Hôm nay,  

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 48)

26/03/200700:00:00(Xem: 3300)

 Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Quân lao Gò Vấp được chia là ba khu nhà xây chạy dài là khu A, B và C. Mỗi khu có 3 phòng giam riêng biệt cùng chung một mái nhà, nhưng ngăn cách bằng bức tường xây thiệt cao, trên trần có rào kẽm gai. Mỗi phòng giam đều có hai cánh cửa bằng sắt, dầy và nặng. Ở giữa cửa sắt có một ô nhỏ, mỗi chiều khoảng 15 phân, có cửa để mở, đóng bằng cách kéo sang phải hay trái. Khỉ mở, cửa đủ rộng để cho tù ngó hai con mắt ra ngoài, hoặc tù có thể dí mũi hít thở không khí tươi mát bên ngoài trong những ngày nóng bức. Trong mỗi phòng giam đều có cầu tiêu ở ngay phía sau. Ngoài sân, giữa các phòng giam cũng có hàng rào kẽm gai ngăn cách.
Toán của tôi 5 người được giải vô phòng giam A-2 thuộc khu A. Sau này tôi được biết, A-1 giam giữ tù hình sự thuộc loại quân phạm (bộ đội phạm tội cướp trộm, hủ hoá, tham nhũng...). A-2 giam giữ tù chính trị, mà phần lớn là hồi chánh viên. Riêng A-3, lúc đó cộng sản giam giữ mấy chị bên Phượng Hoàng. Chạy dọc theo Khu A, cách một cái sân có chiều ngang khoảng 10 thước là nhà ăn, rồi đến một dẫy bể nước thấp ngang hông, dành cho tù tắm, và cuối cùng là nhà bếp. Ngay dưới gốc cây bã đậu trong khu A-3 có một cái giếng đường kính khoảng 2 thước, thỉnh thoảng tù có thể quay lấy nước đem vô trong phòng giam, tắm rửa "tự túc". Chữ "tự túc" được tù dùng có nghĩa là tắm ngoài quay định của trại. Thời gian đó, tù chỉ được ban chỉ huy trại cho phép tắm mỗi tuần một lần ở khu bể nước, và mỗi lần chỉ được phép tắm có 10 phút.
Tất cả tù bị giam tại quân lao Gò Vấp khi đó đều nằm trong dạng giam cứu, sẽ có nhân viên ở phòng quân pháp xuống thẩm vấn, phân loại trước khi gửi đi trại giam Kà Tum. Cả trại giam Gò Vấp lẫn trại giam Kà Tùm đều trực thuộc lực lượng quân quản của quân đội cộng sản, nên gác tù thì có vệ binh, cai quản theo dõi tù thì có quản giáo, và thẩm vấn phân loại tù thì có nhân viên ở phòng quân pháp. Tại quân lao Gò Vấp, thỉnh thoảng tù cũng bị đi lao động, nhưng chủ yếu, khi bị đưa đi Kà Tum, tù mới phải lao động liên miên tuần lễ 6 ngày, mỗi ngày 12 tiếng, để sản xuất khoai mì, chuối, khai thác gỗ, đóng giường tủ, bàn ghế... để mang lại tiền bạc cho phòng quân pháp của cộng sản.
Thời gian đó, cả nước Việt Nam đang trải qua những ngày tháng kinh hoàng, thiếu thốn, đói khát, nhất là dân chúng ở Miền Bắc thì nạn đói càng ghê gớm hơn. Ngay cả vệ binh quản giáo canh gác tù cũng thiếu thốn. Nhiều người cho biết, giai đình của họ ở ngoài Bắc phải ăn cả củ chuối, thân chuối, thậm chí phải tranh ăn cả rơm, cỏ với trâu bò. Nhiều nơi dân bị chết đói la liệt. Chính quản giáo Trường nói cho chúng tôi biết, Trung Cộng ép buộc cộng sản Việt Nam phải trả lại những món nợ mà họ đã cho cộng sản Việt Nam vay mượn trong thời kỳ xâm lăng Miền Nam. Mà món duy nhất cộng sản Việt Nam có thể gom góp để trả cho Trung Cộng là gạo. Ngoài ra không có thứ nào khác Trung Cộng chịu nhận. Hậu quả của tình trạng trả nợ này đã khiến kinh tế Miền Bắc kiệt quệ và cả nước phải khốn cùng.
