Hôm nay,  

Trung Quốc Vào Thời Kỳ Hậu Giang Trạch Dân

19/03/200500:00:00(Xem: 6259)
Hội nghị lần thứ IV khoá XVI cử hành từ ngày 16 đến 19-9-2004 ở Bắc Kinh với chủ đề "Nghị quyết tăng cường khả năng của đảng về cách thực thi quyền lực" lại bất thần trở thành một hội nghị thảo luận về việc "hạ đài" của ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) ở chính trường Trung Quốc. Cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai nhóm Giang-Hồ được giải quyết tương đối êm thắm bên ngoài nhưng không kém phần quyết liệt ở hậu trường.
Thực vậy, việc ông Giang Trạch Dân, chủ tịch Quân uỷ Trung ương "thỉnh cầu" Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc được từ chức làm các quan sát viên vô cùng ngạc nhiên. Các sự kiện trong gần 2 năm qua không cho thấy ông Giang có ý định này trong khi sức khoẻ của ông vẫn còn tráng kiện dù đã 78 tuổi thậm chí bà Condoleezza Rice, cố vấn An Ninh của tổng thống George W.Bush đã khen ngợi một cách xã giao ông Giang "còn trẻ" trong lần thăm viếng Bắc Kinh ngày 26-7-2004.
Một vài thí dụ sau dẫn chứng ông Giang hoàn toàn không có ý định từ chức chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Ngày 13-9-2004, phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) viết trên hai báo Quân đội giải phóng và Nhân dân: "Quân đội bất cứ trong tình huống nào phải kiên quyết phục tùng sự chỉ huy của đảng, Quân uỷ Trung ương và chủ tịch Giang Trạch Dân". Cùng trong ngày, tổng tham mưu trưởng quân đội Lương Quang Liệt (Liang Guanglie) tuyên bố ở Học viện quân sự :"Các tướng lãnh cao cấp phải quán triệt tư tưởng chiến lược quân sự của Giang chủ tịch để đối phó với những hành động khiêu khích quân sự của nước ngoài và của Đài Loan"(Tạp chí Hoa ngữ Tranh Minh (Zheng Ming) số tháng 10-2004, xuất bản ở Hương Cảng). Rõ ràng là giới quân sự đang cầm quyền đứng sau ông Giang.
Trái lại, ông Giang với cương vị chủ tịch Quân uỷ Trung ương cho phép ông có toàn quyền trong quân đội và có tiếng nói về phương diện đối ngoại. Do đó, ông đã thành hình, trong thực tế, hai chính quyền song song trong hai năm qua với những nhân vật mà ông đã đặt để ở thường vụ Bộ chính trị, ban Bí thư và Quân uỷ trung ương chưa kể những doanh nhân mà ông đã đưa vào ở ban Chấp hành Trung ương đảng để thực hiện cái gọi là tư tưởng "ba đại biểu" do ông đề xướng, theo đó những doanh nhân cũng là những "người kiến thiết cho xã hội chủ nghĩa". Tư tưởng này đã được đưa vào điều lệ của đảng vào tháng 11-2002 và vào Hiến pháp trong tháng 3-2004. Như vậy có thể nói không sai lầm là cuộc tranh chấp giữa ông Giang với người "thừa kế" Hồ Cẩm đào (Hu Jintao) thuần tuý là một cuộc tranh chấp quyền lực, khác với thời kỳ tranh chấp về đường lối chủ trương mở rộng chính trị cùng lúc với sự mở rộng kinh tế của hai cựu Tổng bí thư đảng Hồ Diệu Bang (1981-1987) và Triệu Tử Dương (1987-1989). Giai đoạn này tương tự như trong thời kỳ 1959, Mao bắt buộc phải nhường chức chủ tịch nước cho Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) nhưng sau đó Mao có dã tâm đánh ngã ông Lưu. Năm 1971, Lâm Bưu (Lin Biao) người "thừa kế" và đồng thời là người "bạn chiến đấu" của Mao cũng ở vào tình trạng này vì họ Lâm có ý đồ tái lập chức chủ tịch nước cho mình. Lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc thường lập lại với tiền lệ "một nước không thể có hai vua".
