Hôm nay,  

Cây Tùng Trước Bão

10/09/200500:00:00(Xem: 5393)
-Hoa Kỳ chưa được chuẩn bị cho những giông bão trước mắt - dù là thiên tai hay khủng bố…
Như mọi siêu cường trong lịch sử, Hoa Kỳ là quốc gia kết tụ rất nhiều nghịch lý. Bốn năm sau vụ khủng bố 9-11 và hai tuần sao trận bão Katrina, những nghịch lý ấy đang được phơi bày và dẫn tới một kết luận không lạc quan: Hoa Kỳ chưa được chuẩn bị cho những giông bão trước mắt. Kết luận này đáng cho các xứ khác phải lo ngại. Hay vui mừng.

Cuộc chiến chưa có tên
Với sản lượng hàng năm khoảng 11.700 tỷ Mỹ kim, kinh tế Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất các nước công nghiệp lớn và là đầu máy tăng trưởng cho các nền kinh tế khác. Nhưng, trong thế giới quá lệ thuộc vào kinh tế Hoa Kỳ như vậy, ta lại thấy ra nhiều nhược điểm sinh tử. Hoa Kỳ có tỷ lệ tiết kiệm cực thấp - trung bình chỉ 1,5% kể từ đầu năm 2002, so với 7,5% suốt bốn chục năm trước đấy hay 30-35% của các nước Đông Á - và bị hai thiếu hụt song hành là bội chi ngân sách và khiếm hụt vãng lai. Đầu máy kinh tế đóng góp đến 60% vào đà tăng trưởng kinh tế thế giới lại là một khách nợ của thế giới, mỗi ngày cần đến hai tỷ Mỹ kim từ ngoài vào để thanh toán nhu cầu đầu tư và tiêu thụ.
Đã vậy, Hoa Kỳ đang là một quốc gia lâm chiến, dù chưa chính thức khai chiến theo quy cách cổ điển là chống lại một quốc gia với sự phê chuẩn của Quốc hội. Siêu cường kiêm khách nợ ấy đang đảm nhiệm hai chiến dịch Afghanistan và Iraq - và một chiến trường toàn cầu mà chưa có tên.
Quả thật vậy, ngoài tổn phí về nhân lực và tài nguyên, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu là cuộc chiến chưa có tên.
Hoa Kỳ lâm chiến chống xu hướng Hồi giáo quá khích nhân danh Thánh chiến mà tàn sát dân lành để thế giới lùi bước, hầu cho họ thành lập một đế quốc Hồi giáo quá khích toàn cầu. Vậy mà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa dứt khoát về tên gọi của cuộc chiến, về kẻ thù và ưu tiên. Mục tiêu chiến tranh chưa xác định rõ ràng nên thành quả hay tổn thất vì vậy chưa được lượng định cho đúng.
Người ta khỏi cần biết là bao nhiêu đặc công al-Qaeda đã bị loại, hoặc về mâu thuẫn âm thầm giữa hai lãnh tụ Osama bin Laden và Abu Musab al-Zaqawi, hay tự hỏi vì sao các chế độ Hồi giáo ôn hòa lại chưa sụp đổ dây chuyền. Người ta chỉ nghe truyền thông loan tải về số lính Mỹ bị thương vong và phân vân về lẽ thành bại của cuộc chiến.
Mãi đến tháng Bảy, chính quyền Bush mới đang điều chỉnh mà chưa thống nhất về tên gọi. Từ đầu, ông Bush gọi - sai - là "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu". Sai vì khủng bố chỉ là phương pháp hay chiến thuật, không là đối tượng. Gần đây, chính quyền của ông gọi lại mà vẫn sai là "cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan toàn cầu" - ai chẳng có thể bị người khác gọi là "cực đoan"! Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld có cách gọi xác đáng hơn cả - "cuộc đấu tranh toàn cầu chống chủ nghĩa cực đoan bạo động", hoặc "chống tội ác kẻ thù của tự do và dân chủ". Xác đáng mà dài hơn, và lập tức bị thượng cấp phủ nhận. Đến nay, tên gọi chính thức vẫn là "cuộc chiến chống khủng bố", như vẫn được trình bày trên trang nhà của bộ Quốc phòng Mỹ hay trong lời phát biểu của các cấp chính quyền.
Đã vậy, sau khi nhìn ra xuất xứ của tội ác và môi trường bành trướng của khủng bố, từ năm 2003, chính quyền Bush bắt đầu nói đến "phát huy dân chủ toàn cầu", vốn chỉ là một mục tiêu trung gian, cần thiết mà chưa đủ, để giải trừ xu hướng Hồi giáo cực đoan quá khích.
Nhưng, mục tiêu trung gian ấy khiến Hoa Kỳ ra tay, kín đáo hay lộ liễu, mở rộng biên cương của dân chủ và diệt trừ những "tiền đồn của bạo ngược". Kết quả là làn sóng cách mạng muôn màu, từ Ukraine tràn tới Trung Á, khiến Liên bang Xô viết và Trung Quốc hãi sợ và các nước độc tài Trung Á phản ứng. Hoa Kỳ đang mất cơ sở quân sự tại Uzbekistan (có thể cả Kyrgyzstan) để diệt trừ khủng bố tại Trung-Nam Á trong khi hạt mần dân chủ chưa mọc tại Iraq và vừa bị héo úa tại Ukraine.

