Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Đảng Tự Do Lục Đục!

21/02/201000:00:00(Xem: 3321)

Thời sự nước Úc: Đảng Tự Do lục đục! - Hoàng Đ.Thư

Hầu như tất cả mọi bình luận gia chính trị cũng như các chính trị gia lão luyện ở cả hai phe Tự Do và Lao Động đều cho rằng việc phe đối lập tiểu bang sẽ đắc thắng trong kỳ bầu cử tiểu bang NSW năm 2011 tới đây là một sự thật không thể nào chối cãi được nữa, và hy vọng lớn nhất của Lao Động hiện nay là thủ hiến Kristina Keneally có thể giảm thiểu tối đa số ghế bị mất để đảng còn có thể có cơ hội giành lại chính quyền tám năm sau đó. Tuy nhiên, một số sự lục đục trong nội bộ đảng Tự Do tiểu bang NSW, đặc biệt là giữa hai ông trùm quyền thế của cánh Hữu là Nghị viên Thượng viện NSW David Clarke và dân biểu liên bang Alex Hawke, có thể “tạo nên Thế Chiến III” trong đảng khiến cho họ có nguy cơ nhìn chiến thắng vuột khỏi tầm tay. Sự hục hặc tranh giành thế lực này được đặc biệt biểu hiện qua việc tuyển chọn ứng cử viên vào liên danh tranh cử Thượng Viện tiểu bang và trầm trọng đến độ chính lãnh tụ đối lập liên bang Tony Abbott cũng phải đích thân can thiệp qua một lá thư gởi đến các thành viên của ban tuyển lựa ứng viên của đảng.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ông David Clarke từ lâu được xem là ông trùm quyền thế của phe cực Hữu quá khích tôn giáo (Religious Right) vốn từng hét ra lửa ra khói và là người đã yểm trợ cho ông Alex Hawke- một kẻ được giới truyền thông chính mạch cũng như những người thuộc phe ôn hòa (moderates) cho là đệ tử ruột (protege) của ông Clarke - giành được ghế dân biểu liên bang đơn vị Mitchell. Hai người từng sát cánh chen vai dồn người vào các chi bộ đảng để giành thế lực cho phe mình và cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù là những người thuộc phe ôn hòa của đảng Tự do. Ông Clarke cho rằng ông chính là người đã tạo dựng nên ông Hawke, kẻ đã từng một thời là nhân viên văn phòng của ông. Thế nhưng, sau khi ông Clarke trở thành dân biểu liên bang thì ông mới nhận thức được những của nợ chồng chất cản trở sự nghiệp chính trị của ông vì quá khứ là dũng sĩ phe phái chuyên nhồi nhét người vào chi bộ, là thiên lôi của ông Clarke, là một người lệ thuộc vào một phe phái vốn có quan điểm hết sức thủ cựu chống phá thai, chống người đồng tính luyến ái.v.v.
Thế là giữa ông Hawke và ông Clarke bắt đầu có sự dị biệt. Và sự dị biệt này càng trở nên lớn lao hơn khi ông Hawke dồn phiếu ủng hộ cho người thân cận của ông nắm giữ chức đại biểu tham dự hội đồng đại biểu tiểu bang của chi bộ Crestwood hơn là ủng hộ cho người mà ông Clarke chọn lựa. Ông Clarke vì vậy quá tức giận nên vào tháng 7/2008 đã chỉ mặt, quát tháo, nạt nộ ông Hawke trước mặt hôn thê và bạn hữu của ông này. Thế là hai người ân đoạn nghĩa tuyệt, trở mặt thành thù, và đã tung nhiều đòn độc để phá hoại, hạ gục nhau.
