Hôm nay,  

Chuột Và Hantavirus

26/01/200800:00:00(Xem: 5569)

Từ vài chục năm nay khoa học đã đề cập nhiều về một loại virus mới ở loài gặm nhấm đặc biệt là ở loài chuột: đó là Hantavirus.

Đây là loại virus ARN, thuộc họ Bunyaviridae. Hantavirus có rất nhiều chủng huyết thanh (serovars) trong đó có 5 chủng độc hại nhất vì đặc tính gây bệnh của chúng.

Hantavirus đã được biết đến từ lúc nào"

Hantavirus được đề cập đến lần đầu tiên năm 1951 nhân dịch bệnh xảy ra cho quân đội Hoa kỳ đang tham chiến tại Triều Tiên.

Ca đầu tiên bệnh do Hantavirus được ghi nhận tại Hoa Kỳ vào năm 1970, tại Canada năm 1990 và vào năm 1993 dịch bệnh Hantavirus được thấy xuất hiện tại Bỉ và miền Tây Nam Hoa Kỳ.

Lây nhiễm xảy ra bằng cách nào"

Ở loài gặm nhấm nói chung và loài chuột nói riêng, sự lây nhiễm có thể xảy ra theo lối transmission horizontale có nghĩa là từ con nầy lây sang con khác.

Người bị nhiễm qua việc hít thở bụi bặm, tiết vật dạng li ti bay trong không khí (aerosol) như phân, nước tiểu, nước bọt của chuột bệnh.

Chúng ta cũng có thể bị nhiễm virus qua vết cắt trên da, vết chuột cắn, qua niêm mạc mắt và miệng, do nước hoặc thức ăn bẩn đã bị nhiễm Hantavirus trước đó.

Không có bằng chứng về sự lây từ người nầy sang người khác cũng như về sự truyền bệnh từ vết đốt hay vết chích của côn trùng.

Chuột và loài gặm nhấm được xem là ổ chứa Hantavirus. Chúng không biểu hiện ra thành bệnh (asymptomatique) nhưng có thể tiết virus qua nước bọt, nước tiểu và phân.

Gia súc có thể mang kháng thể (séro convertir) nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có biểu hiện ra thành bệnh hoặc tiết Hantavirus ra ngoài.

Làm sao biết mình đã bị nhiễm bệnh do Hantavirus"

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ một đến sáu tuần lễ.

Ở người, Hantavirus có thể gây ra 2 nhóm hội chứng:

1- Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết:

Bắt đầu bằng các dấu hiệu tương tợ như cảm cúm trong vòng từ 3 đến 6 ngày, mệt mỏi cực độ, sốt, đau nhức các bắp thịt. Đôi khi có thể nhức đầu, chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Sau đó thận bị tổn thương, suy thận, tăng số tế bào bạch cầu (thrombocytes) trong máu, nổi các nốt đỏ ở da, chảy máu cam và tiểu có máu.

2- Hội chứng về phổi, Hantavirus pulmonary syndrome (HPS):

Bắt đầu như cảm cúm kéo theo một thời gian thở khó cấp tính, thở ngắn và ho.

Tử vong có thể lên đến 50%.

 Chẩn đoán bằng cách nào"

*- Nói tóm lại khi có dấu hiệu cảm cúm, khó thở cộng thêm bệnh sử có tiếp xúc với loài gặm nhấm như quét dọn tủ kệ từ 1 đến 6 tuần trước thì có thể là đã bị nhiễm Hantavirus.

*- Rất khó tìm thấy Hantavirus qua xét nghiệm phòng thí nghiệm.

*- Chẩn đoán phòng thí nghiệm:

 Áp dụng các phương pháp Immunohistochemistry (IHC), Polymerase chain reaction  (PCR), tìm kháng thể IgG hoặc IgM trong máu qua phương pháp immunofluorescence indirecte, Elisa hay Western blot.

Ai dễ bị lây nhiễm nhất"

- Những người nào sống tại những nơi có nhiều chuột.

- Những người thường đi dạo trong rừng, ngoài đồng trống hoặc thích đi cấm trại.

- Những người làm việc trong các kho hàng hay tại những vựa thóc lúa.

- Các thợ điện thợ, sửa ống nước: vì lý do nghề nghiệp phải chui đầu vào xó xỉnh có  chuột sống trong đó.

- Chuyên viên các công ty diệt chuột, diệt sâu bọ và côn trùng.

- Những người làm rừng, các chuyên viên phòng thí nghiệm: thường sử dụng các loài chuột hoặc các loài gặm nhấm hoang dã.

Có thuốc trị hoặc vaccin để chủng ngừa hay không"

Bệnh do Hantavirus có tử suất cao. Không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị phụ trợ (supportive treament) như cho thở oxy, v.v…mà thôi.

Một số vaccin đang được Hoa Kỳ và Trung Quốc nghiên cứu. Đặc biệt loại vaccin làm từ chủng Hantaan hiện nay đã được thấy sử dụng tại Đại Hàn.

Chủng huyết thanh, loài gặm nhấm mang Hantavirus, sự phân bố và loại bệnh (Serotype, hôte primaire, distribution, maladie)

- Hantaan: do loài chuột Apodemus agrarius, Á châu, gây sốt xuất huyết kèm theo hội chứng thận rất nặng.

- Séoul: do Rattus norvegicus, khắp thế giới, dịch bệnh sốt xuất huyết cấp tính.

- Puumala: do Clethrionomys glareolus, Âu châu, triệu chứng dịch bệnh về thận (néphropathie épidémique).

- Sin Nombre: do Peromyscus maniculatus (chuột rừng hay souris sylvestre), Hoa Kỳ, Canada, gây hội chứng viêm phổi (Hantavirus pulmonary syndrome HPS).

Làm sao phòng ngừa Hantavirus"

- Giữ nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp để đừng thu hút chuột bọ và các loài gặm nhấm.

- Bịt hết các hang hóc, lỗ hổng trong vách nơi chuột có thể vào được.

- Dùng bẫy để bắt giết chuột.

- Nhớ mang bao tay khi phải sờ mó chuột.

- Chùi rửa, tẩy uế nhà cửa bằng nước javel (pha 3 muỗng canh javel cho một lít nước).

- Không bao giờ quét hay dùng máy hút bụi trước khi sàn nhà đã được rửa sạch.

- Giặt rửa chăn mền quần áo với nước nóng.

- Thú nhà, đặc biệt là mèo có thể chứa kháng thể chống Hantavirus nhưng chúng không bao giờ bị bệnh hay có thể thải Hantavirus ra môi sinh cả.

- Mỗi một chủng loại Hantavirus chỉ có thể gây nhiễm vào một loài gặm nhấm chuyên biệt nào đó mà thôi.

 Tham khảo:

- CDC. Hantavirus

http://www.cdc.gov/healthypets/diseases/hantavirus.htm

http://www.cdc.gov/ncidod/dvrd/spb/mnpages/dispages/hfrs.htm

http://www.cdc.gov/ncidod/diseases/hanta/hps/noframes/phys/diag.htm

- Health Canada

http://www.phac-aspc.gc.ca/msds-ftss/msds74e.html

- Canadian Lung Association. Hantavirus

http://www.lung.ca/diseases-maladies/a-z/hantavirus- hantavirus/index_e.php

Montreal, Jan 25, 2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.