Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (tiếp theo)

28/04/200800:00:00(Xem: 3444)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Hai hôm sau, tôi lại được “bồi dưỡng” kẹo và bánh ngọt nữa. Ý của cô là chả tiếc gì tôi cả, muốn mua cho tôi đôi dép mới, khăn mặt, xà bông, thuốc đánh răng, cái màn… Nhưng không thể được vì tôi không có ai tiếp tế cả. Cô đã nghĩ nhiều cách nhưng đành chịu. Tôi cũng chưa thấy cô hỏi về tội trạng, thân thế, của tôi. Qua dư luận các buồng, cô là cháu gọi tên Lê, thượng úy phó giám thị, là chú. Theo tôi suy đoán, cô đã tìm mọi cách để đọc hồ sơ của tôi, ít nhất cô đã rõ về gia đình cũng như tội trạng của tôi.
Sau khi cô đi ra, tôi ngẫm nghĩ, thật là buồn cười khi cả cô và tôi đều không nói và hỏi: cô lấy tư cách gì để mua và lo tiếp tế cho tôi các thứ đó" Cả hai người, chưa hề có một lời nào về chuyện tình cảm mà! Thế ra vấn đề này cứ phải tự hiểu ngầm, và không thể được hỏi rõ ư" Thật, nhiều chuyện lạ trên mảnh đất lạ mới đi vào này!
Một buổi tối, tôi đang ngồi bô đi cầu, cửa sổ nhỏ khẽ mở. Tôi nhìn ra: cô Vân. Tôi hơi ngượng nên mất tự nhiên. Cô đứng nhìn một lúc, rồi đóng cửa sổ lại, không nói một lời.
Cô đã bỏ đi; trong dạ tôi cũng hơi bâng khuâng, tiêng tiếc buổi gặp mặt đã mờ mờ có ý mong chờ này. Hai tay chắp sau lưng, tôi đang thả bách bộ 200 vòng thường lệ trong buồng, trước khi lên sàn đi ngủ. 200 vòng là 1600 bước, ít ra là khoảng 800 mét đường dài chứ có ít đâu. Tôi mới đi được 40 vòng, cửa con lại khẽ mở. Không hề nghe thấy tiếng bước chân. Lại đôi mắt đăm đăm ngơ ngác như ánh mắt con nai tơ, nhìn thấy con hươu gầy đơn độc vào một buổi chiều Xuân bên suối vắng. Đôi mắt vừa như e ấp rụt rè, thương mến, vừa như mơn man thèm muốn vào miền xứ lạ nhưng chưa biết nẻo đường. Như vậy, cô đã phải cố bước nhẹ để đi vào đây. Như bị sức hút ngầm của nam châm, tôi tiến đến và cúi sát vào cửa sổ. Mấy sợi tóc mai dài của cô buông lơi đong đưa, như những sợi tơ vàng ngất ngây vang tiếng nhạc. Một cơn gió nhẹ vô tình đẩy một lọn tóc vào trong song cửa. Những sợi tóc cứ mơn man trên má, trên mũi tôi. Một mùi ngan ngát ngọt lịm của thịt da phảng phất, làm tay chân tôi rần rần run rẩy. Hơi thở của cô dồn dập quyện mãi vào mặt tôi, làm người tôi run lên, mặt tôi nóng bừng. Hai tay tôi quờ quạng giơ lên chới với, rồi bấu chặt vào cánh cửa buồng. Một tiếng gọi khẽ lẫn vào trong hơi thở của cô:
- Anh ơi!...
Tiếng gọi khẽ, hổn hển, mơ hồ như tiếng chim đêm gọi bạn. Hồn tôi lảng vảng, dập dờn vào xứ mộng.
Cô và tôi chỉ cách nhau một cánh cửa xà lim dày 4 phân, nhưng tôi cảm thấy như xa vời vợi, trùng điệp sơn khê. Cánh cửa giòng đời đã khóa chặt, như một con đê kiên cố, sừng sững, bắt một giòng chảy ra biển cả bao la, còn một giòng bị bẻ quặt lại, cho chảy vào hang sâu thăm thẳm mịt mùng.
