Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (73-74)

02/12/201600:01:00(Xem: 3917)

 

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm
   

 

(Chuyện 73-74. Sẽ đăng tiếp)

  

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

  blank

73. Con ruồi bị thưa, bị đập.

  

     Một người kia ở xứ rẫy bái quê mùa. Đến bữa nó đơm quải [1] dọn ra một mâm cúng, con ruồi lên đậu ăn. Thì người chủ giận sao nó có hỗn, mới đi thưa với quan huyện rằng: Lạy ông, tôi cúng cho cha mẹ tôi, mà con chi không biết, nó bay lên, nó ăn trước đi, hỗn hào quá lắm. Ông huyện mới biểu nó: Hễ nó hỗn hào vô phép, thì gặp nó đâu đánh nó đó. Nói vừa buông miệng[2], con ruồi ở đâu bay lại, đậu trên mặt ông huyện ấy, thì thằng ấy nói: Bẩm ông, ông mới xử nó làm vậy, mà nó còn dễ ngươi, nó tới đậu trên mặt ông. Và nói và giơ tay ra giang cánh, đánh một vả trên mặt ông huyện xửng vửng[3].

 

74. Làm ơn mắc oán.

 

    Ngày kia, con beo buồn bắt khỉ võng đi dạo sơn thủy chơi[4], thình lình nghe tiếng chó sói đi săn. Khỉ, cái nghiệp nó nghe giớn giác[5], nghe động thất rừng kinh[6], quăng võng, leo lên cây (tr. 106) ngồi hết. Còn con beo cong lưng chạy miết dài. Chó sói cứ rượt mãi.

    Con beo túng nước sợ có khi nó bắt được, may đâu gặp một ông già, theo lạy lục xin ông già cứu, ông già không biết làm làm sao[7], mới mở cái đãy[8], ổng biểu nó chun vô, rồi thắt lại vác trên vai mà đi. Chó sói chạy tới thấy đâu mất đi, mới hỏi thăm ông già. Ông già nói không có thấy. Chó sói bỏ về.

     Ông già đi được một đỗi xa xa, rồi mở miệng đãy thả con beo ra. Con beo phần thì mệt, phần thì đói bụng quá chừng, nó đòi ăn thịt ông già đi[9]. Ông già: Tao làm ơn  cứu mầy cho khỏi miệng chó sói, mà mầy đòi ăn thịt sao? Con beo nói: Cứu gì ông bỏ tôi vô đãy ngột[10], thiếu một chút nữa chết còn gì? Bây giờ đói bụng quá, phải ăn mới xong. Ông già nói: Thôi thì đi hỏi chứng cớ cho hẵn hòi rồi sẽ ăn.

     Vậy tới chòm cây cao lớn, dắt nhau lại hỏi, thì cây nói: Người ta là giống bất nhơn, ăn nó đi để làm chi? Mấy tôi[11] hằng giúp nó làm nên lương đống cửa nhà[12], mà nó còn lấy búa, lấy rìu nó chặt, chém chúng tôi hoài. Ơn ngãi gì mà để? Ăn nó đi. Con beo nói: Đó, còn từ chối gì nữa? Nó xốc lại nó đòi ăn.

     Ông già lại nói. Cây cối biết gì? Nói vậy chưa đủ tin. Dắt nhau đi tới nữa, gặp một bầy trâu già. Con beo lại hỏi có nên ăn đi hay không? (tr. 107) thì trâu nói: Chúng tôi làm đầy tớ nó già đời[13], cày bừa, làm ruộng cho có lúa gạo cho nó ăn cho no, đến khi chúng tôi chết rồi, nó còn phân thây, xẻ thịt, cái xương thì làm vạch[14], da thì bịt trống, đóng giày, đóng dép, cứt thì làm phân, không có biết công ơn chúng tôi chút nào, huống gì là anh? Ăn nó đi là đáng lắm.

     Con beo lại đòi ăn, ông già nói: Lục súc vô đồ[15] cũng chưa có chắc. Lời tục ngữ có nói rằng: Sự bất quá tam[16]. Xin mầy để hỏi một lần nữa, rồi mầy hãy ăn tao cho đáng số tao[17].

     Dắt nhau đi nữa, một đỗi đàng khá xa, mới gặp một người con trai đi đường, đứng dừng lại hỏi: Thì người biểu nói gốc tích lại ban đầu[18] cho nó nghe. Nghe biết rồi, mới nói: Nào con beo hồi đầu mầy thâu mình lại[19], mà chun vô đãy ông già làm sao, thì làm lại coi thử, rồi hãy ăn thịt ông già.

