Hôm nay,  

Nguyễn Mạnh Trí: TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA - PHẦN III - KỲ IX

03/02/201400:00:00(Xem: 5185)

TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA - PHẦN III

Nguyễn Mạnh Trí

Các bản tin tức từ Đà Nẵng, quốc nội và hải ngoại về 40 năm tưởng niệm trận Hải chiến Hoàng Sa:

KỲ IX

1. ĐCV (19-1-2014): Tổng hợp các sự kiện tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa ở Đà Nẵng.

2. BVN (20-1-2014): Gặp gỡ bàn tròn Berlin – Washington DC – Boston về tranh chấp biển đảo.

3. BBC (20-1-2014): Miền Bắc có tuyên bố Hoàng Sa của TQ?

4. BVN (21-1-2014): Một viên đá bị cắt, những tiếng loa, và mấy cái đầu rỗng.

5. BVN (22-1-2014): Tiếp nối cuộc tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống vì Hoàng Sa – đôi điều ngẫm nghĩ …

6. BBC (23-1-2014): Hoàng Sa, Trường Sa 'vào sách giáo khoa'.

  1. BXĐN (24-1-2014):Cha ông ta tính việc bảo vệ Biển Đông từ cách đây 500 năm.
  2. NTD.ORG (25-1-2014):Hoàng Sa trong những đổi chác của Kissinger.
  3. NTD.ORG (26-1-2014):Trên 15,000 ngàn chữ ký vì Hoàng Sa gởi đến Liên Hiệp Quốc.

PHẦN I

  1. TNO (30-12-2013): Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
  2. RFA (1-1-2014): Sự thật về hải chiến Hoàng Sa.
  3. ĐNO (3-1-2014): 43 đồ án dự thi kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa.
  4. BVN (4-1-2014): Bốn mươi năm – Hoàng Sa, nhớ và nghĩ - chuyện của một hạm phó.
  5. BVN (5-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại.
  6. NTD.ORG (6-1-2014): Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.
  7. TNO (6-1-2014): Nuôi chí giành lại Hoàng Sa.
  8. ĐVO (6-1-2014): Thiên đường Hoàng Sa.
  9. TTO (6-1-2014): Nhật Tảo nằm lại, không kích bất thành.

10. BBC (6-1-2014): Thay đổi khi tưởng niệm xung đột với TQ?

11. RFA (6-1-2014): Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải.

12. SGTT (7-1-2014): Người Việt bí mật chụp ảnh Hoàng Sa năm 2011.

13. NTD.ORG (7-1-2014): Vì sao Mỹ cố ý phớt lờ để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa?

14. TNO (7-1-2014): Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm’.

15. RFA (7-1-2014): Hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958?

16. BVN (8-1-2014): Hai bà quả phụ Hoàng Sa.

17. BVN (8-1-2014): Nhịp cầu Hoàng Sa.

18. RFA (7-1-2014): Người lính miền Bắc nghĩ gì về trận hải chiến 1974.

19. TNO (9-1-2014): Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.

20. ĐNO (9-1-2014): Tâm huyết và tình yêu với Hoàng Sa.

21. PTT (9-1-2014): Trăn trở về Hoàng Sa 40 năm.

22. RFA (9-1-2014): Thách thức cho Việt Nam ở Hoàng Sa.

23. TNO (9-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa.

24. BBC (9-1-2014): 'Để dân kỷ niệm cuộc chiến 1979.

25. ĐNO (10-1-2014): Thắp sáng tình yêu biển đảo.

26. NVO (10-1-2014): Dân lập qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”.

27. BBC (10-1-2014): Thời điểm đưa TQ ra tòa 'đã chín muồi'.

28. VOA (10-1-2014): Hoàng Sa có vai trò thế nào với an ninh Việt Nam và khu vực?

29. NTD.ORG (11-1-2014): Tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa.

30. NTD.ORG (11-1-2014): Công bố tư liệu chính quyền Sài Gòn về Hoàng Sa .

31. BVN (11-1-2014): Tâm thư gửi các em sinh viên và thanh niên nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.

32. NTD.ORG (11-1-2014): Diễn giả quốc tế chỉ trích Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974.

33. BVN (11-1-2014): Danh sách đóng góp quỹ "Nhịp cầu Hoàng Sa".

34. ĐCV (11-1-2014): 40 năm trận Hoàng Sa Oanh Liệt.

35. TNO (12-1-2014): Từ bài học Hoàng Sa 1974.

36. VOA (12-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa ‘nóng’ trên diễn đàn ở Đại học Harvard.

37. RFA (12-1-2014): Người Việt trong và ngoài nước hưởng ứng Quỹ Nhịp Cầu Hoàng Sa.

38. NTD.ORG (12-1-2014): “Anh em hăng hái lên đường đánh tàu Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa”.

39. TTO (12-1-2014): Hồi ức sau 40 năm của vợ thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà.

40. BVN (13-1-2014): Thông cáo báo chí về việc gửi thư cho Liên Hợp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.

PHẦN II

1. BBC (12-1-2014): 'Phải dùng luật thay ngoại giao với TQ'.

2. NTD.ORG (13-1-2014): Ý chí, kiến thức và hành động.

3. BBC (13-1-2014): Mâu thuẫn Biển Đông được hâm nóng lại?

4. BBC (13-1-2014): Từ Hoàng Sa nghĩ về tương lai Biển Đông.

  1. VBO (14-1-2014):Hoàng Sa Thiêng Liêng.
  2. VOA (14-1-2014):Người Việt ký thư yêu cầu đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa quốc tế.
  3. RFA (14-1-2014):Kiện Trung Quốc, Việt Nam được gì?
  4. NTD.ORG (14-1-2014):4 hoạt động lớn ghi dấu ‘Trung Quốc cướp Hoàng Sa’.
  5. NTD.ORG (15-1-2014):Chúng ta có thể làm điều gì cho Hoàng Sa .

10. VBO (15-1-2014):Nhìn Về Biển Hoàng Sa.

11. BVN (15-1-2014): Thông báo về lễ tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.

12. BVN (16-1-2014): Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình.

13. RFA (16-1-2014): Người Việt trong và ngoài nước tưởng nhớ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 .

14. TNO (16-1-2014): Quyền kế thừa của nhà nước và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

15. NTD.ORG (16-1-2014): Hoàng Sa: Việt Nam cần hành động để thế giới hiểu.

16. NTD.ORG (16-1-2014): Tri ân những người ngã xuống vì Hoàng Sa - Kỳ 1: 40 năm vọng tiếng Quốc.

17. TTO (Từ 13-1-2014 đến 17/1/2014): Theo Dấu Bằng Chứng Chủ Quyền Hoàng Sa, Trường Sa (Kỳ I-II-III-IV-V).

18. BBC (17-1-2014): Thời điểm đưa TQ ra tòa 'đã chín muồi'.

19. BBC (17-1-2014): 'Chờ thời để thu hồi trực tiếp Hoàng Sa'.

20. RFA (17-1-2014): 40 năm Hoàng Sa: vượt qua bức tường im lặng.

21. NTD.ORG (17-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa 1974: Sống chết gạt bỏ sang một bên.

22. NTD.ORG (17-1-2014): Người quản nội trưởng trên khu trục hạm HQ-4.

23. TNO (17-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa 1.1974: Trận chiến không chỉ 30 phút.

24. BVN (18-1-2014): Ai là tác giả bài thơ "Tưởng niệm Hoàng Sa"?

25. VBO (18-1-2014):Nguyễn Công Bằng: Hoàng Sa, Trường Sa: Một mẫu số đòan kết của người Việt Nam?

26. BBC (18-1-2014):Đà Nẵng hủy lễ tri ân hướng về Hoàng Sa.

27. BBC (18-1-2014):Từ chiến binh Hoàng Sa thành tù cải tạo.

28. NTD.ORG (17-1-2014): Giáo sư Carl Thayer: “Cần tổ chức hội thảo quốc tế về hải chiến Hoàng Sa”.

29. RFI (18-1-2014): Lần đầu tiên Việt Nam kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

30. VOA (19-1-2014): Trận chiến Hoàng Sa và một lịch sử được viết lại.

31. RFI (19-1-2014): Hà Nội : Tập hợp tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Hoàng Sa.

32. BVN (19-1-2014): Sài Gòn tưởng nhớ Hoàng Sa.

33. BVN (19-1-2014): Và rồi hôm nay cánh cửa đã hé mở.

34. ĐCV (19-1-2014): Hamburg-CHLB Đức: Tưởng niệm 40 Năm Hải chiến Hoàng Sa.

35. VNN (19-1-2014): Triển lãm tư liệu minh chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

36. ĐCV (19-1-2014): Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

37. BVN (20-1-2014): Một buổi sáng giàu kịch tính tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

*****

Tổng hợp các sự kiện tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa ở Đà Nẵng

Đàn Chim Việt - 19/01/14 | Tác giả: On The Net

Để ghi dấu 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19/01/1974-19/01/2014), Uỷ ban nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức chuỗi các hoạt động tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có 3 nội dung chính là:

1/ Chương trình ca nhạc hát về biển, đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa vào lúc 19h00 ngày 18/01/2014 tại Công viên Biển Đông.
2/ Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” từ ngày 19 đến 25/01/2014 tại Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 đường Trần Phú, Đà Nẵng (phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông).
3/. Hội thảo “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” vào lúc 13h00 ngày 19/01/2014 tại Khách sạn Hoàng Sa, số 35 – Dương Đình Nghệ, Sơn Trà, Đà Nẵng (phối hợp Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng).

Chương trình 1 đã bị hoãn hoàn toàn. 2 chương trình còn lại vẫn được tổ chức nhưng xem như một sinh hoạt nội bộ, không quản bá rộng rãi và các báo không được đưa tin. Sau đây là ghi nhận của chúng tôi và các đồng nghiệp báo chí với các thông tin trên Facebook và các block.

HS_01-content

Chương trình ca nhạc hát về biển, đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa mặc dù bị hủy nhưng người dân quanh khu vực công viên biển đông vẫn lặng lẽ tổ chức theo cách của mình là cắm cờ dùng trong các trường hợp lễ tang để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng sa vào ngày 19/1 năm 1974.

HS_02_thap_nhang_bo_cat-content


Và đây là lần đầu tiên sau 40 năm những nén hướng đã được thắp lên, những phẩm vật cũng được dâng cúng hướng đến vong linh những người vì tổ quốc mà hy sinh thân mình.


HS_03_che_mat_khoc-content

Ở buổi lễ khai mạc triển lãm về Hoàng Sa tại bảo tàng Đà Nẵng các báo vẫn không được đưa tin nhưng nhiều nhà báo vẫn đến dự, lặng lẽ chụp hình và ghi lại những khoảnh khắc thật cảm động. Trên Fb của mình nhà báo Hồ Tấn Vũ chép: Không ai cầm được nước mắt khi chủ tịch huyện Hoàng Sa, Đặng Công Ngữ, đọc bài diễn văn đầy cảm xúc của mình. Ông Ngữ cúi đầu chân thật: “Tôi xin lỗi với nhân dân, ngàn lần xin lỗi vì không tổ chức được đêm thắp nến tri ân như dự kiến”. Ngồi bên dưới, chủ tịch hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng mắt đỏ hoe, liên tục kéo áo lau nước mắt khi bài diễn văn nhắc đến Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Nhiều đôi mắt ngấn nước, nhiều ánh mắt tủi hờn, nhiều tiếng thở dài lặng lẽ, anh linh các anh hùng ngày ấy như lặng lẽ quay về. Không ai nói với nhau lời nào nhưng ai cũng biết buổi khai mạc triển lãm trở thành buổi tri ân trong lòng mỗi người khi nhắc đến Hoàng Sa.

