Hôm nay,  

Đọc Tác Phẩm “những Lời Giảng Dạy Của Chúa Giêsu”

16/11/200000:00:00(Xem: 5752)
* Tác giả: Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh, nguyên GS Đại Học Văn Khoa Sàigòn
* Người đọc: Trần Phong Vũ

Trước hết, phải nói rằng đây là một tác phẩm lớn: lớn về cả hai phương diện hình thức lẫn nội dung. Xét về hình thức, cuốn sách được trình bày đẹp, trang nhã, với 402 trang in trên khổ giấy 8 rưỡi x 5 rưỡi, với ba khổ chữ (khổ 11 dành cho phần trình thuật của soạn giả, khổ 10 dành cho phần trích dẫn quan trọng được trình bày lui vào bên trong một khoảng, và khổ 9 dùng cho những chú thích ở cuối trang). Bìa 5 màu, tráng láng với tấm hình Chúa Giêsu mang biểu tượng người mục tử nhân lành đang săn sóc, bảo bọc đoàn chiên của Ngài. Bìa sau trích thuật một số tư tưởng cốt lõi trong tác phẩm.

Đi sâu vào nội dung, không kể Lời Giới Thiệu của Lm Trần Phúc Nhân, Giáo Sư Thánh Kinh, Cố vấn Bộ Phụng Tự Tòa Thánh, Lời Tựa của tác giả, phần Thư Mục và Mục Lục, tác phẩm được gói ghém trong 12 chương mà qua lời tâm tình của tác giả trong cuốn băng được gửi ra từ quốc nội, Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh mệnh danh là 12 thúng hoa thơm quả ngọt ông lượm lặt trong khu vườn Phúc âm bao la bát ngát để cống hiến cho những ai muốn học hỏi về Chúa Giêsu. Xuyên suốt 12 chương sách, tác giả lần lượt trình bày 12 chủ đề cốt lõi chứa đựng trong ba Phúc âm nhất lãm và Phúc âm Thánh Gioan. Đó là: Chúa Giêsu Loan Báo Triều Đại Thiên Chúa Đã Tới Gần; Bài Giảng Trên Núi - Các Mối Phúc Thật; Chúa Giêsu Và Luật Môi Se; Chúa Giêsu Và Cha Ngài; Chúa Giêsu Và Việc Cầu Nguyện; Chúa Giêsu Và Điều Răn Yêu Người; Chúa Giêsu Và Người Tội Lỗi; Chúa Giêsu Nói Về Sự Sống Đời Đời; Chúa Giêsu Nói Về Bánh Hằng Sống; Chúa Giêsu Và Màu Nhiệm Ba Ngôi; Chúa Giêsu Và Các Môn Đệ; cuối cùng là Lời Từ Biệt Và Lời Cầu Nguyện Tư Tế Của Chúa Giêsu.

Trong phần nhận định sau đây, chúng tôi chỉ xin giới hạn vào 4 chương mà theo chủ quan, người đọc nghĩ rằng nó gói ghém được khá đầy đủ giá trị nội dung tác phẩm. Chúng tôi muốn nói tới chương II với Bài Giảng Trên Núi, các chương VI, chương VII nói về Chúa Giêsu Và Điều Răn Yêu Người, Chúa Giêsu Và Người Tội Lỗi, và chương IX Chúa Giêsu nói về Bánh hằng Sống.

Điều cần nhấn mạnh là ngoài những viện dẫn cốt yếu trong Tân ước, từ đầu tới cuối sách, tác giả đã vận dụng tối đa kiến thức của ông cùng những gì ông đọc được xuyên qua các tác phẩm thời danh của các bậc trí giả, các nhà thần học để làm sáng lên những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Hầu như trong mỗi trang sách, người đọc đều bắt gặp những suy tư đầy xác tín của người viết kèm theo những chứng từ giá trị của nhiều tác giả chuyên đề về cuộc đời cùng những lời giảng dạy của Ngôi Hai Thiên Chúa. Tỉ dụ như nơi chương II, trước khi đi sâu vào nội dung từng mối phúc trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, tiến sĩ Trần Thái Đỉnh đã nêu lên những nhận định tổng quát với phần trích dẫn lời tuyên xưng của Reuss trong tác phẩm La vie et l'enseignement de Jésus-Christ Notre Seigneur của Lm Dòng Tên Jules Lebreton. Câu trích dẫn đó ở trang 45 như sau: "Bài giảng này chứa đựng một kho tàng quý giá khôn sánh về khôn ngoan và đạo đức, và ở mọi thời đại nó xứng đáng được coi là viên ngọc quý trong số các lời giảng dạy của Chúa được ghi lại trong các cuốn Phúc âm: không một dòng chữ nào, không một từ nào mà không mang dấu ấn của chính lời Chúa nói, của chân lý tuyệt đối, của sự suy nghĩ cao siêu và tâm tình khả kính của Ngài.....Không một lời nào của Ngài mà không trở thành một châm ngôn, một ngạn ngữ cho mọi thời đại".

