Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

11/03/200800:00:00(Xem: 2556)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Vừa thổn thức chị vừa viết như sau: Như một cơ duyên, tôi rất sung sướng được gặp anh ở đây. Tôi đã suy nghĩ mấy ngày hôm nay. Đời tôi đến đây coi như chấm dứt rồi. Nhưng vì tôi còn một đứa con trai duy nhất hiện vẫn ở miền Nam. Vậy, tôi xin kể lại chi tiết đời tôi, như một lời giối giăng và gởi gấm giọt máu của tôi cho anh.
Tôi nhìn chị viết, đôi vai gầy rung rung, thỉnh thoảng lại đưa chiếc khăn trắng lên chùi mắt. Tôi lại liên tưởng đến đời mình. Chị giối giăng ký thác cho tôi ư" Trong cảnh này, tôi hay chị, ai là người sẽ về lòng đất trước, chị có biết được không" Mặc dù lòng mình đầy vơi những nỗi niềm, nhưng nhìn chòm tóc bạc trên đầu chị, nhìn cái dáng đứng nghiêng nghiêng làm cái cổ chị rụt lại; tôi đành phải đè nổi niềm của mình xuống, để gọi là làm “cái cọc mục cho rêu bám” vậy!
Từ hôm ấy, trừ những ngày chị phải đi cung, bất kể ngày đêm, tôi và chị thường đứng viết “nói chuyện” với nhau. Thậm chí, nhiều lần, tôi còn giúp chị được những ý kiến để hóa giải một phần nào mưu mô, đòn phép của chấp pháp.
Đời hoạt động của người nữ gián điệp
Những ngày đầu thuật lại chuyện, nước mắt chị Bắc vẫn cứ vòng quanh. Nhìn dáng chị đứng viết, thỉnh thoảng chị quay lại, đôi mắt đỏ hoe, tôi có cảm tưởng như chị kể lể nghẹn ngào. Nội dung sơ lược như sau...
“Đời hoạt động, bây giờ bị bắt, đã là không may rồi; nhưng, ngay đời tình cảm của tôi cũng đầy nước mắt đau thương. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở ngoại thành, Hà Nội. Tôi là nữ sinh Trưng Vương của những năm 1948-1949. Bấy giờ, tôi đang yêu một nam học sinh trên tôi 3 lớp. Khi đó, tôi đang thi Trung Học Phổ Thông và anh ấy thi phần II Tú Tài. Chúng tôi đã yêu thương nhau hơn 4 năm rồi. Anh đã được gia đình tôi công nhận. Vì vậy, thường xuyên hàng tuần, thậm chí, hàng ngày anh vẫn đến kèm dạy thêm cho tôi. Chúng tôi và gia đình đều đã có ý định chờ anh và tôi thi xong sẽ làm lễ cưới. Hai ngày sau khi thi đỗ, như mọi lần, anh đạp xe đến thăm tôi. Lúc về, trở ra tới đầu phố, chẳng hiểu thế nào mà, anh bị một chiếc xe GMC cán vỡ óc, chết ngay, còn chiếc xe đạp cũng bị gẫy đứt đôi.
“Được tin sét đánh, tôi tưởng như trời sập. Tôi đã định tự tử theo anh, nhưng nhiều lần đều bị gia đình ngăn cản. Dù chưa cưới, nhưng tôi quyết xin gia đình cho tôi đưa đám anh, như một người vợ. Sau đó, tôi nguyện khép chặt cửa lòng, quyết định suốt đời sẽ không lấy ai nữa. Bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ của bố mẹ và bạn bè.
“Tôi đã xin về một vùng quê xa xôi ở Hưng Yên, rồi Bắc Ninh để dạy học. Gần hai năm tôi sống thu mình như một nhà tu hành. Lấy các em học sinh làm nguồn vui của đời. Tôi cương quyết khước từ nhiều người tìm cách rấp ranh, muốn xây dựng gia đình với tôi. Tôi cũng tưởng như vậy là yên thân. Nhưng, chiến tranh đã không để cho các em học sinh được yên lành đi học. Thành ra, tôi cũng chẳng còn chỗ để dung thân, đành lại trở về Hà Nội.