Trong hoàn cảnh đói khát chung của cả nước như vậy, những người tù chúng tôi trong quân lao Gò Vấp càng thấy đói khát thê thảm. Những người tù nào có gia đình thăm nuôi thì còn đỡ, còn những ai không có thân nhân, thì đành cắn răng chịu đựng mọi sự khốn khổ, và chỉ trong thời gian ngắn không đầy hai tháng trời, tôi đã thấy thân hình của tôi chỉ còn là bộ xương bọc da. Mỗi ngày, tù chỉ được ăn có hai bữa "cơm". Mỗi bữa, vỏn vẻn hai lưng chén bo bo độn, một tí rau luộc, một ít nước rau và chút nước muối. Nhưng nếu đói khát hành hạ thể xác người tù một phần, thì sự tuyệt vọng trong hoàn cảnh tù đầy hành hạ người tù gấp mười phần.
Trong phòng giam A-2 lúc đó đều là hồi chánh viên mà phần đông là gốc Miền Nam. Tại đây tôi đã được gặp lại một số anh em hồi chánh tôi đã quen biết trước như anh Duy "đầu bạc" tài hoa có máu văn nghệ viết chữ rất đẹp, anh Nở người Việt từ bên Căm Bốt về, anh Ân người gốc Hoa tính tình điềm đạm, chân thật, chất phác. Vô tù cùng lúc với anh Nở là anh Dzoãn Bình, một ký giả nổi tiếng về những thiên phóng sự chiến trường thời trước 1975. Cả hai anh trước bị giam ở trại tù cải tạo Long Khánh, sau cùng bị chuyển về quân lao Gò Vấp, vì bị xếp loại hồi chánh viên. Sự thực, anh Dzoãn Bình vì lòng yêu nước nên năm 1945, đang sống ở Hà Nội, anh đã trốn gia đình đi theo vệ quốc đoàn, nhưng sau này bị cộng sản xếp vào thành phần "tạch tạch sè" (tiểu tư sản) và anh cũng sớm nhận ra sự tàn ác, bất nhân của VC nên anh đã  "dinh T", rồi vô Nam năm 1954. Không ngờ 30 năm sau, khi cộng sản bắt được anh, anh thẳng thắn khai hết từ đầu đến đuôi nên chúng xếp anh vào dạng hồi chánh, đưa về quân lao Gò Vấp.
Trước 1975, mỗi tuần tôi có đến đài phát thanh Sàigòn hai lần để thu chương trình phát thanh của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, nên có quen cô Dzoãn Phượng, con gái của anh Dzoãn Bình. Cô được nhận vô làm xướng ngôn trong đài phát thanh sau khi bà Đàm Chi Lan, vợ của anh Dzoãn Bình qua đời. Thời đó, tôi thấy anh Dzoãn Bình rất phong độ, trẻ trung, tinh anh, thường mặc bộ đồ dân vận 4 túi, đeo kính cận, để hàng ria mép con kiến, đi chiếc xe vespa đến đón Dzoãn Phượng, nhưng không bao giờ được hân hạnh trò chuyện với anh. Đến khi gặp anh trong tù, anh già đi trông thấy, hàm răng giả của anh lại bị mất, người anh lại cao nên trông càng thêm gầy gò, ốm yếu. Thoạt thấy anh, tôi không tài nào nhận ra anh. Về sau nghe anh Nở nói chuyện, tôi mới biết anh là ký giả Dzoãn Bình, người tôi đã đem lòng quý trọng một cách âm thầm từ khi tôi được đọc những phóng sự chiến trường của anh, tại thư viện của Bộ Thông Tin ở đường Phan Đình Phùng. Gặp được anh trong tù, tôi mừng quá, nằm lắng nghe anh kể chuyện thâu đêm. Sáng ra, anh bảo tôi đưa cho anh cây viết và mảnh giấy, rồi anh viết nguệch ngoạc mấy câu thơ, đến nay tôi vẫn còn nhớ:

Gặp nhau mái tóc còn xanh,
Mà nụ cười cằn cỗi
Đường đời sao sớm mỏi
Chuyện mình vừa nói đã thương nhau.
