Internet. Biết được bạn đang liên lạc với ai. Người đó đang ở địa điểm nào. Nội dung thông tin trao đổi với nhau ra sao. Các mạng máy tính đó thường được cài đặt một số phần mềm gián điệp để đọc mật mã, ghi lại các thao tác trên bàn phím máy tính, ghi lại các nội dung đã sử dụng. Như vậy, tất cả những trao đổi của bạn đều được họ lưu giữ lại, nghiên cứu, theo dõi để chờ ngày họ xử lí bạn.

Hồi trước, khi ra đường để tránh bị công an dòm ngó, những nhà hoạt động dân chủ ở các nước Đông Âu đã phải khéo léo hóa trang. Phải thay đổi trang phục, phải tự làm cho mình khác đi, để lỡ người quen hoặc mật vụ có gặp cũng khó nhận ra. Lúc ra khỏi nhà thì để đầu trần, qua khỏi hai ba ngả đường thì đội thêm cái nón, mặc thêm cái áo lạnh, đổi vài ba ngõ để đánh lạc hướng, v.v... Bây giờ, mỗi khi lên Internet bạn cũng phải làm như vậy, dù công việc có khác nhưng mục đích vẫn giống nhau. Phải hóa trang để không ai biết bạn là ai, phải đánh lạc hướng những kẻ theo dõi trước khi bạn vô phòng máy tính.

Bạn cũng đừng quên rằng, hiện tại một số Dịch vụ Internet tại Hà Nội, Sài Gòn và một số thành phố lớn đã lắp đặt một số máy Camera để lén theo dõi các hoạt động của khách hàng. Nếu bạn chú ý quan sát có thể nhận ra ở những vị trí kín đáo. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo ngại, do mục đích quay lén nên họ không thể thu hình được tất cả các vị trí, nếu cẩn thận một chút thì bạn hoàn toàn có thể tránh được sự dòm ngó trơ trẽn này. Cũng lại phải cẩn thận hơn với chính Webcam nơi bạn ngồi, nếu sơ ý thì hình ảnh của bạn có thể dựng được một cuộn phim đấy!

Khi nhập vào mạng Internet, trong khi vừa quan sát những động thái xung quanh, xem có ai chú ý tới bạn không, xem có người nào vào Internet sau bạn mà có dáng điệu khả nghi không, trước cửa dịch vụ Internet có dấu hiệu gì khác lạ không, bạn cần lướt qua vài ba trang Web thông thường trước, khi đã chắc chắn có đủ điều kiện an toàn để nhận và chuyển các tin tức, lúc đấy bạn mới thực hiện công việc của mình. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng, không nên giữ một thói quen khi lướt Web, các thao tác phải không theo một trình tự nào, mỗi lần vào mạng lại thay đổi địa chỉ các trang Web khác nhau. Nếu bạn đã bị lộ diện, nằm trong diện được theo dõi đặc biệt, mức độ có thể từ 24/24h hoặc xuống đến 12/12h thì cần phải cẩn trọng tối đa. Tuyệt đối không nên dùng máy vi tính ở nhà, ở công sở để đọc và gửi tin tức. Tuyệt đối không sử dụng các điểm dịch vụ Internet mà bạn cảm thấy không an toàn trong quá trình trên đường đi đến điểm dịch vụ, hoặc bạn nghi ngờ đang bị đặt trong tình trạng theo dõi. Nếu bạn là người hoạt động bí mật, chưa bị lộ, mức độ cẩn trọng có thấp hơn nhưng không vì vậy mà khinh địch, sơ hở để phạm vào một số sơ xuất rất đơn giản.

Khi sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi thông tin, cần ghi nhớ một số nguyên tắc bảo đảm an toàn như sau:

Khi thiết lập một ID trên một chương trình miễn phí nào đó như Yahoo, Hotmail, Gmail ..., trong phần khai báo về các thông tin liên quan mà nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu, bạn không được khai báo các thông tin thật sự về bạn. Các thông tin phải rất lộn xộn, không theo một trình tự, thói quen nào. Điều này đảm bảo rằng: dù bạn sử dụng nhiều nickname khác nhau nhưng mỗi nickname đều có những thông số khai báo khác nhau, không có nội dung nào trùng lặp. Như vậy cơ quan mật vụ dù có nắm trong tay một số nickname của bạn, họ có thể kiểm tra chi tiết trong Account Info nhưng vẫn không có manh mối nào để liên hệ với nhau.

