Hôm nay,  

TQ Cấm Biển, VN La Làng

02/03/201700:00:00(Xem: 4823)

Vậy là Biển Đông lại sóng gió... Nhà nước Ba Đình có muốn sóng êm, cũng là chuyện khó. Nhưng TQ ép quá, hẳn là VN cũng la làng... Trong khi đó, TT Trump đưa ra một tia sáng, rằng Mỹ không rời bỏ Biển Đông.

Bản tin RFA cho biết rằng Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế nghỉ đánh bắt cá trên biển của Trung Quốc. Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam, hôm 28 tháng 2 cho báo giới biết như vừa nêu khi được hỏi về thông báo liên quan mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra.

Vào ngày 27 tháng 2, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng tại khu vực Biển Đông; trong đó có những vùng gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Theo ông Lê Hải Bình, phía Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Các quyền hợp pháp trên biển của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về luật biển 1982.

RFA ghi lời Ông Lê Hải Bình khẳng định quyết định mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ban hành hôm 27 tháng 2 là một quyết định đơn phương từ phía Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 23 tháng 2 vừa qua, Việt Nam cũng chính thức lên tiếng về tin Trung Quốc sắp hoàn thành xây dựng hơn 20 công trình chứa tên lửa trên các đảo nhân tạo mà họ lập nên ở khu vực Trường Sa. Nói với phóng viên trong nước về điều này, ông Lê Hải Bình gọi tất cả hoạt động xây dựng, cải tạo những khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều là phi pháp nếu không có sự cho phép của Việt Nam.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ “một lần nữa sẵn sàng lãnh đạo [thế giới]", và đề xuất gia tăng ngân sách quốc phòng thêm hàng chục tỉ đôla, mà tin cho hay, một phần trong số đó để “tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông".

Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 28/2, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Trump cho biết rằng ông muốn “truyền đi thông điệp đoàn kết và sức mạnh, và đó là một thông điệp phát đi từ sâu trong trái tim của tôi”.

Ông nói tiếp trong sự tán thưởng của các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa: “Một chương mới về Sự Vĩ đại của nước Mỹ giờ đang bắt đầu. Một sự tự hào dân tộc mới đang lan khắp đất nước chúng ta. Đồng minh của chúng ta thấy rằng nước Mỹ một lần nữa đã sẵn sàng lãnh đạo. Tất cả các nước trên thế giới, bạn lẫn thù, sẽ thấy rằng Hoa Kỳ vững mạnh, Hoa Kỳ tự hào, và Hoa Kỳ tự do”.

Bản tin VOA ghi rằng chính quyền của ông Trump đề xuất tăng thêm ngân sách 54 tỷ đôla dành cho Ngũ Giác Đài, lên hơn 600 tỷ đôla trong năm 2018, tức tăng 10%.

Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời một quan chức Mỹ rành về dự thảo gia tăng quốc phòng đưa tin rằng tiền tăng thêm "sẽ được dành cho việc đóng tàu, “tậu” máy bay quân sự và tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ tại các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông".


Về thông tin trên, tiến sỹ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu ở Mỹ về các vấn đề liên quan tới vùng biển tranh chấp này, cho biết rằng ông “rất hoan nghênh” các tuyên bố mạnh của ông Trump.

VOA ghi lời tiến sỹ Tạ Văn Tài: “Điều này khá hơn. Trước đây, mấy năm của ông Obama thì chỉ tuyên bố, nhưng mà vẫn còn đi rón rén. Nói chung, chính quyền Trump họ sẽ mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng mà mạnh đến đâu thì tôi không phát biểu ý kiến nhiều được bởi vì ông Trump khá khó tiên liệu. Chắc chắn là ông ấy sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền trước”.

Ông Tài cho rằng nếu Mỹ mạnh mẽ ở biển Đông, Việt Nam sẽ hưởng lợi. Hôm 18/2, lần đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hải quân Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng đội tàu chiến đã trở lại bắt đầu tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS ở Mỹ, nói với VOA Việt Ngữ rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt “mong Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng hơn, ổn định hơn tại vùng Biển Đông”.

Tuy nhiên, TQ vẫn chơi trò lảng vảng khắp các biển... kể cả, gần vùng biển của Nhật Bản.

Bản tin RFI kể rằng hôm 01/03/2017, Trung Quốc điều ba tàu hải cảnh tới tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Đây được coi là động thái đáp trả của Trung Quốc, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Những chuyến tàu tuần tra kiểu này của Trung Quốc thường gây các phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản. Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đã xấu đi rất nhiều kể từ năm 2012, sau khi Tokyo «quốc hữu hóa» một số đảo thuộc quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong khi đó, Bao1ó Pháp Luật ghi rằng Trung Quốc tiết lộ sẽ xây đài quan sát quốc gia của họ dưới biển đầu tiên ở Biển Đông.

Báo PL ghi rằng theo thông tấn RT ngày 1-3, phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải hôm 25-2, ông Uông Phẩm Tiên (Wang Pinxian), một nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Trung Quốc (TQ) - CAS, cho biết TQ sẽ xây dựng một đài quan sát dưới biển dài hạn ở các khu vực chủ chốt của biển Đông dưới sự giúp đỡ của ĐH Đồng Tế và Viện Âm học tại Thượng Hải.

Tuy nhiên, Viện Âm học Thượng Hải đã từ chối tiết lộ chính xác TQ sẽ xây dựng đài quan sát này tại địa điểm nào ở biển Đông. Cơ quan này cũng từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào vì “tính nhạy cảm” của dự án.

Trong khi đó, Báo Kiến Thức ghi nhận ASEAN vẫn sóng ngầm vì TQ.

Báo Kiến Thức viết:

“Hành động tiếp tục quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, giữa lúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang cố gắng đạt được Bộ Qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn hành động quân sự và xung đột trên biển.”

Thấy rõ, TQ vẫn làm đủ trò. Kể cả trên mặt biển, và dưới đáy biển sâu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.