Hôm nay,  

Ban Quản Trị Học Khu G.G Hợp Tác Vì Lợi Ích Cộng Đồng

14/12/200600:00:00(Xem: 4604)

Ban Quản Trị Học Khu G.G Hợp Tác Vì Lợi Ích Cộng Đồng

Biểu Đồ Nhân Khẩu Học Khu Garden Grove

(LTS: Sau đây là bài đầu tiên của Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, ủy viên học khu Garden Grove, trong loạt bài về cải tiến giaó dục, đặc biệt về các vấn đề liên hệ tới học sinh gốc thiểu số, như học trình, tổ chức và phương pháp đối với các em gốc Việt.)

Trong buổi họp của Hội Đồng Quản Trị Học Khu Garden Grove ngày 5/12 vừa rồi, LS Nguyễn Quốc Lân được bầu làm Chủ Tịch và LS Nguyễn Quang Trung được bầu làm Phó Chủ Tịch.  Tuy rằng các chức vụ này thường được luân phiên và không tăng thêm quyền hạn hơn là của các ủy viên khác trong hội đồng, người Chủ Tịch có trách nhiệm làm việc sát cánh với Tổng Giám Đốc Học Khu (Superintendent) để soạn đặt các mục tiêu trong chương trình nghị sự cho buổi họp mỗi hai tuần. 

Một người Chủ Tịch khôn khéo và chịu khó bỏ thời giờ nghiên cứu các vấn đề giáo dục một cách tường tận sẽ có cơ hội giúp học sinh và cộng đồng một cách thiết thực hơn là chỉ xuất hiện trước ống kính trong các buổi lễ nghi thông thường.

GS Nguyễn Lâm Kim Oanh (thứ 3 từ trái) cùng sinh viên UCLA

Mỗi năm hội California School Board Association - một tổ chức bao gồm tất cả các hội đồng quản trị học khu trong tiểu bang California – nhóm họp một lần để trao đổi ý kiến, học hỏi, và liên kết với nhau.  Từ 29/11 đến 3/12 CSBA đã tổ chức đại hội tại San Francisco.  Tất cả năm người chúng tôi trong ban quản trị học khu Garden Grove cùng với bà tổng giám đốc đã có mặt tại đại hội này.  Mỗi người tham dự những buổi họp khác nhau tùy theo quan điểm và sự muốn học hỏi của mình. Khi tham dự một buổi họp mặt riêng với các vị ủy viên hội đồng quản trị gốc Á Châu thuộc các học khu khác, nhiều người hỏi tôi rằng với ba người Việt Nam chiếm thành phần đa số trong hội đồng quản trị của học khu Garden Grove, chúng tôi đã làm được điều gì đáng kể cho cộng đồng Á Châu nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng chưa" Câu hỏi này làm tôi suy nghĩ lại. 

Hiện tượng có ba người Việt Nam chiếm đại đa số trong một hội đồng quản trị là một sự hi hữu chưa từng xảy ra ở nơi khác, do đó nếu chúng tôi không biết nắm lấy cơ hội này thì thật là một điều phí phạm và phụ lòng những cử tri đã ủng hộ chúng tôi vào chức vụ này.  Một mặt khác, nếu LS Nguyễn Quang Trung may mắn đắc cử vào chức vụ mới, hoặc là trong kỳ bầu cử tới, một hay cả hai chúng tôi không ra ứng cử hoặc bị thất cử thì tình thế hoàn toàn thay đổi.  Chúng tôi sẽ mất đi thế mạnh đang có được và sẽ không dễ dàng thực hiện được những điều cần làm. Những suy tư này làm tôi quyết định đưa ra một số các vấn đề giáo dục vẫn là mối ưu tư của những người gốc Việt trong hệ thống giáo dục dòng chính mà chúng tôi mong hai vị Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove cùng hợp tác để tiến hành và đạt được trong nhiệm kỳ còn lại từ đây cho đến kỳ bầu cử 2008.

