Hôm nay,  

Nhớ thời Du Học ở Đức: Thiện Nguyện Hướng Về VN

30/08/201400:00:00(Xem: 3518)
Terre des Hommes là tên một tác phẩm của Saint-Exupéry viết năm 1939, ông là một phi công, nhà văn, triết gia có nhiều tác phẩm văn chương có nội dung rất nhân bản (Pháp Ngữ). Chuyển ngữ thì có thể gọi là "đất đai của nhân loại, đất của người", nếu theo bản Anh Ngữ thì là "Gió, Cát dưới Đất và Sao trên Trời" (Wind, Sand, and Stars).

Vào năm 1960, ông Edmund Kaiser lập ra tổ chức có tên này với trụ sở tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, hiến chương quy định: giúp các quốc gia đang phát triển, qua các giúp đỡ nhân đạo, không phân biệt chủng tộc, đức tin, tôn giáo.

Chi Nhánh Đức Quốc được ông Lutz Beisel thành lập tại thành phố Stuttgart vào năm 1967, khởi đầu là để giúp đỡ các trẻ em Việt Nam bị thương tật, qua dược phẩm và dụng cụ y khoa cấp phát cho bệnh viện và tản thương qua Đức Quốc các trường hợp trọng thương không chữa trị trong nước được. Hiện nầy tổ chức này cứu trợ nhiều quốc gia khác tại Á Châu và Nam Mỹ.

Sau khi thi xong Hóa Học, kỳ thi cuối của 5 kỳ thi với 5 môn bắt buộc, bước đầu của học trình kỹ sư: Điện Học, Toán Học, Vật Lý, Hóa Học, Vật Liệu Hoc (Theory of Electrical Engineering, Advanced Algebra, Modern Physics, Basic Chemistry, Introduction to Material Science) trên đường từ phòng thi về cư xá, tôi ghé qua phố chính tạt vào trụ sở Terre des Hommes định xin làm thiện nguyện một tuần trước khi vào khóa mùa Thu (Fall Semester 1967) thì thấy có một thông cáo nói về Làng Hòa Bình (Friedensdorf: Peace Village) đã khởi công tại thành phố Oberhausen ở Bắc Đức Quốc, cách Stuttgart khoảng 430 km (270 miles); hiến chương thu gọn:

- chúng tôi trợ giúp các thành phần bé nhỏ nhất, yếu đuối nhất và ngây thơ nhất trong xã hội, đó là các trẻ em; trong mọi xã hội trên toàn cầu nhất là từ các nước đang bị chiến tranh, chúng tôi sẽ tản thương các em không thể chữa trị tại quê hương của họ đến Đức Quốc để chữa trị, đồng thời lập các cơ quan y tế và huấn nghệ để chữa trị cho các em có thể được cứu chữa tại chỗ, sau đó sẽ huấn nghệ cho các em vào lớp tuổi thanh niên để có thể tự lập, đặc biệt cơ sở đầu tiên được khởi công vào tháng 10 năm 1967 tại Oberhausen ưu tiên cho trẻ em Việt Nam (cao độ của cuộc chiến với lực lượng Mỹ có trên 500 ngàn hiện diện trong một quốc gia (VNCH) mà dân số chưa tới 17 triệu, tức là trên 3% dân số; cử tri đi bầu vào năm 1967 là 4,868,266 (34.8% bầu ông Nguyễn Văn Thiệu là tổng thống (liên danh Thiệu-Kỳ) nhiệm kỳ đầu 1967-1971 của Đệ Nhị Cộng Hòa 1967-1975), rồi đến Trung Đông (có chiến tranh 6 ngày "six-day war" giữa Do Thái và khối Ả Rập (June 1967) làm thay đổi cân bằng lực lượng, và sự di chuyển dời đổi bắt buộc của cả triệu dân cư tại Trung Đông).

Vừa trải qua cảnh hoang tàn của Thế Chiến Thứ Hai (1945) và nhờ "phép lạ kinh tế" (economic miracle) dựa trên một chính sách kinh tế hợp lý, chương trình trợ giúp của Hoa Kỳ (Marshall Plan), sự cần cù của người dân, kiến thức sâu đậm của giới trí thức, và có một thể chế dân chủ tự do nhân bản; qua kinh nghiệm đắng cay trong thời chiến và hậu chiến, người dân Đức Quốc thông hiểu sự đau khổ, tan tác, thương đau của chiến tranh và muốn đóng góp lại cho thế giới, nhất là những quốc gia đang có chiến tranh hay là các cuộc tranh dành bằng võ lực. Riêng cho Việt Nam thì sau khi hoàn thành cơ sở tại Oberhausen và bắt đầu đón tiếp các trẻ em bị thương nặng, một cơ sở địa phương tại chỗ được thiết lập tại thành phố Đà Lạt.