Trong dịp tuyển chọn ứng viên đưa vào danh sách ứng viên tranh cử thượng viện thì ông David Clarke, một nghị viên đương nhiệm lẽ ra sẽ được nhiều ưu tiên thuận lợi để giữ vị trí của ông là ứng cử viên thượng viện cho vùng Tây Bắc tiểu bang NSW. Thế nhưng, những người thuộc phe ông Hawke đã nỗ lực ráo riết để vận động cho một người khác là ông David Elliott, tổng giám đốc Liên Đoàn Thầu Khoán Công Chánh (Civil Contractors Federation). Phe ông Hawke cho rằng ông Clarke hiện chỉ giữ được 25-30 phiếu trong tổng sồ 90 phiếu của vùng này và họ, với sự hợp tác của những người thuộc phe ôn hòa sẽ hất cẳng ông Clarke và dứt điểm sự nghiệp chính trị của ông. Phe ông Clarke hăm dọa sẽ cho Thế Chiến III xảy ra trong phân bộ NSW của đảng Tự Do. Chính vì e ngại sự xung đột giữa hai ông sẽ tạo ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng của đảng Tự Do liên bang nên ông Abbott đã phải gởi lá thư như đã nêu ở trên.
Để biết rõ thêm về những ảnh hưởng mà sự xung đột này có thể mang đến cho chính trường tiểu bang NSW, xin mời quý độc giả theo dõi bài nhận định của nữ ký giả Miranda Devine tựa đề “Small Targets And No Bold Vision- Mục Tiêu Nhỏ và Không Một Viễn Kiến Táo Bạo Nào Cả”, được đang trên nhật báo The Sydney Morning Herald hôm thứ Bảy 13/2/10 vừa qua.

*

Người dân NSW quả thực có quyền giận dữ với việc bị đè nặng trong suốt 15 năm qua bởi một chính phủ ngày càng hỗn độn mà cho đến bây giờ vẫn còn làm hỏng hết những công việc căn bản nhất, cho dù đã có được khuôn mặt mới rất khả ái của thủ hiến Kristina Keneally. Thí dụ nho nhỏ điển hình cho sự việc này là chuyện hơn 1 triệu tập tài liệu nhỏ về hệ thống bán vé xe lửa xe buýt vừa mới in đã phải hủy bỏ chỉ vì nhiều sơ sót cẩu thả. Thậm chí, ngay cả những tấm phông làm cảnh chung quanh thủ hiến cũng bị sụp đổ trong buổi họp báo của bà hôm thứ Năm vừa qua.
Nhưng phe đối lập cũng phải chịu trách nhiệm về việc để cho tiểu bang bị đè năng bởi một chính phủ hỗn độn bê bối vì với hơn một thập niên xào xáo lục đục, tranh chấp nội bộ, với sự kém cỏi bất tài và những lần thay đổi lãnh tụ một cách không cần thiết, họ đã không thể nào thuyết phục được cử tri rằng họ xứng đáng được tưởng thưởng với quyền lèo lái tiểu bang, cho dù chính phủ Lao Động có tệ lậu đến thế nào đi nữa.
Cuộc bầu cử năm 2007 quả là một bài tập về việc tự lừa dối bản thân với ông Peter Debnam khốn khổ không thể nào quyết định được ông ta nên ngồi ở cái ghế nào để được phỏng vấn! Và giờ đây, với sự chiến thắng của ông Barry O’Farrell trong kỳ bầu cử tiểu bang năm tới gần như đã được đảm bảo chắc chắn và ngay cả vận mệnh của phe đối lập liên bang coi mòi cũng khả quan thì một lần nữa những đòn thù hiểm ác kinh tởm trong trận chiến nồi da xáo thịt, củi đậu nấu đậu qua việc tuyển chọn ứng viên đã tạo nguy cơ mất tất cả và hơn thế nữa, chỉ củng cố hình ảnh một cái đảng bẩm sinh bị nứt toác giữa những sự quá khích tột cùng mà thôi.
Món đồ bị tranh giành là cái ghế thượng viện của ông David Clark, tay trùm quyền lực 63 tuổi của cánh hữu. Ông này đang bị đệ tử cũ của ông là Alex Hawke, 32 tuổi, dân biểu liên bang mà ông Clarke từng giúp đỡ để giành được  cái ghế an toàn ở Tây Bắc Sydney là Mitchell.