HS_04_trien_lam-content

Ký ức như ùa về trong ngày đặc biệt này với các cựu binh VNCH tham chiến Hoàng Sa ngày trước cũng được mời đến tham dự buổi triển lãm này. Các cụ đều đã già, họ bình thản, có lẽ thất thủ lần ấy không phải lỗi của riêng ai, các anh, các chú, các bác đã chiến đấu hết mình


HS_05_hoi_thao-content

Ở buổi hội thảo khoa học “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” tại Khách sạn Hoàng Sa, số 35 – Dương Đình Nghệ, Sơn Trà, Đà Nẵng gồm những chuyên gia đầu ngành về lịch sử, những chuyên viên kỳ cựu trong Ban biên giới Chính phủ, các cựu đại sứ ở các nước trên khắp thế giới qua các thời kỳ. Nhiều tham luận hay, thông tin mới, nhiều cách nhìn vấn đề dưới những góc độ mới được nêu ra nhưng nghe càng hay bao nhiêu thì cảm giác ngậm ngùi càng nhiều bấy nhiêu khi không một nhà báo có mặt. Tất cả, như bão trong chén trà.

HS_06_ky_vat-content

Và cuối cùng là vật lưu niệm này của Trung tâm nghiên cứu văn hoá Minh Triết với câu thơ của Trạng Trinh Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Một cuộc trao đổi nhỏ trên Facebook cuối cùng vẫn không hiểu tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có được những câu như vượt thời gian 500 năm đến vậy.

Theo Blog Hồ Tú Trung

*****

Gặp gỡ bàn tròn Berlin – Washington DC – Boston về tranh chấp biển đảo

Hiệu Minh – Bauxite Vietnam - 20/01/2014

HS_07_ban_tron-content

Khách mời của Tenor Media International

Hôm qua (17-1-2014), Tổ chức Media Tenor International có trụ sở tại Berlin đã tổ chức một cầu truyền hình giữa Berlin, Washington DC và Boston, bàn về chủ đề tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á và nguy cơ xung đột.

Khách mời phát biểu có ông Mark Fuller, Chủ tịch và CEO của Global Rosc và cũng là một trong những người tổ chức Hội nghị Kinh tế thế giới. Marvin Kalb, cựu phóng viên nổi tiếng của CBS, NBC News, Fox Radio, hiện là người nghiên cứu cho viện Brookings, một trong những think tank của Hoa Kỳ tại DC. Cựu Đại sứ Bindenagel của Hoa Kỳ tại Germany, chuyên bàn về vai trò của thông tin và truyền thông. Nguyễn Anh Tuấn (cựu TBT VNN) cũng dự cầu truyền hình từ Boston.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long bay từ đại học Maine về DC để dự cuộc gặp ngắn 1 tiếng đồng hồ này. Giáo sư Long được mời nói về vấn đề tranh chấp biển đảo đúng vào dịp 40 năm Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam.

Hiệu Minh Blog được anh Nguyễn Anh Tuấn gửi giấy mời tham dự tại đầu cầu Washington DC ở phòng họp trong trung tâm think tank Brookings trên đường Massachusetts. Có hai nhà báo Thu Hà và Việt Lâm của VNN cũng tới dự nhưng chưa thấy đưa tin.

Các diễn giả tập trung bàn làm thế nào để tránh được những xung đột do tranh chấp biển đảo gây nên, nhất là những cường quốc, trước khi xuống tay, bấm nút tên lửa, hãy nghĩ kỹ về hậu quả. Chiến tranh thế giới 1, 2 và chiến tranh Việt Nam là những bài học cay đắng trong lịch sử nhân loại bởi các chính khách tính toán sai lầm.

Chủ đề tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc trong quần đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, đã được các diễn giả mổ xẻ và đưa ra những ý kiến mang tính toàn cầu.

Việc trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc sẽ được hoan nghênh bởi sự đóng góp to lớn của họ cho thế giới. Tuy nhiên, nếu họ giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa quá khích và đại hán thì sự trỗi dậy đó trở nên nguy hiểm.

Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn nên coi sự tranh chấp biển Đông và Nam Trung Hoa là vấn đề quốc tế bởi nó liên quan đến lợi ích chung, giao thương hàng hải, nguồn tài nguyên cần được chia sẻ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa mà trong đó Trung Quốc đã giết hại 74 lính của CP VNCH, cướp luôn đảo Hoàng Sa từ đó đến nay. 40 năm kỷ niệm là dịp nên nhìn lại cách giải quyết một cách hòa bình.

Trong cuộc nói chuyện riêng, Giáo sư Long có nói, Việt Nam cần quốc tế hóa vấn đề tranh chấp. Hiện ta ở thế yếu, chưa có đồng minh, phải dựa vào dư luận quốc tế. Nếu chỉ bàn song phương thì các nước sẽ coi đó là tranh chấp giữa hai quốc gia, và họ sẽ không để ý tới nữa.

Mỹ hiện đã cảm thấy mất quyền kiểm soát trong khu vực. Tuy nhiên quyền lợi của Mỹ tại Trung Quốc rất lớn, rất nhiều nhà đầu tư Mỹ có dự án tại quốc gia hàng tỷ người này, mà giới làm ăn có tiền nên có thể lobby nhiều nơi để kéo phần lợi cho họ.

Hiện Mỹ đang cần Việt Nam. Nhưng một khi quyền lợi Mỹ Trung được dàn xếp thì Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Liệu mấy cái tầu Kilo có đủ sức đương đầu với Trung Quốc như đã từng xảy ra tại Hoàng Sa cách đây 40 năm. Hạm đội 7 ngay cạnh nhưng cũng không cứu tầu Nhật Tảo bị đánh chìm.

HS_08_NV_Long-content

Gs. Ngô Vĩnh Long và Marvin Kalb - Ảnh: HM

Nghe tin Đà Nẵng bị việt vị khi định tổ chức kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, chắc bạn đọc cũng buồn. Ngồi nghe các diễn giả trong trung tâm Brookings sang trọng giữa DC nối với trung tâm tri thức Boston, và quyền lực của Châu Âu là Berlin, người viết bài này chợt thấy cô độc lạ lùng.

Các học giả thế giới đang cố tìm giải pháp toàn cầu cho xung đột, trong đó có cả quyền lợi quốc gia rất lớn của Việt Nam ở biển Đông, thì dường như Việt Nam ta đứng ngoài cuộc.

Trong giấy mới dự cuộc họp của Media Tenor có lời giới thiệu rất hay. What lessons can be learned from the Paracel-Island Crisis 40 years ago? Why is Vietnam still the Elephant in Oval-Office for each US president since Nixon till Obama? Những bài học gì có thể rút ra sau khủng hoảng ở đảo Hoàng Sa 40 năm trước? Tại sao Việt Nam vẫn là con voi to tướng trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng kể từ thời Nixon đến Obama.

Với Việt Nam ta, có lẽ có một con voi Hoàng Sa đang lang thang ở Ba Đình, ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng không ai dám nói. Bởi cách đó một phố có một tòa đại sứ, nơi người Việt thích biểu tình về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng có người cũng gần đó lại không thích.

Các học giả thế giới nghe tin ta bỏ cuộc tưởng niệm tri ân Hoàng Sa, chắc sẽ ít nói đến quyền lợi của Việt Nam hơn trong các hội thảo quốc tế về xung đột.

HM. 18-1-2014

HS_09_dau_cau_DC-content

Đầu cầu Washington DC - Ảnh: HM

Chú thích. Viện nghiên cứu chiến lược Brookings (think tank) là một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận ra đời hơn 100 năm nay, có trụ sở tại Washington DC trên đường Massachusetts. Việt Nam từng có IDS có vai trò tương tự nhưng đã bị giải thể.

Brookings nghiên cứu các vấn đề toàn cầu một cách độc lập và dựa vào kết quả đưa ra những cố vấn mang tính chiến lược nhằm (1) Nâng cao sức mạnh dân chủ Mỹ; (2) Thúc đẩy kinh tế, giá trị xã hội dân sinh, an ninh và cơ hội cho người Mỹ; và (3) Đảm bảo hệ thống quốc tế được hợp tác tốt hơn, thế giới được an toàn và mở hơn.

Brookings là một trong những viện có công trình được trích dẫn nhiều nhất và được tin cậy nhất trên thế giới.

Nguồn:hieuminh.org

*****

Miền Bắc có tuyên bố Hoàng Sa của TQ?

BBC - Thứ hai, 20 tháng 1, 2014

HS_10_ban_do-content

Bản đồ có 'Tây Sa, Nam Sa' mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói là của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Năm 1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có công bố một tài liệu với tên gọi "Chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa".

Tài liệu này có một tiểu mục với tựa "Sự man trá của chính quyền Việt Nam", trong đó chỉ ra những bằng chứng cho thấy trước năm 1979, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiều lần tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài công hàm gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, tài liệu này còn dẫn nhiều tuyên bố của các quan chức chính phủ miền Bắc, trong đó có của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm:

"Ngày 15/6/1956, trong khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói với ông rằng: "Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc."

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ ra một tuyên bố khác vào năm 1965 của miền Bắc:

"Trong tuyên bố ngày 9/5/1965 về việc chính phủ Mỹ quy định vùng chiến sự cho lực lượng của họ tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói ... 'Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã chỉ định ... một phần của lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa của Trung Quốc làm "vùng chiến sự" của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ'."

Cuốn sách "Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" của ông Lưu Văn Lợi do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, xác nhận cả hai tuyên bố này:

"Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tuyên bố năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây sa là có thật," ông Lợi viết.

Ngoài ra, tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kèm theo một tấm bản đò thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa] xuất bản năm 1972 trong đó ghi Tây Sa và Nam Sa theo tên Trung Quốc.

Tài liệu này còn nói các bản đồ của miền Bắc trong các năm 1960 và 1974 cũng ghi rõ Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhân dịp 40 năm hải chiến Hoàng Sa, BBC đã có cuộc phỏng vấn sử gia, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, về những tài liệu này.

'Nhiều chính thể, một Tổ quốc'

BBC: Trước năm 1975, quan điểm của miền Bắc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là như thế nào, thưa ông?

Sử gia Dương Trung Quốc:Tôi nghĩ rằng tùy vào hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, có những thời kỳ có nhiều lực lượng chính trị khác nhau.

Ngay từ thời kỳ xa xưa, như Trịnh-Nguyễn phân tranh, Việt Nam vẫn là một nước Đại Việt thống nhất.

Hay như sau hiệp định Genève, hai miền Nam Bắc dù có bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, thì về nguyên lý, nước Việt Nam vẫn là thống nhất, với quy định là 2 năm sau thì tổng tuyển cử.