Vấn Đề Thứ Nhất:  Học Khu Garden Grove Cần Có Hiệu Trưởng và Phó Hiệu Trưởng Biết Văn Hóa và Ngôn Ngữ Việt

Hiện tại tổng cộng số học sinh gốc Latino và Á Châu (đa số là Việt Nam) chiếm 85% mà thành phần lãnh đạo và quản lý giáo dục gốc Latino và Á Châu là 5.0% và 5.5%. Ngay sau khi đắc cử năm 2004, tôi đã đặt vấn đề với ban điều hành học khu là làm thế nào để thành phần lãnh đạo các trường tiểu học, và trung học phản ảnh nhiều hơn các vị có khả năng văn hóa và ngôn ngữ học sinh.    Khi thấy số học sinh Latino cao mà số giáo chức và hi ệu trưởng biết tiếng Spanish quá it, tôi đã mời bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez đến nói chuyện với ban điều hành học khu để ủng hộ tôi trong vấn đề này.  Bà Loretta đã chia sẻ kinh nghiệm về mẹ của bà là một giáo chức song ngữ trong một trường công lập và sự quan trọng của khả năng nói chuyện trực tiếp và thông cảm với phụ huynh học sinh.  Có lẽ vì sự chú ý và khuyến khích của bà đã là động lực giúp học khu tuyển dụng thêm một số giáo chức, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng biết nói tiếng Tây Ban Nha để giúp đỡ học sinh gốc Latino trong hai năm qua.

Về phần Việt Nam, tuy học khu có tuyển dụng thêm một vài giáo chức gốc Việt, cho tới nay, con số vẫn còn ít và đặc biệt là vẫn chưa có một người phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng gốc Việt Nam nào lọt vào học khu Garden Grove hết! Đây là một vấn đề tôi đã nêu ra vài lần trong các buổi họp kín, tuy nhiên tôi vẫn chưa được sự hỗ trợ đúng mức của các đồng viện để đi đến kết quả tốt hơn. Một trong những đề nghị tôi đưa ra là trong ban tuyển chọn các vị hiệu trưởng, nhất là ở cấp trung học, nên có đại diện của ban quản trị, đại diện khối phụ huynh và cộng đồng.  Phương thức này là một việc làm thông thường ở một số các học khu khác.  Tuy nhiên tại học khu Garden Grove, việc này chưa được thực hành.  Hiện tại học khu chỉ đưa lên ban quản trị danh sách những người họ đã tuyển dụng để ban Quản Trị chính thức ký giấy chấp thuận.  Đây là một hình thức làm việc theo lối “Rubber Stamp” – nghĩa là chỉ “đóng dấu” lấy lệ chứ không có một quyền hành gì trong tiến trình tuyển dụng nhân viên.  Trong thời gian đầu, tôi đã bỏ ra rất nhiều thời giờ làm việc với ban Personnel của học khu để chỉnh lại các tài liệu, phương thức và điều kiện tuyển dụng.  Chúng tôi đề cao khả năng song ngữ và biết giao thiệp trực tiếp với phụ huynh thiểu số.  Ở cấp giáo chức, sự tuyển dụng theo phương thức mới đem thêm một số ít giáo chức có khả năng song ngữ Việt và Tây Ban Nha. Tuy vậy, việc tuyển dụng nhân viên cấp cao, từ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng đến các chức vụ quan trọng trong ban điều hành học khu vẫn do một nhóm nhỏ da trắng quyết định, và chưa có thay đổi khả quan đáng kể.  

