Hôm nay,  

Bạn Bè Còn Sót Lại

25/11/200800:00:00(Xem: 333667)

BẠN BÈ CÒN SÓT LẠI

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2464-16208541-v8231108

Phạm hoàng Chương là một huynh trưởng trong số các tác giả Viết Về Nước Mỹ, dã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải thường ngay từ những năm đầu. Trước 1975, ông là một nhà giáo tại Việt Nam. Vượt biên, định cư tại Mỹ, ông đi học và trở lại nghề giáo. Sau nhiều năm dạy tại các trường trung học ở Nam Bắc Caliofornia, hiện nay, ông Chương đã về hưu. Sau đây là bài viét mới nhất cjủa ông.

***
Trong một tháng, liên tiếp tôi được tin hai người bạn cũ qua đời, một ở Sacramento, một ở Việt Nam. Phước, bạn học cũ hồi lớp Nhứt trường Nam tiểu học Phan Rang, đã về hưu, chết vì ung thư gan. Lộc, 68 tuổi, tai biến mạch máu não ở Phan Rang. Hai bạn đều hiền lành, vui vẻ, có với tôi rất nhiều kỉ niệm ấu thơ ở quê nhà. Coi hình Lộc qua Internet do bạn bè gửi, tóc bạc trắng xóa như ông tiên, mà giựt mình thảng thốt. Mới có mấy năm không gặp lại, thấy Lộc già hẳn đi và lạ hoắc. Mới năm nào về thăm quê nhà, nghe Lộc còn làm cố vấn kỹ thuật cho hãng rượu nho quốc doanh. Hai đứa đi ăn phở, uống cà phê, hàn huyên tâm sự, dúi vào tay Lộc tờ 100 đô với bao ân tình. Mới đó thôi, bây giờ đã ra người thiên cổ.
Năm nay tôi cũng sắp 65 tới nơi rồi. Thấy bạn bè xấp xỉ ngang tuổi lần lượt lăn ra chết mà giựt mình nao núng, tự hỏi bao giờ tới phiên mình. Tuấn, anh bạn giỏi tử vi ở Saigon, cứ nhắc đi nhắc lại, " anh đừng lo, tôi cam đoan anh sống tới 93 tuổi (!) Mệnh anh có Tham lang, Tràng sinh đồng cung ở Dần, thêm lộc tồn, phượng các, thiên mã, mà cung Phúc thì Tử phủ vũ tướng, quang quí, tứ linh, khoa quyền lộc, quá sức tốt. Mệnh anh lại có đủ cả 3 vòng trường sinh, thái tuế, lộc tồn, rất là hiếm có." Vẫn biết số minh đại thọ, nhưng chỉ mong sống ngoài 80 là đủ. Sống lâu mà ngồi xe lăn hay nằm một chỗ cũng như không. Cổ nhân nói, "Thất thập cổ lai hy", xưa nay sống tới 70 rất là hy hữu. Bây giờ, y khoa tiến bộ, cho tăng thêm 10 năm đi, "bát thập cổ lai hy". Vậy mà mới đây, thầy Cung giũ Nguyên dạy mình Pháp văn năm đệ nhứt C, qua đời ở Nha Trang, thọ tới những 100 tuổi. Thật là có một không hai trên đời. Nhờ thầy phân tích kỹ thuật xử dụng yếu tố âm nhạc, vần điệu nhịp ba của Lamartine (ông tổ trường phái Lãng mạn của văn học Pháp) trong các truyện tình của ông, mà sau này cách viết của tôi bị ảnh hưởng sâu đậm. Trong tất cả bà con, thày giáo, láng giềng, sư cụ, những người tôi quen, chưa có ai được thọ và ra đi an lành như thày. Thời gian đưa đẩy, đôn con người từ đứa bé con lên hàng anh chị, cô chú, cha mẹ, ông bà, cụ cố, rồi từ từ đưa tiễn về bên kia thế giới. Tuổi già thui thủi một bóng, xa con cháu, nhiều đêm ngồi nghĩ lại bùi ngùi nhớ đến những bạn bè đã đi qua cuộc đời mình, kẻ còn người mất, nhiều người không biết ở phương trời nào và cuộc sống ra sao, không biết có còn thấy mặt lại trước khi chết không.
