Hôm nay,  

Virginia: Mời Dân Việt Xem ‘bạch Yến: 50 Năm Âm Nhạc’

15/08/200600:00:00(Xem: 2676)

Bạch Yến và Trần Quang Hải.

Virginia.- Danh ca  Bạch Yến là một nghệ sĩ khả ái, đa tài, trên năm mươi năm qua chẳng những  Bạch Yến đóng góp nhiều  cho  nền  âm nhạc Việt Nam  mà   cũng  đem  âm nhạc VN trình diễn,  phổ biến rộng rãi khắp  nơi trên thế giới. Cho đến nay  Nghệ sĩ Bạch Yến vẫn còn giúp vui, trình diễn trong cộng đồng.   Đối với một nghệ sĩ tài hoa và đóng góp nhiều  cho âm nhạc VN như vậy  bác sĩ, Nhạc sĩ  Văn Sơn Trường cùng một nhóm thân  hữu vùng Hoa Thịnh Đốn sẽ tổ chức một chương trình nhạc đặc biệt với chủ đề “Bạch Yến: 50 năm âm nhạc” vào ngày 27 tháng 8, 2006  tại Thính Đường Nova, Annadale, VA. 

Đây  là chương trình vinh danh Bạch Yến và cũng để cống hiền cho khán thính giả yêu nhạc thính phòng vùng HTĐ một chương trình thật đặc sắc, mới lạ với những bản nhạc lừng danh trên thế giới, nhạc Việt cũng như nhạc Pháp, Mỹ, Ý, Mễ Tây Cơ..với sự phụ họa của danh cầm Jean Louis Beydon và sự góp mặt  của phu quân của Bạch Yến là  Nhạc sĩ Trần quang Hải,  cũng là nhà  nghiên cứu  Dân Tộc Nhạc.

Nhà văn, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam cho biết Hạ Vân, Kevin Khoa   sẽ tổ chức một chương trình  “Chiều nhạc & tâm tình với Bạch Yến”  tại  vũ trường   Majestic ở Hungtington Beach,   California vào ngày 20 tháng 8, 2006 với các ca sĩ Thanh Lan, Kevin Khoa, Hạ Vân …  vì là một chương trình đặc biệt kỷ niệm 50 năm âm nhạc nên Bạch Yến đã bỏ rất nhiều thì giờ tập dợt nhiều tiết mục  đặc sắc, hấp dẫn  hơn những lần trình diễn  trước đây. Cho tới giờ phút này  Bạch Yến vẫn giữ kín chương trình để dành cho khán thính giả nhiều ngạc nhiên thích thú.

Được biết Danh ca Bạch Yến sinh quán ở  Sóc Trăng, sau đó mẹ  đem Bạch Yến đi Nam Vang. Năm 1951  Bạch Yến trở về Saigon.   Khi còn bé,  Bạch Yến đã thích âm nhạc, may mắn  có một cậu ruột quen thân với nhiều nhạc sĩ  nên Bạch Yến có dịp học nhạc từ nhỏ. Năm 1953  Bạch Yến được huy chương vàng trong cuộc  thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Pháp Á.  Vì  còn  nhỏ tuổi nên Bạch yến phải trang điểm,  ăn mặc cho có vẻ người lớn để được nhận vào hát ở các phòng trà.  Bạch Yến bắt đầu sự nghiệp ca hát ở Phòng trà  Trúc Lâm, đường Phạm Ngũ Lão do nhạc sĩ Mạnh Phát và Ngọc Bích điều khiển. Sau đó Bạch Yến hát ở Phòng trà Hòa Bình rồi Đại Kim Đô. Ông bầu Cường nghe Bạch Yến hát bài "Đêm Đông”, ông   thích  nên mời Bạch Yến về hát ở Tự Do, từ đó  Bạch Yến trở thành một vì sao sáng của vòm  trời âm nhạc Việt Nam. 

Năm 1963 một số quân nhân Mỹ đến VN,  tình cờ đến Vũ Trường Tự Do,  họ thích tiếng hát của Bạch Yến và đã giới thiệu Bạch Yến  với chương trình Ed Sullivan Shows. Đây là   một chương trình ăn khách nhất của Hoa Kỳ thời đó với 35 triệu khán giả. Năm 1965  Bạch Yến ký một hợp  đồng hai tuần với Ed Sullivan Show,  rồi  liên tiếp 12 năm Bạch Yến lưu diễn khắp nước Mỹ với các nghệ sĩ thượng thặng như Bob Hope, Bing Crosby, Mike Douglas, Joey Bishop, Pat Boone… Mike Wayne đã mời Bạch Yến qua Hollywood hát trong phim “The Green Berets”  do John Wayne đóng vai chánh.

