Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Gương Mặt Của Thế Kỷ

11/06/200700:00:00(Xem: 1669)

LND: Chuyến viếng thăm Úc Đại Lợi kỳ này của Đức Đạt Lai Lạt Ma kéo dài 11 ngày, với kinh phí lên đến hơn bốn triệu Úc Kim, được tài trợ bởi 23 cá nhân và tổ chức Phật giáo tại Úc cùng với tiền thu nhập từ những buổi thuyết giảng với giá vé là $300 Úc Kim cho giới doanh thương giầu có và tiền bán những mặt hàng kỷ niệm như bao tải, áo ấm, mũ len có in hình Ngài và những sách vở do Ngài biên soạn cùng các DVD phim ảnh về những buổi thuyết pháp của Ngài. So với chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài vào năm 1982 thì quả là cách xa một trời một vực. Dạo ấy, Ngài tạm trú tại nhà của một tín hữu, rồi thuyết pháp tại những sảnh đường địa phương công cộng (community hall) cho dăm ba chục người và phải nhờ cậy vào tín hữu để chở Ngài bằng xe riêng của họ. Bây giờ thì chuyến viếng thăm tuy chỉ có 11 ngày, nhưng Ngài sẽ đi khắp cả 8 thành phố lớn của Úc, được nồng nhiệt chào đón tại 22 buổi lễ lạc, họp hội, từ một số buổi giảng đạo và những buổi họp miễn phí công cộng cho đến những buổi thuyết trình về các đề tài đa dạng như "trách nhiệm toàn cầu” (universal reponsibility) hay "đạo đức thương mại” (business ethics). Ban tổ chức ước lượng sẽ có hơn 200,000 người Úc chào đón Ngài tại những địa điểm nổi tiếng như Rod Laver Arena ở Melbourne, The Domain ở Sydney, Burswood Dome ở Perth, National Press Club ở Canberra.v.v. Theo thống kê năm 2001 thì có 2% dân số Úc là Phật tử và Phật Giáo là tôn giáo lớn nhất trong số các tôn giáo không theo Kitô (non- Christian) tại Úc. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài viết của nữ ký giả Julie Anne Davies, tựa đề The Buddha Business về sự phát triển của Phật giáo theo Tây Tạng trong giới doanh nhân Úc, được chọn làm bài thời sự chính của tuần san The Bulletin số đề ngày 5/6/07, phát hành hôm thứ Tư 30/5/07 vừa qua.

*

Chỉ có kẻ tu tâm diện bích trong một hang động nào đó ở Trung Hoa trong nhiều thập niên qua mới không biết rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma chính là nhân vật quan trọng nhất hiện nay. Người tỵ nạn lừng danh nhất thế giới này tuy vẫn khăng khăng cho rằng mình chỉ là một tu sĩ Phật Giáo tầm thường (cho dù có rất nhiều đệ tử ái mộ trong giới minh tinh điện ảnh Hồ Ly Vọng) nhưng Ngài chính là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất trong thế kỷ 20 vừa qua. Có thể nói, vị tu sĩ Tây Tạng 72 tuổi này là người đã khiến cho dân chúng ở các quốc gia Tây Phương ngày càng đông đi theo Phật Giáo.
Người dân Úc thật sự là những người say mê triết lý nhà Phật với tỷ số Phật tử cao nhất trong bất kỳ một quốc gia Tây Phương nào. Theo kết quả thống kê dân số gần đây nhất thì Phật Giáo là tôn giáo có sự phát triển mạnh mẽ nhất nước Úc, tăng vọt 79% so với trước đó, với tổng số Phật tử là 357,813 người, vượt xa hẳn các phái Kitô truyền giáo (evangelical) với tổng số vỏn vẹn 194,592 tín đồ mặc dầu các phái này thường xuyên thu hút được sự chú ý từ giới truyền thông. Hơn thế nữa, còn vô số người dân Úc tuy không xác nhận mình là Phật tử nhưng vẫn tuân theo một số phương pháp của Phật giáo, đặc biệt là tọa thiền.