Tôi nghĩ vào thời điểm năm 74, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thực thi đúng nhiệm vụ của mình được quốc tế đảm bảo.

"Những quan hệ được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp thì có thể tạo ra một điều mà tôi có thể nói thẳng là sự mất cảnh giác."

Tổ quốc Việt Nam thì chỉ có một, còn chính thể thì có thể có nhiều, và đó là trách nhiệm của bất kỳ chính thể nào đối với lãnh thổ của Tổ quốc.

BBC:Ngoài công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều tài liệu để nói miền Bắc đã nhiều lần công nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, như tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm năm 1956, tuyên bố năm 1965 về vùng chiến sự của Mỹ, hay các bản đồ mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng trong các năm 60,72,74.

Ông nghĩ gì về những tài liệu này và giá trị pháp lý của chúng?

Sử gia Dương Trung Quốc: Chúng tôi thì chưa được tiếp cận với bản gốc, thế nhưng nếu những điều đó có xảy ra thì cũng không có gì là lạ.

Bởi vì vào thời điểm đó thì chúng ta đều biết rằng Việt Nam đang diễn ra một cuộc chiến tranh, và rõ ràng Trung Quốc đang là đồng minh trực tiếp của miền Bắc Việt Nam.

Thêm vào đó, những quan hệ được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp thì có thể tạo ra một điều mà tôi có thể nói thẳng là sự mất cảnh giác. Đó là chỗ mà người Trung Quốc, vốn thâm hiểm, muốn khai thác.

Nhưng nếu nhìn vào chiều dọc lịch sử và tính liên tục của nó thì ta có thể thấy rất nhiều bằng chứng là Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình, từ thời kỳ quân chủ, và trước đó là các chúa Nguyễn.

Chúng ta cũng biết là người Pháp khi biến Việt Nam thành thuộc địa cũng thực thi quyền ngoại giao của mình và khẳng định tất cả.

Quan trọng nhất là đến năm 1974, sự hiện diện của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên Hoàng Sa nói riêng và các đảo trên Biển Đông nói chung thì hết sức rõ ràng. Trận chiến năm 1974 cũng rất rõ ràng.

Vào thời điểm đó, theo Hiệp định Genève thì lãnh thổ nào của Việt Nam ở sau vĩ tuyến 17 thì đều thuộc quyền quản lý Việt Nam Cộng hòa.

Đương nhiên người Trung Quốc sẽ tìm mọi chi tiết để chứng minh, nhưng nếu nhìn theo tổng thể lịch sử và cái tính liên tục của nó thì tôi nghĩ rằng những chi tiết không quan trọng.

Bài học lịch sử

HS_11_bieu_tinh_VC_de_dat-content

Chính quyền trong nước còn dè dặt trong việc tưởng niệm tử sỹ Hoàng Sa

BBC:Ông cho rằng việc thay đổi quan điểm trong việc vinh danh tử sỹ Hoàng Sa thì có thể giúp gì cho Việt Nam trong việc đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong tương lai?

Tôi cho rằng trước hết là cần phải rút ra bài học lịch sử, nhất là trong quan hệ với phương Bắc.

Nếu đọc kỹ lịch sử, chúng ta thấy là khi nào trong nước có mâu thuẫn, không ổn định, không đoàn kết thì mất nước. Họ luôn khai thác điều đó.

Tôi nghĩ rằng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, kể cả những vùng Trung Quốc đã chiếm đóng thì việc đầu tiên là người Việt Nam phải biết đoàn kết với nhau, thống nhất về ý chí rằng đó là lãnh thổ của chúng ta.

Còn về thời gian thì chúng ta phải chấp nhận một quá trình mà trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta không thể không dựa vào những cam kết, những luật quốc tế để giải quyết vấn đề một cách cơ bản, không chỉ đối với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực có liên quan.

*****

Một viên đá bị cắt, những tiếng loa, và mấy cái đầu rỗng

Phạm Toàn-Ghi chép Chủ nhật 19-1-2014 – Bauxite Vietnam

Cuộc gặp gỡ sáng hôm nay, chủ nhật 19 tháng 1 năm 2014, để tưởng niệm 74 chiến sĩ liệt sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đã diễn ra thật là … vui, vui đến tức cười. Mới đầu, thấy mình cười cợt, cũng chợt nghĩ thật là thất thố trước anh linh những người đã hy sinh mạng sống cho đất nước. Sau rồi nghĩ lại, thì thấy nếu các anh hùng được chứng kiến cảnh nhà cầm quyền phô trương những cái đầu rỗng của họ qua năng lực tổ chức những tiếng loa và tiếng máy khoan … cắt chơi vào một hòn đá, cốt phá phách cuộc tưởng niệm, có lẽ các anh cũng phải … cười theo luôn.

Tôi xin kể thong thả, lần lượt, thấy đâu kể đó, nhớ gì kể nấy, kể hầu các bạn vắng mặt, và kể như một lời tôi đang khấn vong linh các anh, cả 74 anh ở trận Hoàng Sa lẫn 64 anh ở trận Gạc Ma – những người anh em bà con ruột rà chung của mỗi người dân Việt còn có liêm sỉ.

Tâm trạng riêng tôi là sự phập phồng chờ đón cuộc tưởng niệm ngày 19 tháng 1 năm 2014 này. Tôi tự nhủ mình sẽ phải có mặt trong cuộc lễ. Những cuộc “xuống đường” nhiều lần trước tôi không dám tham gia, vì tôi không thể đi bộ nhanh, càng không thể chạy, hễ vận động nhanh là nghẹt thở, mà không vận động nhanh thì làm sao tránh khỏi bị lôi sang trại giam nhân quyền ở Lộc Hà? Hơn tám chục tuổi đời, ngồi ôm máy tính làm việc dài hơi thì vẫn được, nhưng nỗ lực cơ bắp là điều rất khó. Nhưng lần tưởng niệm này, tôi có những niềm tin để hình dung một cuộc gặp gỡ của đông đảo đồng bào mà không bị gọi là “tụ tập đông người” – ít ra người ta cũng phải biết nghĩ đến những đồng bào của mình đã chết, ít ra cũng phải biết nghĩ để biến nỗi đau Hoàng Sa (và Gạc Ma) thành một giá trị gắn kết dân tộc, ít ra thì cũng phải biết lắng nghe những tiếng nói khoan thai để ngay cả những kẻ thất học cũng có dịp học thày không tày học bạn. Không! Lần này chắc chắn là không có đàn áp! Khỏi cần chạy! Khỏi sợ nghẹt thở!

Một sự tình cờ xảy đến: tối 16 tháng 1 năm 2014, tôi được mời là một trong ba diễn giả của buổi mạn đàm nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời bộ phim “Chuyện tử tế” của nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy. Bữa đó, khi kết thúc sự kiện, nhà thơ Dương Tường nói vui “đợi chủ nhật này, xem anh nào tử tế”. “Chủ nhật này” theo văn cảnh lời Dương Tường, đó là cuộc tưởng niệm 40 năm giặc Tàu lưu manh và ma mãnh cướp trắng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để coi, bên biểu dương lòng yêu nước và “bên kia”, bên nào tử tế. Và thế là, ngay lập tức nhóm Cánh Buồm hẹn nhau ai ở Hà Nội, sáng sớm chủ nhật, sẽ đến cất xe ở nhà Dương Tường rồi cùng đi bộ ra địa điểm tưởng niệm ở chân tượng đài Lý Thái Tổ.

Cá nhân tôi rất muốn có dịp để mấy em trong nhóm biên soạn sách giáo khoa cùng đi dự lễ tưởng niệm. Cũng là điều tốt nếu các em chứng kiến một hành xử dân chủ và lịch sự, do đó mà biết tôn trọng những người tới dâng hương đồng bào yêu nước đã ngã xuống ở Hoàng Sa (và Gạc Ma). Càng tốt hơn nữa, nếu các em thấy những điều chướng tai gai mắt… Lý do chỉ đơn giản thế này thôi: các em quá trong trắng, các em cũng đỗ đạt này nọ đấy, nhưng một đời đi học là một đời bị bưng bít, nên các em có quá ít thông tin để có thể trưởng thành đầy đủ. Những đầu óc “trên mây” ấy khó có thể đi tiếp con đường cải cách giáo dục như nhóm từng mơ ước.

Chúng tôi đến nhà Dương Tường lúc mới hơn bảy giờ. Tường đã dậy rồi và đã ăn sáng rồi. Sự lạ! Cậu chàng thường làm việc đến gần sáng rồi ngủ dậy rất muộn! Nhưng hôm nay thì khi mọi người tới, cậu đã đóng bộ rồi.

Tường định pha nước, nhưng tôi ngăn lại. Tôi bảo, nên đi sớm trước khi người ta giở trò. Chưa kể là, mình nên đến sớm để quan sát mọi điều, cho bõ là một cuộc học hỏi tại chỗ. Vừa vặn một em trong nhóm phóng xe tới. Em cho biết, “ở khu vực sứ quán Khựa chúng nó bố trí đông lắm, nên ra sớm thôi, kẻo các ngả đường có thể bị bịt”. Thế là chúng tôi xuất hành.

Chúng tôi đi chầm chậm dọc đường Tràng Tiền rồi ra vườn hoa Chí Linh. Chúng tôi lên thẳng chỗ tượng đài và thấy một bà cụ đang quét các ngóc ngách ở chân tượng. Quét xong, cụ nhìn chúng rôi ra vẻ tạm biệt và chống gậy con cón ra đi. Tôi giữ tay cụ, hỏi tuổi. Cụ bảo “hơn chín mươi rồi, ngày nào cũng ra đây quét chân tượng”. Lát nữa, chính tôi cùng những người đến tưởng niệm mỗi người một bông cúc trắng có băng đen in chữ tưởng niệm Hoàng Sa cũng đặt hoa tại chân tượng này nơi bà cụ không tên tuổi đã quét dọn sạch sẽ. Và khi cuộc lễ tưởng niệm còn chưa kết thúc, thì lại có hai người đàn bà trẻ hơn nhiều, vội vã đến đây “quét dọn”. Một trong hai người đàn bà trẻ tuổi ấy nói với người kia như ra lệnh, “quét mẹ nó hết đi”. Thật lạ lùng! Bà cụ già hơn chín mươi tuổi lưng còng kia chắc chắn không phải là sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Còn hai chị này: họ ăn lương của ai để làm công việc súc phạm anh linh những liệt sĩ đã bỏ mình cho họ được ăn nói hỗn hào? Một xã hội khuyến khích những mụ công dân thủ đô có tâm hồn eo hẹp đến vậy, bảo làm sao không đẻ ra những quái thai có học vị bác sĩ Y khoa tên là Cát Tường?

