Hôm nay,  

Xuống Núi

25/02/200500:00:00(Xem: 5368)
Xuống núi, hay nói một cách văn vẻ hơn là hạ sơn, thường để chỉ về sự kiện những nhà tu hành đã đắc đạo hoặc đạt đạo tới mức nào đó, có thể rời thạch động với mục đích đem sự chứng ngộ của mình mà chia xẻ cùng nhân gian. Nghĩa là, khi lên núi thì rất âm thầm nhưng khi xuống núi, các ngài đã là người đại diện Chư Phật, Chư Bồ Tát rao giảng lời Phật dạy và được thế nhân tôn kính.
Nhưng với môn thể thao leo núi thì ngược lại. Với những người chinh phục núi cao, đường lên núi mới chứng tỏ công lực; Và, tới được đỉnh núi là tột cùng vinh quang. Đường xuống núi lại hoàn toàn thầm lặng, bao nhiêu hãng truyền thanh truyền hình bám sát đường lên núi, nay đi đâu hết cả, chẳng ai buồn biết thêm về đường xuống núi của người hùng ra sao. Nhưng có can chi, vì cái mốc “Tới” của người leo núi đã được chứng minh rõ rệt bằng hình ảnh hân hoan ngạo nghễ trên đỉnh núi, giơ cả hai tay ra mà chào trời, chào mây, chào gió, chào trăng sao. Còn mốc “Đạt” của nhà tu hành thì hơi khó thấy khi quý ngài hạ sơn. Phải có thời gian năm, ba năm, có khi hàng chục năm, sau khi quý ngài hoằng pháp đó đây, may ra chúng sanh vô minh mới có thể tạm nhận ra quý ngài đã “Đạt”, đã “Đắc” thế nào khi quý ngài hạ sơn thuở nọ! Chẳng thế mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, vị Giáo chủ Phật giáo Tây Tạng được cả thế giới tôn kính đã phải lên tiếng với tiểu đề “Tình thầy trò” trong cuốn “Từ Bi và kẻ thù” rằng, nhiều khi chúng ta cần một thời gian khá dài đến 10, hoặc 12 năm để quan sát đức hạnh và khả năng giảng dạy của giảng sư mới có thể biết vị đó có thực có khả năng và đạo hạnh cho ta đặt lòng tin và kính trọng hay không. Ngài còn nhắc, chính Đức Phật cũng dạy rõ điều này trong kinh điển, rằng ta không nên xem các vị thầy như thần thánh để tránh thất vọng khi sự thật không như vậy; vì một vị thầy tâm linh có nhiệm vụ truyền bá Phật pháp, hướng dẫn tinh thần kẻ khác mà lại phạm những lỗi lầm mà ông thường khuyên học trò nên tránh, là điều vô cùng tệ hại.
Đọc được những lời căn dặn trên, từ vị giáo chủ Phật giáo Tây Tạng đang được cả thế giới kính ngưỡng, hàng Phật tử sơ cơ như tôi bỗng vô cùng hoang mang. Tôi tin rằng, bất cứ người Phật tử nào mang một chút tín tâm mong cầu học đạo cũng cố gắng dọ dẫm tìm tới nơi mà họ “nghe đồn” là có vị thầy giảng pháp hay lắm. Khi đã tìm đến thì không phải chỉ nghe dăm ba lần là có thể khẳng định lời đồn đúng hay sai, vì khả năng của Phật tử lò dò tìm đạo cũng ví như học trò ngơ ngác buổi đầu cắp sách đến trường, chỉ biết, thầy thì phải giỏi là cái chắc, bởi không giỏi, sao được làm thầy" Đó là tâm trạng của phần đông những người đi tìm thầy. Lại nữa, hầu hết những điều thầy nói, thầy giảng là những điều trò chưa biết, chưa nghe, làm sao biết là thầy nói đúng hay sai trước khi trò có thời gian nghiền ngẫm, suy nghĩ về bài học" Do đó mà học trò muốn học chỉ còn cách cắm cúi tuân thủ lời thầy, hy vọng một mai sáng dạ. Chính cái thời gian “nhắm mắt nhắm mũi cắm cúi học” đó đã vô tình giúp thầy trò nhìn rõ nhau, tuy thầm lặng, tuy chậm rãi nhưng chính là thời gian quý báu để nhận thức bản chất của đối tượng. Chỉ có điều đáng thương là, nếu thời gian đó quá dài, có thể cần từ 10 đến 12 năm như Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói, “trò mới nhận ra thầy thực chưa phải minh-sư” thì e rằng niềm tin của Phật tử về ngôi “Tăng” sẽ lung lay như cây non trước bão tố; và điều quan trọng là, từ sự đau khổ ấy Phật tử có đứng dậy nổi để can đảm đi lại từ đầu con đường “Tầm sư học đạo” nữa hay không " Nếu không, thì phải làm sao " Nếu có, thì phải bắt đầu thế nào để tương đối tránh được thất bại như lần trước "
Với cái đầu ưa nghĩ quẩn như tôi, gặp sự nan giải này, chẳng lẽ ngồi khóc " Tôi bèn “thử” đặt mình vào trường hợp không may này xem sao. Tôi trải chiếu, nhắm mắt, ngồi bán già một lúc, chỉ nghĩ ra được giải pháp không mấy thông minh nhưng thực tế, dễ áp dụng và nhất là tiết kiệm được thời gian. Đó là, THẦY GIẢNG CÂU GÌ, TRÒ CỨ NHÌN NGAY BẢN THÂN THẦY Ở CÂU ĐÓ. Tạm thí dụ những câu thông thường nhất mà không người Phật tử nào không từng nghe, chẳng hạn như, thầy giảng về Từ Bi Hỷ Xả thì sau buổi giảng, thay vì thỉnh cuốn băng về nghe ngày nghe đêm, trò hãy chỉ lẳng lặng “nhìn” thầy, từ cách hoằng pháp tới sinh hoạt thường ngày thầy có thực sự thể hiện lòng vị tha (Từ Bi) cứu độ chúng sanh không, hay chỉ là vị kỷ" Thầy có mở rộng lòng ban vui và vui với cái vui của người (Hỷ) không" Thầy có buông bỏ được toan tính hơn thua, đố kỵ nghi hoặc (Xả) để tâm thanh tịnh đạt được hài hòa với mọi người mọi loài không" Hoặc khi thầy giảng về Tham Sân Si, thầy có biết “đủ” để đừng muốn thêm những cái không cần thiết (tham); thầy có nổi nóng (sân) khi gặp điều bất toại ý; thầy có mất tự chủ mà hành xử như người thiếu trí tuệ (si) không …v…v…

Tôi cũng hiểu lơ mơ rằng, nhiều khi “thầy nghiêm khắc thế mà không phải thế”. Thầy chỉ dùng “phương tiện nghiêm khắc” để giáo hóa trò mà thôi. Đó có thể là cách các thiền sư xử dụng, đôi khi mạnh bạo như gậy gộc, đánh đập, đôi khi cộc cằn như la hét, mắng chửi, xua đuổi …v…v…Nhưng qua những giai thoại Thiền mà tôi được nghe hoặc được đọc thì VỊ THIỀN SƯ CHỈ DÙNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN VŨ BÃO ĐÓ KHI BIẾT LÀ SỞ HỌC CỦA ĐỆ TỬ ĐÃ CHÍN MÙI, giáng cho một đòn mạnh, trò có thể ngộ. Khi đó thì đánh đập, la mắng đúng là từ bi, là phương tiện giúp trò đạt ngộ. Nhưng thường xuyên chửi rủa, la mắng khi trò chưa đủ khả năng tiếp nhận thì sự nghiêm khắc này, e rằng không phải là lòng từ bi ! Giai thoại thiền nổi tiếng mà ai học thiền cũng biết là câu chuyện “cầu pháp an tâm” của ngài Huệ Khả cầu đạo Tổ Đạt Ma. Khi nghe Tổ Đạt Ma đang thiền trên