Hôm nay,  

Mỹ Sẽ Trả 1 Phần Tiền Lương Cho Các Thợ Việt Daewoosa

25/06/200200:00:00(Xem: 4792)
WASHINGTON- Nhà nước Mỹ đang tìm liên lạc với các cựu công nhân Việt Nam ở hãng Daewoosa để hoàn một phần tiền lương. Tin sau đây là của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển -- Ngày 23 tháng 6, 2002.

Phân Bộ Lương Bổng của Bộ Lao Động hiện đang cần liên lạc với các cựu công nhân Việt Nam ở American Samoa để trả một phần lương mà hãng Daewoosa trước đây đã quịt của họ.

Số tiền này là từ số hàng hoá của hãng Daewoosa mà Bộ Lao Động đã tịch thu, chia ra mỗi người được trung bình vài trăm Mỹ kim. Tuy nhiên vì một số cựu công nhân Việt nam di chuyển địa chỉ thường xuyên nên Bộ Lao Động đã không liên lạc được để gởi số tiền này đến cho họ.

UBCNVB mới đây đã cung cấp cho Bộ Lao Động các địa chỉ cập nhật mà Uỷ Ban phối kiểm được. Tuy nhiên vẫn còn một số công nhân ở rải rác các nơi hiện nay Uỷ Ban vẫn chưa truy ra địa chỉ sau khi họ dời đổi nơi cư trú.

Nếu những công nhân nào mà đến giờ này vẫn chưa nhận được số tiền bồi hoàn kể trên, xin liên lạc với cô Dung tại số điện thoại: 703-538-2190.

Giới Thiệu Về Chương Trình Trợ Giúp Nạn Nhân Bóc Lột Lao Động và Buôn Người - Victims of Exploitation and Trafficking Assistance (VETA)

Đây là chương trình của UBCNVB nhằm triển khai Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Sự Buôn Người và Bạo Hành, được Chính Phủ Hoa Kỳ ban hành năm 2000. Mục tiêu của đạo luật này là chống tình trạng bóc lột lao động và buôn người trên thế giới. Tình trạng buôn người ngày càng trở nên trầm trọng khi mà các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, gia tăng việc xuất cảng công nhân.

Từ tháng 2 năm 1999 tới giữa năm 2000 có khoảng 250 người Việt Nam, hầu hết là phụ nữ trẻ, đến American Samoa, một lãnh thổ tự trị của Hoa Kỳ, làm hợp đồng cho hãng may Đại Hàn Daewoosa.

Mỗi công nhân phải đóng trung bình 4000 Mỹ kim lệ phí cho hai cơ quan xuất khẩu lao động thuộc nhà nước, là công ty Cung ứng Nhân Lực Quốc tế (IMS) và Công ty Du Lịch 12. Một số công nhân phải đóng thêm một phí tổn khác cho cái gọi là "lệ phí di dân", trả cho Ông Kil Soo Lee, chủ hãng may Daewoosa. Họ đã phải mượn từ bạn bè hay thân nhân để đóng các khoản phí trên, hy vọng với số lương ít ỏi hàng tháng $408 sẽ giúp họ trả dần món nợ và để dành một ít tiền khi về lại Việt Nam. Theo bản hợp đồng ký với hai công ty trên, họ phải đóng $5000 tiền phạt nếu không hoàn tất hợp đồng.

Ở American Samoa, những công nhân này bị buộc làm việc và sinh sống trong những điều kiện tồi tệ, như thể họ là những người tù. 36 người ở trong một căn phòng, trên một khu đất ô nhiễm với mùi chuột chết, bao bọc bởi một hàng rào kim loại, và bị kiểm soát bởi một đám canh gác an ninh. Họ phải làm việc tới 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần trong điều kiện tồi tệ: nhiệt độ có khi lên đến 104 độ F. Thức ăn hàng ngày của họ thường là cơm, hành chiên, bắp cải, khoai tây, và chỉ một ít chất đạm. Chủ nhật khi họ không bị buộc đi lao động thì họ chỉ được cho ăn cơm chan nước lã mà thôi. Một số người bị mắng nhiếc và bỏ đói khi họ thắc mắc về tình trạng không được trả lương. Có người bị đánh đập tàn nhẫn đến chột mắt; có người khác bị điếc vĩnh viễn.

Đầu năm 2001 cảnh sát liên bang khởi tố chủ hãng may Daewoosa. Sở Di trú quyết định cấp cho số nạn nhân của hãng Daewoosa chiếu khán tạm thời, cho phép họ sang Mỹ để làm nhân chứng trong vụ truy tố chủ hãng may Daewoosa. 184 người trong số nạn nhân đã nhập cảnh Hoa Kỳ. Họ đang cần sự giúp đỡ về mọi mặt. Mới đây Toà Thượng Thẩm của American Samoa đã ra án lệnh bắt Ông Lee, hãng Daewoosa và hai công ty Việt Nam phải bồi thường trên 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân.

Ngay từ đầu năm 1999, UBCNVB đã âm thầm làm việc với một số thánh phần trong Quốc Hội Hoa Kỳ và một văn phòng luật sư ở American Samoa để can thiệp cho số nạn nhân Việt Nam. Tháng 3 năm 2001 khi chính phủ Hoa Kỳ quyết định phá vỡ tổ chức buôn người này và đưa các nạn nhân vào Hoa Kỳ làm nhân chứng UBCNVB và tổ chức LAVAS đã phát động chiến dịch bảo trợ cho các nạn nhân. Hàng trăm gia đình Mỹ và Việt Nam cũng như một số cơ sở tôn giáo đã tình nguyện nhận bảo trợ và góp tiền trả vé máy bay cho các nạn nhân di chuyển khỏi American Samoa và đến cư trú ở Hoa Kỳ. Hàng chục cơ sở thương mại người Việt đã giúp cho các nạn nhân này công ăn việc làm. Tinh thần đùm bọc của cộng đồng người Việt làm cho nhiều giới chức chính quyền Hoa Kỳ.

Chương Trình Trợ Giúp Nạn Nhân Bóc Lột Lao Động và Buôn Người, tiếng Anh là Victims of Exploitation and Trafficking Assistance viết tắt là VETA, được chính thức thành lập vào thời điểm này để giúp đỡ cho các nạn nhân Việt Nam về mặt pháp lý và trong các lãnh vực đời sống. Trước mắt, VETA ưu tiên giúp cho khoảng 100 nạn nhân Việt Nam, những công nhân tại hãng may Daewoosa Samoa, hiện đang cư ngụ tại Washington DC, Virginia, Maryland, Philadelphia, và Orange County.

Hiện nay chúng tôi đang cần tuyển nhiều luật sư thiện nguyện để giúp cho các nạn nhân Việt trong vấn đề xin chiếu khán T để được ở lại Hoa Kỳ với tư cách nạn nhân làm nhân chứng. Luật sư của UBCNVB sẽ hướng dẫn và huấn luyện cho các luật sư tình nguyện về thủ tục điền đơn xin chiếu khán T. Để ghi danh tình nguyện xin liên lạc với nữ luật sư Jean Bruggeman, Giám Đốc Chương Trình VETA, tại số điện thoại 703-538-2190 hoặc qua địa chỉ điện thư jean.bruggeman@bpsos.org.

Quý vị có thể theo dõi tin tức cập nhật về chương trình này tại http://bpsos.org/veta/veta_index.html

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.