Mở màn cho cuộc vui cười ra nước mắt là một ông quãng dăm chục tuổi. Anh ta đeo một chiếc loa, tay cầm micro, đến sát chúng tôi khi đó mới chỉ có dăm bảy người quây quần trò chuyện, lần lượt gí loa vào tận mặt chúng tôi để “mời các anh các chị đi chỗ khác, ở đây sắp thi công”. Được hỏi lại, anh ta chỉ vào sợi dây điện màu vàng nằm dưới nền gạch hoa, “đấy, chúng tôi sắp thi công”. Và rồi sau đó chừng dăm bảy phút thì họ “thi công” thật. Bụi đá bay mù mịt vì vừa cắt đá vừa cho cái máy phải gió gì đấy thổi cho bụi tung lên. Cùng lúc đó, cả chục cái loa di động cũng sa sả gí sát mặt đồng bào đến dự lễ tưởng niệm mà buông những lời lẽ với âm lượng tra tấn. Đấy là một hình thức tra tấn chứ còn gì nữa? Tra tấn bằng cách bắt nghe tiếng ồn cùng những lời lẽ khó nghe. Tra tấn là như thế, chứ còn gì nữa?

Thấy cái anh gọi loa đó cứ quanh quẩn gần bên, tôi nói đùa, “anh là người Tàu phải không? Quảng Đông hay Quảng Tây?” Mọi người cười ồ lên. Anh ta đi sang nhóm bên cạnh tôi. Nghe có tiếng người hỏi anh ta, “hôm nay anh được trả mấy trăm?” Có anh còn rút ra tờ năm trăm ngàn giơ trước mặt anh ta nữa. Không nghe thấy lời nói đùa, chỉ thấy tiếng cười rộ. Một máy quay video giơ cao trên đầu nhóm người đang vui cười này. Tôi tin chắc đoạn băng này sẽ sớm được phát trên một trang mạng nào đó của những người yêu nước. Nếu coi đoạn băng đó, xin bà con chú ý tới vẻ mặt vô cảm của người gọi loa kia. Và của tất cả những người gọi loa đồng bọn với anh ta. Nhà thơ của nhóm chúng tôi bình luận thiệt chí lí, “cả đêm qua, bộ tham mưu chắc là mất ngủ để nghĩ ra cái mẹo con nít này” – những cái đầu rỗng đang được trưng ra trước công chúng! – và trưng ra giữa thủ đô yêu dấu vào một sớm chủ nhật trời quá đẹp!

Vào một sớm chủ nhật trời quá đẹp, được thấy rõ một bọn độc chiếm quyền làm bẩn thủ đô của chúng ta. Nhìn hành tung của chúng ngăn cản việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh khi Hoàng Sa thất thủ, có thể đoán biết chúng là hạng người thế nào. Cá nhân tôi thì đã xác định lập trường vì biết rõ bọn chúng từ lâu rồi. Dẫu sao, sớm chủ nhật Mười Chín Tháng Giếng Hai Ngàn Không Trăm Mười Bốn này, chúng ta vẫn kỷ niệm được dù không trọn vẹn ngày Hoàng Sa thất thủ và cũng vẫn dâng được hương hoa tới những liệt sĩ đã lưu danh muôn đời cho Tổ quốc, cho dù các anh có bị gán ghép là “NGỤY”.

Chưa kể là sớm chủ nhật hôm nay tôi còn làm thêm một công việc vô cùng tử tế: dắt mấy em trong nhóm soạn sách Cánh Buồm ra đường để các em chứng kiến những việc làm thay cho thói quen nghe những lời nói – và kể từ nay chắc là các em sẽ xóa cho tôi cái án treo gọi tôi là phần tử cực đoan.

P. T.

*****

Tiếp nối cuộc tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống vì Hoàng Sa – đôi điều ngẫm nghĩ …

André Menras Hồ Cương Quyết

Phạm Toàn dịch – Bauxite Việt Nam - 22/01/2014

Những sự kiện xảy ra ở Việt Nam cho thấy rằng cuộc đời thì đang nhúc nhích, rằng trái đất thì đang quay, mặc cho có những kẻ muốn ngăn cản những chuyện đó vì bọn họ sợ bị chóng mặt.

Cuộc tưởng niệm những người anh hùng Việt Nam đã nằm xuống nơi chiến trường để bảo vệ đất đai và biển khơi của nước nhà chống quân xâm lược Tàu năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa là một cuộc gặp mặt quan trọng đối với người Việt sống trong nước và các đồng bào Việt sống tản mát khắp bốn phương. Sau 40 năm chiếm đóng của bọn giết người vi phạm điều sơ đẳng nhất của luật pháp quốc tế, chúng ta đã có thể điểm lại vài điều căn bản nhân dịp lễ tưởng niệm này và lễ tưởng niệm sắp tổ chức vào ngày 17 tháng Hai tới đây.

1) Từ căn cứ phía Nam là đảo Hải Nam, Bắc Kinh đã xây dựng lặng lẽ và có bài bản căn cứ chiếm đống tại Hoàng Sa ... Họ thậm chí còn mở rộng thêm căn cứ đó (sang Gạc Ma năm 1988) và tại các vùng biển đảo khác của Việt Nam. Họ tiếp tục mở rộng vụ thâu tóm “ đường lưỡi bò ” sang hai phần ba miền biển Đông Nam châu Á này và tuyên bố là của họ bằng cách áp đặt lệnh cấm vào ra vùng này (Luật mới của Tàu về đánh bắt cá áp dụng từ 1/01/2014). Chắc chắn là họ đang chuẩn bị những cuộc xâm lấn mới thẳng theo đường họ vạch ra và theo cung cách họ từng tiến hành, và chẳng riêng gì Trường Sa sẽ rơi vào tay họ. Gì thì gì, bất kể họ nói năng ra sao, đừng có ngây thơ mà tin rằng họ sẽ ký vào bộ Quy tắc ứng xử (COC) sẽ bó tay họ về pháp lý và ngăn chặn họ tiến hành những âm mưu bành trướng.

2) Cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ và Pháp với những trách nhiệm do lịch sử để lại nên phải ràng buộc mạnh mẽ vào cái di sản bi thảm này được họ gạt lại cho Việt Nam, thì lại vẫn chưa có động thái gì nhỏ nhoi cụ thể đặng ngăn cản vụ ăn cướp đã được báo trước này. Ta đã thấy điều đó là có thật khi Tàu tiến hành xâm lăng, hôm nay đây lại càng thấy đó là điều có thật. Chuyện làm ăn của họ, bao giờ cũng vẫn là chuyện làm ăn cả thôi …

3) Nhà cầm quyền Việt Nam, tức là Đảng Cộng sản Việt Nam, người chủ duy nhất trên con tàu, viên quan tòa và kẻ nắm giữ kè kè điều 4 nền tảng của một hiến pháp được pha phách cẩn thận của Đảng do Đảng và vì Đảng và sẽ tuyệt đối vô tác dụng bởi vì mỗi điều khoản của hiến pháp này đều có thể bị xóa bỏ bởi cái điều 4 toàn năng, tất cả đều hoàn toàn thuận tiện cho các cuộc xâm lấn của Bắc Kinh được tiến hành theo bề sâu và êm thấm, nhưng là những cuộc xâm lấn tiến hành với cái giá là phải hy sinh nhiều binh lính và ngư dân, là đòn đánh bằng dùi cui và bắt bớ, là những vùng đất “bị ăn cướp – bị cho thuê – bị bán đứng” và là những vùng đất không cho nhân dân Việt Nam mon men tới.

Cũng những nhà cầm quyền ấy, mà cho tới nay lời lẽ của họ bao giờ cũng trái ngược với hành động của họ, đang tiếp tục khâu miệng và đóng hàm vào những cuộc đối kháng bột phát của nhân dân, của nông dân, của thanh niên, của các nhà trí thức, đang ngăn chặn cái quyền được tưởng nhớ của dân tộc và luôn luôn cố ý mở ngày càng toang hoang cho Bắc Kinh cái cánh cửa sáp nhập Việt Nam trên các mặt kinh tế, tài chính, năng lượng, văn hóa. Đến độ là có những khi có những người đã nêu câu hỏi, với những ai còn chưa rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, liệu có thuận tiện hơn và rành mạch đơn giản hơn là họ hãy nhận thẳng thẻ đảng Cộng sản Tàu đi! Với những người khác, như những bạn trên Facebook, thì họ nổi giận theo một cách nói năng hoa mỹ, rằng lịch sử nước Việt Nam càng ngày càng được viết bằng mực Tàu trên Truyền hình, trong sách giáo khoa, tại các “Viện Khổng Tử”, tại những đường phố, làng mạc và khu dân cư người Tàu đang nở rộ từng ngày trên khắp nước Việt Nam.

Đến độ là có nhiều người đã nói trắng ra bằng những lời lẽ của những thời kỳ vô cùng đáng buồn về bọn “bán nước” và bọn “Việt gian” [tiếng Việt trong nguyên vănND] để chỉ những người lãnh đạo và một cái đảng vẫn tự cho là đại diện cho một nước Việt Nam đã thoát khỏi mọi nền thống trị của nước ngoài. Buồn đến phát khóc, và thật đáng lo ngại biết bao!

4) Những phong trào tích cực duy nhất, nguồn lạc quan cho Việt Nam, là từ nhân dân Việt Nam, từ các công dân sống trong nước và từ đông đảo kiều bào tản mát ở bên ngoài.

Trên cái đất nước đang sống trong bối cảnh chịu áp lực có hệ thống của một chế độ cảnh sát đa phương thức lắm khi hoạt động na ná như tổ chức mafia, những tiếng phản kháng run rẩy nổi lên gần đây trong giới nông dân, trong giới trẻ và những người trí thức cần phải được đánh giá sao cho đúng tầm. Ở đây, số lượng 16 nghìn không tương đương với con số 16,000! Số lượng người ký tên thu được trên các trang Bauxite Việt Nam chống lại cỗ máy thao túng khổng lồ của “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên văn – ND] liên quan đến công việc sửa đổi Hiến pháp đòi nó phải mang khẩu vị khác cùng những dề đạt cải cách dân chủ, trong việc này, con số 16 nghìn ấy đại diện cho nhiều triệu công dân.

Một trăm không ngang bằng với con số 100! Con số những người tham gia cuộc lễ tưởng niệm các anh hùng Hoàng Sa ngày thứ bảy vừa rồi ở Sài Gòn chẳng là gì hết, tuyệt đối không là gì cả so với số lượng cư dân thành phố này và các vùng phụ cận, không so được với con số những người thực sự muốn tham gia vào việc tưởng niệm ấy. Ở đây không có cái lô gich toán học, mà 100 thì bằng 100,000 nhân lên nhiều lần! Cũng tương tự như vậy ở Hà Nội, kệ cho những người thợ xẻ đá lố bịch và nực cười của “Đảng ta” vào ngày lễ tưởng niệm, trước tượng Lý Thái Tổ sát ngay bên lưỡi gươm huyền thoại rất đáng gờm đối với lũ “4 tốt và 16 chữ vàng”!

Ở nước ngoài, các cộng đồng Việt Nam cùng một vài người bạn bản địa của họ đã khiến cho sự kiện mang đầy vẻ kiêu hùng. Không thể nói được rằng các đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam đã hết sức nỗ lực hỗ trợ họ. Ngược lại hẳn là đúng hơn. Tiếc rằng cộng đồng Việt Nam ở Pháp không phải là cộng đồng thuộc loại tích cực hơn cả. Ngược lại, các bạn ở Đức đã gây được tiếng vang. Đặc biệt là các bạn ở Hamburg lần đầu tiên trước lãnh sự quán Trung Hoa đã cho thấy sự cứng rắn của một dân tộc đoàn kết với những lá cờ vàng và cờ đỏ hòa trộn nhau. Tôi thú thực là mình đã vô cùng kinh ngạc mặc dù năm ngoái tôi từng tham dự một cuộc biểu dương như thế (không có cờ) cùng các bạn ở Münich để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Tàu.

