Hôm nay,  

Triển Lãm Tranh “hồn Việt: Transcending Traditions”

31/10/200500:00:00(Xem: 5248)
Mỗi khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam đều phản ảnh hương sắc của những nét đa cảm tâm linh, của sức bền dẻo và của sự phấn đấu tồn tại. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Việt Nam đã thâu thập những nguồn lợi thiên nhiên để vượt qua những khó khăn trở ngại để bảo tồn giá trị chân thực của dân tộc Việt Nam. Trong những khía cạnh đó, nghệ thuật hội họa Việt Nam cũng giữ một vai quan trọng trong việc duy trì nền văn hóa độc lập của Việt Nam.

Sau biến cố 1975, chế độ thay đổi, tường rằng ngành nghệ thuật hôị họa Việt Nam đã bị chôn vùi mặc dù cũng có một số họa sĩ Việt Nam đã tạo cho họ một thế đứng vững tại hải ngoại. Thế nhưng, đối với thế giới phương Tây, ngành mỹ thuật hiện đại Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng cho đến cuối thập niên 80. Để dân chúng dễ thở một tí, chính quyền Hà Nội đã dẹp bỏ lệ “bế môn tỏa cảng” và bắt đầu cải tổ việc bang giao với thế giới bên ngoài. Từ đó, du khách lũ lượt viếng thăm Việt Nam, một quốc gia nổi tiếng với những người dân hiền hòa, hiếu khách, tuy nghèo vật chất nhưng rất giầu tình người. Sự mở mang du lịch cũng là cơ hội cho các họa sĩ tài năng nghèo nàn tìm phương tiện tiến thân. Cũng nhờ đó du khách ngoại quốc lần lượt quen biết với nghệ thuật hội họa Việt Nam qua nhiều trình độ khác nhau. Dọc dọc theo đường phố, du khách có thể mua một vài tấm họa lưu niệm với giá rẻ mạc. Khách yêu tranh nghệ thuật thường ghé vào các phòng triển lãm, vừa ngắm vừa lựa tranh có phẩm chất nghệ thuật cao hơn. Tuy nhiên, tệ nạn chép lại tranh cũng đã trở thành một trở ngại lớn cho các họa sĩ có danh tiếng. Riêng khách sưu tầm tranh lại thích liên lạc hoặc làm việc thẳng với họa sĩ để không bị mua lầm tranh giả. Họ vừa mua tranh vừa mua cả tâm hồn. Họ không sưu tầm tranh mà họ sưu tầm nghệ thuật văn hóa.

Ngành mỹ thuật hội họa Việt Nam có những nét đặc thù khác hẳn với những quốc gia Á châu khác vì nó phản ảnh cả hai đường nét nghệ thuật hội họa Đông Tây--của Pháp, Trung Hoa, Chàm, và khắp mọi miền trong nước. Do đó, khách yêu nghệ thuật rất chú trọng đến tranh ảnh Việt Nam. Từ Hồng Kông, Singapore, Pháp, Đức, và Hoa Kỳ đã có rất nhiều khách tìm mua và sưu tập tranh Việt Nam. Nhưng đối với Hoa Kỳ, nghệ thuật Việt Nam vẫn còn xa lạ. Thêm vào đó, sách vở, báo chí cũng chưa đủ tài liệu rõ rệt để mô tả nét chân thực của người họa sĩ Việt Nam và truyền thống của ngành mỹ thuật Việt Nam.

Từ ngày ngành hội họa Việt Nam trở lại thương trường nghệ thuật thế giới, người ta chỉ biết nhiều đến những họa sĩ xuất thân từ trường mỹ thuật tại Hà Nội, L’Ecole des Beaux Arts de l’Indochine được họa sư Victor Tardieu, bạn học với thiên tài Matisse, thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1925. Nhưng ít ai biết trong miền Nam cũng có những trung tâm mỹ thuật đã đào tạo rất nhiều họa sĩ nổi tiếng từ bao thập niên qua. Các trường Trung Học Mỹ Nghệ, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định tại Sài Gòn do họa sư Lê Văn Đệ sáng lập năm 1956, và Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, thành lập năm 1959, đã đào tạo những nhân tài như Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Bé Ký, Nguyễn Phước, Hồ Thành Đức, Đinh Cường, Lê Vượng, Đỗ Duy Tuấn, và còn nhiều nữa. Gần đây, hai họa sĩ đại tài vừa mới rời quản trường nghệ thuật, gác bỏ bút cọ về miền vĩnh cửu, cố họa sĩ Nguyễn Văn Minh và Dương Đình Sáng cũng đã xuất thân từ các trung tâm này.

