Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

25/01/200900:00:00(Xem: 5464)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Kết quả cả ba căn nhà kho đều đổ nát, 18 người tù được "tha bổng", 6 người bị thương. Riêng phía CA chết 5 tên, có một nữ cán bộ đang ở tuổi trăng tròn, hơ hớ tuổi xuân. Thế là tù được lệnh phân tán di chuyển về các phân trại. Nhà tù ở cũng được rỡ xuống đem gỗ cất giấu. Riêng có 5 căn nhà dài được rỡ về, xếp thành mấy đống lù lù ở cạnh trại E hiện nay, vẫn bao lợp bằng nứa đan.
Bây giờ giữa năm 1968, Mỹ đã tuyên bố hạn chế bắn phá. Do thế, đội mũi nhọn được lệnh vận chuyển tất cả những cột, kèo gỗ lạt của 5 căn nhà đó trở về trại xây. Đường từ trại E ra trại xây chỉ khoảng 4 cây số nhưng nhiều ngoắt ngoẻo, dốc đồi.
Hầu hết số biệt kích gián điệp ở trong Nam ra đều được chọn vào cái đội "mũi nhọn" chết người này. Kể cả Đinh Sơn, tổ trưởng, tổ kỹ thuật và Nguyễn Huy Lân toán trưởng cũng không thể thoát khỏi cái lệnh quái ác của tên Sỹ. Tên Sỹ đứng ốp ngay tại đống gỗ. Cột cái 4 người, cột quân 2 người, kèo đòn tay... người này trông người kia, ai cũng phải vác những cái mà tên Sỹ nhìn được.
Hai tên bộ đội vũ trang áp giải cũng thật vất vả. Chúng cũng phải chạy theo những người mang vác. Phần vì mang vác nặng thường phải chạy nhanh một đoạn đường để nghỉ dăm phút cho đỡ đau vai. Phần khác, cũng do tên Sỹ thúc ép quát tháo, thúc giục chạy ở phía sau. Buổi sáng một chuyến, chiều một chuyến; như vậy cả đi và về tất cả 4 lần, tức 16 cây số mỗi ngày. Cái điều đáng sợ là phải triệt để thực hiện khẩu hiệu: "Đi có về có" của tên Sỹ. Ở gần trại chính khoảng 500mét, có mấy đống củi gỗ lớn chẳng hiểu có từ bao giờ. Vì thế, sau khi khênh, vác gỗ làm nhà vào trại chính xếp gọn ghẽ, lại trở ra chỗ đống củi, vác củi về trại E cho bộ đội và cán bộ thổi nấu và sưởi về mùa Đông.
Để có sức làm việc, chúng tôi được bồi dưỡng đặc biệt. Anh Lý A Chén, tự giác toán, được quyền mỗi ngày đào 30kg sắn, bóc vỏ, luộc để đội "mũi nhọn" ăn thêm cho có sức lao động. Bóc vỏ rồi luộc, chia ra thì mỗi người cũng được 7 lạng sắn chứ có ít đâu. Ngày đầu ai nấy đều hăm hở ăn hết, nhưng những ngày hôm sau thì đã có nhiều người nhai không muốn nuốt, chỉ vì người quá mệt.