Lúc Bạch Yến trở về Paris  là lúc  cuộc đời và sự nghiệp của Bạch Yến bước vào một giai đoạn  mới,  rất  quan trọng,  là   gặp gỡ  Nhạc sĩ Trần quang Hải  kiêm nghiên cứu gia Dân Tộc Học, sau này  trở thành phu quân của Bạch Yến. Nhạc Sĩ  Trần Quang Hải thuyết phục Bạch Yến trở về với nhạc dân tộc VN và kết quả là hai người đã trình diễn trên hai ngàn buổi hát dân ca khắp  năm Châu. Thỉnh thoảng Bạch Yến cũng  hát tân nhạc để đáp lại tấm thạnh tình khán giả hâm mộ mình.  Hai người đã thu chung bảy dĩa hát (ba đĩa 33 vòng, bốn  dĩa laser)  và một đĩa trong đó được giải thưởng “Grand Prix du disque de l”Academic Charles Cros”  năm 1983. Ngoài hát nhạc Việt , Bạch Yến cũng hát rất hay nhạc Mỹ, Pháp, Mễ Tây Cơ, Ý, Do Thái…

Khi nói về cuộc đời  mình Ca sĩ Bạch Yến cho biết vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn,  lúc nhỏ  cô đã phải làm nghề mô tô bay, rất nguy hiểm, sau  một tai nạn  Bạch Yến bỏ  luôn nghề này.

Năm trước Bạch Yến có  về trình diễn ở Thính đuờng Nova, Annadale, VA. Bạch Yến đã cùng danh cầm  Jean Louis Beydon cống hiến cho khán thính giả vùng Thủ Đô một chương trình nhạc thính phòng vô cùng hấp dẫn. Cả thính phòng lặng yên, gần như ngưng  thở để thưởng thức dòng nhạc tuyệt vời , bất hủ  “Đêm Đông” (Nguyễn Văn Thương) ,  “Tiếng Thu” (Phạm Duy)...Bạch Yến đã diễn tả  thật  lôi cuốn, đầy xúc cảm, với sự phụ họa của danh cầm Jean Louis Beydon. Tiếng đàn tiếng hát đã hòa quyện vào nhau, dìu dặt,  êm đưa người nghe  về một vùng trời kỷ niệm xa xôi, một đêm Đông cô đơn lạnh lẽo, một chiều  Thu  êm ả với lá vàng rơi. Bạch Yến  đã làm cho hồn nhạc, hồn thơ chấp cánh bay bổng.  

Cùng  với dòng nhạc xưa,  từ  êm đềm, da diết Bạch Yến chuyển qua những bản  dồn dập sinh động hơn như “Ghen” (thơ Nguyễn Bính), “Cùng Một Kiếp Hoa” (Võ Đức Phấn, em của Võ Đức Thu).. đây là một trong những bản trác tuyệt  của âm nhạc VN.  Bạch Yến đã đưa khán giả lui về dĩ vãng xa xưa với  niềm vui rộn rã của tuổi thơ, của  tình yêu thơ mộng đầu đời.. mọi người lặng yên lắng nghe, để mặc cho nguồn rung cảm tràn dâng theo  nhịp đàn, tiếng hát.

Đặc biệt là Bạch Yến rất quan tâm đến  y trang lúc trình diễn để thích  hợp với ý nghĩa của bản nhạc, chẳng hạn  khi hát bản “Đêm Đông” Bạch Yến mặc quần áo  mùa Đông, đầu đội mũ, như một khách cô đơn. Khi hát bản “Ghen” thì Bạch Yến mặc Âu phục nam giới..

Rồi những bản nhạc mới thật  tình tứ, thật thơ mộng mà tác giả sáng tác đặc biệt  cho Bạch Yên hát mà thôi,  vì nó đòi hỏi kỹ thuật thật cao mới có thể diễn đạt được tình ý chất chứa trong dòng nhạc. Trước khi hát Bạch Yến thận trọng giới thiệu xuất xứ của bản nhạc, tác giả là ai,  từ nguồn cảm hứng nào mà viết nên bản nhạc. Có lúc giọng nói của Bạch Yến thật nhỏ như lời thì thầm tâm sự,  báo trước cho thính giả phải thật yên  lặng, lắng nghe mới có thể thưởng thức được bản nhạc này.

Cả thính phòng lặng yên phăng phắc, tiếng đàn dương cầm khoan thai dạo lên,  Bạch Yến cất tiếng hát,  thật êm dịu, thật nồng nàn, say đắm.. Thời gian, gian không gian lúc đó như ngưng động . Bạch Yến đã “xuất thần”,   truyền cảm cái tình yêu  mộng mơ sâu lắng của tác giả vào tâm tư người thưởng ngoạn một cách  tuyệt vời, đạt đỉnh  của nghệ thuật.

