Hôm nay,  

Liên Hội Nhân Quyền VN Họp Tại Thụy Sĩ Tố Cáo Cộng Sản VN

31/03/200700:00:00(Xem: 3187)

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam Họp Tại Thụy Sĩ Tố Cáo Cộng Sản VN:

Nhốt, Hành Hạ LS B.K. Thành, Xin Giải Cứu Các Nhà Dân Chủ

Theo Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ, các quan chức Việt Cộng bị tố cáo giam nhốt luật sư Bùi Kim Thành trong Bệnh Viện Tâm Thần và đàn áp tàn bạo các nhà dân chủ đối kháng.

Khóa Họp kỳ 4 của Hội Đồng Nhân Quyền đã diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc Genève, từ 12 đến 30 tháng 3 năm 2007.  Nhiều cuộc Hội luận đã được tổ chức, liên quan đến các Quyền Tự do Ngôn luận và Phát biểu, Quyền Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng, Quyền Tù nhân được đối xử nhân đạo và tôn trọng Nhân phẩm, vấn đề An ninh cho các nhà báo, cũng như sự Bảo vệ những Người tranh đấu cho Nhân Quyền.

Nhà báo Nguyễn Lê Nhân Quyền đã nhiều lần phát biểu, đồng thời cung cấp cho các tham dự viên tài liệu về vi phạm Nhân Quyền tại Việt Nam mà ông đã gởi trước cho ông Chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền. Tài liệu gồm những tin tức mới nhứt về sự tăng cường đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với những nhà dân chủ đối kháng ở Việt Nam, đặc biệt nêu lên  tình trạng sức khỏe suy yếu của nhà báo tù nhân Nguyễn Vũ Bình, đợt trấn áp bằng sự lưu đày quản thúc linh mục Nguyễn Văn Lý, sự bắt giữ hai luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, sự cưỡng giam luật sư Bùi Kim Thành trong bệnh viện tâm thần Biên Hòa, sự hành hung và sách nhiễu nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà báo Dương Thị Xuân, v.v.

Những tin tức đó đã được thông báo một phần trong bài ‘Bệnh viện tâm thần để nhốt bà Bùi Kim Thành, nhà dân chủ đối kháng Việt Nam’ của ông Nguyễn Lê Nhân Quyền trên báo Tribune de Genève nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ và trên Trang Thông Tin điện tử Diễn Đàn Nhân Quyền ‘Tribune des Droits Humains Genève’ (www.humanrights-Geneva.info/article. php3"id_article=1230) và ‘ProtectiOnline’ (www.protectionline.org/spip.php.article2326).

Qua ngày 23 tháng 3, trước khi bắt đầu các phiên họp của Hội Đồng Nhân Quyền, đồng nghiệp Phóng Viên Không Biên Giới cho biết ông và nhiều người đã đọc tờ báo Le Courrier có bài viết của ông Nguyễn Lê Nhân Quyền với tựa đề ‘Những Hành Vi Phạm Tội Ác’ (của chế độ Hà Nội). Trong số người đọc đó có thể có phụ tá bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, trưởng đoàn đại biểu Hà Nội tại Khóa Họp này.

Được biết thêm, trong phái đoàn Văn Bút Quốc Tế, ngay từ Khóa Họp đầu tiên của Hội Đồng Nhân Quyền hồi tháng 6 năm 2006, có mặt nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt. Ngoài những phiên họp chính thức, thi hữu đã tham dự nhiều buổi Hội luận và lên tiếng tố cáo những vụ vi phạm trầm trọng Nhân Quyền ở Việt Nam. Ông Nguyên Hoàng Bảo Việt lưu ý Tổ chức Thế giới chống Tra tấn OMCT và Liên đoàn Quốc tế các hội Nhân Quyền FIDH về sự cần thiết bổ túc tin tức liên quan đến tình hình Việt Nam trong bản Phúc Trình năm 2006 tại buổi Hội luận về ‘Nhân Quyền của những người tranh đấu bênh vực Nhân Quyền’.

