Hôm nay,  

Anh Giang Hữu Tuyên Và Tôi

19/11/200400:00:00(Xem: 5134)
Đất gọi người đi buồn biết mấy
Sông dài chảy xiết một giòng thôi
Từ nay chín cửa mưa mù lối
Sóng nước bồng bềnh nhánh củi trôi

Thơ Giang Hữu Tuyên

Cuối tháng 8 năm 1980 tôi lái xe từ California lên Virginia ở nhờ nhà của ông chú. Vào đến xa lộ 395 thì lạc đường, người được nhờ chạy ra đón tôi về là Anh Giang Hữu Tuyên.

Đó là lần đầu tiên tôi và anh gặp nhau. Anh không biết tôi, nhưng khi còn ở miền Tây tôi đã nghe một số người nhắc đến tên anh và bài thơ lẫy lừng Màu Tím Mồng Tơi anh viết những ngày đầu khi mới đặt chân lên xứ lạ quê người. Bài thơ này tôi được đọc lần đầu tiên khi cùng với Anh Du Tử Lê mở quán cà phê ở thành phố Costa Mesa bên Cali. Đưa cho tôi xem bài thơ là Thục Ngạn và nếu tôi nhớ không lầm, người ngâm bài thơ này trong đêm thơ nhạc nhớ về quê cũ là Trần Diệu Hằng.

Những ngày đầu ở Virginia, tôi và anh chỉ giữ mức thân tình ở độ vừa phải cho dù hai đứa ở chung một nhà. Điều này cũng dễ hiểu vì lúc đó anh cùng với nhiều người khác đam mê làm chuyện đội đá vá trời, bao nhiêu tiền kiếm được bằng công việc tay chân dồn hết cho chuyện mà anh gọi là việc chung, còn tôi thì ban ngày cắp sách đi học, tối về chỉ lo không hiểu Pittsburgh Steelers có giữ được cúp Super Bowl không, hoặc John McEnroe và Ivan Lendl ai hơn ai ở U.S. Open. Với anh, rõ ràng tôi là một thằng thanh niên mất gốc quá sớm, và sự chê bai này lộ rõ hơn khi anh biết tôi đã nhập tịch Hoa Kỳ, trong khi gần 30 năm sau ngày đến Hoa Kỳ anh vẫn có mỗi cái thẻ xanh.

Thời gian ở chung khá ngắn ngủi nên không đủ để tạo được tình thân nhưng cũng giúp cho chúng tôi cơ hội đến gần với nhau hơn. Cơ duyên này phần lớn nhờ ông chú tôi, ông chủ nhà. Ông chú tôi và anh làm việc chung, ngày nào cũng có chuyện phải bàn với nhau nhưng lại không hạp tính nhau. Chú tôi cứ 5 giờ sáng dậy, tắm rửa xong giặt quần áo bằng tay, và thường bực mình mỗi khi về nhà ngửi thấy có mùi nấu nướng.

Anh Tuyên thì ngược lại, nghĩ rằng mùi mắm mùi tiêu giúp căn nhà ấm cúng hơn, Việt Nam hơn, và không đồng ý chuyện chú tôi giặt quần áo lúc sáng sớm gây ồn ào trong khi anh em khác đi làm khuya về cần sự yên tĩnh. Tôi đứng giữa, nghe ông chú than thở về anh và nghe anh thở than về ông chú. Điều cần phải nói rõ than thì quả có than, nhưng chú tôi và anh Tuyên rất quý trọng ý kiến của nhau, cho dù rất nhiều lần tôi thấy chú tôi buồn vì lối nói thẳng ruột ngựa của anh Tuyên, nhất là những nhận xét của anh về người mà chú tôi coi là thần tượng. Ngày chú tôi rời Hoa Kỳ để đi xa, anh Tuyên là người buồn nhất và cũng chính anh là người nửa đêm gọi điện thoại báo cho tôi hay anh nghe được tin chú tôi mất ở một nước thuộc vùng Đông Nam Á.

Ước mơ của anh là gì" Có lần tôi hỏi Tuyên như vậy. Anh cho biết anh thích làm thơ và mơ làm báo. Làm thơ là tài năng cá nhân nên tôi không dám bàn, nhưng làm báo đòi hỏi rất nhiều công sức và yếu tố phụ thuộc, nhất là thời gian đầu lúc cộng đồng Việt Nam ở Vùng Hoa Thịnh Đốn vẫn còn quá nhỏ, các cơ sở kinh doanh không đủ để nuôi nổi tờ báo mà anh ước mong sẽ thực hiện để góp phần phục vụ cho cộng đồng. Khi chia sẻ với anh cảm nghĩ của tôi, câu trả lời của anh rất giản dị: Nếu thấy cần, tôi sẽ đi làm thêm ban đêm để lấy tiền nuôi tờ báo.

