Hôm nay,  

Ngày Buồn Nhất Đời Tôi

04/04/201500:01:00(Xem: 7250)
Ngày Buồn Nhất Đời Tôi

Huy Vũ
           
Trong đời sống của mỗi người, thường có nhiều ngày buồn, song trong những ngày buồn ấy, tất phải có một ngày buồn nhiều hơn những ngày buồn khác, và ta có thể gọi ngày ấy là ngày buồn nhất đời. Vâng, tôi cũng có một ngày buồn như thế, và tôi gọi ngày đó là “Ngày Buồn Nhất Đời Tôi.” Và nếu có một bạn trẻ, kính lão đắc thọ nào đó, thấy tôi già quá cỡ thợ mộc, nên cắc cớ hỏi: “Cụ ơi, ngày buồn nhất trong đời cụ là ngày nào?” Tôi sẽ không do dự một ly ông cụ nào hết để trả lời ngay rằng: “Ngày 30-04-1975.”
 
Tính từ ngày ấy đến nay, đã bốn mươi năm vật đổi sao dời, song nó dường như vẫn còn mới nguyên trong lòng tôi. Lúc ấy tôi là một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đơn vị tôi phục vụ là Tiểu Khu Châu Đốc.
 
Khoảng 9 giờ sáng ngày hôm ấy, từ nhiệm sở, tôi trở về nhà riêng trong khu cư xá sĩ quan, nằm sau Tòa Án. Hôm ấy là một ngày đẹp trời ở Thị Xã Châu Đốc.  Ánh nắng chan hòa trải dài trên dòng sông Hậu. Chim tung tăng nhẩy nhót trong những chòm cây. Bướm lòng vòng lượn trên những đám cỏ. Xe cộ tấp nập ngược xuôi trên đường Gia Long song song với dòng sông Hậu.
 
Bước vào nhà, là tôi mở ngay radio để nghe tin chiến sự. Ít phút sau, đài Phát Thanh Sàigòn thông báo:
 
Xin chú ý ! Xin chú ý ! Xin đồng bào chú ý ! Tổng Thống Dương Văn Minh sẽ ngỏ lời cùng đồng bào. Xin theo dõi.” 
 
Dựa vào tình hình chiến sự lúc ấy, tôi tiên đoán vị Tân Tổng Thống, kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi, sẽ tuyên bố TỔ QUỐC LÂM NGUY, rồi kêu gọi toàn dân và toàn quân đoàn kết CHIẾN ĐẤU ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG. Ngồi vào bàn ăn, vừa ăn vừa chờ đón nhận những lời “gang thép” của vị Tân Tổng Thống. Chẳng bao lâu sau từ chiếc radio phát ra:
 
Tổng Thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố, chính quyền Saigòn từ trung ương đến điạ phương, trao lại cho chính quyền Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam.” 
 
Vì không ngờ lại là lệnh buông súng đầu hàng, khiến tôi ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, hụt hẫng, chới với. Miếng bánh mì đang nhai trong miệng, bỗng tắc ngẽn nơi cuống họng. Đứng bật dậy, tôi lảo đảo bước tới chiếc giường, rồi thẩy mình lên đó, đau đớn, buồn bã, vật vã, rã rời. 
 
Khi bố tôi mất vào năm 1957, và mẹ tôi qua đời vào năm 1962, tôi buồn đến nỗi, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nhưng chưa đến nỗi quyên sinh.
 
Khi người tôi yêu lên xe hoa về nhà chồng, tôi cũng buồn man mác, đi đi, lại lại lòng vòng trong phòng như một cái xác không hồn, song chưa hề nghĩ tới việc “mua ngay thuốc chuột uống cho rồi đời.”
 
Khi thi tú tài và cử nhân tôi cũng rớt lên rớt xuống, và sau mỗi lần hỏng thi tôi cũng buồn đến thúi ruột, song tôi thường lấy câu “học tài thi phận” để khuây dần buồn đau. Chưa một lần “hỏng thi” nào, tôi buồn đến nỗi phải than thân trách phận như cụ Tú Xương:
 
“Bụng buồn còn muốn nói năng chi
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì”
 
Song ngày 30.04.75, sau khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh hạ lệnh buông súng đầu hàng, tôi buồn ghê gớm, buồn man mác, buồn tan tác cả cõi lòng. Nỗi buồn của tôi hôm ấy, không phải là nỗi buồn tầm thương như “chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu” mà buồn khủng khiếp, và buồn hơn cả tổng số những ngày buồn đã xẩy ra trong đời tôi trước đó cộng lại, buồn đến nỗi tôi muốn quyên sinh.
 