Khi bạn sử dụng nickname của mình để check mail hoặc Chat, các nick name đó sẽ bị lưu lại ở C:\WINDOWS\Temporary Internet Files\, C:\WINDOWS\History\ và C:\Program Files\Yahoo\Messenger\Profiles\, phải lập tức xóa hết các dấu vết trong đó.

Điều những người hoạt động đấu tranh dân chủ cần lưu ý là không sử dụng các hộp thư điện tử của các mạng trong nước như fpt.vn hoặc vnn.vn ... Việc đăng kí sử dụng các hộp thư trên những tên miền này để trao đổi tin tức hoặc tham gia những diễn đàn, chắc chắn hộp thư của bạn sẽ bị theo dõi, ghi lại các nội dung trao đổi.

Những diễn đàn được ghi vào sổ đen của cơ quan an ninh cũng luôn luôn được giám sát đặc biệt. Nếu bạn lang thang vào đó họ sẽ tóm được bạn ngay. Kể cả là bạn sử dụng nickname và dùng hộp thư của Yahoo, Hotmail, Gmail ..., họ vẫn tìm ra được số IP của bạn (có nghĩa là địa chỉ nơi bạn đang sử dụng Internet), sau đó họ sẽ lần tìm ra các thông tin khác qua việc biết được tên hộp thư đó. Nếu bạn tham gia những diễn đàn đó nhiều lần chắc chắn sẽ có vấn đề. Cơ quan mật vụ sẽ tận tình chăm sóc đến bạn để tìm hiểu cho ra mục đích của bạn chỉ là ngồi giết thời gian hay là liên quan đến những việc làm mà họ cho là “cấm kị”.

Nên sử dụng các hộp thư miễn phí của Yahoo, Hotmail, Gmail để giảm thiểu nguy hại. Thật ra, các hộp thư của Safe-mail, Gmx, Aol có phương pháp bảo mật cao hơn, nhưng hộp thư này ít được sử dụng tại Việt Nam. Vì vậy nếu bạn sử dụng nó cũng dễ gây ra sự chú ý cho các cơ quan mật vụ. Chiến sĩ dân chủ thời đại phải có ít nhất hàng chục địa chỉ thư điện tử (trên thực tế, những người đang hoạt động bí mật trong nước đều cần từ trên một trăm đến vài trăm địa chỉ thư điện tử khác nhau). Mỗi hộp thư điện tử chỉ để trao đổi riêng với một người. Sau một khoảng thời gian nào đó, hoặc nếu nhận thấy hộp thư đó có thể bị lộ, lại phải sử dụng hộp thư mới. Càng có nhiều sự trao đổi càng cần phải có nhiều hộp thư. Tránh dùng một hộp thư để trao đổi với nhiều người, vì nếu hộp thư bị theo dõi thì sẽ bị lộ cả đám. Trong trường hợp phải dùng đúng hộp thư đó để xác định mối quan hệ thì bạn phải gửi thành nhiều lần riêng biệt để những người cùng nhận không biết nhau. Nếu gửi C/c (carbon copy) hoặc Forward, địa chỉ những người nhận sẽ cùng hiện lên ở mỗi hộp thư. Bạn cũng cần có hộp thư riêng chỉ để lang thang trên mạng, trao đổi với những người quen, những công việc vô thưởng vô phạt hàng ngày. Tuyệt đối không dùng hộp thư này để liên lạc các tin tức dân chủ, trao đổi về những điều quan trọng và nhạy cảm khác. Không dùng hộp thư này trong khi đã sử dụng những hộp thư trao đổi về tình hình dân chủ (sẽ nói rõ ở dưới đây).