Phải chăng mưa gió giãi dầu
Thời gian sẽ thấy lại màu áo xưa"

Trong suốt thời gian tôi bị giam giữ trong trại tù cộng sản khoảng hơn một năm trời, anh Dzoãn Bình quả thực là bóng mát, là nguồn nước giếng khơi, cho cuộc đời của tôi. Anh dậy dỗ tôi rất nhiều điều. Kiến thức của anh uyên bác, hiểu biết của anh về xã hội Miền Nam gần như vô tận, nên chỉ gần gũi anh một thời gian không đầy một năm, tôi đã được anh kể cho nghe không biết bao nhiêu chuyện về giới nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ Miền Nam. Từ những nhà văn, nhà báo lão thành được anh kính trọng đến những câu chuyện tưởng như huyền thoại về cuộc đời nghiện ngập và cái thú "yên sĩ phi lý thuần" của anh. Anh rất kính trọng văn tài và tư cách của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Anh cũng tỏ ra có biệt nhãn khi nhắc đến dòng họ Nguyễn Ngọc là ông Nguyễn Ngọc Trác, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Phách. Sau này, trôi nổi sang Úc, được gặp gỡ một số nhà văn, nhà báo lão thành của Miền Nam, các vị kể cho tôi nghe, thời kỳ làm ký giả cho Việt Tấn Xã, anh Dzoãn Bình viết bài đụng chạm đến một vài nhân vật có lai lịch lớn, nhưng đã được ông Nguyễn Ngọc Linh, giám đốc Việt Tấn Xã, tận tình bênh vực và giúp đỡ, nên anh đã ấp ủ mãi mãi ân tình đó.
Một người bình thường khi bị cộng sản bắt đi tù cải tạo đã khốn khổ vô cùng. Nhưng anh Dzoãn Bình khi vô tù cải tạo còn khốn khổ hơn nhiều, vì anh nghiện thuốc phiện, hay nói theo ngôn ngữ của anh là "hít tô phe". Cũng vì nghiện, nên một ngày nọ, anh đem đổi gói thuốc lào để lấy mấy hạt mã tiền khô, đem về nghiền ra rồi pha nước uống. Tôi không biết uống hạt mã tiền vô trong người thế nào, nhưng những người tù cải tạo ở trại Kàtum mỗi khi về quân lao Gò Vấp, người nào cũng có một túi vải nho nhỏ, trong có vài hạt mã tiền. Tù nhân vẫn đồn đại là dùng hạt mã tiền có thể cường dương bổ thận, trị phong thấp, nhức mỏi, tê bại. Tôi không biết chuyện này thực hư thế nào, nhưng đã có lần nếm thử một tí thì thấy đắng vô cùng. Tối hôm đó, anh Dzoãn Bình uống hạt mã tiền vô được khoảng nửa tiếng, thì cả người anh co giật thật khủng khiếp. Cả mấy người chúng tôi xúm vô giữ anh mà giữ không nổi. Kinh hoảng quá, chúng tôi phải đập cửa sắt phòng giam rầm rầm, rồi la hét ầm ĩ, quản giáo mới chịu mở cửa để cho anh ra ngoài cấp cứu. May mắn, lần đó anh thoát nạn.
Vì quen biết Dzoãn Phượng từ hồi trước 1975, nên anh Dzoãn Bình rất tin tưởng và thương yêu tôi. Vì tin tưởng tôi nên anh đã bàn với tôi cách vượt ngục với sự trợ giúp của Dzoãn Phượng. Thời đó, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phải ra khu gia cư, ngay phía bên ngoài quân lao Gò Vấp để lao động. Công việc thì không nhiều, không nặng nhọc, nhưng tuần nào cũng có toán phải ra ngoài đó lao động, dọn dẹp nhà cửa, làm đường xá.... Mỗi lần như vậy, tù cải tạo chúng tôi thường tìm cách cho tiền tụi vệ binh, quản giáo để chúng mật báo cho thân nhân của mình ở quan vùng đến thăm viếng. Người nào có thân nhân đến thăm, sẽ được quản giáo vệ binh cho vô một căn phòng bỏ hoang hàn huyên tâm sự, rồi nấu nướng đồ ăn thức uống chia sẻ cho nhau. Vệ binh quản giáo cũng rất bằng lòng với lối thăm viếng bí mật kiểu này, vì chúng vừa được ăn uống phủ phê, lại vừa có tiền, có thuốc lá, thuốc lào đút túi, và anh em tù cải tạo cũng vui vẻ vì được người thân của bạn tù, mỗi khi viếng thăm, đều có món "bồi dưỡng" cho tù không món này thì cũng món khác.