Vài dòng lịch sử
Trong lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc, ba người nắm toàn quyền lực ở Đảng, Nhà nước và Quân đội trước đây là Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) và Giang Trạch Dân. Khác với một số người nghĩ lầm rằng ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) cũng nắm trọn ba quyền lực này. Ông đặng, sau đại hội VIII (1956), tuy là Tổng bí thư đảng nhưng chỉ là nhân vật số 6 sau Mao, Lưu Thiếu Kỳ, Châu Ân Lai (Zhou Enlai), Chu đức (Zhu De), Trần Vân (Chen Yun). Sau ba lần "lên voi xuống chó", chức vụ cuối cùng của ông chỉ là chủ tịch Quân uỷ Trung ương từ tháng 6-1981 đến tháng 11-1989, sau sự kiện Thiên An Môn. Tuy nhiên, vì ông là nhà "tổng thiết kế" (concepteur général) về cải tổ và mở rộng kinh tế để Trung Quốc có vị thế ở chính trường thế giới như ngày nay nên ông được xem là nhân vật số 1 của chế độ cho đến ngày chết (tháng 2-1997).
Về ba người nắm trọn ba quyền lực nói trên, tình trạng có chút ít khác biệt ở vào mỗi thời kỳ. Sau khi chiếm trọn lục địa năm 1949, Mao vừa là chủ tịch đảng, chủ tịch nước và chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Như đã nói trên, Mao bắt buộc phải nhường chức chủ tịch nước trong 8 năm (1959-1967) cho Lưu Thiếu Kỳ sau khi chính sách "đại Nhảy Vọt" bị thất bại. Ông Lưu sau đó bị hành hạ và lưu đày cho đến ngày chết năm 1969 ở Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Trong một thời gian dài từ 1967 đến 1983, Trung Quốc không có chủ tịch nước. Chủ tịch Quốc Hội kiêm nhiệm chức vụ này nhưng thực tế không có quyền hạn. Chức chủ tịch nước được tái lập vào tháng 6-1983 với sự bổ nhiệm ông Lý Tiên Niệm (Li Xiannian).
Sau khi Mao từ trần vào tháng 9-1976, Hoa Quốc Phong trở thành nhân vật số 1 kiêm ba chức vụ chủ tịch đảng, thủ tướng chính phủ và chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Nhưng thời kỳ thế thượng phong của họ Hoa không kéo dài. Tháng 9-1980, Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) chiếm ghế thủ tướng chính phủ. Tháng 6-1981 ở hội nghị lần thứ VI khoá XI, Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) và đặng Tiểu Bình chiếm lấy chức vụ chủ tịch đảng và chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Họ Hoa mất hết quyền lực. Tuy vậy, ông vẫn còn ở Ban Chấp hành cho đến đại hội thứ XV (1997-2002) dù không được "phân công". Riêng Hồ Diệu Bang bỏ chức chủ tịch đảng để trở thành Tổng bí thư đảng ở đại hội lần thứ XII (tháng 9-1982) hầu tránh khỏi tình trạng "một nước có hai vua".
Sau sự kiện Thiên An Môn (tháng 6-1989), ông Giang Trạch Dân được các bô lão kéo từ Thượng Hải về để thay Tổng bí thư Triệu Tử Dương. Ông kiêm 2 chức vụ Tổng bí thư Đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương sau khi ông Đặng chính thức "về hưu" vào tháng 11-1989. Chức chủ tịch nước lúc đó còn do tướng Dương Thượng Côn (Yang Shangkun) nắm. Sau đại hội thứ XIV (tháng 10-1992), ông Giang kiêm nhiệm 3 chức cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong 2 nhiệm kỳ cho đến 2002.
Ở đại hội lần thứ XVI (tháng 11-2002), ông Giang nhường chức Tổng bí thư đảng cho Hồ Cẩm đào và sau đó chức chủ tịch nước vào tháng 3-2003. Như vậy có thể nói ông Giang là người chiếm ba chức vụ cao nhất của đảng, Nhà nước và Quân đội lâu nhất. Nhưng lòng tham không đáy của ông Giang trở thành vô hạn. Ông muốn giữ chức vụ chủ tịch Quân uỷ Trung ương để đóng vai "Thái thượng hoàng" như ông đặng trước đây. Nhưng ông Giang không phải là ông đặng nên cái áo "Thái thượng hoàng" trở nên quá rộng đối với ông.
Nhắc lại sự kiện này để chứng tỏ ông Giang là người tham quyền cố vị cho đến cùng. Nếu trước đây, ông Giang được một nhóm bô lão đưa lên tới đỉnh cao của quyền lực thì vừa qua ông lại bị một nhóm bô lão mới chủ xướng hạ đài!