“Khi ấy là 1952, chiến tranh ngày càng ác liệt. Một đêm, tôi không ngủ được, và chợt tìm thấy một hướng đi cho đời mình. Đó là, vào quân đội. Mấy ngày sau, tôi thực hiện ngay ý định của mình, dù gia đình có ngăn cản. Là con gái, lại có bằng Trung học Phổ thông, mà anh đã biết, bằng “Diplôme” của 1952 về trước, cũng có nhiều giá trị lắm. Cho nên, quân đội rất hoan nghênh, ưu đãi tôi. Chỉ phải 6 tháng huấn luyện quân sự sơ sơ, tôi đã được đeo lon Thiếu Úy, làm việc văn phòng trong bộ Tổng Tham Mưu.
“Quân đội là nơi thu hút biết bao những người anh hùng, những nhân vật lỗi lạc tài hoa của đất nước. Nhất là lại ở bộ Tổng Tham Mưu, nơi có đủ mọi binh chủng, có đủ mọi loại quái kiệt, xuất chúng. Cho nên, tôi, một cô gái Thiếu Úy, tuổi mới 22, 23, không “đổ” với nhân vật này, rồi sớm muộn cũng “đổ” với nhân vật tài hoa khác. Cho nên, cuối cùng, trái tim sắt đá, cánh cửa lòng đã định mãi khép chặt, nay đành mở toang, để đón nhận một nhân vật hào hoa mã thượng, là thiếu tá Trần Ngọc Tính.
"Trái tim tưởng như khô cằn, hết nhựa tình yêu từ khi mối tình đầu tan nát, bây giờ lại chảy tràn trề nhựa sống, cho mộng tràn gối chăn, cho tình tràn trước ngõ. Để rồi, một đám cưới linh đình hoa bướm với xác pháo đỏ ngập sân…
"Đùng một cái, đất nước chuyển mình, Hội nghị Genève ký kết. Lúc này, bụng đã có mang 4, 5 tháng, tôi được điều động sang bộ phận đón rước và lo di chuyển cho gia đình binh sĩ di cư vào Nam. Tôi nỗ lực, tích cực công tác lo cho thân nhân, gia đình, vợ con quân đội, nên thường xuyên đi ra, đi vào giữa Sài Gòn và Hà Nội. Cũng giai đoạn này, nhà tôi được chuyển vào Nam và được thăng lên cấp Trung Tá. Tôi miệt mài công tác, cho tới khi trở dạ sinh được một cháu trai mới tạm nghỉ. Cháu trai thật xinh và bụ bẫm. Tôi và anh Tính đặt tên cho cháu là Trang, Trần Ngọc Trang.
"Tôi những tưởng do mình ăn chay, ở lành, ngày ngày cầu xin Trời Phật độ trì, cho nên Trời Phật đã đền bù cho tôi một cuộc sống tràn trề hạnh phúc giữa thế giới tự do. Nhưng cũng bất ngờ, lại một tin sét đánh nữa đến với tôi. Trong một chuyến công tác, chồng tôi cùng hai, ba người nữa lái chiếc xe “díp” lên Đà Lạt; rồi không hiểu vì sao, trên một khúc quanh, lại gặp trời ẩm ướt, chiếc xe đã bị lao xuống vực thẳm. Hai người bị thương nặng; hai người bị chết, trong đó có chồng tôi.
"Tôi như điên rồ, gào thét, vật vã mấy ngày đêm. Nếu không vì giọt máu của tôi và anh ấy còn đỏ hỏn, lần này, tôi không thể sống được nữa. Tôi còn thiết gì cõi đời đầy máu và nước mắt này. Tôi quá ư đau đớn! Ruột tôi đêm ngày như vặn xé, đứt ra từng khúc. Vì vậy, cho dù bao nhiêu lời khuyên giải, bao nhiêu lời ủy lạo của quân đội cũng như chính quyền, tôi đều bỏ ngoài tai. Tôi không cần biết thế giới này tự do hay cộng sản, tôi cũng chẳng còn ý niệm về chính trị cũng như con người.
