Hôm nay,  

Phòng Triển Lãm Nghệ Thuật Việt Nam Khai Trương Tại Thương Xá Galleria

03/10/200200:00:00(Xem: 4921)
(McLean, VA) Sau 4 tháng từ ngày khởi trương cửa tiệm tại Trung Tâm Thương Mại The Galleria thuộc thành phố McLean, Virginia, Galerie Brigitte đã tưng bừng khai trương vào ngày thứ Bẩy, 28 tháng 9, 2002. Đây là cửa tiệm Việt Nam đầu tiên trong Mall này. The Galleria hay còn được gọi là Tysons II là một khu thị tứ trong cộng đồng người Mỹ rất lớn và sang trọng với những cửa hàng nổi tiếng và có giá trị. Galerie Brigitte nằm trên lầu 3 thương xá bên cạnh một tiệm làm móng tay cũng do người Việt làm chủ.

Vào lúc 3 giờ chiều, Galerie Brigitte khai mạc bằng buổi tiếp tân đón mừng khách và thân hữu. Chiếc phản cổ xưa nằm giữa tiệm trưng đầy những thức ăn cổ truyền Việt Nam như chả giò chay và mặn, paté chaud chay và mặn, xôi gấc, thịt heo quay, bánh bò nướng, thạch, trộn thêm vài khay rau và trái cây tươi. Để tăng thêm hương vị Việt Nam, phần âm nhạc cổ truyền qua tiếng đàn tranh ngọt ngào, êm dịu của Giáo Sư Kim Oanh và em Thanh Vân đã gợi cảm hứng cho rất nhiều khách thăm viếng. Ông Les, một cựu chiến binh Hoa Kỳ cho biết tiếng đàn tranh và khung cảnh ấm cúng khiến ông muốn rời xe lăn để có thể rảo quanh tiệm bằng đôi chân của mình để được cảm giác là ông đang viếng Việt Nam. Khách ra vào tấp nập gồm cả người Việt lẫn người Mỹ. Họ đến để cổ võ và ủng hộ tinh thần cho chủ nhân của tiệm và cũng để cảm nhận một không khí mới lạ qua lối trưng bầy các mặt hàng trong tiệm.

Sau đó, quan khách được mời xuống căn phòng dưới lầu một để thưởng thức phần triển lãm thời trang do cô Lê Phương Thảo thiết kế. Căn phòng tuy nhỏ bé không chứa nổi 500 quan khách, nhưng được thiết dựng rất nghệ thuật và công phu. Trước khi vào phần triển lãm thời trang, quan khách được thưởng thức một màn vũ dân tộc "Đèn Cù" do em Huỳnh Trung Đà Giang diễn xuất rất đặc sắc và đầy ý nghĩa tình tự dân tộc.

Qua phần diễn giải của chị Brigitte Lê, các kiểu áo dài thời 1900, những chiếc yếm xinh xinh và áo bà ba được chuyển dạng qua mầu sắc và sắc lụa óng ả. Các cô kiểu mẫu diễm kiều thư thái trong những bộ y phục dân tộc làm tăng thêm nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt là các cô kiểu mẫu được chọn thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, trong đó có người Mỹ, người A Phú Hãn, Đại Hàn, Ai Cập và Việt Nam. Qua những y phục Việt Nam họ vẫn đem lại nét yêu kiều, mảnh mai của người phụ nữ không phân biệt tầng lớp sắc tộc.

Nhà thiết kế Lê Phương Thảo từng sống tại Hoa Kỳ. Chị và gia đình định cư tại Mỹ sau năm 75. Chị trưởng thành và hấp thụ nền giáo dục tại Hoa Kỳ cũng như nếp sống Tây Phương nhưng vẫn không hề quên cội nguồn. Với khả năng và khát vọng cấu tạo những y phục thời trang dựa trên y phục cổ truyền Việt Nam, chị cùng chồng dọn qua Việt Nam để tìm nhân công tài giỏi làm việc chung và thực hiện mộng ước này. Sau 7 năm, chị và Galerie Brigitte đã được nhân duyên gặp nhau và hợp tác chung để thực hiện buổi trình diễn thời trang y phục cổ truyền vừa qua.

Điểm đặc biệt của buổi khai trương này là tính chất văn hóa mà 2 cô chủ nhân, Brigitte Lê và Lê Thùy Lan, của Galerie Brigitte muốn diễn đạt, nhất là cho những người khách Mỹ cũng như những sắc tộc khác. Theo chị Thùy Lan, "chúng tôi muốn phổ biến chính xác nền văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam mình với người Mỹ cũng như những sắc tộc khác để họ nhìn thấy vẻ đẹp sâu xa của Việt Nam, đồng thời dùng sự hiểu biết của mình giúp họ cũng như những cô cậu trẻ gốc Việt Nam nhưng không sành sõi về phong tục, văn hóa Việt Nam có thể hiểu rõ thêm về cội nguồn Việt Nam. Vì lý do đó, trong buổi khai trương hôm nay, chúng tôi tập hợp âm nhạc, vũ cổ truyền, thời trang và thức ăn truyền thống Việt Nam để đạt được ước nguyện đó. Bao nhiêu năm, sau cuộc chiến 75, mọi người hầu như quên đi Việt Nam. Hôm nay, họ nhìn thấy Việt Nam qua một khía cạnh khác, dung hòa, không chiến tranh, không hờn giận, không có những màn kịch đổ lỗi hay xuyên tạc mà chỉ hiển hiện hình ảnh một Việt Nam đầy nghệ thuật và mong mỏi một cuộc sống sung túc hơn. Theo ý kiến thô thiển của cá nhân tôi, khi có được một cuộc sống sung túc, người ta mới nhận thấy sự cao quý của tự do và nhân quyền. Chứ đói quá không vực được đạo!" Phần trình diễn y phục thời trang rất ngắn gọn và chấm dứt và lúc 6 giờ chiều.

Galerie Brigitte được trang trí như một phòng triển lãm nhỏ với những bức tranh nguyên thủy đầy nghệ thuật của các họa sĩ Việt Nam trong và ngoài nước. Từ những bức tranh sơn dầu đến tranh sơn mài đều mang nét tươi vui và canh tân nhưng không mất đi âm hưởng của nét đẹp Việt Nam. Ngoài tranh ảnh, Galerie Brigitte còn phô bầy một số cổ vật, đồ gốm Bát Tràng, tượng gỗ và các món vật dụng trang trí nhà cửa, tất cả đều được nắn nuốt, trau truốt bằng bàn tay của những người dân nghèo với hoài bão sáng tác của mình được phổ biến xa hơn và công sức của mình đem chút năng lực cho nếp sống gia đình của họ được thoải mái hơn.

Được biết hai chủ nhân của Galerie Brigitte đã cư ngụ tại Mỹ từ năm 75 khi cả hai vẫn còn trong thời niên thiếu. Vì thế, đây là cơ hội để họ tìm hiểu thêm về truyền thống và cội nguồn của mình. Sau 27 năm trưởng thành tại Mỹ, lần đầu tiên Brigitte trở lại Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, chị đã tìm tòi và làm quen được với một số họa sĩ và nghệ nhân để làm việc chung. Đây là những tư nhân làm việc độc lập không lệ thuộc vào hệ thống chính quyền. "Những người thợ này làm việc rất tích cực và chu đáo vì họ muốn tạo uy tín để chúng tôi tín dụng họ và giúp đỡ họ nhiều hơn."

(VANN-LAT)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.