Con nuông và Chính khách
Nói chung, Quốc hội, truyền thông và dư luận Hoa Kỳ không để ý đến những chuyện trên mà quan tâm đến ưu tiên khác.
Trong thế chiến II, Hoa Kỳ dành hơn 38% ngân sách quốc gia cho nhu cầu quốc phòng, tương đương với gần năm ngàn tỷ Mỹ kim của ngày nay. Ngày nay, nước Mỹ dành hơn 3% cho việc ấy (400 tỷ), chỉ gần bằng phân nửa ngân sách quốc phòng suốt thời chiến tranh lạnh, từ Thế chiến II đến năm 2000. Giới dân cử đồng ý là phải giải tỏa một số căn cứ quân sự để tái phối trí bộ máy chiến tranh cho kỷ nguyên mới, nhưng không muốn đóng các căn cứ trong địa phương của mình, vì sợ bị thiệt hại về kinh tế và việc làm. Trong thời chiến, trai tráng vào quân đội để bảo vệ xứ sở thì lãnh đồng lương chết đói (khoảng 1.500 một tháng) trong khi các bạn đồng tuổi mơ ước - và có cơ hội - thành doanh gia triệu phu. Các phần tử ưu tú xứ này đi tìm con đường khác hơn là lãnh rủi ro mất mạng trong một cuộc chiến bị một số chính khách gọi là phi nghĩa!
Khi xứ sở bị khủng bố, các chính khách lập tức đổ lỗi cho nhau và cuối cùng lập ra bộ Nội an, cơ chế trung ương có nhiệm vụ phối hợp nỗ lực ngăn ngừa khủng bố và phối hợp cấp cứu khi hữu sự. Từ khi thành lập, như "thày bói dọn cưới", bộ này dồn ưu tiên vào đòn chính trị, luật lệ và hành chánh để giành giựt và bố trí quyền hạn cùng ngân sách trong nội bộ, có khi còn dùng truyền thông làm phương tiện vận động qua những tiết lộ có chọn lọc.
Trong quần chúng, tình hình không khá hơn. Như đứa con nuông, người Mỹ muốn được nhiều thứ một lúc và nhiều khi không biết hoặc không chấp nhận cái giá phải trả.
Họ muốn tiêu xài rộng rãi, trả ít thuế và mua hàng - cả xăng dầu - với giá rẻ nhưng còn muốn bảo vệ môi sinh, e sợ năng lượng nguyên tử, không chịu nhà máy lọc dầu trong địa phương mình, không muốn khai thác dầu khí tại Alaska, không muốn công ăn việc làm bị mất vì cạnh tranh của xứ khác. Họ muốn được an ninh nhưng không chịu sự kiểm soát quá đáng của nhà chức trách. Họ cần nhân công rẻ làm việc hạ đẳng nhưng lại sợ di dân cướp mất việc làm của mình.
Giới chính trị mị dân thì muốn lá phiếu của ngần ấy thành phần mâu thuẫn về mục tiêu và lấy công quỹ để thỏa mãn cử tri của mình. Tinh thần mị dân ấy chứ không phải là việc giảm thuế đã đẩy mạnh bội chi ngân sách.
Vụ Katrina bùng nổ trong khung cảnh đó.

Thiên tai và Nhân họa
Tiểu bang Louisiana và thành phố New Orleans không thiếu kinh nghiệm về bão lụt.
Sau hai trận bão Georges và nhất là trận Ivan năm ngoái, giới hữu trách đã biết về những rủi ro chết người: nếu Ivan đập thẳng vào New Orleans thì số tử vong có thể lên tới 40-60 ngàn người. Sau trận Georges họ còn biết là việc di tản chừng 120 ngàn cư dân không xe trong thành phố sẽ là bài toán nan giải; có cầu cứu chính quyền liên bang thì việc di tản mọi người cũng mất 10 ngày. Vì vậy, khi Katrina thổi vào Louisiana với tốc độ gió cấp năm rồi dìm New Orleans xuống nước, ta không nên ngạc nhiên về số tổn thất hay sự lúng túng của chính quyền.


