Hôm nay,  

Chuyện Lụt Hà Nội: Trời Hành Cơn Lụt Mỗi Năm

19/11/200800:00:00(Xem: 7679)

Chuyện Lụt hà Nội: Trời Hành Cơn Lụt Mỗi Năm

Trần Khải Thanh Thủy
I- Cá rẻ hơn rau:
Có lẽ chưa có trận mưa nào trong lịch sử làm người của tôi lại dai dẳng, khủng khiếp đến vậy. Mừa đổ sầm sập từ 5 giờ sáng, đập vào cửa sổ, hắt nước vào nhà, khiến một người khó ngủ như tôi phải lồm cồm bò dạy, đóng kín cửa kính lại và không làm sao giỗ được giấc ngủ trở lại, trong khi màn hình vi tính vừa kịp loé lên thì điện bị cắt, tắt cái phụt.
6 h sáng tôi lội nước ì oạp đi mua quà sáng cho hai cô con gái để kịp đi học. ăn xong, cả ba bố con đi giày và đeo thêm hai túi ni lon vào hai bàn chân buộc túm lại rồi mới lên xe ra khỏi nhà, dù trời vẫn mưa tầm tã. Ngồi cố thủ trong nhà, trong khi tất cả chìm trong bóng tối, tôi buông tiếng thở dài rồi gọi điện thoại khắp nơi, buôn dưa lê cho qua ngày, chờ điện sáng. Cô bé ở cùng một buồng giam trong trại tù B14 với tôi năm ngoái, năn nỉ:
 - Cô ơi cháu buồn qúa, cô đến nhà cháu đi, cháu vừa mổ xong nên chưa đi xe được cô ạ,
Ngay từ ngày còn trong trại, thấy cô bé có biểu hiện hay đau bụng dưới. Tháng nào cũng phải mặc áo tù, chịu xích tay, đi bệnh viện, rồi uống kháng sinh liều cao liên tục, tôi đoán cô bé đã bị viêm phần phụ, nhất là thời kỳ đầu vào sống một mình một phòng, không ai hướng dẫn cách lọc nước nên cô bé, chỉ dùng nước giếng khoan, ô nhiễm nặng, nên cổ tử cung đã bị ảnh hưởng. Nước là mầm sống nước cũng là mầm bệnh, mầm chết... may mà còn chịu được đến ngày ra tù.
Một ngày tù nghìn thu ở ngoài. Lần đầu vào trại, nhìn gương mặt hiền lành của cô bé, ngồi tỉ mẩn xé túi ni lon, kéo ra thành sợi nhỏ li ti rồi chập lại  như sợi cước để làm dây màn cho tôi, phủ báo lên đình màn, ân cần bảo: "Cháu làm mẫu cho cô một lần, từ mai cô cứ thế mà làm theo, kẻo trong tù nhiều muỗi lắm, mà đèn lại sáng, ai mới vào không quen, không ăn không ngủ được thì chỉ còn nước ốm, chết..." Tôi đã thở hắt ra một hơi nhẹ nhàng: " Xem ra có thể sống được, không đến nỗi bị đầu gấu ăn thịt như trong các trại tù ở Hà Nội"...
 Vì vậy vừa nghe lời chèo kéo, lại đang trong cảnh mất điện, tối om, ngồi nhà chỉ còn nước gặm nhấm tâm hồn mình thành muôn vàn mảnh vỡ, dìm tâm hồn trong buồn tủi, nước mắt tôi quyết định dắt xe ra khỏi nhà...Bình thường giữa cô cháu tôi có biết bao kỷ niệm tinh thần, nào kể chuyện, đọc thơ, ôm nhau cười, ôm nhau khóc, chia nhau từng mẩu ruốc, múi cam, đến mức phải dùng thơ để diễn tả tâm trạng, tình cảm của mình:
 Sống trong bể ngọc kim cương,
Không bằng sống giữa tình thương bạn tù
 Ngày âm u, tháng âm u
Mình ta với bạn tâm tư vơi đầy.