Cung Nô bộc tôi có Tả hữu, nên có vô số bạn bè đủ mọi giới. Thân cư Thiên di, Mệnh có Thiên mã, nên đi sống nhiều nơi, và bạn bè cũng ở nhiều nơi khác nhau, trong nước, ngoài nước, về già vẫn tiếp tục lai rai có thêm bạn mới, có điều Nô bộc có các sao Cô, quả và Đại hao nên không ở gần ai lâu và ít bạn tri kỷ. Bạn thân thời tiểu học, đặc biệt có Lê hữu Phúc, anh họ cùng tuổi, ở chung nhà, học cùng lớp suốt 6 năm liền. Đúng là tên ứng với người. Sinh ra để hưởng phúc, hưởng mọi sự an lành tốt đẹp. Sau khi đậu Tú tài 2, Phúc đi Pháp học 10 năm, lấy bằng tiến sĩ, về nước có sẵn nhà ở Saigon do cha mẹ xây cất, dạy Đại học khoa học Saigon một mạch từ 1972 cho đến nay. Vợ Phúc cũng tốt nghiệp bên Pháp về, làm cho một hãng Pháp ở Saigon. Phúc mới về hưu, năm ngoái đang nghỉ mát với vợ con ở Vũng tàu bị stroke thình lình phải vô nhà thương nằm, may mà cứu kịp, thoát chết, hai đứa vẫn thường email liên lạc nhau.
 Kế đến là Huỳnh Chấn, hơn tôi 5 tuổi, học luôn luôn đứng nhứt lớp, hiện 2 vợ chồng ở Oakland, 3 con 5 cháu, quanh quẩn ở nhà, ít dám lái xe đi xa. Chấn là tấm gương của sự chịu khó tay trắng làm nên, sự trong sạch ngay thẳng cho tôi noi theo, từ con nhà nghèo trở thành triệu phú lẫy lừng ở Chợ lớn trước 75, bị đánh tư sản mại bản, mất hết tài sản, bị ép đi kinh tế mới rồi trốn về Saigon tìm cách đưa hết vợ con vượt biên qua đảo, rồi sang Mỹ. Chấn đã từ chối trợ cấp xã hội AFDC, không muốn mang nợ những người Mỹ đóng thuế phải gián tiếp nuôi mình, vợ chồng khẳng khái nai lưng đi làm nuôi ba đứa con thành tài, có nhà cửa riêng , rồi bây giờ nhàn nhã an hưởng tuổi già. Hai đứa vẫn thỉnh thoảng gọi phone vui vẻ liên lạc hỏi thăm nhau. Bảy mươi tuổi, tất cả 7 anh chị em đều chết hết, Chấn vẫn cười nói sang sảng, lạc quan. Tôi nghĩ anh chàng sống tới hơn 80 là ít.
Rồi tới Trần Khanh, cao ráo đẹp trai, hơn tôi hai tuổi, cũng thông minh hoc giỏi, lanh lợi, nhưng số phần hẩm hiu hơn. Ở lại Việtnam, 2 vợ chồng sống chật chội trong căn nhà nhỏ ở Phan Rang, quanh quẩn với ba cái computer cũ cho con nit trong xóm tới chơi game thu bạc cắc, đưa đón mấy đứa cháu nội đi học. Khanh hay than có 2 đứa con trai thông minh học giỏi, một đứa đi Đức tu nghiệp, làm chánh Sở Khoa học, mà làm lương ba cọc ba đồng. "Lỗi tại Khanh chứ ai", tôi nói. Năm 1980, tôi đã mấy lần thuyết phục Khanh cho 1 đứa con theo tôi vượt biên tìm tương lai, mà hai vợ chồng đều sợ hãi, lắc đầu không dám.
