Hôm nay,  

‘khúc Ruột Ngàn Dặm’

22/06/200500:00:00(Xem: 6527)
Tôi có thói quen đọc báo trên mạng Internet mỗi buổi sáng khi ngồi vào bàn làm việc. Bên ly cà phê nguội dần tôi nhâm nhi những lời bình luận ở trang đầu mỗi mạng web. Sáng qua, ly cà phê bỗng dưng đắng quá, tôi không nuốt được lấy nửa ngụm. Tay tôi liên tục bấm vào con chuột máy và mắt tôi trượt nhanh theo những dòng chữ chạy ngược lên trên. Mười năm, đã mười năm rồi tai tôi quen nghe những câu chữ dù không phải bằng tiếng mẹ đẻ nhưng rất thân tình, tế nhị. Ly cà phê của tôi như có ai thế bằng ly nước mắm làm miệng tôi khô chát và môi tôi như sát muối vì âm hưởng của mấy chữ "đuổi nó đi!"
Hình ảnh tên công an khu vực xóm La Cai năm nào bỗng trở về ngay trên màn hình máy vi tính. Con tôi năm ấy đứa mới chập chững đi, đứa còn bế ngửa, nhốn nháo rồi theo nhau khóc thét lên khi tên này vừa lôi mớ quần áo cũ và chiếc chiếu rách của mẹ con tôi quẳng ra cầu thang chung cư vừa hét "đuổi chúng ra!" Tôi tưởng sẽ chẳng bao giờ phải thấy lại cảnh này, tôi tưởng cuộc đời đã đổi thay và cái khiên nước Mỹ là mái che tốt bảo vệ nhân cách con người dù người ấy là ai, từ đâu đến. Vị tân khách vừa đến, giày vẫn chưa khô bùn Hà nội, mở đầu cuộc viếng thăm khúc ruột ngàn dặm bằng mấy chữ sặc mùi du côn làm tôi thất vọng quá. Có thể nào ư" Tuy không phải quốc trưởng cũng là prime minister, kẻ đem chuông đi đánh xứ người, dù là bù nhìn cũng còn cái tên phải giữ, lẽ nào lại lấy lời lẽ tiểu nhân đối đáp giữa diễn đàn quốc tế"
Xem TV buổi sáng thấy ngài thủ tướng của nước Việt Cộng đi sánh đôi với đại diện Boeing ở phi trường Seattle, chân họ vẫn bước đồng nhịp (tuy ngài thủ tướng hơi thấp cổ hơn một chút) tôi đã thấp thỏm mừng. Thỉnh thoảng người đại diện chủ nhà cúi xuống, ghé miệng vào tai vị khách mới đến ra vẻ họ rất tương đắc. Ống kính quái ác của phóng viên truyền hình như bám theo họ, cố thu hết mọi chi tiết cỏn con, có lẽ làm vị khách bẽn lẽn bước lùi lại, kín đáo đưa tay ra sau mông vẫy người phiên dịch đang lẽo đẽo phía sau. À ra thế, ngài thủ tướng việt cộng đang bí không biết tên Mỹ này nói gì nên cầu cứu đàn em (!) Chúng tôi, một lũ tha phương đến đây ngày một ngày hai là phải học, cái đầu tiên phải học là tiếng Mỹ, để mà sống, mà hiểu người bản xứ nói gì, và cuối cùng để làm việc với họ. Làm thủ tướng nước Việt Cộng không cần phải học, tôi đốn, chỉ cần hét cho oai, giọng thét cho lớn là ăn tiền. Như Phan Văn Khải (PVK) đã thực nghiệm trong diễn đàn kinh tế Seattle hôm 19 tháng 6. Trên màn ảnh, PVK mặc áo vét, đầu bóng mướt, vẫn không làm tôi quên được tên công an Nguyễn Văn Út ở La Cai xóm cũ nhà tôi. "Từ Ấy" chúng tôi đã "phải ra đường mà ở" như ước nguyện của Bác và Đảng. Con gái tôi đầu đầy chốc ghẻ, mỗi sáng từ lúc mặt trời còn chưa mọc tôi đã phải bế con đứng xếp hàng ở trước cửa các nhà thương thí để khám bệnh và được mua thuốc. Mỗi ngày một bệnh viện, từ quận này sang quận khác, chúng tôi sống bám vào cái nghề đau ốm. Có hôm nhiều bệnh nhân, tôi tay bế hai con phải đợi đến hơn 11 giờ trưa mới mua được ít thuốc ghẻ. Hôm nào hàng mới nhập kho, tôi mua được đủ 3 ngày, giữ lại chỉ vài viên thuốc nghệ cho con tôi uống trong một ngày, phần còn lại, bông băng và thuốc đỏ tôi đưa cho mẹ tôi ra chợ bán để đổi lấy vài bơ gạo tẻ. Con tôi uống thuốc vàng răng, vàng mắt mà chốc chẳng hết, mỗi lần cho con uống thuốc, con khóc và mẹ cũng khóc. Thuốc đắng quá làm con tôi sợ, cuộc sống bần tiện quá làm tim tôi tái tê và chai lì với sợ hãi. Chúng tôi ngủ bên nhau trên các xập chợ, đêm đêm nhìn trời tôi mơ về một ngày mai đỡ khốn khổ hơn. Thủa ấy, tôi ước gì có ông nhà giàu nào nhận tôi là họ hàng xa xôi cũng được để kiếm chỗ nương thân, nhưng tôi cứ mơ đêm này sang đêm khác qua bao ngàn đêm, giấc mơ cứ bạc dần mỗi ngày khi trời về sáng.

