Hôm nay,  

Nguy Cơ Từ Trung Quốc

04/05/200400:00:00(Xem: 4679)
Tuần qua, tin Bắc Kinh ra lệnh cho hệ thống ngân hàng tạm ngưng cấp phát tín dụng đã làm các thị trường Á châu chấn động vì viễn ảnh của một vụ khủng hoảng nữa. Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao"
Dưới đây là bài trao đổi giữa đài RFA với Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về nguyên nhân và hậu quả của sự biến này.

Hỏi: Thưa ông, tin tuần qua là Bắc Kinh ra lệnh các ngân hàng ngưng cho vay đến hết tuần và điều đó làm các thị trường tài chính Á châu chấn động. Diễn biến vụ này ra sao"
-- Đầu đuôi là hôm 28 vừa qua, thông tấn xã Pháp AFP và nhật báo Wall Street Journal tại Mỹ loan tin Hội đồng Pháp chế Ngân hàng của Trung Quốc ban hành lệnh triển hạn theo đó các ngân hàng đồng loạt ngưng cấp phát tín dụng cho hết tuần mừng Lễ Lao động Quốc tế tại Trung Quốc, nghĩa là cho đến mùng tám tháng Năm này. Tin đó làm hầu hết các thị trường tài chính Á châu, có lẽ trừ Singapore, đều đồng loạt sụt giá hôm 29, nặng nhất là Đài Loan và Đại Hàn. Chính quyền Nam Hàn đã có phiên họp khẩn của Hội đồng Nội các để đối phó với một nguy cơ khủng hoảng như hồi năm 97-98. Bắc Kinh lập tức phủ nhận tin này, nhưng không khí hốt hoảng đã lan rộng.

Hỏi: Nhưng, thực chất thì tin này đúng hay sai"
-- Tôi nghĩ là đúng nhiều hơn sai vì phù hợp với lời phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là phải giảm đầu tư cũng quyết liệt như chặn dịch viêm phổi SARS năm ngoái. Một lý do là từ tám tháng nay, Bắc Kinh đã có hàng loạt biện pháp tiết giảm tín dụng để hãm đà tăng trưởng mà không hiệu quả vì nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tài trợ nhiều nghiệp vụ đầu cơ nên họ phải ra quyết định mạnh và tổng quát. Khi thấy quốc tế hốt hoảng, thì họ chối. Hai là trong nội bộ, họ dùng biện pháp ấy để có cơ sở thi hành kỷ luật với quá nhiều ngân hàng không tuân thủ luật lệ. Với cả hai giả thuyết, ta đều thấy Bắc Kinh kiểm soát không nổi tình hình kinh tế tài chính, mà đó mới chỉ là mặt nổi của vấn đề thôi.

Hỏi: Nhưng, vì sao họ phải có một biện pháp hy hữu như vậy mà không dùng cách khác"
-- Ta có thể lấy hình ảnh của vòi nước làm thí dụ. Ở các xứ khác, để tiết giảm lượng tín dụng, người ta vặn nhỏ vòi nước như nâng lãi suất 25 hay 50 điểm, tức là 0,25 hay 0,50% hoặc nâng mức dự trữ pháp định. Tại Trung Quốc, sau tám tháng áp dụng mọi biện pháp hành chánh và nghiệp vụ mà các ngân hàng cứ tiếp tục cho vay thì họ không vặn nhỏ vòi nước nữa mà bẻ luôn ống nước để khỏi giọt nào chảy nữa. Sự thiếu tinh tế trong điều tiết kinh tế cho thấy trình độ tổ chức và mức độ hỗn loạn của hệ thống ngân hàng và nạn đầu cơ tại Hoa Lục. Đấy mới là điều làm dư luận e ngại nhất vì hậu quả sẽ lan rộng.

Hỏi: Trên diễn đàn này, từ cuối năm ngoái, ông dự báo là kinh tế Hoa Lục bị nóng máy và năm nay họ phải hãm đà tăng trưởng. Liệu điều đó có đang xảy ra không"
-- Tôi nghĩ rằng điều đó đang xảy ra. Nhưng, nếu một chiếc thuyền nhỏ bị nạn thì mất nửa phút là chìm, một con tầu lớn như chiếc Titanic có thể mất nửa ngày. Khủng hoảng mà xảy ra tại Trung Quốc thì còn kéo dài cả năm mới đụng đáy. Từ năm tới và có lẽ cho đến cả chục năm sau, người ta sẽ hết nói về phép lạ kinh tế Trung Quốc, với hậu quả sẽ làm cả Á châu bị sóng gió, thậm chí khủng hoảng, kể từ cuối năm nay trở đi.