Khanh có người cha tập kết ra Bắc xưa kia, lấy vợ khác, đảng viên CS đã về hưu, nên tuy cấp bậc chuẩn úy VNCH mà khỏi đi học cải tạo ngày nào, có lẽ vì sợ liên lụy tới cha mà không dám cho con đi chăng. Hay tại không có đủ tiền mà ngại. Hay tại sợ con chết trên biển. Sau khi tôi đi lọt, Khanh cũng còn một dịp may nữa: có một chủ ghe mang ơn Khanh, cho cả gia dinh đi theo "free", mà cũng từ chối, bỏ qua, bây giờ người ta đi lọt qua Mỹ, con cái họ ăn nên làm ra, tiền bạc phe phẩy, về nước ghé thăm, thì ngồi tiếc hùi hụi, than thở tiếc nuối thì đã muộn. Lỗi tại Khanh. Làm cha, có học, mà không nhìn xa thấy rộng và gan dạ như mình. Sai một ly, đi một dặm. Khi còn trẻ, có cơ hội, lại ngại chuyện mạo hiểm phiêu lưu, bây giờ già yếu bệnh hoạn, cuộc sống khó khăn, thì còn làm gì được nữa, đâm ra nghĩ ngợi, buồn phiền, rầu rĩ suốt ngày. Ray rứt ngày đêm trong lòng, vì tại mình "ngu" mà hại đời con. Đời người ngắn, dịp may không tới hai lần, phải biết đoán trước thời cơ, nắm bắt cơ hội cho con cái được mở mày mở mặt. Lần nào về nước tôi cũng ghé thăm, giúp đỡ chút tiền cho Khanh, và mới đây, xin giúp thầy chùa trên núi nơi tôi qui y hồi còn trẻ, cho Khanh một lô đất chôn cất, lo việc hậu sự gia đình vợ con, gần bên khu đất an nghỉ của dòng tộc tôi. Tôi bảo Khanh, "ngoài 60, mình phải bắt đầu nghĩ đến cái chết, nó đến bất cứ lúc nào, nên lo tìm đất là vừa, đừng để gánh nặng cho con cái phải lo". Khi thày trù trì bằng lòng, Khanh mừng rỡ tươi hẳn nét mặt, cảm động lắm, cảm ơn tôi không ngớt. Đât cát khan hiếm, thời buổi này nhà nước xây lò, khuyến khích thiêu xác, ít tiền muốn chôn đâu phải chuyện dễ. Thấy hai con mắt Khanh sáng lên vui mừng, sốt sắng nhanh nhẩu tới lui dọn dẹp sửa sang, thuê người đào huyệt cho khu đất, tôi cũng thầm tự an ủi đã giúp được một chút gì cho bạn cũ trong lúc gần đất xa trời. Đâu còn một Trần Khanh cao dong dỏng, lực lưỡng, đẹp trai nhất trường hồi đó, hai mắt to đen lấp lánh sáng, tương lai đầy hứa hẹn của những năm đệ tứ, đệ tam xưa kia. Bây giờ chỉ còn là một ông già hay bị cao máu, tiểu đường, uể oải mệt nhọc, đi đứng chậm chạp.
Rồi tới Trần bá Lang, bạn năm lớp Nhất, tánh tình vui vẻ chất phác, nhờ đi cải tạo 3 năm mà được qua Mỹ diện H.O, hiện sống ở Wesminster với con, hai đứa vẫn gặp gỡ luôn trong các buổi họp mặt thân hữu đồng hương. Sau cùng là Phước, em họ của Chấn, vừa mới qua đời ở Sacramento, cũng là bạn cùng lớp với Chấn và Lang.