Gậy đập lưng ông
Như trên đã nói, ông Giang đã hệ thống hoá cơ chế là Tổng bí thư Đảng phải kiêm nhiệm ba chức vụ cao nhất trong Đảng, Nhà nước và Quân đội. Nhưng đến người kế tiếp ông là Hồ Cẩm đào thì chỉ có 2 chức vụ. Lý do là ông Hồ Cẩm đào không phải là người được ông Giang đưa lên mà do ý muốn của ông đặng trước đây.
Vì lẽ đó mà ông Giang đã đặt để những người thân tín thuộc nhóm Thượng Hải của mình ở thường vụ Bộ chính trị, ban Bí thư và Quân uỷ Trung ương, ba cơ quan có quyền lực nhất của Đảng ở Đại hội lần thứ XVI vào cuối năm 2002. Ở thường vụ Bộ chính trị, 6 người trên 9 là những người thân tín của ông trong khi ở ban Bí thư có 5 người trên 6. Ở Quân uỷ Trung ương, đa số các tướng lãnh đều do ông bổ nhiệm. Đặc biệt là ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), ngoài chức ủy viên thường vụ Bộ chính trị, còn là bí thư trưởng ban Bí thư kiêm phó chủ tịch nước và giám đốc trường Đảng. Họ Tăng chỉ là một ủy viên dự khuyết Bộ chính trị ở Đại hội thứ XV được ông Giang nhiều lần đề bạt trở thành ủy viên chính thức nhưng bị các bạn đồng hành chống đối đặc biệt là ông Lý Thuỵ Hoàn (Li Ruihuan), cựu chủ tịch Chính trị Hiệp thương. Vì lẽ đó mà ông Lý bị ông Giang gạt ra ngoài mặc dù ông Lý chưa đến 70 tuổi trong năm 2002. Ý đồ của ông Giang là muốn đưa họ Tăng "nối nghiệp" mình để đóng vai "Thái thượng hoàng" một cách êm thấm như ông Đặng Tiểu Bình trước đây.
Như trên đã nói, ở Quân uỷ Trung ương, ông Giang đặt để những tướng lãnh thân tín của mình ở các chức vụ trọng yếu. Theo Á Châu thời báo (Asia Times) ra ngày 26-6-2004, ông Giang đã 8 lần thăng nhiệm tổng cộng 79 tướng từ khi ông trở thành chủ tịch Quân uỷ từ năm 1989 trong đó có 15 trung tướng vừa được thăng thượng tướng ngày 20-6-2004 (1).
Trong các tướng lãnh được thăng nhiệm, trường hợp của cục trưởng cảnh vệ Do Hy Quí (You Xigui) làm các chính khách ngạc nhiên và làm giới quân đội bất mãn. Trước hết tướng Do là một cảnh vệ của ông Giang đã nhiều lần được ông Giang đề bạt lên chức vụ trung tướng trong một thời gian ngắn kỷ lục. Trong lịch sử quân đội Trung Quốc, chưa có một cảnh vệ nào lên đến chức thượng tướng ngay cả Uông đông Hưng (Wang Dongxing) một cảnh vệ của Mao Trạch đông cũng chỉ có một chức vụ quân hàm khiêm tốn (2). Theo truyền thống quân đội nhân dân, chức thượng tướng chỉ dành cho các trung tướng có chức vụ cao ở các quân khu hay trong quân đội ít nhất là 2 năm và phải có thâm niên 4 năm (Asia Times ngày 8-7-2004). Ngoài ra, ông Giang cũng quyết tâm muốn ông Tăng Khánh Hồng trở thành một phó chủ tịch Quân ủy bằng cách giao phó ông này thừa hành những công việc có liên quan quân sự như công du sang Nam Phi để thuyết phục xứ này ngưng bán vũ khí cho đài Loan hoặc tiếp đón các bộ trưởng quốc phòng nước ngoài đến viếng thăm Bắc Kinh mặc dù những công việc này không thuộc quyền hành của một phó chủ tịch nước. Dù vậy, ông Giang cũng không thành công hơn như những lần trước. Trái lại, ông thành công thăng nhiệm người con trai trưởng Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) vào các chức vụ cao trong giới khoa học, ngành viễn thông và chức vụ cuối cùng là phó tư lệnh chương trình không gian Trung Quốc. Chính sự lạm quyền này là một trong những ngòi nổ đã đưa họ Giang "về vườn".