Tình hình rất khó khăn cho các trẻ em bệnh nhân đang chữa trị tại Đức Quốc sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, theo thể lệ quy định sau khi lành bệnh hay qua khỏi tình trạng nguy kịch, có thể được điều trị hay dưỡng thương tại Đà Lạt, thì các em được chuyển về nước, nhường chỗ cho các em khác đang cần sự chữa trị của nền y khoa tân tiến của Đức Quốc.

Vì không hồi hương được nên cơ quan này phải tổ chức hướng dẫn để các em hội nhập vào môi trường mới tại Đức Quốc như các khóa học ngôn ngữ, văn hóa, huấn nghệ. May mắn là các em đã vào được xã hội mới và đều liên lạc, trở về thăm viếng, trợ giúp cho Làng Hòa Bình (Friedensdorf, Peace Village) tại Oberhausen.

Vì chỉ còn một tuần nữa là đại học sẽ khai giảng, đa số các anh chị em sinh viên hoặc đang đi nghỉ hè, hay đi làm ở các hãng xưởng để kiếm thêm tiền, nên sau khi liên lạc tôi tìm được 3 người sẵn sàng lên Oberhausen để tham gia. Thành phố này gần Bỉ Quốc, và gần các thành phố có đại học như Hannover, Hamburg, Bremen, Aachen, Dueselldorf, Koeln, nơi có sinh viên Việt Nam nên sau khi điện thoại cho bạn, tôi biết là có 6 sinh viên quanh vùng cũng sẽ đến trong cuối tuần. Không có tiền đi xe lửa, nên chúng tôi ngồi trong một chiếc xe VW cũ kỹ và khởi hành vào sáng sớm hôm sau. Trời u ám và mưa nhẹ, mặc dù xa lộ của Đức Quốc (Autobahn) không có giới hạn về tốc độ là 55 hay 65 miles song chúng tôi chỉ dám chạy với tốc độ trung bình là 50 miles, sau 6 tiếng rong ruổi đường thiên lý, khởi hành (Stuttgart) vào lúc tờ mờ sáng và đến nơi (Oberhausen) vào buổi xế trưa.

Thời tiết cuối Thu tại miền này (Bắc Đức Quốc) ảm đạm, trời u ám suốt ngày, khí hậu lạnh, không khí ẩm, nhiệt độ thấp, khi ra ngoài phải mặc ấm, vì thế mọi người thích ở trong nhà và rất ít khi ra ngoài nhất là vào cuối tuần hay lúc tối. Hệ thống những Lữ Quán Thanh Niên (auberge de la jeunesse: Jugendherberge) của Đức rất tốt, từ cuối Xuân cho đến cuối Thu các nơi này mở cửa, đa số ở bên ngoài thành phố trong các công viên thuộc quyền quản trị của địa phương hay quốc gia, ban ngày các thanh niên có thể đi dạo chơi quanh rừng, vào thành phố, tối đến tất cả tề tựu họp lại, đốt lửa trại, ca hát văn nghệ rồi đi ngủ. Phòng ngủ rộng lớn, ngăn nắp, mọi người phải có "túi ngủ" (sleeping bag) cá nhân. Phương tiện vệ sinh sạch sẽ, tất cả đơn giản và chi phí rất nhẹ, chỉ phải xuất trình thẻ căn cước và tuân theo các quy định: không rượu chè, tôn trọng trật tự, nhất là thời gian ăn ngủ. Không có bán thức ăn chỉ có chỗ ngủ tại đây.

Sức chứa của Lữ Quán Thanh Niên này là khoảng 40 chỗ cho 25 nam và 15 nữ. Bất ngờ hôm đó có gặp thêm các sinh viên Việt Nam từ Bỉ Quốc (Belgium), thuộc các đại học tại Bruxelles, Liege và từ Thụy Sĩ (Suisse), thuộc các đại học tại Lausanne, Genève. Thành ra có tất cả 15 anh chị em gồm 10 nam và 5 nữ. Có một đoàn sinh viên quốc tế (Pháp, Tây Ban Nha, Bắc Âu) khác cũng tình cờ đến, thành ra rất nhộn nhịp. Vì thể diện quốc gia nên chúng tôi lập ra một ban văn nghệ để trình diễn vào buổi tối lửa trại và bầu ra một người thay mặt cả nhóm để nói chuyện với nhân viên phụ trách (Herbergsvater), đồng thời hôm sau liên lạc với ban chỉ huy công trình xây cất tại Làng Hòa Bình.