Cách đây ba tháng, sau khi thấy tôi thúc đẩy nhiều lần, ban điều hành học khu đã đưa vào một người mới gốc Mễ, đủ kinh nghiệm và khả năng vào văn phòng tuyển dụng nhân viên (Personnel).  Tuy nhiên, cho tới giờ, cấp hành chánh cao vẫn không có quan điểm của một ai thật sự đặt quyền lợi của cộng đồng Việt Nam lên cao.  Tôi không chủ trương phải đưa người Việt vào - đối với tôi, người xứng đáng giữ những chức vụ quan trọng trong học khu phải là người có kinh nghiệm giáo dục lâu năm, khả năng lãnh đạo cao, và am hiểu nguyện vọng cộng đồng người Việt.

Theo các nghiên cứu về sự tuyển dụng nhân viên, người có quyền thường hay tuyển chọn những người họ cảm thấy gần gủi thoải mái nhất sau khi họ hội đủ các điều kiện căn bản đòi hỏi cho chức vụ.  Như thế, khi ban tuyển dụng nhân viên bao gồm toàn người Mỹ da trắng, cơ hội người da trắng được tuyển dụng cao hơn các nhóm người khác là một điều dễ hiểu vì họ được đánh giá cao hơn.  Là một người sinh hoạt trong môi trường sư phạm và thường xuyên tiếp xúc với giáo chức và giới quản lý giáo dục (school administrators), tôi biết có những vị  gốc Á Châu/Việt Nam có khả năng và xứng đáng giữ những chức vụ lãnh đạo trong hệ thống giáo dục.   Theo cách làm việc hiện tại, chúng tôi không được biết đến những người nộp đơn vào học khu nếu như họ không được ban Nhân Viên tuyển dụng.  Có thể đã có những người xứng đáng và có khả năng giúp ích cho cộng đồng chúng ta nộp đơn nhưng không được chọn để đưa lên ban Quản Trị chúng tôi. 

Học khu Garden Grove có thể có một vị hiệu trưởng trung học gốc Việt Nam trong tương lai gần đây.  Điều này cần sự chú ý và hỗ trợ của cộng đồng và ban quản trị học khu.  Vị chủ tịch và phó chủ tịch có trách nhiệm nêu ra vấn đề này trong mục tiêu đặt ra cho học khu trong năm nay. Chúng ta có thể nhìn vào biểu đồ dưới đây để thấy sự chênh lệch trầm trọng giữa khối học sinh, giáo chức và ban điều hành trường lớp và học khu. 

LS Nguyễn Quốc Lân vẫn nêu cao vấn đề người Việt ủng hộ cho người Việt để có cơ hội vào những chức vụ có thể thay đổi được hệ thống chính trị dòng chính.  Đây là một trường hợp thiết thực để áp dụng lụân lý này.  Trong hệ thống giáo dục dòng chính, vẫn có nhiều bất công và kì thị xảy ra thường xuyên cho các học sinh và gia đình thiểu số.  Hàng tuần tôi vẫn nhận được những cú điện thoại phụ huynh Việt Nam gọi để giải quyết những vấn đề hiểu lầm, kì thị, và không công bằng xảy ra tại trường lớp con em họ. Khi cấp lãnh đạo có khả năng thông cảm, hợp tác, và tạo mối tương giao tốt với cộng đồng chúng ta, sự bất công và kì thị sẽ được suy giảm.   Đó là lý do chính tại sao chúng ta cần có những vị hiệu trưởng, phó hiểu trưởng, giám đốc, phó giám đốc các văn phòng điều hành, v..v… có khả năng giao tiếp tích cực với nhiều nhóm khác nhau trong cộng đồng để tạo môi trường giáo dục có phẩm chất cao và công bằng hơn.

Sắc Dân: Giáo Chức; Quản Lý; Học Sinh

Asian/Á Châu: 9.2%; 5.5%; 28.8%

Hispanic/Latino: 7.3%; 5.0%; 52.8%

White/Trắng: 78.4%; 86.1%; 14.9%

(Source: California Department of Education, Educational Demographics Unit; Prepared: 12/9/2006 10:15:33 PM)

(Phần 2: Giáo Trình Người Việt Tị Nạn)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.