Hôm nay,  

Phỏng Vấn Ông Tăng Nhơn Phú Về Hiện Tình Hội Cựu Svsq/tbtđ/nsw

08/11/200900:00:00(Xem: 3237)

Phỏng vấn Ông Tăng Nhơn Phú về hiện tình Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW - Hữu Nguyên

LTS: Kể từ sau cuộc bầu cử ngày 6/9/09 và tái bầu cử ngày 4/10/09 của Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức NSW (Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW), những chỉ trích, phản đối lẫn nhau giữa nội bộ Hội cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW trên báo chí, trên đài phát thanh, Internet đã làm cho dư luận hoang mang. Để tìm hiểu sự thật và cũng để rộng đường dư luận, ngỏ hầu giải tỏa phần nào những thắc mắc, ngộ nhận đã và đang gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Úc, Saigon Times đã phỏng vấn ông Tăng Nhơn Phú, bút hiệu của một Cựu SVSQ/TB Thủ Đức khóa 1/70, người luôn luôn đi sát các sinh hoạt của truyền thông, cộng đồng, cựu Quân Nhân, cũng như Hội cựu SVSQ/TBTĐ, trong nhiều thập niên qua. Cụ thể, ông từng là cộng tác viên của bán tuần báo Việt Luận, Chuông Sàigòn, Saigon News và từng là chủ bút các tuần báo Nhân Quyền, Tiếng Nói Người Việt, Đặc san Gươm Thiêng của Tổng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Úc Châu, Đặc san Võ Khoa Thủ Đức của Liên Hội Cựu SVSQ/TB Thủ Đức/UC. Về hoạt động cộng đồng, ông từng là chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn và Giám Sát CĐ/NVTD/NSW liên tiếp hai nhiệm kỳ. Ông được bầu vào chức vụ Tổng Thư ký Hội CQN/QLVNCH Úc Châu hai nhiệm kỳ và Tổng Thư ký Tổng Hội CQN/QLVNCH/UC liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Riêng đối với Gia đình Thủ Đức, ông đã là Liên Hội Trưởng Liên Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/UC và là thành viên lâu nhất trong Ban chấp hành Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW kể từ ngày thành lập Hội.
Trong phần trả lời phỏng vấn, ông đã mạnh dạn và thẳng thắn có những nhận định về nhiều vấn đề cũng như về một số vị lãnh đạo Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW, trong đó có ông Đào Hữu Xuân và ông Văn Tấn Thạch, là những người cũng thường xuyên và tích cực đóng góp cho Hội cũng như cho cộng đồng trên nhiều phương diện trong thời gian nhiều chục năm qua. Những nhận định đó có thể tạo nên những dị biệt, bất đồng đối với người này người khác, nhưng rõ ràng ông Tăng Nhơn Phú đã trình bầy với tất cả lòng chân thành và thiện chí muốn xây dựng Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW nói riêng và cộng đồng nói chung, trở nên tốt đẹp hơn. Cũng trong tinh thần đó, và để rộng đường dư luận, Sàigòn Times sẵn sàng lắng nghe và đăng tải mọi ý kiến đóng góp quanh vấn đề này, đồng thời mời gọi những người liên hệ trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Sau đây, kính mời quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn ông Tăng Nhơn Phú của Hữu Nguyên.

*

Hữu Nguyên (HN): Chào anh Tăng Nhơn Phú. Xin anh cho biết lý do vì sao dùng bút hiệu Tăng Nhơn Phú trong cuộc phỏng vấn này, và thời gian anh sinh hoạt trong Ban Chấp Hành (BCH) Hội cựu SVSQ/TBTĐ/NSW"
Tăng Nhơn Phú (TNP): Chào anh HN. Trong báo giới anh em thường dùng bút hiệu để gọi nhau, tôi cũng không ngoại lệ. Bút hiệu này không lạ lùng gì đối với hầu hết anh em cựu SVSQTĐ tại Úc châu, vì anh em đều biết Tăng Nhơn Phú là ai. Tăng Nhơn Phú là bút hiệu đầu tiên tôi chọn khi cộng tác với tờ báo đầu tiên là bán tuần báo Việt Luận vào cuối năm 1986. Tôi chọn bút hiệu này vì nhớ đến cội nguồn, nơi xuất thân trong đời binh nghiệp của mình. Như quý anh đều biết, Tăng Nhơn Phú là tên một ngọn đồi, nơi quân trường Thủ Đức tọa lạc.
Về sinh hoạt với Hội Cựu SVSQ/ TBTĐ/NSW, tôi và một số huynh trưởng đã có mặt trong những ngày đầu thành lập Hội vào tháng 12/1987. Tôi được anh em đề cử vào BCH Hội liên tục từ năm 1987 đến năm 2007.
HN: Anh có thể nói rõ hơn những chức vụ trong BCH mà anh đã đảm nhận suốt 20 năm"
TNP: Tôi cho đó là những trách vụ. Suốt 20 năm trong BCH Hội, tôi được anh em đề cử và tín nhiệm với thời gian là: 10 năm là Ủy Viên Báo chí, 2 năm là Hội phó Nội vụ và 8 năm là Hội trưởng. Hai năn sau này tôi là một Hội viên như những anh em Hội viên khác.