Lẽ nào cô bé vừa thoát khỏi cửa tử, tôi lại không đến...
Vừa kịp xuống nhà, mở cửa, dắt xe ra, tôi đã kinh hãi khi nhìn thấy nước ngập lênh láng trắng xoá trên mặt đường, mặt ngõ, mưa quất xối xả xuống mặt xuống người. Kiểu này đi 15 km chắc...ốm mất. Thông thường, các con đường của
Hà Nội chỉ khoảng vài tiếng sau mưa là ngập, ùn tắc: " Phố biến thành dòng sông uốn quanh, dòng sông nơi em, dòng sông nơi anh, tiếng mưa như thác đổ, sao nước dâng đến thế" Tiếng mưa như tiếng lòng than"* huống hồ mưa suốt từ 5 giờ sáng đến giờ, không biết bao giờ mới tạnh" Nếu cố tình đi thì lúc về thế nào, có về nổi không" 49 năm làm người Hà Nội, tôi đã qúa đủ kinh nghiệm trong những lần bị trời hành như thế này:
 Khi đi nước vẫn bình thường
Khi về nước bỗng ngập đường... ngập xe
Lạnh run người, rét tái tê
Người chen, xe đẩy...não nề tâm can.
 Thế là dù thương cô bé đến thắt ruột, dù muốn thoát cảnh tối mò trong hang đá, tôi đành phải dắt xe quay lại nhà, gọi điện thoại thông báo lý do.
 5 giờ chiều chồng tôi gọi điện thoại về hỏi han mọi chuyện rồi thông báo trường tiểu học Kim Đồng nơi anh dạy, nước đã tràn vào tận các lớp học, mấp mé chân bàn, bục giảng, phòng thể chất nơi anh để đồ dùng giảng dạy có nguy cơ phải chuyển lên tầng 2, nên rất có thể thể ba bố con sẽ về muộn.
Mải miết mong ngóng đi ra đi vào, chờ có điện để làm việc, chờ mưa tạnh để nấu cơm, đi chợ mà mưa vẫn như trút nước, không còn cách nào khác tôi đành  cố thủ trên tầng hai, nằm hát nghêu ngao các bài đã thuộc trong trại tù, hết bài này đến bài khác. Từ: "Ngoài sân giọt mưa đêm thánh thót rơi, trại vắng im lìm, đau xót trong lòng con, ai nức nở thương thầm, ai than van cho kiếp thân lỡ làng". Lại : "Có buồn nào buồn hơn, khi anh vừa ra trại thì em bỏ đi lấy chồng. Buồn ơi, ai cướp mất tin yêu, ai giày xéo lên tim này, cho tim này đẫm máu, cho tim này quặn đau...Rồi: "Con xin mẹ tha thứ cho con, phận làm con chữ hiếu chưa tròn...thân mẹ già không ai phụng dưỡng, nỗi buồn này xé nát tim con..." mà không hề biết rằng nước đã dâng ngập hết cả sàn nhà tầng 1. Tất cả bưởi bòng của bà con đem đến, cùng dày dép, xoong nồi nổi lềnh bềnh khắp nhà. Cả ngăn tủ dưới cùng, đựng quần áo đã ngập trong nước. Nồi cơm điện để ở góc nhà cũng bị nước làm lật nghiêng, 10 ký gạo mua về chưa kịp trút vào thùng còn để trong bao tải tận góc nhà cũng bị dòng nước xâm nhập, trương phình, bợt bạt
8 giờ tối hai bố con mới trở về, ướt lướt thướt, môi tím tái, rét run vì lạnh, đói, nghe tiếng gọi cửa, tôi lò dò bước xuống thì... trời ơi, nước đã lên tận đầu gối, may mà mất điện, nếu không cả một hệ thống ổ cắm, dây dẫn trong nhà bị ngập trong làn nước mưa như thế này thì chỉ còn nước...chết giãy, chết tươi, chết không kịp ngáp vì điện giật, dòng diện truyền trong nước sẽ tăng công suất gấp đôi gấp ba, trở thành cánh tay đắc lực, kinh hoàng của thần chết với tốc độ siêu tốc. Êm dịu hơn cả hành hình trên ghế điện.