núi Thiếu Thất, ngài Huệ Khả đã trèo đèo lội suối tìm đến cửa động dưới trời giá băng, mưa tuyết, quỳ ngoài cửa 7 ngày 7 đêm, tuyết phủ gần kín người mà Tổ Đạt Ma chẳng hề đoái hoài. Vì muốn chứng tỏ quyết tâm cầu đạo, ngài Huệ Khả dùng đao chặt đứt cánh tay trái, cúng dường Tổ. Vậy mà Tổ Đạt Ma chỉ quay lại hỏi: “Ngươi dùng chút khổ hạnh nhỏ này để cầu việc chi "” Ngài Huệ Khải kính cẩn thưa rằng: “Bạch Hòa Thượng, con chỉ cầu một việc là xin Hòa thượng chỉ cho con pháp an tâm vì tâm con luôn luôn bất an”. Tổ Đạt Ma nhìn ngài Huệ Khả đăm đăm rồi bất chợt quát to lên, tưởng đến long trời lở đất: “Đem cái tâm bất an của ngươi ra đây, ta an cho”. Ngài Huệ Khả nghe Tổ quát lớn, không kịp suy nghĩ gì, chỉ vội vã tuân theo lời quát là quay lại tự tâm, tìm cái tâm bất an để trình Tổ; thì ngay khi nhìn lại tâm mình một cách sâu sắc, thuần khiết, mới nhận ra sự bất an vốn không thật, đó chỉ là niệm vọng tưởng. Đã là vọng mà bị nhìn thấy, vọng lập tức biến mất. Ngài Huệ Khả ngơ ngác thưa: “Bạch Hòa Thượng, cái tâm bất an của con đâu mất, con tìm không thấy, lấy không ra”. Lúc đó Tổ Đạt Ma mới dịu dàng bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngay câu đó, ngài Huệ Khả đạt đại ngộ.
May mắn thay cho ngài Huệ Khả đã được Tổ Đạt Ma dùng tuệ nhãn thấy rõ sở học bền bỉ nhiều năm và lòng quyết tâm tìm giải thoát; chỉ kẹt nơi pháp chấp văn tự mà ngài Huệ Khả chưa nhận rõ Phật-tánh thanh tịnh của mình, vọng niệm mới “đánh lừa” ngài là tâm đạo bất an. Tiếng quát lớn của Tổ chính là giúp ngài Huệ Khả DỪNG VỌNG, HIỆN CHÂN. Tiếng quát trong phút giây đó là bàn tay từ bi đưa ra, kéo người cầu đạo khỏi bờ mê, tới bến giác.
(Nhưng, nếu cũng tiếng quát này, gặp hàng Phật tử như tôi là bay hồn bạt vía, chết giấc xuống chín tầng địa ngục còn chưa hiểu tại sao bị quát, huống chi là hiểu đạo!)
Vì biết căn cơ chúng sanh muôn người chẳng đồng như thế nên Đức Phật mới từ bi đặt ra tới tám mươi bốn ngàn pháp môn; xin quý thầy cũng từ bi nương căn chúng sanh mà dạy dỗ. Suốt 49 năm hoằng pháp, bao nhiêu kinh điển để lại cho hậu thế đều mô tả rõ ràng từng lời Phật nói, dù đôi khi lời nói đó chỉ là một câu ngắn ngủi, Phật cũng thể hiện đời sống mình qua câu đó, tuyệt đối không khác, không sai. Đệ tử theo Phật chỉ cần nhìn Phật là thấy ngay những BÀI-PHÁP-SỐNG, đầy linh động cho sự thực tập.
Ngày nay, nếu vị thầy giảng dạy điều gì mà bản thân các ngài thể hiện đúng như lời dạy, thì chính là các ngài đang mang những bài pháp ngàn xưa, từ Thế-Giới- Tích-Môn mà dựng thành những tấm gương ngay nơi Thế-Giới-Bản-Môn cho Phật tử hiện đời noi theo. Được như thế thì Phật tử ngày nay cũng có phước duyên hưởng hạnh phúc lớn lao không thua gì 1250 vị Tỳ-Kheo được theo Phật từng bước, như lời Tôn giả Anan thường mở đầu trên mỗi pho Kinh.
Diệu Trân
Tháng Hai 2005

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.