"Lúc này, cũng sắp hết hạn 300 ngày di cư của Hải Phòng. Tôi đã như một người điên, không còn đủ sáng suốt nghĩ suy, quyết định ôm con trở về Bắc với gia đình tôi. Sống, chờ đứa con khôn lớn, rồi tôi xin thí phát ăn mày cửa Phật. Tôi gạt hết mọi lời ngăn cản của bạn bè, ngay của chính quyền cũng như quân đội. Cuối cùng, vì thấy tôi đau khổ quá, họ cũng đành ngao ngán thở dài, để mặc tôi ôm con trở về quê cũ. Tôi trở về Hà Nội. Trên đường đi vì có con dại, nên tôi không gặp khó khăn gì. Tôi về sống với bố mẹ và họ hàng ở khu lao động Thịnh Hào, ngoại ô thành phố Hà Nội. Tôi trình bầy tất cả sự thật đời tôi với nhà cầm quyền địa phương của cộng sản. Vì đấy là thực tế, họ cũng thấy rằng cuộc đời tôi quá nhiều đau thương về mặt tình cảm. Thêm nữa, ở địa phương, hầu như suốt ngày đêm, tôi chỉ quấn quít với con tôi, cho nên họ cũng để yên, không làm phiền hà gì cả. Nhưng, điều chính mà sau này tôi mới biết, là vừa về chiếm lại nhiều thành phố, nhiều xóm làng, cộng sản còn nhiều công việc khác to lớn, cấp thiết hơn phải lo, cho nên chúng mới để cho tôi sống yên thân. Mặt khác, càng những năm sau này, các em, các cháu tôi phải đi nghĩa vụ quân sự. Vậy là gia đình ngày càng có nhiều người trong hàng ngũ cộng sản. Vả lại, chính tôi, để được yên thân, ngay trong địa phương tôi cũng tỏ ra tích cực họp hành, học tập, tham gia mọi sinh hoạt v.v… Tôi cũng chả cần biết thế giới này ngược hay xuôi nữa. Cuộc đời tôi cứ thế đều đặn như vậy theo thời gian trôi đi, cho mãi tới đầu 1960. Lúc đó, cháu bé đã 5 tuổi, đã bắt đầu cắp sách đến trường.
"Vào giai đoạn này, có lẽ đám đầu não tình báo miền Bắc, phát hiện được ra tôi như là một người có đầy đủ điều kiện và khả năng, chui được vào trong giai cấp lãnh đạo của chính quyền miền Nam để hoạt động: Đào Thị Bắc, một phụ nữ đã từng làm việc ở bộ Tổng Tham Mưu, bản thân lại là cựu sĩ quan, có chồng là trung tá Trần Ngọc Tính. Như vậy, thiếu gì bạn bè, những bạn bè quen biết trước đây, ngày nay, hẳn có người đã leo lên nhiều chỗ đứng cao của quân đội, cũng như của chính quyền Sài Gòn. Một chỗ dựa, một thế đứng vững chắc. Không còn một “miếng mồi” nào tốt hơn miếng mồi Đào Thị Bắc. Từ chỗ chúng tìm tòi nghiên cứu để nhận định, đến khi đã thấy rồi, chúng chỉ còn bắt tay thực hiện. Chúng nghiên cứu tỉ mỉ tư tưởng, cuộc sống của Bắc qua những đoàn thể địa phương, và chính quyền sở tại. Khi đã phân tích nắm được chỗ ưu, chỗ nhược của Bắc rồi. Tùy theo điều kiện, chúng lựa dần dần bằng nhiều hình thức khác nhau, từ nhiều phía khác nhau, để đi đến với Bắc. (Tới đây, chị Bắc không xưng là “tôi” nữa, mà chỉ viết xưng tên).
"Sau nhiều lần gặp, cuối cùng chúng ngỏ ý, với những lời phỉnh phờ, dụ dỗ, khích lệ có nghiên cứu. Nào là, Bắc đã thích cách mạng nên về với cách mạng; nào là, Bắc là một người dân thì, phải có trách nhiệm với đất nước, với cách mạng, v.v… và v.v… Nghĩa là, trong cái thế bị chi phối từ nhiều phía, Bắc đã phải đồng ý để chúng tuyển mộ và huấn luyện những bài học cần thiết, về hoạt động tình báo.