Thường mỗi lần thân nhân viếng thăm bí mật như vậy kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, kể từ lúc nghỉ trưa ăn "cơm". Thân nhân đến cứ lặng lẽ đi vô nhà bỏ hoang, xếp đặt các thứ cần nấu nướng rồi lặng lẽ làm các món ăn. Những thứ nào cho bạn tù thưởng thức được xếp riêng một bên, chờ tù nhân vô mang đi phân phát. Thứ nào cho quản giáo, vệ binh thì cũng để riêng. Những món này thường phải nhỏ bé, kín đáo và giá trị cụ thể hơn. Thường, vệ binh quản giáo chỉ nhận tiền mặt, bột ngọt, hoặc thuốc lá. Đến giờ nghỉ trưa ăn "cơm", người tù nào có thân nhân đến thăm sẽ lặng lẽ và thản nhiên đi vô trong nhà hoang, xum họp một, hai tiếng, hoặc có khi cả buổi chiều với gia đình. Tất cả đều đâu vào đấy, tuần tự như tiến, ai cũng có phần mà mọi chuyện trôi chảy, không ai làm phiền đến ai.


Trong thời gian tôi và anh Dzoãn Bình ra ngoài làm việc, Dzoãn Phượng cũng đã đến viếng thăm bí mật như vậy nhiều lần. Có lần Dzoãn Phượng đi một mình, có lần đi với bạn. Vì những cuộc thăm viếng như vậy diễn ra thường xuyên, hầu như ngày nào chúng tôi ra ngoài lao động cũng có vài người tù cải tạo có người thân thăm viếng, và xưa nay chưa bao giờ xảy ra chuyện gì đáng tiếc, nên quản giáo vệ binh canh gác rất lơ là. Thậm chí có nhiều lần, nấu nướng đồ ăn thức uống, thiếu món này món nọ, người thân lại phóng xe Honda ra ngoài chợ Gò Vấp mua thêm đồ về nâu là chuyện vẫn xảy ra. Vì vậy, tôi và anh Dzoãn Bình bàn tính chuyện vượt ngục bằng chính chiếc xe Honda Dzoãn Phượng mang vô.
Trong khu gia cư của quân lao Gò Vấp lúc đó cũng có nhiều gia đình sống tạm bợ, nên chuyện người và xe cộ ra vô là điều bình thường. Tôi tính với anh Dzoãn Bình, để Dzoãn Phượng đi xe Honda vô thăm, nấu nướng đồ ăn thật nhanh chóng, rồi Dzoãn Phượng lẻn ra ngoài. Sau đó, đến giờ nghỉ, anh Dzoãn Bình sẽ bước vô, lấy quà trao cho vệ binh, quản giáo. Còn tôi cũng tìm cách lẻn vô lấy đồ ăn trao cho bạn tù, rồi tôi và anh Dzoãn Bình chờ đợi thời cơ thuận tiện, lấy xe Honda của Dzoãn Phượng phóng ra khỏi quân lao. Từ khi nổ máy xe cho đến khi vọt ra khỏi quân lao Gò Vấp chỉ mất không đầy 5 phút đồng hồ. Quản giáo, vệ binh có phát hiện ra cuộc vượt ngục, sớm nhất cũng phải mất một giờ đồng hồ sau, khi ca lao động buổi chiều bắt đầu. Tôi nói sớm nhất là vì thông thường, những người tù có thân nhân thăm nuôi kiểu đó, nếu quản giáo, vệ binh được "đấm mõm" ngon lành, chúng sẽ chấp nhận để cho người tù đó được miễn lao động ca chiều. Điều tôi lo ngại là chỉ có anh Dzoãn Bình được vô gặp Dzoãn Phượng, còn tôi chỉ có thể vô lén, và nếu tôi vô lén chót lọt, cuộc vượt ngục của tôi và anh Dzoãn Bình mới thực sự tiến hành.