Khi tiếng hát của Bạch Yến dứt và tiếng đàn cuối cùng của  danh cầm Jean Lois Beydong ngưng, khán giả còn trong bàng hoàng, thảng thốt, một lúc sau mới vỗ tay muốn vỡ rạp. Chỉ cần một hai bản nhạc “xuất thần” như vậy đáng giá để mọi người đến xem Bạch Yến trình diễn và  nhìn nhận Danh ca Bạch Yến là một vì sao hiếm quý  của nền âm nhạc Việt Nam.  Có lẽ trong lần trình diễn kỷ niệm  50 năm tới đây, ngoài  phần nhạc thính phòng Bạch Yến sẽ hát dân ca, đóng kịch với nhạc sĩ Trần Quang Hải và biểu diễn múa luôn để khán giả có một đêm vui thật trọn vẹn và cũng để biểu  diễn, Bạch Yến, một tài năng đa dạng.  

Trong buổi  kỷ niệm 50 năm âm nhạc của Bạch Yến cũng có sự đóng góp của phu quân là nhạc sĩ Trần Quang Hải. Nhạc sĩ Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại làng Linh Đông Xã, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, Việt Nam, trong một gia đình  năm đời là nhạc sĩ cổ truyền Việt Nam.

Ông  học  âm nhạc Cổ Điễn Tây  phương ở trường Quốc Gia Âm  Nhạc Việt Nam  từ năm 1955-1961,  tốt nghiệp trường này năm 1961. Sau đó ông sang Pháp học nhạc học  tại trường đại học Sorbonne (1962-1967),  nghiên cứu Dân Tộc Nhạc Học (ethonomusicology) tại trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội (School of Studies in Social Sciences, Paris), ông nghiên cứu rất nhiều cách trình diễn dân nhạc trên thế giới và đậu Tiến sĩ Dân Tộc Nhạc năm 1973.

Sau đó Nhạc sĩ Trần Quang Hải  làm việc nghiên cứu tại Viện Bảo Tàng Con Người  Paris từ 1968. Ngoài sự nghiên cứu về kỹ thuật hát đồng song thanh (overtone singing),  từ 1969 Trần Quang Hải đã trình diễn trên 3000 buổi tại 60 quốc gia trên thế giới. Ông giảng dạy về nhạc Á Châu tại hơn 100 trường đại học.

Trần Quang Hải cũng viết cho 30 tờ báo Việt ở hải ngoại từ 1975, viết cho nhiều tự điển nhạc như New Grove Dictinary of Music and Musicians (Anh Quốc, 1980 và tái bản năm 2001), Algemene Muziek Encylcopedia (Hòa Lan, 1984) và nhiều báo chuyên về âm nhạc như Journal of Ethnomusicology (Hoa Kỳ), Journal of Asian Music (Hoa Kỳ), The World of Music (Đức), Koưin Journal (Nhựt). Cashiers de Musiques Traditinnelles (Thụy Sĩ).

 Từ năm 1971, Nhạc sĩ Trần Quang Hải  đã thực hiện  15 đĩa 33 vòng và 8 CD về nhạc Việt Nam  ở Pháp, Ý và Hoa Kỳ;  6 phim video về nhạc Việt và hát đồng song thanh, một phim 16 ly “The Song of Harmonics” được bốn giải thưởng quốc tế, 30 giải thưởng cho công trình nghiên cứu nhạc Việt, Á Châu và hát đồng song thanh.

Trong buổi trình diễn của Nhạc sĩ Trần Quang Hải  do Ông Trần Việt Tân, Chủ nhiệm báo Đời Nay  tổ chức ở Diamond Club, VA năm rồi, Nhạc sĩ  Trần Quang Hải cũng đem đến cho khán thính giả vùng HTĐ rất nhiều ngạc nhiên kỳ thú. Nhạc sĩ Trần Quang Hải  có thể phát âm cùng một lúc hai giọng trầm và cao khác nhau.  Với vài  thanh que  mỏng, nhỏ bằng ngón để trong miệng, Nhạc sĩ Trần Quang Hải  thổi qua những que nhỏ đó để tạo  nhiều  âm thanh  có độ cao thấp khác nhau như những  nốt nhạc trên cán đàn. Nhạc cụ  đó gọi  là “Đàn Môi”  của người H’mông ở Lai Châu, Bắc Việt,  tiếng Anh gọi là Jew’s Harp.

Qua một hai làn hơi  Nhạc sĩ Trần Quang Hải  đã cống hiến cho khán giả một khúc nhạc trầm hùng vang dội, không khác gì từ một ban nhạc đại hòa tấu. Như ảo thuật. Không thể tưởng tượng được. Khán giả chỉ còn biết vỗ tay , reo vui, tán thưởng một cách thích thú, và không lạ gì khi nghe Nhạc sĩ Trần  Quang Hải cho biết đã trình diễn nhạc dân tộc trên ba ngàn shows  khắp năm Châu.

Muốn biết thêm chi tiết về hai buổi trình diễn “Bạch Yến: 50 năm âm nhạc” ở Virginia xin liên lạc: Bác sĩ Văn Sơn Trường (703) 283-4561

Ở Cali xin liên lạc Hạ Vân (408) 802- 9938. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.