Lần mò, sờ soạng, cuối cùng huy động tất cả lượng nến còn ở trong nhà cả nhà xúm lại sơ tán quần áo,sách vở, bản thảo, đồ đạc lên tầng trên, nhiều thứ chỉ ngập trong nước vài tiếng đồng hồ, mà đã mủn ra như cám, ướt nhẹp, hôi rình.
Cô con gái cả, mải vui với bạn, không chen nổi xe buýt để về trong cảnh nước ngập, đường đông, ùn tắc, trời vẫn tiếp tục trút giông, trút gió xuống trần đành phải ở lại nhà bà ngoại.
Hì hục vo, xát muối số gạo vừa kịp ngâm trong dòng nước quái ác, tráng đi tráng lại mấy lần để không bốc mùi cống rãnh, và không bị tào tháo đuổi trong những ngày này, tôi bật bếp ga nấu cơm. Thức ăn cũng chẳng có gì vì chồng tôi rút kinh nghiệm từ bao lần trước, lội nước chen lấn trong lòng đường Hà Nội, ngã xiêu ngã vẹo mỗi khi ô tô rồ ga phóng qua...Cúi xuống đỡ xe, thì cả kính, ví lẫn mũ cặp sách rơi trong dòng nước đục ngầu, lần mò cả nửa ngày trời không được, nên tặc lưỡi, vứt ví ở trường. Còn tôi, ở lì trong hang nên cũng chẳng kịp mua thức ăn. Trong tủ còn mấy quả trứng bỏ ra tráng nốt, so với hồi bao cấp cũng sướng chán ra rồi. ăn xong 9 giờ, cả nhà đóng cửa rút lên gác ngủ. Ì oạp lội nước 4,5 tiếng đồng hồ, tránh đoạn đường này bị tắc thì lại bị kẹt ở đoạn đường khác, nước ngập đến tận yên xe, nên nhiều chỗ xe bị tắt máy, không đi nổi, phải dắt bộ, đánh vật với mưa ngập, đường tắc, nên hai bố con mệt lử, lăn ra ngủ, cả khu tập thể cũng chìm trong giấc ngủ sớm vì mất điện, riêng tôi không sao ngủ được vì tiếng mưa quất ầm ầm vào cửa kính, lại trong cảnh suy nhược căng thẳng thần kinh, càng khó ngủ. Nằm vắt tay lên trán chờ trời sáng, thả hồn đi hoang, nghĩ cơ cực hơn cả thời gian ở tù. Vì trong trại, lãnh đạo và quản giáo vốn sợ các can phạm dễ dàng thủ tiêu nhau trong bóng tối, nên thường dùng máy nổ mỗi khi điện lưới quốc gia bị cắt, còn ở nhà lấy đâu ra máy nổ mà dùng"
... Sáng hôm sau, 1- 11, trời vẫn chưa ngớt, tôi lội nước ì oạp ra chợ, chủ yếu xem thiên hạ sống thế nào sau trận mưa thế kỷ kéo dài suốt 24 giờ đồng hồ, dù trong tay không sẵn đồng tiền( loại tiền tôi có là tiền "phản động" do anh em trong đường dây và bà con Hải ngoại chu cấp, hỗ trợ nên không bao giờ dám để ở nhà, dù chỉ là 1,2 vé) trong khi ví chồng tôi lại vứt ở trường...