Tuy vậy, Phật Giáo cũng bị chỉ trích là một thứ tôn giáo mà người ta tin theo khi người ta không tin một tôn giáo nào cả. (LND: có nghĩa rằng Phật Giáo không phải là một tôn giáo thực thụ). Một số người tranh cãi cho rằng nó chỉ là một triết lý chứ không phải là một niềm tin. Và, độc địa hơn nữa, một tôn giáo vốn rất hời hợt về sự từ bi công cộng (community compassion) và chỉ chuyên chú về hạnh phúc cá nhân mà thôi. Theo tổng giám mục Anh Giáo ở Sydney, ông Peter Jensen, thì như thế, (Phật giáo) quả là thích hợp vô cùng cho xã hội ích kỷ, chuyên chú về cá nhân như hiện nay. Ông Jensen nói: "Vấn nạn của tất cả những thứ cá nhân chủ nghĩa này là thực ra nó chẳng đưa ra cho người ta một mục tiêu nào cả, và vì thế, nếu người ta muốn tìm cách trám vào khoảng trống tâm linh thì Phật Giáo quả thực thích hợp vô cùng. Ngược lại, với Kitô giáo thì người ta phải dấn thân cho tay vấy bùn, làm việc với những kẻ mà thông thường người ta không muốn có quan hệ nào cả”.
Bình luận gia người Anh, ông Christopher Hitchens, người tự xưng là một kẻ vô thần thực thụ, qua tác phẩm mới nhất của ông là God Is Not Great - Thượng Đế Không Phải Là Vĩ Đại - đã lên tiếng tố cáo những người từ bỏ đạo gốc để theo Phật Giáo là những kẻ thực ra chỉ bị nhàm chán với tôn giáo dựa theo "Thánh Kinh”. Ông viết: "Họ có thể nghĩ rằng họ đã từ bỏ được thế giới của vật chất chủ nghĩa đáng ghét, thế nhưng họ vẫn bị yêu cầu phải để lý trí của họ ngủ say và vất bỏ sự suy nghĩ của họ theo với những đôi giầy săng-đan mà thôi”.
Theo ông Gary Bouma, giáo sư xã hội học tại đại học Monash thì sau khi Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị qua đời thì Đức Đạt Lai Lạt Ma là người duy nhất được xem như là biểu hiệu của tôn giáo. Ông nói: "Kitô Giáo có thể làm bất cứ một chuyện gì để có thể thu hút được sự chú ý như Phật Giáo đang có. Có điều gì khó ưa về ông ta hay không" Chỉ thử so sánh giữa ông ta và TGM George Pell thì thấy”.
Trong chuyến viếng thăm Úc lần thứ 5 này của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vô số nhân vật nổi danh trong giới nghệ sĩ Úc, như Rove MvcManus, Jamie Durie, Gary MacDonald, Ray Martin, Andrew G và Ben Lee, đều cống hiến thời giờ, không lấy thù lao để xuất hiện với Ngài tại các buổi thuyết pháp công cộng miễn phí cho công chúng. Nhiều nhân vật hàng đầu trong giới doanh nhân Úc vui vẻ chi ra $700 một người để được nghe những buổi thuyết trình cho doanh nhân ở Perth và Sydney.
Hàng tháng, trong một phòng họp hội đồng quản trị ở trung tâm doanh nghiệp Sydney, một nhóm những tay tổng giám đốc hàng đầu của Úc họp để cùng nhau thiền và thảo luận về giáo lý Phật Pháp Tây Tạng (Tibetan Buddhism). Tháng 03/07 vừa qua, một nhóm chọn lọc gồm 42 người tham dự hai ngày tĩnh tu cho giới lãnh đạo (leaders’ retreat) tại Royal Motor Yatch Club ở Point Piper, dưới sự hướng dẫn của Sogyal Rinpoche, một trong những thiền sư Phật Giáo Tây Tạng nổi tiếng nhất hiện nay. Ông là tác giả của quyển The Tibetan Book Of Living And Dying - Kim Chỉ Nam Về Sống Và Chết Của Tây Tạng. Đa số các nhà lãnh đạo thương trường được phỏng vấn cho bài viết này đều xem quyển sách này như mợt cuốn sách gối đầu giường của họ về cuộc đời.
Ông Ian Buchanan là một trong những người tổ chức các buổi tĩnh tu nói trên. Những người khác bao gồm ông Gordon Cairns, cựu tổng giám đốc công ty Lion Nathan và hiện là thành viên Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Westpac, ông David White, thành viên hội đồng quản trị của công ty tư vấn thương nghiệp Port Jackson Partners, bà Diane Grady, thành viên hội đồng quản trị của hai công ty Woolworths và BlueScope Steel, bà Sue Pieters-Hawke, con gái của cựu thủ tướng Bob Hawke.