Tôi với Vân thường hai người vác một cột quân. Vân cao lớn hơn tôi, nên đi sau. Kẻ trước người sau đều è vai, mặt đỏ tía tai đẩy kéo nhau chạy. Một vài ngày đầu, ai cũng hăng say phấn khởi, nhẩm bụng mỗi người có gần 1kg sắn thì hẳn phải được ăn no. Những ngày hôm sau, phần vì mệt, hết hơi, hết sức, phần khác, người và vai đau như giần. Đang là một thân tù ốm yếu, hàng ngày chỉ ra lán thủ công lao động. Bây giờ mỗi ngày chạy 16 cây số, chưa nói là phải mang vác nặng nề thì ai mà không sợ. Những ngày nắng gắt, mặt trời như đổ lửa xuống núi rừng, mồ hôi chảy long tong ướt đẫm cả áo quần. Những buổi trưa gió dầm dề, đường trơn lầy lội, anh chàng Vân chỉ to xác, tôi có cảm tưởng hai cái chân ấy, không phải là của cái thân hình dài ngoẵng của anh ta. Nó chòng chành, run rẩy, xiêu vẹo cứ như lúc cũng muốn đổ kềnh ra. Thân tôi cũng đang ngắc ngư con tầu đi, nhưng nhìn Vân tôi cũng thấy não lòng, ái ngại. Rõ ràng Vân đi không vững, có lần trượt chân, Vân ngã xấp xuống đám bùn lỗ chân trâu, hất tung cái cột lăn ra mé nứa bên đường để nghỉ. Thắc mắc, hỏi Vân, tôi mới hiểu: Anh chỉ có một con mắt nên cứ chổng chểnh chạy theo, chứ nhiều hôm đường trơn toàn bùn, Vân ngà xiêu, ngã vẹo xoành xoạch, quần áo, mặt mũi lấm be, lấm bét. Trông mặt Vân méo xẹo, nhưng tôi cũng chả hơn gì, chẳng qua đã là tấm thân tù rồ. Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai"
Được gần một tuần thì anh Phạm Tấn Tích tổ trưởng tổ 3 ngã, bị cây cột cái đè gẫy xương sống, phải khênh về bệnh xá trại. Dù đã có người bị thương nặng, nhưng đội "mũi nhọn" vẫn bị tiếp tục duy trì cường độ lao động, cho tới xong để đạt chỉ tiêu thi đua mà tên Sỹ đã đăng ký lập công, với cấp trên, với tổ đảng.
Chỉ hơn nửa tháng trời, mắt anh nào cũng trắng ra, má hóp vào, mặt vêu vao như sau một trận ốm nặng.
Điều vui mừng cho Vân là sau đợt lao động của đội "mũi nhọn" này, Vân đã có lệnh tha. Vân đã được tha ra trước án mấy tháng. Tôi vừa mừng vừa gạt được cái nỗi nặng nề, vẫn canh cánh trong lòng. Mừng vì Vân được tha ra đúng như tôi đã lý luận dự đoán. Lòng tôi nhẹ đi, vì dù sao chăng nữa, từ ngày tôi nhặt được 4 đồng bạc, mà tôi đã đoán đến 90% là của Phan Thanh Vân. Bởi vậy, mỗi lần nhìn thấy Vân, lòng tôi lại gờn gợn lên nét sượng sùng. Bây giờ cuộc đời của Vân đã được đi ra con đường rộng, đã ra chỗ sáng, lòng tôi sẽ không áy náy nhiều nữa. Tuy vậy, khi viết đến mấy giòng này, tôi chưa biết Vân đang ở đâu, nếu tìm được, tôi sẽ trả cả vốn lẫn lời cho cái món nợ trong chốn khốn cùng của quê hương năm xưa ấy.
Cho tới lúc này, tôi tin rằng Vân cũng không thể quên tôi được, bởi vì Vân còn nhớ chăng" Đôi bát to tráng men mầu xanh lá chuối non. Đôi bát lúc ấy là một thứ quý giá nhất đối với đời một người tù, Vân đã dành riêng để lại cho tôi. Đôi bát ấy đã quyện chặt nghĩa tình của Vân. Chúng đã lầm lũi, sắt son theo tôi cho đến ngày cuối ngục tù của đời tôi.
Vân được làm công nhân ngay trong trại I. Những tháng sau đó, đôi ba lần tôi thoáng thấy Vân mặc bộ đồ nâu đi giăng mắc dây điện cho trại. Nghe đâu, lương của Vân mỗi tháng 36 đồng.