HN: Để làm sáng tỏ vấn đề và cũng để dẫn đến nội dung chính trong buổi phỏng vấn hôm nay, xin anh cho biết lý do vì sao anh chấp nhận cho SGT trực tiếp phỏng vấn"
TNP: Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả anh em trong Hội cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW đều chủ trương giải quyết vấn đề nội bộ bằng những phiên họp nội bộ, trong nhà nên đóng cửa bảo nhau. Tuy nhiên, hiện nay việc nội bộ của Hội Thủ Đức chúng tôi không còn khép kín được nữa. Nó đã lan rộng không chỉ tại Úc mà cả hải ngoại. Dư luận quần chúng đã phẫn nộ, chê trách cũng có mà thông cảm cũng có. Nhưng hầu hết đều hoang mang, không thấy rõ sự thật, kể cả một số Hội viên trong Hội chúng tôi. Nếu im lặng, giấu giếm đưa đến kết quả tốt thì cũng nên. Trái lại, giấu giếm dẫn đến hậu quả tai hại không thể lường được thì cái tội bao che, đồng lõa khó có thể dung thứ. Đến nước này tôi không thể im lặng. Tôi chỉ trả lời những câu hỏi mà tôi đã nắm đầy đủ bằng chứng, đã mắt thấy tai nghe. Có thể một vài huynh trưởng hoặc chiến hữu trong Hội sẽ chỉ trích tôi “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng áo đâu còn nữa mà vạch. Đến nước này thì quý vị huynh trưởng và chúng tôi phải cần thấy rõ vết thương mới trị lành được. Không cứ SGT mà bất cứ cơ quan truyền thông nào phỏng vấn, tôi cũng chấp nhận trả lời. Nhưng SGT phỏng vấn trước, và tôi xác định chỉ trình bày một lần, một lần duy nhất này mà thôi.
HN: Trở về trọng tâm đề tài phỏng vấn, trong “Thông báo khẩn” đề ngày 21/9/09 của Ban Vận Động và Tổ chức Bầu Cử BCH Hội cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW nhiệm kỳ 2009-2011 (từ đây gọi tắt là Ban Bầu Cử - BBC), có ghi: “Trong Đại Hội Bầu Cử ngày 6/9/2009, Ban Vận Động và Tổ Chức Bầu Cử đã sơ sót không tổ chức bầu lại khi hai Liên danh đồng phiếu mà công bố kết quả, vị Thụ Ủy Liên danh khóa trước đắc cử”. Với tư cách là người tham dự và chứng kiến, anh vui lòng cho biến diễn tiến cũng như sự sơ sót này"
TNP: Trước khi trả lời câu hỏi này, xin cho tôi nói qua về một số cáo buộc của anh Đào Hữu Xuân (ĐHX) khi cho rằng một số người không phải là Hội viên mà được bầu, hoặc một số người không đóng niên liễm là không hợp lệ.
Hội Cựu SVSQ/TNTĐ/NSW không phải là một tổ chức chính trị. mà chỉ là một Hội Ái Hữu quy tụ những Cựu SVSQ trừ bị của QLVNCH. Kể từ sau tháng Tư đen 1975, theo thời gian, số lượng cựu SVSQ Trừ bị Thủ Đức nói riêng và Cựu QN/QLVNCH nói chung, chỉ có giảm mà không có tăng. Nói trắng ra chỉ có tử mà không có sinh. Hiện tại, người cựu SVSQ trừ bị Thủ Đức trẻ tuổi nhất cũng đã xấp xỉ 60. Do vậy anh em đến với nhau trong tình huynh đệ đồng môn trong những năm cuối đời. Vì lý do sức khỏe, vì hoàn cảnh gia đình, vì sinh kế, nên một số Hội viên đã gián đoạn sinh hoạt với Hội. Đến khi có cơ hội thuận tiện, họ trở lại sinh hoạt thì mọi người đều vui vẻ, tay bắt mặt mừng.
Kể từ ngày thành lập năm 1987 đến năm 2007, có 11 lần bầu cử Ban chấp hành Hội, tôi khẳng định chưa có lần nào mà BBC hạch hỏi người này người kia đóng niên liễm chưa hoặc tại sao đã lâu không sinh hoạt. Lý do vì tế nhị, vì tình đoàn kết và vì không muốn đánh mất sự trở về của anh em mình, vốn theo thời gian ngày càng giảm. Lần bầu cử thứ 11 do anh Văn Tấn Thạch (VTT) làm Trưởng Ban Bầu Cử, cũng với hai Liên Danh như lần này, vẫn theo tiền lệ cũ. Kết quả Liên danh anh Đào Hữu Xuân (LD2) thắng Liên danh anh Phạm Quang Ngọc (K 2/68-LD 1), bên thua chúc mừng bên thắng mà không hề có sự khiếu nại nào. Đó là cuộc bầu cử vào tháng 9/2009.
Nói về cuộc bầu cử lần thứ 12 (ngày 6/9/09) tại Trung tâm Văn Hóa và Sinh Họat Cộng Đồng (TTVH & SHCĐ). Lúc 1g30, sau nghi lễ chào cờ, tôi quan sát và nhẩm đếm có tất cả 69 người tham dự. 62 người sinh hoạt tương đối đều đặn, 2 người đã gián đoạn sinh hoạt từ lâu – đó là các anh NXN và TTK, 5 người còn lại mới tham dự lần đầu. BBC cho thiết lập danh sách và hỏi ý kiến Đại Hội về tư cách hợp lệ để được bầu. Đại Hội đồng thuận rằng ngoại trừ những người tham gia lần đầu, tất cả còn lại là những Hội viên hiện tại hay những người đã từng là Hội viên, đều được quyền nhận phiếu bầu. Do đó số cử tri hợp lệ là 64.