Theo tạp chí Hoa ngữ Tranh Minh (Zheng Ming), số tháng 10-2004 xuất bản ở Hương Cảng, ba lão tướng Hồng Học Trí (Hong Xuezhi), Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), Dương Bạch Băng (Yang Baibing) đã cho "nổ súng" vào trung tuần tháng tám trong một buổi sinh hoạt "học tập" dành cho quân đội. Ba lão tướng này đưa ra kiến nghị cho Ban Chấp hành Trung ương đảng yêu cầu ông Giang từ chức. Lập tức sau đó, kiến nghị này được hơn 40 uỷ viên Ban Chấp hành đảng và các lão tướng Trì Hạo điền (Chi Haotian), Vương Khắc (Wang Ke),Vương Thụy Lâm (Wang Ruilin) vv.. ủng hộ. Những lão tướng này trước đây ở trong ban Quân uỷ, có người dưới thời ông đặng, có người dưới thời kỳ của ông Giang.
Trước áp lực của một số uỷ viên Ban Chấp hành và các lão tướng trong giới quân đội, ông Giang vào hạ tuần tháng 8 "giả vờ" thỉnh cầu thường vụ Bộ chính trị quyết định vì ông biết rằng ở cơ quan này ông còn nhiều vây cánh. đúng như dự tính của ông, thường vụ Bộ chính trị quyết định không cứu xét lời thỉnh cầu của ông. Tưởng rằng thường vụ Bộ chính trị đã "trúng kế" của mình, ông Giang chính thức thư ngày 1-9 cho Ban Chấp hành đảng xin từ chức. Ông Giang làm thường vụ Bộ chính trị rất bối rối và chia rẽ nhưng bắt buộc phải cứu xét đơn xin từ chức của ông. Trong hai ngày thảo luận sôi nổi, thường vụ Bộ chính trị đi đến kết luận, vì tình hình thế giới còn "phức tạp", thỉnh cầu ông Giang lưu nhiệm cho đến cuối năm 2005 cùng đồng thời xin tham khảo ý kiến các cựu uỷ viên thường vụ Bộ chính trị. Nhưng ông Giang trong 13 năm cầm quyền có nhiều địch thủ trong đảng chưa kể những nhân vật đã bắt đầu "đổi áo" (" ") vì họ biết rằng thời kỳ vàng son của họ Giang đã hết. Ba nhân vật trước đây đã được ông Giang đề bạt được quyền cao chức trọng đã cộng tác giúp đỡ nhóm Hồ-Ôn trên phương diện kinh tế. đó là 2 phó thủ tướng Hoàng Cúc (Huang Ju) và Tăng Bồi Viêm (Zeng Peiyan) và thống đốc ngân hàng quốc gia Châu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) (báo Hoa ngữ Âu châu nhật báo xuất bản ở Paris ngày 16-9-2004). Cai cú nhất cho ông Giang là ông Hoàng Cúc cùng nhóm Thượng Hải với ông Giang vì ông này trước đây là thị trưởng và bí thư thành uỷ Thượng Hải trước khi được ông Giang điều động đưa vào thường vụ Bộ chính trị ở đại hội thứ XVI và giữ chức đệ nhất phó thủ tướng.
được thường vụ Bộ chính trị tham khảo ý kiến về quyết định lưu nhiệm ông Giang cho đến cuối năm 2005, một số cựu uỷ viên thường vụ Bộ chính trị yêu cầu Ban Chấp hành đảng phải "tôn trọng" quyết định của ông Giang!. Ngoại trừ hai ông Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) và Lý Lam Thanh (Li Lanqing) không cho ý kiến, các ông Lý Bằng (Li Peng), Lý Thụy Hoàn (Li Ruihuan), Uý Kiện Hành (Wei Jianxing), Vạn Lý (Wan Li), Kiều Thạch (Qiao Shi), Tống Bình (Song Ping), Cốc Mục (Gu Mu) vv..thỉnh cầu Ban Chấp hành đảng làm "thoả mãn" ý nguyện của ông Giang. Ở Quân uỷ Trung ương, ngoại trừ 3 phó chủ tịch Hồ Cẩm đào, Quách Bá Hùng và Tào Cương Xuyên (Cao Gangchuan) không cho ý kiến, toàn thể 4 thành viên ủng hộ kiến nghị phải tôn trọng ý nguyện của ông Giang. Thế là Ban Chấp hành Trung ương đảng ngày 19-9 đã làm "thoả mãn" ý nguyện của ông Giang như mọi người đã biết.

Sau khi ông Giang chính thức từ chức chủ tịch Quân uỷ Trung ương, Ban Chấp hành đảng bổ nhiệm ông Hồ Cẩm đào thay ông Giang và tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), một thành viên Quân uỷ được đề bạt phó chủ tịch thứ ba. Ngoài ra có thêm 4 tướng khác được tăng cường ở ban thành viên Quân uỷ. đó là các tướng Trần Bính đức (Chen Bingde), tư lệnh quân khu Tế Nam, Kiều Thanh Thần (Qiao Qingchen), tư lệnh không quân, Trương định Phát (Zhang Dingfa), viện trưởng Viện khoa học quân sự, Tịnh Chí Viễn (Jing Zhiyuan), tổng tham mưu trưởng Pháo binh (Xinhuanet ngày 19-9-2004).