Bạn cũ thời trung học đệ nhứt cấp, nhiều bạn trai gái còn sống ở Phan Rang, một số khác qua được Mỹ, Úc, sớm hay trễ, bằng nhiều cách khác nhau: vượt biên, H.O, con cái bảo lãnh, đoàn tụ gia đình... Có nhiều bạn đã chết trong cuộc chiến, như Dễ, Chính(đại úy), Trần văn Một(sĩ quan Việt cọng), Hồ kỳ Vân(đại úy nha sĩ), Hồ xuân Liên(trung úy), Thi (đại úy), Bùi hữu Kiệt (thiếu tá sư đòan bộ binh), Tạ duy Quí (thiếu tá phi công)...  Trong số này có Trần văn Một là thân nhứt, suốt mấy năm liền tới nhà tôi chơi, ăn ngủ học hành như anh em ruột trong nhà. Cha mẹ Một là VC, nên xong tú tài 2, ra trường Võ bị Thủ đức xong thì Một cũng tự nhiên biến mất, té ra trở thành sĩ quan bên VC. Khi tôi mang lon chuẩn úy làm trong Trung tâm hành quân tiểu khu Ninh thuận năm 69 thì tự nhiên bị cấp trên nghi làm tình báo, đẩy ra lại ngoài chiến đấu. Tôi thắc mắc mãi, mãi sau 75, một bác cấp tỉnh ủy bạn học cũ với mẹ tôi mới cho biết chuyện đó. Trong túi Một, trước khi bị quân VNCH bắn chết, họ tìm thấy một lá thư Một viết cho tôi mà chưa gửi. Do đó, tôi bị trung tá tiểu khu trưởng nghi ngờ, đưa ra lại tác chiến là vì thế. Tôi đã sống sót sau chiến tranh, và tốt phước vượt biển qua được đất nước tự do. Còn Một thì hiện giờ, xác chôn nơi nào tôi cũng không được biết.
Những bạn bè nào còn sống, ở lại trong nước thì cuộc sống tầm thường, thanh bạch, đều thành ông bà già xọm, tóc trắng, nét mặt héo hắt già nua, như Lê Thuận, Dũng, Sơ, Quy, Khôi, Khai, Phan thị Minh, Cúc, Niên Trang, Ngô văn Đỉnh. Quy dạy Tóan cùng trường, học cải tạo chung với tôi ở Sông Mao, khi về bị ép đi kinh tế mới, tóc trắng lưng khòm như ông cụ 70, vợ mất sớm, lấy vợ khác nhỏ tuổi, nên nheo nhóc hai ba đứa con. Mỗi lần về, tôi đều xuống thăm giúp đỡ bộn hậu. Đỉnh là thiếu tá Hải quân, xui xẻo học cải tạo thiếu một tháng mới đủ 3 năm, mà tranh đấu mãi cũng không đi diện H.O được. Đen đúa vất vã làm nông chăn bò ở nhá quê, ngóng cổ hy vọng có ngày đổi đời mà không bao giờ tọai nguyện. Luật Mỹ, không có vấn đề thương hại, thiếu một ngày cũng không được. Đúng là con người có số, kém phước thì tuổi trẻ bôn ba, lận đận, hậu vận cũng không ra gì. Ai ra được ngoại quốc thì cuộc sống khá giả, lâu lâu tôi gặp lại, gọi phone thăm, hay nghe tin tức lai rai, như Thái, Tân, Trí ở Pháp, Đào thanh Tâm ở Louisana, Hảo, Phương ở Úc, Chi Nga, Kim Thoa, Nguyễn trung Trinh, Hà công Lý ở San Jose, Lê thị Ngọc ở San Diego, Trần thị Liễu ở Wesminster, Hường ở Florida... Người nào cũng có con cháu kế bên, nhà cửa ổn định, lâu lâu nhớ nhau gọi thăm vài ba câu, chứ đất Mỹ mênh mông, cũng không thể nào lái xe đi hàng trăm dặm mà thăm nhau được.
Trung hoc đệ nhị cấp tôi có nhiều bạn hơn, vì đi học hai ba nơi khác nhau, Phan Rang, Saigon, Nha Trang. Có người bạn rất thân tên Nguyễn văn Thuận, học chung năm đệ nhị C tư thục NVK ở Saigon, làm thông dịch viên cho Mỹ có tiền, hay đưa tôi đi ăn uống, coi phim vào weekends. Lên Đại học Huế tôi vẫn còn liên lạc, vô Đà nẵng thăm, Thuận làm affaire gì ở phi trường lớn lắm mà cứ cam đoan sẽ dư tiền cho tôi qua Mỹ du học. Rồi việc lớn bất thành, tôi đi dạy, bây giờ Thuận lưu lạc nơi đâu, sống chết thế nào, tôi cũng không bao giờ nghe nói đến. Có hai lần sau 1990, tôi về Saigon tìm ghé nhà cũ Thuận hỏi thăm, láng giềng không ai biết. Người Nam, nên Thuận xuề xòa, bình dân, rộng rãi, tốt bụng vô cùng, lớn hơn tôi 9 tuổi mà vui vẻ "ông ông tôi tôi" với tôi như bạn thân ngang tuổi.


