Hôm nay,  

Quận Cam: Sắp Ra Mắt Cổ Sử ‘bách Việt Tiên Hiền Chí’

05/09/200600:00:00(Xem: 2284)

Bìa Bách Việt Tiên Hiền Chí.

Chủ Nhật 10 Tháng 9 Lúc 2 Pm Ra Mắt Sách Tại Thư Viện Việt Nam: Chứng Liệu Lịch Sử Để Con Cháu Hãnh Diện Là Người Việt.

Vào lúc 2 giờ chiều chủ nhật 10 tháng 9 này, Thư Viện Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt ra mắt bộ sử cổ "Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư".

Đây là bộ sử liên quan đến Việt tộc, do sử gia Âu Đại Nhậm viết xong vào năm Gia Tĩnh thứ 33 (1554). Được sử quán nhà Minh và nhà Thanh coi là tài liệu lịch sử xác đáng dùng làm tài liệu để các sử gia Trung Hoa nghiên cứu và trích dẫn khi viết sử. Lần đầu tiên bộ sử này được dịch sang Việt ngữ bởi giáo sư Trần Lam Giang.

NỘI DUNG ĐỘC ĐÁO

Toàn sách viết về 105 vị tiền nhân gốc Việt, trong đó có một số nhân vật đã trở thành nhân vật lịch sử, văn hóa vào bậc nhất mà người Tàu thường phô trương để hãnh diện.

Những nhân vật tiêu biểu được sử gia Âu Đại Nhậm ghi nhận, trước hết là vua Đại Vũ. Sử quen gọi là vua Vũ trị thủy, vị vua sáng lập ra nhà Hạ. Vua Vũ là người Việt.

Các khai quốc công thần nhà Hán như Hàn Tín, Mai Thừa, Anh Bố, Văn Ông, Tiêu Hà, Tào Tham cũng là người Việt.

Thái Luân, người phát minh ra giấy viết ngày nay chúng ta xử dụng, người Tàu lấy làm hãnh diện là 1 trong tứ đại phát minh mà người Trung Hoa góp vào văn minh nhân loại. Theo Bách Việt Tiên Hiền Chí, Thái Luân là người Việt.

Chưa hết,  nhân vật Nhâm Diên (Tích Quang - Nhâm Diên) được sử Tàu dựng lên làm người cùng Tích Quang dậy dân ta cấy cày. Bách Việt Tiên Hiền Chí chỉ ra tiên hiền Việt tộc xuất chúng được Nhâm Diên bái làm thầy.

Sử gia Âu Đại Nhậm viết: "Theo sách Nhất Lưỡng Hán Dư Địa Chí, Cối Kê bị chia thành hai phần: Đan Dương và Dự Chương. Một phần thuộc cảnh giới Ngô, một phần thuộc cảnh giới Việt. Vốn xưa Cối Kê chỉ là đất của Việt, miêu duệ vua Hạ Vũ cai trị đất này. Từ sau biến cố lìa tan, đến định cư trên miền duyên hải Giang Nam, kẻ làm vương người làm quân trưởng, dòng dõi Bách Việt sinh sôi đông đảo, sống đời hạnh phúc, nức danh tươi tốt ở đây. Đấ nước của các quân trưởng, xa, đến tận Nam Hải, Quế Lâm. Từ Hán về sau, để tiện việc cất quân đánh chiếm, đã vẽ họa đồ phân chia Việt thành châu, thành quận lấy lệ mà thôi. Tên đất cũng là tự ý đặt, sai khác khá nhiều với tên đích thực. Nay muốn viết cho được đúng đắn, phải dùng sử sách của người bản xứ. Đơn cử thí dụ, chẳng hạn như đất Lư Phượng, Hoài Dương, nhà Hán gọi bừa là quận Đông Hải, quận Hoài Lâm. Tuy sách Hán Chí có vẽ bản đồ, phân định biên cương của Ngô-Thục; cũng vẫn chỉ là: vẽ cho có vẽ, không đúng sự thực..."