Quen việc với cơ quan thiện nguyện Caritas (công giáo) và Terre des Hommes (tư nhận) nên tôi nhận lãnh việc liên lạc và điều hợp (co-ordinator), thật ra sự hiểu biết của cá nhân tôi, về thiết kế cho một cơ sở để chữa bệnh, dưỡng bệnh cho trẻ em, hầu như không có. Với dân tộc tính: cặn kẽ, tận tâm, kỷ luật; ban quản trị chương trình đã chịu khó bỏ thì giờ thuyết trình, kiên nhẫn giải thích cặn kẽ các chi tiết về một dự án xây dựng lớn lao để có thể chạy chữa, sau đó dưỡng bệnh cho một số lớn trẻ em, mới đầu định là từ 50 rồi tăng lên 100, thuộc nhiều lớp tuổi từ 10 đến 16 (thân nhân không được đi theo vì có các thủ tục phức tạp về hành chánh, chi phí quá lớn) cần có y tá đi kèm, và cần rất nhiều sự giúp đỡ của người đồng hương Việt Nam nhất là trong lúc đầu vì các trở ngại về ngôn ngữ và khác biệt về phong tục tập quán nhất là đa số các bệnh nhân nhi đồng nầy xuất xứ từ các vùng nông thôn nơi có các trận chiến giao tranh ác liệt mà các em là nạn nhân.

Tình hình chính trị Đức Quốc lúc đó rất tế nhị và phức tạp, là một quốc gia được lập ra coi như trái độn (buffer zone), cầm chân sự tấn công của khối Đông Âu cho tới khi Tây Âu và Hoa Kỳ đủ thời gian chuẩn bị để phòng thủ và phản công bắt đầu từ biên giới Pháp Quốc, Tây Đức bao gồm Tây Bá Linh (West Berlin), một ốc đảo tự do giữa bể khơi cộng sản, luôn sống trong tình trạng bấp bênh và đe dọa. Nga Số đã phong tỏa thành phố này và phải dùng máy bay tiếp tế được gọi là "cầu không vận" (Luftbruecke) trong gần hai năm từ 1948 đến 1949. Năm 1961 bức tường Bá Linh bao vây thành phố được dựng lên. Hoa Kỳ và Tây Âu phản ứng yếu ớt vì sợ có đụng độ võ trang gây ra chiến tranh. Vì thế chính phủ Đức Quốc đi theo chính sách tiếp cận trực tiếp với Nga Sô và cái thiện các liên lạc kinh tế và ngoại giao với khối Đông Âu (Ostpolitik) "bán họ hàng xa mua láng giềng gần". Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ liên hiệp là ông Willy Brandt; Ông đã là thị trưởng Tây Bá Linh từ 1958 đến 1966, sau đó về liên bang và đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng từ năm 1966 trong chính phủ liên hiệp CDU-SPD, qua năm 1969 ông trở thành thủ tướng trong chánh phủ bao gồm hai chính đáng SPD-FDP và đẩy mạnh chính sách Ostpolitik dù gặp rất nhiều chống đối của khối dân chúng phải chạy trốn từ Đông Âu qua Tây Đức ty nạn sau Thế Chiến Thứ Hai và của phía bảo thủ. Ông được giải Hoà Bình năm 1971 (Nobel Peace Prize 1971). May mắn là chính sách trợ giúp (Entwicklungshilfe) kinh tế, văn hóa, y tế không thay đổi và liên tục qua mọi chính phủ, lúc đó về văn hóa Tây Đức giúp trường kỹ thuật Cao Thắng, trường y khoa đại học Huế, về y tế có tàu bệnh viện Helgoland, về giáo dục có các học bổng về canh nông, kỹ thuật, y khoa. Qua năm 1968 thì có hai biến động:

- nổi loan ở Prague, thủ đô của Tiệp khắc chống Hồng Quân Nga Sô gọi là "mùa Xuân Prague" (Prager Frueling), vì rất gần và có nhiều người Tiệp ở Tây Đức nên ảnh hưởng rất lớn

- các giáo sư y khoa ( 3 vị và một phủ nhân) bi cộng sản thảm sát tại Huế trong Tết Mậu Thân, gây ra những dè đặt trong các sự trợ giúp tiếp tục cho VNCH.

Sau một ngày làm việc phụ giúp ở công trường xây dựng, chúng tôi họp lại mời ban quản trị và các vị nhân viên tại đó dùng bữa, mua tại một tiệm Tầu trong phố và có một vài màn văn nghệ giúp vui trong đó có vũ "trấn thủ lưu đồn" rất ăn khách. Vì chỉ có thể giúp đỡ hữu hiệu khi các bệnh nhân nhi đồng đến nơi nên chúng tôi xin phép liên lạc, lên vào gần Noel để công tác làm việc chung.

Buổi tối về lại trại, mọi người bâng khuâng vì "tha hương ngộ cố tri", và ngày mai lại chia tay sau khi hội ngộ, buổi lửa trại do các trại viên quốc tế tổ chức, như đọng lại trong tim với các bài hát thịnh thời Bob Dylan, Simon and Garfunkel, Joan Baez, Nana Mouskouri và đi thẳng vào tâm hồn qua các lời hát "mong cho nước Việt đời đời, oai dũng vươn cũng lên trên thế giới" (nhạc Nguyễn Văn Đông) và thêm vào đó mau có ngày "tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi luyến lưu kỷ niệm đằm thắm" (nhạc Phạm Duy).

Nguyễn Viết Kim

Ý kiến bạn đọc
30/08/201408:47:27
Khách
"tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm ..." nhạc phẩm Ngày Về của Hoàng Giác.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.