Hôm nay,  

Giang Hữu Tuyên Và Chuyến Tàu Thiên Cổ

19/11/200400:00:00(Xem: 6339)
Mai này trong chuyến tàu thiên cổ
Nếu có người thương tiếc tiễn đưa
Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ
Chút tình hệ lụy núi sông xưa
( Đất Gọi Người Đi)

Bốn câu thơ của Giang Hữu Tuyên vụt hiện trước mắt tôi như một ánh chớp và dừng lại mãi trong trí nhớ cho tới lúc này. Khi đọc những câu thơ đó, tôi chưa hề biết Giang Hữu Tuyên và cũng chưa kịp ghi rõ hình dung của anh.
Buổi chiều 19 tháng 9 năm 1999, tôi chỉ vừa có mặt trên đất Mỹ tròn 90 giờ đồng hồ và đang quay cuồng với đủ thứ thủ tục rắc rối. Nguyễn Thiên Ân ghé lại nhắc tôi thu xếp để buổi tối tới họp mặt cùng một số anh em. Thiên Ân không cho biết thêm chi tiết, ngoài một câu lửng lơ:
- Anh nên làm quen dần với sinh hoạt ở đây.
Buổi tối, Nguyễn Hữu Điển tới giục:
- Đi thôi, anh. Đi cho biết một vài điều.
Tôi theo Điển lên xe và được đưa tới một nhà hàng mà tới lúc này tôi vẫn không rõ là nhà hàng nào. Ký ức tôi chỉ còn giữ lại thấp thoáng hình ảnh một đám đông khi được Điển dẫn vào trong và được tặng một tập sách mỏng: tập thơ Trời Mưa Đi Phát Báo.
Đó là buổi tối tôi gặp lại lần đầu sau gần ba mươi năm xa cách một số bạn bè cũ như Phùng Thị Hạnh, Phạm Trần, Ngô Vương Toại Sự gặp gỡ này khiến tôi không thể theo dõi câu chuyện của các diễn giả trong buổi họp mặt và chỉ trở lại với tập thơ vào lúc đêm khuya sau khi trở về nhà. Cũng chỉ tới lúc đó, khi mở tập thơ, tôi mới biết tên tác giả là Giang Hữu Tuyên, một cái tên hoàn toàn xa lạ với tôi. Tập thơ mở đầu bằng một bài thơ ngắn chỉ gồm 4 câu:

Chinh chiến người đi như lá mục
Giòng sông kia nước đỏ thêm hoài
Máu ai chảy từ bao năm trước
Mà nối không liền được đất đai.
(Về giòng sông Trẹm)

Bốn câu thơ tả dòng sông Trẹm đã nhắc tôi nhớ về những năm đầu thập niên 1950 khi tôi thường cùng Văn Nhân, Tôn Ngô, Dương Hà, Thế Phong, Nguyễn Ngọc Mẫn dắt nhau đi trên hè phố Sài Gòn. Ngày ấy chúng tôi cũng nói về dòng sông Trẹm vì đó là tựa đề một tác phẩm của Dương Hà và tôi ngạc nhiên về sự trùng hợp giữa những cảm nghĩ chúng tôi đã có với tâm tư của một người viết sau chúng tôi cả nửa thế kỷ.

Rồi 4 câu thơ khác vụt hiện trước mắt tôi:

Mai này trong chuyến tàu thiên cổ
Nếu có người thương tiếc tiễn đưa
Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ
Chút tình hệ lụy núi sông xưa

Tôi không thể xua nổi ý nghĩ về tâm trạng u uất của người viết qua những câu thơ không khác những lời trăn trối đó. Và, bốn câu thơ không rời khỏi ký ức tôi cho tới lúc này.

