Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Thuốc Corticosteroids

07/07/200600:00:00(Xem: 2604)

Ngày 12 tháng 6 năm 2006, các nhật báo ở Việt Nam đều đăng một bản tin khiến cho các bậc phụ huynh học sinh phải e ngại cho sức khỏe của con em: một trường mẫu giáo tại Phan Thiết bị cơ quan y tế địa phương điều tra vì trong phần ăn cho các em học sinh đã có một lượng khá cao thuốc kháng viêm Dexamethasone được pha thêm vào mới mục đích để các em mau lên cân ..

Chương Trình Vấn Đáp Sống Khỏe do một số y nha dược sĩ trong và ngoài nước phụ trách có nhận được một thư xin giải đáp như sau:

“....Cháu rất đau khổ vì những hậu quả để lại sau khi dùng thuốc Corticoid. Cháu viết thư này mong được các bác sĩ tư vấn để có thể giảm bớt hậu quả đó.

Cháu đã có chồng, chưa con, 30 tuổi, cao 1m58, nặng 45kg, nhân viên văn phòng, sống tại  VN. Vào năm 1994, cháu đang lứa tuổi dậy thì nhưng rất gầy. Mẹ cháu do không hiểu biết nhiều về thuốc mà nghe mách bảo nên đưa cháu đến gặp 1 bsĩ trong ngành quân Y đã về hưu để bồi dưỡng thêm thuốc nhằm kích thích ăn để nhanh mập hơn. Bác sĩ đó không hề làm bất kỳ xét nghiệm gì mà chích thuốc cho cháu luôn. Cụ thể là thuốc gì thì cháu và mẹ cháu đều ko hỏi và không biết nhưng bây giờ đọc tài liệu cháu khẳng định đó là Corticoid.

Cách làm của bác sĩ đó là lấy máu ở vain (vein-tĩnh mạch) cánh tay cháu, sau đó trộn với thuốc và chích vào mông cháu.. Mỗi ngày chích 1 lần trong thời gian có lẽ là 1.5-2 tháng. Lâu quá nên cháu ko (không) nhớ rõ lắm. Sau đó thì cháu bắt đầu có biểu hiện mọc lông trên mặt, khuôn mặt mập ra (hiện tượng măt trăng), và trên đùi+mông bắt đầu bị nứt da. Cháu rất sợ nên đã dừng thuốc đó lại.

Đến bây giờ, đã hơn 10 năm nhưng các vết nứt càng ngày càng sâu hơn, to hơn và lan rộng ra đầu gối, bắp chân, eo và thậm chí cả ở mép nách phía lưng. Cứ mỗi lần chuẩn bị xuất hiện vết nứt mới, cháu có cảm giác hơi đau nhói, ko (không) nhiều tại chổ nứt. Từ đó, cháu cũng thấy thận kém hơn vì phải đi tiểu liên tục, cứ uống nước vào là cháu phải đi tiểu ngay sau đó 5 phút. Các vết nứt hiện nay vẫn chưa dừng và cháu đau khổ vì không thể mặc váy, đăc biệt cháu rất lo lắng các vết nứt sẽ lan ra toàn thân và mặt. Đồng thời, cách đây vài tháng cháu có hiện tưọng huyết áp thấp (90/45-50).

Cháu mong muốn được các bác sĩ tư vấn cho cháu để có thể làm giảm các triệu chứng trên và nếu được các bác cho cháu biết tiến triển của tình trạng này và nguy cơ của nó, cháu phải làm gì để hạn chế các tác hại của thuốc này....”

Mới đây, nhà chức trách y tế Việt Nam lưu ý dân chúng rằng có nhiều loại thuốc đông dược được pha trộn thêm chất corticosteroids với mục đích làm giảm thiểu một cách mau chóng các triệu chứng của một số bệnh .. Họ cũng cảnh báo rằng lạm dụng loại thuốc này có thể đựa tới nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và có thể bị ghiền...

Thực ra, sự lạm dụng thuốc corticosteroids không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn thấy  ở khắp mọi quốc gia trên thế giới.Vậy xin cùng tìm hiểu về loại thuốc đa dụng này.

 Corticosteroids, còn gọi là cortisone, là một hormon do tuyến thượng thận tiết ra. Đây là hai tuyến hình tam giác nằm ở mặt trên của mỗi trái thận. Tuyến có hai phần: vỏ và tủy. Phần tủy tiết ra các hóa chất adrenaline và noradrenaline dưới sự kích thích của hệ thần kinh giao cảm. Phần vỏ tiết ra các kích thích tố corticosteroids, aldosterone và  một lượng rất it các kích thích tố sinh dục estrogen, androgen.

Corticosteroids có tác dụng vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, như là sự chuyển hóa của carbohydrates, chất đạm  và chất béo, duy trì sự cân bằng của nước và muối khoáng, ảnh hưởng tớí tính tình, tâm trạng và giấc ngủ, duy trì sức mạnh của bắp thịt....

