Hôm nay,  

Việt Nam: Tham Nhũng Bố Tham Nhũng Con

25/11/200400:00:00(Xem: 4740)
Dân đòi chống Tham nhũng – Nhà nước cứ quẩn quanh !
Hoa Thịnh Đốn.- Tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam thì ai cũng biết và cũng thấy nhưng riêng Đảng và Nhà nước lại không nhìn ra nên tiền của nhân dân cứ mỗi ngày mỗi hao mòn mà cán bộ, đảng viên lại phì ra.
Đại tá Nguyễn Hoà Bình, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an đã nói trước hội nghị phòng chống tội phạm hôm 9-11 rằng: “Tính chất, mức độ tham nhũng hiện nay diễn ra nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chúng ta nhận ra đó là một nguy cơ. Tính phổ biến của tham nhũng rất cao, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, từ những dự án mang tính xã hội cho đến những lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như dầu khí, ngân hàng... “
Ông cũng cho biết :” Tham nhũng ở địa bàn nông thôn tuy nhỏ nhưng lại thường liên quan đến đất đai, dễ tạo ra nhiều vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, chứa đựng những yếu tố bất ổn về an ninh.”
Đại tá Bình lưu ý mọi người rằng, các cuộc điều tra cho thấy “Tham nhũng có liên quan rất nhiều đến buôn lậu, lừa đảo, ma túy vì chúng phải có bảo kê, mà người bảo kê tất phải được hưởng lợi, có trường hợp tới 60% phần lợi thu được.”
Vì vậy mà vấn đề tham nhũng đã nghiễm nhiên chiếm địa ngày càng cao trong xã hội ngày nay.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng khả năng phát hiện của Nhà nước, nhất là ở các cấp địa phương thì “tỉ lệ phát hiện rất thấp (chỉ khoảng 5%), tỉ lệ ẩn rất cao (tới 95%). Tỉ lệ vụ tham nhũng do cấp huyện phát hiện rất thấp, cấp tỉnh thì lẻ tẻ, chủ yếu do cấp trung ương phát hiện.”
Ông cũng nêu lên hiện tượng khi nói đến quyết tâm chống tham nhũng thì ai cũng muốn làm cho bằng được “nhưng đi vào những trường hợp cụ thể thì lại có biểu hiện chần chừ, thiếu quyết tâm.”
Ông nói : “ Có biểu hiện đấu tranh chống tham nhũng thường là ở “sân đối phương”, còn ở “sân nhà” đấu tranh rất thấp. Bộ về đánh ở tỉnh, tỉnh đánh ở huyện hay tỉnh này đánh ở tỉnh kia thì được, nhưng tỉnh mà lại đánh chính doanh nghiệp ở tại tỉnh mình thì kết quả rất hạn chế.”
”Trong những dịp đại hội, những dịp bầu cử, hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng đạt rất thấp so với những dịp khác. Có hiện tượng chần chừ, né tránh nhằm đối phó với nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (về bồi thường oan sai), thà chọn giải pháp “an toàn” hơn là quyết liệt với tham nhũng.”
Đây là tình trạng “bao che” mà từ lâu Đảng và Nhà nước CSVN đã cao giọng cương quyết chấm dứt cho bằng được nhưng Trung ương càng hô tiến, Địa phương càng lùi lại rồi cả hai phiá cùng đứng ì ra đó nhìn dân nheo nhóc!
Những vấn đề mà Đại tá Nguyễn Hoà Bình nêu lên cũng đã được mổ xẻ gay gắt và đặt vấn đề ở Quốc hội từ đầu tháng này (11-2004). Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Đại biểu tỉnh An Giang nói trong phiên họp sáng ngày 2-11 rằng : “ Tham nhũng (hiện nay) như “một khối u ác tính đang di căn” lây lan sang cả cơ quan bảo vệ pháp luật.”
Bà đặt câu hỏi với mọi người : “''Có phải tồn tại cái gì đó không phù hợp, không đúng trong bộ máy của chúng ta! Quốc hội cần ''mổ xẻ'', làm đến nơi đến chốn vấn đề này''.
Trong bài nói trước Quốc hội, Phan Văn Khải Thủ tướng đã đưa ra ý kiến nên lập Cơ quan Chỉ đạo chống tham nhũng, nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội lại dè dặt đề nghị này. Hộ cho rằng hiện nay Đảng và Nhà nước đã có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm chống và ngăn chặn tham nhũng nhưng vì chưa làm đến nơi đến chốn nên mới xẩy ra tình trạng bên chống, bên không.