Nhà thơ Việt Nam ghi nhận rằng Phúc trình có đề cập đến những biện pháp của chế độ cộng sản nhằm cấm đoán hoặc hạn chế dân chúng biểu tình, từ khi có sự gia tăng biểu tình của nông dân phản đối nhà cầm quyền tham nhũng và cướp đoạt đất đai của từng lớp lao động canh nông. Theo Phúc trình, mỗi ngày, hàng ngàn người dân ôn hòa tụ hợp trong im lặng tại Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà nội để khiếu kiện nhà cầm quyền. Những ‘nạn nhân của bất công’ này thường bị công an đàn áp thô bạo. Cộng sản cũng ngăn chận xã hội dân sự hành sử quyền Tự do Phát biểu như đã họ đã cấm các tổ chức phi chính phủ mở một Diễn đàn song song với Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế vùng Á Châu Thái Bình Dương (APEC).

Tuy nhiên, bản Phúc trình chưa nói đến số phận của những người vì tranh đấu để bênh vực Nhân Quyền mà bị Việt cộng trấn áp khốc liệt, như một số trường hợp điễn hình được nêu lên trong các Bản tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ (và được nhắc lại trên đây), trong các Kháng Nghị thư của Văn Bút Quốc Tế, Phóng Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc Tế, Đài Quan Sát Nhân Quyền, v.v. Do đó, ông Nguyên Hoàng Bảo Việt đề nghị bổ túc và cung cấp tin tức cho OMCT và FIDH.

Ngày 27 tháng 3, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt và nhà báo Nguyễn Lê Nhân Quyền đã đáp lời mời của ông Terry Cormier, Bộ trưởng đặc nhiệm Phó Trưởng đoàn Đại diện Thường trực Gia Nã Đại tại Liên Hiệp Quốc (Genève) tham dự một buổi Thảo Luận về cuộc vận động cổ súy cho Quyền Tự do Ngôn luận và Phát biểu cùng việc Bảo vệ các nhà báo. Trong số diễn giả có ông Ambeyi Ligabo, Phúc Trình viên đặc biệt về Quyền Tự do Ngôn luận và Tự do Phát biểu, ông Rodnex Pinder đại diện Viện Quốc Tế về An Ninh Báo Chí, nhà báo đồng nghiệp George Gordon-Lennex, đại diện Phóng Viên Không Biên Giới. Nhân dịp này, nhà báo Nguyễn Lê Nhân Quyền và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt cho biết rằng Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và Trung tâm nhà văn Việt Nam lưu vong đã đồng gởi một bức thư chung thỉnh cầu Thủ Tướng Gia Nã Đại can thiệp đòi trả tự do cho nhà dân chủ đối kháng Nguyễn Vũ Bình khi đến họp Hội Nghị APEC. Ông Terry Cormier tiếp nhận tài liệu về tù nhân Nguyễn Vũ Bình và hứa sẽ tham khảo với bộ Ngoại giao Gia Nã Đại ở Ottawa.

Ông Nguyên Hoàng Bảo Việt cũng tiếp xúc, trao đổi ý kiến và nguồn tin với bà Hina Jilani, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về Những Nhà tranh đấu Bênh vực Nhân Quyền cùng các Chuyên gia Phúc Trình viên (UN Special Rapporteur) được cơ quan Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm điều nghiên và báo cáo về những sự vi phạm Nhân Quyền tại nhiều Nhà nước khác nhau trên thế giới. Những vị Phúc Trình viên đặc biệt gồm có bà Asma Jahangir (Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng), bà Leila Zerrougi (Ban Công tác chống Giam Cầm Độc đoán), ông Manfred Novak (Tra tấn, Đối xử và Hình phạt độc ác, vô nhân đạo, làm giảm nhân phẩm), ông Ambeyi Ligabo (Tự do Ngôn luận và Phát biểu).

Ngày 28 tháng 3, trong buổi Hội luận với Ban Công tác chống Giam Cầm Độc đoán, lần thứ ba trong tuần lễ cuối Khóa Họp kỳ 4 của Hội Đồng Nhân Quyền, ông Nguyên Hoàng Bảo Việt đã trình bày thêm về tình trạng vi phạm Nhân Quyền ở Việt Nam. Cùng với nhiều tham dự viên đại diện các tổ chức bảo vệ Nhân Quyền Á, Phi, Âu, Mỹ, ông ngỏ lời cám ơn bà Leila Zerrougi và Ban Công tác về những Phán Quyết của Ban Công tác đối những đơn Khiếu Kiện của những nhà dân chủ đối kháng bị giam nhốt trái phép tại một số nhà nước độc tài chuyên chế, trong đó có chế độ Hà nội.

