Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

15/11/200900:00:00(Xem: 3338)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Mãi 9 giờ 15 anh Bưởi, mới xách chiếc xe đạp đàn ông (chắc mượn của anh chị chủ nhà) lò cò trong cổng đi ra. Tôi giữ một khoảng cách, tùy theo trên dưới hàng trăm mét, trong giòng người ngược xuôi mỗi lúc càng đông. Tôi không để mất "con mồi" là anh Bưởi, và cũng không để anh Bưởi biết là tôi đang theo anh. Bất chợt tâm tư của tôi lại trở về với tháng Năm, tháng Sáu ở Thăng Long thành 1962. Tôi lại là " con mồi "và thường có năm cái đuôi của phản gián CS đi theo. Khác nhau hoàn toàn về ý nghĩa, bây giờ tôi lại đang dõi theo một đồng chí, một người bạn của tôi. Điệp viên về vườn, theo dõi một điệp viên hết thời.
Vì muốn biết sự thật và cảnh giác cho bạn mình, cũng là cho mình. Từ hè của một ngôi nhà có cửa vòm phía gần rạp ciné Lê Lợi ngày xưa, tôi nhìn ra anh Bưởi đang ngồi một mình hút thuốc, trên chiếc ghế ciment ở công viên Quách Thị Trang. Từ 10 giờ kém 10, tinh thần tôi căng thẳng hơn vì điều tiết của mắt. Cả một hiện trường rộng với đầy người, xe cộ qua lại. Không những để ý người sẽ đến với anh Bưởi, mà còn phía sau và chung quanh người đó, từ những hiện tượng, thái độ để mình thẩm định.
Hai mươi phút sau, tức 10 giờ 10, một anh xích - lô, gác xe ở chỗ quán nước phía bên kia bùng binh, anh ta đội chiếc mũ vải tai bèo như nhiều xích - lô khác, che xụp gần kín mắt, thái độ quan sát của anh ta, tôi nghi có thể là đối tượng. Qủa như rằng, anh ta vượt những dòng xe để tiến sang bùng binh, mà anh Bưởi vẫn chưa thấy, nhưng anh ta đã nhận thấy anh Bưởi rồi.
Khi anh Bưởi đã nhận ra, anh ta ra hiệu tay để anh Bưởi theo, thái độ anh này rất tháo vát, nhanh nhẹn. Chừng 35, 36 tuổi, mặc chiếc quần short mầu vàng nhạt đã tã. Chiếc áo màu cứt ngựa, rách cụt cả hai tay. Họ đã theo nhau trở về đường Cách Mạng Tháng Tám, vào một quán nước chéo vườn Tao Đàn.
Nửa giờ sau hai người ra hè phố còn bắt tay nhau, một người ra xe đạp, một người đến xích lô và đi về hai ngả khác nhau. Người tôi cần biết là tên xích lô này sẽ đi về đâu, làm gì" Trước khi y rẽ về đường Võ Tánh, y còn ngoái lại nhìn về phía sau, sợ có anh Bưởi theo.
Y lách vào mấy phố vắng rồi trở ra đại lộ Trần Hưng Đạo. Điều làm tôi càng đặt vấn đề, khi y đạp xe qua nhà thờ Huyện Sĩ, có một bà dẫn tay một đứa nhỏ năm, sáu tuổi vẫy xích - lô, y đã xua tay từ chối. Cuối cùng, y đã đến một ngôi nhà sang trọng, ngay phía trái trước thành CA, nơi hơn ba tuần trước tôi phải đến trình diện, y lái tuột xích - lô vào trong sân. Tôi chờ đến 11:30 không thấy y ra, tôi phải về cơm nước và chuẩn bị đi làm chiều.
Trên đường về nhà, tôi chưa thể có một kết luận rõ ràng, phải sau giờ làm chiều lên nhà anh Bưởi gặp anh đã, nhưng tôi cũng hơi phân định được chiều hướng. Khả năng hãn hữu, nếu không nói là không có cái kiểu CIA lại đặt nơi liên lạc ở trước Thành công an của cộng sản. Kể cả phương châm: nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Vậy chỉ có thể của cộng sản mới hợp tình, hợp lý.