Hơn thế nữa nếu lập thêm một cơ quan nữa thì sẽ dẫm chân và chồng chéo lên nhau làm nặng thêm phí tổn cho ngân sách. Đến ngay cả Tổ chức như Mặt trận Tổ quốc cũng có trách nhiệm giúp Chính phủ chắt lọc cán bộ và đảng viên và lám tai mắt cho nhân dân trong công tác này. Thế mà cán bộ và đảng viên tham nhũng cứ ra vào cửa đảng, cửa nhà nước để xà xẻo hết tỷ này đến tỷ khác mà Mặt trận do Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Bộ Chính trị cầm đầu cứ đứng trơ ra, không nắm cổ được ai !
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nói rằng :” Đi liền với tham nhũng là bệnh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, chi tiêu ngân sách... những vấn đề này đã nói đi nói lại nhiều lần, nhiều giải pháp nhưng không mấy chuyển biến.” Bà Đặng Thị Phượng (Tây Ninh), hưởng ứng: ''Chính phủ đã 7 lần sửa đổi quy chế quản lý đầu tư xây dựng nhưng vì sao lãng phí, thất thoát chậm khắc phục"''.
Bà Phượng mạnh dạn đưa ra giải pháp: ''Cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong mọi trường hợp, nếu có sai phạm không chỉ bồi thường kinh tế mà còn xử lý hình sự. Ngoài ra, phải công khai đầu tư ngân sách để dân bàn và quyết định!''
Ông Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận) yêu cầu Nhà nước cần “sớm ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu.” Ông nói hiện nay có ''5 cái thiếu'': thiếu dân chủ thực sự, thiếu công khai đầy đủ, thiếu cơ chế giải pháp cụ thể, thiếu biện pháp mạnh đủ sức khuyến cáo, răn đe, thiếu kiểm tra, thanh tra thường xuyên.” (VietnamNet, 2-11-2004).
CHE DẤU - XỬ LÝ KÍN – XIN CHO"
Khi nói về những thất thoát và lãng phí vô trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (trên 11 ngàn tỷ đồng),Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lo lắng : “ Thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư đang là căn bệnh trầm kha mang tính phổ biến ở khắp nơi, khắp các ngành ở TƯ, địa phương và có lẽ sẽ không sai khi nói rằng, trong nhiều trường hợp, căn bệnh ấy đang song hành với nạn tham nhũng và cũng là một hình thức thể hiện của hành vi tham nhũng được che dấu rất tinh vi. Đó là 1 thực tế đau lòng. Ai cũng biết điều ấy, Chính phủ biết, dân biết, nhưng đã nhiều năm nay chúng ta đã không ngăn chặn được mà tình trạng có phần trầm trọng thêm. Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của UBTVQH (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) , ý kiến của các đại biểu QH đã nêu lên nhiều nguyên nhân, phân tích kỹ các giải pháp khắc phục nhưng dường như không có nhiều điều mới. “ (Báo Hà Nội Mới, 17-11-2004)
Vẫn theo Hà Nội Mới thì Ông Hậu “sợ rằng sau kỳ họp QH này, tình hình sẽ "đâu lại vào đấy", như "viên đá ném xuống ao bèo" bởi vấn đề này quá nhạy cảm, phức tạp, chỉ riêng việc giải quyết mối quan hệ trong tình hình vốn đầu tư còn quá eo hẹp cũng đã là khó rồi…”
Báo này viết tiếp : Đại biểu Hồ Xuân Phương của Nghệ An thì yêu cầu Quốc hội “Cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc những yếu kém trong quản lý đầu tư, xây dựng như một căn bệnh trầm kha mà chưa có hướng giải quyết. Để giải quyết vấn đề này. “ Và :” Ông cho rằng cần tiếp tục thực hiện công tác giám sát, công khai, minh bạch nguồn tài chính như một giải pháp chống tham nhũng, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh đồng bộ cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư và xây dựng theo hướng loại bỏ dần tình trạng khép kín, tách chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh trong xây dựng....”
Đại biểu Nguyễn Đình Quang (Tuyên Quang) còn nêu ra vấn đề Nhà nước “tự xử lý kín” những cán bộ bị trừng phạt vì tham nhũng, lãng phí tiền của nhân dân.”

