Hôm nay,  

Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Việt-nam Đầu Tiên Trên Đất Mỹ

01/01/200300:00:00(Xem: 4859)
Boston -- Ngày 02 tháng 11 vừa qua, một Trung tâm Sinh hoạt cho Cộng đồng người Việt đã được khánh thành tại 42 Charles Street thuộc khu Fields Corner, vùng Dorchester của đô thành Boston, thủ phủ tiểu bang Massachusetts. Đây là Trung Tâm đầu tiên trên đất Mỹ được hoàn thành do người Việt để phục vụ người Việt với nhiều chương trình xã hội và văn hóa, giáo dục. Trung Tâm là một ngôi nhà với nét kiến trúc Á đông, rộng 17,000 "phít" vuông, gồm một bên là tòa nhà hai tầng dùng làm văn phòng cho các chương trình ấu, thiếu và cao niên, và bên kia là một hội trường chứa được 300 người. Ngoài chức năng làm nơi nhóm họp cho các hội đoàn, hội trường còn là một địa điểm lý tưởng để quý vị cao niên trò chuyện, giải trí và tập yoga, khí công hay thái cực quyền vào mỗi buổi sáng. Nối liền phòng ốc dành cho các chương trình và hội trường là một đại sảnh tại đó có một phòng lớn dùng làm thư viện.

Dorchester được chọn làm địa điểm cho Trung tâm vì tại vùng này người Việt cư ngụ đông nhất so với các vùng khác của tiểu bang Massachusetts. Trong tổng số 40.000 cư dân Việt tại Massachusetts, riêng vùng Dorchester đã quy tụ trên 10.000 người.

Gần 900 người bao gồm các thế hệ người Việt và những thân hữu của tập thể Việt thuộc nhiều cộng đồng sắc tộc khác đã hiện diện tại buổi lễ khánh thành để cùng chia sẻ niềm hân hoan và hãnh diện của người Việt cư dân Massachusetts và của nhiều người bạn Mỹ từng tích cực ủng hộ dự án xây cất Trung tâm.

Đặc biệt trong những bạn Mỹ, phải kể trước tiên Ông Thomas Menino, Đô trưởng Boston, và Ông Lawrence K. Fish, Chủ tịch, Hội trưởng và Tổng Giám đốc Điều hành của Tổ hợp Tài chính Citizens là hai vị đã giúp công sức cho Trung Tâm Cộng Đồng đầu tiên của người Việt tại Massachusetts được thành hình. Đô trưởng Menino đã cho cộng đồng miếng đất trên đó tọa lạc Trung tâm và triệt để yểm trợ dự án qua các cơ quan phát triển khu phố của đô thành. Ông Lawrence Fish đã mang tất cả thế lực và uy tín của mình để đẩy mạnh Chiến dịch Gây vốn (cho dự án) mà ông là chủ tịch. Sở dĩ hai nhân vật này cũng như bao nhiêu cá nhân hoặc cơ quan Mỹ khác đã hết lòng tán trợ dự án là vì họ thấy rằng sự hiện diện của Trung tâm, ngoài công việc phục vụ cộng đồng Việt Nam, sẽ còn làm khởi sắc toàn bộ khu phố Fields Corner nói riêng và vùng Dorchester nói chung.

Về phía cộng đồng, hai thành phần chủ động trong dự án là Cơ quan Việt-AID và Ủy Ban Xây Dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng (thường gọi tắt là Ủy ban Xây dựng). Việt-AID, với danh xưng đầy đủ làVietnamese American Initiative for Development, là cơ quan phát triển cộng đồng (community development agency) đầu tiên do người Việt điều hành trên đất Mỹ. Cơ quan được thành lập năm1994 do một nhóm các anh chị người Viêt thuộc thế hệ trẻ, tốt nghiệp đại học Mỹ và mong muốn phục vụ cộng đồng trong những lãnh vực trọng yếu trong hiện tại và tương lai như giúp đồng hương mua tậu nhà cửa; cung cấp gia cư giá hạ cho những người thu nhập ít; lập chương trình giữ trẻ để người lớn an tâm đi làm; phát triển khả năng kinh tế cho đồng hương; v.v. Khi thấy rõ nhiệt tâm và viễn kiến của Việt-AID một số các nhân vật trong cộng đồng đã thảo luận với Việt-AID về ý định thành lập một Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng nầy. Một Ủy ban Xây dựng do Cộng đồng thành lập bao gồm nhiều nhân vật thuộc các thế hệ già trẻ, nam nữ khác nhau đã góp sức với Việt-AID là cơ quan có đủ hai điều kiện lập đề án, vận động tài chánh, cung cấp nhân lực và công nghệ kỹ thuật. Trong sáu năm trường cùng nhau hy sinh làm việc, nhiệm vụ chính của Việt-AID là giao dịch với các cơ quan công và tư của "dòng chính" để xin tài trợ cho dự án, còn Ủy ban Xây dựng chủ yếu là vận động cộng đồng, gây quỹ trong cộng đồng và nói lên các nhu cầu cùng mong ước của cộng đồng. Chính vì càng thảo luận lại càng thấy nhu cầu gia tăng, cho nên số tiền dự trù cho việc xây cất cũng như hình dáng của Trung tâm đã phải hơn một lần thay đổi. Riêng về ngân sách xây cất, số tiền đã leo dần từ $1 triệu 2 đến $2 triệu 3, rồi đến $3 triệu 2, xong đến $4 triệu 6 để rồi cuối cùng lên đến $5 triệu 1. Vì vậy yếu tố quyết định trong việc hoàn thành Trung tâm là chiến dịch gây vốn đã nói ở trên, với sự lãnh đạo nhiệt tình của Ông Lawrence Fish, một nhà kinh doanh tên tuổi và cũng là một mạnh thường quân nổi tiếng, nhất là đối với các cộng đồng tỵ nạn và di dân.

"Trung tâm sẽ đóng một vai trò chiến lược trong việc chuyển hóa khu Fields Corner", đó là niềm tin mãnh liệt của Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Việt-AID, và được nhiều người Việt cũng như Mỹ tán đồng. Nói cách khác, Trung tâm sẽ giúp rất nhiều cho việc đẩy mạnh toàn bộ khu phố trở nên khang trang và thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên, trọng tâm của Trung tâm vẫn là tinh thần "nhiễu điều phủ lấy giá gương", là tạo cơ hội cho người Việt thăng tiến nhưng không đánh mất bản sắc của mình. Trong chương trình khánh thành Trung tâm có một điểm đáng lưu ý: buổi lễ được bắt đầu với những lời cầu nguyện cho cộng đồng mà quý vị lãnh đạo tinh thần (đại diện các tôn giáo chính của dân tộc) đã hiệp ý cử hành. Những giây phút nguyện cầu tuy ngắn ngủi đó đã nói lên hùng hồn lòng quý trọng đời sống tâm linh của người Việt tỵ nạn cộng sản. " Dưới mái nhà này, ông Tôn-Thất Ân, Chủ tịch Ủy ban Xây dựng, khẳng quyết, chúng ta nguyện sẽ bảo toàn những giá trị tinh thần và tâm linh của người Việt, sẽ có những chương trình phục vụ các thế hệ người Việt, sẽ mang các thế hệ Việt lại gần nhau hơn để tất cả chúng ta cùng tiến vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới với rất nhiều thương yêu và tin tưởng".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.