Nơi chương VI đề cập Chúa Giêsu và Điều Răn Yêu Người, bên cạnh phần dẫn giải chủ quan không thiếu xác tín của riêng mình, tác giả đã viện dẫn rất nhiều chứng liệu rút trong cuốn Jésus-Christ, sa vie, sa doctrine, son oeuvre của một Lm Dòng Tên khác là Cha Ferdinand Prat. Trang 193, ông viết: "bản tuyên xưng đức tin của Do Thái giáo chỉ có vế thứ nhất là hãy yêu mến Thiên Chúa, còn vế thứ hai, yêu thương đồng loại thì được ghi trong sách Lê Vi, và người Do Thái hiểu người đồng loại là người đồng hương. Và chính Chúa Giêsu đã mang lại một nội dung hoàn toàn mới mẻ cho từ 'đồng loại' qua dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu. Về điểm này Lm Ferdinand Prat đã có nhận định sâu sắc và vững vàng như sau: Chúa Giêsu là người đầu tiên đã mang lại giá trị đích thực cho từ 'đồng loại'. Ngài cũng là người đầu tiên coi mến Chúa và yêu người là hai mặt của cùng một điều răn".

Mở qua trang 199, tác giả đã noi gương Giáo Chủ Gioan Phaolô II khi ngài công khai lên tiếng xin lỗi về những sai lầm của Giáo hội Công giáo trong quá khứ, để can đảm nhìn nhận những khuyết điểm nội bộ làm sai lạc khuôn mặt từ ái, bệnh đỡ kẻ khó nghèo theo Tin Mừng của Đấng Cứu Thế. Tiếp theo phần trích thuật những lời nhắc nhở của Lm Jules Lebreton: "Người ta cũng nên nhớ rằng, trong Giáo hội của Chúa Giêsu, các chức vụ cao nhất đều chỉ là những dịch vụ, và Đức Giáo Hoàng thường tự xưng là đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa", Giáo Sư Trần Thái Đỉnh viết: "Ước chi đây không phải chỉ là những mỹ tự suông! Lịch sử Giáo hội cho thấy, do hoàn cảnh đun đẩy, trong hơn kém 10 thế kỷ, các vị Giáo hoàng đã trở thành một thứ hoàng đế của Châu Âu, và các Giám mục thì trở thành những lãnh chúa đầy quyền uy và sang giàu. Trong những thời gian đó, thật khó mà nhận ra khuôn mặt của Giáo Hội Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành. Và ngày nay cũng vậy, nếu người ta thấy Giáo hội không ưu tiên dành tình thương cho những người nghèo, những người 'phận hèn', mà có vẻ như một số vị lãnh đạo Giáo hội lại lưu tâm quá nhiều đến nhà lầu xe hơi, xây các nhà thờ lộng lẫy v.v. thì phải chăng chúng ta đã lãng quên bài học yêu thương của Chúa Giêsu khi Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ, cho các 'đầy tớ' của Ngài":