Ác mộng của kẻ xâm lược Tàu và của những kẻ phục vụ cho chúng ở Việt Nam chính là đây: cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc, cuộc hòa giải đích thực, ngay trên đường phố, chứ không chỉ ở trên giấy. Theo ý tôi, với mỗi người Việt Nam yêu nước hôm nay, vấn đề không chỉ là từ bỏ, lòa chống lại hoặc đơn giản chỉ là quên đi quá khứ của mình, của cha ông mình, của gia đình mình, mà là phải có sức mạnh suy nghĩ về thời hiện tại và từ bỏ mọi hằn thù, mọi mưu toan, mọi chửi bới, mọi cách diễn đạt khiêu khích khả dĩ tạo cớ cho sự chia rẽ. Cũng nên tránh nhét chung mọi thứ vào một rọ bằng một lối nói năng dễ dãi và đần độn. Trong cùng một gia đình, cùng một phố, cùng một làng, cùng một cơ quan, cùng một chính đảng, không phải ai ai cũng như nhau, mọi người không suy nghĩ hệt như nhau, mọi người ai ai cũng có thể đổi thay, tiến hóa và suy nghĩ … Ta chớ nên nhét tất cả thiên hạ vào những ô kéo cố định với một tem dán nhãn lên trán! Chúng ta hãy thực sự là những con người dân chủ. Đó là điều phải học, và học chẳng dễ dàng gì. Chính là hành động của chúng ta và chủ yếu là hành động sẽ làm thay đổi những ai còn ngập ngừng, sẽ thúc đẩy sự dấn thân của những ai còn đang sợ hãi, thậm chí sẽ thuyết phục được những ai tuy chưa là kẻ thù nhưng còn đang nhìn ta như là kẻ thù. Phải hành động, trước hết là phải hành động. Tạo ra những mối quan hệ, củng cố chúng, thông tin cho nhau, tìm ra những điểm chung, đưa ra những sáng kiến, làm mọi việc và luôn luôn làm sao cho mọi điều đều sáng tỏ, trung thực, công khai. Chuyện thay đổi phải là một cuộc thi đua thực sự mang tính kết đoàn.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta biết rõ về những ý đó bành trướng của Bắc Kinh và muốn chuẩn bị đối đầu với chúng, thì chúng ta cần tránh những kết luận vội vã, những đánh giá cố định liên quan đến sức mạnh và phạm vi những lực lượng chống lại chúng.

Để kết thúc chuyện này, cho phép tôi đưa ra một thí dụ liên quan đến niềm tin lạc quan của bản thân tôi, cái “niềm tin chiến lược” của tôi [tiếng Việt trong nguyên văn – ND] từng đôi khi lung lay rồi vững vàng trở lại, bằng cách nhắc lại hai sự kiện có thể rất là đúng lúc và cũng thật trái ngược trong cuộc đấu tranh tôi từng tham gia. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tôi cảm thấy một trong hai trải nghiệm kia như là sự không đủ ý chí thay đổi, như là một sự thiếu hứng khởi yêu nước, và ngược lại trải nghiệm kia thì như là một chứng cớ khiến tôi vững lòng và khích lệ của hứng khởi yêu nước ấy. Đó là chuyện về hai bản kiến nghị gửi tới những cơ quan quốc tế có thẩm quyền mà mới đây cũng đã được cho lưu hành trên internet. Kiến nghị thứ nhất do tôi khởi xướng. Các bạn tôi trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông tại Paris dã khởi xướng kiến nghị thứ hai.

Về bản kiến nghị thứ nhất, chắc chắn là tôi không dùng nó làm chuyện cá nhân và tôi biết rõ rằng vì chưa quen, vì nó được khởi xướng bởi một anh Tây tên là “Hồ Cương Quyết”, nên các khó khăn về kỹ thuật lấy chữ ký, những khó khăn về ngôn ngữ, và nỗi sợ bị thu hồi nhằm mục đích xấu, tất cả đều đã hạn chế cho việc thu thập chữ ký. Nhưng biết mình là người bản chất không bi quan, sau những bài viết tiếp nối trên trang Bauxite Việt Nam, trên trang Diễn Đàn, trên BBC tiếng Việt, trên trang Người Lót Gạch, trên trang Ba Sàm và trên vài trang blog khác nữa, việc thu được 900 chữ ký trong hai tháng cho một văn bản tạo đoàn kết và bảo vệ Việt Nam và ngư dân Việt Nam rõ rệt như vậy cho thấy là cả trạng thái tinh thần cũng như trình độ ý thức của người Việt Nam cả ở trong nước cũng như ở kiều bào tại nước ngoài đều chưa bảo đảm đầy đủ.

Ngược lại, sự thất vọng tương đối của tôi đã nhanh chóng tiêu tan sau thành công cực kỳ đặc biệt của lá thư kiến nghị do các bạn ở Quỹ Nghiên cứu Biển Đông tung ra. Thành công thật tuyệt vời! Một minh chứng rõ rệt về tình đoàn kết với mọi lá cờ hòa nhập làm một cùng nhau! Một thông điệp mạnh mẽ, cứng rắn, điềm tĩnh và đầy ý nghĩa đã được tung ra chống lại những kẻ ở Trung Hoa hoặc ở Việt Nam vẫn còn tin là có thể giày xéo lâu hơn nữa các quyền của nhân dân và các quyền của công dân! Tôi hoàn toàn hy vọng rằng lá thư kiến nghị này sẽ được duy trì, nó sẽ tiếp tục thu được cả trăm ngàn chữ ký và mối tình đoàn kết mới mẻ dường như được sinh ra cùng lá thư kiến nghị này sẽ tiếp tục thu được cả trăm ngàn chữ ký nữa, và mối tình đoàn kết mới mẻ dường như được sinh ra cùng với nó sẽ xua tan những hiểu lầm và mở rộng cánh cửa cho những trận chiến hòa bình mới mẻ có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Hoa và cho cả cộng đồng quốc tế.

A. M. H. C. Q.

*****

Hoàng Sa, Trường Sa 'vào sách giáo khoa'

BBC - Thứ năm, 23 tháng 1, 2014

HS_12_bieu_tinh_vi_Hoang_Sa-content

Biểu tình tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa ở Hà Nội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đưa vấn đề chủ quyền Biển Đông vào sách giáo khoa trong trường học các cấp.

Thông báo số 24/TB-VPCP nói đây là kết luận của ông thủ tướng sau buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hôm 30/12/2013.

Trong buổi làm việc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng được nói đã khẳng định phải kỷ niệm các sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và chiến tranh biên giới 1979, vốn bị cho là các chủ đề 'tế nhị'.

Ông Dũng cho hay: "Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa“.

"Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này,” ông được dẫn lời phát biểu.

Tuy nhiên các bản tin về cuộc gặp hôm 30/12 đã bị gỡ bỏ trên báo chí chính thống. Bản tin trên báo điện tử của Chính phủ thì lược bỏ hoàn toàn các chi tiết này.

Nay trong thông báo số 24, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo sớm tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử).

"Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông."

Ông thủ tướng cũng yêu cầu thành lập Trung tâm tư liệu Biển Đông trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ); giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Trung tâm lưu trữ tư liệu quốc gia về biển, đảo trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Đây được cho là các động thái khẳng định chủ quyền quan trọng và giáo dục chủ quyền cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Cuộc hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Trung Quốc năm 1974 làm trên 70 lính thủy Việt Nam thiệt mạng nhưng tới nay vẫn không được nhắc tới trong sách giáo khoa lịch sử.

*****

Cha ông ta tính việc bảo vệ Biển Đông từ cách đây 500 năm

Báo Xuân Đà Nẵng - Thứ Sáu, 24/1/2014

Từ cách đây gần 500 năm, cha ông ta đã tính đến việc phải bảo vệ Biển Đông mới giữ được hòa bình bền vững của đất nước. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) từng có hai câu thơ tương truyền là câu sấm dự báo trước tình hình Biển Đông. Chúng ta không thể dùng vũ lực để đoạt lại phần lãnh thổ bị nước ngoài chiếm đóng mà phải bằng phương pháp phù hợp bởi chúng ta đang sống ở một thế giới văn minh, hiện đại.

Trò chuyện đầu năm Giáp Ngọ với Báo Đà Nẵng, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Minh triết, khẳng định: Ta sẽ dùng biện pháp hòa bình, văn minh trên cơ sở luật pháp quốc tế.

* Thưa ông, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được cho là người nổi tiếng với những câu sấm tiên đoán những việc sẽ xảy ra trong tương lai, và mới đây Trung tâm Minh triết đã tìm thấy hai câu thơ:

Biển Đông vạn dặm giang tay giữ

Đất Việt muôn năm vững thanh bình

Phải chăng từ cách đây gần 500 năm, cha ông ta đã tiên đoán vị trí, vai trò của Biển Đông đối với việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay?

- Gần đây, chúng tôi đã cho công bố hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà chúng tôi cho là một dự báo chiến lược thiên tài. Đây là hai câu thơ được trích từ bài thơ Cự Ngao Đới sơn (Con rùa lớn đội núi), trong Bạch Vân Am thi tập. Nguyên văn chữ nho là:

Vạn lý Đông minh quy bả ác

Ức niên Nam cực điện long bình

Minh là biển, đông minh là Biển Đông. Bả ác là nắm trong bàn tay. Quy là quay về. Ức là 10 vạn. Nam cực là cõi trời Nam. Như cách nói Nam thiên, Nam quốc… cõi trời Nam, đất nước Nam. Chữ điện là vững vàng, như trong chữ điện Kim âu-vững âu vàng, Long là lớn lao; Bình là thanh bình, thịnh trị. Như thế Cụ Trạng Trình đã khẳng định, làm chủ được Biển Đông, thì đất nước sẽ mãi mãi có thanh bình thịnh trị lớn lao. Rõ ràng từ cách đây gần 500 năm, cha ông ta đã tiên đoán vị trí, vai trò của Biển Đông đối với việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

* Thưa ông, việc phát hiện hai câu thơ của Trạng Trình có liên quan đến việc Trung tâm Minh triết khởi phát Chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông”?

- “Minh triết làm chủ Biển Đông” là quan niệm làm chủ dựa trên tâm thức văn minh của thời đại. Tức là biết bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng chủ quyền của các nước khác, hòa bình, thân thiện, biết chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới những chuẩn mực văn minh trong quan hệ quốc tế. Chúng ta phản đối thái độ “làm chủ” bằng cách dùng vũ lực tranh lãnh thổ đã có chủ quyền của nước khác, thái độ bá quyền nước lớn. Còn nói về làm chủ thì chúng ta phải biết nâng cao năng lực, ý chí, trình độ trên cả bốn phương diện: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; phát triển kinh tế biển; nâng cao trình độ khoa học về biển; hình thành văn hóa biển. Có được như thế thì mới muôn năm vững thanh bình thịnh trị. Vì thế, chúng tôi gọi câu thơ của Trạng Trình là một dự báo chiến lược thiên tài. Với nhận thức như thế, trong một hội nghị chuyên gia tư vấn vào ngày 31-8-2012, chúng tôi đã khởi động “Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông”.

