Hôm nay,  

Greater Vancouver Bc: Diễn Đàn Thời Sự

05/04/200600:00:00(Xem: 5814)
- Nhằm tìm hiểu thấu đáo về những thảm họa và thảm cảnh do nhà cầm quyền Việt Cộng gây ra cho dân tộc và đất nước Việt Nam trong thời gian gần đây, Cộng Đồng Việt NamVùng Greater Vancouver, Canada đã tổ chức một buổi Diễn Đàn Chính Trị về những vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay tại Việt Nam vào lúc 1 giờ trưa ngày 18 tháng 3 năm 2006 tại Caprihall, 3925 Fraser Street, Vancouver B.C. Canada.

Nội dung buổi thuyết trình gồm có :Đề tài 1: Tệ Trạng Buôn Phụ Nữ và Trẻ Em tại Việt Nam. Diễn Giả: Bà Jackie Bông Wright. Đề tài 2: Đảng Cộng Sản Việt Nam Cắt Đất Dâng Biển cho Trung Cộng. Diễn Giả: Giáo Sư Nguyễn Văn Canh.

Mặc dù các chủ đề thời sự khô khan nhưng buổi sinh hoạt Diễn Đàn Chính Trị đã thu hút được đông đảo quan khách, đồng hương tham dự. Riêng tại tiểu bang Washington kề cận, nhận được thư mời của Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ Tịch Cộng Đồng, có hai phái đoàn đã đến dự. Một phái đoàn do Ông Huỳnh Kim Anh, Hội Trưởng Hội Đồng Hương Quảng Nam-Đà Nẵng TB Washington; Bà Trần Ánh Tuyết, Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ TB Washington, dẫn đầu và các vị cùng đi. Và chúng tôi, Bùi Phú, Huỳnh Thanh Bình và Bùi Quốc Hùng, Văn Phòng Việt Báo Miền Nam Vùng Tây Bắc.

Buổi sinh hoạt được khai mạc với lễ chào quốc kỳ Canada và VNCH. Mở đầu, Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung lên diễn đàn ngỏ lời chào mừng quan khách và giới thiệu thuyết trình viên, Bà Jackie Bông Wright với đề tài Tệ Trạng Buôn phụ Nữ và Trẻ Em tại Việt Nam.

Bằng giọng nói đầy chân tình gây cảm xúc sâu xa cho cử tọa, bà Jackie Bông đã nói về một sự kiện mới nhất là truyền báo chí vừa loan tin và hình ảnh hàng chục phụ nữ Việt Nam bị bắt đứng trong tư thế khỏa thân để các khách hàng là đàn ông người Hàn Quốc lựa chọn như là họ lựa chọn một món hàng ngoài thị trường. Diễn giả cũng nhắc lại các sự kiện nổi bật xảy ra trong các năm trước gây bàng hoàng nhức nhối lương tâm nhân loại: Năm 2005, các phụ nữ VN được trưng bày trong hồ kiếng làm mẫu trong một hội chợ ở nước ngoài. Năm 2004, đài truyền hình NBC cho trình chiếu một phóng sự truyền hình về các em bé gái VN tuổi trẻ thơ bị đày đọa trong các nhà chứa phục vụ kỹ nghệ bán dâm ở thủ đô Nam Vang, Campuchia. Năm 2003, hai thiếu nữ được rao đấu giá trên mạng Internet của công ty E -bay tyại Đài Loan và hàng loạt các vụ xuất cảng người ra các nước khác để phục vụ cho kỹ nghệ tình dục được báo chí loan tin.

Nạn buôn người, hay là tệ nạn buôn bán nô lệ xảy ra chính là do việc xuất khẩu lao động công khai do 150 cơ quan, đơn vị của nhà nước CSVN đứng ra chủ xướng và một phần khác là do các tổ chức tội ác dụ dỗ, mau chuộc, cưỡng bức và bắt cóc đưa ra ngoài nước.