Ông nói : “ Những sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra đã rõ về tính chất, mức độ vi phạm và chắc chắn phải có địa chỉ cụ thể, liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Cử tri và nhiều đại biểu QH còn băn khoăn vì chưa được biết rõ việc khắc phục và xử lý sai phạm liên quan đến cán bộ như thế nào. Nếu không xử lý nghiêm túc, triệt để những vi phạm đã phát hiện thì những biện pháp đề ra trong thời gian tới khó có thể nói là có hiệu quả. Theo ông, tình trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, suy cho cùng là vấn đề cán bộ và chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này"
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TpHCM), theo Hà Nội Mới, còn đòi : “ Ngoài việc giám sát của cơ quan chức năng, cần tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, công khai, minh bạch nguồn tài chính.”
Các phóng viên của báo này cho độc giả biết rằng Ông Vũ Thanh Lịch (Dăk Lăk, Ban Mê Thuột cũ) đã mỉa mai Bản Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tuy “Cũng nêu ra trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thất thoát, dàn trải ấy với hàng chục chữ "không", hàng chục chữ "nếu", chữ "thiếu"… những chữ mà theo đại biểu là "vô duyên" và "vô lý" này, nếu đi kèm với những chữ mang nội dung tích cực thì lại gây ra những hậu quả khôn lường.”
Ông này đã khuyến cáo Chính phủ : “ Báo cáo của Chính phủ đã công nhận một thực trạng là tình trạng quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo vùng và lãnh thổ, tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp và thất thoát kinh khủng là có thật và trầm trọng. Thực trạng ấy cần phải được sớm đưa ra mổ xẻ, phân tích, tìm giải pháp khắc phục để lấy lại niềm tin của nhân dân sớm chừng nào hay chừng ấy..”
Bà Trương Thị Lợi tỉnh Bắc Giang cũng thống trách Nhà nước chưa làm sao chận đứng được tệ nạn đầu tư dàn trải của Trung ương và Địa phương làm mất mát tiền của dân đóng góp. Bà nói : “ Đây là vấn đề cấp bách, nếu để kéo dài sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước nhà, kéo theo sự lãng phí, thất thoát, tha hoá, biến chất, mất cán bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân”. (Báo Hà Nội Mới, 16-11-2004)
Có điều ngạc nhiên, theo lời Bà :” Các cơ quan, đơn vị cũng biết nhưng vẫn chủ động đầu tư dàn trải. Báo cáo Chính phủ cho thấy chúng ta nợ đọng đầu tư cơ bản đến hàng nghìn tỷ và đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Hàng năm, phải đầu tư thêm vốn cho khoảng từ 300-400 dự án mà chưa đầy đủ thủ tục đầu tư. Với tình hình này, đến ngay cả năm 2005, chúng ta vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng này mà chưa có giải pháp triệt để.”
Bà thắc mắc hỏi Chính phủ : “ Địa phương nào cũng đề xuất nhu cầu có lý, cần đầu tư. Cơ quan quyết định đầu tư thì đồng ý để cùng vui, để địa phương yên tâm. Nhưng sau cái vui đó là cái buồn thì có ai để ý không "”
Đại biểu Lê Quốc Dung, tỉnh Thái Bình tiết lộ:” Đầu tư toàn xã hội của nước ta năm 2004 dự kiến khoảng 251 nghìn tỷ đồng và có thể những năm tới còn cao hơn nữa. Đây là nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng lại không hiệu quả.”
Ông Dung còn cho rằng:” Những năm trước đây, nước ta bỏ ra 3 đồng và tăng hơn được 1 đồng. Nhưng trong năm 2004 và những năm tiếp theo, cả nước phải bỏ ra 4 đồng mới thu được 1,7 đồng. Như vậy, đất nước ta đang phải trả một cái giá rất đắt. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ bỏ ra 3,5 đồng mà tăng được 1 đồng, Singapore bỏ ra 4,5 đồng mà tăng thêm được 1 đồng...Trong khi đó, nước ta còn nghèo, lại huy động vốn lớn, thế mà hiệu quả đầu tư còn thấp thì quả là lãng phí quá lớn.”