Rồi Phạm dục Tú, bằng tuổi, người Bắc, con nhà giàu, nhà lầu 3 tầng ở đường Võ tánh mà tánh tình khiêm tốn, giản dị, tử tế hiếm có. Tú tốt nghiệp kỹ sư Lâm nghiệp, có ra Phan Rang tập sự ghé tôi chơi hoài, rồi sau thì bặt tin, hình như gia đình lo cho đi du học Canada. Rồi, nào Võ Hoàng, Trần đình Vỹ, học chung đệ nhị C ở Nha Trang (cả hai đều chết sớm), Hồ thanh Tâm, Lâm hùng Dũng, Joseph Vĩnh Su, Đoàn Cầu, Trần văn Em, chị em Lã xuân Loan (vợ cố chủ nhiệm báo Nguời Việt Đỗ ngọc Yến), Cẩm Nhung, Quỳnh Chi... vv... 
Tâm , cũng như Hùynh Chấn, là con người có tài và giàu nghị lực hiếm có, cần cù nhẫn nại, hạ mình thích ứng với mọi hòan cảnh không hề nao núng, và đã nuôi con thành công nơi đất Mỹ. Hai đưa học chung 2 năm liền ở Võ tánh, và sau khi lập gia đình, tôi vẫn lên Đalạt thămTâm luôn. Tâm đọc sách nhiều, biện luận chính trị, triết lý sâu sắc, đỗ Cao học Sử địa Saigon, trước 75 là sĩ quan dạy Võ bị Đàlạt, sau bị đi cải tạo rồi mãi đến sau 1990 mới đem được vợ con qua Mỹ theo diện H.O, hiện ở Virginia. Ba con trai Tâm đều thành tài, đi làm lương cao. Hai đứa vẫn gọi phone hay email thăm nhau luôn.
Dũng trước làm đại úy trưởng ty Cảnh sát ở Nha Trang, cha lại là thiếu tá quân đội VNCH, nên đi học cải tạo ngoài Bắc hơn 10 năm, may mà còn sống sót, về làm rẫy, rồi đưa vợ và 2 con trai vừa tuổi đôi mươi theo diện H.O qua Mỹ mới 12 năm nay. Hai con sinh ra vừa lúc Dũng bị đưa ra Bắc học cải tạo nên không có tình cảm sâu đậm và kỷ niệm nào với cha, chỉ thương có mẹ.
Hồi học Võ tánh, Dũng dạy ca múa cho văn nghệ nhà trường, đẹp trai, tánh tình bay bướm, lãng mạn, lăng nhăng vài ba mối tình học trò. Dũng tình cờ bắt được liên lạc với tôi đúng lúc tôi chuẩn bị lên San Jose nhận job dạy học trên đó. Ôi chao là mừng, nhưng tôi mau chóng thất vọng . Tánh tình Dũng thay đổi hẳn sau thời gian ở tù CS dài đằng đẵng quá lâu. Ở Dũng, không còn bản chất văn nghệ thanh nhã, lý tưởng thanh cao của thời học trò các năm 1962, 63 nữa, chỉ còn là ông già 55 tuổi hận đời đen bạc, bất đắc chí với thời thế, chửi CS luôn miệng và ham uống bia, ăn nhậu, cho "lãng quên đời". Không bằng cấp, thiếu nghề chuyên môn, lại lớn tuổi, Dũng phải đi phát giấy quảng cáo từng nhà cho rạp hát, làm vớ vẩn 5 sáu đồng 1 giờ qua ngày, lúc có việc lúc không. Rồi xe cộ hư hỏng, túng thiếu, gia đình không yên. Tôi bỏ bạc ngàn ra giúp Dũng trang trải tiền này, tiền kia, cũng không thấm tháp gì. Sau cùng Dũng phải bay qua Florida sống chung với em ruột, làm cu li cung cấp thức ăn cho phi trường sống qua ngày. Hoàn cảnh của Dũng quá sức tội, tôi lúc đó còn con cái phải lo, còn ở share nhà người ta, muốn giúp cũng không đủ sức cưu mang được bạn thân.