Bạn cũng cần có nhiều mật mã (password) để mở các hộp thư. Vì dùng nhiều hộp thư và có nhiều mật mã nên phải chọn mật mã nội dung đơn giản (không đồng nghĩa với thao tác kĩ thuật đơn giản), dễ nhớ và nếu có quên cũng có cách để nhớ ra. Điều rất quan trọng nữa là các mật mã này lại không được có những đặc điểm giống nhau, không theo một qui luật nào, để cơ quan mật vụ nếu có tìm ra cũng không có cơ sở phân tích những hộp thư điện tử này là của một chủ nhân. Mật mã phải tự nhiên, ngẫu nhiên, không có đặc điểm liên quan đến bạn. Khi dùng chữ, lúc sử dụng số, có khi lại lẫn lộn cả chữ số. Khi dùng tiếng Anh, khi dùng tiếng Việt, khi lại là những kí tự hoàn toàn vô nghĩa. Để dễ nhớ, có người chỉ dùng một chữ cái hoặc một con số cho cả 6 kí tự của password, đây là điều nên tránh, bởi vì như vậy thì password sẽ rất đơn giản, các tay Cracker sẽ dễ dàng bẻ khóa, hơn nữa đây cũng sẽ là đặc điểm để cơ quan an ninh nhận diện ra chủ của nhiều hộp thư cũng chỉ là một người. Việc tạo ra các mật mã siêu hạng để vô hiệu các tay Cracker chuyên nghiệp cũng là một kĩ năng. Tuy nhiên, để ghi nhớ các địa chỉ và mật mã này cũng gây ra nhiều khó khăn. Cho đến bây giờ, công việc tưởng như rất đơn giản là ghi nhớ các chữ số này, vẫn chưa tìm ra được một phương pháp nào được coi là tạm ổn. Những yêu cầu trên đây về nguyên tắc thiết lập mật mã cũng là rất khó khăn và mâu thuẫn với những phương pháp ghi nhớ đơn giản, tuy nhiên lại là điều bắt buộc để bảo đảm an toàn. Những chiến sĩ dân chủ thời đại phải ghi nhớ rất nhiều những địa chỉ e-mail của những người cần liên lạc, cùng vô số những địa chỉ và mật mã của mình tạo ra để phòng tránh cơ quan mật vụ, việc ghi nhớ tất cả ở trong đầu gần như bất khả thi. Trong điều kiện hoạt động bí mật, căng thẳng, lại luôn luôn phải để ý các điều kiện an toàn khác, việc bị quên các địa chỉ thư điện tử và mật mã là rất dễ xảy ra. Mỗi người phải tự tìm ra những biện pháp ghi nhớ khác nhau. Một phương pháp để ghi nhớ các địa chỉ hộp thư và mật mã là: không dùng lại các hộp thư cũ. Có nghĩa là bạn có thể tạo ra vài trăm địa chỉ thư điện tử khác nhau nhưng mỗi hộp thư sau khi sử dụng để nhận hoặc chuyển một nội dung thông tin nào đó, bạn sẽ quên luôn nó. Trong mỗi thời điểm nào đó chỉ sử dụng vài ba hộp thư thì bạn chỉ ghi nhớ những địa chỉ đó thôi, bỏ ra ngoài “bộ nhớ” của bạn tất cả những hộp thư không còn giá trị sử dụng nữa.

Các phương pháp bảo mật này gần như chỉ thật sự cần thiết với đa số những chiến sĩ đấu tranh dân chủ đang phải hoạt động bí mật trong nước. Thế nhưng cũng có một vài chi tiết những người hoạt động ở hải ngoại phải lưu ý. Ví dụ như bạn sử dụng một hộp thư điện tử nào đó để liên lạc với trong nước, và hộp thư đó đã bị lộ, tất nhiên bạn có thể thay đổi bằng nhiều cái tên mới, thế nhưng bạn vẫn chỉ ung dung ngồi tại nhà mình hoặc một Internet Café nào đó vẫn quen thuộc để gửi những tin tức đó. Như vậy thì nếu bạn có thay đổi đến 1001 nickname khác nhau cũng chẳng mang lại lợi ích gì, bởi vì mỗi số IP của bạn đã bị cơ quan an ninh ghi nhận và nó vẫn chỉ ở một địa chỉ (vì phương pháp chuyên môn để nhận dạng một máy chủ nào đó gồm hai yếu tố là Số và Tên). Những chiến sĩ dân chủ thời đại cũng cần phải ghi nhớ điều này lắm chứ. Như vậy, bạn sẽ hiểu rằng không được dùng lẫn lộn những hộp thư an toàn (được giữ bí mật để sử dụng lâu dài) và không an toàn (đã bị lộ hoặc chỉ sử dụng một lần) tại một địa chỉ, không nên dùng nhiều hộp thư khác nhau trên một địa điểm Internet. Nếu cơ quan mật vụ đang theo dõi bạn thì họ sẽ lưu lại được cả một danh sách dài, sẽ rất thú vị đối với họ! Nếu phải sử dụng một lúc vài hộp thư khác nhau để liên lạc, tốt nhất bạn dùng những hộp thư chỉ sử dụng một lần.

