Hôm nay,  

Thiên Đường Nơi Đâu…

26/12/200400:00:00(Xem: 5187)
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Dự Đoán Tình Hình Dân Số của trường Đại học Portland (PSU Population Research Center) trong năm 2004 mức tăng dân số của tiểu bang Oregon là 1.2 phần trăm. Theo kết luận của bản nghiên cứu trung tâm này công bố, tỉ lệ tăng này tương đương 3,582,600 (gần 3.6 triệu) cho năm tài chính 2004, tính đến ngày 1 tháng 7 năm nay. Mức tăng dân số năm nay 41,000 người so với cùng kỳ thăm dò năm ngoái là 36,800 người. Tính theo tỉ lệ, năm nay dân số của tiểu bang Oregon đã nhích lên thêm 0.1 phần trăm. Nói chung, số dân tăng tự nhiên 17,922 người (sinh xuất - tử xuất) đã chiếm 44 phần trăm của mức gia tăng hằng năm, phần còn lại, 56 phần trăm, do kết quả của tình hình nhập cư vào Oregon mới đây.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu dân số của trường đại học Portland, ông Qian Cai, cho biết "Các yếu tố như việc đăng ký trường lớp cho học sinh, sinh viên và việc cung cấp các chương trình trợ giúp y tế xãhội dành cho những người từ 65 tuổi trở lên tương đối thoáng vàđều khắp đã góp phần vào mức tăng dân số này." Ngoài số lượng người nhập cư đến từ các tiểu bang khác, Oregon trong năm vừa qua còn nhận được lượng du học sinh quốc tế và học sinh là con em của các gia đình di cư tương đối lớn, gần 14,000 học sinh, sinh viên.
Song song với kết quả thu được ở Oregon, thống kê năm 2000 của viện nghiên cứu Quốc Gia Hoa Kỳ, tính từ ngày 1 tháng 4 năm 2000 đến ngày 1 tháng 4 năm 20004, cho thấy Oregon có số dân tăng tổng cộng là 161,201 người, chiếm tỉ lệ tăng 4,7 phần trăm tổng số dân của tiểu bang. Các khu vực vùng trung tâm tiểu bang chiếm mức tăng cao nhất trong năm 2004 với hạt Deschutes (Deschutes county) tăng với tỉ lệ 17 phần trăm tổng số dân tăng trong bốn năm qua; theo sau là hạt Crook (Crook county) 8 phần trăm; và hạt Jefferson(Jefferson county) 7 phần trăm. Oregon hiện có 36 hạt, Multnomah là hạt có số cư dân cao nhất, 665,810, theo thống kê năm 2001.
Khu vực thành thị vẫn tiếp tục nhận số người ngày càng nhiều đến sinh sống và làm việc. Hạt Washington, theo thống kê năm 2000 ghi nhận có hơn 34,858 người chính thức đăng ký cư ngụ trong khu vực; hạt Multnomah nối gót với khoảng cách tương đối xa, 25,646, và hạt Clakamas trong cùng thời kỳ này cũng thu hút được 17,859 người. Do số lượng người mới nhập cư hầu như tập trung ở 10 hạt vừa kể, số lượng dân số tăng trải mỏng hơn ở các hạt còn lại của tiểu bang, song song với việc một số trong các hạt này có số dân giảm đi, do thay đổi chỗ ở hoặc việc làm.
Khu vực có số dân tăng nhanh và cao nhất trong toàn tiểu bang là thành phố Portland. Portland là thành phố lớn nhất của tiểu bang, dẫn đầu với số dân lên đến 550,560 tính đến ngày 1 tháng 7 năm nay. Số dân tăng chiếm 21,439 người, căn cứ theo thống kê Quốc Gia năm 2002. Bên cạnh Portland, thành phố lớn với số dân mới nhập cư chiếm vị trí thứ hai và thứ ba là Bend và Hillsboro, theo thứ tự 13,181 và 9,754 người. Cả ba thành phố này đều mang một đặc điểm chung về số lượng nhà ở lớn. Do đó, có thể nói, các chương trình phát triển nhà và các chương trình y tế, xã hội, học đường phát triển và mở rộng đã tạo điều kiện thu hút một số lượng lớn người nhập cư mới và người di cư thuộc các vùng khác trong cùng tiểu bang cũng như những người đến từ các tiểu bang khác trên cả nước.
Việt Báo ở California tuần trước đăng tin về việc nhiều công ty đang làm ăn ở bang này đã lần lượt theo nhau dọn lên Oregon. Điển hình là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ điện tử và cơ giới như công ty Sun Microsoft System, Công ty Vater Mark, King Cycle Group và nhiều nhà sản xuất khác cũng đang rậm rịt bắc tiến với những lý do đơn giản: Kinh tế. Oregon như gái cũ mặc áo mới, phơi phới chào mời những ông khách hàng quen mà lạ lũ lượt kéo nhau đến từ cửa ngõ phía nam. Thiên đường lại đang quay về với thị trường Oregon nhiều hứa hẹn, nơi có bốn mùa mát mẻ xanh tốt, và lực lượng lao động trẻ, cởi mở.
