Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: HĐTP Wollongong & Những Sai Lầm Của Đảng Lao Động – Hoàng Đ. Thư

17/03/200800:00:00(Xem: 1916)

LGT: Trong vài tuần lễ vừa qua, cả nước Úc háo hức theo dõi những tiết lộ sốt dẻo, nóng bỏng từ cuộc điều tra của Uỷ Ban Bài Trừ Tham Nhũng ICAC về vụ xì căng đan phát triển địa ốc ở Wollongong, đặc biệt là vì tình tiết ly kỳ hấp dẫn liên quan đến tình dục, tiền bạc và chính trị. Cuối cùng thì thủ hiến Morris Iemma đã lắng nghe đề nghị của ICAC, giải tán Hội Đồng Thành Phố Wollongong, truất phế tất cả các nghị viên, và chỉ định Đốc Sự (Administrator) để trông coi, điều hành guồng máy hành chánh của HĐTP Wollongong. Chẳng những chỉ có HĐTP Wollongong bị giải tán mà sự nghiệp của nữ dân biểu Noreen Hay, bí thư quốc hội cho bộ trưởng Y Tế cũng gặp trúc trắc trục trặc vì mối liên hệ với tay phát triển địa ốc Frank Vellar: bị thủ hiến Iemma tạm đình chỉ chức vụ ngày 29/2 để rồi sau đó lại được tái bổ nhiệm ngày 3/3. Ngay cả bộ trưởng đặc trách Bến Cảng và Thuỷ Lộ (Ports & Waterways) Joe Tripodi cũng mang nhiều tai tiếng vì một kẻ dính líu trong vụ việc, Joe Scimone, vốn được xem là người thân tín của ông, được bổ nhiệm vào chức vụ mà người ta cho là ông này không hề hội đủ điều kiện và kinh nghiệm để được bổ nhiệm, cho dù ICAC đã lên tiếng chính thức tuyên bố bộ trưởng Tripodi không có dính líu. Sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bài phóng sự “Branch Stacks and Smoke- stacks” của ký giả Linton Besser, được đăng trên nhật báo Sydney Morning Herald ngày 8/3/08 vừa qua, để biết thêm về những điều mà người dân trong vùng cùng một số người hằng quan tâm cho là nguồn gốc của tệ nạn bè phái, phe cánh hối lộ, tham nhũng móc ngoặc ở Wollongong.

*

Trong khoảng đầu thập niên 1990 ông bà Munir và Valerie Hussain gia nhập phong trào lao động vì những lý do rất chính đáng, lòng đầy ắp lý tưởng đấu tranh cho công bằng xã hội, và được khích lệ không ít từ luân lý đạo đức của giai cấp lao động, lúc ấy quyện sâu vào mạch sống của khu Illawarra. Nha sĩ Hussain và vợ ông bây giờ nói rằng thuở đó họ quả thật hết sức ngây thơ.
Trong suốt nhiều năm trường, hai vợ chồng, cư dân Baltimore, miệt mài đóng góp công sức, hoạt động không ngừng nghỉ để yểm trợ ứng cử viên Lao động của họ, thông thường cũng là bạn của họ, trong các cuộc bầu cử ở cả ba cấp chính quyền – địa phương, tiểu bang và liên bang. Họ trông chừng quầy phân phát truyền đơn. Họ tổ chức những buổi tiếp tân của chi bộ đảng. Họ tổ chức tiệc tùng gây quỹ. Họ được giới thiệu như những đảng viên thâm niên của đảng với quan khách quan trọng viếng thăm và họ tặng nhiều ngàn Úc Kim cho những điều mà họ tin rằng được tổ chức vì lợi ích của đảng.
Bà Valerie nói: “Khi chúng tôi gia nhập, chúng tôi chỉ nhìn sự việc qua lăng kính mầu hồng tươi đẹp. Chúng tôi không thuộc về phe cánh nào cả. Chúng tôi có nghe nói đến các phe cánh nhưng thật tình không hề biết những phe cánh này có gốc rễ sâu rộng vững vàng tới cỡ nào”.
Trong năm 1993, khu vực này có được dân biểu liên bang mới, ông Stephen Martin. Ông được dời đến đơn vị Cunningham sau sự thay đổi ranh giới của các đơn vị bầu cử. Ông thay thế dân biểu Stewart West, một thành viên thuần thành của cánh Tả.
Bà Valerie kể lại: “Chúng tôi dạo ấy vô cùng tin tưởng và ái mộ ông Stephen Martin”.