Hỏi: Nói đến khủng hoảng, vì sao các nền kinh tế Á châu lại hay gặp biến động như vậy"
-- Câu hỏi này có thể là đề tài trao đổi cho một kỳ sau. Ở đây, tôi chỉ xin tóm lược là năm 1990, Nhật bị một vụ khủng hoảng kéo dài đến năm nay mới hết; sau đó, năm 1997 Đông Á bị khủng hoảng đến năm kia mới bớt. Bây giờ khu vực châu Á gặp nguy cơ tương tự xuất phát từ Trung Quốc. Sau nhiều năm được ngợi ca là sự kỳ diệu kinh tế, Nhật Bản, Đông Á và Trung Quốc đều phơi bày nhược điểm chung về cơ cấu kinh tế và sách lược phát triển. Về cơ cấu, hệ thống ngân hàng không sung dụng tài nguyên theo tiêu chuẩn lời lỗ của thị trường mà cho vay mà theo chính sách, do động lực chính trị. Cũng về cơ cấu, họ không tài trợ phát triển bằng tiền hùn vốn, với tiêu chuẩn lời lãi rõ ràng do chủ đầu tư quyết định trên thị trường, mà bằng tín dụng, với tiêu chuẩn cho vay được quy định bởi chính sách nhà nước, để phát triển những khu vực họ cho là ưu tiên. Hậu quả của cơ chế đó là sách lược phát triển nhằm thu vào tối đa tiền mặt để kịp thanh toán cho chủ nợ là ngân hàng. Sách lược đó dẫn đến việc ưu tiên xuất khẩu, là gia tăng thị phần bằng mọi cách, kể cả phá giá để xuất khẩu, là bán cho nhiều dù bán lỗ. Ngân hàng cứ cho vay bừa, khách nợ mà bị lỗ không trả được nợ thì nhà nước trả nợ đậy bằng tiền thuế. Trung Quốc đi sau đã học đúng bài bản của Nhật và Nam Hàn, và sẽ đến ngày tính sổ, tức là phá sản, mà không có tiềm lực lớn lao như các xứ Đông Á kia. Việt Nam rồi sẽ lãnh họa vì cũng học theo Trung Quốc, với nhược điểm tương tự mà trình độ còn thấp hơn nhiều.

Hỏi: Một chuyện như vậy phải manh nha từ lâu mà sao dư luận không để ý thấy"


-- Thưa vâng, hiện tượng này có từ lâu mà vì nhìn vào kết quả bề mặt do thông tin lệch lạc, ta chỉ thấy sự thật quá trễ. Lấy thí dụ Nhật Bản, cuối thập niên 80, khi Nhật sắp bể bóng đầu tư thì giá đất của một quận ở Tokyo bằng với giá đất của cả tiểu bang California mà dư luận không thấy là bất thường, nhiều người Mỹ còn sợ Nhật sẽ mua đứt nước Mỹ nên kêu gọi tẩy chay hàng Nhật. Về Đông Á thì đầu năm 1997, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới còn ngợi ca phép lạ Đông Á và năm tháng trước khi khủng hoảng bùng nổ họ vẫn đề cao thành tích của Nam Hàn hay Thái Lan. Tại Mỹ, tuần qua, các chính khách đảng Dân chủ đả kích chính quyền Bush là không có biện pháp trừng phạt Bắc Kinh tội cạnh tranh bất chính làm công nhân Mỹ mất việc. Một lý do lầm lạc của dư luận là vì kiếm tiền môi giới nhờ dịch vụ đầu tư, các công ty tài chính Mỹ cứ quảng cáo triển vọng đầu tư vào Hoa Lục nên dư luận chỉ thấy kết quả biểu kiến rồi hốt hoảng khi có đột biến. Đến khi giới đầu tư rút tiền tháo chạy thì họ lại bị đả kích là đã gây ra khủng hoảng, như ta có thấy ở Đông Á. Sau cùng, phải nhấn mạnh đến một sự thật khác là thống kê kinh tế tài chính tại Hoa Lục cũng thiếu chính xác làm ngay cả giới lãnh đạo của họ còn bị lầm lạc về thực trạng Trung Quốc, huống hồ truyền thông quốc tế.