Vừa bước chân ra cửa tôi vập mắt vào cảnh cả lũ trẻ choai choai từ 7- 15 tuổi đang hò nhau bắt cá ngay trong lòng ngõ, thoạt đầu nghe tiếng chúng nói: kia kìa, rồi chỗ ấy đấy, ôi giời, chỗ này được hai con liền, tôi nghĩ chỉ là loại cá cờ, rô ron, hay sin sít, chỉ cỡ vài ngón tay, không ngờ đến gần mới biết là toàn cá chép, cá trắm bống, trôi ấn độ, ốcn nào con nấy nặng hơn một ký. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt ngơ ngác nhìn, đứng trân trối như... trời trồng, chúng nhao nhao mời:
- Cô mua cho cháu đi cô, cháu đem vào tận nhà cho.
Tôi buột miệng :
 - Sao cá ở đâu ra mà nhiều thế, chả lẽ trời mưa ra cá à"
 Chúng thi nhau nói:
- Cá ở các ao hồ nuôi trôi ra đấy cô ạ cô mua đi, cháu bán rẻ cho.
Vẫn nghĩ giá cá như mọi khi, 50.000 một kg cá chép, 20.000 một kg cá mè, 40.000 một kg cá trắm bống, v.v tôi ước lượng mỗi đứa phải có cả triệu trong tay, không ngờ chúng nó cười, bảo:
- Cô ơi, ăn cá bây giờ rẻ hơn rau cô ạ, cháu vừa bảo em cháu đem cá ra chợ đổi một con cá lấy một mớ rau mà người ta còn nguây ngẩy không thèm đổi kia.
 Ngỡ nó nói phét một tấc đến giời, tôi bảo:
- Gớm, chả lẽ một mớ rau 40 hay 50 nghìn à, có hoạ... trời sập!
Không ngờ những bà tuổi sồn sồn 50,60 ngồi trong nhà cũng hếch mắt ra đường trò chuyện, bảo:
- Thật đấy cô ạ, rau chìm trong nước hết rồi, một bó rau muống con gái tôi mua 35.000 đồng, trong khi cá của bọn này...nhặt được, nên bán rẻ như cho một mớ rau, đổi được hai ký cá, tội gì không ăn hả cô"
 Qủa là chuyện lạ. Cổ lai hy(xưa nay hiếm)!


Không có tiền, tôi bấm bụng bước đi...Hai bên đường, thay vì các hàng bán rau mọi khi là hàng cá, cơ man nào là cá. Cá bày la liệt trong xô, trong chậu trong xoong, trong rổ, đúng kiểu của người không chuyên. Tiếng rao hàng chào mời ời ời nổi lên:
 - Chị mua cá cho em đi chị. Em bán rẻ bằng nửa mọi khi thôi.
 Vui miệng tôi hỏi:
 - Sao hôm nay lại đổi nghề thế này, tất cả đều đổi mới tư duy rồi a"
 Họ bộc bạch:
- Bình thường chúng em phải đi từ 3 giờ sáng, kiếm mỗi mớ rau vài trăm ngàn đồng, không ngờ đợt này cá ở ao nuôi, sông hồ tràn ra nhiều qúa, các cháu bắt được cả yến, cả tạ, em thấy kiếm được, nên bỏ bán rau, vài hôm, lấy lãi 3.000 một ký cá, ngày cũng được vài trăm bác ạ.
II - Người cười, kẻ khóc:
 Nghe vậy, tôi tán dương :
-  Ôi thế thì thu được cả triệu trong đợt mưa này chứ ít à, đài báo nói phải sau 4 ngày nữa Hà Nội mới hết mưa, hết ngập cơ mà.
 Chị cười xuề xoà:
- Ăn thua gì so với thiên hạ hả bác, ông anh họ em, nhà ở ngay cạnh sông Tô lịch, kéo lưới mỗi ngày được gần tạ, bán đổ bán tháo cho người đi chợ, cũng kiếm cả chục triệu kia, em được một triệu ăn thua gì.