Vào những thập niên 60 và 70, trong Nam có một nhóm họa sĩ đã thành lập một phong trào nghệ thuật mở đường cho những sáng tác mới linh động và phóng khoáng hơn những nét cổ điển, mơ mộng, truyền chân của các bậc đàn anh. Họ được mệnh danh là “những cột trụ” của ngành hội họa mới của Việt Nam thời bấy giờ. Giới yêu nghệ thuật hội họa Việt Nam không ai không biết đến “thập nhị danh họa” của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam được thành lập năm 1966 tại Sài Gòn với Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Hiếu Để, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Trang Thị Thìn, Mai Chung, và Ngô Cao Nguyên. 39 năm sau, các “họa sĩ trẻ” còn lại tóc đã đươm mầu thời gian, nhưng đường nét trên tranh vẫn tuyệt hảo, giao động, trẻ trung tuy chững chạc hơn qua lối diễn tả tâm linh và cảm giác của họ.

Đối với thế hệ hậu duệ, yêu nghệ thuật nhưng không đủ tài năng để giám “múa rìu qua mắt thợ”, hai cô chủ nhân Galerie Brigitte chỉ biết dùng tài thương mại của mình để phổ biến và chia sẻ tinh hoa văn hóa Việt Nam với xứ sở mới của mình. Trưởng thành tại Mỹ, tâm hồn họ cũng có đôi lúc muốn về nguồn. Một năm trước, một cơ duyên tốt do bạn bè giới thiệu, họ đã có cơ hội biết đến 4 họa sĩ xuất thân từ các trường mỹ thuật trong miền Nam. Cú điện thoại đầu tiên với họa sĩ Hồ Hữu Thủ đã mở đường cho bước đi đầu tiên của họ. Lập tức, họ sửa soạn cho cuộc triển lãm mang chủ đề “Hồn Việt: Transcending Traditions” cho các họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Lê Vượng và Đỗ Duy Tuấn. Trong thời gian chuẩn bị sắp xếp, họ đã phải đương đầu với rất nhiều thử thách. Khó khăn cuối cùng họ gặp phải gần như là một tắt nghẽn điên đầu. Sáu tháng trước đó, ban điều hành khu thương xá dời phòng triển lãm của GB sang một chỗ nhỏ hơn. “Tá hỏa tam tinh”! Làm sao có chỗ rộng triển lãm tranh!"! Chủ nhân GB bắt đầu liên lạc với các cơ quan bảo tàng viện, khách sạn, trung tâm văn hóa trong vùng, v.v. để tìm chỗ mướn. Có nơi quá đắt, có nơi không có chỗ. Thường trong cái rủi lại có cái may. Tuần cuối cùng trong tuyệt vọng, sau khi họ trình dự án với người quản lý phòng tranh của ngân hàng thế giới, họ nhận được cú điện thoại từ the World Bank báo cho biết ngân hàng này sẽ cung cấp phòng triển lãm của the World Bank để Galerie Brigitte triển lãm tranh cho 4 hoạ sĩ. Đây là một việc rất hiếm vì World Bank thường tiếp xúc trực tiếp với họa sĩ và chưa từng làm việc thẳng với đại diện họa sĩ. Có thể nói, đây cũng là lần đầu tiên the World Bank cho triển lãm tranh nghệ thuật Việt Nam, và căn phòng triển lãm thanh lịch này nằm ngay trước văn phòng của ông tổng giám đốc ngân hàng trên lầu 12 tại trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Sẽ có khoảng 40 bức tranh sơn dầu và sơn mài được triển lãm từ ngày mùng 10 cho đến cuối tháng 11 tại the World Bank. Galerie Brigitte cũng đã hoàn thành việc bảo lãnh 4 họa sĩ sang viếng Hoa Kỳ để họ có dịp tiếp xúc với khách yêu nghệ thuật. Đây cũng là cơ hội để các họa sĩ có thể gặp lại bạn bè cũ và thân nhân. Hai buổi tiếp tân và trò truyện với các họa sĩ sẽ được tổ chức vào hai ngày 10 và 12 tháng 11 tại the World Bank. Nhân dịp này, Galerie Brigitte cũng tặng một phần tiền lời bán tranh cho các cơ quan từ thiện Asia Society Washington Center, Habitat for Humanity vào quỹ cứu trợ bão lụt vừa qua, và “APACAF” Sáng Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Á Châu Thái Bình Dương.