Mở đầu chương VII là chương bàn về cung cách của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi, sau khi nhận định là: Thái độ và cách cư xử của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi khác xa thái độ của các vị Giáo chủ các tôn giáo khác, khác cả thái độ của các tiên tri trong Cựu ước, tác giả đã trưng dẫn một câu trong tác phẩm Jésus, L'histoire vraie của Jean Potin như sau: "Ngài đã hoàn toàn đổi mới so với các tiên tri. Ngài ít để ý đến tội lỗi của người ta, nhưng tìm cách thân cận với người tội lỗi để giúp họ hoán cải và thái độ của Ngài đã lập tức gây ngạc nhiên và nên cớ cho người ta chống đối". Tiếp đó, tác giả nhận định thêm: "Ngày nay, thấm nhuần lời dạy của Chúa, chúng ta nói: phải ghét tội lỗi nhưng không ghét kẻ tội lỗi, trái lại phải thương xót họ. Bởi vì họ là những người đáng thương". Với cái nhìn cao và xa hơn khi nhận định về lòng thương vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi, nơi trang 215, Giáo Sư Đỉnh đã trích thuật một đoạn trong tác phẩm La doctrine spirituelle de l'évangile của Chevignard như sau: "Chúng ta phải luôn luôn nhìn Chúa Giêsu dưới ánh sáng của mạc khải: Ngài đã đến trong thế gian vì các tội nhân. Lòng thương xót của Ngài không phải là một nét nhỏ, một tình cảm mờ nhạt. Trái lại, lòng thương xót của con Thiên Chúa làm người là nét nổi bật nơi trái tim của Ngài, là nguyên lý của sự nhập thể và của tình thương thập giá".

Mở qua trang 217, trước khi trích Phúc âm thánh Luca đoạn 7 từ câu 36 đến câu 50 thuật lại trường hợp Chúa nhận lời dùng bữa trong nhà người thu thuế và tại đây một phu nữ tội lỗi đã dùng tóc, nước mắt và dầu thơm để lau chân Chúa, tác giả đã dẫn một đoạn khác trong cuốn Jésus, l'histoire vraie của Jean Potin như sau: "Cách giảng dạy và lối cư xử của Chúa Giêsu đã mang lại cho họ một con đường cứu rỗi khác. Do Thái giáo đã cột chặt họ lại, hoặc do quy định xã hội như trường hợp các người thu thuế hoặc một số nghề nghiệp bị quy kết là không trong sạch như trường hợp những người gái điếm. Thánh Luca đã thuật lại trường hợp đầy ý nghĩa về sức thu hút của Chúa Giêsu đối với những phụ nữ loại này, những phụ nữ bị cả xã hội lẫn tôn giáo xua đuổi. Câu chuyện gặp gỡ giữa Ngài và người phụ nữ tội lỗi đã làm nên một trong những trang đẹp nhất của Phúc âm". Những trang cuối chương VII, tác giả đã trưng dẫn nhiều dụ ngôn của Chúa Giêsu để nói lên lòng thương xót vô biên của Ngài đối với những người tội lỗi, những kẻ lầm đường lạc lối. Ông nhấn mạnh: "Nếu chúng ta là đứa con hoang đàng, chúng ta hãy nhìn lên Cha trên trời, hãy nhớ Ngài là Cha vô cùng nhân từ và đầy lòng thương xót, hãy nhớ hình ảnh người cha trong dụ ngôn. Ngài đang mong chờ chúng ta trở về. Hãy quyết tâm như người con hoang đàng: 'Tôi sẽ về nhà cha tôi'. Đó cũng là quyết tâm của David, khi hối hận ăn năn về những tội lỗi của mình".

Nơi chương IX trình bày những lời Chúa Giêsu nói về Bánh Sự Sống, tác giả đã đặc biệt nhấn mạnh tới Phúc âm thứ bốn của thánh sử Gioan. Sau khi lập lại trình thuật của thánh Gioan về ý định lập bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, từ những lời tuyên bố mạnh mẽ của Ngài khiến nhiều người cho là chói tai và bỏ đi tới giây phút Chúa long trọng trao ban chính mình và máu thánh Ngài cho các môn đệ qua tấm bánh đã thánh hiến, đồng thời truyền cho họ lập lại bí tích này trên bàn thờ qua các thế hệ, tác giả nhấn mạnh tới mối liên hệ mật thiết giữa hành vi có tính biểu tượng của Chúa Giêsu với cái chết đau thương của Ngài trên bàn thờ thập giá. Nơi trang 301, chúng ta đọc được những lời lẽ sau đây của tác giả: "Giáo hội đã có lý để kết hiệp hy lễ trên bàn thờ và hy lễ trên núi Sọ. Bởi vì cả khi biến tấm bánh trở nên mình Ngài và biến rượu trở nên máu Ngài, Chúa Giêsu đều hướng về hy lễ của Ngài trên núi Sọ hôm sau"