"Sau gần một năm huấn luyện bí mật, nghiên cứu thực tập nhuần nhuyễn vỏ bọc, cũng như các đường dây liên lạc, Đào Thị Bắc đã được tình báo miền Bắc tạo điều kiện hợp lý, hợp tình, để ôm đứa con 5 tuổi vượt tuyến vào Nam. Lý do vượt tuyến, rất đơn giản hợp tình, hợp lý đó là: Tuy đã chán hết mọi sự đời, ôm con về Bắc, tưởng được sống âm thầm, yên ổn. Nhưng, vì điều kiện xã hội miền Bắc nên cũng phải lao động, làm thợ may trong một hợp tác xã và tham gia hầu hết các buổi học tập của xóm giềng. Nghĩa là tỏ ra tích cực để được sống yên. Nhưng, dần dần, càng ngày càng bị để ý. Những tên công an xóm, xã dùng đủ mọi hình thức o ép, đe dọa. Hơn nữa, cuộc sống cũng mỗi ngày một khó khăn, không thể chịu đựng nổi được nữa, nên nhen nhúm dần tư tưởng trốn trở lại miền Nam đã lâu. Mãi tới dịp này, khi gặp thời cơ thuận tiện đưa đến, mẹ con đã luồn lọt, cuốn gói ôm nhau lội sang bên kia bờ sông Bến Hải. (Tất nhiên, những “khâu” này, chúng đã phải dàn dựng như thật, và “lô gích” nữa). Khi đã qua sông Bến Hải rồi, giai đoạn đó, bất cứ ai vượt tuyến cũng đều được đón tiếp để đưa về Huế, rồi đưa vào Sài Gòn ở trại đón tiếp đồng bào vượt tuyến bên Gia Định.
"Đúng như mọi dự tính của tình báo Hà Nội. Ngay khi vào tới Sài Gòn, Đào Thị Bắc, đã được nhiều bạn bè khi nghe được tin, đã sang trại đón tiếp đồng bào vượt tuyến Gia Định để thăm hỏi. Trong đám này, có trung tá Xuân là bạn của Trần Ngọc Tính và Bắc ngày xưa. Cũng chính trung tá Xuân đã bảo lãnh và đón mẹ con Bắc ra trại, về một cư xá sĩ quan ở tạm. Trung tá Xuân cũng là một nhân viên… Tình báo của Sài Gòn… Đến đây, chẳng hiểu vì tư tưởng của Đào Thị Bắc thích thế giới tự do, hay vì nghệ thuật khai thác, móc nối của tình báo Sài Gòn cao tay, cuối cùng Đào Thị Bắc đã khai báo hết sự thật với Tình Báo của Sài Gòn, mà đại diện là trung tá Xuân."
Tình báo Sài Gòn, cũng nằm trong lề lối chung của chính quyền miền Nam, là làm việc, hời hợt, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc của mình; ưa hình thức đao to, búa lớn, nhưng bên trong rỗng tuếch. Như vậy, làm sao tìm ra được một kế hoạch hoạt động tinh vi. Một kế hoạch mà muốn thành công, đòi hỏi phải nhiều tâm sức, vắt óc tính toán, mổ xẻ phân tích nhiều ngày đêm. Thậm chí, ăn sẽ không ngon, ngủ sẽ không yên nếu chưa tìm tòi nghiên cứu được một kế hoạch thỏa đáng! Hoặc, sẽ đau đầu, nhức óc, về việc tại sao công tác vừa qua lại bị thất bại! Nhân viên, bị bắt, bị chết! Phải coi nhân viên đó như ruột thịt của mình. Luôn luôn phải đào sâu, xét kỹ từng vấn đề để rút tỉa kinh nghiệm. Những người chịu trách nhiệm của cơ quan tình báo phải làm việc theo phòng cách: Vì việc nước, phải gửi, phải phái người anh, người em, người con mình vào đất địch để hoạt động. Nếu người anh ấy, người con ấy bị bắt, bị chết, thái độ của mình sẽ ra sao" Từ đấy sẽ thấy là, phải coi việc nước như việc nhà.
Tóm lại, với cách làm việc, với lề lối phong thái như trên, làm sao có được một kế hoạch tốt. Cá biệt, có điều gì thành công, hầu như phần lớn là do may mắn mà thôi. Hay, nói theo cách thông thường, là hôm đó, hay lúc ấy, “trời đi vắng”!