Chiều hôm đó, tôi gặp lại anh Bưởi, tôi muốn đến anh trước rồi về trình diện sau. Anh Bưởi đang hì hục hót đống mùn cưa (cưa máy) trong lán mộc. Tôi cũng loay hoay làm với anh để nói chuyện. Tinh thần thái độ anh Bưởi tỏ ra phấn chấn rõ rệt. Tôi hỏi anh đã gặp người xích lô lần trước hẹn chưa" v.v… Anh Bưởi tươi tỉnh trả lời là họ còn xem cả giấy ra trại nữa và tôi cũng đã nói sơ, gợi ý về Bình. Họ nói còn phải xin ý kiến, và dặn tuyệt đối không được mở rộng thêm. Tôi hỏi anh Bưởi một vài việc, cho sáng tỏ thêm như: Gặp họ có lâu không" Họ có mời ăn uống gì không" Phương cách đi như thế nào" Vào khoảng bao giờ" Còn chuyện cây vàng thì sao"
Tất cả anh Bưởi chỉ được biết lờ mờ, thường lấy chữ "bí mật" chờ để trả lời nhiều vấn đề v.v… Tôi đã ngửi thấy cái hơi ngược hay xuôi rồi. Trước khi tôi có ý kiến, tôi vẫn hỏi để biết về sự tinh tế, của anh Bưởi:
- Anh Bưởi ơi: có lúc nào anh nghĩ đây là một đường dây của CS" Và có khi nào anh thử lại chưa" Như thử một cái máy, xem còn tốt hay hư rồi ấy mà!
Anh Bưởi đã trả lời tôi một cách tin tưởng:
- Họ tư cách, đúng mực lắm!
Không do dự, tôi nói luôn, còn về vì gần đến giờ trình diện và còn sinh hoạt cá nhân:
- Bây giờ anh hãy nghe tôi, anh hãy tìm cách từ chối không giao thiệp nữa. Phần tôi, tôi nói rõ ràng, tôi sống đến bây giờ là vì bố mẹ tôi, bởi vậy tôi chẳng ra đi, khi bố mẹ tôi chưa "mãn phần".
Thấy anh Bưởi mở to mắt nhìn tôi như không hiểu, tôi cầm tay anh Bưởi bóp nhẹ nói:
- Chiều nay sáu bẩy giờ tối, đến tôi. Rất cần đấy!
Từ lâu, anh Bưởi đã hiểu tôi, khi tôi nói như vậy là có việc cần nói thật.
Vội vàng đạp xe về tới nhà, tôi khẽ mở khóa vào nhà mà, thầy mẹ tôi không biết. Thầy tôi hôm nay chưa ăn cơm, và từ trong màn người cứ rên, nghe não ruột. Mẹ tôi đang lần mò ra chỗ ấm tích, tay sờ miệng chén để rót nước. Tôi cứ đứng yên theo dõi, một tay mẹ tôi cầm một viên thuốc, một tay cầm chén nước, chân chậm chạp tiến về phiá giường thầy tôi. Nhưng người không có tay sờ, nên lại đi ra phía cửa để rồi xô vào chiếc xe đạp tôi dựng sát cửa sổ, rơi cả thuốc, đổ cả chén nước, tôi không nhanh tay đỡ ôm lấy người thì người đã ngã xuống nền nhà.
Mắt tôi lại mờ đi, ôm mẹ mà lòng tôi như quắt lại, vặn vò xót xa. Miệng tôi gọi mẹ chỉ còn thều thào. Tôi đỡ mẹ tôi đến giường thầy tôi, thầy tôi kêu đau bụng từ chiều, mẹ tôi đã mò mẫm kiếm được viên thuốc, rồi rót nước cố đưa đến cho thầy tôi. Cầm tay thầy, tôi còn hổn hển:
- Thầy đau ở đâu"
Thầy tôi không nói, mà chỉ run rẩy chỉ tay xuống bụng, tôi chỉ biết cho người uống thuốc, rồi xoa bụng cho người. Tôi vo gạo, gầy nồi cơm, nhìn trong chạn chỉ còn hai miếng đậu rán, lúc trưa còn lại, trong khi chờ cơm chín, tôi tranh thủ cầm sổ chạy sang cô CA Mỹ Lệ ở xóm trong.