Trước khi trích dẫn ở trang 304 một câu trong cuốn The New Dictionary of Theology của Lm Dòng Tên Raymond Moloney là "Trong bí tích rất thánh này có chứa đựng Mình và Máu Chúa Kitô cách thật sự, cách hiện thực và cách bản thể, cùng với linh hồn và thần tính của Chúa Kitô, và như vậy là có Chúa Kitô trọn vẹn" nơi trang 302 Giáo sư Trần Thái Đỉnh cũng đã lập lại lời của Lm Jules Lebreton như sau: "Ngược dòng lịch sử Kitô giáo đến ngọn nguồn, người ta thấy niềm tin của Giáo hội hiện ra trong sự vững vàng sáng sủa, một niềm tin mà Giáo hội giữ vững đến ngày nay. Giáo hội nghe lời Chúa Kitô dạy và Giáo hội đã tin cách đơn sơ, cách trung thành và trọn vẹn. Đúng như thánh Hilariô, vị thánh tiến sĩ vĩ đại chúng ta đã viết: Không nên nói những sự thuộc về Thiên Chúa theo lối người phàm. Chúng ta phải hiểu những gì chúng ta đọc, và như vậy chúng ta sẽ chu toàn bổn phận của niềm tin". Cùng một cách nhìn và cách suy nghĩ ấy, Giáo sư Tiến sĩ họ Trần viết: "Sau nghi thức thánh hiến bánh và rượu trên bàn thờ, vị Lm xướng lên rằng: Đây Là Màu Nhiệm Đức Tin....Vì đây là một màu nhiệm và là một màu nhiệm đức tin, cho nên không có vấn đề chứng minh sự biến thể này, mà chỉ có vấn đề niềm tin. Như một nhà thần học đã viết: Không có vấn đề 'chứng minh' việc bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu Chúa Kitô. Lý do để chúng ta tin màu nhiệm này là sự kiện hiện thực niềm tin của Giáo hội từ ngàn đời'. Chúng ta tin vì Chúa nói như thế và vì Giáo hội tin như thế ngay từ hồi đầu các thánh Tông đồ".

Ngoài việc giúp nâng cao trình độ hiểu biết về Lời Chúa của người tín hữu Công giáo, tác phẩm này còn có tác dụng như một chứng từ quan trọng giúp cho những người ngoài Giáo hội nhận ra giá trị giáo lý của Chúa Giêsu đúng như kỳ vọng được ký thác trong cuốn băng ghi âm tác giả gửi ra từ quốc nội mà chúng ta vừa nghe ít phút trước đây. Tôi xin phép lập lại như sau: "....Tôi nghĩ đến những thức giả ngoài CG muốn tìm hiểu giáo lý Kitô cho nên đã viết cuốn sách này vừa như sách đạo vừa như một tác phẩm văn hóa, hầu giúp các bạn đó tìm hiểu một tôn giáo lớn, và nhất là tiếp cận được với bốn cuốn Phúc âm Tân ước vốn là tinh túy của bộ Thánh Kinh, cuốn sách vĩ đại và tuyệt diệu nhất của lịch sử nhân loại".

Sau hết, người đọc không thể bỏ qua giá trị thời sự của tác phẩm quan trọng này. Trong Lời Tựa, tác giả đã nhấn mạnh tới sứ mạng Thiên Sai của Con Thiên Chúa làm người để đem lại Tin Vui và Hy Vọng cho muôn dân qua mọi thời đại. Từ đấy, ông xác tín rằng những lời giảng dạy của Chúa Giêsu sẽ là giải đáp giá trị và duy nhất cho những nan đề của thế giới ngày nay. Sau khi vẽ lại cái bối cảnh bi đát của xã hội mà chúng ta đang sống, một xã hội phơi bày những hiện tượng nghiêng lệch thê thảm giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, đạo đức, tác giả viết: "Chúng tôi tin rằng: Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời, vẫn là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Lời giảng dạy của Ngài vẫn là Tin Mừng cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành" trong đời sống.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.