* Thưa giáo sư, đây có phải là phương pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta hiện nay?

- Cần phải khẳng định cuộc đánh chiếm Hoàng Sa do Trung Quốc gây ra năm 1974 và chiếm giữ, lập căn cứ, công trình trên đó 40 năm qua là phi pháp, vô đạo. Theo tâm thức thời đại thì phải gọi đó là man rợ. Vì công ước quốc tế đã nghiêm cấm dùng vũ lực cưỡng đoạt trong tranh chấp lãnh thổ. Cách xử sự theo lối đế quốc chủ nghĩa nay đã lỗi thời và bị lên án. Bây giờ là thế giới văn minh hiện đại, không thể dùng vũ lực để chiếm lại lãnh thổ đã bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Chúng ta phải dùng biện pháp ngoại giao hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chẳng hạn, chúng ta đã chủ trương và tuyên bố đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải biết kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đối với lý lẽ của ta trên cơ sở luật pháp quốc tế là mặt mà ta đang có lợi thế. Trước hết ta cần phải phát huy tốt nội lực trên 4 lĩnh vực mà tôi đã nói trên. Chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông” nhằm mục đích cổ vũ, tôn vinh, khuyến khích các hoạt động này. Hơn một năm triển khai chương trình, chúng tôi đã tuyên truyền về hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tổ chức tôn vinh hơn 60 tác giả có công trình nghiên cứu, sáng kiến hỗ trợ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi cũng đã tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bức thư pháp viết hai câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm vì đánh giá cao lời tuyên bố về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII vào ngày 25-11-2011, cũng như một số hành động nhằm tăng cường sức mạnh của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền.

* Thưa ông, vậy những tư liệu, bản đồ (do nước ngoài xuất bản, trong đó có cả Trung Quốc) khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam mà thành phố Đà Nẵng sưu tầm được có giá trị gì cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta?

- Trong cuộc đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như lãnh thổ nói chung, tư liệu, bản đồ, chứng cứ lịch sử khẳng định quyền thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam, cũng như những cơ sở pháp lý khác là rất quan trọng. Tôi đánh giá cao giá trị của những tư liệu, bản đồ xuất bản từ trước năm 1974 trở về trước khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam mà Đà Nẵng tổ chức sưu tầm được. Đây là chứng cứ lịch sử quan trọng cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Cần phải tiếp tục vừa phải sưu tầm, hệ thống, lưu giữ, vừa tổ chức quảng bá trong nhân dân, trong dư luận quốc tế những tư liệu đó. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu phân tích phê phán, phản bác những cái gọi là “chứng cứ” của đối phương. Phải xây dựng cho được lực lượng dồi dào cho công tác này.

Năm nay chúng ta sẽ đứng trước sự kiện 40 năm mất Hoàng Sa. Tuổi trẻ hãy tích cực nâng cao nhận thức về Hoàng Sa với chủ đề Tôi biết Hoàng Sa là của Việt Nam. Các ban tuyên giáo, các nhà trường, các báo đài, cơ quan, tổ chức thông tấn, các nhà nghiên cứu… hãy cùng và giúp tuổi trẻ tìm hiểu các nội dung: Địa lý Hoàng Sa, chứng cứ lịch sử và pháp lý về quyền thụ đắc của Việt Nam đối với Hoàng Sa, bác bỏ những luận điệu và hành động sai trái của phía Trung quốc...

Cảm ơn nhà báo đã cùng có cuộc trò chuyện nghiêm túc và bổ ích.

"…Đà Nẵng vừa có rừng, đặc biệt là vùng biển rộng lớn có từ ngàn xưa như Hoàng Sa… Đây là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước phải luôn luôn nhớ lời dặn trong Sắc dụ của vua Lê Thánh Tông năm 1473: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di…”. Lời vua dặn tuy từ năm 1473, đã hằng mấy trăm năm, con cháu ngày nay phải giữ gìn bằng được."

(Trích cảm tưởng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi trong sổ lưu niệm Bảo tàng Đà Nẵng ngày 24-2-2013 khi tham quan các tư liệu, bản đồ khẳng định Hoàng Sa thuộc Việt Nam do thành phố Đà Nẵng tổ chức sưu tầm)

SƠN TRUNG (thực hiện)

*****

Hoàng Sa trong những đổi chác của Kissinger

Nguyentandung.org - Thứ bảy, 25/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Việc thất thủ Hoàng Sa là hậu quả của những đổi chác giữa Mỹ và Trung Quốc, mà chủ súy chính là cố vấn Henry Kissinger.

Chính sách của Mỹ trước trào Nixon, tức trước Kissinger, hoàn toàn khác. Còn từ “trào Kissinger” trở đi là trái nghịch hoàn toàn, thậm chí cả các đồng minh Đài Loan và Nhật Bản cũng “nếm mùi” ông này.

Nếu biết rằng vào ngày 24-4-1965, tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson đã ký chỉ thị hành pháp số 11216 (Executive Order 11216) đặt Việt Nam và toàn thể khu vực Hoàng Sa và Trường Sa “trong vùng chiến sự”, thì có thể thấy việc chín năm sau Kissinger và Richard Nixon “buông” Hoàng Sa là một sự bội phản không chỉ với Việt Nam mà cả với các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.

Hoàng Sa trong “vùng chiến sự”

Tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ (FRUS, 1955-1957 – Volume III, China, Document 186) cho biết hôm chủ nhật 10-6-1956, tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn báo cáo việc Bộ Ngoại giao VNCH báo động với tòa đại sứ Mỹ rằng “Chicom (quân Trung Cộng, cách gọi lúc đó của VNCH và Mỹ cùng đồng minh) đổ bộ lên đảo Robert (đảo Hữu Nhật)”, căn cứ trên báo cáo của trạm khí tượng của VNCH trên đảo Pattle (tức đảo Hoàng Sa) trong quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

HS_13_dao_Huu_Nhat-content

Đảo Hữu Nhật

Trong cuộc họp sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bảo các cộng sự của mình xem xét khả năng viện dẫn hiệp định kết thúc chiến tranh với Nhật Bản, theo đó Hoa Kỳ có quyền hạn và trách nhiệm kế thừa đối với tất cả lãnh thổ Nhật chiếm đóng trước kia. Ông cũng chỉ thị xem xét khả năng đơn phương ra tay hành động chiếu theo tinh thần điều 8 hiệp ước SEATO (Liên phòng Đông Nam Á), theo đó Mỹ có nhiệm vụ phòng thủ khu vực này, một khi máy bay thám thính của hạm đội 7 xác nhận nguồn tin từ phía Sài Gòn, và sau khi đã thăm dò đánh giá tính hiệu quả của biện pháp đề ra.

Ngày hôm sau, thứ hai 11-6-1956, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tiếp bức điện Deptel 4021 cho tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và tại Đài Loan, cho biết “Các lực lượng khả dụng của Mỹ trong khu vực sẽ đơn phương hành động buộc Trung Cộng rút lui sau khi đã cảnh cáo”, đồng thời yêu cầu “cố đạt đến một thỏa thuận hành động hỗn hợp lực lượng giữa Trung Hoa Dân Quốc và Sài Gòn”.

Trong thời gian đó, hạm đội 7 phái hai tuần dương hạm và một số máy bay thám thính đến khu vực Hoàng Sa thực hiện các cuộc thám thính trên biển, trên không và cả trên bộ ở đảo Hữu Nhật trong hai ngày 12 và 13-6. Trong bức điện sau đó gửi CINCPAC (bộ chỉ huy trung tâm), phó đô đốc Ingersoll, tư lệnh hạm đội 7 kiêm tư lệnh bộ chỉ huy lực lượng Mỹ phòng vệ Đài Loan, loan báo các kết quả thám thính:

“Thay đổi duy nhất ở Hoàng Sa trong mấy tháng qua chỉ là việc Trung Cộng tăng người lên đảo Woody (Phú Lâm)… Hoạt động của họ hầu như chỉ là thu gom phân chim. Không thấy binh sĩ hay vũ khí”. Và ông kết luận: “Trong những điều kiện trên, hiện chưa đến lúc Mỹ phải quét sạch bọn Trung Cộng ra khỏi đảo Phú Lâm. Một nỗ lực chung giữa Đài Loan và (Nam) Việt Nam cũng không tiện…”.

Câu chuyện trên cho thấy vào năm 1956 đó, dưới trào Tổng thống Dwight D. Eisenhower, Mỹ khẩn trương đáp ứng bảo vệ Hoàng Sa, thậm chí còn thoáng có ý định tổ chức cho Đài Loan và Sài Gòn cùng phối hợp đuổi Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa!

Tạm lấy mốc chín năm sau, lập trường của Mỹ về Hoàng Sa vẫn không thay đổi, thậm chí mạnh mẽ hơn qua việc Tổng thống Johnson ký chỉ thị hành pháp số 11216 đặt Việt Nam và toàn thể khu vực Hoàng Sa và Trường Sa “trong vùng chiến sự”, khiến Trung Quốc tức điên lên.

Đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan là Wang đã gặp đại sứ Mỹ Cabot tại Ba Lan để phản kháng. Đại sứ Cabot sau đó đã đánh điện báo cáo lại Bộ Ngoại giao: “Wang nói là đã được lệnh phản đối mạnh mẽ chỉ thị hành pháp ngày 24-4 của tổng thống bao gồm đảo Hoàng Sa trong vùng biển chiến sự. Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ đây… Tôi đã bác bỏ những khiếu nại của Wang về đảo Hoàng Sa”.

Không chỉ đại sứ họ Wang này mà một đại sứ cùng họ Wang khác thay thế vào tháng 7 sau đó đã đưa ra vô số khiếu nại và đều nhận được cái lắc đầu của đại sứ Cabot. Đơn giản vì Hoàng Sa là của Việt Nam, đang do VNCH quản lý.

Và Kissinger xuất hiện

Chín năm sau, Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974 và Nhà Trắng ra thông cáo trong bức điện mang mã số 1974STATE012641_b, đề ngày thứ bảy 19-1-1974: “Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… Chúng tôi không rõ vụ đụng độ này đã nổ ra trong hoàn cảnh nào. Lực lượng quân sự Mỹ không dính dự vào vụ này…”.

Một thái độ hoàn toàn khác với trước kia!

Chẳng qua do “vua đi đêm” Kissinger (cách gọi của báo chí Sài Gòn) đã quân sư cho Tổng thống Nixon, kế vị Tổng thống Johnson từ 20-1-1969, bắt tay với Trung Quốc để đối trọng với Liên Xô lúc đó đang căng thẳng với Trung Quốc, và tìm một lối ra khỏi Việt Nam trong danh dự.