Theo sự bàn bạc của chúng tôi, Dzoãn Phượng sau khi lẻn ra bên ngoài, sẽ chờ ở một chỗ nào đó kín đáo gần đó, để có thể quan sát cổng ra vô quân lao Gò Vấp. Trong khoảng nửa tiếng đến một tiếng sau, nếu thấy chúng tôi đi xe Honda trốn ra được, Dzoãn Phượng sẽ không về nhà, mà nhanh chóng gọi xe ôm đến ẩn náu tạm ở nhà bà con, nơi đã có hai em gái là Dzoãn Hoàng và Dzoãn Điệp chờ sẵn. Nếu trong thời gian một tiếng đồng hồ sau, không thấy chúng tôi đi xe Honda trốn ra, Dzoãn Phượng sẽ thản nhiên trở lại quân lao Gò Vấp với gói đồ ăn mua sẵn, nói là ông Dzoãn Bình bảo ra ngoài mua thêm...
Chuẩn bị đầy đủ và kỹ càng như vậy, chúng tôi tin là nếu có được 5 phút thực sự an toàn, chúng tôi se sẵn sàng chấp nhận phiêu lưu vượt ngục. Bằng không, chúng tôi sẽ bình tĩnh mai phục, chờ đợi thời cơ thuận lợi vào dịp khác. Như vậy, sẽ không có một sự thiệt hại nào về vật chất cũng như tính mạng cho chúng tôi. Hoàn cảnh của anh Dzoãn Bình lúc đó rất bi đát. Nếu không vượt ngục, anh sẽ không có thuốc men điều trị và sẽ chết trong ngục. Qua kinh nghiệm về cộng sản, anh biết, anh sẽ không bao giờ được cộng sản trả tự do. Riêng bản thân tôi, khi tới quân lao Gò Vấp, tôi mới biết, cộng sản đã biết quá rõ về tôi. Với "tội" hồi chánh, "tội" lên đài phát thanh VOA tuyên truyền chống cộng sản, và "tội" làm cho Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, chắc chắn tôi sẽ bị cộng sản tử hình, hoặc ít nhất cũng sẽ bị cộng sản cầm tù chung thân. Vì cả anh Dzoãn Bình lẫn tôi đều hiểu được số phận tận cùng bi đát đang chờ đợi mình ở cuối đường hầm, nên hai anh em chúng tôi đã quyết tâm vượt ngục bằng mọi giá. Vấn đề bây giờ chỉ còn là thời gian, khi nào chúng tôi sẽ có được cơ hội ra ngoài lao động ở khu gia cư quân lao Gò Vấp"... (Còn tiếp...)


Luật Pháp Phổ Thông – Luật Sư Lê Đình Hồ

[LS Lê Đình Hồ là tác giả cuốn “Từ Điển Luật Pháp Anh Việt-Việt Anh” dày 1,920 trang vừa được xuất bản. Qúy độc giả có thể mua sách qua internet bằng cách lên Website Google (google.com) đánh máy chữ “ho ledinh”, rồi theo sự hướng dẫn của các websites.]

Hỏi (Ông Trần Q.H.): Vào năm 1998 sau khi học xong đại học, tôi được một công ty nhận vào vào việc. Tôi làm việc full-time được 2 năm thì lập gia đình. Vợ tôi hồi đó mới học xong năm thứ 2 tại đại học.
Sau khi kết hôn, tôi vẫn tiếp tục đi làm, còn vợ tôi thì đi học full-time. Cuối năm 2001 vợ tôi tốt nghiệp và được nhận vào làm cho chính quyền.
Đầu năm 2003, chúng tôi quyết định mua nhà. Căn nhà này hiện đứng tên chung của cả 2 người. Tuy nhiên, khi mua nhà tôi đã rút toàn bộ $35,000 trong trương mục của tôi để trả tiền deposit. Vợ tôi hồi đó hoàn toàn không trả đồng nào cả, mặc dầu trong sổ bank của cô ta cũng có gần $20,000.
Cuối năm 2005, vì bất đồng về quan niệm sống, chúng tôi đã quyết định ly thân. Tính đến nay chúng tôi đã sống ly thân được gần 17 tháng.