Chính vì vậy, khi thấy Đào Thị Bắc khai báo, hay nói đúng ra là thú hết những âm mưu, ý đồ của tình báo miền Bắc, tình báo miền Nam đã vội vàng ra cái vẻ “tương kế tự kế”, bí mật tuyển mộ lại Bắc. Tất nhiên, lại phải huấn luyện theo “lò” tình báo của Sài Gòn. Rồi, một mặt vờ cung cấp một số tin tức không phải thiết yếu để hòng “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Một vài năm sau, cố vờ tạo lên một sơ hở của Bắc để Sài Gòn nghi ngờ, nghĩa là thúc ép tình báo cộng sản là “động rồi đấy, hãy đưa Bắc về Hà Nội đi; nếu không, Sài Gòn sẽ bắt”.
Tóm lại, về tình huống của chị Đào Thị Bắc: Nếu đầu não của tình báo Sài Gòn là người hiểu biết kẻ thù, phải thấy ngay là, những loại người như Bắc, không bao giờ cộng sản tin dùng cả. Chúng chỉ dùng theo thời gian, theo những yêu cầu đòi hỏi của những giai đoạn ấy; rồi sau đấy; sẽ cho phép “ngồi chơi xơi nước” nếu làm tốt cho chúng. Còn, trong quá trình công tác, lại có gì sai trái, tùy theo mức độ chúng gạt luôn, hoặc cho vào “ấp”. Chúng không tin Bắc, đã không tin, chúng phải theo dõi, để ý. Chỉ cần một hiện tượng không bình thường là chúng đã phát hiện ra ngay rồi. Như thế, cố gắng đẩy chị Bắc về miền Bắc, chẳng khác gì đẩy chị vào tù, hay nói khác, đẩy Đào Thị Bắc vào chỗ… chết!
Như vậy, người lãnh đạo tình báo miền Nam lúc ấy, phải nhận một trong hai khuyết điểm sau:  Chưa đủ hiểu sự tinh quái của cộng sản. Hiểu, nhưng vẫn còn đẩy Đào Thị Bắc đi. Một là để lấy tiếng vang, hoặc may ra có kết quả. Còn nếu không, chết, mặc xác; tù rục xương cả cuộc đời, cũng không cần biết!
Nếu là khuyết điểm trên: còn gì để nói nữa (!). Chiến đấu với kẻ thù mà không đánh giá được kẻ thù! Còn nếu là khuyết điểm ở dưới: Người chỉ huy vô nhân đạo. Bất cứ một nhà nước nào, một tổ chừc nào, một cá nhân nào, làm việc không có hậu như vậy, sớm muộn sẽ bị thất bại, đổ vỡ. Đào Thị Bắc, từ tim gan, ruột phổi cho đến giòng máu đang chảy trong cơ thể là người quốc gia, nghĩa là Bắc là con ruột của ta. Con ruột mà ném vào miệng cọp thì thật là hết ý! Vậy, không thể lấy lý do mượn tay kẻ thù, để trừ đi một người ta cần chặt bỏ. Riêng tôi, khi xem chị Bắc viết thuật đến đây, tôi hiểu tình báo Sài Gòn mắc cả hai khuyết điểm trên, cũng chỉ vì lề lối làm việc hời hợt.
Trở lại sự việc Đào Thị Bắc: "…Cho tới đầu năm 1965, theo kế hoạch của miền Nam, chị Bắc báo cáo với cộng sản là đã bị lộ. Sài Gòn đã nghi ngờ. Sau một thời gian bảo Bắc đợi lệnh, cuối cùng, vào đầu tháng 5, lệnh từ Hà Nội cho Bắc về. Tất nhiên lại một sự dàn dựng của cả hai bên để Bắc rời Sài Gòn về miền Bắc…”
Khi chị Bắc qua sông Bến Hải thì được đưa tuột về ngay Hà Nội. Chúng đưa chị đến ngôi nhà số 23 phố Hàng Đường, lên một căn buồng ở trên gác, phía dưới là một cửa hiệu quốc doanh. Khi vào trong buồng, chúng đưa cho chị một tập giấy, bảo chị hàng ngày hãy viết lại tất cả mọi sự việc từ khi vào Nam: Làm những cái gì, giao thiệp với những ai, đi những đâu… một cách chi tiết.
Chị bị coi như giam lỏng, giấy tờ chúng thu hết với lời khích lệ là viết tốt, viết xong mới cho về với gia đình.