Dũng có 1 bầy em chín đứa. Phong, em kế, cao ráo đẹp trai, đi lính bị pháo kích xé nát tay chân tơi tả, bác sĩ phải nối các ống xương tay chân với nhau bằng bù loong, con ốc để kéo dài mạng sống. Phong rất hiền, rất ngoan, mà phải sống đời tàn phế nhiều năm trước 75, sau đó thì chết vì Mỹ rút về nước, hết đồ phụ tùng ráp nối tay chưn. Cha thì quanh năm đi hành quân, bà mẹ lại đẻ năm một, lúc nào cũng thấy bà và em gái Dũng vất vã xuôi ngược mua bán vì đám con đông trước 75. May sao, nhờ bà dì ruột làm cho USAID Mỹ, nhân lúc chộn rộn tháng 4 /75, khéo tạo hồ sơ con nít mồ côi giả, đưa đám em nhỏ 6 đưa, từ 12 tuổi trở xuống của Dũng, lên máy bay di tản qua Mỹ. Tới Mỹ, được các ông bà Mỹ trắng , Mỹ đen ở khắp các tiểu bang thương hại lãnh đem về nuôi, đổi tên họ, ở tứ tán khắp nơi, anh em mất liên lạc nhau. Ba Dũng đi học tập, rồi chết trong tù. Là con đầu đàn, được đi H.O, Dũng là cái hi vọng duy nhứt của bà già. Trước khi Dũng sang Mỹ, bà ân cần dặn dò, giao cho một sứ mạng trọng đại: làm sao tìm cho racác em nhỏ, gom được hết về một mối, liên lạc với gia đình ở Vietnam, bảo lãnh mẹ sang Mỹ. Hỡi ôi, Dũng tâm sự trong nước mắt, các đứa em giờ đây đã là dân Mỹ hết, tiếng Việt nói lơ lớ, mang máng nhớ ngày xưa có cha mẹ ở Vietnam thật, có một anh Hai tên Dũng thật, nhưng thú thực không đủ tiền lo bảo lãnh cho mẹ sang Mỹ được, phải hỏi ý kiến chồng hay vợ Mỹ, và có lẽ chắc là...  không được rồi . Dũng than:
- Bà già hối thúc biểu mình làm giấy tờ bảo lãnh. Cá nhân mình còn chưa lo nỗi, không nhà không cửa, bữa đói bữa no, vợ con thì hắt hủi, làm sao mà đưa bà già qua đây"
Tôi cũng thở dài, không biết tính sao. Dũng là bạn thân nhứt nhì của tôi thời học đệ nhứt, nhưng gánh nặng gia đình quá nặng. Ngày xưa 2 vợ chồng Dũng thất nghiệp, dẫn đưa con thơ 4 tuổi vô Phan Rang cầu cứu tôi, tôi đã nhờ mẹ tôi cho ở nhờ căn gác của tiệm buôn tạp hóa mấy tháng, ba tôi làm hiệu trưởng bán công, giúp đưa Dũng vào dạy hai lớp Việt văn đệ lục, cô Sáu tôi mướn vợ Dũng đứng bán thuốc tây để 2 người có tiền ra riêng tự lập.