Cuộc bầu cử và kiểm phiếu diễn ra. Kết quả hai Liên danh đồng phiếu 32/32. Đây là trường hợp đồng phiếu lần đầu tiên xảy ra trong tất cả các cuộc bầu cử. Do không xét kỹ Nội quy nên BBC tuyên bố LD 1 đắc cử vì là vị Thụ ủy khóa trước và cao tuổi hơn. BBC hỏi LD 2 có thắc mắc gì không, anh ĐHX không thắc mắc và ký vào biên bản công nhận sự đắc cử của LD1. Trong 64 người hiện diện có anh Nguyễn Trí Hòa là Trưởng ban Tu chính Nội quy, 3 Cựu Hội trưởng, 1 Hội trưởng đương nhiệm. Tất cả đều không có ý kiến gì về kết quả công bố.
Mười ngày sau, anh ĐHX gửi Văn Thư cho BBC không công nhận kết quả công bố vì BBC đã vi phạm Nội quy, tố cáo BBC đã “khuất lấp, gian lận, bất công, bè phái”. Văn thư này ngoài việc gởi cho BBC, anh ĐHX cũng đã phổ biến rộng rãi. Tôi nhận được Văn thư nêu trên, vội tra lại Nội quy. Quả tình theo bản Nội quy tu chính ngày 27/7/08, điều 11, 5 ghi rằng: “Được coi là đắc cử nếu Liên danh nào có số phiếu bằng hoặc hơn 1/2 tổng số phiếu hợp lệ. Trường hợp đồng phiếu sẽ bầu lại. Trong trường hợp bầu đến lần thứ hai mà vẫn đồng phiếu thì vị Thụ ủy Liên Danh khóa trước đương nhiên đắc cử. Trường hợp các vị Thụ ủy Liên danh cùng đồng phiếu, đồng khóa thì vị nào cao tuổi hơn sẽ đắc cử”.
Tôi cho rằng đây là sự sơ sót vô tình của 64 người hiện diện. Anh ĐHX là Hội trưởng đương nhiệm và là Thụ ủy LD2 mà cũng không biết thì anh Đỗ Trung Chu (ĐTC) lần đầu tiên làm Trưởng BBC khó tránh được lỗi lầm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, anh ĐTC là người chịu trách nhiệm nặng nhất. Sau khi thấy được sơ sót nêu trên, anh ĐTC tham khảo hai Liên danh và đồng ý tổ chức bầu cử lại. Tôi lo ngại LD1 của anh Phạm Quang Ngọc (PQN-K 2/68) sẽ phản đối vì biên bản công nhận kết quả bầu cử đã được 2 LD cùng ký và thông báo kết quả cũng được công bố. Nhưng việc này đã không xảy ra. Thông Báo Khẩn của BBC gởi cho các Hội viên và được phổ biến rộng rãi trên báo chí. Trong Thông Báo Khẩn này, anh ĐTC đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, đã xin lỗi và sửa lỗi bằng cách tổ chức tái bầu cử vào lúc 1 giờ trưa ngày Chủ Nhật 4/10/09 tại TTVH & SHCĐ.
Tôi rất buồn khi đọc Văn Thư của anh ĐHX. Ngoài việc mạ lỵ anh ĐTC, một huynh trưởng khả kính trong Hội, anh ĐHX đã sai nguyên tắc trầm trọng khi dùng Letter Head của Hội và ký tên Thụ ủy LD2 kiêm Hội trưởng đương nhiệm. Vì trong trường hợp này, Liên Danh ứng cử chỉ được quyền làm đơn hoặc gửi thư khiếu nại đến BBC. BCH đương nhiệm không được dùng thế đương quyền để áp chế hoặc áp lực BBC, vì việc này chỉ xảy ra ở các chế độ độc tài.
HN: Sau khi ra Thông Báo Khẩn, BBC quyết định tái tổ chức vào ngày 4 tháng 10 năm 2009, xin anh cho biết diễn tiến và kết quả Đại Hội. Trải qua những diễn biến đó, anh có nhận xét gì"
TNP: Câu hỏi này nếu trình bày hết thì rất dài, tôi chỉ tóm tắt theo thứ tự thời gian.
- Theo tôi được biết, sau khi tham khảo 2 Liên Danh, BBC họp và quyết định chọn ngày 4/10/09 làm ngày tổ chức Đại Hội Tái Bầu cử vì không thể trễ hơn được. Chủ Nhật tuần sau (11/10/09) là Lễ Kỷ niệm ngày Truyền Thống Thủ Đức. Nếu tổ chức bầu cử sau Ngày Truyền Thống theo ý muốn của LD2 thì BBC đã vi phạm Nội quy. Trường hợp bầu cử sau Ngày Truyền Thống, nếu LD2 đắc cử thì mọi việc êm xuôi. Nếu LD1 đắc cử thì LD2 sẽ có cớ phủ nhận kết quả vì BBC không theo quy định của Nội quy. Theo tôi, lần này BBC rất cẩn thận để tránh mọi sai sót.
- Sau khi BBC ra Thông Báo Khẩn thì vài hôm sau anh ĐHX với tư cách Hội trưởng đương nhiệm cũng gởi cho tất cả Hội viên một Thư Mời Họp để giải quyết những vấn đề nội bộ. Điều oái oăm là ngày giờ và địa điểm họp lại là ngày giờ và địa điểm mà BBC đã thuê mướn để tái bầu cử.