Diễn giả cho biết, theo một tài liệu của CIA, năm 2000, kỹ nghệ buôn người thu được lợi nhuận 20 tỷ đô la/ năm chỉ đứng hàng thứ hai sau kỹ nghệ ma túy. Nguyên nhân chính của tệ nạn buôn người là do nghèo khổ. Dẫn chứng một vài số liệu: 38,80% thất nghiệp ở nông thôn. Công nhân làm việc ngày 12 giờ, lương khoảng 40 đô la/tháng. 50.000 trẻ em bụi đời vất vưởng ngoài gia đình… Quả thực trong lịch sử VN kể từ thời lập quốc hơn bốn ngàn năm đến nay, đây là lần đầu tiên, dưới sự cai trị của nhà cầm quyền CSVN, đại đa số người dân đã phải sống trong cảnh nghèo khổ và thân phận người phụ nữ và trẻ em VN thật sự thảm thương, bi đát. Số phận phụ nữ và trẻ em VN hiện nay không có lối thoát.

Nhằm ngăn chặn thảm cảnh phụ nữ và trẻ em VN bị buôn bán như những món hàng làm lao nô và nô lệ tình dục, diễn giả đề nghị môt số biện pháp cấp thời là yêu cầu đồng hương ký vào thỉnh nguyện thư để gởi cho các chính quyền liên hệ xin can thiệp và chặn đứng tệ nạn buôn người. Tổ chức Đại Hội Nhân Quyền tại Thủ Đô Washington vào ngày 12/05/2006 và tổ chức một "Ngày Chống Nạn Buôn Người".

Tiếp theo, Bác Sĩ Trụ, Cựu Chủ Tịch Cộng Đồng VN, giới thiệu thuyết trình viên thứ hai, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh. Chủ đề bài nói chuyện của Giáo Sư là "Sự Khuất Phục Của Đảng CSVN Trước Chủ Nghĩa Bá Quyền Của Trung Cộng Qua Các Hiệp Ước Biên Giới".

Bên cạnh tấm bản đồ VN khổ lớn được vẽ lên các lằn phân ranh giới cũ mới trên đất liền cũng như trên vùng lành hải, diễn giả đi vào chi tiết cụ thể: ngày 25/12/2000, Chủ Tịch nước CSVN Trần Đức Lương, sang Trung Cộng trên danh nhgĩa là viếng hăm thiện chí, nhưng thực ra là để ký Hiệp Ước Phân Định Ranh Giới Vịnh Bắc Việt. Một năm trước đó, vào tháng 12/1999, dưới sự hướng dẫn của Tổng Bí Thư VC Lê Khả Phiêu, Việt Cộng và Trung Cộng đã ký Hiệp Ước Về Lãnh Thổ Trên Đất Liền. Và Hiệp Ước này đã được Quốc Hội VC phê chuẩn vào tháng 6/2000.

Hiệp Ước Về Lãnh Thổ Trên Đất Liền là hiệp ước chuyển nhượng lãnh thổ trên vùng biên giới phía Bắc. Hiệp Ước này ký năm 1999 gồm 8 điều khoản và một bản đồ, được các lãnh tụ Việt Cộng nhân danh nhà cầm quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký kết một cách bí mật và Quốc Hội VC cũng âm thầm lặng lẽ phê chuẩn Hiệp Ước ấy. Thực tế thì Ban Thường Vụ Quốc Hội VC thông qua. Cho đến nay, VC chưa bao giờ phổ biến bản đồ phân định lãnh thổ, dù VC và TC đã bắt đầu cắm mốc biên giới từ năm 2001.