Đi qua nhà bà Lân phía cuối nhà thờ, nhìn trên cái sạp bán những thứ lặt vặt của bà, một hũ cà ghém nén trắng phau, quyến rũ tôi đã từ lâu. Trình diện xong trở về phen này quyết tâm mua một đồng cà, để cho đời lên hương và thỏa lòng thèm muốn của mình. Cứ nghĩ đến câu: Canh đay, chan đẵm...Qủa cà cắn ngang là nước miếng của tôi đã rỉ ra cuống họng rồi. Lần trước em Thu đã đút vào túi tôi mười đồng, hôm nay còn ba đồng trong túi, nên khi trở về tôi đã thực hiện được cái hạnh phúc đó. Tuy chưa tròn, chưa có canh rau đay, điều này phải chờ khi nào em Xuân hay em Thu, vì tôi chưa biết nấu, nhưng từ quan điểm: Hãy thích những cái gì mình đang có, lòng tôi vẫn thấy sởi lởi mang gói cà về.


Thầy tôi chắc đã đỡ đau, nằm im, mẹ tôi đã về giường, tôi trang trọng nhè nhẹ chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn, để cùng hưởng với thầy mẹ tôi.
Khi cơm đã đầy đủ trên chiếc bàn con góc nhà, tôi vào đỡ thầy tôi ngồi dậy, và dẫn thầy tôi xuống bếp đi tiểu với lời khích lệ:
- Hôm nay con thổi cơm rất dẻo, vì thầy đau bụng!
Tôi đã đỡ mẹ tôi ra ngồi một ghế, mẹ tôi hãy còn tinh tế thật! Tôi chưa nói gì thế mà cụ chỉ ngồi một tí đã hỏi:
- Tao ngửi thấy mùi cà ghém nén phải không"
 Tôi đã vồ lấy hai tay cụ, trầm trồ:
- Mẹ của con giỏi lắm! Con vừa mua cà ở hiệu bà Lân.
Mâm cơm chỉ có đĩa đậu (hai miếng nhỏ) và một bát cà ghém nén, một bát con mắm tôm (không có chanh). Tôi đã có chủ định: hai miếng đậu để dành cho song thân, mỗi người một miếng. Tôi đã có cà và thêm thắt chút mắm tôm.
Nghiệm ra rằng cứ hình dung, như những ngày còn ngồi trong xà- lim ở Hỏa Lò, hạnh phúc cuộc đời lại ùa về tràn ắp lòng tôi. Ngày ấy làm gì có cà ghém mắm tôm, làm gì có bát cơm đầy, và làm gì được ngồi với đấng sinh thành"
Tôi xin cảm tạ Chúa, cảm tạ cuộc đời thật nhiều, đã ban cho tôi niềm hạnh phúc này. Nhìn ba bát cơm còn khói bay lên, nhìn thầy tôi, nhìn mẹ tôi, rồi tôi nhìn lên bàn thờ Chúa. Đức mẹ Maria giang tay, nhìn gia đình tôi bằng đôi mắt bao la dịu hiền. Mẹ tôi làm dấu nguyện kinh, tôi mời thầy, mời mẹ sơi cơm. Tôi đã gắp hai miếng đậu vào bát hai người, riêng mẹ tôi có thêm một qủa cà.
Nhìn đôi mắt của mẹ tôi lòa hõm vào, nhưng khi người cắn qủa cà, tôi cảm thấy nét hân hoan của mẹ tôi. Tôi phải xuống bếp lấy chiếc quạt nan, khi nãy nấu cơm tôi đã mang xuống, bây giờ nhìn mồ hôi đã lấm tấm trên mặt mẹ tôi, tôi phải quạt cho người.
Khi trở lại bát cơm của tôi lại có hai miếng đậu, tôi không muốn khóc mà nước mắt tôi cứ tràn ra, làm sao tôi ăn được hai miếng đậu này. Tôi gắp lại bát thầy mẹ, mà tay tôi còn run rẩy vì tấm lòng thương con, lồng lộng như đại dương của các người (bây giờ ngồi viết lại mấy dòng này mắt tôi lại mờ đi).