Hỏi: Đầu đuôi cơ sự như thế nào mà đến nỗi ông cho là tình hình nguy kịch như vậy"
-- Cơ bản thì vì lãnh đạo Trung Quốc đòi làm kinh tế bằng hành chánh thay vì bằng quy luật thị trường, trong khi thực tế thì “làm kinh tế” không là chức năng của chính quyền. Nói rằng quyết định kinh tế thuộc về chủ đầu tư, là người bỏ tiền ra làm ăn và biết rõ quy luật “của đau con xót”, thì phải bảo vệ quyền tư hữu và quyền kiểm soát sổ sách đúng sai ra sao, là điều Bắc Kinh mới công nhận gần đây thôi. Vì nghĩ rằng tiền tài là huyết mạch của kinh tế, lãnh đạo xứ này cho là chỉ cần làm chủ hệ thống ngân hàng là họ điều tiết được kinh tế. Ngân hàng Nhà nước của họ không thể là định chế độc lập, lấy quyết định về tín dụng và tiền tệ theo quy luật cung cầu của thị trường, mà phải là công cụ điều tiết của nhà nước. Vốn tinh tế vì thực tế hơn nhà nước, người dân liền khai thác cơ chế đó theo tính tóan lời lãi của họ. Hiện tượng đầu cơ tất nhiên xảy ra, nhất là khi các ngân hàng lại được nhà nước cho phép mua cổ phiếu để thổi giá chứng khoán cho hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế sau khi Trung Quốc gia nhập tổ chức mậu dịch WTO.

Hỏi: Một cách cụ thể thì người ta có thể theo dõi tình hình ở những chỉ dấu nào"
-- Kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hơn 9% một năm, đầu tư lên vùn vụt và đến khi bị nóng máy thì hãm hết kịp vì không kiểm soát nổi cơ chế. Cụ thể thì từ 1993 đến 2003, đầu tư cố định tại Trung Quốc gia tăng bình quân 15,5% một năm, kể cả hai lần nống giá vì đầu cơ là năm 1993 và 2003. Muốn hãm đà tăng trưởng để hạ cánh an toàn thì phải giảm tốc độ này xuống mức trung bình là 10%, vậy mà sau khi ban hành quyết định tiết giảm đầu tư, trong quý I vừa rồi tốc độ ấy vẫn lên tới 43%, so với tỷ lệ 27% của cả năm ngoái. Thay vì hạ cánh an toàn, họ sẽ gãy cánh. Chỉ dấu khác là chính trị: vì sợ khủng hoảng kinh tế sẽ lây qua chính trị, tuần qua, Bắc Kinh xẵng giọng về tương lai chính trị của Hong Kong và bật ra tín hiệu về quyết tâm thống hợp Đài Loan bằng võ lực nếu cần.
Hỏi: Trong một kỳ trước, ông nói đến nạn tẩu tán tài sản như chỉ dấu của khủng hoảng. Vâng, hoạt động phạm pháp và tẩu tán tài sản ra nước ngoài còn được nuôi dưỡng vì nạn tham nhũng, một thuộc tính của các chế độ độc tài, mà nhà nước thấy ra quá trễ vì thống kê lem luốc, sổ sách lem nhem. Dư luận bên ngoài bị mê hoặc bởi thành tích biểu kiến nên cứ trút tiền đầu tư vào Hoa Lục mà không để ý là nhiều đảng viên có chức có quyền lại không tin vào tương lai kinh tế của xứ họ nên chuyển tiền ra ngoài.

Hỏi: Trong một kỳ tới, ta sẽ nói đến hậu quả đối với Á châu, riêng kỳ này, xin ông nói về những điều mà thính giả trong nước quan tâm, đó là nguy cơ cho Việt Nam.
-- Tương lai ít khi diễn biến một cách tất định, theo một đường thẳng vạch ra từ quá khứ. Nhưng Việt Nam có đủ chất liệu cho một vụ nổ lớn mà có lẽ Hà Nội chưa thấy. Cũng từ lối quản lý kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam chưa cải tổ cơ chế kinh tế cho tự do và chưa bảo vệ quyền tư hữu, chưa giải phóng tư doanh và kiện toàn thống kê. Hệ thống ngân hàng vẫn chủ yếu ở trong tay nhà nước và lún sâu dưới một núi nợ thối vì cho vay theo diện chính sách. Bên dưới thống kê huê dạng và các cột báo biểu dương thành tích đổi mới của đảng là nạn đầu cơ, tham nhũng và tẩu tán tài sản. Người ta hay ví von, rằng khi bà già đi chợ mà cũng đòi mua cổ phiếu thì ta biết là thị trường chứng khoán sắp sụp. Khi đất đai ở vùng quê quanh Sàigon còn đắt hơn đất đai trong các khu cao giá tại California như hiện nay thì ta biết là nạn đầu cơ đã lên tới đỉnh và một vụ kết toán sổ sách, tức là suy sụp, cũng sẽ không xa. Vì Hà Nội coi Bắc Kinh là tấm gương sáng và có những nhược điểm tương tự, khủng hoảng từ Hoa Lục sẽ tác động vào hệ thống chính trị Việt Nam còn nặng hơn vào nền kinh tế của các lân bang.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.