Đường lối của Trung Quốc vào thời kỳ hậu Giang Trạch Giang
Như vậy, ông Hồ Cẩm đào từ nay trở thành nhân vật số 1 của chế độ và ông cùng thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) sẽ có cơ hội hiện đại hoá đất nước theo chiều hướng của mình mà không bị bóng của ông Giang ám ảnh.
Thực vậy, trong gần hai năm qua, đường lối của hai ông Hồ-Ôn, ngoại trừ lãnh vực chính trị, không hoàn toàn giống đường lối của ông Giang trên một số phương diện.
Về kinh tế, hai ông Hồ-Ôn chủ trương phát triển kinh tế điều hoà bớt tăng trưởng cao hầu tránh tình trạng có nguy cơ "nóng" (surchauffe)(3) dễ đưa tới lạm phát, tôn trọng môi trường, đặc biệt chú trọng đến dân nghèo bị bỏ rơi bên lề đường và phát triển về phía tây Trung Quốc hầu giảm bớt tình trạng bất bình đẳng xã hội mỗi ngày thêm trầm trọng có thể làm nguy cơ đến ổn định chính trị. Ông Hồ trong những năm làm việc ở tỉnh Cam Túc (Gansu) và sau đó làm bí thư Tỉnh uỷ ở hai tỉnh Quí Châu (Guizhou) và Tây Tạng (Xizang) đã thấy tình trạng nghèo đói của những vùng này. Người viết những dòng chữ này cũng đã có dịp chứng kiến tận mắt dân chúng ở các vùng này hầu như chưa hưởng được sự phát triển kinh tế trong ngoài hai thập niên qua. Ở ba tỉnh đông bắc Mãn Châu, tình trạng không khả quan hơn vì các xí nghiệp quốc doanh gang thép được xây cất trong thập niên 50 đã bị phá sản và nhân công bị sa thải không có bảo hiểm xã hội. Họ chỉ được chính quyền địa phương trợ giúp một cách tượng trưng. Những cuộc xuống đường của công nhân trong đầu năm 2002 và kế tiếp trong hai năm qua chứng tỏ nạn thất nghiệp đang vào thời kỳ sôi động. Ở nông thôn, tình trạng còn bi đát hơn. Theo tuần báo Tân Văn của Trung Quốc được báo Le Monde Pháp trích dẫn ngày 5-3-2004, từ 1987 dến 2001, có 34 triệu nông dân bị truất hữu đất đai không được bồi thường chính đáng. Họ còn bị sưu cao thuế nặng do cán bộ địa phương tham ô quấy nhiễu thậm chí hai dân biểu Quốc Hội tỉnh An Huy Trần Quế Khanh và Xuân đào phải công khai lên tiếng: "Nông dân ngày nay bị áp bức còn nặng nề hơn cả kỳ Quốc Dân đảng và quân phiệt Nhật thống trị". Gần đây nhất, báo Á châu thời báo (Asia Times) ra ngày 1-11-2004 đưa tin cho biết hơn 10 vạn nông dân huyện Hán Nguyên (Hanyuan) thuộc tỉnh Tứ Xuyên xuống đường bạo động biểu tình chống chính quyền cưỡng bức họ phải đi nơi khác để xây tháp đập không những không được đền bù chính đáng mà còn bị cán bộ địa phương ăn chận. Chính quyền bắt buộc phải gửi tới hơn một vạn cảnh sát vũ trang để đàn áp làm nhiều người chết và bị thương cùng đồng thời giải vây cho bí thư Tỉnh uỷ Trương Học Trung (Zhang Xuezhong) bị nông dân "tạm" bắt giữ (Nhật báo Pháp Libération ngày 8-11-2004). Nếu tình trạng bạo động ở nông thôn ngày nay không đơn độc thì việc bắt giữ một nhân vật đầu não đại diện cho hơn 100 triệu dân tỉnh Tứ Xuyên là điều mới lạ. Ngoài ra còn có thêm nhiều vụ xô xát gần đây giữa người Hán và các sắc tộc người Hồi ở Hà Nam và người Duy Ngô Nhĩ (uygur) ở tỉnh Quảng đông. Tình trạng này là ngòi lửa có thể đưa đến hỗn loạn trong xã hội.