Việc thiết lập một “hộp thư chết” cũng rất cần thiết. Khi đã tạo ra một hộp thư điện tử và thống nhất sử dụng làm “hộp thư chết”, những người cùng sử dụng phải được biết mật mã, mọi thông tin sẽ được gửi vào hộp thư chết như post up lên một trang báo. Những liên lạc trong và ngoài nước sẽ chỉ sử dụng chung trong một hộp thư, như vậy sự tiện lợi là bạn chỉ mất một thao tác nhưng lại có thể thông báo thông tin cho rất nhiều người cùng biết. Việc liên lạc trong hộp thư chết có thể tổ chức như một mạng nội bộ. Tuy nhiên sự bất lợi của hộp thư chết là sẽ khó giữ bí mật (vì càng nhiều người biết thì độ bảo mật càng thấp). Nếu cơ quan mật vụ biết được địa chỉ hộp thư sẽ có thể theo dõi và tìm ra nhiều cá nhân có liên quan (những cá nhân ở nhiều địa phương khác nhau cùng sử dụng sẽ bị nhận dạng ra qua các số IP khác nhau). Do vậy, tốt nhất là sử dụng hộp thư chết để chuyển thông tin từ Việt Nam ra nước ngoài, một người gửi nhưng nhiều người có thể nhận được. Điều này sẽ giúp bạn không phải nhớ trong đầu nhiều địa chỉ e-mail của những người muốn liên lạc, bạn không phải làm thao tác gửi (sent) nhiều lần vào các địa chỉ khác nhau, chỉ cần lưu vào Draft (nếu không chứa file kèm theo), hoặc Sent vào một địa chỉ không tồn tại. Sẽ không mất nhiều thời gian hồi hộp chờ đợi mỗi khi bấm nút sent đến các hộp thư khác nhau, mà lại không để lộ thêm bất cứ một hộp thư nào khác, không để lộ ra là bạn có mối liên lạc với bao nhiêu người ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết rằng dù thông tin không gửi đi mà chỉ lưu vào Draft của hộp thư nhưng trên thực tế những thông tin đó vẫn phải lưu chuyển đến những trạm dịch vụ (server farm) của nhà cung cấp dịch vụ Yahoo, Gmail ..., do vậy nếu cơ quan mật vụ đang theo dõi bạn vẫn có thể chặn được những thông tin này, hoặc khi lưu vào Draft những file có dung lượng lớn, có hình ảnh, hoặc được bảo vệ bằng mật mã sẽ rất dễ làm cho hệ thống báo động của Proxy lưu tâm đến. Nếu dùng hộp thư chết làm nơi thông tin nội bộ, cần giữ bí mật tuyệt đối tên hộp thư và phải thay đổi mật mã thường xuyên. Sau khi nhận thông tin cần xóa sạch dấu vết.

Những chiến sĩ dân chủ thời đại ngoài việc nhận và gửi thông tin trên Internet bằng thư điện tử, cũng cần phải sử dụng phương tiện liên lạc trực tuyến Chat nữa chứ. Đừng nghĩ rằng Chat là phương tiện chỉ để tán gẫu và hẹn hò của lứa tuổi 15-17. Nhà cung cấp dịch vụ chưa hề qui định về giới hạn sử dụng Chat tối đa là bao nhiêu tuổi. Chat sẽ cho bạn thêm một phương tiện để trao đổi thông tin và liên lạc. Bạn có thể Chat vài nội dung lấp lửng trên Yahoo!Messenger, và rồi lại nói tiếp tục nội dung đó trong một hộp thư của Gmail, hay Hotmail như vậy sẽ gây ra rất nhiều khó dễ cho cơ quan mật vụ. Tuy nhiên, vì Chat là giao tiếp trực tuyến nên khi trao đổi với các IP ở nước ngoài sẽ rất dễ bị phát hiện ra, vì vậy không nên sử dụng Chat để trao đổi những thông tin quan trọng và chỉ nên trao đổi ngắn gọn rồi Sign out ngay, để cơ quan mật vụ không đủ thời gian bắt bạn “tại trận”. Chat có thể sử dụng để nhắn tin, khi không cùng online. Khi sử dụng Chat, một chi tiết cần phải lưu ý là trong Messenger list ngoài tên mà bạn cần liên lạc, bạn cần nhập (Add) thêm hàng chục những nickname “trời ơi đất hỡi” khác mà bạn không hề quen biết để nếu mật vụ có theo dõi cũng nghĩ rằng bạn là một “dân Chat chuyên nghiệp”, trên thực tế một “dân Chat chuyên nghiệp” trong danh sách Messenger list có thể có tới hàng trăm bạn Chat.