Nhưng Oregon hằng năm vẫn giữ con số thống kê nhiều ngàn vụ liên quan đến số trẻ em bị xúc phạm vì những hành động lăng mạ xỉ nhục đáng xấu hổ của người lớn. Như năm 2000 đã có 10,186 trẻ em trở thành nạn nhân của tệ nạn này. Các trường hợp xảy ra được ghi nhận trong 35,552 vụ báo cáo trong cùng năm. Số trẻ em tử vong trong các trường hợp xỉ nhục hoặc bị bỏ rơi trong năm 2000 là 21 em. Trong số này, 12 trẻ chết vì cha mẹ hay người nuôi dưỡng đã không quan tâm chăm sóc đúng mức đến các em; số còn lại, 9 trẻ chết vì bị hành hạ và lăng nhục.
Gần đây nhất, các nguồn tin từ báo chí, đài phát thanh và truyền hình trong khu vực đã liên tiếp đưa tin về hai trường hợp trẻ em bị ngược đãi khiến thống đốc Tiểu bang phải lên tiếng. Hai trường hợp mới vi phạm này cùng xảy ra ở khu vực quanh thành phố Portland và cùng liên quan đến việc thiếu trách nhiệm chăm sóc trẻ của người nuôi dưỡng. Trường hợp thứ nhất liên quan đến cháu Jordan Knapp, một bé gái 5 tuổi, được nhìn nhận suy dinh dưỡng trầm trọng và bị thương tích khi nhà chức trách địa phương đưa cháu vào bệnh viện để điều trị và săn sóc. Cháu được cứu sống kịp thời và đã được trả về nhà nuôi trẻ Sandy. Cháu Jordan trước đây đã không chung sống với mẹ ruột hiện vẫn còn sống; khi được đưa vào bệnh viện, cháu đang được hai vợ chồng William và Thelma Beaver nuôi trong nhà riêng của họ cùng với hai con ruột của gia đình này và một số trẻ em khác.

Trường hợp thứ hai xảy ra đối với cháu trai Ashton Parris mới 15 tháng tuổi. Lúc vừa mới chào đời, Ashton đã được phòng nhân sự tiểu bang gởi nuôi cháu ở nơi khác, tách rời cha mẹ ruột. Nhưng trong hai tháng gần đây, cha mẹ cháu được nhận lại cháu để chăm sóc và nuôi dưỡng dưới sự bảo trợ của các cơ quan chuyên trách y tế và phúc lợi địa phương. Khi Ashton được đưa vào bệnh viện cấp cứu từ nhà của cha mẹ ruột ở Milwalkie đến bệnh viện địa phương, các nhân viên y tế ghi nhận cháu đã thoi thóp thở và máu vẫn tiếp tục chảy ra từ miệng của cháu. Ngay sau đó, cháu Ashton được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng Doernbecher bằng trực thăng. Mặc dù các bác sĩ chuyên khoa đã cố cứu sống cháu, các phương tiện y học tối tân và sự tận lực của các vị lương y cũng đành bó tay đối với trường hợp của cháu bé Ashton Parris. Cháu bị tổn thương trầm trọng từ nhiều chỗ bằm dập ở đầu. Cháu qua đời đêm thứ năm 16 tháng 12, 2004.