Ông Giang, trái lại, chủ trương tiếp tục tăng trưởng cao đặt trọng tâm ưu tiên vào các tỉnh ở vùng duyên hải như trước đây. Trong một buổi hợp mặt quân đội ở Thượng Hải ngày 26-7-2004 với sự có mặt của bí thư Thành uỷ Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), một người thân tín của ông, ông Giang chỉ trích chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô của hai ông Hồ-Ôn bằng cách giới hạn đầu tư ở các khu vực trọng yếu như gang thép, xi-măng và cục ốc. (Asia Times 6-8-2004).
Trong nội bộ đảng, ông Hồ hình như có quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng mỗi ngày càng lan tràn ở các cơ quan Nhà nước làm xói mòn thanh danh và quyền lực của đảng. điển hình là cựu bộ trưởng đất đai và tài nguyên điền Phụng Sơn (Tian Fengshan) bị cách chức trong tháng 10-2003 vừa bị khai trừ khỏi đảng vì tham nhũng. Ông Giang trái lại không có ý chí đó vì trong 13 năm cầm quyền, nạn tham ô lạm dụng cửa quyền không ngừng gia tăng. Như một nhà ngoại giao nước ngoài bình luận " Ông Hồ là một người mát-xít canh tân vẫn tin tưởng ở sự thực hiện của xã hội chủ nghĩa trong khi ông Giang cho phép giới thương buôn vào đảng là người đại diện của giới doanh nhân" (Le Monde ngày 18-9-2004). Có thể nói lời bình luận này rất xác đáng.
Ngoài ra, ông Hồ cũng có một vài ý nghĩ khác biệt như việc cho phép trong nội bộ đảng có chút ít "dân chủ" và đặc biệt đặt trọng tâm vào khả năng trực chính điều hành (good governance) trong một Nhà nước pháp trị (khái niệm này đã được đưa vào Hiến pháp trong năm 1999 nhưng chưa bao giờ đem ra thực hành và áp dụng).
Thực vậy, hai ông Hồ-Ôn rất lo ngại tình trạng yếu kém về khả năng của cán bộ cao cấp ở cấp tỉnh. Theo một cuộc thăm dò ý kiến trước hội nghị lần thứ IV khoá XVI, 66,9% cán bộ thú nhận không nắm vững cơ chế kinh tế thị trường, 58,1% không thoải mái trước các câu hỏi kỹ thuật, 35,7% không đủ khả năng đối phó với tình trạng phức tạp và 43,4% không có khả năng tuân thủ pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ (Le Courrier international số 726, từ 30-9 đến 6-10-2004).
Về quan hệ quốc tế, nhóm Hồ-Ôn chủ trương tăng cường quan hệ với các nước Á Châu trong vùng và tăng cường quan hệ với Âu Châu đặc biệt với Pháp và đức hầu làm đối trọng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khi ông Giang chỉ đặt trọng tâm vào quan hệ với nước này.
Về vấn đề đài Loan-Hương Cảng, đường lối của ông Hồ có thể sẽ bớt cứng rắn hơn đường lối của ông Giang. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của ông đặng ngày 22-8 vừa qua, ông Hồ nhắc lại chủ trương "một nước, hai thể chế" và "thống nhất trong hoà bình" của ông đặng.
Chủ trương này vừa được ông Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing), bộ trưởng ngoại giao và ông Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), chủ tịch Chính trị Hiệp thương nhắc lại, một người ở đại hội thường niên của Liên Hiệp quốc vào cuối tháng 9 vừa qua và một người trong chuyến đi thị sát ở tỉnh Phúc Kiến trong 6 ngày từ ngày 14 đến 20 tháng 10-2004 (Nhân Dân Bắc Kinh ngày 29-9 và 21-10-2004).
Ông Giang trái lại theo chủ trương của một nhóm quân đội diều hâu cần phải dùng vũ lực để thống nhất với đài Loan nếu cần.