Năm 64, ba tôi mất, tôi ở xa, Phan Rang bị lụt lớn, Dũng cứu đứa em trai út tôi 3 tuổi, súyt chết trôi vì nước cuốn. Năm 72, con tôi chết ở nhà thương Nha Trang, Dũng làm cảnh sát trưởng, lái xe jeep tới chở xác cháu về Phan Rang mai táng. Bây giờ, Dũng lại lâm vào hòan cảnh khốn đốn, vợ con em út hắt hủi, mẹ già kêu réo mong chờ từng ngày ở VN, tôi làm sao giúp được Dũng ở xứ người. Phải chi Dũng có được bản lãnh như Tâm, như Chấn, miột thân một mình chịu khó gầy lại từ đầu. Ở tù 10 năm làm thui chột hết nghị lực của con người Dũng. Sao lại có những hoàn cảnh oái oăm đau lòng như vậy. May mà đa số các em Dũng được đưa qua Mỹ nhờ bà dì lanh trí, thử hỏi, nếu còn kẹt ở Vietnam, một đại gia đình đông con như vậy, làm sao bà cụ lo nỗi, chắc phải kéo nhau lên kinh tế mới, rồi đi đến chỗ chết dần chết mòn, quyên sinh tự tử mà thôi. Đó là chỉ mới có một trường hợp gia đình Dũng mà tôi biết. Ở Vietnam, sau 75, đã có biết bao nhiêu trường hợp như vậy tôi không biết, và họ đã giải quyết ra sao. Sau khi Dũng dọn qua ở nhờ đứa em tên San (may mắn còn độc thân) thi tôi đứt liên lạc với Dũng cho đến hôm nay. Giờ đây có lẽ Dũng đã vào quốc tịch Mỹ, được hưởng tiền già và medicare, nếu còn sống.
Lên đại học, tôi có nhiều bạn có khả năng, bản lãnh, nhưng chơi thân nhứt với Trần đình Sào, sinh viên Văn khoa Huế, bạn võ Karate dưới sự chỉ dạy của Sư huynh Ngô Đồng, sau đỗ vào Quốc gia hành chánh Saigon, ra làm phó quận trưởng ở Huế. Lúc 13 tuổi, Sào có theo người anh vào Phan Rang sống một năm, đi chơi với đám bạn học chúng tôi mấy lần mà chưa có nhân duyên thân nhau. Khi Sào nhắc kỉ niệm đó, tôi hình dung ngay hình dáng cậu học trò bạn của Khôi, Khai, nhút nhát ít nói, đạp xe theo lên Tháp chàm chơi mấy lần. Sào hát hay, võ giỏi, hạp với tôi về mọi lãnh vực, ca nhạc, văn chương, võ thuật... Ở Huế hai đứa đạp xe rong chơi, ăn uống, tán gái, khắp các địa danh nổi tiếng, đấu võ thi tài với các môn phái khác, cuộc đời sinh viên sao mà phóng khoáng, thong dong, tự do.Ở Saigon tôi sống chung nhà với Sào một năm trời khi đổi trường từ Huế vào. Sau 75, với ấn tượng kinh hòang năm Tết Mậu thân còn in trong óc, Sào trốn học cải tạo bỏ Huế vào Vĩnh long, cải danh tánh, lấy vợ, sinh được một đứa con trai, sống ẩn dật mấy năm trời, rồi ngã bệnh chết năm mới 48 tuổi. Lúc được tin Sào mất, tôi vừa lên San jose dạy chưa đầy một năm, tôi thương tiếc Sào ngơ ngẩn mấy tháng trời.
Vĩnh Su, Thân trọng Sơn và Đòan Cầu, là 3 người bạn khác học cùng lớp Đại học sư phạm Huế, thân với tôi nhứt. Su là con người thực tế, trực tính, giáo sư biệt phái như tôi, vượt biên qua Úc từ 80, lấy vợ, có một con, mở nhà hàng. Lâu quá cũng đứt liên lạc, không biết giờ này Su ra sao. Cầu từ Nha Trang dọn vô Saigon làm ăn sau 90, không phải đi lính ngày nào, bản chất lanh lợi, lại nhờ biết 2 tiếng Pháp, Anh trong một xã hội ít người giỏi ngọai ngữ, làm cho nhà nước một thời gian, rồi nhảy qua hãng ngọai quốc, lương cao, đầu tư địa ốc thành công, có villa cho thuê, có tiền gửi 2 con ra nước ngòai học. Ba năm trước tôi về nước, có ghé thăm Cầu, được Cầu dẫn đi khoe ngôi villa 3 tầng khổng lồ đang cho ngọai quốc thuê một nghìn rưỡi một tháng. Còn Sơn thì tình cờ bắt được email tôi qua mấy truyện ngắn tôi viết cho " Viết về nước Mỹ" online và nhóm Việt bút online, Sơn thấy địa chỉ email tôi trong đó.