Như choàng tỉnh một giấc mơ hoa, tôi phải gọi hồn tôi trở về. Lý trí đâu" Nghị lực đâu" Ngay từ giây phút ban đầu, hãy khóa chặt cửa lòng lại như cánh cửa xà lim này! Tôi quyết tâm lên tiếng trước, để đập tan cái không khí im lặng chết người này:
- Cô Vân, sao cô khó tính và hách dịch thế!
Bây giờ, đã 18 năm rồi, mà tôi vẫn như còn nhìn thấy rõ đôi mắt của cô Vân lúc ấy. Đang từ mầu hoa thiên lý, đôi mắt chuyển ngay thành mầu vàng của hoa bách hợp, ngơ ngơ, ngác ngác như tỉnh như say; thổn thức dâng đầy như trách oán giận hờn, đến nỗi tôi phải nói lại một lần nữa.
Mắt cô đỏ lên, rồi tràn đầy lệ, môi cô rung rung:
- Sao anh lại nói thế!
Một nỗi niềm xót xa chua mặn dâng lên làm nghẹn lòng, tôi cố nuốt xuống, giọng tự nhiên:
- Không phải tôi, một số đông các người ở trong xà lim ca thán.
Miệng nói như vậy, nhưng trong lòng tôi như đang có một trận công đồn tả tơi quyết liệt. Tôi hiểu rằng, cả cô và tôi đã phải mất bao nhiêu tâm sức, nghĩ suy, cân nhắc hơn 3 tháng nay, bao nhiêu công lao dọ dẫm, rụt rè, e ngại, lòng ướm thử lòng, để rồi leo dần lên ngôi lầu tình ái; thế mà, ngay trong giây phút “thiêng liêng” này, tôi lại nói ra những điều gì đâu… Tôi đã mạnh bạo dứt điểm, nhấc chiếc thang đưa lên ngôi lầu ngất ngây đó. Cô hỏi tôi đã có vẻ bực dọc:
- Anh nghe những buồng nào nói"
Tôi ra vẻ còn lạnh lùng hơn:
- Cô đừng hỏi tôi là buồng nào. Cô hãy tin tôi, là có nhiều buồng kêu ca. Cái đó không nói làm gì nữa. Điều chính yếu là cô có cảm thấy rằng cô đã quá khó tính, cô đã đi ra ngoài phương châm: “Y tế là người mẹ hiền” rồi không"
Cô nhắm mắt lại, hai giọt nước mắt nhỏ xuống bên ngoài cánh cửa, nhưng qua khe cửa dưới nền, mấy đầu ngón chân của tôi thấy thoáng lạnh ướt. Cô đã đóng cửa sổ nhỏ rồi. Phải chăng cô cũng thấy cần phải đóng cả cánh cửa lòng của cô nữa vì gặp phải… mùa gió chướng chăng" Tôi cũng thấy thật buồn. Tôi gọi Lương đứng dậy để tâm sự. Sau khi được tôi kể lại sơ lược câu chuyện, Lương phản đối quá chừng. Lương bảo tôi:
- Anh phải biết lợi dụng, không những cho anh, mà một phần nữa cho anh em trong xà lim dễ thở.
Tôi nói thẳng ý tôi với Lương là không thể được. Mình không có quyền làm buồn lòng một người con gái về một chuyện như vậy, một chuyện mà lúc tỉnh táo ai cũng thấy là không thể đi đến một kết quả nào cả. Tôi thú thật với Lương là chính lòng tôi cũng não ruột tái tê. Nhưng, thà dứt khoát như vậy, chỉ buồn một lần thôi, chứ dính líu vào còn tủi hận đáng cay, ê chề nhiều nữa; ảnh hưởng sang cả đầu óc, trên con đường đi tới của mình. Không lay chuyển được ý tôi, Lương cũng buồn.
Liền mấy hôm sau, cô Vân không thấy vào xà lim nữa. Có mấy buồng báo cáo với Dư để xin thuốc, nhưng cũng chẳng thấy cô lên.
Ngày đã dần dần ngắn lại, đêm càng kéo dài thêm. “Ngày tháng 10 chưa cười đã tối”. Trời chuyển dần vào mùa Đông. Từ sau buổi ấy, cô Vân có vào mở cửa sổ nhỏ buồng tôi, lần nữa vào buổi tối. Nhưng, tôi vờ nằm im ngủ. Cô gọi 2, 3 lần không được nên đành bỏ ra về.