Trong một buổi lễ ở Quân uỷ Trung ương, ông Giang đọc diễn văn kêu gọi quân đội phải theo dõi biến chuyển tình thế của thế giới để "hoàn thành sứ mạng thiêng liêng hầu bảo đảm an ninh quốc gia và thực hiện thống nhất đất nước" (Xinhuanet 12-03-2004). Dù không nói thống nhất theo đường lối nào, một diễn văn đọc trước quân nhân có thể hiểu là thống nhất bằng vũ lực. Ngày 3-9-2004 , ông Giang đi thị sát cùng với 10 tướng lãnh (4) ở Hạ Môn (Xiamen), một thị trấn nằm kế bên đảo Kim Môn (Jinmen) thuộc đài Loan. Nhân dịp này ông Giang và phái đoàn đến viếng thăm đảo Cổ Lãng Dữ (Gu Langyu), nơi có đền thờ Trịnh Thành Công (Zheng Chenggong, 1624-1662), một quan lại nhà Minh chiếm đóng đài Loan trong nhiều năm trong kế hoạch "Phản Thanh phục Minh". đối với ông Giang, ý nghĩa của cuộc thăm viếng này rất trọng đại vì chính ở đảo này Trịnh Thành Công đã chuẩn bị cuộc thủy chiến với quân Hoà Lan đương thời chiếm đóng đài Loan (Âu châu nhật báo ngày 11-13 tháng 9-2004).
Tuy vậy, trong thời gian sắp tới, đường lối của ông Hồ đối với đài Loan cơ bản sẽ không thay đổi, có chăng ông Hồ sẽ uyển chuyển và mềm dẻo hơn. Ông sẽ rút kinh nghiệm sự thất bại của ông Giang trong thập niên qua với chính sách "8 điểm" do ông Giang đề xướng năm 1995 mà dân đài Loan hoàn toàn bác bỏ. Trong hồ sơ đài Loan, chính quyền Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại vì không dự đoán được sự quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ đài Loan cũng như việc Quốc Dân đảng trở thành một đảng đối lập sau đúng nửa thế kỷ ngự trị trên đảo. Vì lý do đó, dân đài Loan đã không ngần ngại, hai lần, bỏ phiếu cho Dân Tiến đảng của ông Trần Thuỷ Biển (Chen Shuibian), một nhân vật chủ trương đường lối độc lập của đảo.
Còn việc cải tổ chính trị để đưa Trung Quốc tới con đường dân chủ, ông Hồ đã cho thế giới biết không nên có nhiều ảo tưởng. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quốc Hội Trung Quốc ngày 15-9-2004, ông Hồ tuyên bố như sau: "Lịch sử chứng minh rằng việc sao chép không phân biệt các mô hình hệ thống chính trị Tây phương là ngõ cụt cho Trung Quốc" (Xinhuanet 15-9-2004).
Trái lại, ông Hồ ca ngợi hệ thống hiện hành của Trung Quốc (chế độ đại hội đại biểu nhân dân) có sức sống mạnh mẽ và "siêu việt".
Lý luận của ông Hồ sẽ có cơ sở hơn nếu ông chứng minh được chế độ của đại Hàn và đài Loan cũng đã đi vào ngõ cụt vì "sao chép" mô hình phương Tây. Trái lại, hai xứ này đã trở thành dân chủ và phát triển cao trên mọi lãnh vực. Thu nhập đầu người của hai xứ này có 10 lần cao hơn thu nhập của người Trung Quốc lục địa.
Về điểm này, quan điểm của ông Hồ và ông Giang không khác nhau nhiều. Ông Giang chủ trương một xã hội "siêu cường" trong đó mọi ý nghĩ thoáng qua về tham dự vào đời sống chính trị và phát biểu tự nhiên của quần chúng cần phải bị đập tan từ trong trứng nước!.Chế độ của ông Hồ chưa cho mọi người thấy sức "siêu việt" của nó bằng chứng là cựu thiếu tướng quân y Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong) và vợ ông bị bắt "học tập cải tạo" trong 45 ngày trong tháng 6-2004 vì ông đã cho thế giới biết chính quyền Bắc Kinh đã che giấu sự thật trong việc xử lý bệnh SARS trong tháng 3-2003. Gần đây, ông Triệu Nham (Zhao Yan), một ký giả cộng tác với nhật báo Mỹ New York Times vừa bị bắt vì đã thố lộ "bí mật quốc gia". Thực sự ông Triệu là người đầu tiên đưa ra thông tin là ông Giang sắp bị hạ đài trên tờ báo này ngày 7-9-2004. Ngoài ra, ông còn tố cáo chế độ tham nhũng, lộng quyền và đòi tự do báo chí như ông Tiêu Quốc Tiêu (Jiao Guobiao), một giáo sư khoa báo chí đại học Bắc Kinh đã đưa lên mạng lưới INTERNET tố cáo ban tuyên truyền của đảng dùng những thủ đoạn không khác gì với thời kỳ của chế độ phát xít đức quốc xã (Le Courrier international ngày 13-5-2004).