Hai mươi lăm: Loại người bệnh tâm thần

Trong khi dọn dẹp, rửa chén bát, tôi chợt nhớ cái hẹn sáng mai thứ Bẩy với Hoàng Ngọc Quang. Tôi xin phép sơ lược về Quang: Khi được ra khỏi tù về Nam, tôi có mang lén giúp mấy cái thư gửi cho gia đình, của mấy anh biệt kích còn ở lại. Trong đó có một thư của anh Hoàng Ngọc Chính (anh là tu xuất), anh ở trong toán Remus. Ra Bắc ngày 20-1-1965, địa bàn hoạt động tại Điện Biên, Lai Châu. Toán của anh gồm có bốn người: Hoàng Ngọc Chính, Toán trưởng. Được về, năm1984 vượt biên, mất tích. Cho tới nay (12/20 04), vẫn chưa có tin. Nguyễn Văn Hiếu, đã đến Mỹ. Nguyễn Văn Lực, Toán Phó. Hiện ở Australia, Melbourne. Trần Quang Toản, chết ở Atlanta. 4/ 1997, Ung thư phổi.
Lá thư của anh gửi cho người anh ruột ở khu Sơn Tây (sau bưu điện Chí Hòa). Tôi đã đến khu Sơn Tây, nhà của anh Thăng trong một khu xóm giữa những ruộng rau muống xanh tươi, phía sau đường Bắc Hải, Ông Tạ.
Đương nhiên nhà anh Thăng đều sinh sống bằng nghề trồng rau xanh, chung quanh nhà thờ Sơn Tây. Anh Thăng có mấy con trai, con gái, trong đó có người con trai là Hoàng Ngọc Quang. Quang khi ấy khoảng 26 - 27 tuổi đã tốt nghiệp Cử nhân Sư Phạm năm 1977. Vì tốt nghiệp ở chế độ mới nên Quang học tiếp, khi tôi gặp Quang đã là phó tiến sĩ (Master) đang là giảng viên phụ của một trường đại học bên Chợ Lớn.
Quang là cháu của Hoàng Ngọc Chính thì vai vế phải gọi tôi là chú. Phần vì tôi không vợ con, phần khác vì kiến thức và vì muốn tình thân tươi trẻ nên Quang và tôi đã coi nhau như anh em. Do hợp tính nên Quang và tôi thường đi chơi với nhau. Quang cũng đã sang nhà tôi nhiều lần, những ngày nghỉ hay những ngày cuối tuần, tôi và Quang hay lang thang đây đó bằng hai chiếc xe đạp, tuổi đời của chúng như nhau.
Tôi mến và qúy Quang là một thanh niên có chí nhẫn nại và thông minh khác thường. Có những lần tôi và Quang đi trên đường Thống Nhất, gặp một đám thanh niên nam nữ 20 đến 25 tuổi, chúng đều cúi đầu lễ phép chào Quang và tôi, đó là những đám sinh viên mà Quang đã dậy. Trông thầy và trò lẫn lộn với nhau.
Quang mến và qúy tôi là một người không may ở tù CS khá lâu, mất hết cái tuổi hoa mộng đẹp nhất của một đời người, như chú của Quang. Mấy hôm trước Quang sang tôi chơi, Quang nhìn cái sân con con ở bếp, gạch tung lên từng mảng.
Nhà bố mẹ tôi có người đàn ông nào, hay có ai đâu để trông nom. Tôi và Quang đều đồng ý ngày thứ Bẩy này, sẽ sửa sang lại cái sân 2x3 mét. Một bể nước mưa đã chiếm 2 mét vuông rồi, chỉ còn cái sân 4 mét vuông mà thôi.
Sáng thứ Bẩy, Quang sang sớm, tôi đã chuẩn bị vôi gạch, dụng cụ v.v… từ hôm qua. Tôi không hề biết về thợ nề, nhưng dưới chế độ VC, cái chuyện " không có trâu, bắt nghé đi cầy" là chuyện thường tình. Hai anh em hì hục, lóng ngóng thao tác, cũng phải hoàn thành cái sân. Có một chuyện tôi không thể không nói: Trong khi tôi đang ngọ ngoạy lát gạch, cái vòi nước máy ở góc bể nước, cứ nhỏ giọt. Tôi quay lại Quang, đưa cái kìm con và chỉ vòi nước:
- Em cầm kìm này, vặn chặt lại cho anh, để nó khỏi ướt sân!