Ước mơ làm báo của anh được thể hiện rất rõ. Những ai quen với anh đều có thể làm chứng cho chuyện này. Chảng hạn như anh Miễn kể lại cho tôi nghe có lần cùng anh Tuyên lên New York biểu tình, 5 tiếng đồng hồ đi và 5 tiếng đồng hồ trên đường về phát mệt chỉ vì nghe ông Tuyên ngâm thơ và nói chuyện cần phải ra một tờ báo. Anh còn nôn nóng hơn khi nghe tin ở California có báo, Houston có báo mà tại Washington D.C. chưa có một tờ báo nào viết bằng tiếng Việt cả. Anh cứ nhắc đi, nhắc lại điều đó với bạn bè, tới độ đã có lúc chúng tôi nghĩ thằng cha Tuyên này ghiền tiếng Việt, và đó chính là mục tiêu mà anh nghĩ phải ra báo. Ra báo bằng mọi giá.

Tờ báo đầu tiên anh cùng với Ngô Vương Toại và Nguyễn Đình Hùng dựng chung là tờ Việt Chiến, một tạp chí chuyên về văn học quy tụ được rất nhiều cây viết tên tuổi của thời đó. Trần Hoài Thư ở Philadelphia gửi bài về góp mặt, Hà Thúc Sinh từ miền Tây cũng đóng góp rất thường xuyên, có cả những bài thơ viết chui và gửi chui từ trong nước ra như bài Chăn Vịt Ở Phương Nam của Mường Mán. Sau này một đôi lần nhắc lại tờ Việt Chiến, anh cho tôi biết anh mừng vì tờ báo đã đóng góp đúng mức cho giai đoạn cần phải có một tờ như tờ Việt Chiến, tạo thành sân chơi cho những người cầm bút, nhưng anh cũng buồn vì không có đủ phương tiện tài chánh để nuôi tờ báo sống. Anh cũng kể cho tôi nghe nếu tờ Việt Chiến được đón nhận tốt hơn thì không đến nỗi phải chết yểu. Tôi không hỏi thêm, chỉ đoán chắc anh muốn nói tờ Việt Chiến dù được yêu mến nhưng không có đủ độc giả để có thể tự sống còn.

Bẵng đi một thời gian, đã có lúc tôi nghĩ anh không còn nuôi mộng báo bổ nữa thì tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo được trình làng dưới hình thức bán nguyệt san in khổ tabloid, bộ ba Hùng-Tuyên-Toại của Việt Chiến bây giờ chỉ còn 2 là Tuyên và Toại. Về hình thức, đóng vai chủ nhiệm là anh, giữ vị trí của người chủ bút là anh Toại, nhưng thực tế theo tôi biết thì cả hai anh chia sẻ trách nhiệm chung để làm sao tờ báo xuất hiện đều đặn, cứ mỗi 15 ngày đến tay độc giả một lần.

Ngay từ số đầu, Hoa Thịnh Đốn Việt Báo đã được mọi người đón nhận như một người thân trong gia đình và vô tình, anh Tuyên là người đầu tiên được cộng đồng gọi là ông nhà báo, vì anh chạy đôn, chạy đáo kiếm quảng cáo, trở thành một nhân vật quen thuộc và gần gũi với mọi người. Cũng chính vì cố gắng và công lao anh bỏ ra nên chẳng mấy chốc, tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo trở thành tờ báo của mọi gia đình. Cần tin tức Việt Nam, chúng tôi đọc trên báo, bàn chuyện Việt Nam và ngay cả tin tức Hoa Kỳ, nhiều người cũng dựa theo những bản tin được đăng tải trên mặt báo. Riêng tôi, tôi chợt khám phá ra một điều: không phải chỉ mình anh Tuyên ghiền tiếng Việt, số người ghiền đọc ngôn ngữ mẹ đẻ như anh rất đông.

Giữa lúc tờ báo đang trên đà tạo một chỗ đứng vững chắc thì anh Toại và anh Tuyên chia tay nhau sau một cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài cả giờ đồng hồ diễn ra ở nhà anh Đặng Đình Khiết (trong khi các anh em cùng anh Khiết chủ trương tờ Xác Định đang họp hàng tháng). Qua những lời trình bày giữa hai anh Tuyên-Toại, chúng tôi được biết chuyện bất bình xảy ra chỉ vì một bản tin anh Toại không muốn đăng nhưng anh Tuyên lại cho đi ngay trên trang nhất. Sau đó, tôi và mọi người nghe anh Tuyên nói lấy lại tờ báo sẵn sàng làm một mình, anh Toại sẽ ra tờ báo khác. Nói là làm một mình nhưng anh Tuyên nhờ anh Nguyễn Xuân Hoàng -mới sang Mỹ định cư- giúp trong một thời gian kéo dài không đầy 3 tháng, trước khi anh Hoàng đưa cả gia đình sang California để đầu quân với tờ Người Việt. Cuối tháng 7 năm 1985, anh Tuyên đến nhà tôi đề nghị tôi thay anh Hoàng để lo phần tin tức cho tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo. Tôi nhận lời đặt chân bước vào ngưỡng cửa làng báo Việt Nam hải ngoại.