- Khoảng 1g15 ngày 4/10/09, tất cả Hội viên (đã nhận cả hai thư mời từ BBC của anh ĐTC và BCH của anh ĐHX với hai mục đích khác nhau) tập trung vào phòng họp. Trên bàn chủ tọa gồm BBC và BCH. Sau nghi lễ chào cờ, các Hội viên tranh luận về tư cách chính danh chủ tọa phiên họp. BBC hay BCH" Anh Huỳnh Ngọc Đức là quản lý TTVH & SHCĐ được mời đến. Anh Đức xác nhận là chính anh ĐTC đã ký vào đơn thuê phòng họp để tổ chức Đại Hội tái bầu cử. Mọi việc đã sáng tỏ. Lẽ ra BBC phải mời anh ĐHX và anh Nguyễn Hoàng Dũng (NHD) ứng cử viên Hội Phó Nội vụ LD2 xuống ngồi phía dưới, ngang hang với LD1, nhưng vì tế nhị nên anh ĐTC cho phép 2 anh ĐHX và NHD ngồi bên cạnh BBC. Đồng thời cũng để chứng tỏ sự minh bạch và trong sáng, BBC đồng ý cho LD2 được quay video làm tài liệu. Máy và chân video được bà ĐHX chọn lựa vị trí và đặt trước phiên họp nửa giờ. Anh Văn Tấn Thạch (VVT) phụ trách quay từ đầu đến cuối.
- Những Hội viên tham dự phiên họp đã tranh luận sôi nổi theo những chiều hướng khác nhau về mục đích phiên họp. Anh ĐHX nhá nhá mấy tờ giấy và nói đây là quyết định của 46 Hội viên ký tên bất tín nhiệm BBC. Anh ĐTC cho rằng đó chỉ là đề nghị hoặc yêu cầu, không có giá trị quyết định. Theo Nội quy chỉ có Hội viên hiện diện mới quyết định mà thôi. Anh Võ Minh Cương đề nghị chấm dứt sự tranh cãi, dùng phương pháp biểu quyết. Thứ nhất là biểu quyết về mục đích phiên họp và thứ hai là biểu quyết tín nhiệm hay bất tín nhiệm BBC. Tất cả đồng thuận phương pháp biểu quyết. Lúc đó, hiện diện trong Đại hội là 58 người. Biểu quyết thứ nhất có 8 người giơ tay không chấp nhận hôm nay là ngày bầu cử, 38 người giơ tay đồng ý bầu cử, 12 người không ý kiến. Như vậy, Đại Hội tái bầu cử được xác định theo quyết định của đại đa số.
Biểu quyết thứ hai là cuộc biểu quyết vô cùng quan trọng vì nó được đánh giá như một tiền bầu cử. Đó là vấn đề tín nhiệm hay bất tín nhiệm BBC. Kết quả, 37 người giơ tay tín nhiệm, 21 người không tín nhiệm. Tỷ số chênh lệch quá cao này làm anh ĐHX choáng váng, làm tiêu tan mọi hy vọng của LD2. Anh ĐHX tuyên bố rút lui với lời chống chế là cuộc biểu quyết bất công – Khi chính anh ấy cũng tích cực tham gia trong những lần biểu quyết đó. Việc rút lui của LD2 được xem như bỏ cuộc hay nói thẳng đây là một quyết định thua non. LD2 đã chấm dứt sự hiện hữu kể từ giờ phút đó.
- Chỉ còn lại LD1, BBC cho xét duyệt tư cách Hội viên được bầu cử. Tôi thấy có 4 Hội viên đã gián đoạn sinh hoạt Hội. Đó là các anh: NXN, TTK, HVV và NĐK. Anh NXN và TTK có tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 6/9/09, nay cũng tham dự và giơ tay bất tín nhiệm BBC. Anh HVV và NĐK giơ tay tín nhiệm. Như trong lần bầu cử trước, BBC hỏi ý kiến Đại Hội và mọi người lại đồng thuận rằng, ngoại trừ những người mới họp lần đầu, tất cả những người từng sinh hoạt với Hội đều được bỏ phiếu.
- BBC phân phát 58 phiếu để bầu trực tiếp và kín. Kết quả thu hồi là 57 phiếu, 1 phiếu đã bị anh VTT xé vụn ngay khi nhận. Như vậy chỉ còn 57 phiếu hợp lệ. Cuộc kiểm phiếu công khai diễn ra. Kết quả: phiếu tín nhiệm LD1 là 42, phiếu không tín nhiệm là 15. Theo Nội quy Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW, khi chỉ có một Liên danh ứng cử, Liên danh này chỉ được công nhận đắc cử khi đạt được tỷ lệ quá bán tổng số phiếu bầu hợp lệ. BBC công bố LD1 do anh Phạm Quang Ngọc (K2/68) đắc cử vì đã đạt được 74% phiếu tín nhiệm. Cũng theo điều 13.1 của Nội quy là: “Nhiệm kỳ được tính từ khi có kết quả bầu cử”. Như vậy, anh Phạm Quang Ngọc chính thức là Hội trưởng kể từ khi kết quả đắc cử được công bố ngày 4/10/09.