Giá hôm ấy tôi ở nhà một mình, chắc tôi đã kết thúc đời tôi bằng một viên đạn súng colt mà Tiểu Khu Châu Đốc đã cấp phát cho tôi theo cấp số, treo ngay ở đầu giường. Tôi có thừa can đảm cầm khẩu colt bắn một viên đạn vào đầu tự sát, song tôi lại thiếu can đảm thực hiện điều ấy trước mặt nhà tôi và ba đứa con thơ của tôi. 
 
Không buồn làm sao được, khi thấy hàng trăm ngàn người sống ở miền Nam như tôi đã không tiếc xương máu, chiến đấu chống lại  Cộng Sản Bắc Việt do ông Hồ và các đồng chí của ông lãnh đạo, để bảo vệ nhân dân miền Nam tiếp tục được sống trong tự do, dân chủ, hòa bình và no ấm. Cuộc chiến cao cả ấy đã thất bại trong đắng cay, nhục nhã, tức tưởi, ngậm ngùi. Tất cả những công lao và sự hy sinh to lớn đó, bỗng tan biến vào khoảng không, như “dã tràng xe cát biển Đông.”
 
Không buồn sao được, khi nhận ra rằng, cuộc sống của tôi, của vợ con tôi, của bạn bè tôi, của đồng đội tôi, của đồng bào miền Nam tôi sắp sửa bước vào một giai đoạn cực kỳ bi thảm và đen tối. Sở dĩ tôi nhận ra được điều này, không phải vì tôi quá bi quan hay hoang tưởng với hiện tình đất nước, mà vì những gì chính tai tôi đã nghe, chính mắt tôi đã thấy, và chính gia đình tôi và thân nhân của tôi đã phải gánh chịu, trong suốt thời gian mười năm sống trong vùng, được gọi là vùng “kháng chiến” với ông Hồ và các đồng chí của ông ở miền Bắc trước năm 1954.
 
Vâng, tôi đã thấy, ngay sau khi cướp được chính quyền từ tay người Nhật, ông Hồ và các đồng chí của ông đã giết một cách không thương tiếc hàng ngàn người mà họ cho là chó săn của Nhật, tay sai của Pháp, tay chân của triều đình phong kiến.  Trong số này, có những nhà văn, nhà báo, nhà giáo nổi tiếng như Phạm Quỳnh (1892-1945), Tạ Thu Thâu (1906-1945), Dương Quảng Hàm (1898-1946),  Khái Hưng (1896-1947)  v..v..
 
Vâng, tôi đã thấy ông Hồ và các đồng chí của ông bắt cóc và thủ tiêu hàng nghìn người mà họ coi là thành phần phản động, bằng nhiều hình thức vô cùng dã man tàn ác, như trói chân tay bỏ vào bao bố, hay cột vào một thanh tà-vẹt rồi thả xuống dòng sông hay ao hồ.
 
Vâng, tôi đã thấy, ông Hồ và tay chân của ông bắt bớ, giam cầm và giết hại hàng trăm ngàn người được cho là đảng viên của các đảng phái quốc gia, là một lực lượng cản đường ngăn lối họ tiến nhanh tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa, nên phải giết để trừ hậu họa.
 
Vâng, tôi đã thấy, sau khi giành được nhng thắng lợi to lớn về quân sự trên đất Bắc, ông Hồ và các đồng chí của ông tin rằng ngày chiến thắng cuối cùng đã gần kề, nên đã cho thực thi ngay cuộc Cách Mạng Ruộng Đất, ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN RỄ thành phần TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO. Đau buồn thay, những người mà ông Hồ và tay chân của ông giết hại, lại là những người đã đóng góp công sức nhiều nhất cho sự thành công của ông Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.  Trong cuộc cách mạng “Trời Long Đất Lở” này, ông Hồ và đồng bọn đã giết khoảng hai trăm ngàn Trí, Phú, Địa, Hào và tịch thu hàng triệu mẫu ruộng của họ để chia cho nông dân nghèo. Song khốn nạn thay, chính những người dân nghèo được chia ruộng này, cũng bị ông Hồ và các đồng chí của ông lường gạt một cách cay đắng, vì số ruộng đất mà họ được chia và số ruộng ít ỏi mà họ có thể có trước đó, chỉ một vài năm sau đều phải cống nạp vào hợp tác xã. Người nông dân nghèo tay trắng lại trở về với trắng tay, và phải đi làm thuê cho hợp tác xã, tính giờ trả công rẻ mạt, nên phải sống trong cảnh bần hàn đói rách hơn cả những ngày bị “địa chủ bóc lột” trước đây. Họ đã mô tả việc đi làm thuê của họ cho hợp tác xã bằng những lời lẽ vô cùng chua chát:
 