Gần một tháng trời cặm cụi viết, khi viết xong, nộp cho chúng rồi, chị tưởng là chỉ hai, ba ngày nữa sẽ được cho về thăm gia đình. Nhưng, chúng đã mắng, đã nạt nộ chị, là chúng đã biết hết mọi sự thật. Thậm chí, chúng đưa và nêu cả hình ảnh, chứng cớ. Thế là chị Bắc đành phải khai báo sự thật. Là Sài Gòn đã tuyển mộ chị, huấn luyện chị. Và, tương kế tựu kế, để chị về Hà Nội, nằm trong tổ chức tình báo miền Bắc, hoạt động cho Sài Gòn v.v… và v.v… Khai, viết xong một lần nữa, chị bị chúng đưa thẳng vào buồng số 6, mà tôi đã gặp.
Trong suốt những lần đứng viết thuật lại mọi sự việc cho tôi, lúc nào nước mắt chị cũng lưng tròng, nét mặt đầy vẻ khổ đau. Chị cũng hiểu, đời chị đến đây là hết! Chị không còn thiết bất cứ một điều gì trên cái cõi đời này. Nếu trong chị còn le lói chút ánh sáng nào, đó chính là giọt máu duy nhất của chị và của người chồng kính yêu. Cháu vẫn còn ở miền Nam, năm nay đã 11 tuổi rồi, hiện nay đang sống với một người họ hàng ở đường Phan Thanh Giản.
Từ lúc chị biết tôi cũng là người của chính quyền miền Nam, lại cùng gặp nhau trong cảnh khốn cùng này, ánh mắt chị nhìn tôi đã thay đổi hẳn. Cũng là ánh mắt ấy, nhưng trước đây mỗi khi chị nhìn tôi, hãy còn cái nhờn nhợt của màu nâu, cái màu của nhiều rụt rè, băn khoăn, xa lạ; bây giờ, nó đã đổi sang màu xanh, cái mầu của thân thương, ruột thịt, người trong một nhà. Chính chị đã viết, đời chị lúc này đang như cánh bèo bị nước cuốn chìm nổi, dập vùi, chơ vơ lạc lõng, thế mà cơ duyên gặp được tôi. Cánh bèo ấy như được dạt vào đám bèo to; tuy rằng giòng nước vẫn còn đẩy đưa đám bèo này đi mãi… Thấy chị nghĩ như vậy, tôi cũng cố giả vờ ra vẻ là một đám bèo cho chị dựa: chứ thực ra, trong lòng tôi cũng mịt mùng chả biết đường đi ngả nào, còn đấy hay mất đi lúc nào cũng đâu có hay.
Một lần, sau khi cán bộ đã đi ra, tôi lại gọi chị đứng lên nói chuyện. Chị phàn nàn, băn khoăn là quần áo của chị bị mấy chỗ tuột chỉ và đứt mấy khuya áo, nhưng không có kim. Tôi cũng hiểu, gặp khó khăn, chị viết như vậy để kể lể, cũng chỉ như là san xẻ tâm sự; chứ chị làm sao có thể nghĩ rằng tôi lại có kim. Chiếc kim của tôi thực vô cùng quý giá, chẳng bao giờ rời khỏi mình tôi; nhưng với chị, tôi có thứ gì để tiếc chị nữa. Bởi vậy, tôi nói với chị là tôi có kim. Mắt chị mở to, miệng chị mấp máy như nửa tin, nửa ngờ, cho là tôi nói đùa. Nhưng, nét mặt của tôi đang nghiêm trang nghĩ cách nào để đưa được kim cho chị. Và, tôi đã tìm ngay được một cách. Tôi vội viết: “hãy ngồi xuống, chờ một tí”.
Tôi lấy cái kim ra, xỏ vào một sợi chỉ, buộc thắt lại. Nối hai, ba sợi chỉ dài độ 3, 4 mét, rồi buộc một đầu vào một đoạn cọng cuống chổi thanh hao dài khoảng 2, 3 phân. Tôi trèo lên sàn, gọi chị và viết: Hãy cúi sát xuống nền phía cửa. Tôi sẽ “búng” cái cuống chổi sang. Chị nhặt lấy kéo về. Còn muốn dùng chỉ thêm, ngay trong chăn của trại, cứ cách hai sợi, rút một sợi, không sao cả. Một cái chăn có thể rút được 15, 16 sợi chỉ, mỗi sợi dài trên 2 mét. Tha hồ khâu vá. Sợ mất cái kim, tôi dặn chị, khi nào tôi ho hai tiếng, chị cứ việc khâu. Nếu nghe một tiếng ho, cất ngay đi. Tôi sợ cán bộ bất chợt đi vào, đứng rình thấy chị Bắc khâu, vừa bị tịch thu kim, lại vừa bị cùm nữa. Còn một tội to hơn là… phá hoại tài sản của xã hội chủ nghĩa.