Tóm lại, cuộc bầu cử 4/10/09 vừa qua, theo tôi đó là một sự rõ ràng, minh bạch, mọi sự vu khống đều không có giá trị. Nếu anh ĐHX muốn cho mọi người thấy rõ những cáo buộc của các anh là đúng, thì khi gửi “văn thư” tố cáo BBC cho báo chí, các Hội đoàn hoặc Hội viên, anh nên kèm cuốn video mà các anh đã quay đầy đủ trong ngày bầu cử. Đây là một vũ khí sắc bén nhất, một bằng chứng hùng hồn chỉ chứng sự vi phạm Nội quy của BBC. Xin đừng cắt xén, tẩy xóa vì sẽ bị lật tẩy bởi những cuốn video khác, những cuộn ghi âm mọi chi tiết từ đầu đến cuối của buổi Đại Hội tái bầu cử này. Tại sao anh ĐHX lại không can đảm làm một việc quá ư dễ dàng như vậy" Có lẽ câu hỏi này tôi kính nhờ quý độc giả trả lời dùm. Tóm lại, theo nhận xét của tôi, cho dù mọi việc đều trong sáng đến đâu chăng nữa, cũng chỉ có giá trị đối với những người biết phân biệt phải trái, trắng đen và có thiện chí với Hội.
HN: Tôi thấy trong nhiều lần phản đối, ông ĐHX thường nhắc đi nhắc lại việc BBC không cập nhật địa chỉ của Hội viên nên đã có một số thư gửi trả về BCH của ông ấy. Vậy là thế nào"
TNP: Thư của BBC gửi cho các Hội viên, không ghi địa chỉ của BCH, vậy mà Bưu điện Úc lại gởi trả cho anh ĐHX, quả là một chuyện lạ. Chuyện mà tất cả mọi người đều biết là không thể xảy ra. Vậy mà anh ĐHX còn nói có được, thì những chuyện khác người ta không thể kiểm chứng, thì anh ấy sẽ dựng đứng đến mức nào.
HN: Qua những gì anh vừa trình bày, chúng tôi thấy Đại Hội Tái Bầu cử ngày 4 tháng 10 đã diễn ra hợp lệ, đúng Nội quy và rất tôn trọng dân chủ. Và căn cứ vào Thông Báo đề ngày 4 tháng 10 năm 2009, về “kết quả Tái Bầu Cử”, thì Liên Danh ông Phạm Quang Ngọc đã chính thức đắc cử. Vậy tại sao sau đó ông ĐHX lại liên tục phản đối" Ông Xuân phản đối như vậy sẽ được gì, mất gì"
TNP: Anh ĐHX phản đối vì quá thất vọng, quá tiếc rẻ công sức lớn lao mà các anh ấy đã bỏ ra vận động. Còn, được gì và mất gì" Theo tôi đó chỉ là phản ứng của những người không còn gì để mất, như một Chí phèo thời đại mà thôi. Như đã nêu trên, một khi Tân BCH đã được bầu chọn trong Đại hội Bầu cử, đã chính thức nhận trách nhiệm thì BCH cũ trở thành tiền nhiệm. Nói một cách dứt khoát là BCH nhiệm kỳ 07-09 và LD1, LD2 đã đi vào dĩ vãng.
HN: Qua đánh giá của dư luận, hiện nay Hội Cựu SVSQ/TBSQ/TBTĐ/NSW bị chia rẽ trầm trọng, nguyên nhân chỉ vì sự tranh chấp của một vài cá nhân trong Hội. Điều này có đúng không"
TNP: Không chỉ dư luận bên ngoài mà nhiều Hội viên cũng có nhận xét như vậy. Nhưng đây chỉ đúng một phần, một cái nhìn phiến diện do bởi việc bưng bít sự thật.
Sự bất đồng của một vài người trong Hội là chuyện bình thường của bất cứ Hội đoàn hay một tổ chức nào. Nó có trở thành trầm trọng hay không vẫn là do sự điều hành đúng hay sai của cơ cấu lãnh đạo. Cơ cấu lãnh đạo của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW là BCH. Nội quy của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW luôn luôn đặt phương châm “Triệt để xây dựng sự thuần nhất nội bộ. Triệt để tiêu diệt tận gốc nạn phân hóa nội bộ”. Phương châm này là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Hội. Tôi có thể kết luận sự chia rẽ mà anh em chúng tôi gọi là phân hóa nội bộ, là do việc điều hành độc đoán, thiếu khả năng và đầy thiên vị của anh ĐHX. Phân hóa nội bộ không chỉ trong một số Hội viên mà bắt nguồn từ sự rã nát của BCH Hội. Thượng bất chánh, hạ tắc loạn.
HN: Anh có thể nói rõ hơn về sự rã nát của BCH này không"
TNP: Tôi đã nói là tôi không thể im lặng được nữa. Tôi phải trình bày. Thứ nhất là sự rã nát của BCH và thứ hai là nguyên nhân và tác động gây phân hóa nội bộ giữa các Hội viên. Tôi nói để tất cả anh em trong Hội nhìn rõ sự thật hầu ổn định nội bộ trong thời gian sắp tới. Tôi chấp nhận một vài sự mích lòng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tiết lộ này.
Trước hết, xin nói về BCH nhiệm kỳ 07-09: có nhiều nguyên nhân gây ra đổ vỡ, nhưng tựu trung có 3 nguyên nhân chính. Một là sự bất bình về việc nhúng tay điều hành Hội của bà ĐHX. Hai là anh ĐHX có âm mưu đổi tên hội dẫn đến việc ký Thông báo phản đối anh ĐHX và anh Văn Tấn Thạch (VTT – Uỷ Viên Văn Nghệ) trong âm mưu biến “Hội Cựu Sinh viên SQTBTĐ NSW thành “Hội Cựu Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức NSW”. Và thứ ba là việc bất mãn đối với anh VTT.