Quang vội vàng nhận cái kìm từ tay tôi. Tôi làm một lúc lâu, quay lại, nước vẫn nhỏ giọt như cũ. Quang cầm cái kìm cứ xoay ngược rồi xuôi, mở ra lại đóng vào, tay chân của Quang lóng nga, lóng ngóng làm tôi ngạc nhiên. Tôi phải đỡ cho Quang, vì thấy Quang tỏ ra khổ tâm qúa, không làm được một việc nhỏ, như vậy.
Về lãnh vực học hành Quang là người thông minh ít ai bằng. Như thế đã cho tôi càng hiểu rõ: Không được coi thường bất cứ ai! Ngược lại cũng không qúa trọng phục với bất cứ người nào. Mỗi người đều có ưu và khuyết, chỉ có mức độ ưu khuyết nhiều ít khác nhau, và loại ưu khuyết gì" Một ông Thạc sĩ, một nhà Bác học, thậm chí cả một nhà thông thái mà người đời thường ca tụng, cũng có nhiều khuyết điểm, nếu không nhìn thấy là vì chúng ta chưa tìm hiểu kỹ, hoặc không có điều kiện để chúng ta nhìn thấy mà thôi. Như thế cũng rõ ràng ngược lại, dù là một bác dân cày, một người thợ mỏ ở dưới hầm sâu, một người đạp xe xích - lô, một người nông dân ở nông thôn hay rừng núi. Họ đều có những hiểu biết đặc biệt, nếu chúng ta chưa thấy thì cũng như trên của các nhà thông thái. Chúng ta chưa tìm hiểu kỹ, chưa có điều kiện để nhìn, để chứng kiến mà thôi.
Tóm lại: Tôi không dám coi thường bất cứ một ai, trừ nhân cách. Có những sự việc họ chậm hiểu thôi, nhưng rồi họ sẽ hiểu. Nói cách khác: Nếu ai nham hiểm, thủ đoạn, lừa lọc, miệng và lòng khác nhau, sớm muộn, chung quanh người ta sẽ biết.
Ai hiền lành, không có ý hại ai, chân thật, có thể do những thế lực, do bè phái bị che đi, bị oan khuất nhưng rồi mọi người đều nhìn rõ bản chất sự việc, và con người.
Viết đến đây tôi lại chợt nhớ đến thuyết "tương đối" của Albert Einstein. Thành ra, người này có hiểu biết hơn người kia là do hoàn cảnh, và điều kiện. Tôi lại chợt thót người lại, do hoàn cảnh và điều kiện nên hiểu biết hơn nhau. Có nghĩa người này hơn người kia rồi còn gì nữa" Như vậy, tôi lý luận loanh quanh, rồi tôi lại trở về điểm khởi đầu!
Đi làm cho tổ mành trúc, tuần thứ hai lại khất không trả lương, nên tôi chỉ làm vừa phải phất phơ. Đến nay đã gần hai tháng, mà vẫn không có gạo, cũng không có tiền. Hôm nay sửa chữa cái sân sau, cho mình, tôi mới làm cật lực. Bốn giờ chiều đã hoàn thành theo yêu cầu của chính chúng tôi, để rồi thầy tôi ra nhìn. Người đã nói một câu, quá kỳ lạ và đặc biệt đối với tôi:
- Con của thầy giỏi nhỉ!
Trí nhớ của thầy tôi đã lẫn lộn, nhưng người vẫn không quên hút thuốc lào, mỗi ngày ba điếu. Hôm nay, thầy tôi nhìn cái sân, người lại nói thế! Đó là một phần thưởng vô giá với tôi, như một hành trang thiêng liêng tôi sẽ mang theo trọn đời.
Khi tôi đi trình diện về, nhà tôi lại có khách, bà này đang ngồi nói chuyện với mẹ tôi, dáng mặt tôi đã nhìn thấy hai ba lần. Mẹ tôi bảo:
- Hôm con mới về, chính bà Chức này đi xe đạp sang gọi con Xuân đấy!
Tôi đã nói lên sự biết ơn của tôi:
- Bố mẹ của tôi, mù lòa già yếu, nhà lại neo người, chỉ biết nhờ xóm giềng, tôi xin biết ơn bà!
Bà Chức đôn hậu, hiền lành, bà gọi thầy mẹ tôi là hai cụ. Gia đình của bà, ở ngay phía sau nhà tôi, chỉ cách có một cái giếng. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.