Hôm nay,  

Ngày Giỗ Cụ Nguyễn Du

15/09/201600:00:00(Xem: 2864)
Mới tuần trước, mình đọc một bài viết về cụ Vũ Hoàng Chương, mới hay rằng nhà thơ họ Vũ có thói quen làm giỗ cụ Nguyễn Du. Hy hữu. Chuyện các nhà thơ dĩ nhiên là trên mây rồi. Có khi cũng chỉ là thiên tài. Nghĩ phận thi sĩ những thế kỷ xưa, rồi nghĩ ra phận mình -- Ai biết nhỉ.

Tuần này, là ngày giỗ nhà thơ Nguyễn Du, một thiên tài văn học. Cụ Nguyễn sinh ngày 3 tháng 1 năm 1765, và từ trần ngày 16 tháng 9 năm 1820. Nghịa là, chỉ sống trên cõi trần có 55 năm. Thọ mạng 55 tuổi là quá ngắn ngủi. Hẳn là vì thời xưa bệnh hoạn không có nhiều phương tiện y tế chữa lành.

Theo Wikipedia, Nguyễn Du có tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ, là một nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới. Ông được người Việt kính trọng tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc".

Tác phẩm "Truyện Kiều" của ông được xem là một kiệt tác văn học, một trong những thành tựu tiêu biểu nhất trong văn học Việt Nam.

Năm (Canh Thìn) 1820 Gia Long qua đời Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm Canh Thìn (1820) lúc 54 tuổi.

Năm Giáp Thân (1824), di cốt của ông được cải táng về quê nhà là làng Tiên Điền, Hà Tĩnh.

Từ thế kỷ 21, nhìn lại cuộc đời cụ Nguyễn Du, chúng ta sẽ thấy có những lựa chọn đau đớn về chính trị. Gia tộc cụ Nguyễn và gia tộc bên vợ đều là những nhân tài, bị giằng xé giữa cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn, rồi tới thời nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh (người sau này lên ngôi là Vua Gia Long).

Trong thời nội chiến đó, sơ xuất là bị giết, là bị thanh trừng. Bi thảm là, khi chúng ta đọc lại sử sách, kể chuyện nữ tướng Bùi Thị Xuân của nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn xử tử bằng voi quật. Bởi vậy, trong thời đại như thế, Nguyễn Du toàn mạng cũng là khéo xử thế, biết ẩn mình.

Đại Nam Thực Lục chép về Nguyễn Du: Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì. Đại Nam Liệt Truyện chép: Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được. Người đời sau, như ý kiến của các ông Trịnh Vân Định, Trần Nho Thìn cho đó là một cách khéo léo để giữ toàn mạng và thăng tiến trong thời loạn, mặc dù trong văn thơ của Nguyễn Du thường đề cao những anh hùng thời loạn, nhưng ông chọn cách sống khác, cống hiến nhưng "ẩn dật" trong chốn quan trường.


Nhiều câu thơ của Nguyễn Du đọc lại vẫn thấy lạnh mình… như dường hồn người xưa còn lắng đọng trong dòng thơ.

Thí dụ như mấy câu trong bài thơ chữ Hán:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Dịch là:

Tôi đọc Kinh Kim Cương tới cả ngàn lần
Nghĩa sâu ẩn kín, phần nhiều chưa rõ
Tới khi bước tới Phân Kinh Thạch Đài
Mới hay rằng chân kinh chính là không có chữ.

Nghe rất là Kinh Pháp Bảo Đàn vậy. Phải chăng, cụ Nguyễn Du đã từng học Thiền với nhà sư nào nối pháp của dòng Thiền Trúc Lâm? Chúng ta không rõ. Nhưng mấy câu thơ sau cũng rất mực bí ảo Thiền Tông. Trong bài thơ “Đề Nhị Thanh động” có mấy câu:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng?
Thử tâm thường định bất ly thiền.

Dịch:

Khắp cảnh đều là không thì sao lại có tướng
Lòng này thường định là không xa thiền chút nào.

Cũng nên ghi nhận rằng trong bài thơ Tự Thán II, cụ Nguyễn Du đã từng ghi về ước mơ vào chùa để trở thành một nhà sư:

Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.”

Dịch:

Làm sao xuống tóc để về rừng quy ẩn,
Nằm nghe cây tùng hát, gió đưa mây.

Nhà thơ Nguyễn Du nghiên cứu thâm sâu về Thiền là trong thời kỳ ẩn cư 1796 – 1802. Hãy hình dung rằng, trong khi nội chiến gay gắt, khói lửa khắp trời, cụ muốn xông pha nhưng rồi bị bắt và rồi được tha mạng thả về quê. Sách sử kể rằng vào năm 1796, Nguyễn Du tính rời Hà Tĩnh để vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh nên bị tướng Nguyễn Thận của nhà Tây Sơn bắt giam, và rồi Nguyễn Thận tha cho Nguyễn Du vì trân trọng tình bạn với Nguyễn Nễ, người anh của Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Du mới lui về ẩn cư ở Hà Tĩnh. Trong thời gian ẩn cư, nhà thơ Nguyễn Du có gặp và nghiên cứu Phật học với nhà sư Huyền Hư Tử…

Cúng giỗ thiệt ra chỉ là hình thức. Nhận ra ẩn nghĩ trong thơ cụ Nguyễn Du mới là con cháu trong nhà. Nhưng không lẽ, không mượn một ngày để tưởng niệm, để đọc lại thơ cụ và để nhớ rằng trong một thời nội chiến thật xa xưa, đã từng có một nhà thơ thiên tài như thế…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.