- Bất bình về sự nhúng tay điều hành Hội của bà ĐHX: Trong một phiên họp nội bộ BCH tại nhà anh VTT, một số thành viên đã đặt vấn đề về bà ĐHX can dự vào việc điều hành Hội. Anh ĐHX biện minh cho hành động này, đồng thời hứa không tái phạm. Những lúc về sau thì mọi người không rõ lắm, vì không mấy ai chịu họp tại nhà VTT. Theo tôi, việc bà ĐHX điều hành Hội chỉ là những hành động vô tình, với mục đích giúp chồng mà thôi, tuy nhiên vì quá hăng say nên dễ bị ngộ nhận.
- Đổi tên Hội: Trong một phiên họp chung quyết ngày 19/4/08, vì sự bất hòa cá nhân giữa anh TNK và anh VTT, anh ĐHX đã hỗ trợ cho một âm mưu biến Hội Thủ Đức từ danh xưng có chữ “Sinh viên Sĩ Quan” thành “Sĩ Quan” . 5 thành viên trong BCH ký tên trong danh sách 40 người phản đối. Kết quả âm mưu đổi tên Hội bất thành. Đố kỵ, chia rẽ bắt đầu lan rộng từ đó. Việc này tôi không nói nhiều. vì mọi người đã rõ.
- Việc bất mãn anh VTT: Anh VTT dù chỉ là Ủy viên Văn nghệ trong BCH nhưng thường lạm quyền hành Hội trong các phiên họp, anh ĐHX chỉ ngồi như tượng gỗ mà không có quyết định gì. Nhiều Hội viên đã đặt vấn đề lạm quyền của anh VTT, nhưng rồi đâu lại vào đó. Sự điều hành của anh VTT luôn tạo ra những tranh cãi trong các phiên họp khiến Hội viên chán nản và số người tham dự ngày càng vơi dần. Thậm chí, có đề nghị được một huynh trưởng (K 19) đưa ra xem có vẻ đùa giỡn nhưng biểu lộ sự chua xót, phũ phàng. Đó là đề nghị ông Hội trưởng lần sau có gửi thư mời họp, xin ghi vào phần nội dung có mục “cãi lộn”.
- Giọt nước làm tràn ly. Tôi không nhớ rõ ngày tháng trong một phiên họp. Khi đề cập đến vấn đề quỹ Hội, huynh trưởng Trần Thụy Anh (TTA) khóa 9, đã hỏi anh VTT về số tiền quỹ thất thoát trên 6,000 đồng mà anh ấy cam kết chịu trách nhiệm (lúc anh VTT làm thủ quỹ Hội), đến nay gần 10 năm mà vẫn chưa thanh toán" Anh VTT nói rằng việc ấy đã quá cũ, anh đã xin lỗi rồi, sao nay còn nhắc lại. Anh TTA không đồng ý lời giải thích đó. Thế là anh VTT nổi giận “mày, tao” và xông vào anh TTA, mọi người can ra. Hầu hết thành viên trong BCH không đồng ý thái độ của anh VTT, cho đó là hành động ngang ngược, hỗn láo đối với một huynh trưởng, nên tuyên bố sẽ không tham dự những phiên họp BCH tại nhà anh VTT. Thế nhưng, những lần sau, anh ĐHX vẫn quyết định họp ở đó. Không tham dự càng nhiều càng tốt, đỡ gặp phải những ý kiến chống đối, miễn là mọi quyết định đều được nhân danh BCH là đủ. Anh thủ quỹ và anh Ủy viên đặc trách Thương Phế binh rút lui, đa số thành viên còn lại quá chán nản, không tham dự họp BCH và ngay cả những phiên họp thường kỳ của Hội. Một thí dụ điển hình trong phiên họp của 2 BCH: BCH Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW và một BCH có cái tên nghe lạ tai là BCH XLTV/Liên Hội. Cả hai BCH họp chung ở nhà anh VTT lúc 6.30 chiều ngày 1/7/09. Tổng số hiện diện là ba người gồm anh VTT, ĐHX và ĐTC. Do vậy, các quyết định của anh ĐHX nhân danh BCH chỉ là những quyết định riêng cuả anh ĐHX và VTT. Đại đa số các thành viên trong BCH đều không hề hay biết.
Thứ hai là nói về cách điều hành Hội của anh ĐHX: Anh ĐHX chia Hội viên thành 3 loại hạng: loại phe ta, phe lưng chừng và phe địch. Phe ta thì gửi 4 lá thư gồm: 2 thư nặc danh nói xấu Hội viên mình, 1 lá thư mạ lỵ BBC và một lá thư mời họp. Phe lưng chừng thì gửi 3 lá: 1 lá thư nặc danh, 1 thư mạ lỵ BBC và 1 thư mời họp. Phe địch thì chỉ gửi 1 lá thư mời họp mà thôi. Trước phiên họp, Hội viên kháo nhau về những lá thư thì mới vỡ lẽ. Xem văn phong, cách xử dụng từ ngữ, văn phạm hoặc lỗi chính tả, người ta có thể đoán được tác giả những lá thư nặc danh đó. Tại sao anh ĐHX lại phát tán thư nặc danh nói xấu Hội viên mình" Đó có phải là hành động đúng đắn của một ông Hội trưởng không" Thiên bất dung gian, trong một lá thư nặc danh khác, lấy một cái tên lạ hoắc là Trần Trung Hòa, anh ĐHX đã bất cẩn xử dụng địa chỉ Email của mình.