Liên lạc được với Sơn, bạn hiền cùng lớp 3 năm liền thời Đại học Huế, tôi thấy bớt cô đơn nhiều. Thật là trái đất tròn. Năm 68, tôi đi lính học khóa Thái cực đạo trên Ban mê thuột thì gặp Sơn dạy trên đó. Sơn dạy một trường, ở chung nhà thuê cùng với Bảo Cự . Bảo Cự dạy Việt văn. Cự có tư tưởng thiên tả, chống Mỹ từ thời còn sinh viên. Lúc còn đi học, Cự lập ra nhóm Văn bút Hồng Lĩnh, tôi có tham gia viết một đôi bài. Sau 75, Cự chứng kiến nhiều cảnh bất công xã hội, viết lách kêu gọi nhà nước thay đổi chính sách, thì bị CS trù dập, mới tỉnh ngộ hiểu ra sự thật bối cảnh lịch sử lúc đó, khen 2 bài diễn văn của Obama và MacCaine đều tuyệt vời và đầy phong độ quân tử . Sau 75, Sơn xin đổi về Huế dạy, ở với mẹ. Mẹ chết, Sơn xin trở về dạy Đà lạt, vì cha mẹ vợ để lại cho 2 vợ chồng một ngôi nhà ở đó.
Trước khi vượt biên, tôi có một lần lên chơi Sơn hai ngày, Sơn đưa ra quán Nhà thủy tạ bên Hồ xuân Hương uống cà phê nghe nhạc vàng, ôn nhắc kỉ niệm thời đi học. Có một bạn hiền như Sơn bên cạnh, ôn hòa, ít nói, cái gì cũng nhỏ nhẹ đồng ý với mình, là một hạnh phúc về tinh thần. Con cái đều có gia dình cả ở Saigon, chỉ còn 2 vợ chồng già về hưu, Sơn viết văn làm thơ, dịch thơ Pháp qua Việt văn, nghe nhạc, sống tri túc an phận trên xứ hoa anh đào thơ mộng, không màng lý tới việc đời...
Bạn bè thân tôi còn nhiều nữa, bạn nhà binh, cải tạo, bạn thày tu, bạn văn chương, nhà báo, bạn Mỹ... Cứ một vài năm, rồi đây tôi sẽ tiếp tục nghe tin người này chết, người kia mất, ở Việtnam, ở Pháp, ở Úc, ở Mỹ... Tôi sẽ buồn năm ba ngày, một tháng, mỗi lần mất đi một người bạn cũ. Mỗi người ra đi sẽ mang theo một ít kỉ niệm của tôi thời niên thiếu, lấy đi một phần đời của tôi thời trai trẻ, bỏ tôi lại một mình bên này thế giới, trên xứ người lạnh lẽo khi mùa Đông đến .
Nhân mùa Thanksgiving đang tới, nhìn lá vàng rơi lác đác trên cỏ trước nhà, tôi chạnh lòng cảm ơn Thượng đế dù sao cũng đã cho tôi một tuổi già êm đẹp, phong lưu, nhàn nhã với vợ con đầy đủ, năm mười người bạn thân còn sống chung quanh, rải rác khắp đó đây trên thế giới, để lâu lâu tâm sự, trò chuyện, nhắc lại kỉ niệm thời niên thiếu, để khỏi thấy mình cô đơn, lẻ loi trên trái đất này.
Thời gian sẽ tiếp tục trôi, trái đất sẽ tiếp tục xoay vần, ngày qua ... bóng tối... 70 tuổi, số bạn thân còn lại sẽ ít đi, 75 tuổi, ít đi một chút nữa, 80 tuổi, còn lại một hai người, 85 tuổi, sẽ không còn ai, rồi sẽ đến một ngày nào đó không còn ai ngang tuổi tôi còn sống, sẽ đến phiên tôi, nhắm mắt xuôi tay từ giã cuộc đời này... sinh vào một thế giới khác, Tây phương cực lạc, cung trời Đâu suất, hay có thể phải trở lại hành tinh này không chừng, biết đâu...
PHC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.