Thế là chị có kim. Chị bắt đầu việc khâu vá, trong khi đó tôi gọi anh Nguyễn Lân, buồng số 4, đứng lên nói chuyện…

Hai cái áo sơ mi Thay đổi một cuộc đời!

Thuận tiện nhất cho tôi có trình bày ở trên, là viết liên lạc với ba buồng đối diện là 5, 6 và 7. Buồng số 5 và số 7 đã hơi chéo góc với buồng tôi rồi, nhưng khoảng cách cũng còn không xa lắm, nên tấm “bảng” cũng không nhỏ đi mấy. Bây giờ, buồng anh Lân (số 4) lại chéo góc hơi xa, tấm “bảng” vì vậy chỉ còn bé tí. Phải viết chữ lớn hơn mới trông rõ. Tôi và anh Lân cũng cố điều chỉnh mãi, dần dà việc nói chuyện cũng không còn khó khăn lắm.
Có lẽ vì suýt soát tuổi nhau, nên anh Lân tỏ vẻ rất thích tôi. Hầu như anh cứ đứng suốt buổi để nói chuyện với tôi. Một phần nhờ tôi ở dẫy phía ngoài, có điều kiện canh chừng cán bộ ngay từ ngoài sân; phần khác, tôi ở xà lim đã lâu, thành tinh, nắm được hầu hết những kẻ hở của cán bộ trông coi xà lim, nên mọi việc nói chuyện với chị Bắc hay với anh Lân đều do tôi chủ động. Bởi vậy, nếu tôi không gọi anh, anh đành chịu. Tôi đã quy định, với chị Bắc khi gọi nói chuyện là “hai tiếng ho”; còn với anh Lân là “hai tiếng khạc”; và với số 7 là “hai tiếng nhổ khô”. Nhưng, tôi không cho buồng này biết điều quy định của tôi với buồng kia!
Sau nhiều lần nói chuyện, tôi biết được sơ lược nội dung sự việc của anh Nguyễn Lân như sau:
Câu đầu tiên anh viết với tôi, đã làm tôi thật ngạc nhiên và buồn cười: “Nguyên nhân chính làm cho cuộc đời anh bị bắt vào Hỏa Lò là do ‘hai chiếc áo sơ mi’”. Hai cái áo này, đã có lần tôi thấy phơi ngoài sân.
Quê anh ở miền “Thắt cổ bồng” của đất nước. Cái miền mà chó phải ăn đá, gà phải ăn sỏi”. Bố anh là một cán bộ ưu tú của cộng sản, đã nằm xuống cho cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Vì vậy, anh được coi như thành phần cốt cán, con trai duy nhất của một liệt sĩ. Nhờ đó, khi anh mới học hết lớp 6 Phổ thông Trung học, anh đã được ưu đãi chiếu cố đặc biệt của chính phủ, để đi du học ở Rumanie 5 năm về ngành Quản lý kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa. Một tương lai sáng lạn rộng mở khi anh tốt nghiệp trở về nước. Năm nay, 1965, anh đã bước vào năm thứ tư rồi. Cuộc sống cũng như việc học hành của những sinh viên Việt Nam ở thủ đô Bucharest tuy còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng so với quê nhà, đều sướng hơn như từ đang ăn cơm với rau bây giờ được ăn thêm món cá. Chỉ còn một năm nữa thôi là đã thành đạt rồi; nhưng trong dạ của anh lại không mang niềm phấn khởi; vì nhìn về quê hương Việt Nam, anh thấy đầy dẫy nghèo nàn lạc hậu. Sau hàng chục năm tiến lên cái gọi là "thiên đường xã hội chủ nghĩa", anh vẫn thấy không có gì thay đổi cả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.