Nói cho cùng, các chế độ không do dân bầu trực tiếp và do một người toàn quyền sinh sát nhất thiết là một chế độ không dân chủ.
Như Mao vào cuối năm 1970 đã tự mô tả bản thân mình với Edgar Snow, một ký giả người Mỹ thân gần với chế độ Bắc Kinh, qua một câu nói tràn đầy ý nghĩa (5): "Wo shi he shang da san,", có nghĩa là "tôi là một hoà thượng cầm dù". Nhưng đây chỉ là câu đầu của đoạn thơ hai câu. Câu thứ hai có thêm bốn chữ "wu fa wu tian," có nghĩa thông thường là "không có tóc, không có trời". Bốn chữ này khi phát âm cũng có thể hiểu là "không có luật pháp và không có thượng đế," (Người Pháp cũng nói tương tự: un homme sans loi ni foi). Mao muốn nói mình là một lãnh tụ trị dân không cần luật pháp và cũng không màng đến trời đất. Ông Giang đã dẫm chân trên con đường của Mao đã đi với kết quả thảm hại như mọi người đều biết.
Thay lời kết
Trung Quốc của ông Hồ Cẩm đào sau thời kỳ Giang Trạch Dân cơ bản sẽ không thay đổi đặc biệt là trên phương diện mở rộng chính trị. Hai kinh nghiệm trong quá khứ vào thời kỳ của hai cựu Tổng bí thư đảng Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương không khuyến khích ông Hồ đi theo con đường nói trên. Cũng không nên quên rằng ông Hồ Cẩm đào là một nhân vật trung thành với đảng và rất điêu luyện trong sự sống còn ở chính trường Trung Quốc từ thời kỳ "đại cách mạng văn hoá" cho đến nay.
Như một nhà ngoại giao nước ngoài đánh giá ở trên, ông Hồ là một nhà "mác xít canh tân" vẫn tin tưởng ở sự thực hiện của xã hội chủ nghĩa chứ không phải là một người có tư duy dân chủ.
Như vậy, con đường đi đến dân chủ ở Trung Quốc, ngoại trừ những biến cố bất ngờ của lịch sử, sẽ còn dài.
Ghi chú:
(1)-đó là các tướng Cát Chấn Phong (Ge Zhenfeng) và Trương Lê (Zhang Li), phó tổng tham mưu trưởng quân đội, Do Hy Quí (You Xigui), cục trưởng cảnh vệ, Hồ Ngạn Lâm (Hu Yanlin), chính uỷ Hải quân, Trịnh Giáp Hiệp (Zheng Jiaxia), viện trưởng Viện khoa học quân sự, Triệu Khả Minh (Zhao Keming), chính uỷ đại học quốc phòng, Chu Khởi (Zhu Qi), tư lệnh quân khu Bắc Kinh, Lý Càn Nguyên (Li Qianyuan), tư lệnh quân khu Lan Châu, Lưu đông đông (Liu Dongdong), chính uỷ quân khu Tế Nam, Lôi Minh Cầu (Lei Mingqiu), chính uỷ quân khu Nam Kinh, Lưu Chấn Vũ (Liu Zhenwu), tư lệnh quân khu Quảng Châu, Dương đức Thanh (Yang Deqing) và Tuỳ Minh Thái (Sui Mingtai), chính uỷ Tổng cục chính trị quân dội, Ngô Song Chiến (Wu Chuangzhan), tư lệnh cảnh sát vũ trang, Trương Văn đài (Zhang Wentai), chính uỷ Tổng cục hậu cần.(Báo Nhân dân Bắc Kinh ngày 21-6-2004).
(2)-Uông đông Hưng sau nhờ có công bắt nhóm"tứ nhân bang" vào tháng 10-1976 trở thành phó chủ tịch đảng ở đại hội lần thứ XI (tháng 8-1977) nhưng bị mất chức năm 1980.
(3)-Chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô bắt đầu có kết quả vì trong 9 tháng đầu 2004, số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên đến 9,5% giảm 0,3% so với quý một 2004. Ngoài ra, ngân hàng Trung Quốc vừa nâng lãi xuất cho vay từ mức độ khiêm tốn lên đến 5,58% và các chuyên gia Trung Quốc dự tính tốc độ tăng trưởng cho năm tới sẽ dưới 9%.
(4)- Hai ngày sau khi ông Giang xin "từ chức".
(5)-Lý Chí Tuy (Li Zhisui): Người y sĩ cá nhân của Mao Trạch đông, bản Hoa ngữ chương 10, trang 115, bản Pháp ngữ chương 11, trang 152.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.