    Con beo chun vô rồi, thì nó thắt miệng đãy lại, vô bẻ cây đập con beo chết đi, và đánh và dặn: Mầy vô ơn bạc ngãi với kẻ làm ơn cứu mầy, thì tội mầy đập chết đi, thì đáng lắm.

     Lấy đó mà xét: Ở đời biết là mấy[20] người bạc tình[21], đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nơm? Chẳng những là bội ơn mà thôi, mà lại dĩ ơn báo oán[22] nữa. Mấy người làm vậy bụng dạ vạy vò[23], chẳng người thì trời cũng hại nó đi có thuở[24]. Hễ làm lành thì gặp lành, mà làm dữ thì gặp dữ, chẳng (tr. 108) chầy thì kíp, chạy đàng trời không khỏi. Làm ơn mắc oán sự thường. Nhưng vậy ơn cũng chẳng mất đi đâu, làm sao cũng sẽ trả, chẳng người nầy thì người khác, chẳng thế nầy thì thế khác. Nên ai nấy cứ làm lành thì sẽ gặp lành mà chớ[25].

 

  



[1] Đơm quải: Cúng cơm, cúng giỗ.

[2] Nói vừa buông miệng: Nói vừa dứt tiếng, nói vừa xong.

[3] Xửng vửng: Đứng không vửng, lảo đảo.

[4] Đây là sự bao biếm quan lại có quyền bắt dân phục dịch.

[5] Giớn giác: HTC, Bộ sợ sệt con mắt láo liên, ngó đầu này, coi đầu kia, không tề tỉnh.

[6] Nghe động thất rừng kinh:  Nghĩ là bản in sai, phải là Nghe động rừng thất kinh: Nghe tiếng động trong rừng, quá sợ…

[7] Không biết làm làm sao là cách nói xưa, nay nói không biết làm sao.

[8] Đãy (cái): HTC, Cái túi; đồ may bằng vải lụa để mà đựng trầu thuốc. Thiệt ra đãy có khi được may lớn bằng cái bị như trong chuyện nầy. Đãy thao lăm chờ vận khả vi, gương trí dốc đợi thời kinh tế. (Trần Nhạc Võ, 6b).

[9] Chữ đi theo cách nói nầy nay cũng không còn xài.

[10] Ngột: Bí hơi không thở được, nay nói ngộp

[11] Mấy tôi: Bọn chúng tôi.

[12] Lương đống cửa nhà: Nhà cửa, cột kèo. chỉ những thứ làm bằng cây.

[13] Già đời: Cả đời, chỉ thời gian lâu. Nay còn thành ngữ ưa được dùng: Già đời còn dạy.

[14] Vạch (cái): Dụng cụ của thợ may dùng để vạch đường theo đó mà cắt, hình như  dấu huyền, làm bằng sừng trâu bò.

[15] Lục súc vô đồ: Lục súc thì không vô nhóm nào. Câu nói không rõ nghĩa. HTC có ghi: Lục súc chi đồ, được cắt nghĩa là loài súc vật, thường được dùng làm câu chưởi. Có thể là người bình dân thời đó nói như Trương Vĩnh Ký đã ghi lại và đặt vô miệng ông lão trong chuyện.

[16] Sự bất quá tam: Chuyện gì cũng không xảy ra quá ba lần.

[17] Cho đáng số tao: cho đáng kiếp, đáng đời tao vì đã cứu kẻ vong ơn như mầy.

[18] Nói gốc tích lại ban đầu: Kể lại từ đầu.

[19] Thâu mình lại: Rút mình lại, co mình…

[20] Ở đời biết là mấy: Ở đời nầy có quá nhiều…

[21] Người bạc tình: kẻ ở không có tình cảm, vô ơn, bội tình…

[22] Dĩ ơn báo oán: Mang ơn người nhưng đáo trả lại bằng oán cừu. Đây là nói theo kiểu người Việt mình

[23] Vạy vò: Cong queo, không ngay thẳng.

[24] Trời cũng hại nó có thuở: Có lúc cũng bị trời hại. Chữ có thuở được thay bằng có lúc, có khi ngày nay hầu như được đặt ở đầu câu.

[25] Mà chớ: Chữ mà chớ nầy xưa dùng ở cuối một câu khuyên lơn hay răn đe, không thêm nghĩa gì cho toàn câu.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.