Bây giờ tôi đã ở đây, thiên đường của hạnh phúc. Tôi tưởng đã để lại những cơn hãi hùng ngày cũ ở quê nhà. Tôi thương mẹ nhớ em thỉnh thoảng dành chút tiền gởi về biếu mẹ và cho em đi học. Nhưng mẹ bảo nào có được hưởng hết đâu, hằng năm và mỗi tháng vẫn phải "biếu xén" mấy thầy công an khu phố mới được yên thân vì gia đình tôi có người sống ở nước ngoài. Nếu không muốn bị chụp mũ phản động vì theo Mỹ thì phải biết phải quấy mới được yên thân. Ngày tôi đi, căn hộ chung cư vất vả mười mấy năm mới mua được tôi để lại cho mẹ và em tôi, chỉ mang theo hai con và một mớ ký ức đau buồn về quê hương. Chúng tôi lại bắt đầu lại, nhưng bằng một nhịp sống khác. Những vết xẹo cuộc đời họ tặng tôi, tôi đã trả lại cho Bác và Đảng nhưng họ vẫn chưa vừa lòng. Con ma mới vẫn chưa hết cơn đói cũ, nó đang đuổi theo chúng tôi, đang giơ những chiếc vòi to như cái vòi voi về phía chúng tôi. Lũ dân nghèo bọn chúng quen hút máu hút mủ thủa nào nay đã béo mập hơn nên bọn mặt dày chẳng ngượng ngùng nỉ non gọi chúng tôi là khúc ruột ngàn dặm. Kinh tởm!!!
Tháng trước đọc báo, thấy Hà Nhân Văn khen PVK dẫu sao vẫn là người có học thức, khá hơn bộ sậu củi mục Hà nội, chúng tôi, nhân chứng của Việt Nam, nhân chứng và nạn nhân của bạo quyền cộng sản, đã thấy mừng. Trương Sĩ Lương đắn đo viết về PVK trong bài viết khá mềm của anh, đã làm tôi ngạc nhiên và với anh tôi hy vọng PVK sẽ là một Gorbachev hay ít nhất một Boris Yeltsin của Việt nam cộng sản. Nhưng tôi đã thất vọng, PVK đã làm chúng tôi thất vọng, về con người thật của ông và về những thứ ông nhân danh để đến đây. Sao quá dễ để cái đuôi satan của mình lộ ra vậy, chẳng lẽ những bài học ngoại giao của việt cộng chỉ có thế" Bọn chúng tôi hằng ngày, ngoài đường, trong chợ, nói với nhau bằng thứ tiếng Anh thô thiển nhưng rất sạch sẽ. Chúng tôi không cầu kỳ nịnh bợ người khác, tặng họ những mỹ từ bóng bẩy kiểu ruột liền da hay lá lành đùm lá rách như lũ việt cộng các ông, cũng không trơ trẽn gọi nhau khúc ruột thừa, ruột dư thối hoắc, và nhất là chúng tôi vẫn không quên vì sao chúng tôi phải đến đây. Nhưng chúng tôi biết tha thứ, cho những kẻ biết hối lỗi, phục thiện, chứ không phải bọn đi luồn ngõ sau ở tất cả các lỗ cửa bé lớn như thủ tướng việt cộng Phan Văn Khải đã làm hôm chủ nhật ở Seattle.
Mục sư Huỳnh Quốc Bình, cảm ơn ông đã nói giúp chúng tôi, đã vạch bộ mặt dối trá của những tên bịp bợm, đã điểm tên và chỉ ra các tội ác của chúng. Cảm ơn ông đã bước ra, đường hoàng bằng cửa trước, như ông và bạn bè chúng ta đã bước vào diễn đàn buổi sáng ngày 19 tháng 6. Đau đớn thay, thân phận hèn mạt của bọn khuyển mã, ở quê nhà thì dâng đất Tổ cho tàu cộng, ở Hoa Kỳ thì chui lỗ chó cổng sau và câm miệng cúi đầu không dám nhìn lá cờ máu nhỏ hí phập phà cạnh cờ sao Hoa Kỳ khì khào sau khách sạn Sheraton Seattle sáng hôm qua. Buồn thay, lịch sử Việt Nam lại thêm một ngày quốc nhục do tên thủ tướng hèn Phan Văn Khải ấn ký trưa ngày 19 tháng 6 năm 2005.
Hạ Miên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.