Vì không hề rành rọt về những cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các phe phái vốn khuynh đảo nhiều phân bộ của đảng, hai vợ chồng ông bà  Hussain không hề để ý đến việc dân biểu Stephen Martin là người từ cánh Hữu. Thế nhưng, theo thời gian, ngọn đèn trên đồi cao dẫn đường bắt đầu lu mờ. Rồi cuối cùng nó bị tắt. (LND: “The light on the hill” đã trở thành một thành ngữ của Úc kể từ khi thủ tướng Lao Động Ben Chifley trong một bài diễn văn năm 1949 tại đại hội thường niên của phân bộ đảng tại NSW so sánh tôn chỉ và phương châm hoạt động phục vụ người lao động và qua đó, nhân loại, của đảng Lao động với ngọn đèn trên đồi cao soi sáng đường đi cho tất cả thành viên trong đảng).
Bà Valerie nói tiếp: “Cay đắng, chua chát lắm. Chúng tôi bị kích động đến tột độ vì những chuyện thật sự xảy ra. Chúng tôi bị chấn động vì những người mà chúng tôi từng một thời cảm phục và nể trọng vô cùng. Chúng tôi cũng bị chấn động vì phương cách mà mọi việc trở nên nhớp nhúa bẩn thỉu tệ hại”.
Hai vợ chồng ông Hussain không hề ngạc nhiên trước tin Uỷ Ban Bài Trừ Tham Nhũng ICAC tuyên bố rằng sự tham nhũng có hệ thống (systemic corruption) đã huỷ diệt Hội Đồng Thành Phố Wollongong – thuộc quyền cai trị của đảng Lao Động (Labor-run) - đến độ vô phương cứu chữa.
Qua cuộc điều tra của ICAC, thì người ta mới biết được rằng một khuôn mặt quan trọng, Joe Scimone – thuộc hàng giám đốc trong hội đồng thành phố (council executive) – được bổ nhiệm vào một chức vụ với mức lương thường niên là $200,000 Úc Kim tại một bộ chính phủ thuộc thẩm quyền của người bạn lâu đời của y là bộ trưởng Bến Cảng và Thuỷ Lộ Joe Tripodi.
Là một kẻ từng làm quân sư liên tiếp cho 4 chiến  dịch vận động bầu cử của dân biểu liên bang Stephen Martin, Joe Scimone cũng rất gần gũi với đương kim bộ trưởng cảnh sát tiểu bang David Campbell. Một vài người trong số các tay phát triển địa ốc bị lôi cổ ra trước ICAC đã từng quyên góp dồi dào cho một nhóm dân biểu thuộc cánh Hữu ở Illawarra bao gồm bộ trưởng Campbell, dân biểu đơn vị Kiama Matt Brown và nữ dân biểu Noreen Hay thuộc đơn vị Wollongong.
Thứ Ba 03/03/08 vừa qua, thủ hiến Morris Iemma đã tuyên bố giải tán Hội Đồng Thành Phố. Thế nhưng, thay vì cho phép một cuộc bầu cử HĐTP sớm hơn quy định (LND:  Bầu cử HĐTP ở NSW được tổ chức mỗi bốn năm, và đáo hạn vào tháng 9/08) thì ông lại bổ nhiệm một số Đốc Sự (administrators) với nhiệm kỳ bốn năm. Ông Andy Gillespie, một bí thư chi bộ của công đoàn Australian Workers’ Union, cho rằng có một lý do sâu sa đằng sau quyết định này. Ông nói: “Nếu mà họ để cho dân chúng bầu thì người dân Wollongong sẽ bắt đảng Lao Động phải trả một giá thật đắt, đắt đến độ đảng Lao Động ở đây sẽ bị thiêu rụi không còn chi cả”.
Nếu đúng như lời ông Gillespie nói thì quả thật  đấy là một sự sa sụt quá trầm trọng cho đảng này tại một thành phố vốn là con giòng cháu giống của người công nhân lao động như Wollongong. Nhiều thế hệ trong các gia đình ở Wollongong đã từng thề nguyện trung thành với công đoàn, với cuộc đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân bình thường và, theo thời gian, trung thành với đảng Lao Động. Nói một cách tổng quát thì có dạo khu vực Illawarra là một rừng cờ đỏ.
Trong thập niên 1990, một chiến dịch của cánh Hữu nhằm  dồn người vào chi bộ đảng (branch stacking) xảy ra xuyên suốt khu vực Illawarra và vùng Tây Nam Sydney. Trong khoảng thời gian giữa tháng 2/1996 và tháng 12/1996, gần 8,000 người – có nghĩa là khoảng 30% tổng số đảng viên lúc bấy giờ - gia nhập đảng Lao Động NSW.