Hà Nội sợ sự thật, cho nên họ ngày đêm tìm cách ngăn chặn tin tức. Những bức tường lửa tại Việt Nam đã tỏ ra hiệu quả, hầu hết các Website ở hải ngoại, các trang thông tin đến các tổ chức dân chủ và nhân quyền Quốc tế đều bị ngăn chặn. Trong điều kiện như vậy, các giao tiếp trong ngoài qua điện thư càng cần gia tăng nhiều hơn nữa để kịp thời thông tin, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, lơ là trong việc bảo đảm an ninh hoặc không lưu ý đến phương vị an toàn của những người ở trong nước là hết sức nguy hiểm. Những cá nhân và tổ chức ở hải ngoại nếu có những liên hệ hoặc hỗ trợ các tổ chức hoạt động bí mật ở trong nước, nên sử dụng một địa chỉ thư điện tử tuyệt đối an toàn (phương pháp liên lạc đã phổ biến trong tài liệu: Những chiến sĩ dân chủ chuyên nghiệp). Những hộp thư này nên đăng kí trên các tên miền (domain) của các nhà cung cấp dịch vụ rất phổ biến tại Việt Nam như Yahoo, Hotmail, Gmail, tuyệt đối không sử dụng các tên miền của các tổ chức, nhóm riêng biệt, hoặc các hộp thư đăng kí trên Aol, Compuser, Gmx ...nên hạn chế sử dụng.

Bạn sử dụng những hộp thư này để liên lạc sẽ trông rất giống một ông Tây mặc áo Vest, thắt cà-vạt bắt tay với một nông dân chân lấm tay bùn, cơ quan mật vụ sẽ nhận diện ra bạn từ trước khi “làm thủ tục nhập cảnh”. Và thế là “nông dân” ta rất dễ bị chết oan.

Gần đây, cơ quan an ninh Việt Nam tung điện thư giả mạo trên các diễn đàn để lũng đoạn các phương tiện và phương thức chuyển tin, gieo rắc sự nghi kị, chia rẽ, hầu làm nản lòng và tê liệt các hoạt động đấu tranh dân chủ. Nếu cẩn thận và có chút kinh nghiệm bạn chỉ cần bỏ ít thời gian kiểm tra thì biết ngay người gửi xuất phát từ đâu. Việc giả mạo e-mail là rất dễ dàng đối với cơ quan mật vụ. Không cần phải là một chuyên viên tin học thượng thặng, ai cũng có thể làm được nếu có hiểu biết về chuyên môn. Trên lí thuyết thì mỗi địa chỉ thư điện tử chỉ có một tên, không có trùng lặp, vì vậy việc người khác sử dụng một hộp thư giống của mình để gửi tin là điều không thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế lại khác, bạn có thể giả mạo bất cứ hộp thư điện tử nào khác để gửi thư đi phá hoại. Để nhận thấy điều đó, bạn có thể tìm thấy vô số các diễn đàn hoặc các trang Web chuyên tiếp thị và ra giá cho mỗi “hợp đồng mở khóa” đó (đặc biệt là các trang Web từ nước Nga, nơi được đánh giá là có lực lượng Cracker mạnh nhất nhì Thế giới). Vì vậy, để tránh những tổn thất, việc giữ kín những địa chỉ hộp thư cũng quan trọng như bảo vệ hành tung của bạn.

Để trở thành những chiến sĩ dân chủ thời đại, gánh vác trên vai những trọng trách của đất nước, của dân tộc Việt Nam, đầy gian lao, nguy hiểm và vinh dự. Những chiến sĩ dân chủ sẽ phải thuộc nằm lòng những nguyên tắc an toàn cơ bản để tự bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức và bảo vệ phong trào dân chủ Việt Nam.

Tuy nhiên, công nghệ luôn luôn phát triển và biến đổi, các kĩ thuật mới đang ra đời, những chiến sĩ dân chủ sẽ còn phải tiếp tục trang bị cho mình những vũ khí mới, cập nhật những phương pháp tiến bộ hơn, và họ cũng mong mỏi sẽ nhận được những sự trợ giúp, hỗ trợ của các chuyên gia tin học, những người có chuyên môn, những người tìm tòi nắm bắt được những thủ thuật mới, những người có một tấm lòng với quê hương đất nước, đang cùng nhau hướng về một tương lai tươi đẹp và dân chủ thật sự cho dân tộc Việt Nam.

Xin hãy cùng nắm tay nhau để trở thành những chiến sĩ dân chủ thời đại!

(ĐDCND - http://www.freewebs.com/dangdanchunhandan/)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.