Hôm nay,  

TQ Sẽ Hút 9 Lô Dầu Biển Đông, Sát VN; Tàu Cá VN Bị Tàu TQ Tấn Công, Đập Phá Liên Tục

29/11/201400:00:00(Xem: 2398)
BIỂN ĐÔNG -- Hai tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công... Trong khi đó, nhà nước TQ chính thức loan báo kế hoạch khai thác ào ạt dầu khí Biển Đông: 9 lô dầu nằm sát bờ miền Trung Việt Nam.

Bản tin báo Dân Trí kể rằng 2 tàu cá Quảng Ngãi đã bị tấn công ở ngư trường Hoàng Sa.

Bản tin kể, khi trở về từ ngư trường Hoàng Sa, 2 tàu cá của ngư dân huyện Bình Sơn mang về nhiều thương tích sau khi bị tàu Trung Quốc tông mạnh, xịt vòi rồng,… Tổng thiệt hại của 2 tàu cá ước hơn 200 triệu đồng.

Hai tàu cá bị tấn công gồm tàu cá QNg 90226-TS do ngư dân Đỗ Văn Nam (ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu) làm Thuyền trưởng và tàu cá QNg 95159-TS do ngư dân Lê Đê (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm Thuyền trưởng.

Xuất bến từ ngày 8/11, tàu cá QNg 90226-TS cùng 7 lao động vươn ra vùng biển Hoàng Sa. Đến trưa ngày 26/11, khi đang thả lưới đánh cá chuồn gần đảo Đá Lồi (thuộc vùng biển Hoàng Sa), bất ngờ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và tấn công.

Báo Dân Trí ghi lời thuyền trưởng Đỗ Văn Nam kể:

“Khi đang loay hoay kéo lưới lên, bỗng xuất hiện tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46102 áp sát, họ nhảy lên tàu, dùng dùi cui đập phá cabin, máy móc rồi cắt hư hỏng hết ngư lưới cụ. Chúng tôi chưa kịp hoàng hồn thì khoảng 1 giờ sau đó, lại xuất hiện 2 tàu Trung Quốc sơn màu trắng (trong đó có 1 tàu số hiệu 2) lao về phía tàu cá. Bọn chúng vừa dùng vòi rồng xịt mạnh vào cabin, vừa tông mạnh vào mạng trái làm tàu hư hỏng nặng”.

Bị tấn công liên tục 2 lần, tàu cá QNg 90226-TS có nguy cơ bị phá nước và chìm. Trước tình hình nguy cấp, Thuyền trưởng Nam thông báo các tàu cá trong tổ đội đánh bắt xa bờ đến ứng cứu và lai dắt vào đất liền.

Qua thống kê ban đầu, tàu cá QNg 90226-TS bị cắt đứt 80 tấm lưới, vỡ bô tàu và bô máy, gãy cần dò cá, hư hỏng thiết bị dò cá và cabin cùng 2 tấn cá chuồn. Tổng thiệt hại ước khoảng 200 triệu đồng.

Số tiền này là tương đương 9400 đôla Mỹ.

Tương tự, cùng thời điểm và vùng biển trên, tàu cá QNg 95159-TS cũng bị tàu Trung Quốc sơn màu trắng (số hiệu 2) tấn công bằng vòi rồng. Mức độ phun vòi rồng 3 lần (4 phút/lần).

Thực tế, chuyện bị tàu TQ tấn công là thường xuyên.

Bản tin VnExpress hôm 27-11-2014 đã cho biết rằng Quảng Ngãi thống kê có ít nhất 34 tàu cá của tỉnh này bị nước ngoài ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản trong lúc đánh bắt thủy sản trên biển.


Bản tin nói, tại Hội nghị tỉnh ủy sáng 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết, từ đầu năm đến nay có 7 tàu cá với 72 ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ. Ít nhất 34 tàu và 422 ngư dân bị nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc) ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản trong lúc hành nghề trên biển.

Trong khi đó, bản tin RFI cho biết rằng TQ đã chính thức công bố kế hoạch khai thác dầu tại Biển Đông.

Theo nhật báo mạng Đài Loan Want China Times, hôm nay, 28/11/2014, Văn phòng Chính phủ Trung Quốc thông báo chương trình khai thác 9 mỏ dầu tại Biển Đông và biển Bột Hải nhằm bảo đảm nguồn năng lượng trong nước. Báo Đài Loan dự đoán, kế hoạch này «chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc xung đột với các nước láng giềng».

Dẫn lại tin thông tin từ tờ nhật báo thương mại Hồng Kông, Want China Times nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Văn phòng Quốc vụ viện Hoa lục - tức Chính phủ Trung Quốc – công bố một kế hoạch khai thác dầu lớn tại Biển Đông, với dự kiến 10.000 tấn dầu/năm trong vòng 6 năm (2014-2020).

Đặc biệt, RFI nhắc rằng cách nay hơn hai năm, ngày 23/06/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã loan báo mời nước ngoài đầu thầu thăm dò 9 lô dầu khí ở khu vực mà họ xác định là «vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc» ở Biển Đông. Các lô dầu này nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam.

Xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam lên đến đỉnh điểm với sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu HD-981 vào vùng biển nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, lên án. Giàn khoan nói trên đã rút ra khỏi vùng biển này vào giữa tháng 7/2014.

RFI cũng ghi nhận:

“Theo Reuters cũng hồi tháng 07/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc tuyên bố đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ đô la để khai thác khí đốt ở vùng nước sâu của Biển Đông.”

Trong khi đó, BBC cho biết rằng Thông tấn xã Nga đã đưa tin Việt Nam và Nga vừa ký thỏa thuận liên chính phủ giản lược thủ tục cho tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh.

Nghĩa là, theo thỏa thuận ký hôm 25/11, các tàu Nga khi vào cảng Cam Ranh chỉ cần thông báo trước cho ban quản lý cảng mà không cần thêm thủ tục gì khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.