Như đã nói ở trên, bất đồng ý kiến là chuyện bình thường ở một nước tự do, dân chủ. Nhưng ở Hội Cựu SVSQ/ TBTĐ/NSW thì không được như vậy. Hễ một Hội viên hay một nhóm Hội viên nào chống đối, bất đồng thì bị ông Hội trưởng ĐHX dùng văn thư gán ghép, đồng hóa như là “những tên Việt gian, Cộng sản”.
BCH bị rã nát, cách điều hành độc tài, độc đoán lại vừa thiếu khả năng như vậy thì tránh sao Hội Cựu SVSQ/ TBTĐ/NSW không bị phân hóa. Đến đây, tôi có thể kết luận ai là thủ phạm chính gây sự chia rẽ trầm trọng này.
HN: Xin hỏi vì sao anh biết rõ “thâm cung bí sử” của BCH 07-09 như vậy" Và như anh đã biết việc chụp mũ Việt gian, Cộng sản là một trọng tội. Ở Mỹ vừa phán quyết vụ án với nội dung này. Vậy anh có bằng chứng gì không"
TNP: Có thể cũng có vài Hội viên biết rõ nội tình BCH. Nhưng có lẽ tôi là người được anh em trong BCH ưu ái bày tỏ những uẩn ức như là một sự biện minh trước những việc làm sai trái của anh ĐHX khi nhân danh BCH. Như đã trình bày ở đầu cuộc phỏng vấn, những câu trả lời của tôi hôm nay là hoàn toàn xác thực và đầy đủ bằng chứng.
HN: Anh có thể cho biết nguyên nhân thất bại của LD2 trong cuộc bầu cử ngày 4/10/09"
TNP: Như chúng ta đã biết, cuộc bầu cử ngày 6/9/09, hai LD đồng phiếu 32/32. Khi nhận được Thông Báo Khẩn bầu cử lại, tôi điểm tình hình và nghĩ rằng LD2 sẽ đắc cử. Lý do: LD2 là Liên Danh của BCH đương nhiệm, đang ở vị thế “sân nhà”. Lại nữa, anh ĐHX và VTT chịu khó đi từng nhà Hội viên thăm viếng, vận động, trong khi đó LD1 chỉ gọi điện thoại cho một số người. Thế nhưng, sau Văn Thư mạ lỵ anh ĐTC và BBC, tôi chắc chắn LD2 sẽ thất bại nặng nề. Thứ nhất, uy tín của anh ĐHX không thể so sánh với anh ĐTC, những người ủng hộ anh ĐTC sẽ quay ngược lá phiếu. Khi hai đối thủ ngang hàng, việc thành bại là do sự ủng hộ của người ngoại cuộc. Quan Vũ, Lưu Bị đã thảm bại khi không nghe lời của Gia Cát Lượng trong chủ trương “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc Cự Tào Tháo”, LD2 đã tự gài cho mình cái thế tứ bề thọ địch. Thứ hai, trò chơi phát tán thư nặc danh làm anh em Hội viên khinh bỉ. Và thứ ba, quan trọng nhất, là LD2 đã đánh giá quá thấp khả năng và trình độ nhận thức của Hội viên trong Hội.
HN: Nhân đây, xin anh Tăng Nhơn Phú trình bày về hậu quả của việc hủy bỏ Ngày Truyền Thống 11/10/09 tại nhà hang Cristal Palace"
TNP: Hổ thẹn, hổ thẹn, hổ thẹn, nhục nhã, nhục nhã, nhục nhã. Chỉ vì một vài thằng con ngỗ ngược, bất hiếu đã làm cho đại gia đình Thủ Đức chúng tôi không dám ngẩng mặt. Dù không phải là thủ phạm, nhưng nghe thiên hạ chửi quá cũng không khỏi mắc cỡ. Theo tôi, khi một Cựu SVSQ/TBTĐ đã hủy bỏ Ngày Truyền Thống của Trường Mẹ là chối bỏ cội nguồn. Đã chối bỏ cội nguồn là mặc nhiên chối bỏ tư cách cựu SVSQ/TBTĐ. Khi tư cách Cựu SVSQ/TBTĐ không còn thì làm sao trở thành một Hội viên, làm sao vỗ ngực xưng danh “Hội trưởng đương nhiệm”, dù rằng chức “Hội trưởng đương nhiệm” đã vào quá khứ khi Tân BCH đã được Đại Hội bầu chọn. Tôi có đủ dữ kiện và bằng chứng xác định trách nhiệm của anh ĐHX và NHD. Những lý do chạy tội trên báo chí chỉ là những sản phẩm tưởng tượng.