Một buổi trưa, tôi ngồi vá đụp thêm vào đôi “bí tất” để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới. Đôi “bí tất” đã được hơn ba năm rồi. Cứ mỗi năm, các lần vải phía trong mục dần đi. Tôi phải móc những chỗ quá mục ra, vậy nên đôi “bí tất” bị mỏng đi dần. Tôi lại phải đụp những miếng khác bên ngoài cho nó dầy lên, cứ như vậy đã mấy lần rồi. Đôi “bí tất” của tôi lúc này, không biết bao nhiêu là chỉ ngang, chỉ dọc. Bên ngoài, những chỗ mép vải bong ra nhiều tua, có chỗ trông như lông con chuột khoang.
Tôi đang cặm cụi đặt một miếng khăn mặt cũ to bằng hai bàn tay (miếng khăn này là giẻ chùi, tôi lượm được trong thùng nhà cầu mấy tháng trước, để dành) lên chiếc “bí tất” để lựa thế khâu, cửa sổ con chợt khẽ mở. Mùi hoa nhài quen thuộc thoảng quyện vào mũi tôi. Tôi nhìn ra: đôi mắt ánh lên mầu nâu thẫm, cái màu ủ dột lê thê là buồn. Tôi muốn che giấu miếng vải, vì một ý nghĩ chợt thoáng qua làm tôi lúng túng, mất hẳn tự nhiên. Biết đâu chừng trong những mảnh vải này lại có một mảnh vải của cô đã dùng và vứt đi. Ngay cả mảnh “khăn mặt” cũ này nữa, cũng biết đâu cô đã làm vệ sinh một lần nào" Tôi cảm thấy nóng cả mặt, một nỗi ngượng ngập dâng tràn ra cả hai tay. Nếu quả vậy, tôi biết giấu mặt đi đâu" Tôi bất giác liếc nhìn xem thái độ của cô ra sao.
Tôi cũng tưởng sẽ gặp một đôi mắt, với nét cười tinh ranh, chế diễu. Nhưng không, chỉ có ở khung cửa sổ đó có một đôi mắt đầy lệ. Nhìn đôi tất với nắm giẻ vụn tôi đang cầm trong tay, mắt cô như tràn ứ một nỗi niềm, thương cảm dạt dào. Tôi thấy lòng mình xúc động, nhưng vẫn ngồi yên, không tiến ra cửa sổ như mọi khi.
Môi cô, động đậy, mấp máy, rồi thoát ra thành tiếng gọi thật thiết tha:
- Anh Bình!
Tôi không hiểu vì sao, đã không kìm hãm được lòng mình nữa. Như một cái máy, không có hồn, tôi từ từ bỏ chân xuống chiếc dép và chiếc guốc chậm chạp tiến dần ra phía cửa sổ. Thật gần. Bốn mắt lại nhìn nhau. Những chiếc lông măng trên mép của cô theo nhau nằm soãi hai bên, trông mướt như lông của quả đào non. Hai má cô đỏ au lên. Mùi xà phòng hoa nhài phả ra tràn ngập không gian của căn phòng. Nước mắt lưng tròng, cô nói trong tiếng nấc nghẹn thổn thức:
- Anh Bình giận em à"
Câu hỏi thật nhẹ nhàng, mà như cào vào trái tim rướm máu của tôi. Tôi chỉ lắc đầu, không trả lời được. Bất chợt, một tiếng động ở cổng xà lim. Cô lẹ tay đóng cửa sổ lại và đi ra.
Một lúc sau, nghe có tiếng cô Vân và tên Bằng nói chuyện ở bàn trực. Rồi tiếng chân cô Vân đi dần ra ngoài cổng xà lim. Buổi chiều hôm ấy, lúc gần hết giờ làm việc, tên Dư đi ra ngoài trại về, vào buồng tôi mở cửa. Tôi hơi ngỡ ngàng, vì đã hết giờ, trời lại về mùa Đông, lạnh rồi. Từ hơn một tháng nay, Dư không gọi tôi cho ra sân chơi, (mùa Đông, ai còn thiết ra sân đứng), mà chỉ sai tôi quét trước sân, thường vào buổi sáng. Vì vậy, tôi đã mở to mắt nhìn Dư, chờ xem y bảo tôi điều gì. Vẫn tiếng nói vừa đủ nghe:
- Mặc quần áo, đi cung!