Ông Ian Buchanan, giám đốc cao cấp của công ty tư vấn quản trị hành chánh Booz allen Hamilton, bắt đầu hành trình tâm linh của ông vào năm 1990, khi ông được chẩn đoán mắc bệnh nan y bất trị. Khi ông ăn mừng sinh nhật thứ 60 gần đây thì một trong những người khổng lồ cứng rắn nhất trong doanh giới Úc đã ngỏ lời cám ơn ông. Ông khách quý này nói: “Thật là khó tin nhưng anh quả thật đã mang chiều sâu tâm linh đến cho thế giới doanh nghiệp ở Úc”.
Ông Buchanan cho biết các trại tĩnh tâm, vốn bắt đầu từ năm 2002, tạo nên một chốn an toàn cho những người mà đời sống công việc cũng như đời sống cá nhân chẳng những chỉ mất cân bằng mà còn quay nhanh ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Ông nói: "Trong trại tĩnh tâm năm ngoái, có một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất nước Úc, lúc ấy tên tuổi và hình ảnh thường xuyên được đăng tải trên trang nhất của báo chí vì công ty của ông ta đang gặp phải khó khăn. Khi thiền sư Rinpoche đứng trước mặt ông thì ông bèn òa lên khóc nức nở suốt hơn 10 phút”. Một giám đốc ngân hàng nổi tiếng khác cũng đứng bật dậy và tuyên bố: "Ngày xưa, tôi là một thằng chó đẻ luôn giận dữ, khó ưa và gia đình tôi thù ghét tôi” (I used to be an angry unpleasant bastard and my family hated me).
Một ngày sau khi tôi phỏng vấn ông ta thì ông Buchanan đã bay sang Hoa Kỳ để giúp đỡ cho người bạn thân của ông - một bác thư lại da đen nghèo khổ, làm việc trong phòng thư của đại học Harvard - chết thoải mái. Ông Buchanan đã gởi cho ông này quyển The Tibetan Book Of Living And Dying. Ông nói: ”Nếu không có quyển sách này thì có lẽ bây giờ tôi đã tự xâu xé mình ra thành muôn nghìn mảnh rồi”.
Khi phỏng vấn những người tham dự các buổi tĩnh tâm này thì Chatham House Rules được tuân thủ thật chặt chẽ. (LND: Chatham House Rules là những quy luật bất thành văn được Học Viện Hoàng Gia Về Quốc Tế Sự Vụ - Royal Institute of International Affairs - đề đạt ra từ năm 1927 và tu chỉnh nhiều lần từ đó đến nay. Chiếu theo các quy luật này thì trong những buổi họp hoặc hội thảo mang nhiều tính tế nhị, tất cả mọi người trong cuộc đều đồng ý không tiết lộ danh tính hoặc bất kỳ một chi tiết nào khả dĩ minh xác được chân tướng của người phát biểu cho người ngoài cuộc nghe. Quy luật được đặt ra để giúp cho những cuộc hội thảo chính trị thương mại quốc tế có thể tiến triển xuông xẻ và không tạo thiệt hại cho các mối quan hệ ngoại giao.v.v.). Những người tham dự các buổi tĩnh tâm này bao gồm bà Jillian Broadbent, thành viên hội đồng quản trị Ngân Hàng Quốc Gia Reserve Bank, bà Lynn Ralph chủ tịch quỹ từ thiện AMP Foundation và đồng thời là cựu phó chủ tịch ASIC (Australian Security & investment Commission), ông John Akehurst, cựu tổng giám đốc Woodside Petroleum và đương kim chủ tịch công ty năng lượng Alinta. Một số những người này cho biết họ bắt đầu tham dự các trại tĩnh tâm khi họ bất ngờ phải đối diện với viễn tượng về cái chết của chính họ hoặc của người thân thuộc của họ. Nhiều người thấy trí tuệ được kích thích bởi luân lý nhà Phật. Tất cả đều ngợi khen những lợi ích của việc tìm sự sáng suốt của lý trí qua việc tọa thiền. Đa số cũng thừa nhận rằng tọa thiền là một trong những phương diện khó khăn nhất của Phật giáo.