Rồi do những đổi thay xê dịch của đời tù, mãi đến năm 1974 sau hội nghị Paris một năm, lúc này tôi đang ở trại trung ương số II Phong Quang, thuộc tỉnh Yên Bái. Tình cờ nghe mấy em tù hình sự kể chuyện lại: Phan T. Vân được về Hànội làm công nhân, rồi vì sao đó bị bắt lại trại I. Do sự bất mãn nên đã ương ngạnh với chính quyền mà phải vào nhà kỷ luật. Trong nhà kỷ luật, hơn một tháng sau bị đi kiết lỵ rồi chết. Từ dạo biết tin ấy, tôi rất buồn cho đời Vân. Chẳng thể ngờ đời một con người đã chịu khổ cực tù đầy bao nhiêu tháng, năm cho tới khi được tha, kết quả là như thế hay sao"
Mới đây, tôi nghe có người nói: hiện nay Vân đang ở Pháp. Nghe tin tôi vừa bàng hoàng vừa mừng, nếu như đó là sự thực, tôi tin rằng những ngày tới tôi sẽ tìm thấy Vân. Như vậy, phải chăng nguồn tin Vân bị bắt và bị chết là do CS đưa ra"
Hôm nay là Chủ Nhật, lao động xã hội chủ nghĩa buổi sáng. Toán 2 được CA vũ trang dẫn giải dùng dao phát quang chung quanh trại. Sửa sang buộc lại hàng rào trại. Khi lao động xong về trại, đang lúc trại ồn ào chia cơm canh, đột nhiên phía ngoài cổng trại lao xao, náo nhiệt hẳn lên. Một đoàn tù đến sáu, bảy người, già, trẻ lôi thôi, lếch thếch gồng gánh rương hòm, chăn mùng xếp hàng theo nhau vào trong sân trại. Bên ngoài cổng lố nhố một lũ cán bộ áo vàng. Tên trực trại Cẩn, tay cầm quyển sổ vừa ghi điểm nhận số tù nhập trại xong, y chỉ tay quát bảo đoàn tù vừa nhập trại ngồi xếp hàng 4 ngay tại sân. Tên trật tự Tân và tên Thái y tá đang lăng xăng người ôm hộp con dấu, người xách chiết sọt tiến ra đám tù thì 6-7 tên cán bộ khác cũng từ cổng đi vào. Tên Cẩn đứng ở đầu sân cao giọng:
- Lệnh của ban giám thị, các anh hãy mở hết công tư trang ra để cán bộ kiểm tra. Lần lượt từng anh, hết khám người rồi lục lọi từng thứ một. Quần áo, mùng mền, cái nào chưa đóng dấu đều bị đóng dấu. Ca, gô bát đĩa, mỗi người chỉ được giữ lại một cái: hoặc gô, hoặc ca và một đôi đĩa bát, còn bao nhiêu đều bị tịch thu hết.
Nhiều anh em trong trại, tuy chưa dám đến gần đám tù mới vào nhưng từ xa, ai cũng đứng nhìn ra mong tìm gặp người quen. Sau khi khám xong, đám tù mới được lệnh ôm quần áo vào hội trường ngồi chờ có lệnh sắp xếp, biên chế về các toán. Lúc này, đã có một số người trong đoàn tù mới đến, quen biết với những anh em ở trại. Họ còn đang í ới gọi, nói, chào hỏi nhau thì Hoàng Thanh lững thững từ ngoài cổng trại đi vào.


Chỉ thoáng thấy bóng dáng tên hung thần, hầu hết anh em ở trại đã lấm lét lủi đi hết, kể cả tôi. Chúng tôi đã được biết đây là anh em ở trại Vĩnh Tiến chuyển về. Đám tù mới, ngồi ở hội trường, có thể nhiều người chưa biết tiếng Hoàng Thanh, mà chỉ thấy một cán bộ trung úy bình thường nên họ cứ ngồi trân trân nhìn. Nhưng khi thấy anh em cũ ở trại lủi đi hết nên cũng có người chột dạ cúi xuống ngồi im.
H. Thanh dáng người cao lêu nghêu, hai tay vắt sau lưng, lững thững lách vào đám tù ở hội trường nhìn mặt từng người cứ như nhận diện. Y thấy ai ở cổ đeo thánh giá hay mẫu ảnh, thò tay cầm, mân mê xem rồi y giật đứt, ném mạnh xuống đất cho tên Tân đang đi sau nhặt bỏ vào sọt rác. Miệng H. Thanh nói với vẻ dằn dỗi, trách móc:
- Các anh thật bậy! Tượng ảnh là một thứ thiêng liêng để tôn thờ. Các anh làm bậy, làm bạ thế này mà đeo, tôi cấm các anh từ nay không được đeo nữa! Làm ô uế cả tôn giáo ra!
Cứ thế, y đã giật đứt tượng ảnh của 3-4 người rồi. Những người khác vội vàng tháo ra giấu đi thì thôi, nhưng có hai anh, trông chừng 25-30 tuổi đã nói to phản kháng:
- Đây là tượng, ảnh đã được làm phép chúng tôi đã đeo từ nhỏ. Ông phải để cho chúng tôi đeo, nhà nước không cấm!
