Hôm nay,  

Việt-mỹ Họp Về Gia Nhập Wto: Vô Sớm, Sẽ Cải Cách Mau Hơn

17/01/200600:00:00(Xem: 4770)
- Nếu Không Vào WTO Được Năm Nay, VN Sẽ Dựa Vào Hoa Lục Hơn

HANOI -- Hôm Thứ Hai, phụ tá đại diện thương mại Hoa Kỳ Dorothy Dwoskin, bắt đầu thảo luận với các viên chức VN về tiến trình gia nhập WTO của VN.

Báo trong nước cho biết có tiến bộ ở lãnh vực dịch vụ. Sau 2 giờ họp kín, bà Dwoskin tuyên bố hài lòng nhưng không bình luận thêm.

Trong thời gian lưu lại VN từ ngày 16 đến ngày 18-1, phái đoàn thương mại Hoa Kỳ dự kiến giải quyết các bất đồng với các viên chức VN ở các lãnh vực hàng hóa, dịch vụ, ngân hàng và viễn thông.

Các vấn đề gay go nhất là tài trợ các doanh nghiệp nhà nước, thuế, và mở cửa thị trường dịch vụ gồm viễn thông, ngân hàng và bảo hiểm. Đó là tin của AP.

Bản tin của VOA ghi nhận về khía cạnh khác như sau.

“Đôi bên đang tìm cách giải quyết các vấn đề còn tồn đọng sau vòng đàm phán hồi tháng 9 năm ngoái. Các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho hay cuộc điều đình này tập trung vào các vấn đề dịch vụ tài chánh, viễn thông, thuế công nghiệp và dịch vụ, các hàng rào phi thuế và thuế nông nghiệp, quyền kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước.

Hồi tuần trước, phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ ngoại giao Việt nam nói rằng Việt nam và Hoa kỳ đã hoàn tất 9 vòng đàm phán và khoảng cách biệt giữa lập trường của đôi bên đã được giảm thiểu đáng kể. Cũng theo lời ông Lê Dũng, những mối bất đồng hiện nay tuy không nhiều nhưng rất phức tạp.

Thứ sáu vừa qua, Trợ lý ngoại trưởng Hoa kỳ, ông Christopher Hill cho báo chí biết rằng ông tin là cả Việt nam lẫn Hoa kỳ đều muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận để dọn đường cho Việt nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm nay.

Trước đây, Việt nam từng hy vọng là sẽ gia nhập WTO vào tháng 12 năm 2005 tại hội nghị Hồng kông, nhưng vẫn chưa đạt được các thỏa thuận song phương với Hoa kỳ, New Zealand, Australia, Mexico, Honduras và Cộng hòa Dominique.

Một trong các điều kiện để Việt nam gia nhập WTO là được Quốc hội Mỹ dành cho qui chế PNTR, tức quan hệ mậu dịch bình thường vĩnh viễn. Các nhà phân tích cho rằng Hà nội và Washington cần phải nhanh chóng ký kết hiệp định để Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu về qui chế PNTR vào đầu năm nay. Nếu không được như thế thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn, bởi vì các nhà lập pháp Mỹ không muốn tiến hành cuộc biểu quyết về vấn đề tế nhị này trong lúc gần tới ngày bầu cử vào tháng 11 năm nay.”

Trong khi đó, bản tin BBC ghi lời bình luận của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ hải ngoaị và chuyên gia Phạm Chi Lan từ qúôc nội như sau:

“Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người đang theo dõi diễn tiến đàm phán, nói theo ông khúc mắc chính còn nằm trong hai lĩnh vực: mở cửa đầu tư trong khu vực dịch vụ tài chính ngân hàng và bảo vệ tác quyền.

Hoa Kỳ đưa ra những yêu cầu mà Việt Nam từng cho là quá khắt khe và quá cao so với mức phát triển của Việt Nam.

Thế nhưng theo ông Nghĩa, than phiền và đôi co là phương thức các bên khi đàm phán đều sử dụng.

Tuy nhiên điều tích cực mà các cuộc đàm phán gay go với Hoa Kỳ có thể mang lại là nó 'thúc ép dư luận và lãnh đạo trong nước thấy cần phải cải cách nhanh và mạnh hơn nữa'.

Trong khi đó bà Phạm Chi Lan, cố vấn cho chính phủ Việt Nam và là một người từng tham gia nhiều cuộc đàm phán thương mại nói thực sự Mỹ có nhiều yêu cầu khe khắt nhưng một phần cũng do một số quốc gia 'đi trước' Việt Nam trong đàm phán với Hoa Kỳ đã để lại tiền lệ xấu.

Tuy nhiên, bà cũng bình luận rằng bà tin rằng Hoa Kỳ thực sự muốn kết thúc đàm phán và hy vọng một thỏa thuận song phương sẽ được hoàn tất sau một hai vòng đàm phán.”

Tuy nhiên, theo lời một doanh gia Quận Cam thường xuyên về VN thì tin rằng cơ hội này Hoa Kỳ sẽ tận lực để đưa VN sớm vào WTO, không thể để trễ hơn, vì cũng đồng thời điểm này là lúc Đảng CSVN chuẩn bị nhân sự Đaị Hội Đảng, nếu Mỹ ra các điều kiện gia nhập WTO khó quá, thì phe thân Trung Quốc trong CSVN sẽ lấn áp đaị hội sắp tới, và cơ hội để đưa kinh tế VN hội nhập thế giới sẽ chậm hơn, và làm cho VN phải dựa vào kinh tế Hoa Lục nhiều hơn -- một điều cực kỳ nguy hiểm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.