Tuy nhiên, qua sự tìm kiếm căn cứ vào tài liệu mà TC hay VC phổ biến, ta có thể biết được một số nơi mà VC đã nhượng cho TC. Chúng ta tham chiếu vào Hiệp Ước Thiên Tân mà người Pháp và nhà Thanh đã ký vào năm 1885 và hai công ước 1887 và 1895, với bản đồ ấn định ranh giới giữa hai nước. Bản đồ này đã vẽ vị trí của 308 cột mốc tính từ Đông (Móng Cái) sang Tây(Lai Châu). Nay với Hiệp Ước Phân Định Lãnh Thổ mới của VC, hai bên VC và TC thiết lập 1500 cột mốc trên suốt chiều dài là 1450 cây số. Ngoài Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan phải lui sâu về phía Nam(so với vị trí do người Pháp xác định trước đây), còn có một số khu vực chiến lược của VN đã lọt vào tay TC, hay nói khác đi đã nằm trong lãnh thổ TC và hiện do TC đang chiếm giữ. Đó là nhiều dãy núi tại Hà Giang và các khu vực tại Lạng Sơn. Tại Hà Giang có 5 dãy núi lọt vào tay TC: các dãy 1250, 1545, 1509, 772 và 233 thuộc huyện Yên Minh và Vị Xuyên. Dãy núi 1509 có tên tiếng Việt là Núi Đất, nằm trong phạm vi xã Thanh Thúy, huyẹn Vị Xuyên; cao 1.422 thước với khoảng 20 cao điểm nằm về hướng Đông. Dãy núi này kiểm soát toàn vùng, trong đó có con đường từ Trung Hoa vào Việt Nam. TC đổi tên núi thành Lão Sơn. Một dãy núi khác là 1250 có tên là Núi Bắc thuộc huyện Yên Minh, nay TC đổi tên thành Giải ÂmSơn. Tại Lạng Sơn, có 2 vùng đất thuộc TC, hai vùng này nằm hai bên quốc lộ 1, gần với Ải Nam Quan, sâu trong nội địa VN. Một vùng đất phía trái gồm các dãy núi 820 và 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Vùng phía phải là khu vực Bình Độ 400 thuộc huyện Cao Lộc. Vùng này nằm sau cột mốc số 26 của Hiệp Ước Thiên Tân.

Cho đến nay, nhiều vùng biên giới vẫn là "vùng cấm kị" và không có ai được phép lui tới. Năm 2001, nghe tin Đảng CSVN "bán" đất cho TC, nhà văn Bùi Minh Quốc đã lên tận nơi tìm hiểu tình hình, khi về đến Hànội, Ông đã bị bắt, bị tịch thu hình ảnh chụp một số khu vực biên giới. Sau đó, Ông bị quản thúc tại gia tại Dàlạt. Học giả Trần Khuê cũng chịu chung số phận.

Hiệp Ước Phân Định Ranh Giới Vịnh Bắc Việt là sự chuyển nhượng Vùng Vịnh Bắc Việt. Toàn Vùng Vịnh Bắc Việt có diện tích là 123.000 km2. Dựa theo Hiệp Ước Thiên Tân, Việt Nam được chia một diện tích là 63% hay 77,931 km2; Trung Hoa có 37% hay 45,769 km2. Nay VC và TC thỏa thuận với nhau một tỷ lệ mới: VN còn 66, 798 km2 hay là 54%; TC được 56,902 km2 hay là 46%. Một đường ranh giới mới được vễ để chia vùng, chạy lượn theo hình bờ biển VN và bờ biển đảo Hải Nam thay thế đường màu đỏ của Hiệp Ước Thiên Tân, là đường màu đỏ chạy thẳng theo hướng Nam Bắc từ Móng Cái, phía Đông đảo Trà Cổ, xuống cửa Vịnh, bắt đầu từ Cồn Co, Vĩnh Linh chạy sang đảo Hải Nam theo hướng Đông Bắc.

Như vậy, VN mất khoảng 11,000 km2. Ngoài ra, còn một hiệp ước khác đi song song với hiệp ước phân chia Vịnh Bắc Việt. Đó là Hiệp Định Đánh Cá chung. Hiệp Định đánh cá chia Vịnh ra làm hai vùng: vùng Nam Vĩ Tuyến 20 gồm 35,000 hải lý. Mỗi bên góp vào 3.5 hải lý. Nếu tính từ đường ranh giới mới, nằm giữa Vịnh, tghì phía VN chỉ còn 12.5 hải lý tính từ bờ biển VN, nghĩa là từ bất cứ điểm nào thuộc bờ biển VN. Nói khác đi, VN chỉ còn chủ quyền trong phạm vi 12.5 hải lý mà thôi. Hiệp định đánh cá có hiêu lực 12 năm, gia hạn thêm 3 năm. Ngoài ra, còn có một vùng nhỏ hơn nằm ở phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ được gọi là vùng quá độ. Hợp tác trong vùng này có hiệu lực 4 năm. Cá đánh được, chia đôi.