Cách đây 3 tuần lễ tôi nhận được đơn xin chia tài sản do luật sư của vợ tôi tống đạt. Trong đơn xin chia tài sản, luật sư của vợ tôi đã yêu cầu tòa chia cho bà ta 65%.
Thực ra, tài sản của chúng tôi cũng không có gì nhiều lắm. Chỉ có căn nhà trị giá khoảng $550,000 nhưng chúng tôi còn thiếu nợ gần $250,000.
Cả hai chúng tôi đều có tiền trong quỹ hưu bổng, nhưng không nhiều lắm. Chúng tôi vẫn chưa có con với nhau.
Xin LS cho biết là dựa vào lý do nào mà vợ tôi đòi chia 65%. Việc đòi chia 65% này có công bằng hay không" Tôi không thích kiện tụng. Xin LS cho biết là khoảng bao nhiêu phần trăm thì tôi có thể chấp nhận được trong trường hợp này.

*

Trả lời: Trong vụ Harrison & Harrison [2006] FamCA 1437, hai bên đương sự sống chung vào khoảng năm 1992, 1993. Họ kết hôn vào năm 2000 và ly thân vào năm 2005. Họ không có con với nhau, mặc dầu người vợ có 2 con với cuộc hôn nhân trước đây của bà ta. Một đứa ở chung với họ được 10 năm, còn đứa kia thì ở được 3 năm. Người chồng cũng có con riêng, nhưng chúng không ở chung với họ.
Vào lúc họ khởi sự sống chung, người vợ có căn nhà tại N, chỉ còn thiếu ngân hàng $13,000 và tiền trả hàng tuần cho ngân hàng là $45. Hai bên đương sự ở tại căn nhà này trong khoảng thời gian chừng 4 đến 5 năm, sau đó họ mua căn nhà D. Họ đã dùng căn nhà N để thế chấp một phần nợ khi mua căn nhà D. Rồi cho mướn căn nhà N $125 mỗi tuần.
Vào tháng 12 năm 2002, họ bán căn nhà N với giá $80,000. Họ dùng số tiền này để trả toàn bộ nợ ngân hàng cho cả 2 căn nhà.
Trước khi bán căn nhà N, hai bên đã mượn tiền ngân hàng và mua mảnh đất tại B. Họ đã dùng tiền để dành trong ngân hàng và mượn gia đình vợ $19,000 hầu xây nhà trên mảnh đất này.
Trong lúc xây nhà, cả 2 vợ chồng đến cư ngụ tạm tại gia đình của người vợ 6 tháng. Vào năm 2003, họ bán căn nhà D $152,000. Căn nhà này trước đây họ mua là $95,000, vì thế số tiền dư ra họ trả vào ngân hàng. Vào lúc xét xử, 2 vợ chồng làm chủ căn nhà B với giá là $250,000.
Vào lúc sống chung, người chồng nhận được “sự hưởng dụng trọn đời” (the life tenancy) với lợi tức mỗi năm là $5,000.
Vào năm 1999, người chồng thừa hưởng gia tài do người cha để lại là $21,000. Số tiền này được dùng để thành lập công ty vận chuyển, và công ty này là nguồn lợi chính của người chồng tính đến ngày xét xử.
Vào năm 2002, người chồng nhận được $86,250 do người em trả nợ và đã dùng số tiền này trả bớt nợ cho ngân hàng. Vì thế, tổng số tiền người chồng đem lại cho gia đình là $110,000 cùng với số tiền $5,000 nhận hàng năm do “sự hưởng dụng trọn đời” đem lại.
Về phía người vợ, bà ta có căn nhà N, trị giá $80,000. Cha của bà đã cho mượn $19,000. Đồng thời cung cấp nơi cư ngụ trong thời gian 6 tháng cho 2 vợ chồng.
“Tòa Sơ Thẩm [gia đình] Liên Bang” (the Federal Magristrate Court) tuyên bố rằng trong thời gian sống chung người vợ nuôi thêm gia súc, và cho rằng sự đóng góp về tài chánh của 2 vợ chồng ngang nhau.
