Hôm nay,  

Những Liên Minh Mới

14/08/200100:00:00(Xem: 4280)
Hai tuần trước, trong khi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chánh Nhật ngồi trên xe lửa bọc thép rong đuổi quãng đường dài suốt 9 ngày đêm xuyên qua Tây Bá Lợi Á để đến Mạc Tư Khoa hội đàm với Tổng Thống Putin, người ta thấy một phái đoàn quân sự của Hà Nội do tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng, cầm đầu đến Hán Thành để ký kết một thỏa ước trao đổi và hợp tác quân sự.
Đây là một chuyện lạ vì Nam Hàn là nước năm xưa đã tham gia cuộc chiến chống Cộng sản Việt Nam, có số quân nhiều đến 320,000 người chiến đấu bên cạnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ. Bắc Hàn vẫn là đồng chí của Cộng sản Việt Nam về mặt ý thức hệ, mặc dù tình đồng chí đó không còn mặn mà như xưa và mặc dù Việt Nam nước xuất cảng gạo đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới, khi Bắc Hàn bị nạn đòi dài trong mấy năm liền, Hà Nội chỉ biếu tượng trưng một số gạo để làm quà, còn muốn có gạo nhiều hơn, Bắc Hàn phải bỏ tiền ra mua mới có. Bây giờ giữa lúc Kim Chánh Nhật đến họp với Putin đưa bản tuyên ngôn Mạc Tư Khoa nhằm chống lại kế hoạch dựng lá chắn phi đạn của Mỹ, Việt Nam lại ký kết trao đổi và hợp tác quân sự với Nam Hàn, một nước đang có quân lực Mỹ trấn đóng để giữ đường ranh giới Nam-Bắc Hàn được an toàn, điều này có ý nghĩa gì"
Chúng tôi không nghĩ đây là một sự đảo lộn liên minh ngoạn mục, vì chẳng có dấu hiệu nào như vậy. Nó chỉ có nghĩa là Việt Nam đang cần có vốn đầu tư từ ngoại quốc. Không phải đến bây giờ chế độ Hà Nội mới quên mối hận thù cũ mà ngay từ năm 1992, khi Chủ tịch Kim Nhật Thành còn sống, Cộng sản Việt Nam đã thân thiện với Nam Hàn, thiết lập bang giao và trao đổi thương mại. Hà Nội đã mạnh dạn làm chuyện này bất chấp sự bực bội của Bắc Hàn lúc đó vì Bắc Kinh đã mở đường đi trước. Trung Quốc đã thừa nhận và giao thương với Nam Hàn trước Việt Nam. Hơn nữa vào thời điểm đó Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế, đã thấy mùi vị dịu ngọt của đồng đô-la Mỹ qua đầu tư nước ngoài đổ vào trong nước. Trung Quốc làm được, tại sao Việt Nam không làm được" Gia dĩ Trung Quốc là anh khổng lồ nằm sát biên giới, Việt Nam phải kiêng nể, còn Bắc Hàn ở xa, nước lại nhỏ, thế lại yếu, có gì đáng sợ"
Nhưng bây giờ tại sao tiến đến liên minh quân sự" Sự thật đây là chuyện đã dàn xếp từ cuối năm 2000, khi bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn đến thăm Việt Nam lần đầu tiên nêu ra những viễn tượng có lợi cho kinh tế của cả hai bên, còn mối quan tâm về quân sự chỉ là thứ yếu có tính cách trang trí bề ngoài. Thỏa ước được ký kết chỉ là bị vong lục (memorandum), nhắc nhở lại bằng văn kiện những gì đã được thỏa thuận và người hạ bút ký chỉ là hai bộ trưởng quốc phòng. Nếu là một kết ước chiến lược tất nhiên phải có chữ ký của cấp cao hơn như Chủ tịch hay Tổng Thống và phải được quốc hội hai bên phê chuẩn theo thủ tục hiệp ước quốc tế. Nhưng dù vậy, thỏa ước ký kết giữa hai bộ quốc phòng cũng phải được cấp lãnh đạo tối cao của bên đồng ý cho làm. Giá trị của nó chỉ ở cấp thấp, nhưng cũng không phải là tờ giấy lộn.

Trên phương diện chiến lược, Hà Nội còn có một dụng ý khác, ngoài nhu cầu kết thân với một nền kinh tế mạnh có khả năng làm quân bình đầu tư của Mỹ khi có thương ước, hay sức mạnh kinh tế Trung Quốc đang bành trướng. Dụng ý đó, người ta đã thấy rõ khi khối ASEAN họp hội nghị ở Hà Nội hồi cuối tháng 7. Đó là ước mơ có uy thế quốc tế nổi bật. Về việc này Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ, vun vén cho cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Bắc Hàn khi cả hai cùng có mặt tại Hà Nội. Nếu có cuộc hội đàm và nếu có sự khai thông bế tắc giữa Washington và Bình Nhưỡng, nền ngoại giao của Hà Nội sẽ tạo được uy thế lớn thay cho thế chạy cờ bên ngoài tẻ nhạt cho đến nay. Nhưng ước mơ đã tan vỡ, vào phút chót Ngoại trưởng Bắc Hàn đã hủy bỏ chuyến đi Hà Nội. Việc này làm Hà Nội bẽ mặt.
Tại sao Bắc Hàn đổi ý vào phút chót" Bắc Hàn muốn làm cao với Mỹ để khỏi bị lèn ép quá đáng chăng" Có thể như vậy, nhưng Kim Chánh Nhật lại chọn người và nơi khác. Hà Nội không thể nào bằng Mạc Tư Khoa và Nông Đức Mạnh hay Phan Văn Khải không thể nào bằng Vladimir Putin. Người ta đã thấy mục đích chuyến đi của Kim Chánh Nhật đến Mạc Tư Khoa là nhằm dựa vào Nga để mở lại đối thoại với Mỹ mà không bị mất mặt hay mất tư thế thương lượng. Tuyên ngôn chung Putin-Kim ở Mạc Tư Khoa nhấn mạnh đến nhu cầu phải duy trì Hiệp ước Chống phi đạn ABM năm 1972 giữa Mỹ và Nga. Nếu duy trì hiệp ước này, Mỹ không thể nào thực hiện lá chắn chống phi đạn. Trước khi phái đoàn quân sự Mỹ đến Mạc Tư Khoa để thảo luận về lá chắn và tài giảm vũ khí nguyên tử, Putin đã lợi dụng Kim Chánh Nhật để có một tư thế vững chắc hơn khi nói chuyện phải quấy với Mỹ. Còn Kim dựa vào Putin để mở lại cuộc đàm phán với Mỹ với một uy thế mới.
Đây là một cuộc liên minh chiến thuật giai đoạn, chớ không phải kết tác chiến lược đường dài. Putin đang cần phát triển kinh tế và hiện đại hóa nước Nga, không thể nào cùng Kim hợp tác chiến lược để trở lại con đường cộng sản giáo điều như cũ. Còn Kim cần Putin để nói chuyện với Mỹ kiếm lời, chớ không phải đến cúi đầu trước nấm mồ Lenin mong chế độ Cộng sản vững mạnh lại.
Chọn đúng lúc Kim đi Mạc Tư Khoa, Việt Nam ký kết hợp tác quân sự với Nam Hàn, vừa để gỡ thể diện vừa để trả đũa. Nhưng đây cũng là kiểu liên minh chiến thuật giai đoạn, một nét đặc trưng của thế giới đa cực ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.