Mỗi ngày,  cơ thể tiết ra khoảng 20mg cortisone, nhiều hơn vào thời gian giữa 4 giờ sáng tới 8 giờ sáng và rất ít vào buổi tối. Khi cơ thể có thêm nhu cầu, tuyến có thể tiết ra số lượng cortisone  nhiều gấp năm lần. Đó là khi có các tình trạng khẩn trương mà cơ thể phải đối phó như nhiễm trùng, thương tích, giải phẫu, căng thẳng tâm thần...Khi không còn thương tổn, căng thẳng thì sự sản xuất cortisone của tuyến thượng thận lại trở về mức độ bình thường. Sự tổng hợp này do nội tiết tố của tuyến tùng -pitutary gland- điều khiển.

Trong y học, chất corticosteroids được dùng khi tuyến thượng thận không sản xuất được chất này hoặc để giảm tình trạng viêm của các tế bào.

Viêm -inflammation- là một hiện tượng thường xảy ra trong nhiều bệnh. Đây là phản ứng của cơ thể với thương tích và có thể là viêm cấp tính hoặc viêm mãn tính.

Viêm cấp tính là hình thức bảo vệ cơ thể để đối phó với sự xâm nhập của một chất hóa học, một vi sinh vật gây bệnh hoặc một vật dụng nào đó.

Một điều oái ăm là chính trong khi bảo vệ thì viêm lại gây ra những dấu hiệu khó chịu cho cơ thể. Đó là sự đau, nóng, đỏ , sưng  và mất chức năng ở vùng bị tác động. Nguyên do là huyết quản ở vùng tổn thương căng giãn, máu tới nhiều hơn, các bạch cầu đi vào mô bào để tiêu hủy vi khuẩn hoặc các vật lạ. Một số thực bào khác thu lượm những tế bào bị hủy hoại và sự mưng mủ có thể xẩy ra. Sau đó, vết thương bắt đầu lành.

Nếu không lành, viêm cấp tính chuyển sang viêm mãn tính.

Bất cứ cơ quan bộ phận nào trong cơ thể cũng có thể bị bệnh viêm: viêm phổi, viêm xương khớp, viêm màng óc, viêm thận, viêm tử cung, viêm tuyến nhiếp, viêm ruột, viêm não....Dị ứng cũng là một bệnh liên quan tới hiện tượng viêm.

Thuốc Corticosteroids

Cortisteroids rất công hiệu để chống viêm, dị ứng, ngứa... bằng cách ngăn chặn sự sản xuất các hóa chất gây ra các hiện tượng vừa kể, như là chất prostaglandins. Một số bệnh thường được điều trị bằng corticosteroids là hen suyễn, viêm xương khớp, viêm gân, dây chằng, viêm loét ruột non và ruột già, dị ứng, bệnh vẩy nến, chàm da, lupus ban đỏ toàn thân, bệnh bạch cầu, u lymphô bào ác tính...

 Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau:

-Tác dụng tổng quát khi dùng thuốc viên uống, thuốc chích thịt hoặc mạch máu. Thuốc sẽ được phân phối đi khắp cơ thể, ngay cả nơi không bị thương tích, do đó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không muốn.Thuốc chích dành cho bệnh nhân không uống thuốc viên được hoặc trong các trường hợp khẩn cấp như dị ứng mạnh, cần tác dụng nhanh của thuốc.

-Thuốc nhỏ mắt dưới dạng dung dịch hoặc thuốc mỡ để chữa viêm dị ứng mắt khi có chỉ định

-Thuốc dùng qua đường mũi có thể là dung dịch nhỏ giọt hoặc thuốc xịt để chữa bệnh dị ứng trầm trọng với triệu chứng ở mũi

-Thuốc bôi trên da dưới dạng mỡ, kem hoặc nước để chữa bệnh viêm da không nhiễm vi sinh vật gây bệnh

-Thuốc hít vào khí quản để trị bệnh hen suyễn

Các thuốc corticosteroids thường dùng là:

-Bethamethasone

-Cortisone

-Dexamethasone

-Hydrocortisone

-Prednisone

-Triamcinolone....

Tác dụng phụ:

Coricosteroids có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không muốn đôi khi nguy hiểm như là:

-Tăng ăn ngon và dẫn đến lên cân;

-Giữ nước và muối khoáng trong cơ thể đưa tới sưng phù;

-Tăng  sự tích tụ của tế bào mỡ trên mặt, trên ngực, giữa hai vai, bụng trong khi đó tứ chi lại khẳng khiu;

-Hiện tượng “mặt trăng” moon face với mặt tròn xoe, đầy đặn, đỏ...và nhiều lông tơ trên mặt;

-Tăng huyết áp;

-Tiểu đường;

-Loãng xương bằng cách giảm sự hấp thụ calci ở ruột, tăng sự thải calci qua thận

-Tăng áp xuất mắt (glaucoma)

-Loét dạ dày, tá tràng, ruột non

-Chậm lành các vết thương;

-Mụn trứng cá;

-Suy yếu, tiêu hao cơ bắp,

-Da mỏng dễ bị vết bầm; có nhiều nếp da nhăn  ở bụng, bắp đùi, nhũ hoa..