Theo thói quen cố hữu của chính trường Mỹ, giới chính trị đổ lỗi cho nhau.
Bên đảng Cộng hòa thì chú ý đến chính quyền địa phương, vì do Thống đốc và Thị trưởng Dân chủ cầm đầu. Bên đảng Dân chủ thì tập trung công kích chính quyền Bush. Trong khi ấy, các phần tử quá khích bên cánh tả thì chĩa mũi dùi vào loại vấn đề giả tạo, hoặc giả dối, như nạn nhiệt hóa địa cầu và việc Bush không chấp nhận Nghị định thư Kyoto (thực ra là lập trường Mỹ từ thời Clinton và do Thượng viện ủng hộ với tỷ lệ 95-0 từ mươi năm trước), hoặc vì chiến tranh Iraq, chánh sách kỳ thị da đen của Bush, v.v…
Khách quan mà nói, trách nhiệm ấy phải được nhận lãnh đồng đều, từ gần đến xa, từ dưới lên trên.
Thị trưởng New Orleans phải biết rõ nguy cơ thiên tai và thực trạng thành phố mà lại không làm gì cho đến khi quá trễ. Một lý do ông ta giải thích là phải nghiên cứu khía cạnh pháp lý của việc kêu gọi cấp cứu. Khi phải chống khủng bố, người Mỹ tranh cãi về pháp lý, ngừa thiên tai cũng vậy! Thống đốc Louisiana có nhiệm vụ huy động Vệ binh Quốc gia và yêu cầu chính quyền Liên bang tiến vào cấp cứu, mà cứ chần chừ do dự mãi trong hai ngày đầu. Được hỏi là phải làm sao, bà trả lời là "cầu nguyện"! Kế tiếp, Giám đốc Cơ quan Cấp cứu Liên bang FEMA là người phải bị khiển trách (ông vừa được cất khỏi việc cứu trợ Katrina về lại ở Thủ đô phòng ngừa rủi ro khác của mùa bão năm nay) vì quá chậm trễ và mơ hồ trong trách nhiệm. Thượng cấp của ông, Tổng trưởng Nội an cũng không phải là vô can vì không ngờ là Katrina còn tai hại hơn bốn trận bão lớn vào Florida năm ngoái và không đôn đốc thuộc cấp sớm báo cáo tình hình lên cho mình. Ông cần sớm biết để lập tức tường trình lên Tổng thống Bush, người có trách nhiệm lớn nhất vì ở vị trí cao nhất.
Ông Bush có biệt tài nghỉ hè rất lâu ngay giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, như năm ngoái khi tình hình Iraq suy đồi, và như năm nay, khi Iraq vẫn tóe máu và Katrina bắt đầu ra tay. Đáng lẽ, từ Crawford ông phải yêu cầu Phó Tổng thống trực tiếp thị sát hiện trường và báo cáo. Sau đấy, ông phải rời Crawford sớm, không để về thủ đô sau khi nghiêng cánh liếc xuống thảm kịch, mà hạ cánh ở nơi gần nhất có thể được, để họp khẩn với các bộ liên hệ và thống đốc các tiểu bang bị nạn, kể cả Thống đốc Jeb Bush của Florida là người có nhiều kinh nghiệm cứu bão. Tại đây, ông phải kiểm điểm tình hình và có ngay quyết định cần thiết về việc đổ quân vào cứu tử New Orleans và các vùng phụ cận. Ông đã chậm mà lại không khéo.
Còn đối phương thì khéo khai thác mọi chuyện để đánh cho bằng được Gerrge W. Bush. Nếu họ dành được một phần rất nhỏ của ác cảm và hằn học ấy cho quân khủng bố, có lẽ nước Mỹ đã khá hơn.
Nhưng thiên tai Katrina đã tai hại, nhân họa - do con người gây ra - còn tai hại hơn.
Khi dầu thô đang ở trên đỉnh cao là 65 đồng một thùng thì Katrina dập vào nước Mỹ, và lại tàn phá một vùng trọng yếu của kỹ nghệ dầu khí Hoa Kỳ. Vì vậy, ngoài mối quan tâm về số thương vong, thiên hạ ưu lo đến hậu quả về dầu khí, cụ thể nhất là giá xăng dầu.
Bị tàn phá nặng nhất lại là một giang hải cảng nặng nhất của Mỹ, là New Orleans. Vì cảm quan, dư luận chỉ nhìn vào màu đen trước mắt là số nạn dân da đen mà chưa thấy ra rủi ro khác: ngoài dầu khí tại vùng Vịnh Mexico và các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, New Orleans là cửa khẩu của con sông quan trọng nhất nước Mỹ, sông Mississippi. Nếu bão đánh vỡ cửa khẩu và phá hủy khả năng chuyển vận của dòng sông, thì nông phẩm, lương thực và nguyên vật liệu của Mỹ lẫn thế giới đều bị ảnh hưởng.
Mười ngày sau trận bão, dù chưa biết được số tổn thất về nhân mạng, người ta cũng có thể thấy rõ hai điều đáng mừng: kỹ nghệ dầu khí tại vùng Vịnh không bị thiệt hại nặng và sông Mississippi không bị hề hấn. Dầu thô có lúc vọt lên hơn 71 đồng nay đã sụt về giá cũ. Các con đê điều hướng dòng Mississippi không vỡ, lòng sông không tràn và việc chuyển vận hàng hóa bằng thuyền, phà hay xà lan từ thượng nguồn xuống không bị trở ngại nặng.
Nghĩa là xăng dầu và lương thực không bị khủng hoảng.
Duy nhất bị chấn động là chính quyền Bush.
Ông Bush có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất - 41-42%. Nếu có phải tranh cử lại với ngần ấy vị tiền nhiệm, từ Jimmy Carter đến Ronald Reagan đến Bill Clinton, ông đều thất cử - và chỉ thắng John Kerry có một điểm! Hơn trăm năm nay, chưa khi nào uy tín tổng thống đương quyền trong thời chiến của Mỹ lại sa sút như vậy. Điều duy nhất có thể an ủi ông là Quốc hội Mỹ có tỷ lệ tín nhiệm còn thê thảm hơn, khoảng 32%.
Điều ấy không an ủi người dân, vì cho thấy thất bại lớn lao của giới lãnh đạo chính trị, trong cả hai đảng, trong cả Hành pháp lẫn Lập pháp. Người dân của một nước dân chủ nhất và ngay giữa thời chiến, lại không tín nhiệm chính quyền của họ. Điều ấy là nguồn cổ võ lớn cho quân khủng bố.
Thiên tai không bằng nhân họa là vậy.