Tôi thoáng cảm thấy hơi không bình thường. Mấy năm nay rồi, chúng có gọi tôi đi cung nữa đâu. Nhất là hơn hai năm nay, Hà Nội đêm ngày, thường bất chợt bị máy bay Mỹ đến đánh phá, các chấp pháp cũng sơ tán bớt về những trại giam khác. Tôi theo Dư ra khỏi cổng xà lim. Đã gần hai năm trời nằm giữa Hỏa Lò, ngay cái sân trại chung tôi cũng không nhìn thấy. Góc sân, gần phía xà lim II, vẫn còn quây cót, như thế vẫn còn phi công Mỹ ở Hỏa Lò, và lúc này chắc là đã… nhiều hơn. À ngôi nhà vãng lai mọi khi, bây giờ cũng để giam phi công Mỹ nữa. Chúng đóng cót bè ra sân, quây kín. Nhà vãng lai ở ngay cạnh cổng xà lim I. Thảo nào, nhiều đêm tôi nghe những tiếng rên la, quát tháo lạ tai, tôi lại cứ tưởng các phi công Mỹ ở gần chỗ xà lim II. Tuy khi ấy thấy lạ, là sao lại nghe gần thế, tôi lại không đoán ra.


Lúc này, gần 5 giờ chiều, tù nhân ở khu trại chung và hai khu phi công cũng đều đã vào buồng cả rồi. Người ta vào buồng, mình lại đi cung! Chẳng biết chấp pháp nào đây"
Đi qua phòng trực, tôi thấy cũng chả còn ai; chả có một chấp pháp nào ở đó cả. Dư dẫn tôi thẳng vào buồng giám thị. Tên Trì bây giờ đã đeo lon đại úy, trông rất bệ vệ, ngồi ở cái bàn có lá cờ của Chánh Giám Thị Hỏa Lò. Như thế, y đã lên thay tên Võ, còn tên Võ già, đeo kính trắng, người miền Nam, có lẽ đã về hưu rồi. Chả trách lâu lắm tôi không còn thấy y vào các xà lim.
Tim tôi hơi thắt lại, khi thoáng thấy người Hưng Yên đang lúi húi xếp mấy chiếc ly, tách ở một cái bàn nhỏ trong góc phòng. Dưới mái tóc buông dài như đuôi con ngựa tơ, chiếc lưng ong của nàng vặn vẹo, căng lằn làn áo nâu mỏng. Người Hưng Yên hôm nay lại đi guốc cao gót nữa chứ.
Tôi ngồi vào chiếc ghế đẩu trước bàn tên Trì đang ngồi. Mặt y hôm nay trong thật dễ chịu. Chưa bao giờ tiếng nói của y lại dịu như hôm nay:
- Hôm nay, gọi anh ra đây, tôi thông báo cho anh được biết. Đảng và nhà nước đã chiếu cố đến điều kiện sức khỏe của anh, cho phép anh được ở trại chung. Bây giờ, anh về xà lim mang quần áo, chăn màn ra đó! Ở trại chung, anh phải nghiêm chỉnh chấp hành những nội quy của trại, mặt khác, cấm tuyệt đối không được nói hay kể bất cứ một chuyện gì, ở trong xà lim cho phạm nhân khác.
Tai tôi nghe, lòng tôi thật không ngờ được đó là sự thật! Nhưng, chỉ một thoáng, tôi xúc động vì chợt hiểu: phải rồi, cô Vân đây! Hai, ba lần bồi dưỡng, ho khạc ra máu, v.v… tất cả, có thể với tư cách là chuyên môn, cô đã đề nghị để tôi ra trại chung. Chắc từ mấy tháng trước rồi, bây giờ đề nghị của cô mới được chấp nhận, sau nhiều cứu xét.
Thảo nào, tuy cô vờ cắm cúi lau bàn, nhưng tai cô cứ nghiêng bên này, lại nghểnh bên kia, để nghe tin Trì nói với tôi. Bây giờ đã hết giờ làm việc, cô lại không phải là người lau dọn bàn; vậy là cô cố ý chờ tôi, để nghe và vừa để nói ý cho tôi biết là do cô đấy! Nhưng cô Vân ơi! Cô đã tính sai rồi! Ở xà lim, đôi khi cô và tôi còn dễ gặp nhau, chỉ có một cái khó là tuy gần gũi nhưng phải cách một cái… cửa buồng. Bây giờ, ra trại chung, bản tính của tôi lại rất nghiêm ở chỗ đông người, tôi chả gần cô được nữa, dù có gặp.