-Tăng tiết mồ hôi và bài tiết nước tiểu, tăng tiêu thụ nước;

-Tăng khả năng nhiễm trùng cơ thể;

-Thay đổi tâm thần, buồn rầu, hứng phấn quá độ

-Rối loạn sinh lý, không có kinh kỳ

-Suy nhược chức năng của tuyến thượng thận...

Một rủi ro khác là sự “nhớ thuốc”, khi dùng thuốc lâu ngày mà ngưng thuốc quá nhanh. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu như đau khớp xương và cơ bắp, mệt mỏi, nhức đầu, nóng sốt, hạ huyết áp, nôn ói...Đôi khi dùng quá lâu có thể đưa tới ghiền coticosteroids...

Vì thuốc có nhiều tác dụng phụ, nên cần được bác sĩ xác định nhu cầu thuốc, thay đổi liều lượng thuốc, hướng dẫn cách  dùng thuốc và theo dõi tác dụng ngoại ý do thuốc gây ra. Các tác dụng này có thể giảm thiểu qua sự sử dụng liều lượng thấp nhất, giảm thuốc dần dần trước khi ngưng thuốc để tuyến thượng thận có thể tiếp tục sản xuất corticosteroids theo nhịp thường lệ...Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc về dùng, không được tự ý thay đổi liều lượng và cách dùng thuốc, không tự ý ngưng thuốc..

Thận trọng khi dùng thuốc:

-Cho bác sĩ hay nếu đã có phản ứng với thuốc corticosteoids trong quá khứ, có các bệnh tim, cao huyết áp, nhiễm HIV/AIDS, bệnh tiểu đường, bệnh thận, tăng áp xuất mắt, bệnh nấm, bệnh herpes ở mắt, loãng xương, lao phổi...

-Thông báo cho bác sĩ tên của các loại dược phẩm mình đang dùng, vì corticosteroids có tác dụng với một số thuốc như:

a-dùng chung với thuốc lợi tiểu làm giảm kali như thiazide, furosemide thì kali càng thiếu hụt;

b-dùng cùng lúc với  các thuốc chống viêm không có steroids  như aspirin, acetaminophen...sẽ làm tăng chẩy máu và loét dạ dày, tá tràng...

c-dùng chung với thuốc barbiturate, phenytoin thì cortisone bị tăng chuyển hóa và giảm tác dụng..

d-cortisone làm tăng nhu cầu thuốc hạ đường huyết của người bị bệnh tiểu đường...

-Nếu đang dùng thuốc lâu ngày, không được tự mình ngưng thuốc mà phải đợi bác sĩ giảm thuốc dần dần;

-Khi thấy bệnh thuyên giảm, hỏi bác sĩ xem có nên giảm liều lượng thuốc hay không;

-Không nên dùng thuốc cortisone khi đang bị một số bệnh nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh do nấm độc gây ra...

-Trẻ em cần thận trọng hơn khi dùng corticosteroids để tránh chậm tăng trường

-Thuốc chưa được xác nhận là an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú sữa mẹ;

-Để tránh loãng xương, chế độ dinh dưỡng cần được bổ sung calci, giảm chất béo để tránh mập phì, bớt muối để tránh giữ nước trong cơ thể...

-Cất giữ thuốc ở nơi mát, không có sáng sáng và không ẩm ướt (như trong buồng tắm..) để thuốc không  bị hư hao và mất công hiệu...

Kết luận:

Cũng như nhiều dược phẩm khác, corticosteroids là loại thuốc có nhiều công dụng trong việc điều trị một số bệnh. Nhưng thuốc cũng có những tác dụng phụ có thể gây nguy hại cho cơ thể. Như là trường hợp vị thân hữu của  Chương Trình Vấn Đáp Sống Khỏe. Cô đang chịu đựng những hư hao cơ thể gây ra do hành động không “trong sáng” với lương tâm chức nghiệp của một thầy thuốc... Hoặc như trường hợp của nhiều vị đồng hương, bị hen suyễn, viêm khớp, thường xuyên dùng thuốc cỏ cây có pha thêm cortisone. Bệnh có thuyên giảm, nhưng sức nặng cơ thể ngày một tăng vì nước được giữ lại. Và nguy cơ loãng xương chắc là cũng sắp tới gần...

Cho nên, để bảo vệ sức khỏe khi phải dùng thuốc, chúng ta cần tìm hiểu về các đặc tính của thuốc và dùng hợp lý theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ đang điều trị cho mình.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.