Thấy tôi cứ ngó nghiêng có ý tìm mấy cô hàng rau quen, để mua tạm vài mớ, kẻo bị bệnh tiểu đường, lại viêm đại tràng, máu nhiễm mỡ như tôi, không có rau là không chịu được, chị nhanh nhảu:
 - Rau bây giờ bị bầm rập, thối gốc, nát hết cả cuống lẫn lá, mà cũng chẳng có mà buôn. Bình thường 3.000 đồng một củ xu hào, giờ 10.000 một củ lội khắp làng cũng không có mà bán. Bắp cải hôm nào cũng chỉ bán 8.000 đồng một ký còn sợ ế. Bây giờ 25.000 một ký vẫn có người hỏi mua...
Qua tìm hiểu, tôi được biết cả hai khu vực nội ngoại thành cá tràn ra từ các ao nuôi, hồ đầm của các gia đình nuôi cá nhiều vô kể. Nhà chị Thanh, anh Mạnh, bà Tình ở xã Tiền Quang, huyện Gia Lâm, ngay sau lưng nhà tôi ở, có khoảng gần chục ao nuôi thì cá bơi đi hết. Đau nhất là nhà chị Thanh, cả hai ao, mỗi ao dài, rộng cả mấy km, nuôi tổng cộng 9 tấn, cả chục tỉ đồng trong một đêm trôi sạch cả vốn lẫn lãi, giờ cả nhà đang ngồi ôm nhau khóc. Vợ chồng khóc vì tiếc của tiếc công đã đành, con gái chị vốn lên 9 tuổi, chưa biết gì về cá mú thì tiếc cả tập ảnh của cháu bị ngập trong làn nước, đem phơi mà vẫn nhủn hết, nhiều chiếc chụp từ hồi sinh nhật cháu lúc 2,3 tuổi, anh chị đã cẩn thạn đem ép plattic nhưng nước vẫn ngầm vào được, đem phơi từ tối hôm qua tận gác hai mà không khô, cứ ngồi ti tỉ khóc.
 Cám cảnh lại muốn biết thêm nhiều điều, tôi ùm ụp lội nước đi bộ cả vài km để xuống khu vực xã Tiền quang tìm hiểu sự việc...Cảnh tưởng thật trái ngược với khung cảnh ồn ào vui vẻ của lũ trẻ đi hôi cá, chẳng cần biết số cá ở đâu ra, chúng vui như bắt được của mỗi khi vồ được một chú cá, và hét váng cả một góc khu tập thể, ngược lại, những nhà nuôi cá bị mất thì ngản ngơ tiếc rẻ đến rộc rạc cả người. Tiếng vợ khóc, con than, chồng quát gắt ỏm tỏi. Bà mẹ già ngoài 70 nhìn con, nhìn cháu cũng đỏ hoe cả mắt, vừaarơm rớm khóc vừa can: - Thôi con ơi, chúa bảo: người hành thì cố mà vượt qua,, nhưng trời hành thì biết làm thế nào, đừng khóc nữa, từ sáng,  bọn trẻ đã ăn uống gì đâu, mẹ nấu mì trương hết cả rồi, cố mà ăn cho lại sức rồi tính tiếp con ơi
 Anh Tịnh, con trai cụ, ngoài 50, nổi máu gia trưởng quát.
- Còn tính tính cái gì hả bà" Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào đấy rồi. không nuôi thì vốn còn dài, nuôi vào vốn đã theo ai hết rồi.
- Giời ạ, đã bảo nuôi thế thôi, cứ nghe lời người nọ, người kia, đổ thêm hai.