Trong các vụ “đi đêm” đó, Kissinger đã lần lượt “biếu” Trung Quốc những món quà sau để đổi lấy chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2-1972: ngày 10-6-1971, Nhà Trắng loan báo chấm dứt lệnh cấm vận thương mại Trung Quốc kéo dài 21 năm; ngày 28-7-1971, Chính phủ Mỹ loan báo ngưng việc thu thập tin tức tình báo về Trung Quốc; ngày 2-8-1971, Ngoại trưởng Roger loan báo Mỹ sẽ thôi chống lại việc Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc, song sẽ không bỏ phiếu trục xuất Đài Loan…

Về phần mình, nhật báo Hồng Kỳ cũng hôm 2-8 đó giải thích rằng việc Trung Quốc mở ra với Mỹ là do Trung Quốc phải liên minh với “kẻ thù bậc hai” là Mỹ, để cô lập và tấn kích “kẻ thù bậc nhất” là Liên Xô. Trung Quốc lúc đó rất muốn “ẩu đả” với Liên Xô, thậm chí hôm 21-4 trước đó Nhân Dân Nhật Báo đăng bài xã luận kêu gọi lật đổ chính quyền Xô viết, khiến lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev lên án chiến dịch chống Liên Xô này của Trung Quốc.

Song món quà thượng hạng mà Kissinger biếu Bắc Kinh là chuyến bay đến Bắc Kinh hôm 20-10-1971 và lưu lại tại đó. Đến 25-10, ở New York, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết mời Đài Loan ra, Trung Quốc bước vô thay thế. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc lúc đó là George Bush (bố) than rằng việc Kissinger có mặt tại Bắc Kinh trong thời điểm đó đã ngáng trở các nỗ lực của Mỹ nhằm giữ ghế cho Đài Loan.

Những đổi chác qua lại đó đã đưa Nixon sang Trung Quốc “đi tour bảy ngày” Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải từ 21 đến 28-2-1972, mà đỉnh cao là Thông cáo chung Thượng Hải (Sino-U.S. relations, PBS.org).

Nixon từ Trung Quốc về được một tháng thì Bắc Kinh bắt đầu phản kháng về Hoàng Sa, song lần này phản ứng của Mỹ khác trước.

Bức thư của Chính phủ Mỹ gửi Chính phủ CHNDTQ (được lưu trong FRUS volume XVII, số 219) không ghi ngày tháng, phúc đáp việc Trung Quốc phản kháng việc tàu chiến Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa: “Phía Mỹ đã tiến hành điều tra toàn diện các sự cố mà phía Trung Quốc đã lưu ý hôm 24-3-1972… Vì lợi ích của quan hệ Mỹ – Trung, phía Mỹ đã ra chỉ thị (cho tàu bè, tàu bay của mình) từ nay giữ khoảng cách tối thiểu 12 hải lý với các đảo Hoàng Sa…”.

Tuy vẫn bảo rằng quyết định này không can dự gì đến các tranh chấp lãnh thổ ở Hoàng Sa, song khi hứa tránh xa 12 hải lý đã là thừa nhận lãnh hải của Trung Quốc ở Hoàng Sa rồi. Bức thư này chẳng qua là một văn bản phản ánh nội dung cuộc trao đổi giữa Hoàng Hoa – đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc – với Kissinger hôm 12-4-1972 ở New York, qua đó Hoàng Hoa yêu cầu Mỹ giữ khoảng cách 12 hải lý ở Hoàng Sa, và Kissinger đã hứa miệng (FRUS, Document 220. Memorandum of Conversation).

Thái độ này của Mỹ năm 1972 khác hẳn trước kia dưới trào Tổng thống Johnson, Kennedy và Eisenhower. Nguyên nhân? Hoàng Sa chỉ là một trong những “vật đổi chác” của Kissinger, thậm chí rất nhỏ! Tỉ như so với Đài Loan mà nay tờ Want China Times 29-11-2013 đã tiết lộ rằng tháng 1-1974, Tưởng Giới Thạch đã phải lần đầu tiên để cho hạm đội Đông Hải đi qua eo biển Đài Loan kể từ 25 năm qua khi Quốc Dân đảng tháo chạy về Đài Loan.

Hạm đội Đông Hải đi qua eo biển này để đổ xuống Hoàng Sa cho nhanh, thay vì đi vòng sau lưng Đài Loan như trước. Biết sao bây giờ, Tưởng Giới Thạch giữ thân mình còn chưa xong, làm sao cứu bồ đồng minh Nguyễn Văn Thiệu được!

Có gì biếu nấy: Senkaku cũng muốn biếu!

Biếu xén Bắc Kinh đã trở thành một thói quen mới của Kissinger. Ngày 31-1-1974, tức 12 ngày sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Kissinger (lúc này đã thôn tính luôn ghế ngoại trưởng) họp với các thuộc cấp ở Bộ Ngoại giao.

Biên bản phiên họp đó còn ghi rằng sau khi Hummel, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á, báo cáo tình hình ở Hoàng Sa đã xong xuôi, không còn bất cứ hoạt động quân sự nào nữa và các nước trong khu vực từ Nhật Bản đến Philippines và VNCH đều đang âu lo, đặc biệt VNCH đã đổ bộ 200 binh sĩ lên Trường Sa, thì Kissinger chợt hỏi: “Liệu có thể thúc họ hướng đến đảo Senkaku được không?”.

Trợ lý Hummel ngớ cả người: “Xin ngài thứ lỗi, nghe chưa rõ ạ?”. Kissinger lặp lại: “Liệu chúng ta có thể thúc họ đến Senkaku được không?”. Trợ lý Hummel vẫn chưa hiểu ra: “Thúc ai ạ?”. Kissinger tỉnh bơ trả lời: “Thúc CHNDTH”.

Trợ lý Hummel lúc này tỉnh ra, hỏi vặn: “Ngài có chắc là chúng ta muốn làm điều đó không?”. Kissinger quả quyết: “Thì để dạy dỗ người Nhật”. Không nhất trí, Hummel hỏi vặn lại thẳng thừng: “Tôi cũng hiểu rằng chúng ta cần dạy dỗ người Nhật, song với cái giá đó thì có đáng hay không?”. Đến đây, Kissinger “chém vè”: “Không, không” (Minutes of the Secretary of State ‘s Staff Meeting Washington, January 31, 1974).

Chẳng qua Kissinger lúc đó đang hậm hực Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka vì ông này không chịu nhượng bộ thương mại với Mỹ. Nếu nhớ rằng mới năm 1972, Mỹ đã trao trả lại đảo Senkaku cho Nhật, thì việc Kissinger đòi thúc Trung Quốc “quậy” Nhật ở Senkaku năm 1974 quả là…!

Biếu cả thiên hạ chưa đủ, năm 2005, cố vấn cao cấp Công ty dầu hỏa CNOOC Kissinger còn định biếu cả dầu hỏa Mỹ cho Trung Quốc khi chỉ đường cho công ty này mua lại Công ty dầu hỏa Unocal của Mỹ, song cuối cùng bị Quốc hội Mỹ ngăn trở. Bởi thế Trung Quốc mới thỉnh Kissinger sang Bắc Kinh để mừng thượng thọ 90 tuổi.

(Tuổi Trẻ)

*****

Trên 15,000 ngàn chữ ký vì Hoàng Sa gởi đến Liên Hiệp Quốc

Nguyentandung.org - Chủ nhật, 26/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Chỉ trong vòng một tuần lễ, đã có 15,588 người từ nhiều nơi trên thế giới ký tên vào lá thư gởi cho Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lá thư được gởi đi trưa 24/01/2014 từ Paris, nhằm nhắc nhở trước thế giới Hoàng Sa là của Việt Nam, và kêu gọi đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế.


Từ sáng kiến của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và nhóm Biển Đông tại Pháp đã cùng soạn thảo lá thư và vận động thu thập chữ ký. Lá thư nhắc lại sự kiện lịch sử bi hùng ngày 19 và 20/01/1974, quân Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến ác liệt với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thượng tôn luật pháp quốc tế, tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

HS_14_thu_gui_LHQ-content

Các lá thư gởi đến Liên Hiệp Quốc. Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - Nhóm Biển Đông tại Pháp

Chỉ trong khoảng hơn một tuần lễ, đã có 15,588 chữ ký của đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi ở trong và ngoài nước, chứng tỏ sự đồng lòng của những người yêu công lý đối với vấn đề Hoàng Sa. Đó là tiếng nói của các nhân sĩ trí thức và những người lao động, những cựu quân nhân cả hai miền Nam Bắc, các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau trên mọi miền đất nước Việt Nam cũng như từ nhiều châu lục.

Trong lá thư cám ơn đề ngày hôm nay, những người khởi xướng viết: “15,558 chữ ký là 15,558 tiếng nói yêu thương cho Hoàng Sa, 15,558 bông hoa cho những người đã, đang và sẽ hy sinh để bảo vệ lẽ phải và những quyền chính đáng của mình, là 15,558 cái siết tay vì công lý và hòa bình, 15.558 lời phản kháng cường quyền và bạo lực…Chúng tôi xin tri ân 15,558 lần và hơn thế nữa những tấm lòng ấy”.

Thư cảm ơn nhấn mạnh: “Trên con đường giành lại công lý cho Hoàng Sa, mặc dù rất dài và gian nan, chúng ta không còn đơn độc”.

Thụy My (RFI)

*****

Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974

Bill Hayton - Gửi từ Naypyidaw, Myanmar

Cập nhật: 13:14 GMT - chủ nhật, 2 tháng 2, 2014

Nhân kỉ niệm lần thứ 40 vừa qua, đã có hàng loạt các bài báo viết về trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 và lòng dũng cảm của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy vậy, lại có ít thảo luận về điều thực sự diễn ra trong trận chiến.

HS_15_chien_ahi_Nhat_Tao-content

Hộ tống hạm HQ-10 Nhựt Tảo

Trong hàng thập niên, nó vẫn được giữ kín, nhưng gần đây một vài cựu binh đã viết hoặc kể lại câu chuyện của mình. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã công bố một vài tư liệu quan trọng từ kho lưu trữ. Gộp lại những thông tin đó, chúng kể ta nghe câu chuyện về những cá nhân anh hùng bị làm hại bởi kế hoạch tác chiến kém, lãnh đạo tệ hại, và lực lượng không cân sức.

Tháng 1/1974 là quãng thời gian rất khó khăn cho Nam Việt Nam. Lệnh ngừng bắn, được thiết lập sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, đã sụp đổ, buộc chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt. Sự kiện ở mấy mỏm đá ngoài khơi cách Đà Nẵng 350 dặm không phải là ưu tiên. Quân lính canh gác Hoàng Sa cũng không có đủ nguồn lực lẫn chiến lược đúng đắn để tự bảo vệ.

Vào thứ Hai 14/1, một tàu thủy của VNCH phát hiện hai tàu hải quân Trung Quốc đang thả neo gần đảo Hữu Nhật (Robert), thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa do Nam Việt Nam chiếm giữ. Chỉ quen với việc đóng quân trên đất liền, quân VNCH đột nhiên phải đối diện với nguy cơ chiến đấu trên biển. Ngay ngày hôm sau, 15/1, tổng thống Thiệu đã trực tiếp đến thăm hải quân tại Đà Nẵng.