Đi làm hợp tác hợp te
 Không đủ miếng giẻ mà che cái lờ
 
Vâng, qua những tên bộ đội cộng sản Bắc Việt bị bắt làm tù binh ở Tiểu Khu hay ra hồi chánh tại Ty Chiêu Hồi Châu Đốc vào những năm đầu thập niên 1970, tôi được biết thêm rằng, ông Hồ và các đồng chí của ông đã áp dụng chế độ hộ khẩu khắc nghiệt trên toàn lãnh thổ miền Bắc để quản lý và kiểm soát khâu sản xuất và phân phối thực phẩm. Từ củ khoai lang đến củ khoai mì, từ hạt bắp đến hạt gạo, từ lạng muối tới cân đường, từ mớ rau đến ký thịt vân vân… đều do đảng và nhà nước phân phối và cung cấp cho từng đầu người trong mỗi gia đinh. Số lượng thực phẩm được cung cấp, hay phân phối, hoặc bán cho mỗi miệng ăn tùy thuộc vào số lượng mà họ có trong kho, chứ không tùy thuộc vào nhu cầu của của người tiêu thụ. Người nào, nhà nào không được đảng và nhà nước phân phối và cung cấp thực phẩm là chắc chắn sẽ chết đói, vì không thể xin hay mua thực phẩm từ bất kỳ nguồn cung cấp nào khác.
 
Chế độ hộ khẩu đã trở thành một lợi khí vô cùng hữu hiệu trong việc ép buộc dân chúng miền Bắc phải triệt để tuân hành tất cả những gì mà đảng cộng sản muốn người dân phải làm. Đảng gọi phải dạ, đảng bảo phải vâng. Một nhà văn miền Bắc đã ví von (có lẽ hơi quá đáng) rằng, người miền Bắc vào những năm tháng ấy tương tự như những con chó ngoan ngoãn một mực tuân theo lời chủ: “Bảo vẫy đuôi, vẫy. Bảo sủa, sủa. Bảo cắn, cắn. Bảo ăn cứt, ăn.”
 
Con cái đến tuổi nhập ngũ hay đến lượt đi dân công, chính quyền địa phương không cần nhắc nhở, bố mẹ của chúng tự động ép buộc chúng phải “hăng hái” lên đường đi làm nhiệm vụ, dù họ biết rõ rằng, con cái họ ra đi “đã mấy người trở lại,”  song đó là chuyện “hạ hồi phân giải.”  Còn chuyện trước mắt là, cả gia đình già, trẻ, lớn bé sẽ chết đói, vì “sổ mua gạo” cho toàn gia đình bị cúp, nếu con em họ trốn tránh nghĩa vụ mà đảng và nhà nước đã “ưu ái” dành cho.
 
Vào ngày 30-04-1975, hầu hết những điều mà tôi đã nghe và đã thấy ông Hồ và các đồng chí cộng sản của ông thực thi ở miền Bắc sau năm 1945 cũng như sau năm năm 1954, lại một lần nữa lướt qua đầu tôi như một cuốn phim chiếu chậm. Hình ảnh, của cuốn phim chiếu chậm này đã thầm bảo tôi rằng, ông Lê Duẩn và đồng bọn sẽ áp dụng đường lối và chính sách mày cho miền Nam là điều chắc như đinh đóng cột vào những ngày sắp tới. Do đó tôi tin rắng, vào những ngày tới những người có dính líu hay liên hệ với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như tôi và các bạn đồng ngũ của tôi sẽ bị thủ tiêu, giết hại hay bị tống vào những trại tù cải tạo cho chết dần chết mòn. Vợ con tôi và đồng bào miền Nam tôi sẽ khốn đốn ê chề và sẽ trở thành những con chó mới của cái đảng cộng sản chó đẻ. Nói một cách khác là, gia đình tôi và miền Nam của tôi sẽ bắt đầu bước vào một giai đoạn khốn nạn nhất và đen tối nhất chưa từng có trong lịch sử trường tồn của dân tộc.
 
Nỗi buồn của tôi vào ngày 30-04-1975, cao như núi, dài như sông, mênh mông như biển cả, nên tôi mạo muội đặt cho nó cái tên: “Ngày Buồn Nhất của Đời Tôi.
 
Huy Vũ

.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.