Y quay lại, tiến đến chỗ hai anh đó, giật hai chiếc dây ảnh đeo ở cổ, y giơ ra trước mặt hai người nói nhẹ nhàng:
- Đây, các anh xem, cái miếng sắt, miếng tôn thế này mà bảo là ảnh Chúa hả" Đúng, nhà nước không cấm, nhà nước chủ trương tự do tín ngưỡng nên nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tôn giáo. Bao giờ những tượng ảnh này có giấy xác nhận của toà thánh La Mã thì tôi đồng ý cho các anh đeo. Vả lại, quyền tự do tín ngưỡng là đối với người dân, chứ các anh là những kẻ tội phạm rồi, mất tự do thì cũng không còn được hưởng quyền đó nữa. Các anh hãy cố gắng cải tạo tốt, khi chính phủ tha về, bấy giờ các anh muốn đeo thì đeo.
Hai anh đó (sau đấy tôi biết) đều ở Nghệ An, là tu sĩ ở đại chủng viện tên là: Nguyễn Thanh Đương và Trần Quốc Anh. Tuy hai anh đều tím ruột, tím gan, nhưng trước cường quyền hai anh đành nén, nuốt xuống những giọt máu trào, tưởng ứa ra tai, ra mắt, ra miệng. Vậy mà, ngay sau đó dù chưa được phân bổ về toán nào, hai anh đã được lệnh ôm chăn chiếu vào nhà kỷ luật do tên Cẩn và tên Tân dẫn đi.
Buổi chiều, toàn trại cũng sắp xếp, chuyển đổi chỗ nằm theo bản sơ đồ chỉ định của từng toán do ban giáo dục đưa vào. Số người ở trại Vĩnh Tiến chuyển về được phân bố về toán hai (mộc) 12 người như sau:
- Trần Lào (Thái Lan về nước, vượt biên) tập trung cải tạo.
- Nguyễn Văn Gôm (phản cách mạng) án 12 năm.
- Lê Văn Bưởi (gián điệp) án 20 năm.
- Nguyễn Thanh Đương (tu sĩ) tập trung cải tạo.
- Lộc "mù" (phản cách mạng) tập trung.
- Lê Liễu (đảng phái) án 20 năm.
- Lò Văn Lui (phản cách mạng, dân tộc Lao tập trung).
- Hoàng Đức Tùng (Thái Lan về nước, vượt biên) tập trung.
- Thân Lân (bộ đội tập kết, xét lại) tập trung.
- Nguyễn Văn Tiến (phản tuyên truyền) tập trung.
- Trần Thanh Tùng (Tân đảo về nước, vượt biên) tập trung.
- Nguyễn Văn Cường (tu sĩ) tập trung.
Phân bổ về toán 3 (xẻ) ở cùng buồng với toán hai gồm 9 người, trong đó có:
- Lê Triết (em ruột Lê Liễu) án 15 năm.
- Trần Nhu (phản cách mạng) tập trung.
- Đoàn Giám (tu sĩ) tập trung.
- Vũ Hàm (tu sĩ) tập trung.
- Trần Quốc Anh (tu sĩ) tập trung.
Tôi cũng bị chuyển chỗ nằm, tuy vẫn ở sàn dưới nhưng gần sát nhà cầu, nằm cạnh bác Nguyễn Văn Tiến.
Gần tuần sau, tôi được biết sơ lược: Cục lao cải quyết định bỏ trại Vĩnh Tiến. Một số người tội nhẹ, bị bắt đi tập trung cải tạo một cách ồ ạt năm 1963 thì tha về địa phương. Còn lại những loại ngoan cố và án nặng được chuyển phân tán về nhiều trại khác. Riêng chuyển về trại số I này 68 người. Trong số những người được chuyển về toán 2, người mà tôi chú ý nhất là anh Lê Văn Bưởi. Chúng tôi chỉ mới chào hỏi nhau sơ sơ, nhưng qua người khác, tôi được biết anh là đại úy. Một điệp viên qua sông Bến Hải và cũng bị bắt năm 1962.