VÀI NÉT VỀ CÁC HỌA SĨ

Trong “Hồn Việt: Transcending Traditions”, các họa sĩ dùng nét bút, cọ sơn và sắc mầu để diễn đạt tâm tưởng và linh hồn của một dân tộc bất diệt. Dù ở trời Đông hay phương Tây, dù có thay đổi hình hài, thể chất, dù sống trong sung sướng, tự do hay trong gò bó, lao nhọc, bản chất Hồn Việt không bao giờ phai lãng. Theo dòng thời gian, Hồn Việt cần phải mãi mãi luân chuyển và thấm nhuần vào những dòng văn hóa và truyền thống khác như mầu sắc, vết sơn quyện lên trên gỗ, trên bố để tạo thành một bức tranh hoàn mỹ. Đó là sứ mệnh của 4 họa sĩ này khi họ đặt bút lên nền sáng tạo.

LÊ VƯỢNG: “Danh Sư Truyền Chân”—Sanh trưởng tại Sài Gòn; tốt nghiệp Cao học ngành mỹ thuật tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Sài Gòn. Thấm nhuần trường phái “Impressionism”, ông chuyên sáng tác tranh sơn dầu truyền chân của những món vật đơn sơ được sử dụng hằng ngày quyện với những hình vật thiên nhiên như để nói lên ý nghĩa luân hồi của sự sống. Đường nét sắc xảo cùng lối uyển chuyển của ánh sáng và bóng tối phản ảnh trên hình vật mang đến một chiều sâu mà chỉ có tình cảm chân linh mới có thể diễn đạt được. Ông cũng được rất nhiều giải thưởng nghệ thuật. Tranh của ông đã từng được triển lãm tại Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Nam Dương và Nhật Bản.

“Tranh của tôi là những bản tình ca bất diệt. Tôi trộn lẫn mầu sắc với ánh sáng để tạo nên khí chất và tâm tưởng cho tĩnh vật của tôi…rồi chúng tự hòa âm thành những giai điệu âm nhạc để khách ngưỡng mộ có thể thưởng thức và cảm nhận được linh hồn của những tĩnh vật đó. Âm nhạc của tôi luân chuyển từ nét trầm lặng đến sự sống động như sự biến chuyển của thiên nhiên.”

HỒ HỮU THỦ: “Nét Tuyệt Mỹ Thần Tiên”—Quê ở Nghệ An và trưởng thành trong Sài Gòn. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Sài Gòn. Ông cũng là hội viên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam vào các thập niên 60 và 70. Ông nhận rất nhiều giải thưởng văn hóa nghệ thuật. Tranh của ông từng triển lãm tại Hoa Kỳ, Pháp, Mã Lai Á, Nam Dương, Hồng Kông và Nhật Bản.

Hồ Hữu Thủ thích sáng tác tranh sơn mài trừu tượng. Thực thực, hư hư là nếp sống hiện thực của con người. Trong tâm tưởng ông, sự vật chúng ta nhìn bằng đôi mắt không hẳn là sự thực trước mắt. Vì thế, chúng ta phải nhìn sự việc bằng chiều sâu. Cũng như khi ngắm tranh trừu tượng của Hồ Hữu Thủ, nếu chúng ta không nhìn được chiều sâu của tranh, chúng ta sẽ không thể có cuộc đối thoại tâm linh được với người sáng tạo. Chúng ta sẽ không cảm được “Hồn Việt” qua những tác phẩm của ông.

Trước thập niên 1990, khó mà bán được một bức tranh của một họa sĩ tại Việt Nam với giá $1,000 đô la. Từ năm 1992, tranh nghệ thuật Việt Nam đã có một thế đứng vững hơn. Trung bình một bức tranh nghệ thuật chính tông trị giá từ $3,000 đến $10,000 đô la. Năm 1993, một khách sưu tầm tranh trừu tượng của Hồ Hữu Thủ người Nhật đã mua tranh của ông với giá $10,000 đô la.