Dư đứng chờ, dẫn tôi về xà lim. Trước khi chào tên Trì ra cửa, mắt tôi còn thoáng thấy một nụ cười của người Phố Hiến, như cánh hoa hồng đón gió Xuân.
Bẩy mươi bốn: Trại chung “Xã hội chủ nghĩa thu hẹp” 
Về tới xà lim, người tôi chưa hết bàng hoàng về một chuyển hướng, một lối rẽ của cuộc đời tù. Hôm nay là mồng 2 tháng 12 năm 1967. Như thế, tôi đã ở 5 năm và gần 6 tháng trong buồng tối xà lim. Đất nước, cũng như cuộc đời đã bao nhiêu đổi thay.
Đã ở trong xà lim hơn 5 năm, có biết bao nhiêu kỷ niệm, dù phần lớn chỉ là đắng cay, tủi nhục; nhưng bây giờ phải rời đi, tôi cũng không khỏi cảm thấy… bâng khuâng. Vơ vội chăn chiếu, tôi nhìn chiếc áo trấn thủ và cái chăn, rồi ngập ngừng hỏi Dư xem thế nào" Dư bảo, trại chung thì cũng là Hỏa Lò, vậy cứ ôm cả chăn lẫn các thứ đi. Nhớ đến Lương và Nguyễn Lân, tôi liền ho hai tiếng, khạc hai tiếng như lời chào từ giã bạn bè. Tên Dư đứng ngay đấy, nhưng làm sao hiểu được ý nghĩa của tiếng ho và tiếng khạc.
Tên Dư dẫn tôi qua cái sân rộng của trại chung. Trên đường đi, gọi là tình nghĩa với nhau, tôi không thể phủ nhận được là tên Dư có chút cảm tình cá nhân với tôi. Hơn 3 năm nay, hàng ngày trông thấy nhau đều đều. Hơn nữa, biết đâu chả lại phải có thêm ý kiến của y tôi mới được ra trại chung này. Về thủ tục, hẳn rằng, trước khi giám thị Hỏa Lò quyết định, phải xin ý kiến của sở công an, của cấp trên, rồi phải gọi cán bộ trực chính của xà lim I để hỏi về… tôi nữa chứ! Nghĩ thế, tôi liền nói với Dư là tôi rất biết ơn y, và còn thêm một câu:
- Chúc ông và gia đình mạnh khỏe.
Y cũng tình cảm dặn dò:
- Anh hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Y dẫn tôi mãi qua chiếc sân rộng, tới chỗ có hành lang dẫn vào “cát xô”, nơi mà gần ba năm trước, tôi đã từ đó bò về xà lim I. Y mở khóa một cánh cửa sắt to, cao. Cánh cửa này gồm hai phần: phần trên, cao hơn đầu người, là những chấn song sắt to gần bằng cổ tay; phần dưới, bịt kín bằng sắt, thành ra trong ngoài không nhìn thấy nhau.
Tuy đã ở tù 5 năm rưỡi trong Hỏa Lò, nhưng tôi chưa hề biết trại chung như thế nào. Nhìn vào trong buồng, tôi thấy lố nhố đầy người; hàng trăm con mắt to nhỏ đang tò mò nhìn ra phía tôi. Tôi ngạc nhiên quá chừng chừng. Tù gì mà có cả… trẻ con bé tí, chỉ độ 6, 7 tuổi. Toàn buồng ước độ 150 đến 170 người: thanh niên, choai choai, nhơ nhỡ, nho nhỏ… quần áo lôi thôi, lếch thếch, vá chằng, vá đụp; ghẻ lở kềng càng; đen đủi gầy guộc. Có hai người lớn đã đứng tuổi; khoảng hơn chục thanh niên; số còn lại, toàn loại lau nhau.
Một ông chừng 40 tuổi tiến đến phía tôi, tự giới thiệu là Phan Tấn Hưng, buồng trưởng. Anh chỉ cho tôi một chỗ trống gần anh. Anh lại chỉ một người nữa, tóc đã điểm sương, giới thiệu là bác Nguyễn Văn Khánh, tài xế lái xe đò đường Hà Nội – Hải Phòng.