Sự hung tàn dữ dội của trận đánh này- một trận đánh mà những người yểm trợ ông Clarke hăm he là sẽ khai pháo cho “Thế Chiến III” nếu ông Clarke thất bại trong cuộc tuyển chọn ứng viên ngày thứ Bảy 20/2/10, và nó cũng được nhiều người hiểu biết từ bên trong cho biết sẽ trở nên tàn độc, tệ hại hơn trong vòng ba tháng tới đây- có nguy cơ tạo thiệt hại cho triển vọng chỗi dậy của đảng Tự Do chẳng những chỉ ở NSW mà còn trên chính trường liên bang nữa.
Mặc dù có rất ít người cho rằng bà Keneally có cơ hội đắc thắng trong kỳ bầu cử năm 2011 tới đây, nhưng các nhân vật cao cấp trong đảng Tự Do e ngại rằng sự thất bại của ông Barry O’Farrell, lãnh tụ đối lập tiểu bang NSW, trong việc chặn đứng những xào xáo nội bộ cũng như trong việc thu hút cảm tình của cử tri sẽ dẫn đến một kết quả bầu cử thật lờ đờ, u tối với một chính phủ sẽ chỉ nắm được một nhiệm kỳ thay vì bốn nhiệm kỳ.
Ông Clarke là người đã bố trí cho sự hồi sinh của cánh hữu trong phân bộ NSW của đảng Tự Do sau nhiều năm mà phân bộ này bị cánh Tả kiểm soát, và qua đó mang đến cho đảng này một cơ hội tốt hơn để hấp dẫn, lôi cuốn cái căn cứ chính của họ là giới bảo thủ.
Thế nhưng, những  hiềm khích từ việc thay đổi cán cân quyền lực này đã tạo ảnh hưởng xấu đến uy tín của ông. Mặc dù ông Barry O’Farrell đã thành công trong việc ép buộc thúc đẩy sự đoàn kết giữa hai cánh tả hữu và dẫn đến một sự hòa giải, tái lập mối hữu nghị giữa ông Clarke và ông trùm cánh tả là Michael Photios, thì ông Clarke vẫn bị dính với cái nhãn một kẻ quá khích tôn giáo, lãnh đạo “cánh Hữu quá khích tôn giáo như Taliban” của đảng Tự Do.
Đấy là một cách miêu tả đặc điểm rất tác hại về một người mà “sự quá khích” chỉ bao gồm việc ông là một người Công Giáo thường xuyên dự lễ, lấy vợ là thành viên của tổ chức Opus Dei- một tổ chức Công Giáo- và có những quan điểm bảo thủ về xã hội.
Thế nhưng ông Hawke và đồng minh của ông, kể cả chủ tịch phân bộ đảng là Nick Campbell, rõ ràng đã đi đến quyết định rằng ông Clarke là một cái gánh nặng khó chịu trong thế giới hậu Howard. Thế là họ bắt đầu chiếm đoạt căn cứ quyền thế của ông và tự miêu tả họ như “cánh hữu có ý thức” (sensible right) trong lúc họ bị kẻ thù của họ gọi là “cánh nhiều tham vọng” (ambition faction).
Người mà họ chọn để thay thế ông Clarke ở vùng Tây Bắc là ông David Elliott, cựu phó tổng giám đốc Hiệp Hội Khách Sạn Úc (Australian Hotels Association), một người khó tạo thiện cảm và có tiềm năng đóng góp cho tương lai của đảng Tự Do lại ở tỷ lệ nghịch với những rối rắm nội bộ mà sự đề bạt ông ta sẽ tạo nên.
Sự hiềm khích trong cánh Hữu đã dẫn đến nhiều sự thông đồng, thỏa thuận thật hấp tấp với cánh Tả và những sự thỏa hiệp này sẽ mang đến nhiều hậu quả bất ổn trong nhiều năm tới đây.
Ông Alan Jones, xướng ngôn viên truyền thanh có uy thế nhất đối với cử tri Tự Do, trong suốt 5 tháng qua đã liên tục tấn công hai ông Hawke và Campbell mỗi hai tuần như “một cái mầm ung thư” của đảng này. Trên trang mạng YouTube có đầy dẫy những đoạn phim miêu tả ông dân biểu trẻ tuổi Alex Hawke như đủ loại người tàn tệ, từ Hitler cho đến Machiavelli (triết gia Ý thời Phục Hưng, nổi danh thế giới với quyển tham luận “Ông Hoàng- The Prince” về các mánh khóe chính trị) cho đến một nam vũ công khỏa thân.