Vì VC không phổ biến hiệp ước, nên không ai biết thể thức hợp tác như thế nào và cũng không thấy có loan báo tàu đánh cá chung của hai bên hoạt động ra sao. Tuy nhiên, vào ngày 08/01/2005, có xảy ra vụ tàu tuần cảnh của hải quân TC bắn giết 8 ngư phủ VN quê ở Thanh Hóa vì lý do xâm phạm lãnh hải TC, nên người ta mới biết được một ít chi tiết về cái mà hiệp định gọi là đánh cá chung đó và biết thêm về phạm vi chủ quyền thực sự của VN trên vùng Vịnh.

Phần cuối của chương trình, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh nói về Quốc Tế Công Pháp và các Hiệp ước mà Việt Cộng ký kết với TC. Về phương diện pháp lý, việc chuyển nhượng đất đai hay một phần lãnh thổ phải tuân theo một số điều kiện, thủ tục để cho việc chuyển nhượng ấy có giá trị: 1. Việc chuyển nhượng phải có một điều khoản của hiến pháp cho phép. Phải tuân theo thủ tục hay điều kiệnmà luật đó qui định. Nếu không có một điều khoản như vậy, thường phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. 2. Việc chuyển nhượng phải được thực hiện công khai.

3. Cũng giống như ngành tư pháp, phải có vật gì cụ thể để trao đổi, giống như ta thấy trong khế ước mua bán. Đó là chưa kể đến các yếu tố như phải có sự ưng thuận và bình đẳng giữa hai bên v.v…

Thực tế, ta thấy: 1. Hiến Pháp 1992 VC, ở điều 53 có qui định rằng " công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý". Với điều này, người ta phải hiểu rằng nhà nước có nghĩa vụ tổ chức trưng cầu dân ý về việc chuyển nhượng một phần lãnh thổ, vì "đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân", nhưng VC đã không làm. 2. VC đã chuyển nhượng một cách lén lút. 3. Không có vật gì cụ thể để trao đổi. Trong trường hợp này, một câu hỏi là VC trao đất cho TC để đổi lại TC ủng hộ để VC ngồi lỳ cầm quyền, thì việc ủng hộ đó có là "vật cụ thể"" Theo qui định chung của luật pháp, thì việc "TC ủng hộ VC ngồi lại để cầm quyền" không là một vật "hữu hình" để trao đổi. Như vậy, đây là sự chuyển nhượng vô thường, nghĩa là cho không. Hơn nữa, không ai có quyền chuyển nhượng "cái gì" mà mình không có. Nghĩa là đất đai như VC nói trong hiến pháp là "của toàn dân", không phải là của Đảng Cộng Sản VN.

Tóm lại việc chuyển nhượng đất đai là một hành vi bất hợp pháp.

Kết thúc mỗi phần thuyết trình, cả hai diễn giả, Bà Jackie Bông và Giáo sư Nguyễn Văn Canh đã cùng cử tọa thảo luận sôi nổi, giải đáp các câu hỏi liên quan đến thảm họa của việc cắt đất dâng biển cho TC và số phận bi thảm của phụ nữ và trẻ em VN hiện nay đang bị mua bán làm nô lệ cho nước ngoài. Trong một bầu không khí đầm ấm thân tình, cử tọa và diễn giả đã như hòa nhập làm một để cùng nói lên tâm tình của mình, nói lên tấm lòng và sự quan tâm sâu sắc đến tiền đồ của tổ quốc và thân phận của dân tộc, đặc biệt nghiêm khắc lên án Đảng CSVN đã khiếp nhược cúi đầu khuất phục trước chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng và dửng dưng trước số phận đáng thương của biết bao phụ nữ và trẻ em VN bị mua bán, chà đạp nhân phẩm và thể xác.

Buổi sinh hoạt thời sự rất hữu ích nêu trên do Cộng Đồng Việt Nam Vùng Greater Vancouver B.C. Canada tổ chức thành công tốt đẹp và chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày.

Bên lề buổi sinh hoạt, trong dịp gặp gỡ hàn huyên với VBMN, bổn báo Chủ biên Bùi Phú đã có dịp gặp lại "cố nhân", sau hơn 30 năm xa cách, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh. Cả hai Ông trước năm 1975 đều tùng sự tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia VNCH và biết bao chuyện xưa chuyện nay được nhắc tới không dứt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.