Hôm nay,  

19 Linh Mục Chất Vấn Nhà Nước

07/04/201700:00:00(Xem: 2853)
Tình hình Formosa vẫn sôi nổi không thôi.

Bản tin RFA cho biết có hai linh mục đã đệ đơn phản bác truyền thông Nhà nước.

Vào ngày 6 tháng tư đã diễn ra buổi họp phản hồi công văn 333-UBND giữa hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục, đại diện cho các linh mục hoạt động trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu diễn ra tại UBND huyện Quỳnh Lưu.

Công văn phản hồi với chữ ký của 19 linh mục đại diện cho hơn 30 ngàn giáo dân huyện Quỳnh Lưu dẫn chứng điều 11 của pháp lệnh nêu rõ quyền thực hiện nghi lễ tôn giáo, giảng và truyền đạo.

Công văn 333-UBND do UBND huyện Quỳnh Lưu gửi đến các linh mục ngày 17 tháng 3 vừa qua đòi hỏi các linh mục phải xin phép chính quyền và các cơ quan chức năng khi làm lễ ngoài phạm vi giáo xứ. Công văn này còn nhấn mạnh việc bà con ngư dân phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm, không đảm bảo an toàn giao thông và ảnh hưởng đến các vấn đề khác.

Linh mục Đặng Hữu Nam thuật lại qua thông tin gửi cho các cơ quan truyền thông cho biết phía UBND huyện gồm Chủ tịch Trần Danh Lai, phó chủ tịch Hồ Ngọc Dũng và ba cán bộ thuộc các ban ngành. Cũng trong bản tin gửi đi, linh mục Đặng Hữu Nam cho biết Chủ tịch Trần Danh Lai có hứa sẽ có công văn cải chính trong vài ngày tới.

Bản tin khác của RFA cho biết rằng trong ngày 6 tháng 4, Nguyễn Văn Hoá, nam thanh niên bị bắt giam từ tháng hai đến nay vì đưa thông tin về thảm họa môi trường và những cuộc biểu tình của người dân phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm, chính thức bị khởi tố theo điều 258.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh thông báo và đưa ra cáo buộc tội danh của thanh niên này là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân”.

Báo mạng Vnexpress trích dẫn lời công an Hà Tĩnh nói rằng “Anh ta ký hợp đồng với các đài, trang mạng nước ngoài với mức 1.500 USD cho 16 phóng sự mỗi tháng.” Thêm vào đó là cáo buộc Nguyễn Văn Hoá đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội để đưa thông tin về sự cố môi trường, lũ lụt ở miền Trung.

Cũng theo công an Hà Tĩnh, những nội dung này là bằng chứng cho thấy Nguyễn Văn Hoá đã “gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.”

Sau khi Nguyễn Văn Hóa bị bắt, chị của anh này khẳng định việc làm của người em không có gì sai trái:

“Trong năm 2016, có vụ nhà máy Formosa xả thải ra biển khiến cá chết nhiều; Hóa cũng là người dân miền Trung nên cũng bức xúc và lên tiếng vì công bằng cho người dân. Công an không thích nên theo dõi, và không có lý do gì nên họ mới bắt cóc.”

Một bản tin khác của VOA ghi rằng người dân và các nhà hoạt động từ nhiều nơi trên khắp Việt Nam hôm 6/4 đã có những hoạt động đánh dấu tròn một năm xảy ra thảm họa cá chết ở miền trung mà nhiều người quy lỗi cho hãng Formosa.

Thông tin và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cả nghìn người ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và một số giáo xứ ở Nghệ An đã cầm biểu ngữ tuần hành đến cổng nhà máy Formosa hoặc đi ra biển để “tưởng niệm” thảm họa môi trường biển.

Bên cạnh đó là các nhóm nhỏ hoặc một số cá nhân riêng rẽ cũng giương biểu ngữ để đánh dấu ngày này tại các địa điểm công cộng ở Hà Nội, thành phố Sài Gòn, Quảng Bình và một vài nơi khác.

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn mô tả các hoạt động kỷ niệm:

“Chúng tôi có những hoạt động cụ thể từ trước, ví dụ như kêu gọi mọi người ký vào kiến nghị về thảm họa Formosa kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ môi sinh, môi trường cho biển Việt Nam. Và tùy từng nơi, tùy từng lúc chúng tôi đi biểu tình để nói lên tiếng nói của người dân Việt Nam, và để khích lệ cũng như nói lên tinh thần đấu tranh cho môi sinh, môi trường để người dân Việt Nam hiểu hơn, biết hơn và cùng đồng lòng để đấu tranh cho môi trường Việt Nam trong sạch hơn và đẩy Formosa ra khỏi Việt Nam”.

Anh Sơn cho biết đến nay đã có hơn 100.000 chữ ký vào kiến nghị trên trang thamhoaformosa.com. Đây là kiến nghị do Ban Hỗ trợ Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh soạn ra, dự kiến sẽ được gửi đến chính phủ Đài Loan và các tổ chức quốc tế nhằm gây áp lực buộc Formosa đền bù thỏa đáng, cải tạo môi trường. Kiến nghị cũng nhắm đến việc “trục xuất” Formosa ra khỏi Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.