Ông Hawke phải là một người điếc đặc như trâu với da mặt dầy như da tê giác. Cuộc thánh chiến mà ông xách động chống ông Clarke là một sự thách thức dành cho ông Tony Abbott lãnh tụ đối lập liên bang bởi vì ông này đã từng công khai, và từng yêu cầu riêng với ông Hawke hãy tạo sự hòa bình. Cuộc chiến này cũng là một sự chống chọi lại lá thư của ông O’Farrell yểm trợ cho ông Clarke.
Ngoài ra, ông Clarke còn nhận được sự tán thành ủng hộ từ những nhân vật tiếng tăm của đảng Tự do như các TNS Nick Minchin, Cory Bernardi và Helen Coonan cùng với phát ngôn nhân đối lập về tư pháp của NSW là ông Greg Smith.
Với những người quan trọng như thế đứng về phe ông Clarke thì chắc chắn đảng Tự do sẽ bị bẽ mặt vô cùng nếu ông bị hất cẳng.
Đã đến lúc ông O’Farrell không còn ngồi hàng hai trên hàng rào nữa mà phải sử dụng quyền lực của ông để bảo đảm rằng cái ghế của ông Clarke được giữ vững và đồng thời đòi hỏi một sự chấm dứt về những ảnh hưởng xấu xa của ông Hawke cũng như bảo vệ sự hòa bình trong nội bộ đảng bằng một bàn tay sắt.
Đây sẽ là một cuộc thử thách về khí phách của ông O’Farrell ở thời điểm mà những sự e dè lo ngại về tài lãnh đạo của ông, cũng như những kết quả ì ạch trong những cuộc thăm dò dân ý đã được nhiều thành viên cao cấp của đảng Tự do công khai thảo luận với nhiều lời than phiền rõ rệt rằng ông không hề lắng nghe lời cố vấn, khuyên nhủ cũng như những đề nghị giúp đỡ từ các chính khách lão thành của đảng Tự do.
Một nhà quân sư tuyên bố: “Hiện có rất nhiều người nghĩ rằng ông O’Farrell không đủ sức làm việc này”. Ông quân sư này cho rằng chính sách cố thu nhỏ để không trở thành mục tiêu tấn công của ông O’Farrell biến đội ngũ của ông thành “một đám chết dở với ít sinh lực” và rất ít chính sách.
Nói như thế là một sự không công bằng. Ông O’Farrell là một người dễ chịu, vui vẻ, có duyên với thói quen thật dễ mến là thường tự nhạo báng mình. Trang web của đảng Tự do NSW tràn đầy ý kiến về chính sách và hai bà Gladys Berejiklian và Jillian Skinner đã đưa ra nhiều quan điểm thật hay về hai lãnh vực quan trọng là giao thông và y tế.
Thế nhưng, người ta có thể nhận xét một cách thật công bằng về đảng Tự Do NSW là sự thiếu kỷ luật của cuộc tranh chấp giữa hai ông Hawke và Clarke cho thấy sự ngạo mạn xấc xược đã bắt đầu hiển hiện quá hấp tấp với một số những tay cán bộ của đảng quá tin rằng họ sẽ giành chánh quyền nên bắt đầu hoạch định những chương trình chia xẻ lợi nhuận từ việc giữ chánh quyền.
Tai những buổi tiệc cocktail của đảng Tự Do, các dân biểu đều nói về “khi” chứ không phải “nếu” họ thắng cử, và tất cả đều đặt trọng tâm vào việc không tạo lỗi lầm chứ không phải vào việc tạo được sự tin tưởng của quần chúng với những viễn kiến thật rõ rệt, sáng sủa về quan điểm của chính họ.
Có rất nhiều người vẫn thường nhận lấy thất bại từ chiến thắng, hay nói một cách khách, dễ dàng chuyển thắng thành bại. Phải chăng đấy là phương châm hành động của đảng Tự Do NSW trong một thời gian khá lâu"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.