Hôm đó, Jerry Scott từ lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đề nghị Tư lệnh Hải quân vùng I duyên hải và là bạn tốt của mình, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cho phép Gerald Kosh, một nhân viên dưới quyền, được lên tàu đi Hoàng Sa.

Ông Thoại nhanh chóng đồng ý‎ và Kosh đã có mặt trên tàu HQ-16. Con tàu này là một trong bảy chiếc tàu tuần tra bờ biển cũ của Hoa Kỳ giao lại cho VNCH đầu những năm 1970. Mặc dù ra đời từ thời Thế chiến Đệ nhị, loại tàu này được trang bị những khẩu súng cỡ nòng lên tới 5 inch (127mm), tốt nhất trong cả lực lượng hải quân của VNCH. Kosh sau đó đã viết một bản tường trình dài về trận chiến mà hiện đã được phép công bố.

Ngày hôm sau, 16/1, HQ-16 đưa 16 lính Biệt Hải của VNCH đến bảo vệ đảo Hữu Nhật. Nhưng quân Trung Quốc đã có mặt trên đảo Duy Mộng (Drummond) và đảo Quang Hòa (Duncan) với lực lượng hỗ trợ ở gần đó. Tất cả những thông tin này đều được khẩn báo về Đà Nẵng.

Ở sở chỉ huy đã có sự hoang mang. Tham mưu phó Hải quân Đỗ Kiểm, người có cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ hải quân VNCH, đã đề nghị phải phản ứng nhanh và kiên quyết. “Nếu chúng ta hàng động bây giờ thì có thể lấy lại được đảo,” ông Kiểm nhớ lại lời ông nói với tư lệnh hải quân, Đề đốc Trần Văn Chơn. Thay vì thế, theo lời ông Kiểm, ông Chơn đã yêu cầu phải có bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo đó. Mấy giờ sau ông Kiểm đã phải tìm trong thư viện hải quân và phòng lưu trữ chỉ để tìm các tài liệu.

Vào ngày thứ Năm, 17/1, 15 lính Biệt Hải đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Money). Trong 7 hòn đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, lúc đó 3 được quân VNCH chiếm giữ và 2 nằm trong tay quân Trung Quốc. Thêm 3 tàu được vội vàng điều tới Hoàng Sa: HQ-5 (tàu tuần tra bờ biển cũ của Mỹ), HQ-4 (tàu khu trục USS Forster cũ, được trang bị súng cỡ nòng 3 inch) và HQ-10 (tàu quét thủy lôi cũ USS Serene của Hoa Kỳ, được cải biên thành tàu tuần tra).

Vào sáng thứ Sáu ngày 18/1, tất cả 4 con tàu trên đã có mặt tại Hoàng Sa. Chỉ huy đội tàu, Thuyền trưởng Hà Văn Ngạc, quyết định thể hiện sức mạnh bằng cách cho lực lượng đổ bộ xuống đảo Quang Hòa. Nhưng hai tàu hộ tống Trung Quốc đã được điều động đến đó và ông Ngạc phải hủy kế hoạch. Quân Trung Quốc thắng hiệp 1.

Vào tối thứ Sáu, mật tin đã được gửi cho ông Ngạc từ Đà Nẵng. Một mệnh lệnh rất kì quặc: tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Ông Ngạc quyết định đổ bộ vào sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 19/1. Vào lúc 8.29, khi đội lính đi vào đảo, quân Trung Quốc nổ súng, làm một lính VNCH thiệt mạng. Người thứ hai bị giết hại khi cố lấy lại xác đồng đội. Quân thủy đánh bộ VNCH phải rút lui.

Ông Ngạc liên lạc về để tìm mệnh lệnh. Trong trụ sở Hải Quân VNCH ở Sài Gòn, Đỗ Kiểm chạy đi tìm Đề đốc Chơn. Ông ta biến mất. Một trợ l‎ý bảo rằng ông Chơn đã ra sân bay để chuẩn bị đi Đà Nẵng. Ông Kiểm gọi cho phó của ông Chơn ở Đà Nẵng. Ông ta cũng biến mất, để ra sân bay đón ông Chơn. Ngay tại thời điểm mà số phận của Hoàng Sa đang ngàn cân treo sợi tóc, hai lãnh đạo tối cao của Hải Quân VNCH đều mất tích. Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng.

"Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. "

Vào lúc 10.29, hai giờ sau khi hai lính thủy đánh bộ bị giết hại, 4 tàu của phía Việt Nam nổ súng vào 6 tàu Trung Quốc.

Thật không may, súng trên tàu HQ-4 lại bị hỏng và con tàu nhanh chóng bị trúng đạn bởi một trong hai tàu hộ tống Trung Quốc. HQ-5 đã bắn trúng và làm hư hỏng nặng tàu hộ tống còn lại, nhưng rốt cuộc nó cũng bị trúng đạn. Mười lăm phút sau, HQ-5 vô tình đâm trúng tàu HQ-16. HQ-16 bị mất kiểm soát nguồn điện và bị nghiêng 20 độ. Sau đó tàu HQ-5 lại bị trúng đạn, hỏng mất tháp pháo và hệ thống radio. Cuối cùng, tàu HQ-10 nhỏ nhất đoàn, bị trúng tên lửa của quân Trung Quốc khiến cho đài chỉ huy bị phá hủy và thuyền trưởng thiệt mạng.

Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, mặc dù đã làm hư hỏng nặng hai tàu của Trung Quốc, đội tàu của VNCH hầu như đã mất khả năng chiến đấu. HQ-10 bị chìm còn ba chiếc còn lại lê lết về được Đà Nẵng.

Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa.

Nhà báo Bill Hayton, làm việc ở BBC, là tác giả cuốn Vietnam: Rising Dragon (2010). Tác phẩm mới của ông về tranh chấp Biển Đông, The South China Sea - dangerous ground, sẽ được xuất bản năm nay bởi NXB Đại học Yale.

TRẢ LỜI CỦA ỦY BAN HOÀNG SA

Chúng tôi vừa đọc được bài báo của ông Bill Hayton, viết về đề tài “Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974”gửi từ Naypyidaw, Myanmar 2/2/2014. Thực ra, trong thời gian vừa qua, nhân lễ tưởng niệm 40 năm Hải Chiến, các mạng trong nước, dẫn đầu bởi mạng Nguyentandung.org, đã có nhiều bài viết về trận Hải Chiến Hoàng Sa, phần lớn lấy từ quốc ngoại, một số từ quốc nội với những bài phỏng vấn các chiến sĩ Hải Quân tham dự trận Hoàng Sa còn ở Việt Nam. Năm 2013, nhân cơ hội có một phái đoàn từ Sài Gòn qua Hoa Kỳ nghiên cứu về Chủ quyền Biển đảo, tôi có tặng cho họ cuốn sách về Hải Chiến Hoàng Sa. Nói chung, họ rất tích cực và cũng cũng khá dè dặt khi đề cập đến các chi tiết về trận Hải Chiến Hoàng Sa.

Về bài viết của nhà báo Bill Haydon, tôi xin nêu ra 3 điểm mà tôi cho rằng không được khách quan cũng như dựa vào các nguồn tin không chính xác:

1) Trận chiến Hoàng Sa là một thảm họa: Nhà báo Bill Haydon viết: Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa. Trong lịch sữ dựng nước và giữ nước của dân tộc chúng tôi, đã nhiều lần phải quyết định chiến đấu, mất đất, mất biển trước kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Nhiều khi chúng tôi đã hy sinh đến người cuối cùng và chưa bao giờ xem đó như là một thảm họa. Nếu chúng tôi không lấy lại được Hoàng Sa trong thế hệ này thì con cháu chúng tôi sẽ nối tiếp truyền thống của cha ông để dành lại mảnh đất cha ông để lại.

2) Vai trò của Bộ Tư Lệnh Hải Quân trong trận Hải Chiến Hoàng Sa: Theo chổ tôi được biết, ông Haydon đã dựa vào cuốn sách ĐT Đỗ Kiểm viết bằng tiếng Anh phổ biến trong thời gian vừa qua. Trong những lần trần tình với các niên trưởng Hải Quân, ĐT Kiểm cho biết trong cuốn sách đã có những chi tiết không đúng sự thật. Ông ấy viết chỉ vì nhu cầu cá nhân chứ không phải để hoàn thành một sữ liệu. Sự thật thì ngày 16/1/2014, Tổng thống Thiệu, trong chuyến thăm viếng khẩn cấp tại Đà Nẵng, đã chính thức bằng giấy viết, ra lệnh cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải được toàn quyền hành động, kể cả vũ lực để trục xuất Trung Cộng ra khỏi Hoàng Sa. Tối 18/1, các chiến hạm HQ/VNCH rút ra khỏi vùng lòng chảo Hoàng Sa để chuẩn bị cho cuộc đối đầu có thể xảy ra vào ngày mai. Ngày 19/1, khoảng 10 sáng, trước tình hình bất lợi cho HQ/VNCH, Đại tá Hà Văn Ngạc, sau khi thảo luận và được sự chấp thuận của Phó Đề Đốc Thoại, cấp chỉ huy trực tiếp của Đại tá Ngạc trên phương diện hành quân và Phó Đề Đốc Thoại là người chỉ định Đại tá Ngạc làm Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật (Officer in Tactical Command) đã cho lệnh khai hỏa và mở máy âm thoại để Đô Đốc Thoại có thể theo dỏi được trận đánh. Thành thử BTL/Hải Quân cũng như BTL/Hạm Đội, không có vai trò gì trong trận đánh, chỉ giữ vai trò yễm trợ, tiếp vận và theo dõi diễn tiến trận chiến mà thôi.

3) Vinh danh các chiến sĩ Hải Quân tham dự trận Hải Chiến Hoàng Sa: Ông Haydon viết: Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng”.Khi quyết định khai hỏa, Đại tá Ngạc, các Hạm trưởng và Thủy thủ đoàn, các anh em Người Nhái và Biệt Hải không ai nghĩ rằng mình sẽ trở về để được quàng vòng hoa chiến thắng. Họ đã chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ quê hương. Cho đến bây giờ, các Hạm trưởng và Thủy thủ đoàn còn sống vẫn còn mang những dằn vặt vì nghĩ rằng không làm tròn nhiệm vụ của mình. Ông Haydon, dù rằng với dụng ý gì chăng nữa, đã xúc phạm đến anh linh những người lính VNCH đã chiến đấu để bảo vệ quê hương của mình.

MẠNG THAM KHẢO:

nguyentandung.org

bauxitevn@gmail.com

bolapquechoa@blogspot.com

Hồng Thủy + Trần Công Trục + Trung Quốc

Thanh Niên Online

Đất Việt Online

Tuổi Trẻ Online

Saigontiepthi.com.vn

Đà Nẵng Online

Petrotimes

Người Việt Online

Lao Động Online

Đàn Chim Việt Online

BBC - RFA - VOA - RFI

File: ITN-012414-VN-CT-Tuong niem 40 năm Hai chien Hoang Sa-Phan III-Ky IX.doc

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

www.tranhchapbiendong.com

Tu chỉnh: 3 tháng 2 năm 2014



.

.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.