“Hội họa là một trò chơi đơn độc -- độc diễn bởi một tâm hồn trầm lặng nhưng diễn đạt rất thực tiễn và đượm nhiều ngụ ý khác nhau dựa trên lối nhìn và ước muốn của từng cá nhân. Đó là biểu tượng tinh khiết, dị kỳ thu hút chúng ta vào mê hồn trận để rồi đưa tâm linh chúng ta thoát ly vào một thế giới thực tế hơn.”

ĐỖ DUY TUẤN: “Người Lữ Hành Đơn Độc” – Quê ở Thừa Thiên, Huế. Tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Trước 75, ông thường tham gia các sinh hoạt nghệ thuật tại Huế và Đà Nẵng. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, ông phải tạm gián đoạn tài nghệ cho đến năm 1994. Ông cũng nhận được rất nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của ông; đã hai lần tranh của ông nhận được “Certificate of Recognition” của the Phillip Morris Group of Companies ASEAN Art Awards. Tranh của ông đã được triển lãm tại Thụy Sĩ, Hồng Kông, Nam Dương và Lào.

Tranh của Đỗ Duy Tuấn rất đượm thuần nét Thiền, rất hiền hòa, nhẹ nhàng, và bình thản. Mang ảnh hưởng của bậc đàn anh. Nguyễn Trung, Đinh Cường, tranh của Đỗ Duy Tuấn luôn chú trọng đến nét đẹp thuần túy, mơ mộng của người con gái và hương quê Việt Nam. Ông dùng rất nhiều mực sơn để tạo chiều sâu cho bức tranh sơn dầu, nhưng chung quanh hình ảnh mỹ miều kia luôn luôn thể hiện nét bằng phẳng, dịu dàng, mềm mại của một tâm tính trinh nguyên và hồn nhiên.

“Cuối cùng, tôi đã tìm được niềm thư thái trong tâm hồn và nó phản ảnh rõ rệt trong sự sáng tạo của tôi. Tranh của tôi luôn mang âm hưởng của Huế thơ mộng, yêu kiều, của một quá khứ vinh diệu, và của nét đẹp thánh thiện mà đến bây giờ tôi vẫn chưa thể hòa hợp được với cuộc sống hiện nay. Tranh của tôi biểu tượng cho linh hồn và tâm tưởng và không thử thách người ngắm tranh phải suy gẫm vì tôi muốn tạo cho họ cảm giác là chính họ đang cầm cọ bút vẽ tranh ấy.”

NGUYỄN LÂM: “Danh Họa Trừu Tượng” – Quê tại Cần Thơ. Tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Sài Gòn. Trước 75, giảng dạy về ngành mỹ thuật tại Gia Định. Ông cũng là hội viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam trong các thập niên 60 và 70. Tranh của ông đã được triển lãm tại Hoa Kỳ, Bỉ, Ấn Độ, Nam Dương, Nhật Bản, và Thái Lan. Tranh của ông và Hoạ Sĩ Đinh Cường cũng đã được viễn du theo cuộc triển lãm “An Ocean Apart” của Smithsonian Institute Traveling Exhibition. Từ 1995-1998, cuộc triển lãm này đã lưu hành đến 7 viện bảo tàng khắp nước Mỹ.

“Tranh là diễn tiến của sự sáng tạo và hủy diệt. Trong tiến trình cấu tạo, người họa sĩ không được phép lập lại tâm tưởng của mình. Khi say mê sáng tạo, người họa sĩ đã bước vào cuộc hành trình vô định. Dọc đường, họ có thể đối diện với chông gai, thử thách tạo cho họ cơ hội thử nghiệm những thay đổi mới để có thể tìm được cái đẹp trường cửu. Nét đẹp mà tôi đang đi tìm thì quá vĩ đại và mơ hồ, nên đôi khi những gì tôi gom nhặt được chỉ là những nét cỏn con của hằng hà sa số các dấu tích của nét đẹp ấy. Cuối cùng, những cấu kết của tôi không giống như điều tôi dự định ban đầu ngoại trừ nét phản ảnh tâm linh.”

Lê Thùy Lan (VATV)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.