Hơn 4 năm qua, khi đã trở thành thân thiết với Giang Hữu Tuyên, gần như chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện thơ văn, nói chuyện về những nỗi niềm mà mỗi người luôn ấp ủ, dù đã có lần Tuyên nói chuyện trước một đám đông cử tọa về những bài thơ viết trong tù của tôi. Giang Hữu Tuyên gần như không tách khỏi những câu chuyện bông lơn, những lời lẽ trêu chọc bạn bè. Nhưng ngay lúc nghe những câu chuyện đó của Tuyên và đối diện với nụ cười không ngừng nở trên môi Tuyên, cảm giác về một nỗi niềm u uất đang bao phủ Tuyên vẫn sống dậy với tôi. Vẻ ngoài ưa nô giỡn của Tuyên luôn hiện lên trước mắt tôi như một lớp sương mà Tuyên cố tạo để che phủ con người đằm thắm thiết tha với những nỗi đau khó nguôi do thời thế bão táp liên tiếp trút xuống những tâm hồn gắn kết với một cuộc sống giản dị hiền hòa lúc nào cũng chan chứa tình yêu thương với mọi người và với từng ngọn cỏ, từng gốc cây của quê hương.

Trưa 5 tháng 11 vừa qua, khi tôi cùng chị Khúc Minh Thơ vừa dừng xe trước cửa tiệm Phở Xe Lửa thì nghe một người gọi lớn: Giang Hữu Tuyên chết rồi! Chị Thơ sững sờ nhìn tôi hỏi lại: Cái gì"
Hai tiếng đó cũng quay cuồng trong đầu tôi và tôi chỉ có thể nhắc lại đúng như thế với người bạn vừa báo tin. Tôi không còn nhìn rõ người bạn ấy là ai nữa trong tâm trạng choáng váng như vừa nhận một ngọn đòn quái đản, một ngọn đòn không thể diễn tả như thế nào.

Rồi tôi bắt gặp nét ủ rũ khác thường của Nguyễn Thế Toàn khi Toàn ngồi lại bên tôi nhắc là mới mấy hôm trước còn ngồi chuyện trò vui vẻ với Tuyên. Mọi người dường như đều chưa qua nổi cơn choáng do ngọn đòn quái đản như tôi vừa lãnh.
Quả là những chuyện khó tin, khó ngờ vẫn luôn luôn có thể đến.
Tôi ngồi im trong khi những câu thơ đã bám riết ký ức tôi từ thuở nào bừng bừng sống dậy:

Mai này trong chuyến tàu thiên cổ
Nếu có người thương tiếc tiễn đưa
Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ
Chút tình hệ lụy núi sông xưa

Âm vang mấy tiếng hệ lụy núi sông cứ như những hồi chuông kéo dài mãi trong nỗi ngẩn ngơ của tôi. Giang Hữu Tuyên sẽ không thể tiếp tục có mặt bên cạnh người thân và bạn bè. Đó là một nỗi đau. Nhưng vượt trùm nỗi đau đó là nỗi đau chất ngất của kẻ đã lên chuyến tàu thiên cổ vẫn không cầu mong điều gì khác hơn nơi những người thương tiếc, ngoài sự nhắc nhở về những hệ lụy núi sông. Tôi nghĩ trong nhiều năm qua đã có không ít người mang cùng tâm cảnh này của Giang Hữu Tuyên và tới một ngày nào đó cũng sẽ là tâm cảnh của tôi.

Tôi nhớ tới bốn câu thơ khác của Giang Hữu Tuyên viết vào dịp Giỗ Ngọc Dũng ghi lại một lời nhắc của người bạn đã ra đi:

Nhì nhằng là bức ngước lên nhìn thẳng
Dáng đứng này kiêu bạt lắm, chú ơi
Và mai sau, dù núi dời biển cạn
Cũng đừng cong, đừng ngả, chú Tuyên ơi!

Những hệ lụy núi sông luôn khơi dậy tâm tư u uất, nhưng Tuyên đã có thề an lòng vì luôn sống đúng lời nhắc của Ngọc Dũng:

Và mai sau dù núi dời, biển cạn
Cũng đừng cong, đừng ngả, chú Tuyên ơi!
VA Nov. 10, 2004
UYÊN THAO

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.