Ông Nguyên Hoàng Bảo Việt nhắc lại trường hợp của nhiều tù nhân chính trị, và ngôn luận và lương tâm Việt Nam từ nhiều năm trước đây. Ông cũng báo cho bà Leila Zerrougi biết rằng linh mục Nguyễn Văn Lý từng được Ban Công tác bênh vực, được phóng thích rồi mới bị bắt lại hồi cuối tháng 2. Và người cựu tù nhân nhiều thập niên đó sắp bị chế độ Hà nội đưa ra xử ‘tội tuyên truyền chống nhà nước’ (độc tài đảng trị) vào ngày thứ sáu 30 tháng 3 này.

Ông Nguyên Hoàng Bảo Việt có hỏi bà Leila Zerrougi liệu nhà cầm quyền Hà Nội có chịu mời bà đến điều nghiên tình trạng Giam Cầm Độc Đoán tại Việt Nam hay không. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong một văn thư phúc đáp hồi cuối năm 2006, bà Tổng trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ cho biết ‘Thụy Sĩ đặc biệt kêu gọi Việt Nam mời vị Phúc Trình viên đặc biệt về Quyền Tự do Phát biểu và Tự do Ngôn luận’.

Trong hồi đáp thư ngày 20 tháng 3, bộ Ngoại giao chia xẻ hoàn toàn sự quan ngại của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và Nhà văn Việt Nam lưu vong trước chiến dịch trấn áp ở trong nước, gồm cả sự cưỡng giam luật sư Bùi Kim Thành trong bệnh viện tâm thần. Đối với Thụy Sĩ, linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân cùng nhiều nhà tranh đấu cho Nhân Quyền đã bị giam nhốt vì bày tỏ ôn hòa những quan điểm dân chủ đối kháng chính trị. Thụy Sĩ đã hành động hiệp đồng với các Nhà nước chia xẻ những giá trị chung về Dân chủ và Nhân bản trong việc phản đối sự trấn áp ở Việt Nam. Thụy Sĩ còn cho nhà cầm quyền Hà Nội biết sự quan tâm sâu xa về số phận của những tù nhân kể trên.

Ngay trong ngày 23 tháng 3, bộ Ngoại giao và Đại sứ Thụy Sĩ trú sở Hà Nội đã nhận được thỉnh cầu của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và Nhà văn Việt Nam lưu vong can thiệp để vụ án linh mục Nguyễn Văn Lý, các ông Nguyễn Phong và Nguyễn Bình Thạnh, hai bà Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mà chế độ Hà Nội  phải tôn trọng (không xét xử kín, có luật sư độc lập bào chữa cho những người bị cáo buộc phạm tội, v.v.) . Ngoài ra, Thụy Sĩ còn gởi đại diện ngoại giao quan sát phiên tòa tại Huế.

Genève ngày 29 tháng 3 năm 2007

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

(Chuyển ra Việt ngữ bài viết của Nguyễn Lê Nhân Quyền đăng trên Le Courrier nhựt báo ngôn luận độc lập nổi tiếng ở Genève, chủ trương Công Bằng Xã Hội và Dân Chủ Đa Nguyên,  số ra ngày 23 tháng 3 năm 2007).

LE COURRIER

Những hành vi phạm tội ác của chế độ Hà Nội

Việt Nam. Ông Nguyễn Lê Nhân Quyền quan ngại cho số phận của nhiều phụ nữ dân chủ đối kháng ở Việt Nam (Biên chú của ban Biên tập báo Le Courrier).      

Tại Sài gòn, nữ luật sư  Bùi Kim Thành, (48 tuổi), bị công an mật vụ đánh đập nhừ tử ngay tận trong nhà bà đến nỗi bà bị sưng mặt và gãy răng. Bà bị hành hung như vậy vì đã dấn thân tình nguyện bênh vực nhiều phụ nữ nông dân nghèo khổ thuộc vùng đồng bằng Cửu Long muốn nộp đơn khiếu kiện chống lại những vụ cán bộ cộng sản lạm dụng quyền thế cướp đoạt tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai của họ.

Ngày 2 tháng 11 năm 2006, công an chở nhà nữ dân chủ đối kháng đến bệnh viện tâm thần Chợ Quán. Tại đây, sau khi chẩn khám, hai bác sĩ trực nhiệm xác quyết rằng bà Bùi Kim

Thành có sức khỏe tâm thần tốt. Công an bèn áp giải bà đến bệnh viện tâm thần Biên Hòa, ở phía bắc Sài Gòn. Rồi bà Bùi Kim Thành bị bạo lực giam nhốt tại đó. Bà bị bắt buộc theo một sự điều trị đáng ngờ vực. Chẳng một ai có thể biết gì về tình trạng sức khỏe tâm thần và thể chất của bà từ hơn ba tháng nay, dù có những sự phản đối của Ân Xá Quốc Tế, Phóng Viên Không Biên Giới và Văn Bút Quốc Tế.