Hai trường hợp xảy ra mới đây đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân Portland đối với những hành động thiếu trách nhiệm của người nhận chăm nuôi trẻ và chính cha mẹ ruột của các cháu. Bất kể với lời giải thích nào, bất kể trong hoàn cảnh cụ thể thật hay chưa rõ nào, người chịu đau đớn vẫn là những đứa trẻ vô tội. Còn biết bao trường hợp trẻ em bị đọa đày, bị hành hạ mà chúng ta chưa biết đến; còn biết bao giọt nước mắt và tiếng kêu la của các cháu chúng ta chưa nghe được, chưa thấy được hay chưa nhận ra được từ những thông điệp kêu cứu âm thầm đang xảy ra chung quanh chúng ta. Có ai thấu được nỗi đau không biết diễn tả của trẻ con, có ai hiểu được cái chớp mắt không còn giọt mặn nào nhỏ xuống nữa trên đôi gò má bé thơ vì các bé đã khóc suốt đêm, qua bao ngày, mà chẳng ai nghe được hay giả lờ không nghe thấy" Phải chăng lương tâm con người phải được đánh động mới thức dậy, phải chăng chúng ta chỉ biết yêu và che chở cho con cháu máu thịt của mình, còn con người khác đã có người khác nhận lo" Phải chăng, phải chăng, vì cuộc sống quá chật vật nên lòng từ thiện trở nên khô cạn, trái tim mềm nhân ái đã hóa đá và lòng người đã chai cứng" Khi bế con trong tay, còn mấy ai nghĩ đến giờ này, đêm này, bao nhiêu trẻ thơ vẫn đang đợi chờ một vòng tay thân ái" Tình yêu và sự xót xa dành cho chúng nhiều lắm cũng chỉ là cái chắt lưỡi hay tiếng thở dài thương cảm"
Khi bắt đầu viết bài báo này cho đến đoạn này sáng nay tôi đã ngừng lại không biết bao lần để lau cặp kính nhòa nước mắt. Tôi không khóc, không muốn khóc, nhưng nước mắt cứ theo nhau từng giọt rơi xuống bàn phím máy tính. Gần 50 năm đời trân chuyên tôi đã khóc cho thân phận mình. Cũng như vậy nhưng không y như vậy, tôi đã lớn lên, vượt qua bao ngàn ngày đêm lẻ loi buồn tủi. Tôi thấy mình trong ánh mắt nhìn sợ sệt trẻ thơ; tôi tham lam mơ thật nhiều để bù lại nỗi bần cùng dai dẳng đeo bám đời tôi, gia đình tôi. Tôi may mắn có mẹ nhưng tôi mờ mịt về tình yêu của bố; tôi không phải lớn lên từ xó chợ hay trong cô nhi viện nhưng tôi phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của họ hàng nội ngoại khi mẹ tôi bươn bả kiếm sống không luôn ở bên tôi. Tôi không được mẹ âu yếm gọi dậy mỗi sáng để đến trường vì mẹ tôi đã ra khỏi nhà khi trời còn rất tối. Tôi biết mẹ vội vã đến lò heo để lấy thịt, rồi bương bả luồn qua các ngõ hẹp và tối để đến chợ mà không bị cảnh sát bắt vì mang thịt heo mổ lậu. Tôi lân la theo chúng bạn trong xóm lê lết khắp nơi không từ một ổ chuột hay xó xỉnh nào. Nghĩa địa là nơi lý tưởng nhất vì chẳng có ai xua đuổi hay chửi mắng, do bọn trẻ chúng tôi thường có những trò nghịch phá tưởng chừng chẳng bao giờ dứt. Khi đã đói, tụi bạn về nhà ăn cơm, còn tôi ghé vào bếp ngôi chùa ở xóm khác để xin ăn. Có hôm đến chiều mẹ vẫn chưa về, tôi cũng chẳng nhớ đường về nhà, lân la, chầu rìa nhà ai đó, nhìn những đứa khác được mẹ tắm trong những cái chậu nhôm to tướng thầm cười ngu ngơ. Và cũng có đêm mẹ đã về mà chẳng thấy tôi, trời mưa, mẹ cầm cây đèn con, lội nước ngập đến ngang đùi, vừa đi vừa gọi to "Hà ơơơiii! …" cho đến khi tôi nghe được tiếng mẹ, bỏ chơi, theo mẹ về nhà.
Mẹ con tôi thiếu thốn trăm bề, nhưng tôi biết mẹ tôi rất thương tôi và tôi cũng rất thương mẹ, ngay cả khi bị mẹ đánh đòn đau. Tôi không biết làm sao mẹ tôi có thể sống cô đơn và chịu vất vả như vậy, và làm sao tôi vẫn lớn lên được, không sứt mẻ gì nhiều nhưng cũng chẳng có gì vui để nhớ. Mẹ của tôi chân chất, quê mùa, tận tụy và cam phận. Tôi yêu mẹ nhưng không muốn giống như mẹ; tôi không cam phận, không muốn dẫm lại những dấu vết tủi buồn trong đời mẹ. Tôi yêu trẻ thơ vì tôi không có tuổi thơ thơ mộng, và tôi cũng không cho phép mình quên những năm tháng nhọc nhằn vì nghèo, vì đói, vì chiến tranh, vì bị bỏ quên. Nhưng tôi vẫn chưa làm được gì nhiều cho các con tôi, cho những đứa trẻ khốn khổ quanh tôi. Khi chưa đến đây, giống bao người khác, tôi nghĩ về nơi này như một thiên đường. Bây giờ đang sống ở đây, cửa thiên đường quả thật đã mở, nhìn quanh, tôi vẫn thấy quá nhiều điều muốn khóc. Tôi khóc cho những tấm lòng đã khép lại, lạnh lùng trước những đau đớn và bất hạnh của người khác. Tôi khóc vì tôi còn thấy biết bao cuộc đời bị vùi dập, héo úa, khi những người khác dửng dưng đến lạ lùng trước những mảnh đời hẩm hiu nho nhỏ bên trong những căn nhà nuôi trẻ. Thiên đường thật sự đang ở nơi đâu"
Hạ Miên - Những Ngày Cuối Năm 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.