Lý do “mất tiền toi” thì nhiều, nhưng Ông Dung báo động rằng:” Nguyên nhân chủ yếu là toàn bộ quá trình đầu tư của cả nước còn yếu kém và hạn chế từ khâu lập, chất lượng, quản lý, phê duyệt đến khảo sát, lựa chọn, thiết kế, đấu thầu, thi công, giám sát, nghiệm thu, bảo hành. Hai cuộc kiểm tra gần đây nhất cho thấy số lượng thất thoát từ 13,7-19,6%. Đó là số liệu đã kiểm tra được trong khi những con số không kiểm tra được chắc còn lớn hơn. Đây là nguyên nhân cần khắc phục ngay lập tức, đặc biệt là vấn đề về quy hoạch như chương trình đánh cá xa bờ, mía đường, xi măng, cảng cá, cảng biển cũng như xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh. Tầm quy hoạch nước ta hiện chưa mang tính quy hoạch, lâu dài và kinh tế. “
Theo Tác giả Trần Đại Dương (Viết trong một tờ báo trong nước) đã lật tẩy mưu mẹo “ăn bẩn” của đội ngũ cán bộ trong vấn đề đầu tư dàn trải chỉ cốt để ăn cắp :” Tính toán của Chính phủ, năm 2004 tổng vốn đầu tư phát triển cả nước đạt 251.000 tỉ đồng, chiếm 35,4% GDP (tính theo giá thực tế), nhờ đó tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 7,6%. Để làm tăng trưởng được 1 đồng GDP thì xã hội phải đầu tư 4,7 đồng. Trong khi vào thời kỳ từ 1995 – 1996, mỗi năm vốn huy động đầu tư phát triển của cả nước so với GDP chỉ chiếm từ 31,7% - 32,1% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại đạt từ 9,34% - 9,54% (thời kỳ cao nhất trong 10 năm qua). Tính ra để có 1 đồng GDP tăng trưởng thì vốn đầu tư cần từ 3,3 – 3,4 đồng. Như vậy, để tạo cho GDP tăng 1 đồng trong năm 2004 thì phải đầu tư tăng thêm 1,3 đồng so với cách đây 8 – 9 năm, tức hiệu quả đầu tư đã giảm 38%.”
”Lý giải cho tình trạng nghịch lý này, nhiều chuyên gia cho rằng nạn tham nhũng gia tăng với cường suất cao đã đục khoét vốn trong các dự án làm cho hiệu quả đầu tư giảm sút nghiêm trọng. Thanh kiểm tra tài chính các công trình cho thấy ở đâu cũng bị tham ô, lãng phí ghê gớm. Đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn nói: Con số bị thất thoát thật kinh khủng. Qua kiểm tra 14 dự án đã phát hiện sai phạm tới 1.235 tỉ đồng, bằng 19,1% tổng số vốn đầu tư. Số vốn chi sai phạm bị “bốc hơi” dài dài từ khâu thiết kế, đến thi công, giám sát, nghiệm thu... Tại TPHCM có dự án đầu tư 3,7 tỉ đồng vốn mà bị tham ô tới 1,3 tỉ đồng, chiếm 35% vốn xây dựng công trình...”
Ông Dương viết tiếp : “Trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu quan tâm nêu vấn nạn này ra nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy Quốc hội đề ra được quyết sách nào khả thi. Cơ chế tập thể bàn, tập thể quyết nhưng không có ai chịu trách nhiệm trong quyết định đầu tư dự án đang tạo điều kiện cho tham nhũng ngày càng thêm lộng hành, nhiều quan chức lợi dụng vơ vét tiền của công bỏ túi riêng đang trở thành vấn nạn quốc gia.
Đầu tư dàn trải, sử dụng không hết công suất, gây lãng phí lớn cũng là nguyên nhân cơ bản làm cho đồng vốn đầu tư xã hội ngày càng kém hiệu quả. Từ bến cảng, sân bay, nhà máy, đánh bắt xa bờ, kênh mương thủy lợi, đến giáo dục đào tạo, y tế, bệnh viện... đâu đâu cũng có lãng phí nhưng ít thấy cán bộ bị quy trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật. Thế thì bao giờ mới giảm được nạn đầu tư lãng phí tràn lan"”
Với bài báo ngắn mà chứa đựng quá nhiều nước mắt và nỗi xót xa của đồng bào trong nước, không biết có cấp lãnh đạo nào trong Đảng và Nhà nước CSVN, kể cả Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng CSVN và Phan Văn Khải, Thủ tướng ngó đến không hay họ đang cùng các đảng viên đủng đỉnh đi kiếm tiền"
Phạm Trần (11/04)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.