Buổi làm việc đầu tiên với anh Tuyên bắt đầu bằng ly cà phê đá, kèm theo lời dặn dò tờ báo là đứa con anh sinh ra, tôi được nhờ đóng vai góp tay nuôi dưỡng nhưng nếu muốn thành công, tờ báo phải là đứa con ruột thịt của cộng đồng. Anh cũng đặt ra một số nguyên tắc để dễ làm việc, chẳng hạn như phần tin tức hoàn toàn dành cho tôi, anh chỉ đóng góp ý kiến khi thấy cần thiết. Kỹ thuật và đặt tựa anh sẽ lo. Trách nhiệm đi lấy quảng cáo là phần của anh, đi phát báo là chuyện chung của hai đứa. Trước khi bắt tay vào việc, anh nhắc đi nhắc lại câu nếu tờ báo chỉ nằm trong cái khung của ông với tôi thì tụi mình thất bại. Câu trả lời của tôi: phải chú trọng đến tin liên quan tới thuyền nhân và Việt Nam. Anh gật đầu và chúng tôi bắt tay vào việc.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn coi thời gian làm việc chung với anh là thời kỳ vàng son của Hoa Thịnh Đốn Việt Báo. Một phần vì lúc đó ở thủ đô và các tiểu bang phụ cận chỉ có tờ báo của anh, phần khác nữa là khi thấy tin tức mỗi ngày một dồn dập, anh đồng ý với đề nghị tôi đưa ra để biến tờ bán nguyệt san thành tờ tuần báo. Quyết định táo bạo này khiến anh mất ăn mất ngủ nhiều ngày trời, và táo bạo hơn nữa khi chính tôi thấy anh gọi điện thoại vay tiền của người thân và chơi hụi để phát triển tờ báo. Vay tiền người thân chắc không phải trả tiền lời, nhưng chơi hụi hốt đầu để lấy tiền trả nhà in thì hàng tháng anh phải đóng một số tiền không nhỏ. Để bù lại, niềm hạnh phúc của anh thật nhỏ nhoi khi nhìn thấy tờ báo hoàn tất đưa đến nhà in, và khi cầm tờ báo còn thơm mùi mực vào mỗi chiều thứ Sáu.

Cũng chính tờ báo đã giúp đưa chúng tôi đến gần với nhau hơn, chia sẻ với nhau mọi chuyện, kể cả chuyện gia đình. Tôi còn nhớ lúc nhà tôi sanh cháu đầu lòng, tôi cho anh biết vợ chồng tôi đặt tên cháu là Tuấn Anh. Anh lặng người đi không nói gì cả. Tôi cứ nghĩ chắc anh thắc mắc tại sao lại đặt tên con là Tuấn Anh, trùng tên với một ca sĩ nổi tiếng về giọng hát và về lối trang điểm, y phục chẳng khác gì bà bóng. Vài ngày sau đó, anh mới kể cho tôi nghe là anh cũng có một cháu trai tên Tuấn Anh còn kẹt lại bên nhà. Sau này khi chị Tuyên sinh cháu gái, anh bảo với tôi con trai ông ở nhà gọi là thằng Bô, con gái tôi ở nhà gọi là con Bư.

Nhưng cũng chính tờ báo khiến hai anh em tôi xa nhau mất một thời gian khá dài. Lý do thì có nhiều lý do, nhưng bất đồng đầu tiên xảy ra vào đúng thời điểm Mặt Trận của Tướng Hoàng Cơ Minh tan rã. Tôi quyết định phỏng vấn cả hai phía -câu hỏi giống y như nhau- để tìm hiểu vấn đề. Phía Tướng Minh đồng ý và giao cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa làm đại diện. Phía ông Liễu từ chối không nhận lời, cho biết không có gì cần phải trình bầy.