CHÚ THÍCH CÔNG PHU

Tác giả Âu Đại Nhậm đã vận dụng cách "lách" (viết lách mà lỵ!) tài tình để cuốn sách sử này được lưu truyền ngay trong lòng người Tàu với dã tâm hủy diệt chứng liệu các dân tộc hình thành Trung Hoa.

Dù thế, cuốn sách cũng trải qua 500 năm thăng trầm lưu lạc, trù dập. Cuối cùng, được xếp vào "Tứ Khố Toàn Thư", là bốn kho tàng trữ sách của triều Minh.

Như đã nói ở phần trên, nhà Hán đã chia cắt đất bị chiếm (của Việt tộc) ở phía nam sông Dương Tử, đặt tên mới, xóa tất cả dấu vết cũ nên việc tìm hiểu tên người, tên đất cần phải tra cứu rất nhiều sách, nhất là các sách có bề dày lịch sử.

Ngoài các bộ chính sử Trung Hoa, giáo sư Trầm Lam Giang còn tra cứu thêm nhiều sách trong Tứ Khố Toàn Thư, các bộ từ điển, tự điển uy tín Từ Hải, Khang Hy cho đến các bộ sách lưu hành rất giới hạn như Thủy Kinh Chú, Sơn Hải Kinh... để chú thích, dẫn giải toàn bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí, Lĩnh Nam Di Thư.

IN CẢ CHỮ NHO

Công trình dịch và chú thích của giáo sư Trần Lam Giang đã giúp Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư thành chứng liệu lịch sử để con cháu hãnh diện là người Việt.

Tại vì sao"

Từ trước đến nay, chúng ta thường có niềm tự hào là người Việt nhưng khi con cháu lớn lên ở xứ người, với lối giáo dục của xứ sở mới, chúng thường muốn có cái gì cụ thể để hãnh diện là người Việt Nam. Vì hoàn cảnh, các bậc cha anh không thỏa đáng ao ước của con cháu.

Bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư là chứng liệu lịch sử đáp ứng nhu cầu này, cho mọi gia đình.

Sách được dịch sang Việt ngữ, chú thích công phu (nội dung chú thích dày hơn nội dung tác phẩm) và hơn thế nữa, đã in toàn bộ nguyên tác, bằng chữ Nho, để "nói có sách, mách có chứng". Mọi người mạnh dạn chỉ cho con cháu bằng chứng để hãnh diện là người Việt.

ĐƯỢC QUAN TÂM ĐẶC BIỆT

Bách Việt Tiên Hiền Chí được viết từ hơn 500 về trước. Mãi đến ngày nay mới được dịch sang tiếng Việt. Công việc truy tầm nguyên bản, so sánh, đối chiếu cũng như  dịch và chú thích cũng mất một khoảng thời gian khá dài, trên dưới mười năm. Đó là chưa kể công việc lần theo các sử liệu có đề cập đến tác phẩm - là gợi ý tiên khởi - trong sử liệu Việt Nam trước đây.

Cách đây hai năm, giáo sư Trần Lam Giang chính thức loan báo việc dịch và chú thích đã vào giai đoạn cuối. Nhiều nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến lịch sử, văn hóa dân tộc đã khấp khởi mừng thầm, nô nức khích lệ. Hòa thượng Thích Chơn Thành, vị tu sĩ am hiểu chữ Nho của cha ông để lại, đã vui mừng tiếp hơi bằng cách góp 1,500 mỹ kim vào quỹ ấn loát để cuốn sách sớm trình làng.

Trong buổi sinh hoạt ra mắt sách tại Thư Viện Việt Nam vào chiều chủ nhật 10 tháng 9 này, quan khách sẽ được nghe phần góp ý quý giá của các chuyên gia về chữ Hán cũng như một số nhà nghiên cứu, giáo dục Việt Nam.

Nhân dịp này, Thư Viện Việt Nam kính mời đồng bào cùng đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm quan trọng này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.