Một nữ luật sư khác, bà Lê Thị Công Nhân, (28 tuổi), nhiều lần bị bắt giữ không cáo buộc vì những hoạt động bênh vực nhân quyền, gồm có quyền bảo hộ lao động về mặt pháp lý và xã hội cho từng lớp công nhân. Bà vừa lại bị bắt giam hôm 6 tháng 3. Bà Lê Thị Công Nhân là  hội viên Luật sư đoàn Hà Nội, từng giữ chức vụ Thư Ký đặc trách Quan Hệ Quốc Tế. Bà còn là hội viên Hội Liên Hiệp Quốc Tế các Luật sư (Union Internationale des Avocats).

Cũng tại Hà nội, bà Trần Khải Thanh Thủy  (47 tuổi), giáo sư, nhà văn và nhà báo, từng bị chận bắt và giam nhốt tại đồn công an để thẩm vấn nhiều lần, kéo dài trong mấy tuần lễ.

Tội của nhà dân chủ đối kháng này là tác giả của những bài báo bênh vực hàng trăm phụ nữ nông dân nghèo khổ ở vùng châu thổ sông Hồng, những người dân ‘thấp cổ bé miệng’ bị cưỡng chiếm tài sản, nhà cửa, ruộng vườn đất đai (giống như bà con nạn nhân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long). Công an đã áp tải bà ra giữa một sân vận động cho ‘quần chúng xét xử’. Một đám đông la ó, sỉ nhục và đấu tố bà. Trước sự chứng kiến của công an, một đám đông hiềm thù khác đã ùa vào nhà bà, hành hung hai vợ chồng bà một cách tàn nhẫn.

Thêm một nạn nhân khác nữa, cũng dạy học và làm báo. Bà Dương Thị Xuân, biên tập cho Tự Do Dân Chủ, không ngừng bị công an sách nhiễu và hăm dọa. Tự Do Dân Chủ là một tờ báo điện tử độc lập, bất hợp pháp đối với nhà cầm quyền cộng sản.

Những nữ lưu trí thức trung thực này còn bị tai nạn trên đường phố Hà nội do những kẻ lạ mặt và công an mặc thường phục gây ra. Tất cả những nhà dân chủ đối kháng hiện bị quản chế chặt chẽ. Chúng ta còn nhớ rằng thế giới dân chủ Tây phương từng tố cáo những sự lạm dụng trị liệu tâm thần để đe dọa và hành hạ những nhà dân chủ đối kháng ở Liên Sô hoặc ở Trung Cộng thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Những hành vi phạm tội ác đó còn có thể được dung túng dưới chế độ Hà nội đang nhận viện trợ quan trọng của Thụy Sĩ " Sự thật là cái nhà nước thuộc cộng đồng Pháp thoại đó được biết tiếng bởi vì quen thói đàn áp quyền tự do phát biểu và  tự do báo chí, giam cầm độc đoán các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các tu sĩ  hoặc người dân thường trong các trại lao công cưỡng bách. Cũng không thể quên con số tử tù bị hành quyết ở Việt Nam cao tới mức ngoại lệ (hạng 3 thế giới, sau Trung Cộng và Ba Tư).

Rồi bây giờ, dùng bệnh viện tâm trí để bóp nghẹt tiếng nói của những nhà tranh đấu bênh vực nhân quyền, lại còn hủy diệt những người này về tinh thần và thể chất. Vụ giam nhốt bà Bùi Kim Thành trong bệnh viện tâm thần Biên Hòa chỉ là một trong nhiều trường hợp khác. Đó là một bằng chứng hiển nhiên mà chế độ Hà nội không thể nào bài bác được. Đó là một thí dụ về tư cách tồi tệ, bất xứng của những kẻ cầm quyền ở Việt Nam, đáng là đối tượng cho sự phẫn nộ của công luận. Cử hành Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, chúng ta gởi tâm tưởng đoàn kết đến những phụ nữ Việt Nam bị hành hạ, trấn áp vì họ dấn thân trong một cuộc đấu tranh gian khổ cho sự công bằng xã hội và các quyền tự do căn bản của con người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.