Những con số sau đây cho thấy sự thật vô cùng trắng trợn. Ở Berkeley, chỉ có 16 trong số 93 người gia nhập đảng trong 3 ngày năm 1996 là người thực tình hội đủ tư cách đảng viên (bona fide). Cùng năm ấy, vỏn vẹn trong bốn ngày ở Warawong có đến 227 tân đảng viên gia nhập . Sau một cuộc kiểm tra giám sát ba năm sau đó thì ngoại trừ 9 người, còn tất cả đều bị loại ra khỏi đảng.
Ở Mount Keira, 175 người được thu nhận vào chi bộ đảng, nhưng cuối cùng chỉ có 8 người hội đủ điều kiện. Hồ sơ phụ chú từ một cựu thành viên hội đồng kiểm soát sự hợp lệ của tân đảng viên (credentials committee), một hội đồng vốn có trách nhiệm quản lý chiến dịch thu nhận hội viên này, cho thấy tất cả 175 tân hội viên đều được ông Campbell, lúc ấy là thị trưởng Wollongong, viết thơ yểm trợ. Danh sách này được Joe Scimone đề nghị chấp nhận và được ông Tripodi đồng thuận (moved by Scimone and seconded by Tripodi).
Những vụ nhồi nhét đảng viên cuội này là một phần trong chiến dịch nhảy vào hội đồng thành phố năm 1999 của Kiril Jonovski. Jonovski bây giờ bị cả Uỷ Ban Bài Trừ Tham Nhũng ICAC lẫn cựu thị trưởng George Harrison cáo buộc với tội tham nhũng. Ông Harrison là người từng bị ép phải từ chức thị trưởng sau khi có bằng chứng gian dối tại toà Thượng Thẩm tiểu bang.
Vào năm 1998, một đảng viên Lao Động thuộc chi bộ Warrawong đã lên tiếng cáo buộc ông Eric Roozendaal - lúc bấy giờ là phụ tá tổng thư ký đảng bộ cấp tiểu bang (assistant state secretary), hiện nay là bộ trưởng Giao Thông tiểu bang NSW – ra lệnh tiến hành nhồi nhét đảng viên năm 1996 để có thể khuynh đảo cuộc tuyển chọn ứng cử viên. Trong một tờ khai có ký tên theo luật định (sworn statement) gởi đến Uỷ Ban Tái Duyệt (Review Tribunal) của đảng Lao Động , ông này viết: “Tôi hỏi ông Roozendaal: “Ông muốn bao nhiêu đảng viên" 100"”. Ông ta trả lời: “Nhiều hơn nữa”. Tôi hỏi: “200"”. Ông ta nói “Gần 300 thì hơn”. Tôi trả lời: OK”. Ông Roozendaal phủ nhận rằng cuộc đối thoại đó đã có xảy ra.


Thế nhưng, đảng viên ở Illawarra liên tục khiếu nại. Vô số lời khai có chữ ký theo luật định lên tiếng cáo buộc rằng xuyên suốt khu vực này việc nhồi nhét đảng viên xảy ra ở khắp mọi nơi. Năm 2002, các công đoàn đã phải lên tiếng yêu cầu ban chấp hành đảng ở cấp quốc gia tổ chức một cuộc điều tra về những hoạt động của đảng tại khu Illawarra.
Đơn khiếu nại của các công đoàn gởi đến văn phòng trung ương đảng ở Canberra có đoạn viết như sau: “Trong thời gian tuyển chọn ứng cử viên HĐTP Wollonggong năm 1999, văn phòng của phân bộ đảng NSW bị buộc phải giải quyết 500 đơn (xin gia nhập). Tuy nhiên, những kẻ thi hành việc nhồi nhét đảng viên (stackers) đã không bị trừng phạt, mà, (hơn thế nữa) trong vài trường hợp còn được tưởng thưởng bằng cách được tuyển chọn vào các chức vụ ở cấp chính quyền địa phương...”.
Hồ sơ mà nhật báo Sydney Morning Herald thu thập được cho thấy các ông Campbell, Tripodi, Jonovski, bà Hay và Joe Scimone, đều dự phần hoặc ngó lơ, để cho các vụ nguỵ tạo sĩ số đảng viên trong khoảng cuối thập niên 1990 xảy ra. Các hồ sơ này cũng cho thấy trong vài năm liên tiếp, ông Roozendaal, lúc ấy đã là tổng thư ký tiểu bang, và người phụ tá của ông là Mark Arbib, đã không có hành động gì cả (failed to act).