Anh Hưng là người miền Nam, cán bộ tập kết, tội hủ hóa và tham ô (tình ái lăng nhăng và ăn cắp của công). Trông y trắng trẻo, vẻ có học. Đặc biệt là đôi mắt của y, nửa phần trên đen mờ mờ, rất hay nhìn trộm. Lúc đầu, y và một số thanh niên mặt căng căng, khinh khỉnh, nhìn tôi một cách thăm dò. Sau khi biết tôi là một điệp viên xâm nhập Hà Nội, rồi dư âm về chuyện đánh một cán bộ phọt phân ra để đào thoát vẫn có một vài người nhắc lại (dù câu chuyện đã hơn 3 năm rồi). Những bộ mặt câng câng, khinh khỉnh, những thái độ lành lạnh, ngang ngang… biến sạch, nhường cho những nét mặt hân hoan, niềm nở.
Thôi thì, thuốc lào, thuốc lá hút tơi bời. Nhất là dăm thanh niên và trẻ con, vây vòng trong vòng ngoài để hỏi chuyện. Một thanh niên chừng 22, 23 tuổi, cao ráo, trông như một học sinh, sau khi nghe biết sơ sơ về tôi, hai tay y vồ lấy tay tôi lắc lắc như gặp một người thân quen đã lâu ngày:
- Hơn ba năm trước, em ở buồng 6, có một anh nhà bếp lên thuật lại chuyện anh đánh cán bộ để trốn. Rồi anh bị đánh gần chết, đưa vào “cát xô”. Họ nói, anh là một điệp viên cừ khôi của chính quyền miền Nam, được đào tạo nhiều năm ở Tokyo. Anh còn có đệ nhị đẳng huyền đai nhu đạo nữa.
Tôi rất ngạc nhiên, y nói về tôi như một huyền thoại, chẳng có một cơ sở nào cả. Thế mới thấy cái “huyền diệu” của những tin đồn.
Y tự giới thiệu là Hoàng Hữu Phúc, biệt hiệu, Phúc “Thổ”, cầm đầu giới “chềnh vòm” (dân đi ăn trộm) khu Năm Đồng. Y đã học hết lớp 9 Phổ Thông (chương trình 10 năm, sau này Cộng Sản mới đổi thành hệ 12 năm). Mới 24 tuổi đã có 6 “tiền sự” (có khi bị bắt dăm ba ngày, có khi đôi ba tháng, nhưng không ra tòa) và một tiền án. Năm 1964, đã bị xử hai năm rưỡi tù, đi trại trung ương. Mới được tha chưa được 6 tháng, bây giờ lại bị bắt, vẫn là tội cũ. Phúc “Thổ” chỉ một tên có nước da ngăm ngăm, đôi mắt thật sắc, với một chiếc sẹo dài nằm vắt chéo từ mí mắt trái xuống mé tai, làm cho đôi mắt trái của y kéo xếch lên, trẻ con hẳn không dám nhìn. Y tên Thọ “Lộc”, trùm dân “xô bè” (giật đồ trên xe lửa rồi nhẩy xuống sông, hoặc xuống đường, khi xe đang chạy), cũng trạc tuổi với Phúc “Thổ”. Y cũng học hết lớp 10.
Sơ qua như vậy, tôi thấy ở trại chung, riêng trong căn buồng này chỉ có hai ông Hưng và Khánh là tội buôn lậu và tham ô, còn hầu hết là dân anh chị, lưu manh, trộm cắp.
Kẻng cấm, 9 giờ tối, theo nội quy trại chung, tù đều phải đi nằm và không được nói chuyện. Đám anh chị thật ưu đãi khách mới. Chúng đã dành cho tôi một chỗ tương đối khô ráo, một mình một chiếc chiếu con, bên cạnh Phúc “Thổ” và Thọ “Lột”; nghĩa là được nằm ở chỗ “Giai cấp lãnh đạo” trong cái buồng ấy. Chúng có rất nhiều tay chân, kẻ hầu người hạ.