Một đồng cảnh, lại đồng nghiệp, do đấy tôi phải lựa thế để biết về anh. Tôi nói lựa thế, bởi vì lúc này mắt của những con chó săn đang xục xạo chờ đón ghê lắm. Hàng ngày, ai tiếp xúc với ai, hiện tượng thế nào,... đều được chúng báo cáo. Cho nên để khỏi phiền toái về sau, tốt nhất hãy thong thả, để cho thời gian làm loãng đi đã, vội gì. Hơn nữa, kỳ này các toán, các tổ đang khẩn trương làm việc và sắp xếp công việc của toán, của trại cho tạm ổn theo kế hoạch. Lệnh của ban giám thị, mừng lễ quốc khánh xong, ngày 4 tháng 9 toàn trại sẽ dự lớp học tập chính trị dài ngày: “Lập công chuộc tội, chống Mỹ cứu nước” Theo các tên các bộ, đây là một đợt học tập thật quy mô cho toàn dân, toàn quân. Có nghĩa, bên ngoài dân chúng, các cơ quan, nhà máy cũng như tất cả các trại giam trên toàn miền Bắc đều phải học tập lớp học đặc biệt này.
Chỉ còn hơn một tuần nữa đã bước vào đợt học tập. Do những yêu cầu của viết, vẽ các khẩu hiệu phục vụ cho ngày 2-9 và cho lớp học, tôi lại được phân công lên lán vernie để phụ giúp Lê Sơn.
Tôi thật vui và không ngờ được nằm cạnh bác Tiến, một người thực uyên bác về nhiều lãnh vực. Đấy là điều tôi vẫn hằng sở nguyện từ khi vào tù là được gần những nhân vật lỗi lạc để học hỏi những điều mới lạ của xã hội và những kinh nghiệm trong cuộc đời. Tuy vậy, một đêm tôi chợt nhớ đến tên Đức, trưởng ban giáo dục. Có thể đây là nó cố ý sắp xếp để tôi nằm cạnh bác Tiến để theo dõi, hiểu về tư tưởng của bác Tiến, vậy sẽ có một ngày nó sẽ hỏi tôi về bác Tiến.
Cái điều tôi phải cân nhắc, tính toán suy nghĩ sao để tìm ra một giải pháp như một phương châm, một mẫu mực thích hợp để hành xử, noi theo suốt những tháng năm còn ở trong tù, trong tay Cộng Sản: do toàn bộ sự việc từ lúc đầu, không có cách thứ hai, tôi luôn luôn phải đóng một vai là một người tù tiến bộ rồi. Vậy điều cần soi kỹ, rọi sâu là triệt để không làm một điều gì thiệt hại không thể chấp nhận cho lý tưởng, cho đường đi của mình. Điều này tôi hiểu không phải là dễ dàng, nó đòi hỏi phải thường xuyên cân nhắc, ý thức trước mỗi sự việc. Tôi cũng hiểu rằng, trong cuộc đời phải chấp nhận: muốn câu được cá thì đành phải bắt, giết mấy con giun để làm mồi.
Phải nói, do những anh em ở Vĩnh Tiến về, chúng tôi ở trại E mới biết một cách xác định về vụ Tết Mậu Thân vừa qua, Cộng Sản đã bị thất bại hoàn toàn. Chúng bị bao vây ở khắp nơi, nhất là ở Sài Gòn. Bộ đội của chúng bị tiêu diệt và bị bắt sống làm tù binh rất nhiều. Tuy vậy, trong thời gian chúng chiếm thành phố Huế, chúng đã bắt và giết rất nhiều người đã làm việc cho chính phủ quốc gia. Tàn sát hàng loạt, chúng đã giết hại hàng ngàn người vô cùng dã man, tàn bạo trước khi chúng rút lui.
Theo bác Tiến, đây là một mưu đồ của bộ chính trị công an để giải quyết những mâu thuẫn cục bộ chống chính quyền Sài Gòn và Mỹ giữa Bắc và Nam. Đồng thời, để đánh động, gây tiếng vang với dư luận thế giới nhất là nhân dân Mỹ. Tóm lại, cũng theo ý kiến của Tiến: tuy vụ Mậu Thân, Cộng Sản ở miền Nam bị thất bại, nhưng bộ chính trị Cộng Sản Việt Nam đã thắng. Chúng đã đạt được 2 mục đích: giảm bớt những sức mạnh mang tư tưởng cục bộ, không chịu sự lãnh đạo triệt để của bộ chính trị. Hai là đánh lừa lương tâm và tạo sự ủng hộ của thế giới, nhất là nhân dân Mỹ.