Vụ nhồi nhét đảng viên tiếp tục đều đặn trong năm 2000 và 2001 ở Warra- wong và Mount Keira. Một văn kiện ghi nhận: “Trong vài trường hợp thì các lô đất trống và những ngôi nhà hoang được ghi nhận như địa chỉ của những người muốn gia nhập đảng. Trong một trường hợp, người xin vào chi bộ đảng (ở Wollongong) thực ra sinh sống và làm việc ở Queensldand. Một trường hợp khác thì người xin vào chi bộ đảng đang ở trong nhà tù Junee”.
Đảng Lao Động vì thế phải có hành động. Tháng 11/2002, cựu chánh án toà Thượng Thẩm NSW, ông Bill Fisher, tiến hành một cuộc kiểm tra giám sát xuyên suốt các phe cánh (cross- factional audit) ở Wollongong và đi đến kết luận “không có sự nghi ngờ gì nữa” về tầm vóc sâu rộng của vụ nhồi nhét đảng viên cuội.
Ông Roozendaal cực lực bào chữa cho hành vi của ông: “Tôi luôn luôn hành động theo đúng với nội quy của đảng và bác bỏ mọi lời tố giác không chứng cứ rằng tôi có hành vi không thích hợp. Tôi đã thiết lập những sự cải tổ cứng rắn nhất nước về việc thu nạp đảng viên để ngăn chận tệ nạn nhồi nhét đảng viên cuội”.
Ông Tripodi thì nói: “Tôi không hề tham dự gì vào những chi bộ ở Illawarra trong khoảng cuối thập niên 1990, ngoại trừ trong tư cách thành viên hội đồng kiểm soát sự hợp lệ của tân đảng viên (credentials committee) của đảng Lao Động NSW vốn duyệt xét đơn xin gia nhập đảng từ khắp nơi trên toàn tiểu bang. Những dơn xin gia nhập từ Mount Keira được duyệt xét chiếu theo quy luật của đảng vào thời điểm ấy. Thế nhưng, những quy luật ấy bây giờ đã được sửa đổi hầu ngăn cấm không cho phép một số người quá đông cùng gia nhập vào một chi bộ cùng một lúc”.
Ông Arbib, bây giờ đã được bầu vào Thượng Viện liên bang và đang chuẩn bị nhậm chức (vào tháng 7/08), nói rằng chính ông là kẻ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thi hành những đề nghị từ cuộc điều tra của ông Fisher. Ông nói: “Trong suốt nhiệm kỳ của tôi việc thâu nhận đảng viên ở Illawarra bị đình chỉ và hơn 500 đảng viên bị trục xuất ra khỏi đảng”.
Bà Hay tuyên bố với nhật báo Sydney Morning Herald rằng bà không hề dự phần (trong vụ việc nhồi nhét đảng viên cuội). Bà nói: “Đây là những lời cáo buộc vô chứng cớ cũ rích từ xưa và tôi cực lực phủ nhận nó. Nếu bất kỳ một ai rêu rao chuyện phi lý bậy bạ này mà có được bất kỳ một cáo buộc hay chứng cớ nào thì họ nên mang những chứng cớ ấy đến với giới thẩm quyền thích hợp”.
Cuộc điều tra (của ông Fisher) đã được thực hiện quá trễ để có thể ngăn chận đại hoạ. Phong trào công đoàn dồn hết sự yểm trợ cho một ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử bổ sung của đơn vị Cuningham năm 2002, xé đôi số phiếu dành cho đảng Lao Động và dồn phiếu nhiệm ý (preferences) cho ứng cử viên của đảng Xanh là ông Michael Organ. Kết quả, ông Organ giật ghế này từ ông Martin.
Cho đến năm 1999 thì bà Valerie Hussain đã có nhiều kinh nghiệm trong đảng Lao động để biết rằng bà cần được sự chấp thuận cho phép của ông Martin để ra tranh quyền làm ứng cử viên. Thế nhưng, theo bà thuật lại, ông này lại ra lệnh cho bà phải rút lui ra khỏi cuộc đua tranh quyền ứng cử hội đồng thành phố và để cho người đương nhiệm lúc bấy giờ là bà Janice Kershaw, một thành viên của hội đồng hành chánh (administrative committee) của đảng, được tuyển lựa mà không bị ai ngăn cản cả. Bà nói:  “Tôi nói rằng tôi rất muốn ra tranh. Nếu đảng viên địa phương muốn chọn bà ta thì chuyện đó tốt thôi. Thế nhưng, họ phải được quyền có sự lựa chọn”.