tấn cá giống vào...bây giờ thì trắng mắt trắng tay, bán nhà trả nợ, dắt díu đi ăn mày
 Nhà bên, tiếng khóc còn sụt sịt to hơn, như thể có tang ma đột xuất, tôi tò mò đứng sát bờ tường nơi có cả chục người chen lấn, nghe mọi người xì xào bàn tán:
- Nhà này nuôi cả nghìn con vịt, bình thường mỗi ngày nhặt vài trăm trứng bán cho lái buôn, hôm nay vịt bơi đằng vịt, trứng rơi đằng trứng, mấy chủ hiệu bán cám vào tận nhà nã tiền mà không có để trả, lại tiếc của nên ngồi khóc tỉ ti từ sáng sớm hôm qua đến giờ không chán
 Ngán ngẩm quay về nhà, tôi liên tiếp nhận được các cú điện thoại của  anh em chồng từ các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phú, Đông Anh gọi về hỏi thăm tình hình. Chú út ở thị xã Hà Đông, vốn khá nhất trong số 6 anh chị em, ngán ngẩm thông báo:
- Nhà em ngập kín tầng một bác ạ. Xe máy, xe đạp, tủ tường, bàn ghế, bếp ga, bồn tắm, bình nóng lạnh ngập trong làn nước mênh mông, kiểu này, đến nhịn ăn để chờ nước rút thôi, kẻo "đầu vào" mà không có chỗ cho "đầu ra" thì khốn.
 Chẳng còn bụng dạ nào mà đùa, tôi ậm ừ cho qua chuyện, đầu giây vẫn là tiếng chéo kéo của nó.
- À bác có để ý đến chuyện của giới ăn chơi Hà Nội không" Thằng bạn em có con xe Toyota Avalon giá khoảng 80.000 USD, để trong ga ra rộng gần 1.000 m2 của toà nhà C6, khu đô thị Mỹ Đình, mà lại bị ngập sâu trong 3 mét nước, có bỏ mẹ nhau không chứ" Nó bảo: - Trước cơn mưa tầm tã, với kỷ lục 24 năm nay chưa hề có, nên toàn bộ hệ thống thoát nước của Hà Nội bị tê liệt, cả vài chục điểm ngập trong mưa nên số xe đắt tiền như Mercedes, Lexus, Avalon bị chìm sâu dưới 4 mét nước lên tới cả trăm chiếc.
- Khiếp, tôi buông lời nhận xét, khi hình dung ra những chiếc xe bóng loáng sang trọng, trị giá hơn 3 tỷ đồng trát đầy bùn đất... đặc biệt những chiếc xe có chức năng tự động mở cửa kính khi nước ngập, để người ở trong xe có thể thoát ra ngoài, thì các chất bẩn tha hồ len lỏi vào đủ mọi ngõ ngách.- Thế thì bằng lỗ vốn à" Xe ngâm trong bùn, nước suốt mấy ngày trời thì từ thiết bị điện, động cơ sẽ hư hỏng hoàn toàn à"
- Đúng thế cậu em chồng nhận xét...cho dù có bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, đại tu lại toàn bộ, thì khi vận hành cũng không an toàn hoặc ngon lành như cũ nữa.
- Thôi của đi thay người là may rồi, còn có trường hợp cả người cả của cùng kéo nhau xuống gặp Hà bá Diêm vương đấy thôi - tôi đáp.
- À, nó kể, em vừa vào mạng VnExpress.net thấy có tin sáng nay, trên đường Lê Trọng Tấn, người dân phát hiện một ôtô Toyota 12 chỗ bị ngập nước, chết máy ở sát bờ sông Lừ. Trong xe là hai người đàn ông đã chết. Nhiều người dân dự đoán, do ô tô không được cứu hộ, nạn nhân ở lại trong xe, kéo cửa kính ngủ quên và bị chết ngạt. Thật tội...
5 giờ chiều ngày 2- 11, cô con gái lớn mới đi xe buýt từ nhà bà ngoại về, vừa vào đến nhà đã nhanh nhảu thông báo: Tất cả các trường học trong khu vực nội ngoài thành đều được nghỉ mẹ ạ. Ít nhất cũng có 3 học sinh chết vì ngập, nên trường nào cũng sợ, phải cho học sinh nghỉ vô điều kiện, chưa biết khi nào học lại.
