Hôm nay,  

Hải Ngoại Sắp Mừng 6 Năm Ngày Nhân Quyền Vn

07/03/200000:00:00(Xem: 5374)
VIRGINIA - Như mọi năm, để chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam, Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản Việt Nam đã nhóm họp tại Trung Tâm Quản Trị Khu Mason (Mason District Governmental Center) vào lúc 10 giờ sáng ngày Chúa Nhật, mùng 5 tháng 3,2000.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 5 tháng 5, 1994, lưỡng viện Quốc Hội Liên Bang đã thông qua Nghị Quyết số SJ-168 và sau đó Tổng Thống Clinton đã ban hành Đạo Luật số 103-258 chỉ định ngày 11 tháng 5 là Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Ngày này năm 1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, đại diện Cao Trào Nhân Bản, đã công bố bản tuyên ngôn đòi thực thi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Đây quả là một sự thành công cho sự tranh đấu hữu hiệu của đồng bào trong nước cũng như những nỗ lực tích cực yểm trợ của cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Dưới sự có mặt thường xuyên của hội viên và thân hữu, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đã tường trình những hoạt động của bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ tháng 9, 1998 đến nay.
Tuy bị kiểm soát chặt chẽ và vẫn thường bị áp lực của công an, bác sĩ Quế vẫn có cách nắm bắt thông tin từ ngoại quốc gởi về nhanh chóng. Cũng trong buổi họp này, bác sĩ Quân đã chuyển đến lời nhắn nhủ và giải thích rõ ràng của bác sĩ Quế về đề nghị mới nhất của ông: “không cần liên kết điều kiện tiên quyết trong việc ký thỏa hiệp thương ước giữa Hà Nội và Hoa Kỳ”. Lập trường mới này của bác sĩ Quế đã gây nhiều xôn xao và lúng túng cho giới ủng hộ ông bấy lâu nay.
Trong cuộc đối thoại với bác sĩ Quân qua điện thoại, bác sĩ Quế đã nhấn mạnh nhận định của ông luôn luôn là giải tán chế độ Cộng Sản và dành lại quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam qua lá phiếu dân chủ. Đã 2 lần được cơ hội ra ngoại quốc chữa trị căn bệnh ngặt nghèo của ông, bác sĩ Quế vẫn từ chối vì ông biết ra đi sẽ không có ngày trở lại. Như ông đã nói “Tôi muốn ở lại Việt Nam để nói lên tiếng nói lương tâm trước sự kiện nhân quyền của người dân Việt Nam và tôi sẽ tiếp tục làm việc để phụng sự cho dân tộc và đất nước tôi.”
Để nêu rõ lập trường mới của ông, bác sĩ Quế giải thích rằng bấy lâu nay, Cộng Sản Việt Nam ngần ngại không chịu ký thương ước vì những điều kiện do Quốc Hội Hoa Kỳ nêu lên mà điểm chính yếu là đòi hỏi Hà Nội phải tư hữu hóa các công ty quốc doanh và bình đẳng hóa quyền dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Hà Nội đã viện rất nhiều lý lẽ mà một trong những lý do đình trệ sự quyết định của họ là những chống đối của người Việt hải ngoại. Nhưng thực sự họ thừa biết khi tư hữu hóa các công ty quốc doanh thì quyền cai trị, hệ thống độc đảng của họ sẽ bị mất, cơ hội làm giầu cho cá nhân cũng không còn. Trong khi dân chúng Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ tiếp tay vào việc cải tổ kinh tế để mang lại cơm no áo ấm cho toàn dân thì chế độ công an trị vẫn hoành hành nỗi thống khổ của dân gian. Nhà cầm quyền Hà Nội lại đổ lỗi lên sự chống đối của người Việt hải ngoại để gây mối bất hòa giữa dân chúng trong và ngoài nước. Vì thế, bác sĩ Quế đã khuyến khích chúng ta không nên gây áp lực để xem Hà Nội có còn lý do nào khác chăng.
Bác sĩ Quế giải thích thêm rằng tất cả các quốc gia trên thế giới có hai con đường để sống trong kỷ nguyên mới này: Họ có thể mở rộng cửa và gia nhập nền kinh tế thế giới để tồn tại hoặc họ có thể đóng kín cửa và tự chết dần. Đáng tiếc, Cộng Sản Việt Nam lại chọn con đường thứ hai khiến kinh tế Việt Nam lúc nào cũng ngắc ngoải. Theo bác sĩ Quế, việc Hà Nội đồng ý ký thương ước sẽ đem lợi chứ không hại cho việc đấu tranh của chúng ta.

