Hôm nay,  

Minh Oan Cho Nước Mắm

08/11/201600:00:00(Xem: 3341)
Vậy là nước mắm được minh oan. Trong khi nhiều nhà báo trong đợt xúm vào cố ý dìm chết ngành nước mắm VN đã và đang bị kỷ luật. Dù vậy, thiệt hại đã có rồi. Vết thương cũng khó lành. Những mất mát không ai bù đắp cho thương vụ thiệt hại thời gian qua. Có điểm để suy nghĩ: nếu có ai nhận tiền từ tư bản quốc tế để dìm chết ngành nước mắm truyền thóng, có nên truy tố hình sự hay không?

Bản tin VfPress đăng tin từ Báo Quảng Ngãi cho biết đang “Lấy lại niềm tin cho nước mắm truyền thống.”

Bản tin này ghi rằng thông tin nước mắm đóng chai có nhiễm thạch tín đã khiến cho nghề sản xuất nước mắm truyền thống lao đao. Thế nhưng, việc Bộ Y tế nhanh chóng có kết luận 100% nước mắm kiểm tra đạt tiêu chuẩn đã giúp cho người dân làng nghề, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Tại làng nghề nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức) sau khi đã có kết luận của Bộ Y tế, người dân đã an tâm sản xuất. Ông Nguyễn Đình Hiếu – Chủ cơ sở nước mắm Tân Hiếu chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống hơn 20 năm. Trước giờ chúng tôi chỉ biết làm thật ăn thật, nên nước mắm chúng tôi làm ra luôn được khách hàng tin dùng.

Vậy mà vừa qua có thông tin nước mắm đóng chai bị nhiễm thạch tín, khiến cho việc buôn bán của người dân làm nghề nước mắm ở Đức Lợi bị ảnh hưởng theo. Nhiều người tỏ ra nghi ngại đối với nước mắm truyền thống. Cũng may là các ngành chức năng nhanh chóng kiểm tra và có kết luận về sự an toàn của nước mắm truyền thống chứ không chúng tôi lại khổ lây”.

Trong khi đó, Báo Dân Trí kể chuyện ở tỉnh Kiên Giang, nơi đề nghị lập Bảo tàng nước mắm truyền thống.

Dân Trí ghi lời bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc đề nghị:

“Nhà nước nên hỗ trợ xây dựng làng nghề cùng với bảo tàng nước mắm Phú Quốc để con cháu sau này có điều kiện duy trì và phát triển cái nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ở địa phương.”

Tại hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức vào ngày 2/11 vừa qua tại Phú Quốc, các đại biểu, nhà khoa học, các cơ quan đại diện quản lý Nhà nước chỉ ra những bất cập trong việc phát triển ngành nước mắm truyền thống thời gian qua. Từ nguồn nguyên liệu (cá cơm than) ngày càng khan hiếm đến nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành nghề này còn hạn chế… Đặc biệt công tác truyền thông, quảng bá nước mắm truyền thống còn ít và thiếu chuyên nghiệp. Điều đó khiến các cơ sở sản nước mắm truyền thống còn nhỏ nhẻ, chưa đủ tầm vươn xa…


Chính vì vậy, tại hội nghị các đại biểu đề nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ nguồn vốn cho ngành nước mắm truyền thống có điều kiện phát triển; cần thông tin minh bạch; người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm nước mắm tùy theo nhu cầu; tránh những thông tin không minh bạch hoặc đưa sản phẩm này lên, “đạp” sản phẩm kia xuống….

Thông tấn Vietnam+ ghi nhận rằng bên lề Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 diễn ra ngày 7/11 tại Hà Nội, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc 50 cơ quan báo chí bị xem xét xử phạt trong vụ việc đưa tin sai sự thật về nước mắm nhiễm asen.

Trước câu hỏi của phóng viên VietnamPlus, ông Phúc khẳng định việc xử lý này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về báo chí.

Người đứng đầu Cục Báo chí cho biết, nếu báo chí đăng lại lời của những người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước thì không phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng.

Trong trường hợp thông tin từ VINASTAS, tổ chức này không phải là cơ quan hành chính nhà nước lại công bố khảo sát liên quan tới chức năng của cơ quan về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

Ngoài ra, khi đăng tải thông tin, một số báo lại rút tít sai lệch bản chất. Ví dụ như thông tin đưa ra là trong nước mắm tỷ lệ đạm cao thì lượng asen lớn, nhưng tít bài báo lại là nước mắm có chất gây ung thư hoặc thạch tín có tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép…

Ông Phúc cho rằng, việc rút tít như vậy có tác động rất lớn tới ngành sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống cũng như gây hoang mang trong dư luận xã hội. Những thông tin này cơ quan báo chí đăng tải và lan truyền rất rộng gây ra tác hại rất lớn. Chính vì vậy, cần phải gỡ bài, cải chính kịp thời để hạn chế hậu quả của thông tin đưa ra.

Mặt khác, báo VNTB cho biết trong vụ nước mắm nhiễm asen: hàng loạt lãnh đạo Báo Thanh Niên bị kỷ luật.

VNTB viết:

“Theo tin chúng tôi vừa nhận được nhà báo Võ Khối – Tổng thư ký toà soạn Báo Thanh Niên đã chịu hoàn toàn trách nhiệm cho loạt bài đăng thiếu kiểm chứng liên quan đến việc nước mắm nhiễm Asen. Ông Khối đã bị cách chức sau khi đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm.”

Cả khối tiền trong các làng nghề nước mắm bốc hơi... và bây giờ chỉ cách chức có một hay vài nhà báo thôi sao? Có ô dù gì chăng? Các công ty nước tương có bơm tiền để cứu các nhà báo ra sức đánh nước mắm này chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.