Sở dĩ chúng làm được như vậy là do những thủ đoạn tuyên truyền vô cùng hữu hiệu của chúng. Nhân dân thế giới và ngay nhân dân miền Nam dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đa số người mơ hồ, có thiện cảm với Cộng Sản.

Chương Ba Mươi Sáu: Nghệ Thuật Tuyên Truyền Của CS

Thấy bác Tiến nhận định và có nhìn sắc bén như vậy làm cho tôi suy ngẫm riêng về lãnh vực tuyên truyền của Cộng Sản và thế giới tự do của chúng ta. Tôi đã hùng hồn bộc lộ cái nhìn của tôi về lĩnh vực này với bác Tiến. Tôi đã ở miền Nam, tôi đã ra miền Bắc. Tôi đã nhìn góc này, khía kia qua cả thực tế cũng như trên sách báo. Tôi lấy một hình tượng rất giản đơn để so sánh:
Tôi nhớ lại những ngày tôi còn lang thang trên khắp phố phường của Hà Nội trước khi bị bắt vào Hỏa Lò. Một lần tôi vào một hiệu sách Nhân Dân trước cửa chợ Đồng Xuân. Tôi lục lọi xem, tìm một số sách vở, thoáng thấy một cuốn tự điển chính trị thật dầy của Liên Xô đã được dịch ra tiếng Việt. Mở thoáng đọc một số trang, tôi nhìn thấy chữ “nghệ thuật tuyên truyền” được định nghĩa như sau: “Cái không có, mà nói cho người ta tin là có, đó là nghệ thuật tuyên truyền.”
Ngày nay, hầu hết chúng ta, qua thời gian và thực tế đều để hiểu: thế giới tự do, thực sự đã mang cơm no, áo ấm, tự do hạnh phúc cho mọi người. Nhưng trước đây, người dân lại không tin như vậy. Họ chỉ thấy là đế quốc, thực dân bóc lột, là Ngụy, là phi chính nghĩa v.v… Như vậy “ta có mà người ta lại không tin là ta có.” Ngược lại, Cộng Sản, ai cũng thấy chúng bóc lột đến giấc ngủ cũng không yên. Nhưng trước đây, khi người ta chưa nhìn thấy thực chất của Cộng Sản thì hầu hết lại tin rằng Cộng Sản là chính nghĩa, là đã đem độc lập, tự do, hạnh phúc lại cho nhân dân. Xã hội Cộng Sản là xã hội công bằng, không có cảnh người bóc lột người.
Như vậy, hiển nhiên ta thấy: Cộng Sản không có cái công bằng, dân chủ, nhưng chúng đã tuyên truyền để mọi người tin là chúng có. So sánh, chúng ta thấy rõ ràng như ban ngày: Cộng Sản tuyên truyền cái “không có” cho người ta tin là “có.” Đấy là nghệ thuật tuyên truyền! Là nghệ thuật bậc thầy. Còn như đã “có” mà tuyên truyền cho người ta tin là “có” thì chỉ là nghệ thuật học trò. Còn thế giới tự do của chúng ta “Có” mà người dân lại không tin là có. Như thế, về lãnh vực tuyên truyền ta chỉ là bậc cháu của Cộng Sản. Nghĩa là ta chỉ đáng là học trò của học trò Cộng Sản mà thôi!
Huống chi, Cộng Sản đã tìm và nhìn đúng loại đối tượng để tuyên truyền. Đó là những đám nông dân, công nhân, những người lao động nghèo khổ, ít học. Mà trong nước ta thành phần này chiếm đến 90% của dân số. Họ chỉ biết suốt ngày cặm cụi làm việc vất vả để mưu sinh cuộc sống. Bởi thế, giả dụ: khi Cộng Sản nói trên đài, đăng trên báo: ở một khu vực nào đấy, có một tiểu đội du kích. Do lòng căm thù giặc sâu sắc, do đường lối anh minh của đảng và cách mạng soi sáng chỉ đường, đã dùng mưu lược đánh đuổi được một tiểu đoàn của “ngụy”… Họ vẫn tin đấy! Vì họ có thì giờ và kiến thức đâu mà suy luận, phân tích thời cuộc làm gì cho nó mệt óc, nhức đầu" Mà một khi quần chúng có niềm tin thì trở thành sức mạnh rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.