Khổng lồ vùng vẫy
Hoa Kỳ đang lâm chiến, chỉ có binh lính Mỹ và thân nhân mới nhớ điều ấy.
Mạng lưới al-Qaeda không có thói "ăn mừng" bằng chiến công vào một thời điểm ý nghĩa nào đó của tôn giáo hay lịch sử. Khi ra tay được là ra tay. Vì vậy, nguồn tin do al-Zarqawi tung ra theo đó al-Qaeda sẽ ra tay vào tháng Ramadan - từ ngày năm tháng 10 tới - có thể chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên, không ai ám nói trước là nước Mỹ hay các nước dân chủ Âu châu (sau Anh là Pháp, Ý) hoặc các nước Hồi giáo "ôn hòa" (như Jordan, Maroc, Saudi Arabia hay Indonesia…) lại không bị tấn công trong những ngày tới.
Nhìn từ bên ngoài, nơi bị tấn công có tính chất "chiến lược" nhất cho mục tiêu của khủng bố "Thánh chiến" vẫn là Hoa Kỳ. Mà Hoa Kỳ rõ ràng là đang bị khủng hoảng.
Thiên tai đang phơi bày những nhược điểm sinh tử của một quốc gia bị căng mỏng trên thế giới cho nhiều nhu cầu - từ diệt trừ khủng bố tại Afghanistan đến tự do mậu dịch tại Trung Quốc- lại thiếu thống nhất ý chí bên trong. Với khả năng ứng phó và cấp cứu rất tệ của bộ Nội an và cơ quan FEMA, nếu Mỹ bị khủng bố nữa, thảm kịch sẽ còn ghê gớm hơn.
Và sự thiếu thống nhất sẽ biến ra phân hóa chính trị. Đảng Dân chủ sẽ bị xu hướng phản chiến và cực tả cướùp diễn đàn, trước sự phân vân của đảng Cộng hòa vì chưa tính ra nổi những lợi hại trong mùa tranh cử tới.
Ngoài quân khủng bố, các cường quốc lớn nhỏ khác cũng đều có ấn tượng chung là nước Mỹ đang bị suy yếu, phản ảnh từ sự suy yếu của chính quyền Bush. Các nước như Venezuela, Iran, Trung Quốc, Liên bang Nga hay vài xứ Âu châu có tỵ hiềm với Hoa Kỳ đều không để lỡ cơ hội gây khó nhiều hơn cho Hoa Kỳ trên những vấn đề sinh tử của Mỹ.
Bốn năm sau vụ 9-11, người khổng lồ Hoa Kỳ đang chật vật chống trả với ngần ấy nghịch cảnh và thách đố. Làm sao chúng ta không lạnh mình được"
Đa số người Mỹ lại không. Hồn nhiên thật!

Nguyễn Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.