 - Sao lại chết" Tôi ngơ ngác hỏi lại:
Cháu kể:
- 7 giờ sáng hôm qua( 1/11), khi qua đoạn hồ Xã Đàn, Nguyễn thị Vân Anh, học sinh lớp 7 trường trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) dắt xe đạp qua đoạn phân cách giữa hồ và mương, rộng chừng hơn một mét, bất ngờ, bị trượt chân ngã xuống, rơi vào vùng nước xoáy. Thấy thế cô bạn đi cùng hốt hoảng la toáng lên. Do nước chảy xiết, nên những người đến cứu chỉ vớt được xe, còn người bị mất hút trong dòng nước, mãi tới tận sáng nay, thi thể mới được người dân phát hiện gần cầu Đông Tác cách hồ xã đàn 2 km mẹ ạ. Còn chiều 31/10, thì hai đứa trẻ 8 tuổi ở huyện Mê Linh (Hà Nội) bị nước cuốn trôi, chết đuối khi từ trường về nhà, sợ qúa mẹ ạ.
Nghe cháu nhắc đến tên xã đàn, tôi gầm một tiếng trong cổ họng:
-  Nhà nước xã hội chủ nghĩa này thật là qúa quắt. Trường Xã Đàn hồi me.
học, còn ít tuổi hơn con bây giờ vẫn là một chiếc cầu khỉ bắc qua nhánh sông, thế mà bây giờ hơn 30 năm qua rồi, lúc nào cũng "nhà nước và nhân dân cùng làm", năm nào cũng thu tiền tỉ của phụ huynh, sao cái cầu bắc ngang sông cũng không làm cho tử tế, cũng không có rào chắn hoặc biển cảnh báo để đến nỗi học sinh đi qua phải trượt chân ngã" Trường ở giữa trung tâm thành phố, ngay sau khu tập thể Nam đồng, toàn các tướng tá sĩ quan quân đội chứ có phải chốn heo vu hẻo lánh nào đâu"
- Ôi con bé mau miệng kể: - Nhiều người khóc lắm mẹ ạ. vì nước ngập, xe cứu thương chở thi thể Vân Anh cũng chết máy, phải gọi xe cứu hộ kéo đi, tốn thêm 700.000 tiền trả cho việc cứu hộ nữa đấy mẹ a. Nhà nước mình có làm gì đâu. Con đi trên xe buýt bò từng tí một, thấy đầy người của công ty thoát nước mặc áo xanh viền vàng đứng giữa đường thế mà người chết thì vẫn cứ chết. Tính đến hôm nay ti vi thông báo cả nước có 40 người chết rồi đấy mẹ ạ, trường hợp thương tâm đầu tiên là chú Hoàng Lê Nguyên sinh 1975, Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp tại Bệnh viện Thể thao (Mỹ Đình, Từ Liêm), đang trên đường đi làm thì bị sụt xuống một ống cống thoát nước đang mở nắp thế là cả người và xe máy cuốn luôn xuống đó, rồi trôi tuột ra mương nước gần Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. (huyện Từ Liêm). ấy mẹ ạ, gần 3 ngày rồi mà vẫn chẳng tìm thấy xác bị mắc kẹt ở đâu
Bên ngoài trời vẫn ào ào đổ mưa, ánh sáng của đảng vẫn liên tục chìm trong mưa lũ, bất giác tôi ngửa cổ kêu: Trời ơi, sao năm nào trời cũng vào hùa với đảng và chính phủ hành cuộc sống của con dân thế hở trời. Qủa là không mạng người ở đâu rẻ như ở Việt Nam . sống chết mặc dân, bao nhiêu tiền của vay mượn nước ngoài rồi tiền thuế của 87 triệu con dân đảng cứ việc bỏ túi. trời ơi trời có mắt không hả trời, sao ý trời và lòng đảng trong những ngày này lại hợp cháu đến thế, chỉ muốn tìm mọi cách dồn dân đến ngõ cụt đường cùng của sự đói nghèo, dịch bệnh, ô nhiễm thôi hả trời"
Đầu to - Hà lội.
Trần Khải Thanh Thuỷ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.