Ông Martin từ chối không lên tiếng về những lời cáo buộc nói trên. Ông tuyên bố: “Cuộc đời chính trị trước đây của tôi đã nằm xa phía sau trong quá khứ rồi. Bây giờ tôi là một người mê mải theo dõi qua báo chí (vụ xì căng đan Wollongong)”.
Vào tháng 6/1999 bà Valerie cùng chồng bắt đầu gõ cửa từng nhà của đảng viên trong danh sách và họ khám phá có hơn 35 đảng viên không hề tham dự một cuộc họp chi bộ đảng nào cả. Điều này hoàn toàn đi ngược lại quy luật của đảng. Một phụ nữ ở Bellambi viết một tờ khai có chữ ký như luật định, ghi rõ chi tiết về việc sổ biên bản ghi nhận danh sách những người đi họp (branch attendance register) được mang đến tận nhà bà ta để bà ta ký vào.
Bà Valerie cho biết bà bị ngăn chận ở mỗi giai đoạn trong nỗ lực ra tranh quyền làm ứng cử viên. Vì hai vợ chồng bà ra mặt chống lại vụ nhồi nhét đảng viên cuội, họ vô hình trung biến mình thành mục tiêu cho đối phương tấn công. Vào tháng 2/2001, một đảng viên thuộc chi bộ đảng tố cáo ông Munir Hussain đã viết bốn lá thư độc giả đến tờ báo địa phương Illawara Mercury để than phiền về vụ nhồi nhét đảng viên cuội. Lời tố cáo này châm ngòi cho một loạt những vụ xét xử từ nhiều uỷ ban trong đảng, tất cả đều bị cánh Hữu khuynh đảo. Đến khi hai vợ chồng ông Hussain thu thập đầy đủ bằng chứng của họ - một tập hồ sơ dày 26 trang – thì đã quá muộn rồi. Bà Valerie nói: “Ngay từ đầu chúng tôi biết đó chỉ là một trò hề mà thôi”.
Những vết bùn từ phiên toà điều tra của Uỷ Ban Bài Trừ Tham Nhũng ICAC sẽ khó được tẩy gột sạch sẽ. Việc tổ chức chiến dịch vận động bầu cử cũng như việc mua đảng viên đều tốn tiền cả. Trong năm 1999, cả bốn dân biểu tiểu bang ở vùng Illawarra gây quỹ được tổng cộng là $70,000 Úc kim mà thôi. Năm ngoái, những người đương nhiệm hiện nay – bà Noreen Hay, bộ trưởng Campbell, ông Brown và dân biểu đơn vị Shellharbour là Lylea McMahon – gây được hơn nửa triệu Úc Kim, phần lớn từ giới phát triển địa ốc. Trong kỳ bầu cử hội đồng thành phố cho nhiệm kỳ này, ít nhất là $127,000 Úc Kim đã được quyên góp cho những người thắng cử.
Bà Fay Campbell, một đảng viên kỳ cựu của chi bộ Dapto, tin rằng những vấn nạn trong hội đồng thành phố vừa được vạch trần gần đây bắt nguồn từ những vụ gian dối để tranh quyền ứng cử trong hơn một thập niên nay. Bà nói: “Những vấn nạn mà hiện nay chúng ta đang gặp phải, đã nảy sanh từ những vụ nhồi nhét đảng viên cuội đã xảy ra trước đó. Chính sự nhồi nhét đảng viên này đã đẩy những kẻ này vào những chức vụ mà họ nắm giữ hiện nay”.
Bà nói rằng những chiến dịch nhồi nhét đảng viên này được thực hiện theo lệnh của văn phòng phân bộ đảng Lao Động NSW ở đường Sussex: “Lúc ấy họ biết rõ chuyện đang xảy ra (bởi vì) tôi bảo cho cả cánh Tả lẫn cánh Hữu biết”.
Tổng thư ký của liên đoàn lao công South Coast Labour Council, ông Arthur Rorris, còn đi xa hơn thế nữa. Ông tuyên bố: “Ở mỗi góc ngoặc người ta đều thấy mấy thằng lưu manh thủ vai vận động cho giới phát triển địa ốc và tụi nó đều nghĩ rằng phong trào công đoàn ở khu South Coast sẽ chẳng làm gì cả bởi vì tụi nó có vẻ như được sự chuẩn y của guồng máy chính trị ở Sydney vậy” (At every turn we have spivs acting as lobbyists for developers who have the expectation that the union movement on the South Coast will just stand back because they seem to have the imprimatur of the political machine in Sydney).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.