Bà Ralph cho biết: "Tôi không khá với việc ngồi trên chiếu”. Bà là thành viên của nhiều hội đồng quản trị, kể cả hội đồng quản trị của đội dã cầu Sydney Swans - có lẽ là đội dã cầu duy nhất mà huấn luyện viên và đội trưởng đều công khai ca ngợi lợi ích của việc tọa thiền. Phật Giáo, theo bà Ralph, là một phương pháp để tự chuẩn bị cho mình có được một cái chết bình thản, êm ả. Bà nhấn mạnh rằng đạo Phật không phải là “một thứ tôn giáo thời thượng thường thấy ở Byron Bay”, hoặc là một tôn giáo đòi hỏi vào niềm tin mù quáng (blind faith), nhưng là một tôn giáo có khuôn khổ triết lý với hơn 2,500 năm lý giảng để hậu thuẫn cho nó.
Bà tâm sự: "Tôi được giúp như thế nào" Cách đây vài năm, tôi lắng nghe những lời giảng giải của Tây Tạng từ máy nghe cá nhân Ipod của tôi trên chuyến bay về Melbourne. Khi tôi bước vào nhà thì người bạn tình suốt 7 năm của tôi tuyên bố "Tôi chia tay em từ đây”. Thế rồi, khi mẹ tôi qua đời hồi năm ngoái, tôi về nhà và dành suốt 10 ngày với bà. Cả hai sự việc trên là hai việc có tầm chấn động cao, khả dĩ làm thay đổi đời người, nhưng chị biết không, tôi không bị kinh ngạc chấn động gì cả và vì thế, tôi có thể bình tĩnh đối phó với hai sự việc ấy”.
Ông Akehurst sẵn sàng thừa nhận rằng ông là một kẻ rất khó ưa (a pain in the arse) trước khi ông khám phá được thiền và sau đó là Phật giáo. Vợ ông, bà Rachel, miêu tả ông thuở trước khi trở thành Phật tử như một kẻ có mức thành đạt cao nhưng luôn luôn lo ngại (anxious overachiever). Ông nói: "Ở chỗ làm tôi là một kẻ hiếp đáp dọa nạt người khác, lúc nào cũng thiếu kiên nhẫn, thật là tồi tệ. Tính nóng nẩy thiếu kiên nhẫn có thể hữu hiệu nhưng thật ra phá hoại rất nhiều nhưng lúc ấy tôi lại không thấu hiểu được”.
Ông bắt đầu thấy thích thú về đạo Phật trong thời gian ông là tổng giám đốc Woodside. Ông kể: "Chúng tôi đã chi ra cả khối bạc để nghiên cứu về tập tục và cách hành xử trong công ty của chúng tôi, và kết quả cho thấy rõ rệt điều đầu tiên cần được thay đổi là tôi”.
Ông Akehurst là một người vô cùng bận rộn - công ty Alinta hiện đang là trọng tâm của một vụ tiếp quản trị giá 8 tỷ Úc Kim - nhưng ông vẫn không quá bận rộn để lấy một tuần nghỉ phép tham dự trại tĩnh tu tại Blue Mountains cách đây hai tuần. Hàng năm, ông tham dự 3 trại tĩnh tu bởi vì, theo ông, "nó tuyệt vời vô cùng”. Ông cũng không quá bận rộn để tiếp chuyện với tôi về tôn giáo của mình.
Với tất cả những người được phỏng vấn cũng đều như thế cả. Nếu yêu cầu bất kỳ người nào trong số các tay thái sơn bắc đẩu của thương trường Úc này nói về về giá cả cỗ phần của công ty họ thì họ có thể không tìm được thời giờ, nhưng nếu hỏi họ nói về triết lý sống của họ thì họ sẵn sàng dẹp mọi chuyện qua một bên.
Theo bác sĩ Alan Molloy, một Phật tử thuần thành từ thập niên 80, người đứng ra tổ chức những cuộc viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thì 80% đến 90% những người đến tham dự chiêm kiến ngài không hẳn là Phật tử, và sự thu hút của Ngài nằm ở chỗ "Ngài không phải là một kẻ truyền đạo. Ngài không cố gắng thuyết phục người ta thay đổi tôn giáo”. Và ông Philip Hughes, chuyên viên nghiên cứu thâm niên của tổ chức Christian Research Association cũng thừa nhận rằng "Triết lý sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma cung cấp cho người ta một phương pháp đối phó với cuộc sống hàng ngày mà không đòi hỏi họ phải tham gia vào bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào cả”. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng từng tuyên bố: “Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là lòng vị tha” (My religion is very simple. My religion is kindness).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.