Trong phần phát biểu ý kiến của buổi họp, Cụ Huỳnh Thành Hưng tường thuật rằng trong buổi hội thảo với đại diện của Hội Nghị Liên Kết Người Việt Tự Do, Tòa Bạch Ốc cũng đã nêu lên 3 điểm tương đồng với lý luận của bác sĩ Quế. Đó là khi đồng ý ký thương ước, Hà Nội sẽ phải chấp nhận (1) tư hữu hóa các công ty quốc doanh; (2) bình đẳng hóa quyền sở hữu của các công ty đầu tư ngoại quốc; và (3) bình đẳng hóa quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Tòa Bạch Ốc cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ không thay đổi những điều kiện này và bản thương ước chỉ có giá trị trong 1 năm. Dựa vào đó, Hoa Kỳ sẽ duyệt xét tiến trình hoạt động cũng như khả năng giữ lời hứa của Hà Nội để định việc tái ước.
Trước khi sang phần thảo luận về tổ chức Ngày Nhân Quyền, bác sĩ Quân đã nhắc lại quan điểm của Cao Trào Nhân Bản như ông đã nhấn mạnh với phóng viên của đài VOA qua cuộc phỏng vấn với Lê Văn. Đó là Cao Trào Nhân Bản không thay đổi lập trường hoạt động và luôn luôn chủ trương tranh đấu cho dân chủ. Vì thế, trước những phản ứng của quần chúng về ý kiến của bác sĩ Quế, bác sĩ Quân xác nhận rằng Cao Trào Nhân Bản sẵn sàng đón nhận và luôn tôn trọng những ý kiến thuận nghịch của mọi người vì tất cả đều là những ý kiến xây dựng. Cao Trào Nhân Bản luôn tin tưởng vào sự xét đoán chân chính của dư luận quần chúng. Bằng chứng hiển nhiên là bác sĩ Quế vẫn được các Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu Hoa Kỳ ủng hộ và đề cử cho giải Nobel Hòa Bình. Thêm vào đó, Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng được đề cử cho giải thưởng này. Đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ của chúng ta, điều này sẽ khiến thế giới chú trọng tới Việt Nam nhiều hơn.
Cuối cùng, buổi họp được chuyển sang phần bàn thảo việc tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền cho năm thứ sáu này. Ban Điều Hành của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản Việt Nam sẽ thành lập một ủy ban điều nghiên để đảm nhận trách nhiệm tổ chức ngày kỷ niệm này. Chúng ta vừa bước vào một kỷ nguyên mới, cho nên nguyện vọng của mọi người là có thể tổ chức một ngày kỷ niệm đặc biệt để đánh dấu bước đầu của truyền thống này trong thiên niên kỷ mới. Như mọi năm, buổi hội thảo cho Ngày Nhân Quyền vẫn được tổ chức tại Quốc Hội. Những chi tiết khác sẽ thuộc về quyền quyết định của ủy ban điều nghiên.
Dù tổ chức hằng năm vẫn được sự ủng hộ của Hội Y Sĩ và cộng đồng người Việt khắp nơi, điều cần thiết vẫn là làm sao có thể cổ võ đồng bào hỗ trợ đồng tiếp sức để chúng ta có một ngày hội rất lớn để đời. Các vị hội viên cũng đã nêu lên rất nhiều ý kiến hay như thêm vào một buổi hội thảo cho tuổi trẻ và ngay cả cho người Hoa Kỳ để làm sáng tỏ chính nghĩa của chiến tranh Việt Nam. Thanh thiếu niên Việt Nam sanh trưởng tại hải ngoại không được trang bị đầy đủ kiến thức về lịch sử và chiến tranh Việt Nam vì thế họ sẽ không có đủ khả năng để tranh luận với sinh viên du học do Cộng Sản Việt Nam gởi sang. Thêm vào đó, sách vở và tài liệu về lịch sử và chiến tranh Việt Nam không dựa trên những dữ kiện chính xác và có khuynh hướng thiên Cộng. Đây sẽ là một cái họa lớn cho tương lai lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản Việt Nam cũng mong muốn thành lập một cơ quan ngôn luận để giải quyết những thắc mắc của đồng bào hầu tránh gây ra những hiểu lầm tai hại về sau. Dĩ nhiên, vấn đề khó khăn ở đây vẫn là nhân lực. Vì thế, Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản Việt Nam ước mong đón nhận sự đóng góp của đồng bào ở khắp mọi nơi.

(Lê Thùy Lan)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.