Người chồng cho rằng trong thời gian sống chung, ông ta đã trả cho ngân hàng mỗi tuần $440 trong thời gian 18 tháng. Tuy nhiên, tòa đã không lưu ý về điểm này, và đã dựa vào các yếu tố thuộc Điều 75 của “DDạo Luật Gia Đình” liên hệ đến a) tu"i tc v tình tr"ng s"c kh"e c"a m"i bn duong s"; (b) l"i t"c, cc ngu"n ti chnh v ti s"n c"a cc bn duong s" cng kh" nang trí tu" v th" l"c c"a m"i bn duong s" ð" tim ki"m cơng vi"c thích h"p” (the age and state of health of each parties; (b) the income, property and financial resources of each of the parties and the physical and mental capacity of each of them for appropriate gainful employment).
Tòa cho rằng người chồng có sức khỏe tốt và mới 46 tuổi. Người vợ tuy mới 39 tuổi, nhưng đã bị “ung thư tử cung” (cancer of the cervic) vào năm 2003 và “ung thư âm hộ” (cancer of the vulva) vào năm 2005. Điều này buộc người vợ đã phải trải qua những cuộc phẩu thuật, và bằng chứng y khoa đã cho thấy rằng: “Thật là khó khăn để đánh giá được sự ảnh hưởng về bệnh tình của người vợ đối với khả năng kiếm tiền của bà ta. Tuy nhiên, rõ ràng là bà ta đã bị ung thư” (It is difficult to assess the impact of the wifes illness on her income-earning capacity. It is clear, however, that she has had cancer).
Tòa cũng đã lưu ý đến khả năng giới hạn của người vợ đối với các công việc hành chánh vì bà ta không biết gì về việc xử dụng máy điện toán.
Cuối cùng “Tòa Sơ Thẩm Liên Bang” đã quyết định cho người vợ hưởng 60% toàn bộ tài sản của 2 vợ chồng, và quyết định cho người chồng hưởng 40%. Người chồng bèn kháng án.
Tòa Kháng Án cho rằng cả 2 vợ chồng đều cùng làm việc trong thời gian sống chung với nhau, và cả 2 đã không có con cái chung với nhau. Vấn đề ai là người làm nhiều công việc tại nhà trong trường hợp này khó có thể phân biệt được.
Tòa cho rằng người chồng đã góp vốn nhiều hơn người vợ, vì ông ta nhận được nhiều nguồn tài chánh khác trong thời gian hôn phối. Mặc dầu không thể tính toán chính xác, nhưng có thể tính khoảng chừng $30,000. Hơn nữa, người chồng đã nhận thêm được “sự hưởng dụng trọn đời” (the life tenancy) với lợi tức mỗi năm là $5,000.
Tòa cho rằng người chồng đã đóng góp vào tài sản chung của 2 vợ chồng nhiều hơn người vợ. Tuy nhiên, căn cứ vào các yếu tố được quy định trong điều 74 của Đạo Luật Gia Đình, Tòa nhận thấy rằng người chồng vẫn còn có khả để kiếm lợi tức từ dịch vụ chạy xe vận tải của ông ta. Ngược lại, người vợ đã bị nhiều chứng bệnh và viễn ảnh kiếm được việc làm thích hợp cho bà ta là vấn đề khá khó khăn.
Cuối cùng, Tòa đã quyết định mỗi người sẽ nhận được 50% trên tổng số tài sản.
Dựa vào luật pháp cũng như phán quyết vừa trưng dẫn ông có thể thấy được rằng việc vợ ông đòi chia cho bà ta 65% toàn bộ tài sản của 2 vợ chồng là điều khó có thể chấp nhận được. Lý do cũng rất đơn giản vì 2 vợ chồng của ông chưa có con cái gì với nhau. Ông đã bỏ tiền cọc ra để mua nhà, mặc dầu số tiền trong quỹ hưu bổng của ông chắc chắn sẽ nhiều hơn vì thời gian làm việc của ông lâu hơn.
Trong thư ông không nói rõ ai là người trả tiền hàng tháng cho ngân hàng nên chúng tôi khó có thể biết được việc vợ ông đòi chia 65% là hợp lý hay không. Nếu ông muốn tránh được các phí tổn pháp lý thì điều tốt nhất là ông nên thảo luận với vợ ông để xin tòa đưa ra một “án lệnh đồng thuận” (Consent Orders).
Chúng tôi nghĩ rằng trong trường hợp của ông, mỗi người nhận 50% tổng số của tài sản là hợp lý nhất. Nếu ông còn thắc mắc xin điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.