Mới nhìn phiến diện, tôi đã thấy từ trên xuống dưới có rất nhiều thành phần thứ bậc. Ngay như một điếu thuốc lào, chúng hút xong; loại nào được hút sái nhì; loại nào được hút sái ba; để rồi đứa cuối cùng cầm cái điếu, “kéo” đến gân cổ lên, nhưng lúc há mồm nhả khói, chỉ còn vài sợi lờ mờ, trong khi điếu thuốc đã thành tro từ bao giờ và đã chui tọt vào nõ điếu lâu rồi. Trước khi nằm ngủ, Phúc “Thổ” còn ghé vào tai tôi thì thầm:
- Trước đây mà được gặp anh ở ngoài Hà Nội, thật là hết ý! Em bảo đảm với anh là, anh ở Hà Nội hàng năm, chẳng bao giờ tụi công an, phản gián “ngửi” thấy hơi của anh. Chuyến này, nếu anh được ra, chúng em là thổ công, là những con rận, con chấy trong quần áo của chúng. Nếu không vì đói phải trộm cắp bừa bãi, muôn đời chúng đừng hòng mó được sợi tóc của chúng em.
Cuối cùng, y nói nhỏ:
- Tên Hưng già là loại “Zoóc” (ăng ten, điểm chỉ trong Nam). Nhưng, nó phải biết điều với chúng em, nếu không, chúng em đã xin nó tí huyết rồi.
Tôi nhắm mắt, óc vẫn còn vẩn vơ nghĩ đến những điều Phúc “Thổ”. Y tỏ ra rất quái. Y lại là loại lưu manh có học nữa, cho nên những cái nhìn của y tương đối có giá. Tôi cũng hơi băn khoăn suy nghĩ, vì sao tụi Cộng Sản lại đưa tôi vào buồng này, gồm hầu hết là lưu manh, cắp trộm của Hà Nội. Mỗi tuần, có một chuyến đưa đi trại Mai Lĩnh và Kỳ Sơn.
Trại Mai Lĩnh ở gần chùa Trầm, Hà Đông, là một trại lớn “dành cho” nhi đồng… hư. Trại Kỳ Sơn ở Hòa Bình, cũng là một trại lớn, giam tù thiếu niên… hư. Trong Hỏa Lò, khu trại chung có hơn một chục buồng, nhốt đủ mọi loại tù. Có hai buồng chuyên giam loại chính trị nặng. Vậy tại sao chúng lại đưa tôi vào một căn buồng toàn loại trộm cắp này"
Có thể, chúng có những chủ trương như sau: tuy tôi bị bắt đã gần 6 năm, nhưng cũng chỉ là nằm một mình ở trong buồng kín, chưa biết gì nhiều ở bên ngoài cả. Ngược lại, trong Hỏa Lò cũng chả ai biết về tôi. Sau vụ tôi vượt ngục không thành, qua đó, chúng cũng đã thấy tư tưởng của tôi cũng chả tốt đẹp gì. Vậy, nếu cho giam chung với những buồng chính trị, tôi càng làm “xấu” những người còn đang thời gian khai thác, chưa thành án. Mặt khác, chúng hãy cho tôi vào buồng toàn tụi lưu manh, trộm cắp lau nhau, để tên Phan Tấn Hưng theo dõi tư tưởng, thái độ của tôi một thời gian, từ đấy chúng nhìn rõ về tôi hơn.
Trên đây, cũng chỉ là sự suy đoán, tôi phải đợi thời gian và thêm sự việc, mới có thể kết luận được. Tôi cứ miên man suy nghĩ, rồi chìm dần vào giấc ngủ chập chờn. Đêm đầu tiên ở trại chung, giấc ngủ không yên. Cứ chốc chốc lại giật mình tỉnh thức, vì tiếng thét giật đùng đùng như bị dao chém ở chỗ này, hay tiếng gào khóc lạy van ở góc kia… của những cháu nhỏ nằm… mớ.
Gần sáng, tôi ngồi dậy, muốn tìm chỗ đi giải. Mãi gần góc nhà xí, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn “60” nến, còn 4 cậu choai choai, độ 15, 16 tuổi, bị cùm mỗi cậu một chân. Đây là loại cùm “suốt” (giống như ở xà lim Hà Tĩnh mà tôi đã bị cùm). Loại cùm này tương đối thoải mái. Tù có thể di chuyển chân, hoặc đứng dậy được, vì cùm chỉ có hai cái khoen lồng vào trong một cái “suốt” sắt. Tùy theo “suốt” dài, ngắn và tùy theo chỗ cùm rộng hay hẹp, loại cùm này có thể cùm được rất nhiều người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.