HN: Theo tôi được biết “BCH đương nhiệm” đã có một phiên họp đặc biệt ngày 25/10/09 tố cáo BBC, đồng thời nhờ Hội Cựu QN/QLVNCH/NSW và ông Lâm Mô (LM) đại diện 12 Gia đình Quân đội tại NSW giải quyết vấn đề nội bộ của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW. Anh nghĩ sao về việc này"
TNP: Phải nói cho đúng, đó là “Buổi họp BBQ”. Anh ĐHX, VTT và NHD đã mời trên 100 người, nhưng chưa đến 40 người hiện diện gồm đàn bà, trẻ em, quan khách và một số Hội viên. Nội dung mời là “ăn BBQ và nghe LD2 trình bày về sự vi phạm Nội quy của BBC”. Tôi lấy làm lạ là tại sao các anh ĐHX, VTT, NHD lại không dùng bằng chứng hùng hồn nhất để thuyết phục người tham dự. Bằng chứng này là cuốn video được anh VTT quay từ đầu đến cuối Đại Hội Tái Bầu cử 4/10/09. Đây là cơ hội ngàn vàng mà! Những gì tôi nghe được từ những người tham dự và bản “Báo cáo buổi họp đặc biệt đã tổ chức vào ngày 25/10/09” có nhiều điều tương phản. Bản báo cáo này đã gài các anh Mai Đức Hòa (MĐH), Trương Công Hải (TCH) và anh Lâm Mô (LM) và thế kẹt khó xử. Tôi tin rằng các anh ấy thừa biết nguyên tắc điều hành. Hội viên Thủ Đức tai chưa bị điếc, mắt chưa bị mù, miệng chưa bị câm, óc chưa lú lẫn thì tại sao phải “Thỉnh cầu BCH Hội CQN/QLVNCH/NSW đứng ra giải quyết v/v vi phạm Nội quy hai lần bầu cử ngày 6/9/09 và 4/10/09 của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW” (đây là nguyên văn Văn Thư của “Hội trưởng đương nhiệm” ĐHX ký gửi ngày 27/10/09). Việc ổn định nội bộ Thủ Đức là trách nhiệm của Tân BCH và tất cả Hội viên. Đối đế, vẫn còn cơ cấu chỉ huy trực tiếp của chúng tôi là Liên Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/UC.
Quả vậy, tối thứ Bảy 31/10/09, tôi đã gặp anh MĐH và anh TCH, hai anh xác quyết rằng Tổng Hội và Hội CQN/QLVNCH/NSW cũng cho biết không hề có việc ủy nhiệm anh LM họp bàn về nội bộ Hội Thủ Đức. Đó là việc dựng đứng làm cho mọi người có ảo giác rằng vẫn còn “BCH đương nhiệm”, LD1, LD2”!
Đặc biệt trong bản báo cáo này có trích dẫn ý kiến của anh Trần Đức Nhuận (TĐN) đăng trong mục “Lòng vòng miệt dưới” (DV 25/10/09). Nội dung gồm 3 điểm: Một, hai Liên Danh nên từ nhiệm, thành lập Ban Điều Hành Lâm Thời và bầu cử lại. Hai, Ngày Truyền Thống dời lại gần 2 tháng sẽ bị dị nghị, châm biếm. Ba, Ông Phạm Quang Ngọc rút lại dự tính đi Tây Úc dự Đại Hội, gửi thư qua đó xin lỗi.
Ý kiến đóng góp xây dựng là một điều đáng hoan nghênh, nhất là ý kiến của một Hội viên như anh TĐN. Nhưng, nếu anh TĐN có tham dự cuộc bầu cử ngày 4/10/09, nếu anh TĐN có tham dự buổi họp bàn việc tổ chức lại Ngày Truyền Thống (ngày 18/10/09), nếu anh TĐN có dự phiên họp tại Chipping Norton (ngày 3/5/09) về quyết định của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW đồng ý tổ chức Đại Hội lần thứ 16 tại Tây Úc và nếu anh TĐN có dịp đọc các Văn Thư mới đây của các Hội Cựu SVSQ/TBTĐ các Tiểu Bang xác định việc tổ chức Đại Hội tại Tây Úc – Tôi chắc chắn anh TĐN sẽ có một kết luận chính xác và trung thực hơn.
HN: Tôi nghĩ là cuộc phỏng vấn về tình hình Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW đến đây tạm đủ. Anh có tiên liệu gì về phản ứng sau bài phỏng vấn này"
TNP: Dĩ nhiên là có. Tôi tái xác định là những câu trả lời của tôi không phải là những sự cáo buộc. Tôi trình bày sự thật để giải tỏa những hoang mang ngộ nhận. Tôi không chấp nhận và không trả lời bất cứ một hình thức nặc danh nào, vì theo tôi đó chỉ là hành động của những người thiếu lương thiện, thiếu dũng khí. Tôi sẵn sàng trả lời và trưng dẫn bằng cớ trong Đại Hội bất thường hoặc những phiên họp thường kỳ của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/ NSW.
HN: Nếu trước 1975, người lính VNCH là rường cột then chốt trong cuộc chiến ngăn chặn sự xâm lăng của VC; thì sau 1975, người lính VNCH tiếp tục là lực lượng quan trọng của cộng đồng. Đặc biệt, trong suốt thời gian hơn 30 năm qua, Hội Cựu SVSQ/TBTĐ đã đóng vai trò then chốt trong đấu tranh chống VC cũng như xây dựng cộng đồng. Vì thế, đứng trước những xáo trộn của Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW trong thời gian gần đây, đông đảo đồng hương và Hội viên rất quan tâm và lo lắng. Vậy, câu hỏi chót là theo anh, có giải pháp nào để nhanh chóng ổn định nội bộ Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW"
TNP: Tôi không dám lạm bàn, vì đó là nhiệm vụ của tân BCH. Nhưng nếu vì uy tín và danh dự Hội, tôi nghĩ là tất cả Hội viên chúng tôi nên đặt hiện thực trên cảm tính, đặt lý trí trên tình cảm cá nhân thì mới tạo được một quyết tâm chung. Và, quyết tâm đó là làm thế nào để lấy lại niềm tin nơi quần chúng, lấy lại niềm tin nơi các Hội đoàn và Gia đình Quân đội bạn và nhất là lấy lại niềm tin cho tất cả Hội viên Hội Cựu SVSQ/TBTĐ/NSW. Cuối cùng xin cám ơn anh Hữu Nguyên và quý độc giả đã quan tâm theo dõi buổi phỏng vấn này.
HN: Chân thành cảm ơn anh Tăng Nhơn Phú.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.