Sau khi hoàn tất cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tôi muốn trang nhất của tờ báo chia ra thành hai cột, một bên chạy hình ông Nghĩa với các câu trả lời, một bên chạy hình ông Liễu và để trắng. Lý do khiến tôi muốn làm điều này vì sợ độc giả hiểu lầm là tờ báo bênh bên này hoặc bên kia, nhất là ở vùng thủ đô ai cũng biết anh Tuyên từng làm việc chung với Tướng Hoàng Cơ Minh và chú tôi là cánh tay mặt của ông Tướng. Anh Tuyên nhất định không chịu, chỉ đăng phần trả lời của phía ông Minh và cũng không giải thích cho độc giả biết. Quyết định được anh đưa ra với lý do rất đơn giản: Đã cho phía ông Liễu cơ hội để trình bầy, họ không nhận lời thì mình cũng chẳng cần phải dành chỗ trên mặt báo cho họ làm gì nữa. Chuyện không chia trang nhất tờ báo ra làm 2 cột thỉnh thoảng vẫn được anh em chúng tôi nhắc lại với nhau, tôi vẫn giữ thái độ ban đầu, anh vẫn nhất định bênh vực quyết định của anh, không ai chịu nhường ai.

Nếu bất đồng đầu tiên giữa tôi với anh xảy ra có liên hệ đến ông Phạm Văn Liễu thì lần cuối cùng tôi và anh nói chuyện với nhau cũng là chuyện ông Liễu, với quyển sách ông Liễu mới xuất bản mang nhan đề Trả Ta Sông Núi, tập III. Anh không vui vì trong quyển sách, ông Liễu dành quá nhiều trang để chỉ trích ông Thày (chữ anh dùng gọi Tướng Minh) là người dù có thể bất đồng chính kiến, nhưng anh lúc nào cũng quý trọng. Anh cũng không vui vì ông Liễu viết hồ đồ, quơ phần phải về mình, kể lại cả những chuyện không đáng kể trong khi ông Liễu đâu phải là người đi với anh em từ những ngày đầu tiên.

Tôi ngồi ở phòng đợi của nhà thương, giở từng trang báo đọc tin viết về anh, kèm theo bản thông báo cho biết tờ Hoa Thịnh Đốn tạm nghỉ một tuần. Ngồi một mình nhớ về người bạn sắp phải chia tay, nhớ tới những bữa cơm chung, nhớ những nồi cá kho lõng bõng toàn là nước anh nấu vội ở dưới nhà bếp, bao giờ cũng đi kèm với món rau cải luộc và câu thơ ăn đi con để kịp lên đường anh đọc cho chị Tuyên và tôi nghe để báo hiệu giờ ăn đã tới; nhớ lại những buổi họp bỏ túi bàn chuyện tuần này nên đưa tin gì ra trang nhất, nên chạy tít như thế nào cho nổi bật, nhớ đến những bài thơ anh đọc cho tôi nghe, trong đó có cả những bài thơ anh viết vội trên tờ giấy báo lúc ngồi đợi ở nhà in.

Với Tuyên, chỉ có thơ và thơ. Cách đây chừng 2 năm, một buổi tối anh đến nhà tôi chơi và dành cả giờ đồng hồ say sưa nói về thơ với chị Ỷ Lan ở bên Pháp sang, say sưa đến độ những anh em có mặt nghĩ rằng anh đang ở một thế giới khác. Ngay cả lúc anh và tôi phải chia tay với nhau, chấm dứt một thời gian ngắn ngủi làm việc chung, anh cũng đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Bùi Giáng. Hai câu thơ mà sau này hầu như bất cứ lúc nào có dịp ngồi nói chuyện với nhau, anh cũng đọc lại trước khi đứng dậy đi về.

Những tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau.

Phải chi tôi biết làm thơ, viết được ít câu chia tay với người bạn cũ. Tiếc là tôi không có khả năng trời cho đó. Ở đây, tôi xin ghi lại bài thơ Nguyễn Minh Nữu mới viết xong. Với Nữu, đó là những lời Gửi Một Giòng Sông; với tôi, đó là lời tạ từ được vay mượn để chia tay với người bạn mà tôi biết sẽ không bao giờ gặp lại.

Sẽ không còn những buổi trưa đứng bên bờ
thả vào giòng sông một chiếc lá khô
Sẽ không còn nghe tiếng vọng từ xa
tiếng sóng vỗ vào bờ rêu ẩm
Sẽ không còn thấy một cơn mưa nào nữa
dù vẫn thấm ướt trong lòng muộn phiền

Đã đến lúc xó chợ Nguyễn Văn Khanh xin chia tay với ông bạn đầu đường Giang Hữu Tuyên. Xin chia tay và nếu là mãi mãi, thêm một lần xin mãi mãi chia tay. Tôi biết tôi thương ông. Tôi cũng biết ông thương tôi, dù tôi và ông chưa hề nói với nhau như thế bao giờ cả.

Stafford, tháng 11 năm 2004

Nguyễn Văn Khanh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.